MỘT NGƯỜI TỈNH RƯỢU ĐỐT CHÁY RỪNG
( 28-10-2013 - 06:29 PM ) - Lượt xem: 1380
Truyện ngắn này được đăng lần đầu tiên trên Trung Bắc Chủ Nhật số 67 ngày 22/6/1940 và chưa thấy đăng lại. Tháng 7/2013 nhân chuẩn bị cho buổi tọa đàm về Nguyễn Tuân-Vang bóng một thời, BBT Người yêu Sách đã sưu tầm được nay chuyển đến bạn đọc nguyên bản.
Một chuyện về núi rừng của NGUYỄN-TUÂN
Bữa rượu cần hôm qua ở nhà viên tù trưởng không ngờ say đến như thế ! Nguyễn phân vân không hiểu mình say vì rượu hay là say vì cái không khí của tiệc rượu. Có lẽ vì không khí của bữa rượu. Mà phải đấy. Nàng Hai và Nàng Ba, hai người con gái viên thổ ty Mường đẹp như thế, sao người ta lại không say được. Trước mặt người đàn bà đẹp và trẻ và lại ngoan như nước con suối trong trẻo róc rách ở chân cái nhà sàn này, những anh nào tỉnh táo là những anh đại ngốc nhất trên thế gian.
Trong ba bốn hôm nay, Nguyễn là vị khách quý nhà ông chánh Năm, một là lan đạo lũy thế vùng châu này. Ông chánh Năm ít nói, ít cười, có khi cả ngày ông chỉ ngồi thừ ra đấy hút điếu cầy và nhìn thẳng ra canh chừng án ngữ lấy cái cửa sổ rất rộng nhà ông. Khung cửa sổ làm bằng một thứ gỗ rất quý. Cái tên thứ gỗ quý ấy , đọc đến nghe ngô nghê lắm. Nguyễn nhẩm mãi mà không tài nào nhớ được tên loại gỗ. Chàng chỉ biết là chỉ cần có đúng cái loại gỗ rất hiếm ấy thì là người ta có một thứ màu đỏ như son tầu, muốn chát bùn vào, muốn hun khói gác bếp, muốn làm đủ cung cách gì thì làm, người ta cũng không làm tối được cái màu đỏ như sắc hoa lựu nở vào đầu mùa hạ ấy. Trong một cái khung cửa đỏ tươi như thế, gớm, lại được một cái chỏm núi biêng biếc màu lam, không biết ở đâu mà lọt thỏm ngay vào đấy để bắt buộc những cặp mắt hồn nhiên của con người ta cứ phải suốt ngày dán mãi vào cái mầu Tự Nhiên ấy. Ề hạnh phúc thật là đóng ở ngay cái cửa sổ hiền lành này rồi, miễn là người ta đừng có những ý muốn lôi thôi quá, miễn là người ta thỉnh thoảng biết hưởng một đôi phút giây của hiện tại trong một tâm tình đã lắng được xuống.
- Đẹp quá ông Chánh ạ
Ông chánh Năm đánh rơi cái đóm lửa ăn thuốc lào xuống, thảng thốt hỏi Nguyễn:
- Quan bảo cái gì
Nguyễn lắc đầu, nói: “Không” Chàng vừa chợt hiểu rằng nói chuyện lúc này là thất sách và những lúc đẹp như thế này, chỉ có giữ được cái yên lặng là hơn cả. Chàng hơi ngượng vì đã phá mất phút bình lặng thần bí bằng một câu vừa hỏi cái ông thổ ty có tuổi kia đang ngồi im bên cửa sổ lắng mình vào cái hồn của rừng già đổ soai soải ngoài khung cửa sổ gỗ đỏ. Chỏm núi, mọi ngày chỉ biếc rờn một màu nước bể tối trời, hôm nay lại có mây trắng đánh đai trông như một cái vòng bạch ngọc bằng khói. Nguyễn tiếc cho mình sao từ nhỏ không đi học vẽ để lúc này có thể lấy mấy thỏi phẩm thủy họa ra mà ghi lại cho những ngày về sau này của mình một chút cảm giác hoan hỉ chỉ nguyên bằng màu và màu. Ở đây, trong những màu sắc đều có những tiếng nói.
Nguyễn nhớ đến những bức cổ họa Tầu, những bức cổ họa vẽ độc có một màu thủy mạc chỗ đậm chỗ nhạt. Cái tên nhà danh họa Vương Ma Cật trở lại trong óc Nguyễn. Nguyễn tiếc cho Vương Ma Cật, đã đi riêng vào cái phái họa sĩ chuyên lấy bút lông để tả cảnh rừng núi, sao ông ta không lấy màu ngũ sắc để điểm cho tranh mà lại chỉ dùng có một màu đen của mực tàu thôi. Cái giá trị gợi cảm của đám tranh nhà họ Vương thật là bị giảm đi nhiều lắm.
