CHÚ BÉ LÀM VĂN
( 08-09-2015 - 07:35 AM ) - Lượt xem: 1416
Cuối năm 2011, truyện ngắn Chú bé làm văn của nhà thơ Trần Dần được nhận tặng thưởng Tác phẩm hay của Tạp chí Nhà văn 2011. BBT xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn Chú bé làm văn của cố nhà thơ Trần Dần (đã đăng trên Tạp chí Nhà văn số tháng 5 năm 2011).
Gió bấc thổi như điên, gió ào ào lùa vào trong ngõ, gió vặn xoắn lấy bộ quần áo rộng thùng thình của Lư, tạo ra tiếng phần phật khi em đang thoăn thoắt chạy thi với gió. Hai tay chú bê lễ mễ mâm cơm. Cái mâm gỗ xin xỉn thật là to hơn cả người chú bé Lư.
Lư chạc 13 tuổi, cái đầu húi ngắn mà bé như một quả đấm, thò ra trên cái áo bu-dông mầu nâu bạc rộng thùng thình. Cái quần kaki cũ mà chú đang mặc cũng rộng. Ống quần dài lại to như chân voi phải vén lên tới 2 gấu, làm thân người săn sắt của chú lọt thỏm đi trong bộ quần áo rộng quá khổ. Chắc hẳn là quần áo của người lớn nào đó cho chú.
Chú Lư tạt ngang vào cầu thang, bê mâm cơm lên gác, chồng bát hơi xô nhau. Chú lấy chân đẩy cửa rồi đặt mâm lên chiếc bàn nhỏ. Một chút gió lùa thốc sau gáy chú vào buồng.
Gian buồng nhòm xuống phố, nhòm lên trời, khung cửa sổ mở rộng thấy mấy nóc nhà trước mặt rét co ro dưới một mảnh trời đông xin xỉn. Cả gian buồng này có đồ gỗ duy nhất là chiếc bàn nhỏ kia, với hai chiếc ghế mây, một chiếc đã thủng mặt, trên có kê một tấm ván gỗ. Ở một góc nhà nằm thu lu cái hòm gạo, xưa từng là cái hòm đựng sữa hay đựng cái gì đó mãi tận bên nước ngoài. Bây giờ nó nằm ngoan ngoãn xó nhà bên chai nước mắm, với nồi niêu cũng thường nằm thon lỏn ở đó. Ở góc buồng đối diện là một cái chiếu còn mới, hoa đỏ chon chót, cuộn tròn phủ lên trên ba lô, quần áo, chăn màn. Tất cả thành một đống khá to nằm nép cạnh tường. Chủ nhân nhà này ngủ ở đây. Ban ngày chiếu được cuộn lại cho gọn mắt. Cả gian buồng bày biện sơ sài còn có thêm một chiếc giây thép vắt khăn mặt, với một cái chổi vàng xỉn khiêm tốn nép vào tít một xó nhà ít ánh sáng nhất. Thế là hết.
Ánh sáng mùa đông một ngày rét ngọt không đủ sức nóng sưởi ấm cái không khí lạnh lẽo này. Gian buồng trông cứ trơ ra như một người cởi trần đứng trong gió bấc. Nhưng được cái là tất cả đều sạch sẽ, gọn gàng, khiến gian phòng nhỏ có thể kéo lại được khá nhiều cảm tình.
Chú Lư khoan khoái nhìn mâm cơm đạm bạc với một đĩa tép kho nhỏ, một đĩa bắp cải luộc và một tô nước đánh gừng còn bốc khói. Rồi chú nhìn quanh quẩn. Không biết nghĩ sao mà sàn gác sạch thế, chú vẫn vớ cái chổi quét một lượt nữa.
