HỌP MẶT KỶ NIỆM 6 NĂM THÀNH LẬP CLB NGƯỜI YÊU SÁCH NGUYỄN HUY TƯỞNG VÀ TỌA ĐÀM “NGUYỄN TRIỆU LUẬT - THỨC DẬY LÒNG YÊU NƯỚC”
( 13-10-2017 - 12:03 AM ) - Lượt xem: 957
Nhân kỷ niệm 6 năm ngày thành lập Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS), cuộc họp mặt và tọa đàm văn học về “Nguyễn Triệu Luật - cha đẻ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam” đã được tổ chức vào sáng ngày 08-10-2017 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, P. 11, Gò Vấp, Tp.HCM).
Về tham dự có ông Nguyễn Huy Thắng nguyên Phó giám đốc Tổng biên tập NXB Kim Đồng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng hơn 40 thành viên, cộng tác viên và khách mời đã giao lưu cùng nhà giáo Nguyễn Triệu Căn, con trai thứ hai của nhà văn Nguyễn Triệu Luật.
Trong cuộc họp mặt kỷ niệm, Chủ nhiệm câu lạc bộ Phạm Thế Cường đã điểm lại quá trình thành lập và hoạt động của CLB NYS, cảm ơn các thành viên đã luôn đồng hành cùng Ban Chủ nhiệm để đạt được những thành tựu đáng khích lệ của ngày hôm nay. Các đại biểu đã tặng hoa, tặng quà cho CLB; riêng doanh nhân Nguyễn Chí Cư đã tặng cả một bữa tiệc mừng CLBNYS.
Chuyển sang phần tọa đàm văn học, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường đã giới thiệu sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Triệu Luật (1903 – 1946). Với 2 bút hiệu quen thuộc là Dật Lang và Phất Văn Nữ Sĩ, nhà văn Nguyễn Triệu Luật được sinh ra tại quê nhà ở làng Du Lâm (nay thuộc xã Mai Lâm), huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ông là cháu nội của vị đại nho đồng thời là tác gia văn học lớn cuối thế kỷ XIX Nguyễn Tư Giản (1823-1890). Là nhà giáo, nhà văn kiêm nhà báo, Nguyễn Triệu Luật đã khai mở dòng sáng tác tiểu thuyết lịch sử, tái hiện lịch sử bằng hư cấu dựa trên cơ sở hiện thực để độc giả đọc và hiểu về đất nước và con người Thăng Long thời xa xưa. Ông là tác giả của các tiểu thuyết lịch sử: Hòm đựng người, Bà chúa chè, Loạn kêu binh, Chúa Trịnh Khải..... Vào năm 2011, thứ nam của Nguyễn Triệu Luật là Nguyễn Triệu Căn đã sưu tầm và tái bản các tiểu thuyết đó trong Tuyển tập Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật, do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành. Với nhân cách cao thượng của một trí thức yêu nước đa tài, Nguyễn Triệu Luật đã để lại cho dân tộc một sự nghiệp văn chương đặc sắc đa dạng, cùng với một sự nghiệp cách mạng đáng ngưỡng mộ với cái chết bất ngờ đầy bí ẩn mà lịch sử vẫn chưa lý giải được.
Tiếp theo, PGS.TS Đoàn Trọng Huy đã phân tích thêm về con người và tác phẩm của nhà văn Nguyễn Triệu Luật trong sự so sánh với Lan Khai, Nguyễn Huy Tưởng là những tác gia có thành tựu văn chương hàng đầu. Nhờ có vốn hiểu biết sâu về lịch sử cộng với tài tạo dựng, Nguyễn Triệu Luật đã tạo nên những tác phẩm thể hiện được màu sắc, không khí của thời xưa và một tinh thần nhân bản dồi dào sâu sắc; lấy chuyện xưa để nói ngày nay. PGS Huy đặc biệt lưu ý rằng Nguyễn Triệu Luật là người đầu tiên đã tiếp cận chuyên ngành Tâm lý học hiện đại tại Việt Nam.
