TỌA ĐÀM "LAN KHAI – TIẾNG GỌI CỦA RỪNG THẲM"
( 23-07-2017 - 09:00 PM ) - Lượt xem: 937
Ngày 9/7/2017, Toạ đàm "Lan Khai - Tiếng gọi của rừng thẳm" với sự tham dự của cháu nội nhà văn Lan Khai - anh Nguyễn Quốc Tuấn, PGS.TS Trần Mạnh Tiến từ Hà Nội, cùng các thành viên CLB tại CLB Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Ngày 9/7/2017, Toạ đàm "Lan Khai - Tiếng gọi của rừng thẳm" với sự tham dự của cháu nội nhà văn Lan Khai - anh Nguyễn Quốc Tuấn, PGS.TS Trần Mạnh Tiến từ Hà Nội, cùng các thành viên CLB tại CLB Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Mở đầu chương trình, chủ nhiệm CLB Phạm Thế Cường giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Lan Khai.
Lan Khai (1906 – 1945), tên thật là Nguyễn Đình Khải, thuở nhỏ sống gần gũi với các dân tộc Tày, Nùng, Dao,... Ông được xem là “một cây bút sung mãn, một nhà văn “đường rừng” sáng giá. Dù ở thể loại nào ngòi bút của ông vẫn thuyết được cảm tình và lí tính của độc giả. Đặc sắc nhất vẫn là ở lĩnh vực sáng tác hiện thực về đời sống miền núi”.
Năm 1928, Lan Khai in Nước Hồ Gươm do Nhật Nam xuất bản, đây là một tiểu thuyết tâm lý xã hội cũng là tác phẩm đầu tiên của ông. Cuối năm này, ông tham gia Quốc Dân Đảng của lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Sau đó, ông bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, nhờ cha mẹ cứu thoát chết.
Ra tù, Lan Khai chuyên tâm vào sáng tác, nghiên cứu, dịch sách, sưu tầm văn học và dạy học. Tham gia viết báo: Loa, Ngọ báo, Đông Phương, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ Thông bán nguyệt san,... với các bút danh: Lan Khai, Lâm Tuyền Khách. Năm 1939, ông làm Tổng thư ký tạp chí Tao đàn của nhà xuất bản Tân Dân.
Ngoài ra, ông còn làm diễn viên nghiệp dư trong các vở tuồng và kịch lịch sử tại Nhà hát lớn Hà Nội, làm diễn giả thường xuyên của Hội Trí tri, cộng tác với Hội truyền bá quốc ngữ của Nguyễn Văn Tố...
Lan Khai lại vào tù một lần nữa vì viết Lầm Than. Cuối năm 1943, sau khi ra tù, ông về lại quê nhà mở hiệu sách Lan Đình bán các loại sách báo, tiếp tục viết văn, dạy học và vẽ truyền thần. Cùng thời gian này, ông gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc ở Hà Nội. Sau đó, cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông và con trai tham gia tích cực vào cuộc cách mạng.
Nhưng đến đầu tháng 9/ 1945, ông được ủy ban Lâm thời tỉnh Tuyên Quang gọi lên có việc, trên đường đi ông mất tích. Đến 60 năm sau, gia đình ông mới tìm được hài cốt.
Vũ Ngọc Phan từng đánh giá cao về tiểu thuyết Lan Khai: “Lan Khai là một lão tướng trong làng tiểu thuyết đang gắng tìm đường mới, nhưng trước khi ông tới đích, người ta không thể quên lối cũ của ông, lối tiểu thuyết truyền kỳ nó đã làm cho ông được một hồi nổi tiếng”.
GS Phạm Thế Ngũ chú ý và đề cao bút pháp Lan Khai:
“Trong những nhà văn của nhóm Tân Dân, có lẽ Lan Khai là cây bút biết tự săn sóc và có nhiều đức tính văn chương hơn cả. Ở những trang viết kỹ càng, ta thấy một bút pháp thật già giặn, điêu luyện. Ông có một trí quan sát tinh tế, có một số vốn ngôn ngữ chuẩn xác, khúc chiết, nhiều khi giàu những hình ảnh rất tân kỳ... Ở tiểu thuyết đường rừng, ông thường huyễn hoặc người đọc bằng những bức tranh thiên nhiên đầy những ấn tượng hình sắc và âm thanh. Về tiểu thuyết lịch sử, Trương Tửu khen ông sở trường khi tả những cảnh oanh liệt và những cảnh say sưa ái tình... Về tiểu thuyết xã hội, ông khá thành công trong truyện “Cô Dung” và “Lầm than”...”
Sau khi giới thiệu sơ lược đôi nét về văn nghiệp Lan Khai, chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã kết nối trực tuyến để giao lưu với PGS.TS Trần Mạnh Tiến từ Hà Nội. PGS.TS Trần Mạnh Tiến hiện đang công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là người có nghiên cứu sâu sắc về Lan Khai trong nhiều năm qua.
