PHÚC TRÌNH VỀ TRƯỜNG SA
( 13-12-2018 - 05:28 AM ) - Lượt xem: 697
(BÚT KÝ) Hóa ra từ thời Càn Long triều Mãn Thanh, thiên triều đã mặc nhiên thừa nhận Vạn lý Trường Sa là chuỗi đảo thuộc về nước An Nam (!) Hóa ra cái năm 1753 ấy, người Tàu chân thật hơn bây giờ, thấy hai “quân nhân” xã Vĩnh An, phủ Quảng Ngãi đắm tàu dạt vào Thanh Lam cảng, đã cưu mang và “đưa trả về nguyên quán”, chứ không xấu chơi như bọn người vẽ ra đường lưỡi bò,
Trước khi đi Trường Sa, tôi tự coi mình “không thông minh hơn học trò lớp 5” (chương trình giải trí VTV3.) để bổ cứu thêm kiến thức, tìm đọc những gì người xưa và nay viết về vùng hải viễn đã trở thành máu thịt của mỗi người dân Việt. Người đầu tiên tôi kính lạy là nhà bác học của mọi thời: Bảng nhãn Lê Quí Đôn. Nếu không có ngài và nguồn sử liệu trong các tàng thư, chắc chắn hôm nay tôi và nhiều người sẽ rất ú ớ về Bãi Cát Vàng. Chúng ta sẽ không đủ lý lẽ để đôi co với các anh bạn vàng láng giềng, vốn thâm hiểm có thừa.
Những bậc kỳ tài thường xuất hiện đúng lúc, chọn đúng thời điểm cực kỳ hệ trọng của lịch sử. Tôi đoan chắc Quế Đường Lê Quí Đôn viết về Bãi cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa trong “Phủ biên tạp lục” khi ngài đang ở trong quân doanh của quân Trịnh, làm quan Hiệp trấn xứ Thuận Hóa những năm 1774 – 1776. Bấy giờ, cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh đang đến hồi kết. Suốt từ năm 1558, khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” ( Một dải Hoành Sơn làm ranh giới, bền vững muôn đời), mở đường nam tiến, cho đến năm 1774, đây là đợt vượt sông Gianh tiến sâu vào xứ Đàng Trong ngoạn mục nhất của quân Trịnh. Số là khi ấy, sau khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, người kế nhiệm của các chúa Nguyễn đã căn bản mở xong bờ cõi phương nam, truyền ngôi cho Định vương Nguyễn Phúc Thuần thì triều chính rối ren, loạn thần Trương Phúc Loan phản loạn, khiến anh em Tây Sơn làm cuộc nổi dậy năm 1774. Nhân lúc chúa Nguyễn suy yếu, quân Trịnh ào chiếm Phú Xuân, đuổi Định Vương cùng bầy đoàn bỏ chạy vào Gia Định. Đó cũng là thời cơ quan Hiệp trấn Lê Quý Đôn, người đã kinh bang khắp từ cực bắc Lạng Sơn, tới Thanh Nghệ, có cơ hội kinh lý xứ Thuận Quảng để viết bộ “Phủ biên tạp lục” bất hủ, trong đó ngài khảng định Bãi Cát Vàng ( Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc Quảng Ngãi của An Nam. Ngài mô tả Bãi Cát Vàng tít mù khơi do dân binh hai đội Bắc Hải và Hoàng Sa ở xã An Vĩnh huyện Bình Sơn kiêm quản, là nơi người ta có thể khai thác các sản phẩm biển và các đồ vật sót lại từ những vụ đắm tàu.
Kỳ tài hơn nữa là trong thời gian làm Hiệp trấn xứ Thuận Hóa, Lê Quí Đôn đã lục tìm trong tàng thư của các chúa Nguyễn những điều mà ngày nay thực sự là những bảo bối quốc gia: “Tôi đã tìm thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu, gửi cho Thuận Hóa, nói rằng: Năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh tổng Cát Liềm, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để hai tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lam cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán.”
