BẢN TIN THÁNG 11
( 15-11-2023 - 06:45 PM ) - Lượt xem: 517
Vào lúc 8 giờ 30 ngày 05/11/2023, tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLB NYS) đã tổ chức trọng thể buổi tọa đàm “Nguyễn Khoa Đăng người cài hoa vào quá khứ” để tưởng nhớ cố nhà văn nhân giỗ đầu của ông.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không trí trang trọng, ấm áp và nghĩa tình với gần 40 người tham dự, đặc biệt là có sự hiện diện của những người thân trong gia đình nhà văn: bà Quỳnh Vân - con gái đầu, vợ chồng Nguyễn Đăng Đàn - con trai út và các thầy, cô giáo, bạn bè của gia đình nhà văn và các thành viên CLB NYS.
Cùng với một số bài viết chọn lọc của tác giả, những tư liệu quý hiếm về cuộc đời của ông được trưng bày trên bàn và qua màn hình trình chiếu là Ấn phẩm định kỳ số 127: MỖI SỐ MỘT CHÂN DUNG Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, người cài hoa vào quá khứ (Phạm Thế Cường) -Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng niềm riêng cài vào quá khứ (Lê Thiếu Nhơn) - Nhớ bạn Nguyễn Khoa Đăng… (Đoàn Trọng Huy) - Nguyễn Khoa Đăng dấn thân cống hiến (Trần Quốc Toàn) -Bố và tôi (Quỳnh Vân) -Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng mang Thái Bình đến Phương Nam (Hoàng Minh Tường) -Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng còn mãi với dòng đời (Vũ Đức Vinh) - Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, niềm vui ngày gặp lại (Bùi Thị Biên Linh) -Tình yêu neo đậu trong “Nước mắt một thời”của Nguyễn Khoa Đăng (Lê Thị Ngân)- Hai tác phẩm về một câu chuyện (Phùng Văn Vinh) -Một vài cảm tưởng khi đọc tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (Võ Xuân Tòng) -Từ tuyển tập tiểu thuyết “nước mắt một thời” đến bài thơ tặng vợ của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (Nguyễn Thị Liên Tâm) -Cùng nghĩa chữ “Thầy”(Kim Hoa) - Tính cấp thiết của đề tài (Vũ Thị Thu Trang)-Thương ông quá chừng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng ơi! (Phan Trung Thành) -Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng: viết giữa cơn đau (Huy Thắng) -Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và giải thưởng trong lòng bạn đọc (Nguyễn Trường) -Nhớ Thầy Khoa Đăng(Nguyễn Văn Việt) -Đi Tết thầy (Nguyễn Khoa Đăng)- Nhớ ơn nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (Nguyễn Khoa Đăng) -Xuýt bị kỷ luật vì một bài thơ vui (Nguyễn Khoa Đăng) -Cháu và em (Nguyễn Khoa Đăng) -Sự nghiệp văn học của Nguyễn Khoa Đăng(Sưu tầm); NHẬT KÝ NGUYỄN HUY TƯỞNG Bốn năm sau (Nguyễn Huy Tưởng); NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN Từ một lá thư chép lại;HỒ SƠ TƯ LIỆUChật vật với “Nước mắt một thời”(Quỳnh Vân) TRÊN GIÁ SÁCH CỦA CHÚNG TÔI Đọc “Ngõ tre rì rào” của Nguyễn Khoa Đăng (Biên Linh).