Cảnh núi âm u bỗng có tiếng súng nổ vang dội từ khoảng xa kia nào về. Ông chánh Năm bình thản bảo Nguyễn:
- Nè, quan nè, chiều nay thể nào nhà ta cũng có thịt nai hoặc thịt lợn rừng uống rượu. Cái lộc của quan tốt lắm. Đây chắc là dân tôi đi săn trong rừng, súng dân tôi mà nổ thì sao cũng phải trúng một con gì. Nhờ cái lộc của quan, nhà tôi hôm nay sao sao cũng có sơn hào họ đem mang biếu. Dân vùng này, bất cứ là ai bắn săn được một cái gì, không kể là xa gần, họ đều phải có mang vào đây trình biếu ít ra là một quầy.
Quả như lời ông chánh Năm, chiều ấy có hai người Mường đưa vào một quầy nai, thịt còn tươi thơm đáo để. Ống chánh Năm truyền cho người nhà làm rượu và cho đi mời một ông ký giây thép, một ông ký nhà thương và một ông giáo đến uống rượu. Cứ lời ông Chánh thì nội vùng đây, những người Kinh mà gọi là chơi được thì chỉ có ba ông này. “Các ông ấy được cái tâm điền cũng khá, còn những người khác thì xảo trá lắm; động đi lại với chúng tôi là chỉ muốn lừa lộc chúng tôi.” Sự thực, ông Chánh mời mấy vị công chức ấy đến chơi là muốn làm vui cho Nguyễn, cho trong nhà được nhộn nhịp thêm một ít cười nói của họ và cho Nguyễn đỡ buồn. Ông Chánh ngỡ rằng một người đã sống quen với Hà-nội như Nguyễn, một khi phải lên xứ Mường đìu-hiu này, không có nước đá, không có xe cao-su, không có nhà hát cùng rạp chớp bóng, làm sao mà không khỏi buồn được.
Sau bữa cơm tối, uống rượu với thịt nai bày la liệt trên mâm đồng lót lá chuối thì ông chánh cho lệnh bầy tiệc rượu cần. Theo phép xã giao trên vùng mường, khi mà chủ nhân quý trọng khách phương xa tới chơi, lúc bầy đến rượu cần, thường hay gọi cả vợ và con gái ra để bồi tịch.
Trên cái nhà sàn nền bằng nứa đập rập, giữa bốn cái chiếu hoa can lại, là một vò rượu cắm tua tủa những cần trúc, Nàng Hai và Nàng Ba xiêm áo tề chỉnh, ngồi quỳ bên vò rượu, làm nổi bật hẳn tiệc rượu lên. Cây đèn đất tức tối với sắc đẹp của hai Nàng, nước òng ọc chảy xuống bầu đèn dưới, hơi đất phun mạnh, ngọn đèn nấc lên và bốc sáng hẳng lên gấp đôi ba ban nãy.
Nguyễn đã say vì tiệc rượu mặn vừa rồi, lòng đã lảo đảo, bây giờ ngồi vào tiệc rượu cần nữa, chàng thấy mệt, muốn xin luôi, lại sợ chủ nhân mích lòng. Nhưng có lẽ chàng phải ngồi vào chiếu rượu cần là vì có nàng Hai và nàng Ba. Này, lúc chếnh choáng, ngắm mĩ nhân với hoa đèn, sao trông quái ảo đến thế. Nhìn hai nàng, Nguyễn dần dần nhận thấy cái cám dỗ của Rừng Xanh. Hai nàng gọi chàng là “cái quan” và lúc Nguyễn uống thua rượu cần họ phạt chàng và đem cởi cả áo chàng ra và đổ nước lã, mà quạt như quạt bánh cháng, theo một ước lệ riêng của Rượu cần. Nàng Hai cười ngặt nghẹo. Nàng Ba cười sằng sặc. Nguyễn cũng muốn cười cho khéo như hai người con gái Mường. Ba người lăn ra như mõ, cùng cười như là đều bị ai đè ngửa mình ra mà cù ký. Trông dâm loạn quá … Hơi rượu thấm dần, tiếng cười nhạt dần, cái ngọn đèn độc nhất vô nhị kia tự nhiên hóa thành hai ngọn, ba ngọn rồi cứ thế mà nhân tăng mãi lên. Rồi ánh đèn nhòe, rồi những đường viền khuôn mặt và thân thể nàng Hai và nàng Ba cũng nhòe luôn, Nguyễn lim dim mắt, lấy dục vọng và thèm muốn ra mà dắt hai hình ảnh lẳng lơ hai cô nàng đưa vào trong một tần sâu nhất trong lòng mình. Thế rồi Nguyễn thiêm thiếp trên chiếc ghế bông gạo ban nãy chàng quì lên để nhận cần rượu uốn cầu vồng trước cái mặt chín dừ của mình.