Hóa ra từ thời Càn Long triều Mãn Thanh, thiên triều đã mặc nhiên thừa nhận Vạn lý Trường Sa là chuỗi đảo thuộc về nước An Nam (!) Hóa ra cái năm 1753 ấy, người Tàu chân thật hơn bây giờ, thấy hai “quân nhân” xã Vĩnh An, phủ Quảng Ngãi đắm tàu dạt vào Thanh Lam cảng, đã cưu mang và “đưa trả về nguyên quán”, chứ không xấu chơi như bọn người vẽ ra đường lưỡi bò, đã nhiều lần giam giữ, và đang giam giữ, bắt tiền chuộc 21 ngư dân Quảng Ngãi bị gió bão dạt vào đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam trong tháng ba, tháng 4 vừa qua(!)
Chỉ một đoạn ghi chép trong “Phủ biên tạp lục” mà Quế Đường Lê Quí Đôn đã dựng lên một bối cảnh sinh hoạt và quản lý, khai thác kinh tế ở Hoàng Sa, Trường Sa của các dân binh, dưới sự bảo trợ của nhà nước (Nhà Lê, chúa Nguyễn) cách đây ngót ba trăm năm. Khó có chứng cứ nào nặng ký và hùng hồn hơn thế. Cộng với những ghi chép trong quốc sử “Đại Nam thực lục”, những bản đồ trong “ Đại Nam thống nhất toàn đồ”, những chỉ, dụ cho các dân binh đảo Lý Sơn của các Chúa, các Vua Nguyễn, các tài liệu, hiệp ước thời Pháp, Nhật, rồi Hội khao lề thế lính, những ngôi mộ gió ở Lý Sơn vv… , chứng cứ lịch sử thật rõ ràng, không thể đổi trắng thay đen.
Lại nữa, về địa chất học, có một tư liệu cực kỳ quý giá do nhà địa chất học quốc tế, tiến sỹ khoa học A. Krempf, giám đốc Viện Hải học Đông Dương đưa ra năm 1925, sau hai năm ông nghiên cứu và đo đạc, đã lập phúc trình và kết luận: Về mặt địa chất, thềm lục địa Việt Nam chạy thoải từ Trường Sơn ra Hoàng Sa, như vậy những đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam. Địa chất quần đảo Trường Sa cũng vậy. Các đảo, cồn bãi Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa Việt Nam, bờ biển Việt Nam thoải dần tới quần đảo Trường Sa. Nơi đây, độ sâu của biển chỉ tới 200 mét. Trong khi đó, giữa Trường Sa và lục địa Trung Hoa có rãnh biển sâu tới 4600 mét.
Nói theo ngôn ngữ thời a-còng (@), vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã “trắng phớ” ra trước thế giới, chỉ những kẻ mờ ám bất minh mới muốn đi đêm, ẩn mình trong bóng tối.
***
Sau Quế Đường Lê Quý Đôn hơn hai trăm năm, trong số các nhà văn, nhà văn hóa, chắc chắn không ai viết kỹ và hay về Trường Sa như nhà thơ Trần Đăng Khoa. Hình như có sự tương đồng giữa hai thần đồng văn chương cách nhau hơn hai thế kỷ này.
Thần đồng làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ ( nay là Đồng Phù, Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình) của những câu thơ kỳ tài: “ Chẳng phải liu điu cũng giống nhà/ Rắn đầu biếng học quyết không tha/ Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/ Nay thét mai gầm rát cổ cha/ Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/ Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da/ Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia…” và thần đồng của làng quê Trực Trì, Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương với câu thơ kỳ ảo “ Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”, dường như cùng hẹn gặp nhau ở Trường Sa? Lê Quí Đôn ra Bãi Cát Vàng trong vô thức, trong tiềm thức, còn Trần Đăng Khoa thực sự ra trấn giữ Trường Sa khi còn là một “ chú lính thủy” 18 tuổi. Những năm tháng làm lính ở Trường Sa đã cho Khoa một cuốn tiểu thuyết mi-ni “Đảo chìm” ngót trăm trang, đến nay đã tái bản đến lần thứ 25, hút hồn bạn đọc chẳng kém gì kiệt tác “Ông già và biển cả” của văn hào E. Hemingway.
