NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

Tháng 9, nhớ người dựng Lễ đài Độc lập

( 21-09-2018 - 07:15 PM ) - Lượt xem: 776

Nhân kỷ niệm lần thứ 73 Quốc Khánh 2-9 và 105 năm ngày sinh của nhà hoạt động văn hóa Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), sáng chủ nhật ngày 09/9/2018, tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm "Tháng 9, nhớ người dựng Lễ đài Độc lập", đồng thời phát hành ấn phẩm Người Yêu Sách số đặc biệt mang tựa đề "Nguyễn Hữu Đang - trang viết trang đời".

Về tham dự có hơn 20 thành viên CLBNYS.

Mở đầu buổi tọa đàm, chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nhà hoạt động văn hóa Nguyễn Hữu Đang (bí danh Phạm Đình Thái). Nguyễn Hữu Đang  sinh ngày 15/8/1913 tại làng Trà Vy, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình khi đất nước ta còn là thuộc địa của thực dân Pháp. Kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, ông sớm tham gia hoạt động trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc thành lập). Cuối năm 1930, ông bị Pháp bắt giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình, rồi bị đưa ra tòa xét xử, nhưng được tha vì chưa đến tuổi thành niên. Sau đó, ông lên Hà Nội theo học Trường Cao đẳng Sư phạm. Tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông dương do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động (1936-1939) trên lĩnh vực báo chí, viết và làm biên tập viên cho các báo Thời báo, Ngày mới, Tin tức. Hoạt động công khai ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang là đồng chí thân thiết của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu…

Nhà giáo Xuân Tư phát biểu tại buổi tọa đàm

Từ năm 1938 đến1945, Nguyễn Hữu Đang hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ và Hội Văn Hoá Cứu Quốc trong Mặt trận Việt Minh. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm giao làm Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) trong ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình lịch sử. Buổi lễ thành công vang dội đã gắn liền tên tuổi Nguyễn Hữu Đang với nền Độc lập-Tự do của Tổ Quốc. Tiếp theo đó, ông cũng tổ chức thành công Hội nghị Văn hoá Cứu quốc lần thứ nhất tháng 11/1946. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Hữu Đang lại góp công lớn trong việc tổ chức các phong trào Thanh niên Xung phongBình dân học vụ. Toàn tâm toàn ý phục vụ Cách mạng với câu nói “ May tôi đến với cách mạng, cách mạng cho tôi biết đúng sai”, Nguyễn Hữu Đang là một nhà hoạt động xã hội xuất sắc, có uy tín lớn và là nhà báo luôn đưa những quan điểm văn hoá của Đảng trên báo chí cách mạng để giác ngộ quần chúng nhân dân theo cách mạng. Năm 1947 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1956, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm (NVGP) để bảo vệ những giá trị nhân văn về văn hóa-chính trị của nước Việt Nam DCCH chống lại chủ nghĩa Mao coi “chính trị là thống soái” đang thịnh hành trong giới lãnh đạo Đảng và nhà nước ta. Do đó, tháng 4/1958 ông bị bắt và ngày 21/6/1960 bị đưa ra tòa với bản án 15 năm tù về tội “phá hoại chính trị”. Năm 1973 được trả về theo diện “Đại xá chính trị phạm” trong Hiệp định Paris và bị quản chế ở Thái Bình. Năm 1989 ông được phục hồi danh dự cùng với nhóm NVGP, được lãnh lương hưu và cấp nhà ở. Từ năm 1993 ông về sống ở Hà Nội cho đến khi qua đời vào ngày 08-2-2007.

Nguyễn Hữu Đang là người có công lao to lớn với cách mạng nhưng còn ít người biết đến; và cũng không ít người biết mà vẫn hiểu sai về ông. Sau khi Nguyễn Hữu Đang qua đời, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được làm sáng tỏ qua những nguồn tư liệu phong phú được đưa ra ánh sáng, bao gồm các tác phẩm của chính ông cùng các bài viết hoặc nói về ông của các đồng chí đồng nghiệp và giới nghiên cứu. Nguồn tư liệu đó đã hợp thành cuốn sách “Nguyễn Hữu Đang-trang viết trang đời” do Nguyễn Huy Thắng biên soạn và CLBNYS ấn hành năm 2018.

 Thảo luận về nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang, toàn thể cử tọa đã chia sẻ sâu sắc về tài năng, nhân cách, vận mệnh chìm nổi đầy vinh quang và cay đắng của ông trong sự nghiệp cách mạng vì nước vì dân.