Trong phần phát biểu giới thiệu sự nghiệp văn học của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (NV NKĐ), Chủ nhiệm Phạm thế Cường (CN PTC) đã nhắc lại những kỷ niệm tưởng nhớ khá xúc động: Ông đến với CLB NYS lần đầu tiên trong buổi tọa đàm kỷ niệm 99 năm ngày sinh của nhà văn Vũ Bằng, chủ nhật 3/8/2012; và lần cuối cùng ông đến sinh hoạt là ngày 1/12/2019 tại buổi sinh hoạt về M.Gorky. Tại buổi tọa đàm kỷ niệm 75 năm ngày sinh nhật ông 4/9/2016, nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa có gửi lẵng hoa chúc mừng và một câu thơ "Phụ Khoa mừng chúc Chính Khoa: 75 bác vẫn đang là thanh niên/đời người thế kém gì tiên”.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tên thật là Nguyễn Đăng Khoa, sinh ngày 1/9/1941 tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bút danh: Phạm Hoàng Xá, Vương Thân. Nhà văn từng trải qua công việc dạy học, biên tập sách báo ở Hội Văn nghệ Thái Bình, Hội Văn nghệ Kiên Giang rồi Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang. Năm 1966 ông có bài thơ "Mùa lúa chín" đăng trên báo "Thiếu niên tiền phong" và được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc năm 1970. “Em đi giữa biển vàng” trở thành 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học Giáo dục Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1999-2000. Tập tản văn “Cài hoa vào quá khứ” là những câu chuyện sư phạm mà ông chắt chiu suốt một thập niên đứng trên bục giảng. Sau khi được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành lần đầu tiên vào năm 1993, đã trở thành tác phẩm được tái bản nhiều lần nhất trong sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Những năm đầu 1970 ông được trường cử phụ trách lớp đào tạo những thiếu niên giỏi văn của Thái Bình. Năm 1977 ông được cử tham gia Hội VHNT Kiên Giang và tham gia dạy học, viết văn, đặc biệt ông được Nguyễn Tấn Dũng lúc đó là Bí thư Kiên Giang bổ nhiệm vào ddoàn dự thẩm nhân dân Kiên Giang để giúp bào chữa cho những phận người do không biết pháp luật mà phạm tội.Trong số các vị bào chữa viên nhân dân lúc đó, NKĐ từ thầy giáo cầm bút, thành “thầy cãi” đã cãi nhiều nhất suốt 47 tháng ròng với 216 lần ra tòa. Năm 1993 ông nghỉ hưu về sống ở TP.HCM. Ông tiếp tục cầm bút và có thời gian dài làm cộng tác viên thân thiết của báo Nông nghiệp Việt Nam, phụ trách chuyên mục tư vấn tâm lý và pháp luật cho bạn đọc. Từ những tương tác với độc giả gần xa, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng in tập sách “Cảnh ngứa mắt chốn đông người” xuất bản năm 2006, sau đó là hai cuốn tiểu thuyết về cải cách ruộng đất "Nước mắt một thời" xuất bản năm 2009 và "Hoàng hôn lạnh" xuất bản năm 2011. Tiểu thuyết “Nước mắt một thời” (NXB Hội Nhà văn, 2009) là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Ông mất ngày 25/9/2022 (30/8 AL- Nhâm Dần). Đến nay ông đã có 23 tác phẩm trong đó có 7 truyện dài và tiểu thuyết, 1 tập thơ. Gia tài ông là một khối tài sản về văn chương rất phong phú gắn liền với cuộc đời ông - một con người đa tài:
1. "Khói đốt đồng", tập truyện ngắn, NXB Kiên Giang.
2. "Sự tích Hòn Rùa", truyện thơ.
3. "Đội nón cho cây", tập thơ cho thiếu nhi.
4. "Nước xanh biêng biếc", tập truyện ngắn.
5. "Chuyện riêng của Cẩm Bình", truyện dài.
6. "Trò hề", tập truyện vui.
7. "Nghiệt ngã một cuộc tình", truyện dài, NXB Thanh Niên.
8. “Ngõ tre rì rào”, truyện vừa NXB QĐND.
9. "Tình yêu một thuở", tập truyện ngắn NXB Thanh Niên.
10. "Người bị cáo bên hồ Uyên Ương", NXB Thanh Niên (được tái bản).
11. "Cài hoa vào quá khứ", tập tản văn (tái bản 13 lần, các năm 1996, 1998. 2000, 2003,các NXB Trẻ, Thanh Niên.
12. "Trăm nỗi éo le", truyện trắc nghiệm tâm lý, tập 1 - tập 2, bút danh Vương Thân, NXB Phụ Nữ.
13. "Khóc cười trước vành móng ngựa", tập tản văn,NXB Trẻ.
14. "Ông Hòa Bình", truyện danh nhân, NXB Kim Đồng.
15. "Cảnh ngứa mắt trước đông người", NXB Tp Hồ Chí Minh.
16. "Vẽ lại chân dung cụ Tổ", tập truyện,NXB Văn Học.
17."Nước mắt một thời", tiểu thuyết, NXB Hội nhà Văn.
18. "Hoàng hôn lạnh", tiểu thuyết, NXB Đại học Công nghiệp Tp Hồ Chí Minh (được tái bản).
19. "Khán giả với nhà văn" – đạo diễn phim Minh Chuyên", NXB Văn Học.
20. "Chim mặt người", truyện dài, (được tái bản), NXB Kim Đồng.