- Trước khi ra biển, bác phảỉ đọc cuốn sách này của em - Nhà thơ Trần Đăng Khoa đề tặng tôi cuốn “Đảo chìm” ngay trong buổi sáng khi con tàu HQ 996 dời cảng Sài Gòn chở tôi và bẩy nhà văn cùng đoàn công tác ra thăm quần đảo Trường Sa.
Khoa quên, tặng sách tôi hai lần. Sáu năm trước, tôi đã được Trần Đăng Khoa tặng cuốn “Đảo chìm” in lần thứ 12 và tôi đã đọc ngốn ngấu trong một đêm. Chưa ra đảo bao giờ, nhưng tôi vẫn hình dung Trường Sa là những bãi san hô cô quạnh nhô lên giữa đại dương. Ở đấy chỉ có sóng giữ bạc trời và hàng vạn con ó biển đen kịt “bay loạn xạ trên không như những nắm giẻ rách”: “Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều đã căng nhức óc/ Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh” ( Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài – Trần Đăng Khoa). Tôi như thấy hiển hiện trước mặt mình những anh lính đảo suốt ngày cởi chuồng, độc đáo nhất là anh binh nhì Trần Văn Hai quê ở Hà Nam có biệt danh thi sĩ Hai Ùm hay làm thơ báo tường, bơi lội như rái cá và có tài huấn luyện một con lợn mang tên nàng Antaramena có thể nhảy những điệu Oasilo và làm xiếc như diễn viên…Tôi có sẵn một Trường Sa của năm 1980, khi Khoa viết “ Đảo chìm” để so sánh với Trường Sa hôm nay.
Hai ngày hai đêm sóng yên biển lặng. Bình yên và bát ngát vô cùng khi tàu ta bơi trên thềm lục địa của mình. Nửa đêm ngày thứ nhất, gặp hàng trăm chiếc thuyền câu mực sáng đèn và khu mỏ dầu Nam Côn Sơn, như lạc giữa một chuỗi thành phố ánh sáng. Biển bạc, biển vàng là thế này đây. Từ ngày có những mỏ dầu, ta bắt đầu có thêm dự trữ nhiều ngoại tệ. Và cái lưỡi bò tham lam bắt đầu thò ra. Tàu lạ lồng lộn lên, cứ làm như ta hút hết dầu của họ.
Rạng sáng ngày thứ hai, khi đảo Trường Sa lớn còn cách mũi tàu dăm hải lý, có cảm giác sắp gặp một đảo thiên đường phía hừng đông. Có người nói với tôi, Trường Sa và Hoàng Sa chẳng kém gì Hawaii. Nếu không có “các thế lực thù địch”, trời cho sóng yên biển lặng, chỉ riêng việc khai thác hải sản và phát triển du lịch sinh thái, cũng thu hàng chục tỷ đôla mỗi năm. Tôi lại thoáng nghĩ tới những hình ảnh thiên đường của quần đảo Maldives giữa Ấn Độ Dương mênh mông. Thủ phủ Malé của quốc đảo này chỉ rộng có 1,8 kilomet vuông, chắc cũng chỉ lớn hơn đảo Trường Sa lớn chút ít mà chúng tôi sắp tới kia.
Cho tới khi đặt bước chân đầu tiên lên cầu tàu của đảo thì tôi thực sự choáng ngợp bởi màu xanh nõn mượt của dải cây phong ba vòng quanh mép nước, của những dãy bàng vuông, bàng tròn, cây tra màu xanh thẫm, của chuối, dừa, đu đủ, rau xanh chen giữa màu cát san hô trắng lóa, màu ngói đỏ tươi của nhiều tòa nhà mới cất … Giữa trùng khơi cách đất mẹ ba, bốn trăm hải lý mà có một vùng cương thổ hàng chục hòn đảo như thế này, có kém gì quần đảo thần tiên Maldives giữa đại dương đâu?
