NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NĂM ẤY, TẾT Ở LÀNG XA

( 05-02-2019 - 10:10 AM ) - Lượt xem: 656

Tiếng đọc thơ Chúc Tết vừa dứt, tiếng dàn hợp xướng của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam vang lên hùng tráng như rung động cả không trung: “ Ôi, tổ quốc giang sơn hùng vĩ/ Đất anh hùng của thế kỷ 20/ Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ/ Có Miền Nam anh dũng tuyệt vời!”…

 Tôi bước vào căn bếp mái tranh vách đất ấm sực mùi thơm tỏa ra từ nồi bánh chưng. Ngoài trời, mưa rơi lâm thâm, gió lạnh thổi rít qua lũy tre rung ràn rạt. Trong bếp, ánh lửa từ những thanh gộc tre to nổ tí tách như đang reo lên một âm thanh  háo hức khác lạ, một âm thanh mà từ thủa bé tôi chưa bao giờ được biết ở Tết Hà Nội. Mẹ tôi và chị Uống chủ nhà ai cũng cầm một nắm rơm lót tay để chuẩn bị chạm vào cái nồi bánh chưng nóng hổi trên bếp. Ái chà chà, niềm vui vớt bánh chưng chín sắp sửa đến nơi rồi…

Lúc ấy là buổi chiều Ba mươi Tết Mậu Thân, năm 1968, cho đến giờ phút này có lẽ tôi vẫn còn bàng hoàng như chưa tin được rằng năm nay nhà mình  ăn Tết ở một nơi xa ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội. Những ngày trước Tết, mẹ tôi và bà tôi băn khoăn lắm. Về Hà Nội hay ở lại nơi này, một làng quê không phải là quê cha đất tổ của mình? Nếu mình không về thì bàn thờ gia tiên để nguội lạnh cả ba ngày Tết ư? Tôi ngước nhìn gương mặt bà tôi, một gương mặt thanh tao như đang đắm chìm vào một cõi hư ảo, bởi vì có lẽ  bà tôi vẫn sống ở trần gian cùng với những hình ảnh trên bàn thờ trong cõi tâm linh. Trong suốt một năm, không có gì quan trọng bằng chiều Ba mươi Tết, bà làm cỗ cúng gia tiên, cúng thần linh , thổ địa ở nơi Bàn thờ. Nơi thiêng liêng ấy là một cái “án thờ” chạm trổ lân ly quy phượng sơn then thếp vàng đã long tróc cũ kỹ không còn nhìn thấy mầu sắc gì ngoài một mầu nâu thâm, bụi bám chặt như keo trên những vết chạm trổ tinh xảo như những nếp nhăn trên nét mặt của người hơn trăm tuổi. Trên bàn thờ ấy lại có hai vật báu đó là hai cái vỏ đạn của các liệt sĩ cảm tử đã chiến đấu  trên phố nhà tôi trong mùa đông năm 1946.  Bà tôi thưởng vẫn dùng hai cái “cát tút” bằng đồng đó để làm bình cắm hoa đào.  Hai “bình hoa” đặc biệt ấy tồn tại oai hùng bên cả bộ đỉnh, lư, bình bát, cây cắm nến bằng đồng tinh xảo sản phẩm chính hiệu của làng Ngũ Xã. Vào ngày sắp Tết, bà tôi còn treo trước bàn thờ một bộ “ y môn” bằng vải nhiễu đỏ thêu rồng phượng cùng những hình tròn bằng bạc lấp lánh như sao sa tết với những sợi chỉ lóng la lóng lánh mầu vàng. Trong ký ức tuổi thơ hình ảnh ngày Tết là cái bàn thờ với hai bình hoa “ cát tút” đồng cắm cành hoa đào và hình ảnh lộng lẫy của cái y môn rực rỡ ánh đèn nến lung linh tỏa ra từ bàn thờ thấm đẫm mùi khói hương.  Ấy thế mà năm ấy Tết Mậu thân 1968, nhà tôi đã không làm lễ không đặt cỗ, không có hương khói ở bàn thờ thiêng liêng ấy. Theo chủ trương của thành phố, năm này các gia đình tạm xa phố phường để tránh máy bay Mỹ có thể đánh phá ác liệt thủ đô Hà Nội. 