Lúc Nguyễn tỉnh rượu, nhìn ra khung cửa sổ nhà sàn, thấy hai cái sừng trăng hạ huyền đã cài vào một đám lá nơi chỏm rừng phía tây rất gần tầm mắt. Trống trên chòi châu ty, điểm bốn tiếng đùng đục, Nguyễn thấy hơi lạnh chỗ bụng dưới và phía ngực trên thì nóng vô cùng. Cuộc rượu cần để lại cho lòng người say tỉnh cơn vào lúc sáng những dư vị bân khuân, hối tiếc và u hoài. Bóng dáng lả lơi ban tối của nàng Hai nàng Ba và hơi lạnh rừng đêm bí mật lúc này cho Nguyễn cảm giác nửa rờn rợn nửa tê mê của một người đã dát mà lại hay đọc truyện Liêu-trai ở gác trọ vắng, những đêm mưa dầm gió bấc.
Sáng hôm sau, đứa đầy tớ hầu ngựa nhà ông chánh Năm tủm tỉm gãi tai thưa cụ Nguyễn:
- Dạ đêm qua quan say rượu quá. Nàng Hai sợ quan ngộ lạnh, có ra nằm bên cạnh quan để ủ cho quan đầy giấc. Nhưng quan đạp mạnh quá, cô phải bỏ vào trong nhà.
Nguyễn trố mắt nhìn đứa ở ngây ngô kia đang hầu đóm và hầu chuyện mình. Chàng cũng chả lấy gì là ngạc nhiên khi ở Mường, có một người con gái con nhà lang đạo được lệnh cha mẹ ra nằm ủ cho khách một đêm. Tục lệ ở đây vốn thế nhưng nghĩ đến cái đêm qua đẹp như mộng, chàng vẫn thấy khoan khoái trong người.
Chàng bảo đứa đầy tớ thắng ngựa đưa cho mình một cây nỏ và đi vào cánh rừng gần đấy, dặn lại người nhà: “Lúc nào ông Chánh dậy thì nói tôi không ăn cơm trưa”.
Cánh rừng Bù ở cạnh con song Luồng là một nơi nhiều trúc xe điếu. Cạnh rừng có con suối Ngả Hai, thỉnh thoảng nước giòng trên lại gửi về một chiếc lá thắm. Những hòn đá giả ở đây, hòn nào căng tròn và to như một cái sọ người. Vào rừng trúc, sớm nay Nguyễn rắp tắm phải chơi lửa một hôm cho thực thỏa thích trước khi trở về Hà-nội. Chàng đánh diêm châm vào cỏ gianh, cỏ bùng cháy và ngọn lửa dần dà tiến vào cánh rừng trúc. Trúc nổ lách tách rồi nổ đùng đùng. Một lúc nữa các mắt trúc đều liên tiếp mà nổ, đều như là tràng pháo chập ba chập tư. Thỉnh thoảng lại có một tiếng nổ loang rất to như tiếng ống lệnh. Ấy là một cây vừa bị vạ cháy lây với rừng trúc bị đánh hỏa công.
Lửa và khói ngùn ngụt, Nguyễn thấy nóng ra cả người. Chàng cởi hết quần áo, lội xuống suối ngàn, ngâm mình chìm lỉm xuống khe, chỉ ngó một cái đầu lên để phì phò thở khói tẩu thuốc điếu. Nguyễn nhìn rừng lửa bùng bùng reo, tự cho mình là con người văn minh, lúc muốn được gần tạo vật và trở lại với mọi rợ, với hoang phá không một manh áo nào phủ thân. Không một thành kiến gì sẵn trong đầu. Bên cạnh lửa, trong suối nước, Nguyễn thấy xung xướng, không muốn nghĩ đến ngày trở về. Trở về thành thị là lại tù túng, là lại giả dối và che đậy.
Ống chánh Năm dản dị lắm và nàng Hai nàng Ba đẹp lắm. Rượu thì ngon, rừng trúc thì nhiều và người thì ngon lành.
Nguyễn còn hơi choáng váng vì rượu đêm qua, ngỗn những trái ổi rừng, sim chín và ngâm mãi mình ở dưới suối, muốn thời gian đứng im như thế trên cái cảnh nước lửa và một thằng người lõa lồ được làm sơn nhân trong một buổi đi nghỉ nắng xa khỏi kinh thành.
NGUYỄN TUÂN