BẢN TIN THÁNG 10 HOÀNG CẦM - NGƯỜI VỀ KINH BẮC
( 14-10-2023 - 04:14 PM ) - Lượt xem: 759
Vào lúc 8 giờ 30 ngày 08/10/2023, tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp,Tp.HCM), CLB người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLB NYS) đã tổ chức trọng thể buổi giao lưu thật vui và ấm áp - kỷ niệm 12 năm thành lập CLB NYS, đánh dấu cột mốc CLB NYS tròn 1 giáp. Buổi giao lưu có 3 phần, mở đầu là lễ kỷ niệm 12 năm thành lập CLB, phần hai toạ đàm về nhà thơ Hoàng Cầm chủ đề "Hoàng Cầm - Người Về Kinh Bắc" với khách mời là nhà thơ Hoàng Hưng và kết thúc là phần Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Liên Tâm giới triệu tập thơ "Tay thơm chạm Cúc chiều trở gió" của chị vừa ra mắt bạn đọc.
Đã có 40 thành viên và khách mời về dự: Pgs.TS Phạm Thị Phương, TS Hoàng Mai, đạo diễn nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, nhà thơ Hoàng Hưng, Ts Nguyễn Thị Liên Tâm, nhà thơ Mã Lam, Pgs Nguyễn Công Lý, Họa sĩ Nguyễn Chinh, nhà thơ Phan Đạt Ninh, chị Bùi Huệ Chi- cháu nội của nhà thơ Hoàng Cầm. CLB rất vui được gia đình nhà văn Trần Hoài Dương gửi lẵng hoa chúc mừng cùng quà tặng sinh nhật chai rượu, ký chè, sách, bộ ấm chén…của các thành viên.
Cùng với một số tác phẩm của Hoàng Cầm, một số bài viết chọn lọc về tập thơ và tác giả, cùng những tư liệu quý hiếm về cuộc đời của ông như ảnh chụp, tranh vẽ, thư từ và bản thảo được trưng bày trên bàn và qua màn hình trình chiếu là Ấn phẩm định kỳ số 126 chủ đề về Kỷ niệm 12 năm thành lập CLB NYS và “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” với những bài viết chọn lọc của các tác giả để bạn đọc biết sâu sắc hơn về thi nhân tài hoa xứ Kinh Bắc: KỶ NIỆM 12 NĂM THÀNH LẬP CLB: - Nhớ các lão làng nhóm tinh hoa CLB (Phạm Thế Cường) - Những con mọt sách (Võ Xuân Tòng). MỖI SỐ MỘT CHÂN DUNG: Hoàng Cầm - một hồn thơ độc đáo (Đoàn Trọng Huy) - Hoàng Cầm - một đời nhớ tiếc, một đời “Níu Xuân xanh” (Hoàng Hưng) - Những câu thơ thần (Phùng Vinh) - Miền cổ tích Bên kia Sông Đuống (Lê Thùy Dương) - Đi tìm lá diêu bông của Hoàng Cầm (Võ Xuân Tòng) - Tình yêu trong “lá diêu bông” của Hoàng Cầm (Nguyễn Thị Liên Tâm) - Một vị thuốc đắng một vị thơ (Nguyễn Mạnh Hùng) - Chuyện tình Hoàng Cầm (Hoàng Cầm kể) -“Về Kinh Bắc” bài nào cũng buồn - Đọc lại Vũ Như Tô (Hoàng Cầm) - . NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN: Nguyễn Huy Tưởng và con đường đến với cách mạng (Kiều Huyền) - Cha tôi viết “Sống mãi với thủ đô” (Nguyễn Huy Thắng).
Mở đầu, là phần tổng kết ngắn gọn 12 năm hoạt động CLB NYS của Chủ nhiệm Phạm Thế Cường (CN PTC), các cử tọa đã được xem lại đọan Video Clip của báo Văn hoá &Thể thao để nhớ lại thời khắc buổi lễ ra mắt CLB NYS, nhớ lại nhóm “tinh hoa” thời sung sức nhất, ghi nhận những đóng góp lớn, không mệt mỏi của nhóm “lão làng” xưa. Buổi kỷ niệm 12 năm nay thiếu vắng khách phương xa mà mọi năm đều có mặt, nhiều thành viên nhắc đến các anh Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Chí Cư, Phạm Xuân Nguyên…..và trong không khí vui tươi, đầm ấm của Lễ kỷ niệm, mọi người đã dành nhiều lời chúc mừng và mong muốn CLB NYS cùng Thư viện luôn phát triển tốt.
Bước vào phần tọa đàm, CN PTC đã giới thiệu khái quát về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của thi sĩ tài danh và những tác phẩm tiêu biểu của ông.
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922, tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, quê gốc ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bùi Tằng Việt bước vào thi đàn với một bút danh thật đẹp và cũng thật độc đáo - Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý. Ngoài bút danh Hoàng Cầm ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời. Thân sinh ông thi không đỗ, về dạy chữ Hán và làm thuốc bắc ở Bắc Giang. Năm 1944, do Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra quyết liệt, ông đưa gia đình về lại quê gốc ở Thuận Thành. Cũng tại nơi này, ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương. Khi Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút ra khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình một thời gian rồi giải thể.
Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ông từng giữ chức Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản. Tháng 4/1957, ông là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án "Nhân văn Giai phẩm", ông phải rút khỏi Hội nhà văn vào năm 1958 và về hưu năm 1970 lúc 48 tuổi.
Đầu năm 2007 ông được nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước quyết định tặng riêng.
Thời gian cuối đời ông sống tại Hà Nội, ông đã mất vào ngày 06/5/2010 tại Hà Nội vì bệnh nặng.
Những sáng tác chính: – Hận ngày xanh (phóng tác theo La martine 1940) – Bông sen trắng (phóng tác theo Andersen, 1940) – Cây đèn thần (phóng tác theo Nghìn lẻ một đêm, 1941) – Tỉnh giấc mơ vua (phóng tác theo Nghìn lẻ một đêm, 1942) – Thoi mộng (truyện vừa, 1941) – Mắt thiên thu (tập thơ, mất bản thảo, 1941) – Hai lần chết (truyện ngắn, 1941) – Hận Nam Quan (kịch thơ, 1944) – Bốn truyện ngắn (đăng Tiểu thuyết thứ Bảy từ 1939 đến 1943) – Kiều Loan (kịch thơ, 1945).
Hoàng Cầm là nhà thơ nổi tiếng, những giá trị của tác phẩm mà ông đã viết mất một khoảng thời gian khá dài mới lấy lại được vị trí vốn có của nó. Dẫu có thể có nhiều tranh cãi trong quá khứ, nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng của ông.
Bước vào phần tọa đàm "Hoàng Cầm - Người Về Kinh Bắc" do nhà thơ Hoàng Hưng là diễn giả, đây là phần sôi nổi nhất. Hoàng Hưng đã nêu bật tài năng thơ, kịch của Hoàng Cầm kết hợp với những câu chuyện về nhà thơ Hoàng Cầm thật thú vị. Đặc biệt nhà thơ Hoàng Hưng đã giới thiệu bản thảo và thủ bút tập thơ Về Kinh Bắc và ông cũng tặng 1 bản phô tô lại cho CLB. Và “tác phẩm gắn chặt nhất với tên Hoàng Cầm truyền lại cho hậu thế phải là Về Kinh Bắc. Sự đặc biệt của cuốn sách nằm ở chỗ, Về Kinh Bắc được tổng hợp từ các dị bản năm 1959, 1960, 1982 và phiên bản được xuất bản qua các năm từ 1994 đến 2011. Suốt tác phẩm này, gồm 8 nhịp thơ và 48 bài thơ, có hai nhịp, đặc biệt nhất, có nhiều bài thơ hay nhất. Đó là nhịp một “Khấn nguyện” gồm 5 bài thơ đều có tên là “Đêm” cộng với các hành, tức là Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Kim và nhịp thứ hai là nhịp 5 tức là nhịp "Còn em" thì gồm nhiều bài thơ nhưng mà trong đó có 4 bài thơ người ta gọi là bộ tứ bình: cây, lá, quả, cỏ. Cây là "Cây tam cúc", lá là "Lá diêu bông", quả là "Quả vườn ổi" và cỏ "Cỏ bồng thi", đây là những bài thơ độc đáo nhất của Hoàng Cầm. Hoàng Hưng khẳng định, Về Kinh Bắc là tập thơ tiêu biểu nhất về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp; là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của Hoàng Cầm vì gắn với những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả.
Đại diện cho gia đình nhà thơ Hoàng Cầm, chuyên gia truyền thông Bùi Huệ Chi xúc động chia sẻ về người ông tài hoa của mình; quá trình thực hiện cuốn sách Hoàng Cầm - Về Kinh Bắc. Để tạo nên một cuốn sách kỳ thú, đẹp về hình thức lẫn nội dung là cả một câu chuyện đầy thăng trầm và thử thách. Dự án 100 năm Hoàng Cầm không chỉ đơn thuần được làm ra chỉ để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, mà còn để thế hệ sau thể hiện lòng tri ân và mong muốn lan tỏa về sự nghiệp của ông, và hứa hẹn trong tương lai sẽ có thêm những tác phẩm mới về nhà thơ được công bố, trong đó có cả hồi ký và phim tài liệu. Sau phát biểu, chị Huệ Chi đã tặng cho CLB NYS 2 bản "Hoàng Cầm về Kinh Bắc" đã ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 100 năm Hoàng Cầm in năm 2022.
Dịp này, một số trích đoạn thơ Hoàng Cầm được đọc, bên cạnh đó, các cử tọa được thưởng thức qua Youtube ca khúc Chuyện tình lá diêu bông - nhạc Nguyễn Tiến – Thơ Hoàng Cầm (một trong 3 ca khúc gắn liền với chiếc “lá diêu bông” được 3 nhạc sĩ: Phạm Duy, Nguyễn Tiến, Trần Tiến phổ lời).