Giờ đây bà tôi đang sắp mâm ngũ quả trên bàn thờ trong căn nhà lợp mái rạ ở một ngôi làng rợp bóng tre xanh cách xa phố phường Hà Nội. Bàn thờ nhà chị Uống chỉ là một cái bệ cao bằng xây bằng gạch tráng xi măng rộng khoảng 30 phân giữa hai cột tre ở gian giữa nhà. Nơi thờ cúng ấy dựa vào một bức tường vôi trắng trơn nhẵn nhụi ở giữa là một bát hương. Tất cả chỉ có vậy, ngoài ra không có gì nữa. Vào ngày rằm, mồng một tôi vẫn thấy chị Uống đặt hoa quả lên bệ thờ, thắp hương và nhìn vào khoảng trống ở bức tường vôi trắng lầm rầm khấn vái. Dường như ở đó có thể hiện ra tất cả, những gương mặt của các bậc tiên tổ, thần linh thổ địa và tất cả mây khói của chốn thiên đường cao xanh xa tít… Những ngày giáp Tết năm ấy, chị Uống đã nói với bà và mẹ tôi: “ Thôi, cụ và bác cứ ở đây ăn Tết với nhà em. Cụ  thắp hương mời các vị tổ tiên đi mây về gió về đây ăn Tết cùng với các cụ làng em. Con đâu cha mẹ đấy cụ và bác ạ.”. Đầu óc tôi đang phiêu diêu như thế, chợt giật mình nghe tiếng gọi.

“ Nào, cô Liên mang cái rổ lại đây!” tiếng chị Uống. Tôi lẽ mễ bưng cái rổ to đến bên nồi bánh chưng đã được mở vung đang tỏa hơi nghi ngút. Tôi nhìn gương mặt mẹ tôi hồng hào lên bên nồi bánh chưng mà vui quá. Mẹ tôi chính là người đã gói những chiếc bánh chưng này, mẹ tôi có tay gói bánh đẹp lắm ai cũng thích, mấy nhà hàng xóm cũng nhờ, thành ra bà cứ ngồi gói bánh liên tục, vốn sức yếu bà đã suýt lả cả người bên chồng bánh. Bây giờ mẹ tôi đã khỏe lên rồi, may quá. Chị Uống bảo tôi xếp những cái bánh chưng còn ướt lên những cái nia rồi lấy những tấm ván gỗ đậy lên và dùng những hòn gạch bọc giấy báo đè lên trên. Công đoạn này gọi là ép bánh chưng để nước chảy ra cho ráo bánh. 

 

Bức tranh hoài niệm lại thời sơ tán ở làng Đông Côi ( Thuận Thành, Bắc Ninh)do chính tác giả vẽ

Cô bé Trúc ba tuổi cứ chạy quẩn quanh bên mẹ hí hà mùi bánh thơm vẻ thèm ăn lắm rồi. Chị Uống có một con gái, chồng chị đi bộ đội đã ba năm rồi, cảnh nhà cũng buồn, có thêm mẹ con bà cháu nhà tôi ở cùng, chị vui lắm. Chị nói bằng giọng người Bắc Ninh với mẹ tôi: “ Thế là năm nay nhà iem với nhà bác Tết dộn dịp, bác nhảy!”

Lúc ấy ngoài ngõ có tiếng gọi của em trai tôi: “ Bà ơi, mợ ơi chị Phương về rồi.” Lại có cả tiếng ríu rít của hai anh chị con nhà bác tôi: “ Bà ơi, cô Thi ơi, chị Phương về rồi”.  Mẹ tôi sáng bừng nét mặt mắt hướng về phía ngõ đầy lá tre khô rơi, chắc là mẹ tôi rất mong ngóng chị tôi đang là kỹ sư nông nghiệp ở một nông trường cách làng này khoảng hơn 10km. Kia rồi, chị tôi mặc cái áo bông xanh tay dắt chiếc xe đạp cũ kỹ tróc sơn chỉ còn trơ vành sắt đen bóng, không chuông, không phanh, không có chắn bùn, không có chắn xích. Chiếc quần đen của chị buộc túm lại bằng dây chun và chi chít những vệt bùn bắn lên như chị mặc quần hoa, hoa bằng bùn. Đi theo chị là ba đứa trẻ con tươi cười tí tởn, tay chúng đang kéo một dây mo nang tre khô được xâu vào thành một chuỗi kéo lê trên mặt đất. Vâng, đó là em trai tôi và hai anh chị con bác cùng đi nhặt những cái mo nang tre khô rơi trên đường ngõ về để làm “nguyên liệu đun bếp”. Dạo ấy “chất đốt” là cả một việc lớn. Người dân Hà Nội sơ tán không có cánh đồng rơm rạ. Muốn có cái đun bếp phải mua rơm, rạ, cành tre khô, hoặc phải đi kiếm lá khô, mo tre rụng như vậy đấy…