Chú Lư mồ côi cha từ lúc còn ẵm ngửa. Đến năm lên bảy ra ngoài kháng chiến, chú lại mồ côi nốt mẹ. Bây giờ ở gian buồng này, chú sống với người anh ruột lớn gấp đôi tuổi chú, tên là Khiền, cán bộ một cơ quan Trung ương. Chú hiện đang theo học lớp 6 một trường tư. Thật là cả một sự gắng gượng hết sức của người anh ruột mới có thể lo cho chú Lư được đi học. Bởi vì một xuất sống phải chia xẻ thành hai xuất sống. Riêng một đồng lương của người anh thôi, dù khéo co kéo đến đâu cũng khó mà đủ đầy được cho cả hai anh em.
Nhưng anh Khiền đã từng biết những ngày ăn toàn măng mà vẫn làm việc trong những lán rừng kháng chiến. Khiền lại thương em lắm. Anh không muốn em mình sớm vào đời, sớm đóng góp với hai bàn tay còn non nớt và bộ óc thất học. Tình yêu em đã làm anh nẩy ra phương kế phải thi hành một chính sách tiết kiệm hết mức. Đúng là nghĩa đen của chữ thắt lưng buộc bụng. Khiền nhịn quà sáng, cai cả thuốc lá, từ chối mọi giải trí của thành phố, lại còn tiết chế cả lòng thương em nữa. Lâu lắm Khiền mới lại dúi cho em trăm bạc ăn quà hay đi xi-nê ngoài bãi. Người anh ấy thu vén chi ly, thực là một sự hy sinh cực nhọc vì tương lai của em. Hòa bình đối với anh, hẳn lại là một cuộc chiến tranh mới, cũng tự nguyện gian khổ và cũng cao đẹp như những ngày kháng chíến trước kia.
Tính Khiền ít nói, hình như là anh tiết kiệm cả ngôn luận. Đối với em cũng thế, thương thì để bụng chứ hàng ngày anh nghiêm nghị lắm. Khiền đi rồi lại về, chẳng mấy khi hỏi han trò chuyện với em cả. Chú Lư vừa yêu vừa sợ anh. Ban tối có chung nhau ngọn đèn 25w nến vàng nhòe bên bàn làm việc thì cũng im lìm mỗi người mỗi việc. Người anh đi vắng gần như cả ngày, có khi đêm cũng còn đi, chẳng biết là học tập hay chạy vạy một món gì đó.
Riêng chú Lư bầu bạn nhiều hơn với bốn bức tường này, bộ bàn ghế nọ, hay cái chiếu kia. Chú đi học một buổi, còn ở nhà làm những việc vặt cùng bếp núc.
Bây giờ bữa cơm sáng đã chuẩn bị xong xuôi, chú Lư khoan khoái đợi người anh về cùng ăn dù bụng đói đã lâu. Chú ra chiếc ban công nhỏ để nhìn xuống phố. Gà vịt ngoài đường có đến chục con đang rỡn. Chợt đầu phố, một chú gà sống đỏ xù lông mổ nhau với một chị vịt trắng. Thế mà chị vịt lại được chú gà hung hăng. Phố vắng tanh, ngoài lũ gà vịt chỉ có lũ trẻ con. Từ đứa mới lũn chũn biết đi đến đứa lớn bằng chú, hơn chú, phải đến chục đứa. Đặc biệt có một đám chơi bi bể, một tốp con gái xoè váy nhẩy dây. Phố nhỏ chính là thiên đường của trẻ con. Xe cộ chả vắng, bố mẹ mới thả cho con cái ra nô đùa trong lòng phố. Chú Lư từ trên gác cao cúi cái đầu lởm chởm tóc khô khấc, đưa cặp mắt hoanh hoảnh mà thèm thuồng hết nhìn đám bi bể lại sang nhìn đám