Với tâm trạng xúc động được tham dự cuộc tọa đàm về người cha đáng kính của mình cùng các thành viên CLB, nhà giáo Nguyễn Triệu Căn đã chia sẻ với cử tọa về những ấn tượng sâu sắc mà cha mình-Nguyễn Triệu Luật đã tạo nên: một người cha xa gia đình suốt năm suốt tháng, với gia tài để lại cho gia đình không phải là quyền lực với tiền bạc, mà là tấm gương sống và chiến đấu. Ông tự hào về người cha của năm anh em, người chồng đầy ân tình kín đáo của mẹ mình. Sau hơn nửa thế kỷ bị lu mờ trong quên lãng, giờ đây tên tuổi Nguyễn Triệu Luật đã được nhiều hội thảo đánh giá cao, nhất là mảng sáng tác tiểu thuyết lịch sử. Nhắc đến những kỷ niệm trong lần đầu tiên được vào Sài Gòn thăm người anh cả của mình đã sống ở đây từ lâu, Nguyễn Triệu Căn vui mừng được biết ở quận Bình Tân đã có con đường mang tên Nguyễn Triệu Luật. Kỷ niệm này đã thôi thúc nhà giáo Nguyễn Triệu Căn tiến hành sưu tầm để in ấn và xuất bản lại các tác phẩm của cha mình.
Ông Nguyễn Triệu Căn giao lưu với câu lạc bộ
Độc giả lão thành Nguyễn Đình Bốn bày tỏ lòng cảm phục với việc làm của nhà giáo Nguyễn Triệu Căn đối với sự nghiệp văn chương của cha mình. Thành viên trẻ tuổi Nguyễn Văn Việt (Chân Kiến Văn) đến từ Hà Nội nói lên tâm sự của một người con Thủ đô đã nhiều lần đến với CLB NYS để gặp những người bạn yêu quý cùng chia sẻ niềm vui đọc sách. Coi Nguyễn Triệu Luật như một nhà Hà Nội học, cứ mỗi lần vào Sài Gòn để đến với CLBNYS, Nguyễn Văn Việt luôn mang theo một tập sách của Nguyễn Triệu Luật để đọc cho nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà ở Hà Nội.
Với tư cách một người thân trong gia đình nhà văn Nguyễn Triệu Luật (gọi Nguyễn Triệu Căn bằng chú), anh Nguyễn Huy Thắng đã xúc động bày tỏ lòng cảm kích về sự có mặt của các thành viên CLB và khách mời đã đến tham dự kỷ niệm 6 năm thành lập CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng và cuộc tọa đàm về Nguyễn Triệu Luật để hiểu thêm về giá trị của một nhà văn đáng kính đã bị quên lãng một thời gian dài. Nguyễn Huy Thắng thông báo rằng NXB Kim Đồng đang tiến hành in một bộ sách mới về Nguyễn Triệu Luật.
Doanh nhân Nguyễn Chí Cư mong muốn CLB NYS chọn lọc một nhà văn Việt nam ở hải ngoại đã qua đời để đưa vào chủ đề sinh hoạt định kỳ của CLB. Chủ nhiệm Phạm Thế Cường coi đây là ý tưởng tốt, CLB sẽ xem xét để đưa vào chương trình hoạt động.
Nhiếp ảnh gia Trần Quốc Hải đóng góp một số chuyện vui văn học và một bài kèn harmonica theo ca khúc Tiến về Hà Nội của Văn Cao. Bà Giáng Vân, con gái nhà văn Lê Văn Trương, nhớ lại kỷ niệm xưa khi mình được diễn vai Trần Bình Trọng trong một vở kịch lịch sử và đã ngâm thơ rất hay.
Cuối buổi tọa đàm đã có phần trao tặng sách giữa nhà giáo Nguyễn Triệu Căn với CLBNYS và với PGS.TS Đoàn Trọng Huy. PGS Huy cũng trao tặng nhà giáo Nguyễn Triệu Căn cuốn sách của mình viết về “Niềm thơ Hồ Chí Minh”.
Kết thúc chương trình, chủ nhiệm Phạm Thế Cường thông báo chủ đề buổi sinh hoạt ngày 05/11/2017 giới thiệu về NXB Mai Lĩnh và mong nhận được các bài viết của các thành viên, cộng tác viên về nhà thơ Phạm Tiến Duật.
NGỌC DUNG