PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY NGƯỜI BẠN LỚN CỦA CHÚNG TA
( 07-09-2023 - 11:12 AM ) - Lượt xem: 699
Vào lúc 8 giờ 30 ngày 03/9/2023, tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp,Tp.HCM), CLB người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLB NYS) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm về một nhà giáo lão thành, nhà nghiên cứu văn học với chuyên đề “PGS.TS Đoàn Trọng Huy người bạn lớn của chúng ta” để chúc mừng PGS.TS Đoàn Trọng Huy (PGS) bước vào tuổi 90 và ghi nhận những đóng góp của PGS cho sự nghiêp giáo dục nói chung và trong 10 năm tham gia CLBNYS nói riêng, tác giả của trên 800 công trình, tác phẩm tài liệu (xuất bản tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha).
Buổi họp mặt đã được tổ chức trân trọng, có lẵng hoa chúc mừng PGS của CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng, Khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhà văn Phùng Thanh Vân và gia đình Chủ nhiệm CLB NYS, ngoài ra PGS còn nhận được quà của nhà thơ Hoàng Hưng (tác phẩm 100 năm Hoàng Cầm, cuốn phô tô thủ bút bản thảo tập Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm); quà của PGS Nguyễn Công Lý, của Doanh nhân Nguyễn Chí Cư, chị Kim Bội... cùng với sự có mặt của: Nhà từ điển học Trần Văn Chánh, người mới cho tái bản bộ từ điển Hán Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại đồ sộ 868 trang với khoảng 9.500 mục từ đơn và hơn 50.000 mục từ kép, PGS.TS Trần Thị Phương Phương, .... và hơn 20 thành viên CLB NYS.
Cùng với một số tác phẩm văn học, sách biên khảo của PGS được trưng bày trên bàn và qua màn hình trình chiếu là Ấn phẩm định kỳ số 125 với các Trang mục để bạn đọc biết thêm về một góc riêng tư của PGS.TS Đoàn Trọng Huy: ĐOÀN TRỌNG HUY VỚI MỖI SỐ MỘT CHÂN DUNG:Nhớ mãi nhà văn, nhà giáo Nguyên Hồng; Đại văn hào Charles Dickens, người kể chuyện vĩ đại;Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn tiên phong tài năng; Nguyễn Huy Tưởng, người nặng lòng với lịch sử dân tộc. ĐOÀN TRỌNG HUY VỚI CLB : Đôi lời tâm sự - Nguyễn Khoa Đăng qua thư, thơ của bạn đọc;Tưởng nhớ bạn Lê Sơn. CLB VỚI PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY: PGS.TS Đoàn Trọng Huy và CLB NYS NHT ( Võ Xuân Tòng);PGS.TS Đoàn Trọng Huy, một thành viên mẫu mực (Phạm Thế Cường);Ấn tượng Đoàn Trọng Huy ( Nguyễn Huy Thắng);PGS.TS Đoàn Trọng Huy, một con người tài năng (Vũ Đức Vinh);Bác Huy, một nhà trí thức (Phùng Văn Vinh);Bác Huy và bàn trà CLB (Võ Xuân Tòng);Đoàn Trọng Huy, người thầy, người ông đáng kính (Quỳnh Vân);Tôi được là học trò thầy Huy (Huỳnh Thị Thành);Toả bóng (Kiến Văn);PGS.TS Đoàn Trọng Huy, nguồn động lực lớn của thành viên CLB NYS NHT (Ngọc Dung). NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN: Dấu ấn nhóm Hàn Thuyên với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (Nguyễn Huy Thắng);Về nguồn trên đất Vĩnh Yên (Nguyễn Huy Thắng). HỒ SƠ TƯ LIỆU: “Miền thơ ấu” đã được viết như thế nào (Vũ My Lan);Đêm nhục hình (Nguyễn Hữu Đang).