Đại tá phi công Phạm Ngọc Liên, cúi xuống rỉ vào tai tôi khi chúng tôi chờ đến lượt vào bờ:
- Năm 1988, tôi đã lái SU22 cùng phi đội phản lực ra thị sát Trường Sa. Nhìn chuỗi đảo của mình, thương lắm, mà không có đường băng để hạ cánh…
- Bây giờ chúng ta đã có đường băng rồi kìa - Tôi reo lên khi nhìn thấy lấp lóa một vệt sáng dài chia đôi đảo.
Đón chúng tôi trước cột chủ quyền bên đường băng, cũng là quảng trường lớn, trung tâm huyện đảo Trường Sa, là đội quân nhạc hùng dũng và hai hàng tiêu binh sắc phục hải quân và không quân ngù vai sáng chói, súng sáng ngời lưỡi lê. Tôi rưng rưng nhìn lá quốc kỳ, hát thi với sóng, với gió biển bài quốc ca trên mảnh đất tiền tiêu giữa đại dương.
Đúng là Trường Sa trong “Đảo chìm” là một Trường Sa sơ khai, hoặc là một Trường Sa do “Khoa cuội” bịa ra. Trường Sa bây giờ hoàn toàn là một hòn đảo thiên đường rất xứng đáng một địa chỉ du lịch trong mơ của du khách. Nhìn kia, những cột điện gió quay tít mù ven thành đảo. Những tấm pin mặt trời lấp lóa trên nóc nhà. Dọc hai bên đường băng là hai dải cây xanh với những khu công trình hiện đại, với Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh, Đài liệt sĩ, nhà truyền thống, các dãy nhà hội trường, trường mẫu giáo, trường tiểu học và khu văn hóa. Kế đến, phía khu vực đèn biển là dãy nhà của các hộ dân từ Phú Khánh ra lập nghiệp. Đối diện dãy bên kia là ngôi chùa Trường Sa lớn trồng diêm hai tầng và khách sạn Thủ Đô, tầm cỡ 3 sao… Cũng cơ ngơi khang trang như thế này, còn có ở các cụm đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn phía đông bắc, cách Trường Sa lớn mấy chục hải lý nữa. Ở đó ta lập hai xã đảo Sinh Tồn và Song Tử Tây, cũng có hải đăng, âu tầu, chùa, nhà dân và trường học. Hình ảnh thân thương quê Việt giữa trùng khơi, như chiếc nôi lưu giữ tàu thuyền của ngư dân ra đánh bắt xa bờ.
Tôi nhớ lại bản phúc trình về Hoàng Sa, Trường Sa của nhà địa chất học, tiến sỹ A. Krempf và hình dung về sự hình thành, phát triển hàng ngàn năm của những dải san hô ngầm giữa Biển Đông này. Thử tưởng tượng xem, nếu mực nước biển không dâng như đang xảy ra, mà ngược lại, rút đi năm, mười mét, vùng quần đảo Trường Sa này sẽ nổi lên hết, sẽ miên man hàng ngàn kilomet vuông những cánh đồng san hô, những bãi cạn, những hồ nước… Và nếu nước rút xuống nữa, một trăm, hai trăm mét, chúng ta hoàn toàn có thể lội bộ từ Nha Trang, Vũng Tàu, Cà Mau ra Côn Đảo, ra các bãi Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên… đến Trường Sa, Hoàng Sa.