Tiếp theo là các câu hỏi của các cử tọa về vụ án Về Kinh Bắc, về lá diêu bông và cả quán Diêu Bông của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai tại TP.HCM... Phó GS Nguyễn Công Lý, chúc mừng sinh nhật CLB NYS, chia sẻ những kỷ niệm được gặp nhà thơ Hoàng Cầm 3 lần, ở miền Nam thơ Hoàng Cầm, Bên kia sông Đuống anh đã tiếp cận từ trước 1975 được du nhập từ Paris về Sài Gòn. PGS đã có những nhận định rất tinh tế về giọng điệu, thi pháp trong thơ Hoàng Cầm.
Theo nhà văn Phan Đạt Ninh, Tác phẩm và nhà văn đều có số phận của nó, có những tác phẩm được chào đón ngay từ đầu nhưng sau đó không ai nhắc đến. Có những tác phẩm của nhóm “Nhân văn Giai phẩm” bị oan sai qua thực tế đã được giải tỏa sáng tỏ. Nhà thơ Xuân Tòng, chia sẻ việc đi tìm sự thật về là diêu bông của Hoàng Cầm, đó không phải là một chuyện tình lãng mạn mà còn thi vị ở tình tiết tâm linh thần thức thơ mách bảo mà ngày nay khoa tâm thần học, vô thức luận, tâm linh học khả năng lý giải được hiện tượng đó một cách rất khoa học.
Dịp này, nhà thơ Hoàng Hưng cũng đưa ra một vấn đề then chốt cần chia sẻ với buổi tọa đàm: Hoàng Cầm khá nhiều người hâm mộ, tiếc là phần lớn chỉ là những câu chuyện tình đã được thi vị hóa, huyền thoại hóa bởi người kể và khuếch đại sau đó bởi người nghe, trong khi phần quan trọng nhất trong văn nghiệp cùng những hệ lụy của nó lại chưa có cơ hội trình ra ánh sáng. Hoàng Cầm đa dạng hơn những gì công chúng nhìn thấy.
Kết thúc là phần Nguyễn Thị Liên Tâm - Tiến sĩ Ngữ văn, chia sẻ bài viết của chị trong Tập san CLB NYS “Tình yêu trong lá diêu bông của Hoàng Cầm”. Cử tọa đã được thưởng thức một đoạn thơ tiêu biểu trong bài “Người đàn bà gõ cửa” trong tập thơ "Tay thơm chạm Cúc chiều trở gió" của nhà thơ Liên Tâm qua giọng đọc truyền cảm và hát thơ phổ nhạc của chính tác giả. Phần giới thiệu tập thơ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng thật cảm xúc, ấm áp và thân tình. Chị Liên Tâm đã tặng CLB NYS gần 20 bản tập thơ và cảm ơn CLB NYS đã có sân chơi văn chương để chị được gặp đạo diễn nhà văn cô Xuân Phượng và nhận đồng hương. Xin được chúc mừng nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm.
Nhà văn Xuân Phượng - đạo diễn điện ảnh - tác giả nổi tiếng của cuốn hồi ký "Gánh gánh... gồng gồng..." ra mắt năm 2020, với cuốn hồi ký đó ngay trong năm 2020 cô đã giành giải thưởng Văn học của Hội NV Việt Nam và giải thưởng Hội NV tp.HCM và đã đưa cô trở thành Hội viên Hội NV TP.HCM ở tuổi 94. Cô đến với CLB lần đầu tiên trong buổi tọa đàm đàm về nhà văn Kim Lân tháng 3/2021. Hôm nay cô đến dự buổi kỷ niệm 12 năm thành lập CLB và tọa đàm về nhà thơ Hoàng Cầm, cô nói cô thích thơ Hoàng Cầm và hâm mộ diễn giả nhà thơ Hoàng Hưng. Cô mang có mang yheo vài cuốn "Gánh Gánh... gồng gồng..." tặng thành viên CLB NYS có mặt tại buổi toạ đàm. Cuối buổi tọa đàm cô đã phát biểu đánh giá cao hoạt động của Thư viện và CLB NYS đồng thời động viên CLB tiếp tục có những hoạt động giàu tính văn hóa để giúp ích cho cộng đồng. Cô đề nghị được mua lại bộ Tiếng vọng (T 1,2) và "Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ khởi nguồn Dục Tú - Đông Anh", tuy CLB NYS xin tặng nhưng cô nhất quyết trả tiền với nhã ý để ủng hộ hoạt động của CLB NYS.
Sau phát biểu chúc mừng của cô Xuân Phượng, nhiều cảm xúc đọng lại trong lòng các cử tọa, buổi tọa đàm kết thúc, mọi người đã chụp ảnh lưu niệm, CN PTC thay mặt Ban Chủ nhiệm CLB NYS cảm ơn các vị khách mời và thành viên đã về dự, đồng thời thông báo kỳ sinh hoạt tới được tổ chức vào ngày 05/11/2023, Chủ đề “Nhớ về nhà văn Nguyễn Khoa Đăng” nhân 1 năm ngày mất của ông.
- Ngọc Dung -