Mở đầu, Chủ nhiệm Phạm Thế Cường (CN PTC) thay mặt CLB NYS đã chúc mừng PGS - Tiến sĩ Đoàn Trọng Huy (PGS) nhân dịp PGS bước vào tuổi “Cửu tuần khánh tuế” và giới thiệu khái quát về nhân thân PGS: PGS.TS Đoàn Trọng Huy sinh ngày 12/10/1934 tại Hà Nội, nguyên là Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Thân phụ của PGS là cụ Đoàn Trọng Đông sinh năm 1903, quê Hải Yến -Tiên Lữ - Hưng Yên, là một nhà giáo trọn đời cho sự nghiệp giáo dục; thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Nghi người Hà Nội, ở làng Bưởi - nghĩa Đô. Hai cụ lập nghiệp ở Hà Nội, sinh được hai người con là Đoàn Trọng Huy và gái út là Đoàn Mộng Thành, hai anh em PGS nối nghiệp cha trở thành nhà giáo cho đến lúc về hưu. PGS là thầy của một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ... PGS đã tham gia giảng dạy tại trường Đại học từ năm 26 tuổi, có trên 40 năm là giảng viên Đại học, chuyên gia, cố vấn cấp cao cho trường Đại học trong và ngoài nước, ba lần được cử đi làm chuyên gia giáo dục ở Cộng hòa Angola và CHDCND Lào. PGS bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên” năm 1994, đươc phong hàm PGS năm 1996, và vào Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1960. Ngoài tiếng Pháp & Anh được học từ phổ thông ở trường Bưởi (sau này là Chu Văn An) và chữ Hán khi sang Trung Quốc, ông còn học thêm tiếng Nga và tiếng Bồ Đào Nha. Nhờ vốn tiếng Anh-Pháp-Bồ ông đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ ở nước ngoài, để lại cho nước Cộng hòa Angola Bộ giáo trình viết bằng tiếng Bồ Đào Nha.Từ lúc khởi đầu 1953 đến khi nghỉ hưu năm 2003 là 50 năm, PGS.TS Đoàn Trọng Huy liên tục nhận và làm tròn chức trách chuyên môn và nghĩa vụ quản lý. Ông từng đảm nhận: 8 năm làm giáo viên, Hiệu trưởng trường Sư phạm Sơ cấp (Tây Bắc); 8 và Hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học Ba Đình, Hà Nội; 25 năm làm lãnh đạo, từ Tổ bộ môn đến khoa, rồi Bí thư Đảng ủy Khoa, quyền Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn ĐHSP.Hà Nội; 8 năm làm Trưởng đoàn, bí thư chi bộ Đoàn chuyên gia.
Sự nghiệp 70 năm liên tục giảng dạy và cầm bút đã mang lại cho ông giải thưởng từ Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Ban Tuyên giáo Trung ương cho hai tác phẩm: “Hồ Chí Minh - Niềm thơ cao cả”, năm 2018; “Tố Hữu – Ngọn cờ đầu vẻ vang thơ ca cách mạng”, năm 2020. PGS nhận được bằng khen của Cơ quan Giáo dục nước Cộng hòa Angola và Huy chương Hữu nghị của CHDCND Lào. Ngoài ra ông còn có những khen thưởng khác: Kỷ niệm chương kháng chiến; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng I; Huân chương lao động hạng III; Huy hiệu vì sự nghiệp Giáo dục; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Tính đến nay, PGS đã có trên 800 công trình tài liệu, sách báo các loại (tiếng Việt, Anh, Bồ), trong đó có hơn 80 đầu sách, trên 400 bài đăng tạp chí, in sách, kỷ yếu khoa học trong và ngoài nước, chuẩn bị in thêm khoảng 10 cuốn sách đến hết năm 2023 để đạt được 90 đầu sách làm quà cho chính mình vào tuổi 90 tuổi.
Khi vào sinh sống ở Tp.HCM từ 2012; PGS đã tham gia CLB NYS vào tháng 11/2013 - tháng kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng với bài viết “Nguyên Hồng từ cái nhìn thế kỷ” cho tập san. Từ đó đến nay, chỉ trừ thời gian ốm đau bệnh tật, ông đều tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt và thường xuyên đóng góp các bài viết về tác giả - tác phẩm cho tập san hàng tháng. Ông cũng là người đóng góp tham luận nhiều nhất trong các buổi sinh hoạt của CLB NYS. Bài tham luận nào của ông cũng là sợi chỉ xuyên suốt chủ đề sinh hoạt văn chương của CLB NYS. PGS luôn là thành viên tích cực nhấttrong mọi hoạt động của CLB NYS, ông luôn được mọi thành viên trân quý.