nhẩy dây, rồi lại quay xem lũ gà vịt có lắm trò gà vịt. Chán mắt, chú lại vu vơ nhìn nhà này nhà khác. Chú ngắm cái ô cửa tròn của cái nhà mầu đỏ trông huếch hoác như con mắt chột. Chú quay nhìn sang bên kia. Nơi có cái sân thượng phơi quần áo lắm màu loạn cả mắt. Còn chỗ này nữa, mấy tia khói nhàn nhạt đang bay lửng trên mái tôn gian bếp căn nhà đầu phố, thường khi có con mèo đen nằm sưởi nắng. Chú Lư thuộc cái phố này lắm. Thuộc đến nỗi chú có thể nhắm mắt mà kể vanh vách từ cái nhà xanh lơ thò ra ngoài, đến cái nhà đỏ 3 tầng chói cả mắt, rồi tiếp đến cái nhà vàng thụt vào. Cứ vậy chú điểm hết phố, chỗ nào cổng sắt tường gạch, chỗ nào tường lở mấy chỗ làm trơ ra những cái mụn loét đỏ. Tất cả chỉ có mười lăm nóc nhà thôi mà. Vậy mà cái thì thò ra, cái thì thụt vào, mầu vôi đều đã nham nhở. Cả phố cứ như một hàm răng khấp khểnh và hà xún. Vậy mà không biết làm sao mà chú yêu cái phố nghèo này đến thế. Cái phố xộc xệch, cũ kĩ, nhỏ xíu đến nỗi ban đêm không có nổi một ngọn đèn đường, nhưng nếu phải chuyển đi nơi khác, hẳn chú Lư nhớ, buồn lắm. Ngày nào chú cũng ngắm cái phố này dăm bẩy bận mà không chán mắt, vào cái lúc cắp sách đi về nhà, lúc ngồi học bài hoặc khi nấu cơm xong, được rỗi rãi như sáng hôm nay.
Tối hôm ấy, anh Khiền đi vắng.
Trời mưa phùn, gió rét buốt thổi long sòng sọc trong ruột phố. Một mình một ngọn đèn, chú Lư nghiêng cái đầu húi ngắn làm luận quốc văn. Chú chăm chú lắm. Nhà chả đông chủ, gian buồng bên, đâu như có khách nói cười ầm ĩ, nhưng tiếng động tới buồng Lư cửa đóng kín mít nên đã trầm đục đi. Chú đang tập trung suy nghĩ. Tai chú chẳng còn nghe thấy tiếng động bên ngoài mà chỉ nghe thấy tiếng bút sột soạt. Chú nắn nót từng chữ, mấp mắy môi mà viết. Hình như chữ nghĩa nó biết nói hay sao ấy. Chúng cứ reo réo lên trong đầu chú, trong màng nhĩ chú, đến khi chúng đã lũ lượt nằm tím đặc trên trang giấy mà vẫn như tiếp tục rầm rì. Góc nhà, một con chuột nhắt cậy nồi cơm lục cà lục cục mà vẫn không bị chú Lư xuỳ xuỳ như những lúc khác.
Đầu đề bài luận: “Hãy tả cảnh êm ấm gia đình em một buổi tối”
Từ lúc chép đầu đề bài luận, chú Lư cứ lo mãi. Sao mà nó hắc búa thế! Không phải vì chú bé kém về văn mà ngược lại, văn là môn khá của chú. Thầy giáo nhiều khi bình văn chú làm kiểu mẫu cho cả lớp học. Nào tả ngày tiếp quản, nào tả thủ đô ngày quốc khánh…v.v… những chuyện ấy chú “coi bằng tép”. Giọng văn chú chẩy reo như suối, chẳng như một số bạn khác bí quá phải lục báo ra mà “cóp”. Chú thì chú không cần giở cái trò ấy ra, cứ tự chú viết mà ối bạn phải tấm tắc khen là “Như báo ấy!”. Nhưng đến lần này thì chú ngồi lắc lư lo rối cả ruột gan lên.
Chà, khó ơi là khó!