21. "Mây chiều bảng lảng",tiểu thuyết, NXB Hội nhà Văn.
22. "Hành trình tìm xác chim cuốc", tiểu thuyết, NXB Hội nhà Văn.
- Các kịch bản phim truyện:
1. "Bài hát không chỉ là nốt nhạc" - Xí nghiệp phim Tổng hợp TP. HCM.
2. "Giai điệu xanh", Xí nghiệp Phim Tổng hợp TP. HCM.
- Ba bài thơ phổ nhạc:
1. Bài thơ "Em đi giữa biển vàng", nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc. Được thiếu nhi cả nước bình là 1 trong 50 bài hát hay cho trẻ em thế kỷ XX.
2. Bài thơ "Cấy lúa xuân". Nhạc sĩ Văn Chung phổ nhạc, được xếp loại "Bài ca đi cùng năm tháng".
3. Bài thơ "Kiên Giang quê em", Bùi Đức Huyên phổ nhạc.
- Hai bài vào sách giáo khoa:
1. Truyện "Đi tết thầy", Văn học lớp 9, phần văn địa phương Thái Bình.
2. "Thẻ mực đêm trăng", sách giáo khoa lớp 5, NXB Giáo dục từ 1980 đến 1990.
- Truyện chuyển thể sang phim truyện:
1. Truyện "Đi tết thầy" chuyển thành phim "Quà năm mới". Chương trình văn nghệ chủ nhật, VTV1 năm 2000. Người chuyển thể Nguyễn Quyền.
2. Truyện "Hai thầy giáo và người hành khất", chuyển thành phim hoạt hình chiếu trên Youtube.
Sau phần mở đầu buổi tọa đàm của CN PTC, các cử tọa đã đứng lên dành 1 phút mặc niệm, để tưởng nhớ cố nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (NKĐ).
Chia sẻ của các cử tọa đều nêu bật những đóng góp của nhà văn với nền văn học hiện đại mà đặc biệt là tác phẩm "Nước mắt một thời" của ông:
Phát biểu với tư cách tưởng nhớ người bạn thân thiết đáng ngưỡng mộ, PGS Đoàn Trọng Huy (PGS) đã nhắc lại ngày CLBNYS có buổi sinh hoạt mừng NV NKĐ vào tuổi 75 (9/2016). Rồi tưởng niệm ngày ra đi (2022). Tưởng nhớ ngày giỗ đầu (11/2023) “Thời gian đi nhanh là cảm giác chung. Với người lớn tuổi lại như là quá nhanh!”, khi nhớ lại ông đã cùng thầy Lê Vinh Quốc từng viết bài cho số tập san tháng 9/2016 thể hiện tình thân thiết bè bạn, cảm nhận về văn chương và con người NKĐ như tri âm, tri kỷ. Theo PGS, NKĐ là nhà văn chân chính, xuất sắc, tài hoa; là con người nhân hậu, nhẫn nại, quả cảm. NV NKĐ đãchuyển tải được hết những cung bậc cảm xúc, ký gửi tất cả những nỗi niềm của bản thân về con người, cuộc đời và thời cuộc vào những tác phẩm của mình.
Tại buổi tọa đàm, CN PTC đã giới thiệu tóm tắt Bản luận văn Thạc sĩ của thí sinh Vũ Thị Thu Trang, trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đề tài “Góc nhìn trực diện về Cải cách ruộng đất qua “Nước mắt một thời” của Nguyễn Khoa Đăng” đạt loại xuất sắc tại Hội đồng khoa học của trường ngày 8/6/2019.
Dịp này, gia đình NV NKĐ cùng CLBNYS đã tặng mỗi người đến dự 1 cuốn "Nước mất một thời" do gia đình in. Biên tập: Huỳnh Thị Thành, Bìa: Phạm Thế Cường, Sửa bản in: Nguyễn Thị Quỳnh Vân. Mở đầu cuốn sách là 20 trang bài viết “Nguyễn Khoa Đăng - Nước mắt một thời” của TS Sử học Lê Vinh Quốc với thông điệp: Lịch sử dân tộc bao gồm những trang vẻ vang và những trang bi thảm; trong đó “không ai bị lãng quên và không gì bị lãng quên!”-và đoạn kết: Với bộ ba tiểu thuyết Nước mắt một thời - Hoàng hôn lạnh - Mây chiều bảng lảng, Nguyễn Khoa Đăng đã giúp cho đồng bào ta, ở trong nước cũng như nơi hải ngoại, không quên những trang bi thảm của lịch sử nước nhà. Bằng ngôn ngữ văn học, Nguyễn Khoa Đăng đã phục dựng thành công cả một thời đại, trong đó cho thấy ở thời ấy người ta đã sống thế nào, đã chết thế nào và tại sao họ lại phải sống và chết như thế. Qua đó, ông nhắn gửi đến muôn đời con cháu mai sau rằng: đừng bao giờ để cho dân tộc Việt Nam phải sống và chết như vậy nữa.