Chừng như để kìm bớt cảm hứng lãng mạn của tôi, nhà văn Đào Thắng, trưởng nhóm nhà văn, kiêm trưởng buồng, tìm gặp tôi làm “công tác tư tưởng”:
- Đi Trường Sa thời kỳ này là mùa đẹp nhất trong năm. Biển lặng gió êm. Cây xanh tươi tốt. Nhưng chỉ đến tháng năm, tháng sáu, dù đi những tàu to như HQ 996 thì sóng biển cũng nhồi lắc đến mửa mật xanh mật vàng. Mùa mưa bão kéo dài đến tháng mười hai. Đây cũng là thời kỳ lính đảo gian khổ nhất. Sóng, gió, muối biển như cứ nhè đảo mà xoáy vặn. Đảo nổi như Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây còn khá, các đảo chìm như con tàu giữa ngàn trùng sóng gió. Sóng cao chục mét, ập vào từng phòng. Rau xanh, dù phủ nilong, bảo vệ như trong nhà kính cũng khó mọc nổi. Nhiều khi gió bão, tàu tiếp tế không ra được, lính đảo ăn lương khô và đồ hộp dài dài. Lính nghĩa vụ, một năm đã đen sắt lại. Các sĩ quan, nhiều người mấy năm không về phép. Có anh cưới vợ xong, bỏ vợ ở quê biền biệt, ngày về đã thấy đứa bé chạy lon ton, tưởng con cái nhà nào…
- Hình như ông vừa nghe trưởng đoàn phổ biến hay Trần Đăng Khoa nói với ông?- Tôi đọc vị? Đào Thắng.
- Đâu có - Tác giả của “Dòng sông mía” cười hiền lành - Tớ muốn nhắc cậu đừng có lạc quan tếu. Chuyến đi này của cánh nhà văn chúng ta cũng phải tuyệt đối bí mật đấy. Hôm tàu qua vùng dầu khí, có hai chiếc máy bay lạ lượn rất thấp, ông có biết không?…
- Cả tàu cùng biết. Nghe nói mạng BBC cũng đưa tin này.
- Đó…Viết lách phải thận trọng…
- Đừng để các thế lực thù địch lu loa lên là các nhà văn Việt Nam ra Trường Sa để góp đá xây chủ quyền, viết sách bảo vệ chủ quyền biển đảo chứ gì? Nếu thế thì mục đích tuyên truyền của ta đã trúng rồi đó. Chúng ta phải tiếp nối tinh thần của Lê Quí Đôn, khảng định Trường Sa, Hoàng Sa là thịt xương của nước Việt… Mà suy cho cùng, chúng ta còn biết viết gì nữa? Trần Đăng Khoa đã nói đủ rồi…
Tôi gặp Trần Đăng Khoa, nói những lời có cánh trên cho Khoa sướng. Nhà văn nào chẳng thích người khác khen “đứa con” của mình?
- Khoa đã viết “ Đảo chìm” trong một mùa mưa bão…?