Tả cảnh gia đình một buổi tối, lập tức chú thấy hiện ra trước mắt anh Khiền nghiêm nghị ngồi lặng thinh bên bàn làm việc, trong một gian buồng lành lạnh và vàng nhợ ánh đèn. Thế thì tả làm sao cho hay được? Mà lại còn êm ấm nữa chứ! Đêm ngủ với anh thì cũng ấm thực, nhưng không đúng đầu bài. Vả lại khi ngủ chung vậy, bụng chú còn lo ngay ngáy là nằm phải giữ ý giữ tứ, kẻo nhỡ ngủ quá say kéo bừa chăn của anh. Ấy có lần như thế, anh Khiền đập chú dậy, dù không mắng mỏ gì nhưng chú cứ sờ sợ anh thế nào ấy…
Thế thì làm sao mà trôi được bài luận này?
Chú nghĩ tới đôi mắt trô trố ốc nhồi của thầy giáo cứ đảo sòng sọc sau chiếc kính đen to tướng. Nếu mình tả cho đúng cái gia cảnh của mình thì úi trời, sợ thầy lắm, thầy sẽ quở cho là vô chính trị. Chú Lư bấm bụng, buộc phải nghĩ ra hình ảnh một gia đình êm ấm khác thôi. Có vậy mới được điểm tốt.
Bây giờ thì chú Lư đang vùi đầu viết. Thực là may, khi nẫy chú mở đầu được một câu khá thú vị:
“Tối nào gia đình em cũng quây quần quanh ngọn đèn sáng ánh điện, trong một căn phòng rộng có bàn ghế đẹp đẽ. Cảnh gia đình em thật đẹp như trong một bài thơ …”
Câu mở có cảm hứng phá toang cửa cho luồng văn trong đầu chú như thác lũ tuôn ra. Chú viết kín đặc cả trang giấy nháp. Lát sau thì chú như quên cả mọi cảnh bên ngoài. Chú mê man theo ngòi bút chạy. Chú say sưa nghe những cái gì nó cuồn cuộn trong lòng. Khi thì nó rạt rào lên, khi thì nó lắng lịm xuống, nó im lặng mà nó rì rầm, nó rì rầm mà lại im lặng. Khi thì chữ nghĩa nó chen nhau, nó xô đẩy nhau nhiều quá, đông quá, nhung nhúc những chữ. Chú luống cuống chọn chữ này bỏ chữ kia. Khi thì chữ nghĩa nó lại đi đâu cả, đầu óc chú bỗng trắng bệch ra, chú lại phải cắn bút khổ công tìm gọi nó đến. Rồi bỗng lại hoa cà hoa cải trong đầu óc. Chú đắm đuối đến lịm đi trong cái công việc thú vị này:
“… Bố tôi ngồi ở góc bàn đọc báo, vẻ mặt đăm chiêu học tập. Mẹ tôi ngồi khâu vá ở giường bên. Bỗng mẹ tôi hỏi bố tôi: – Báo hôm nay có gì vui không? Bố tôi tạm bỏ tờ báo xuống và thân ái giải thích cho mẹ tôi rằng: – Báo không phải là để mua vui giải trí, mà báo là để học tập cho thông suốt đường lối chính sách của Đảng, của chính phủ và của mặt trận tỗ quốc.
Mẹ tôi nghe vậy xong hí hửng vì mới được đánh thông về lợi ích của báo chí, và rồi mẹ tôi lại cúi xuống khâu…”
Trang giấy nháp của chú Lư gạch xóa vài chỗ. Có đoạn chú viết sạch và nắn nót, có đoạn viết láu đi. Ngoài phố mưa phùn vẫn rả rích châm buốt các nhà cửa nép đầu vào nhau. Gió vẫn kéo xác lá xềnh xệch trên đường.
“… Còn tôi thì ngồi ở bàn, bên cạnh người cha thân yêu. Tôi đang làm bài toán. Bài hôm nay khó quá. Hai cái vòi nước chảy vào một cái bể nước, một cái lại chảy ra. Tôi vốn kém về môn toán, nhất là về cái món vòi nước thì tôi càng sợ lắm. Tôi cứ cắn bút loay hoay mãi định hỏi bố tôi, xong tôi lại sợ là mắc bệnh ỉ lại, không lấy tự lực cánh sinh làm chính. May quá, bố tôi phán đoán ngay được tư tưởng tôi nên bố tôi đến lãnh đạo tôi, giúp đỡ cho tôi vượt qua sự khó khăn gian khổ này.