Đã có hơn 10 lượt ý kiến phát biểu của:PGS Trần Thị Phương Phương, PGS Nguyễn Công Lý, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, nhà văn Hoàng Hưng, chị Ngọc Dung...ca ngợi sự đóng góp của PGS với CLB và cho nền lý luận văn học nước nhà, một người luôn chia sẻ - sự hiểu biết của mình, và lắng nghe - bình dị như mọi thành viên khác, dù ở vị thế của một bậc trưởng lão. CN PTC đã nhắc lại kỷ niệm ngày đầu tiên PGS đến với CLB NYS, thời điểm mà CLB tập họp được nhiều phó giáo sư, tiến sĩ nhất, mỗi người có sở trường riêng mỗi buổi sáng quây quanh bàn đá tròn cùng các thành viên trà đàm bình luận chuyện thế sự, trao đổi những tác phẩm văn học hay, mới xuất bản. PGS thường hay tặng cho tủ sách của CLB NYS những tác phẩm, những bài viết báo, tạp chí có đăng bài viết của ông đã giúp cho nhiều sinh viên cao học và cử nhân đến thư viện tìm tài liệu học tập nghiên cứu. Anh Phùng Văn Vinh, chia sẻ cảm nhận khi mới tham gia CLB NYS đã rất ấn tượng về ba vị Tiến sỹ là Đoàn Trọng Huy, Lê Sơn và Lê Vinh Quốc. Mỗi người có sở trường riêng và tạo thành thế “chân vạc” trong các chương trình của CLB NYS. Nay chỉ còn PGS Huy còn trụ được và vững chãi như “cây đa cây đề”. Anh ấn tượng trước một vị PGS cao niên với kiến thức sâu rộng và tính chuyên nghiệp cao, tay đã run khi cầm micro nhưng giọng PGS rành rẽ, đầy thuyết phục của một học giả minh triết. Anh đã lãnh hội quan điểm PGS: “Gần đây có những đánh giá khác nhau về tác giả này, tác giả kia! Đó là chuyện thời cuộc, Nhưng mình cũng nhìn nhận cái tốt của người ta”. Nhà thơ Xuân Tòngbày tỏ sự ngưỡng mộ PGS: “Tay run, Tai thính, Mắt tinh, Tư duy sáng suốt”. PGS cần mẫn như bác tiều phu già vào rừng hái củi, hàng ngày tải con chữ vào máy vi tính để thắp lên những trang sách cho thế hệ sau học tập và nghiên cứu. Theo anh, con người ta sẽ để lại cho đời cái gì, sự nghiệp, tiền tài của cải, hay những cuốn sách, tác phẩm? Cái nào giá trị hơn, cái nào lâu bền hơn? Có thể khắc lên bia mộ cái gì?.
Tiếp theo, PGS - Tiến sĩ Đoàn Trọng Huy đã có đôi lời cảm ơn CLB NYS đã tạo điều kiện cho ông tìm hiểu và viết thêm được nhiều vấn đề về văn học, văn hóa và các tác giả, tác phẩm với những gương mặt, phong cách đa dạng. Cảm ơn CLB NYS đã dành cho PGS một sự tri ân đặc biệt ngày hôm nay. Theo PGS: “Sự nghiệp giáo dục Đại học là một dấu ấn đáng ghi nhớ của một chặng đời”, ông xem mình là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, nên không màng con đường công danh đi lên bằng chính trị và rút ra bài học quý giá, muốn có được bốn thành: thành tích, thành công, thành danh và thành đạt ở vào hàng đỉnh cao của nghề nghiệp phải có bốn thực: thực học , thực hành, thực danh và thực nghiệp. PGS tự nhận mình chỉ là con cá rô, cá diếc tung tăng ở chốn ao làng, thi thoảng may mắn ra tận sông ngòi, và đôi lần vũng vẫy ở biển lớn. “Thời gian là điều kiện cực kỳ quan trọng cho nung nấu, tư duy trải nghiệm và tạo thành sản phẩm trí tuệ. Thời gian hiểu rộng là thời giờ, rộng ra nữa là thời cơ, thời điểm. Nhất là với một công trình như bài nghiên cứu, bài báo hoặc một cuốn giáo trình, tập phê bình tiểu luận văn học in ra (...) Từ một bản thảo đến một trang sách in là cả một hành trình đầy hứng thú nhưng cũng thật gian lao và vất vả của nghề văn, nghiệp viết”. Và để trả lời câu hỏi của các thành viên: Xuân Tòng, Anh Tuấn, Phùng Vinh- những tác phẩm nào PGS ưng ý nhất? theo ông, sách nhiều nhưng cần chất lượng là chính yếu, hy vọng có được 3 cuốn sách “để đời”. Đó là các cuốn về Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên có quy mô lớn (600 – 700 trang) và hình thức đẹp (bìa cứng, gáy tròn, chữ mạ vàng).Theo PGS, trong sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của mình “Thu hoạch lớn nhất là Tình nghĩa thầy trò”. Ở đấy, không chỉ là thầy-trò trong giảng dạy, mà còn gặp nhau ở chuyện viết sách và trao đổi tri thức với các thế hệ học trò. PGS còn chia sẻ thêm với cử tọa cách để sống an nhiên: - Dưỡng sinh về thể chất: tập luyện, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Dưỡng sinh về mặt tinh thần: sống tử tế, coi trọng tình bạn, duy trì ý chí, niềm tin; tinh thần vui vẻ, lạc quan. Điều để lại đôi khi chỉ cần một chữ trong lòng bạn đọc là quý, chữ cho đi người nhận nhưng còn lại là cái tình, đó là sự chung thủy có trước có sau. Kết lời, PGS cảm tạ và chúc các thành viên CLB NYS sự minh mẫn, lòng yêu sách luôn đến với mọi người, và đã trân trọng mời các thành viên có mặt dự bữa tiệc sinh nhật thật vui.
Kết thúc buổi tọa đàm, CN PTC thay mặt Ban Chủ nhiệm CLB NYS cảm ơn các thành viên đã về dự, đồng thời thông báo kỳ sinh hoạt tới được tổ chức vào ngày 08/10/2023, kỷ niệm 12 năm thành lập CLB NYS và tọa đàm về “Văn học Nga ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975”.
NGỌC DUNG