Con trai út nhà văn, ông Nguyễn Đăng Đàn đã phát biểu cám ơn CLB NYS và chia sẻ vài kỷ niệm lúc cha mình viết "Nước mắt một thời".
Cùng góp vui cho buổi tọa đàm cô Nguyễn Thị Hoa (NTH) đã hát lại bài "Em đi giữa biển vàng" và cháu Huyền Anh 7 tuổi học lớp 2 cũng đọc bài thơ "Mùa lúa chín" trong chương trình lớp 2 tặng cử tọa.
Không khí buổi toạ đàm
Nhà thơ Xuân Tòng (XT), LS Nguyển Anh Tuấn, BS Đinh Đức Long cùng chia sẻ cảm nhận khi đọc tiểu thuyết của NV NKĐ. đánh giá cao phần nghệ thuật viết văn và năng khiếu viết văn của NKĐ trong dòng văn học “Nước mắt một thời”. Theo Xuân Tòng áng văn và câu thơ đắt là tiêu chí nghệ thuật thuộc loại đỉnh cao, NKĐ không như các tác giả khác chỉ nhìn thấy màu xám xịt của làng quê Việt thời cải cách ruộng đất mà có cái nhìn khách quan của người cầm bút, độc giả khóc khi đọc “Nước mắt một thời” nhưng khóc mà vẫn thấy được cái đẹp của làng quê Việt trong những đêm dài đen tối ấy. Chúng ta cần sòng phẳng đừng để cảm tính chi phối khi đánh giá lịch sử.
Cháu Huyền Anh đọc bài thơ "mùa lúa chín"
Bà Quỳnh Vân, con gái cả của nhà văn phát biểu cám ơn
Theo Ks Bùi Công Tự, Nhà thơ Phạm Trung Tín, các tác phẩm của NKĐ đều được viết từ sự trải nghiệm cuộc sống, gần gũi, chan hòa, cảm xúc, lột tả được những bức chân dung cuộc sống trọn vẹn ...cho thấy tài hoa của nhà văn không phải từ bẩm sinh mà là sự khổ luyện.
Chị Ngô Thị Thơm chia sẻ những cảm nhận về ca khúc “Em đi giữa biển vàng” mà chị yêu thích thời còn thiếu nhi; kỷ niệm về bố nuôi NKĐ khi chị và em gái NTH vào TP.HCM sinh sống, cùng ngồi lại với NKĐ và đặt ra nhiều câu hỏi về “Nước mắt một thời”.
“Nước mắt một thời” và “Hoàng hôn lạnh” theo anh Phùng Văn Vinh, là 2 tác phẩm bổ sung cho nhau, người đọc không thể không nhận thấy hai tiểu thuyết này có nhiều điểm chung. Bản thân từng rúng động khi còn nhỏ đã được nghe người lớn kể về Cải cách ruộng đất, cũng có người ông họ bị bắn trước khi có thông báo hủy bản án. Chắc rằng NKĐ phải chịu một bi kịch quá lớn và trong lòng ông chắc phải chi chít nhiều vết sẹo khi ông viết những tác phẩm này. Sai lầm có thể không tránh khỏi nhưng mà sửa chữa có dứt điểm không mới là nhận thấy được cốt lõi vấn đề. Mục đích tốt đẹp là phải hướng đến một xã hội yêu thương và quý trọng con người.
Phát biểu chia sẻ sau cùng, là lời cám ơn của bà Quỳnh Vân đến CLB NYS, đã tổ chức chu đáo buổi tưởng nhớ bố mình và người tham dự đã làm cho buổi tọa đàm thành công và ấm áp tình người. CN PTC thông báo chủ đề sinh hoạt tháng 12: - Ngày 03/12/2023 CLB NYS tọa đàm về nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - ngày 10/12/2023, CLB kết hợp với NV Nguyễn Mạnh Tuấn (NMT) tọa đàm về nhà văn Nhật Tuấn, được tổ chức tại tư gia của NMT.
NGỌC DUNG