Buổi chiều Ba mươi Tết hình như đến nhanh hơn, bóng tối của đêm trừ tịch nhưng chốc lát đã bao phủ đen thẫm quanh ngôi nhà nằm im lìm giữa vườn tre xanh. Sương lạnh đã dâng như những tà lụa mỏng ẩn hiện trong các bụi tre đầy gai góc. Không gian im ắng như càng gợi lên trong lòng người nỗi nhớ phố phường rộn ràng âm thanh và ánh điện lấp lánh nơi hồ Hoàn Kiếm quen thuộc thân yêu. Vừa đắm trong hoài niệm lại sực tỉnh nhận ra mùi miến nấu và mùi nem rán đã thơm lừng từ bếp lên nhà. Thế là Tết năm nay cả nhà vẫn được ăn nem rán. Chị tôi đã đem được xấp bánh đa nem (món hàng phân phối của nông trường quốc doanh) đem về làm quà tết cho gia đình. Tuy vậy, không may khi đi đường do trời mưa  đường trơn chị tôi bị ngã xe, tuy người không việc gì, nhưng xấp bánh đa nem có bị gẫy nát một ít. Không sao, mẹ tôi đã có sáng kiến vừa cuốn nem bằng bánh đa nem rách nát lại vừa lăn cái nem trên một lớp bột sắn khô, thế là vẫn có một cái nem ngay ngắn đàng hoàng bầy trên đĩa. Còn nhân nem ư? Ồ, đó là một loại nhân nem đặc biệt nhất được tạo bởi tôm tép tươi và su hào thái sợi. Tôm tép tươi chính là sản phẩm thu hoạch được của ba anh em trong nhà đi cất vó te trên các bờ nương quanh làng. Sau này được ăn nhiều loại nem sơn hào hải vị, mấy anh chị em chẳng bao giờ quên cái nem nhân tôm tép tươi rói và ngọt ngào năm ấy…

Ô kìa, bà tôi đã têm xong đĩa trầu, bổ cau tươi, bày đĩa hoa cúng có hoa hồng và hoa bạch mẫu đơn hái nơi vườn nhà chị Uống. Bà tôi nhẹ nhàng bảo chị Uống: “ Chị là chủ nhà chị khấn mời các cụ về trước. Tôi sẽ khấn sau.” Nói rồi bà tôi lui lại để chị Uống bước lên phía trước bàn thờ. Bà tôi bảo mẹ tôi, chị tôi và cả bốn anh chị em chúng tôi đứng ở phía sau chắp tay ngay ngắn hướng lên bàn thờ. Trong mùi hương thơm nghi ngút, bỗng nhiên tôi như nhớ lại hình ảnh các cụ các ông, bà trong ảnh ở trên ban thờ nơi phố cổ. Chẳng hiểu sao tôi hoàn toàn tin rằng các cụ , các ông, các bà đang bay về đây, nơi ngôi làng nhỏ nép mình dưới bóng tre xanh um này. Tiếng chân các cụ đi nhè nhẹ xào xạc như tiếng lá tre vẫy gió rì rào. Đêm Ba mươi Tết nào đối với tôi cũng thiêng liêng, nhưng có lẽ đêm Ba mươi Tết ở nơi sơ tán này bỗng trở nên thiêng liêng hơn những đêm ba mươi Tết bình thường nơi phố cổ…Bởi hình như các bậc tiên tổ cũng đi sơ tán cùng chúng tôi. Các cụ như đang ngồi đâu đây trò chuyện với các cụ già trong làng này trở về từ những thời xa xôi lắm, có khi từ những đời Lý, Trần , Lê cũng về tụ hội… Tôi lại bỗng nhớ đến cảnh rất gần đây ngày giáp Tết, trên con đường đê sông Đuống, tôi cùng các bạn nữ trong trường Cấp 3 Thuận Thành đi tiễn đưa các bạn nam lên đường ra mặt trận…Dòng sông Đuống chảy lấp lánh dưới ánh nắng xuân bừng lên buổi sớm mai. Cỏ trên triền đê xanh mướt, xanh như mầu áo của các bạn tôi ngày lên đường ra trận… Lúc ấy trong tôi bỗng vang lên câu thơ vừa được thầy dạy trong giờ học văn: “ Ôi sáng xuân nay như lưỡi gươm Trần sáng quắc/ Rạo rực lòng ta trống trận Quang Trung!”