 TS Lê Vinh Quốc khẳng định Nguyễn Hữu Đang không chỉ là nhà báo, nhà hoạt động xã hội giỏi mà còn là nhà chính luận xuất sắc với những công trình khảo cứu có giá trị rất cao, thể hiện tinh thần tự do-dân chủ theo hệ tư tưởng nhân quyền mà Hồ Chủ Tịch đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của nước Việt Nam DCCH. Nguyễn Hữu Đang có sức cuốn hút kỳ lạ, nên ông luôn trở thành nhân tố tích cực và là trung tâm của mọi tổ chức và phong trào cách mạng. Ông là người dám dấn thân, dám đấu tranh, dám thể hiện và chứng minh tính đúng đắn trong quan điểm của mình. Chính vì vậy ông đã bị hiểu lầm và bị 30 năm tù đày; “Có lúc bị xóa bỏ và chìm vào quên lãng, rồi lại được phục hồi với tư cách một nhà lão thành cách mạng”; “Bằng chính cuộc đời mình, Nguyễn Hữu Đang đã khẳng định nhân cách cao quý và bản lĩnh phi thường của một người trí thức cách mạng”.

 PGS Lê Sơn kể về một số nhân vật thuộc loại “con buôn chính trị” trong Đảng và nhà nước ta, để so sánh và khẳng định Nguyễn Hữu Đang là một người cộng sản chân chính, một nhà cải cách chân chính, một nhà văn hóa lớn và là một nhà giáo dục tiên tiến mà ngay từ năm 1945 đã đưa ra  những tư tưởng giáo dục tiến bộ còn giá trị đến ngày nay. Nguyễn Hữu Đang không phải là phần tử phản động chống Đảng, mà ông chính là người bảo vệ Đảng theo chân lý về tự do - dân chủ.

 Nhà giáo Xuân Tư đã xúc động nhắc lại câu nói đầy khích lệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao Nguyễn Hữu Đang dựng lễ đài Tuyên ngôn Độc lập với thời gian hết sức gấp gáp với trang thiết bị thiếu thốn: "Có khó mới giao cho chú". Bằng tài tổ chức của mình, Nguyễn Hữu Đang đã kêu gọi được nhiều nhà tư sản đương thời ủng hộ. Nhờ đó, ngày 30/8 đã dựng xong lễ đài để ngày 31/8 Trung ương Đảng duyệt. Trong ngày Lễ 2/9, thừa lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyển Hữu Đang đã mời các vị chức sắc tôn giáo: “Thưa các vị chức sắc tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời các vị đứng gần lên lễ đài”, mọi người đã vỗ tay và ào ào tiến đến lễ đài.Báo chí thế giới nhận định: hơn một thông điệp 10 trang giấy, chỉ một câu nói ngắn gọn mà sâu sắc ấy đã thu hút  mãnh liệt dư luận tin theo quyền tự do tôn giáo do chính cụ Hồ khẳng định. Nhà giáo Xuân Tư bày tỏ lòng ngưỡng mộ tư cách, bản lĩnh của Nguyễn Hữu Đang và chia sẻ về những nổi oan đã được minh tuyết của ông.

 Chủ nhiệm Phạm Thế Cường giới thiệu cuốn “Nguyễn Hữu Đang-trang viết trang đời” do CLBNYStái bản có bổ sung thêm nhiều bài viết và tư liệu của Nguyễn Hữu Đang và của các nhà nghiên cứu khác. Ông đề nghị các thành viên CLBNYS đọc sách này để có thêm những thông tin chính xác, hiểu thêm bi kịch của một nhà cách mạng nhiệt thành. Tiếp đó, ông đi sâu phân tích tác phẩm của Nguyễn Hữu Đang viết về “Phương pháp và cách thức dạy vỡ lòng chữ Quốc ngữ” do Bình dân học vụ phát hành ở Hà Nội năm 1946: “Theo đề nghị của hai ông Hoàng Xuân Hãn và Trần Văn Giáp, từ năm 1938 đến năm 1945, Hội truyền bá quốc ngữ đã đem phương pháp và cách thức này thí nghiệm được kết quả mỹ mãn. Mỗi khóa học của Hội là bốn tháng, nhưng tất cả chỉ dạy có 80 giờ. Như vậy, một người học trò không tối dạ lắm, nếu được học đều đều mỗi ngày 4 tiếng đồng hồ, thì trong 20 hôm đã đọc được, viết được chữ quốc ngữ.”

Kết thúc buổi tọa đàm, chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã thông báo về kỷ niệm 7 năm thành lập CLBNYS và chủ đề buổi sinh hoạt tháng 10 năm 2018: “Họa sĩ Mạnh Quỳnh và nhà nhiếp ảnhTrần văn Lưu” sẽ được tổ chức vào ngày 0710/2018.

                                                                                                                                NGỌC DUNG

Các Bài viết khác