PGS.TS Trần Mạnh Tiến chia sẻ, nhà văn Lan Khai trước hết là một người yêu nước qua các hành động như: tham gia biểu tình để tang Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, tham gia Quốc Dân Đảng của lãnh tụ Nguyễn Thái Học...
Ông còn là “nhà văn hiện thực xuất sắc” với các tác phẩm gây tiếng vang như: Lầm than, Mồ hôi máu,... như Lời giới thiệu cuốn Lầm Than, Trần Huy Liệu viết: “Các bạn đọc sách này, nếu ai đã từng sống trong cảnh lầm than ở giữa dân chúng, các bạn sẽ nhận thấy những tình cảm, những phong tục cho đến những tâm lý của đám dân nghèo mà tác giả đã mô tả rất đúng”.
Ngoài ra, chúng ta còn biết đến một Lan Khai - Nhà văn đường rừng: “Lan Khai được mệnh danh là Nhà văn đường rừng, bởi ông biết ẩn mình vào phong tục tập quán của nhiều dân tộc thiểu số về cư trú, lao động, sinh hoạt, vui chơi, tín ngưỡng, trang phục, hôn nhân và những nét tâm lý riêng của mỗi cộng đồng sắc tộc”. Năm 1936, tiểu thuyết “Tiếng gọi của rừng thẳm” của Lan Khai được Hội Trí tri trao giải nhất và “sự xuất hiện các truyện đường rừng của Lan Khai là hiện tượng mới trong đời sống văn học”.
Về tiểu thuyết lịch sử: “Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai bao quát nhiều sự kiện, nhưng ông chú ý hơn vào những triều đại có nhiều biến động như Lý, Trần, Lê, không chỉ nhằm tái hiện danh nhân và sự kiện mà khám phá từng con người với số phận riêng”
PGS.TS Trần Mạnh Tiến còn đề cập đến Lan Khai – Nhà văn viết truyện ngắn, ký, thơ ca và dịch thuật, cung cấp nhiều thông tin quý báu về Lan Khai mà nhiều người còn chưa biết đến.
Trong buổi giao lưu còn có sự tham dự của nhà văn Vũ Hùng, ông bày tỏ niềm yêu mến văn Lan Khai – một nhà văn mà ông đã đọc từ khi còn nhỏ và nhắc nhớ Thế Lữ cũng có các truyện đường rừng đáng chú, ông phát biểu: “Trong văn học đâu cần nhiều tác phẩm, chỉ cần một điều gì đó giá trị có tác động sâu xa đến người đọc, đến xã hội”.
Đồng tình với những kiến của của PGS.TS Trần Mạnh Tiến và nhà văn Vũ Hùng, PGS. TS Đoàn Trọng Huy còn nhấn mạnh nhà văn Lan Khai là “một gương mặt cấp tiến trên văn đàn hiện đại” ở 4 mảng: Lí luận văn học, tiểu thuyết lịch sử, truyện đường rừng và truyện xã hội. Ông nói thêm, Lan Khai là nhà văn độc lập, chân thực với chính mình, phê bình chính xác, tả thiên nhiên thân thiện, có quan niệm hiện đại.
Sau những ý kiến cũng như đánh giá cao về văn nghiệp Lan Khai là chia sẻ của cháu nội Nguyễn Quốc Tuấn về công cuộc đi tìm hài cốt ông và tấm lòng dành cho CLB.
Chủ nhiệm Phạm Thế Cường cũng nói rõ thêm về tình bạn của nhà văn Lan Khai với Lê Văn Trương và các bài viết về Lan Khai từ trước đến nay.
Chủ nhiệm CLB cũng trân thành cám ơn ông Nguyễn Quốc Tuấn, PGS Trần Mạnh Tiến đã tham dự tọa đàm và tặng các tác phẩm của Lan khai cho CLB góp phần làm phong phú cho bộ sưu tập về Lan Khai của tủ sách Tác giả - tác phẩm của CLB
Phần 2 của chương trình, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường giới thiệu sách: Sương khói mắt người của Nhà văn Phan Đạt Minh, 3 tập sách nhà văn Vũ Hùng: Đò trăng, Cuối đời nhìn lại, Mây trôi đã dành tặng CLB. Đồng thời giới thiệu các tác phẩm: Hồi ký Nước chảy dưới chân cầu của TS Lê Vinh Quốc, Lũy tre rì rào của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã được đăng trên trang web của CLB.
Kết thúc chương trình, chủ nhiệm Phạm Thế Cường thông báo về Buổi sinh hoạt kỳ tháng 8 với chủ đề về nhà văn Nguyễn Quang Sáng, mong nhận các bài viết của các thành viên, công tác viên để buổi sinh hoạt có nhiều nội dung phong phú.
VÂN ANH