Sau bữa cơm tất niên chiều Ba mươi Tết sum họp vui vẻ, ngôi nhà của chị Uống lại im lặng chìm trong bóng tối.  Chỉ còn le lói ánh đèn nơi sàn nhà chị Uống  ngồi đan thúng. Làng này có nghề đan thúng, khi hết việc nhà nông người nào người nấy lại ngồi đan thúng, đêm Ba mươi Tết người ta cũng chẳng nghỉ làm, tiếng lách cách gõ nan thúng lại vang lên như thường lệ. Hình như đêm Ba mươi Tết ở làng quê này chẳng có gì khác những đêm bình thường. Không có tiếng pháo nổ, có lẽ dân làng này không tiêu tiền vào việc mua pháo đốt, họ chỉ dựng cây đu bằng tre để cho thanh thiếu niên đánh đu chơi xuân.  Đêm ba mươi Tết này chưa ai đi chơi đu, ai cũng ở trong nhà mình thôi. Đường làng chỉ có gió thổi vi vu, lá khô rơi, mo tre rơi, mùi khói hương bay trong gió chơi vơi… Trẻ con đã ngủ rồi, có lẽ đang mơ những giấc mơ gặp cha mẹ đi công tác xa về, gặp cha mình ở mặt trận về…Tôi vẫn thức cùng bà tôi mẹ và chị tôi cùng chị Uống lặng lẽ đợi giờ phút giao thừa đến, lặng lẽ như ngồi đếm những giọt sương rơi từ những chiếc lá rỏ xuống bên cửa sổ nan tre…Bỗng có tiếng nhạc reo rắt, có tiếng chân bước và ánh đèn pin loang loáng chiếu về bụi mây nơi ngõ cổng nhà chị Uống. Có bóng một người đàn ông bé nhỏ gầy gò đang thong thả bước vào sân nhà… Kìa , ai như thầy Đồng, thầy hiệu trưởng trường cấp I làng Đông Côi, Thầy đeo trên mình chiếc đài thu thanh nhỏ đang phát ra những bản nhạc xuân rộn rã. Mẹ tôi vội đi ra thêm nhà chào đón thầy: “Kìa , Thầy Đồng, đêm tối thế này, thầy đến thăm chúng tôi, quý hóa quá!”Thầy Đồng bước vào nhà, vẻ mặt tươi cười, đầu thầy quấn khăn vải thâm như thầy đồ thời xưa: “ Chào cả nhà , Tết năm nay tôi biết có cụ và cô giáo Thi cùng các cháu  ở lại  ăn Tết với dân làng . Sắp đến giao thừa rồi, tôi đến đón năm mới cùng cả nhà nhé!”

“Ôi, thế thì còn gì bằng! Đa tạ thầy hiệu trưởng”

Lúc ấy ở phía đình làng vang lên tiếng trống : “ Tùng, tùng , tùng…” A, đó là tiếng trống đón năm mới theo phong tục từ ngàn năm ở nơi đất cổ Luy Lâu Thuận Thành…Cả nhà lúc ấy đều lắng tai nghe, cả bọn trẻ con cũng chợt tỉnh ngủ ngồi cả dậy đón giao thừa. Thầy Đồng vặn to cái nút âm thanh nơi chiếc đài nhỏ bé đã được đặt ngay ngắn trên bàn. Từ chiếc Đài vang lên tiêng phát thanh viên: “ Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe lời chúc Tết của Hồ Chủ tịch”. Tiếp theo đó là tiếng nói trầm ấm pha chút giọng người xứ Nghệ, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết :

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua.

Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.

Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!”

Tiếng đọc thơ Chúc Tết vừa dứt, tiếng dàn hợp xướng của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam vang lên hùng tráng như rung động cả không trung: “ Ôi, tổ quốc giang sơn hùng vĩ/ Đất anh hùng của thế kỷ 20/ Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ/ Có Miền Nam anh dũng tuyệt vời!”…Trong tâm trí tôi lúc ấy, tưởng như từ ngàn dặm tiếng súng nổ vang rền vọng tới ở phía chân trời phương nam xa lắc. Tôi tưởng như đã nhìn thấy những người bạn tôi vừa rời ghế nhà trường giờ đây đang lao vào một trận đánh lớn… Đã bao nhiêu năm qua, âm thanh của đêm Ba mươi Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn như vang vọng trong tâm trí tôi. Bóng dáng của biết bao người xưa đã khuất, lũy tre xanh mái nhà tranh cùng đã là dĩ vãng… Nhà chị Uống bây giờ đã thành nhà gạch ba tầng khang trang.Thế rồi trong thẳm sâu ký ức xa xôi vẫn hiện về bên tôi khi Tết đến.

LÊ PHƯƠNG LIÊN, tháng 12/2018.

Các Bài viết khác