- Trong mấy mùa mưa bão đấy bác ạ. Em ngẫm nghĩ và ghi chép như một nhà báo. Năm 1978 em đã viết tới hơn 300 trang tiểu thuyết. Nhưng rồi thấy gượng ép, bèn ném vào sọt rác... Cuốn bác đọc, em viết lại, chắt lọc còn 80 trang…Bác tưởng em bịa, cũng phải thôi. Bởi bây giờ so với “ngày xưa” đã một trời một vực. Bác hãy tưởng tượng, cách đây ba mươi năm, ngày em ra đảo lần đầu tiên sau giải phóng, cả đảo hầu như không có một cây xanh. Bóng đổ xuống đảo không phải là bóng cây, mà là bóng lính. Và kia, bác có nhìn thấy những tấm ghi sắt bộ đội dùng làm hàng rào vườn rau đấy không? Đó là dấu tích cuối cùng của Trường Sa ngày ấy. Sân bay dã chiến lát bằng những tấm ghi sắt. Lính thì ở trong các chòi. Ở chung với chim biển…
- Tôi tưởng lần này ra đảo sẽ gặp cơ man là chim. Sẽ ăn thử những bữa trứng chim luộc hoặc rán tanh đến nôn ra mật xanh mật vàng mà Khoa đã mô tả…
- Chim ở quần đảo Trường Sa bây giờ tưởng như đã bị tuyệt chủng - Khoa nói - Ngày mai bác đến đảo chìm Thuyền Chài, nơi em trấn thủ nửa tháng trời với những Hai Ùm, Bố Thuận, Tư Xồm… bác có bói cũng không ra một bóng chim. Vương quốc của chúng đã bị người chiếm hết rồi, chúng phải di trú đến những vùng biển khác…
Tôi thoáng ân hận vì mình đã hiểu nhầm nhà thơ. Những gì Khoa viết trong “ Đảo chìm” đâu phải bịa? Ngày ấy Trường Sa là thế. Ngày ấy vùng biển khơi này chưa có mùi dầu hỏa. Ngoài hòn đảo lớn nhất, là đảo Ba Bình, bị Đài Loan chiếm năm 1956, cuộc chiến giành chủ quyền của các nước quanh biển Đông chỉ sục sôi nhất vào năm 1988, khi có tin vùng bồn trũng trầm tích quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là bể dầu hỏa lớn nhất nhì thế giới.
***
Theo ước tính của Bộ Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc, vùng quần đảo Trường Sa có trữ lượng dầu khí, khí đốt tự nhiên tới 17,7 tỷ tấn (so với 13 tỷ tấn của Cowet), thuộc một trong bốn vùng trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 1976, Philippine thăm dò ngoài khơi Parawan và đã khai thác một khối lượng khá lớn. Mùi dầu hỏa, trữ lượng hải sản và vị trí huyết mạch trong đường hàng hải quốc tế của Trường Sa đã làm ngây ngất thiên triều. Năm 1974, sau khi đã thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu lấn xuống Trường Sa. Trước năm 1988, quần đảo Trường Sa với hơn một trăm đảo nổi, đảo chìm và bãi san hô, với diện tích vùng biển khoảng 180.000 km2, tổng diện tích đất nổi trên mặt nước biển khoảng 190 hecta, do bốn nước trấn giữ là: Philíppine (9 đảo, diện tích 83 ha), Việt Nam (9 đảo nổi, 12 đảo chìm, diện tích khoảng 55 ha), Đài Loan (1 đảo Ba Bình, diện tích 44 ha), Malaixia (7 đảo, diện tích 6 ha). Đầu năm 1988, Biển Đông nóng bỏng như một chảo lửa. Sau khi chiếm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Huygo, Subi của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm đảo đá ngầm Gạc Ma ( còn gọi là Johnson South Reef ). Và gần đây, năm 1995 Trung Quốc chiếm tiếp bãi đá ngầm Vành Khăn (Mischief Reet) từ tay Philippine, cố tình tạo thế đan cài trong khu vực các đảo của ta, tự ghi tên mình vào danh sách những nước có sở hữu ở Trường Sa, với 7 bãi chìm, diện tích không (o) ha.
Tự nhiên cứ liên tưởng đến cảnh những con sư tử rình bắt đàn trâu ở sa mạc Trung Phi. Hành động chiếm Gạc Ma, khác gì cuộc hạ sát của những con sư tử say mồi?
Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo đã thành truyền thống của bất cứ tàu thuyền nào từ đất liền ra thăm đảo. Trước khi cặp đảo Trường Sa lớn, gần 200 thành viên đoàn công tác trên tàu HQ 996 chúng tôi đã lên hết trên boong làm lễ tưởng niệm, thả hoa ghi nhớ công ơn các liệt sỹ. Khi chuẩn đô đốc Đinh Gia Thiệt, phó chính ủy Quân chủng Hải quân, đọc lời tưởng niệm, nhắc tên liệt sỹ anh hùng Trần Văn Phương, liệt sỹ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh và 64 liệt sỹ trên ba con tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 đã anh dũng hy sinh bảo vệ các đảo Gạc Ma, Lanđao, Cô Lin, ngày 14 tháng ba năm 1988, nhiều người không cầm được nước mắt.
Chúng ta có hàng trăm nghĩa trang Trường Sơn, nhưng đừng quên chúng ta còn có những nghĩa trang dưới biển Đông. Ai đó đã nói bên tai tôi. Tôi chợt nghĩ tới con đường Hồ Chí Minh trên biển thời chống Mỹ, đến trận hải chiến giữ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, đến hàng vạn chuyến ly hương những năm 1980, nhớ những trận bão quật đổ nhà giàn DK1 những năm 1998, 2000, 2004… Tôi tự nhủ: “Nghĩa trang biển cũng không kém gì nghĩa trang núi. Trầm tích dầu mỏ ở biển Đông có cả hài cốt của hàng ngàn con dân nước Việt”…
Chuyến ra thăm đảo của tàu HQ 996 không thể đi hết khắp quần đảo Trường Sa. Chúng tôi không đến các đảo vùng đông bắc: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca…, không đến hai đảo Cô Lin, Lan Đao để thả hoa cho những hương hồn lính biển. Hải trình của chúng tôi bắt đầu từ Trường Sa lớn, tới Đá Lát, Đá Tây, qua Trường Sa Đông, Phan Vinh, Đá Đông, Tốc Tan, Mũi Le, Tiên Nữ, Thuyền Chài, An Bang, rồi về bãi Tư Chính, thăm các nhà giàn DK1.
Các đảo nổi, dẫu nhỏ như An Bang, chỉ chừng 1,6 hecta, sóng gió quanh năm, mặc dù có tới ba, bốn cầu tàu, nhưng tàu thuyền vẫn rất khó cập đảo, nhưng so với các đảo nổi và nhà giàn, vẫn là thiên đường của lính. Đảo chìm, tức là diện tích không kilomet vuông, là những bãi san hô, rộng tới hàng trăm cây số vuông, có bãi kéo dài hàng chục hải lý. Trên những điềm cao nhất của các đảo chìm này, chiến sỹ công binh hải quân đã đổ bê tông những móng nhà, rộng chừng vài trăm mét vuông và xây lên đó những ngôi nhà lâu bền, thường là ba, bốn tầng, để canh giữ biển đảo. Từ máy bay nhìn xuống, có cảm giác đó là những ngôi Tháp Chàm Mỹ Sơn, Thiên Y A Na, Trà Kiệu... Mỗi đảo chìm này là một pháo đài kiên cố, có sân đỗ trực thăng, có điện mặt trời, điện gió, bể trữ nước ngọt, nơi trồng rau xanh cho các chiến sỹ…
Gian khổ nhất, khó khăn nhất, nguy hiểm hơn cả đảo nổi đảo chìm là các chiến sỹ ở nhà giàn. Đó là hệ thống tiền tiêu của thềm lục địa Việt Nam, cách quần đảo Trường Sa hơn một trăm hải lý. Nhà giàn dựng trên những cột thép đóng sâu xuống lòng biển, trên vùng bãi ngầm cách mực nước biển từ năm đến hai mươi mét. Bão biển không đe dọa nổi đảo chìm, nhưng có thể uy hiếp những nhà giàn. Các cơn bão những năm 1998, 2000, 2004… đã quật đổ năm nhà giàn ở các bãi Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, làm một số chiến sỹ hy sinh…Hiện nay, với công nghệ hiện đại, các nhà giàn mới dựng có thể trụ vững trước gió bão trên cấp 12.
***
Khi tàu HQ 996 ghé thăm đảo Thuyền Chài thì nhà thơ Trần Đăng Khoa bỗng trở thành nhân vật trung tâm. Hơn ba mươi năm, anh lính binh nhất - thần đồng thi ca, tác giả của những bài thơ “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài”,“ Lính đảo Chìm”,“ Hát về một hòn đảo” mới trở lại chốn xưa. Vẫn vùng nước màu xanh lá mạ huyền hoặc ngày nào, nhưng không còn “Lều bạt chung chiêng giữa nước giữa trời/ Đến một cái gai cũng không sống được”…Thay vào cảnh cũ người xưa là sừng sững mấy tòa pháo đài mọc lên từ bãi san hô và những chàng lính thủy sắc phục chỉnh tề đón khách. Có thêm một tiểu đội vệ binh Vàng, Vện, và đặc biệt là một cặp vịt bầu bơi lội trong tấm lưới quây ven đảo, thỉnh thoảng anh chàng vịt đực lông trắng lại vươn mình đập cánh vẫy chào.
Diệp Anh, nữ MC xinh đẹp của Đài Truyền hình Việt Nam, kiêm đạo diễn chương trình, muốn có một cảnh nhà thơ Trần Đăng Khoa ngồi trước đảo và nhớ lại một thời gian khổ. Mấy lần ống kính máy quay phải dừng lại, vì nhà thơ nổi tiếng thao thao bất tuyệt bỗng tắc nghẹn… không nói được.
- Xin lỗi…Cho tôi xin một ngụm nước…- Khoa nghẹn ngào, ra hiệu dừng máy.
Nhìn bộ mặt thẫn thờ, đôi mắt đỏ hoe sau cặp kính, dáng ngồi gù hẳn xuống dưới sức nặng của chiếc mũ cối, trông Khoa không khác gì một ông thợ cày trở về ngôi nhà xưa sau bao năm phiêu bạt. Chắc là Khoa đang nhớ đến Tư lệnh, Đô đốc Giáp Văn Cương, vị tướng gắn bó cả đời với biển đảo của Tổ quốc, người mở hải trình cho Trần Đăng Khoa đến với Trường Sa. Tuần trước, Khoa đã đến thắp hương cho linh hồn vị tướng và kể với ông về chuyến đi này. Chắc là Khoa nhớ Hai Ùm, Tư Xồm, chính trị viên Thuận và các đồng đội trên đảo Thuyền Chài. Nhớ và thương đến xa xót nhà thơ kiêm con kình ngư của đất Hà Nam đã vĩnh viễn nằm lại biển xanh trong cái mùa mưa bão khốc liệt năm ấy?
Như biết cách chia sẻ, một con chó lớn tầm chú bê con, lông trắng đốm vàng nâu, bỗng ve vẩy đuôi đến bên Khoa. Nhà thơ như bừng tỉnh, khẽ reo lên: “ Mày đấy ư, Vàng ơi !”
Tôi chợt nhớ đến Antanamera, con lợn thân thiết của lính, “nhân vật” rất độc đáo và sinh động trong “Đảo chìm”, liền hỏi ngay tác giả:
- Hồi Khoa ở đảo Thuyền Chài, nàng Antanamera được nuôi nhốt ở đâu?
Khoa ngớ ra. Anh ôm cổ con chó khoang trắng và thú nhận:
- Không có con lợn nào cả bác ạ. Thực ra Antanamera chính là một con …chó.. “ Nhân vật ” nàng Antanamera Lợn ỉ… thì Khoa bịa hoàn toàn. Một con chó y hệt như con chó này bác ạ. Hình như đây là hậu duệ thứ bao nhiêu của con chó ấy. Nó biết người thân của nó trở lại đảo và đến hỏi thăm đấy.
Đúng là “ Khoa cuội”. Cuối cùng thì chân tướng Cuội cũng lộ ra nhé - Tôi thầm nói - Cùng dân viết lách với nhau, tôi biết chúng mình cũng phải có lúc “bịa như thật” để cho tác phẩm sinh động chứ. Nhưng mà bịa như thế thì quá tài. Tài không chịu được.
HOÀNG MINH TƯỜNG
Trường Sa, 19 -19/4/2012