Bố tôi chỉ giảng giải khêu gợi sự nỗ lực chủ quan của tôi thôi, chứ bố tôi không có tác phong làm thay”.
Chú Lư dừng bút nghĩ ngợi. Lại bí rồi. Một con nhện to bằng lọ mực đang đậu im trên vách tường trước mặt, chú Lư nhìn thấy nó. Mọi khi á, chỉ vài bước chân, một cái vung tay thế là chộp! Chú Lư được một món quà đêm thơm lựng! Xong đêm nay chú làm thinh. May cho con nhện, văn chương đã cứu mạng cho nó. Chú Lư đang còn đắm đuối ở đoạn này. Con mắt chú thường khi ráo hoảnh, giờ này nó đâm ra dìu dịu mơ mộng hơn. Và cả nét mặt khô khốc của chú cũng dễ thương đi chút ít.
Chú lại chúi đầu xuống gần sát trang giấy, ngòi bút lại chạy, gạc đi, xoá lại, ngoặc lên. Cứ một chốc một lát là chú đọc lại, khi đọc một đoạn, khi đọc lại từ đầu. Tưởng là bí, hóa ra lại khoái gớm! Có đoạn thật sướng tai ghê! Đến một đoạn chú nói về các em… thì chú xúc cảm rất mạnh, bụng cứ xốc lên, con mắt hơi ươn ướt. Chú nhớ đứa em gái quá! Con bé gày gò da xanh tái, hiện nó ở tận Nam Định. Một người chú họ làm nghề thợ may nhận nuôi cho. Chú viết:
“… Các em tôi thì chúng nghịch quá! Chúng tranh nhau con búp bê dân chủ mà buổi chiều, bố tôi mới mua ở cửa hàng mậu dịch Tràng Tiền. Mẹ tôi thấy chúng mất đoàn kết với nhau nên mới gọi chúng lại rồi ôn tồn giải thích. Sau đó thì các em tôi cũng thông suốt ngay. Chúng thay nhau ẵm con búp bê trong một bầu không khí thân mật…”
Gió ghé mồm thổi phù vào khe cửa sổ. Hơi lạnh phả lên mặt chú Lư. Chú vẫn mê man tả đứa em gái với con búp bê. Ngọn đèn toả ánh sáng vàng nhờ. Im lặng trùm lên chú bé mồ côi. Chú viết như say, hí hoáy gạc xóa. Chú như mê đi. Rồi chú lặng cả người… Chú thấy hiện lên rõ rệt cái gia đình êm ấm đó như thực tại. Nào cha ở góc bàn, nào mẹ ở phản bên, nào đứa em gái lăng xăng ôm con búp bê hồng hào tóc vàng mượt… Chú Lư mê lịm đi, cả người chú run lên. Từ đôi mắt long lanh, một hạt nước mắt lăn từ từ trên gò má khô của chú. Bỗng chú Lư gọi to lên: “Em Hòa!”. Chú gọi tên em gái ở xa, âm thanh tiếng gọi làm vỡ tan mất giấc mơ đẹp vừa hiện lên trước mặt chú. Gian buồng lạnh lẽo ánh đèn vàng lại ôm lấy chú bé cô đơn.
Ngày hôm sau ở lớp học, thầy giáo cho chú 9 điểm bài luận quốc văn. Lồi cả con mắt ốc nhồi lên sau cặp kính cận, thầy khen văn chú đúng lập trường trước khi đứng trên bục bình văn của chú làm mẫu cho cả lớp hàng mấy chục thiếu niên nghe. Thầy khuyến khích: nếu cứ đà đó mà đi thì sau này chú có thể trở thành nhà văn lớn.
Lời tác giả: “Văn chương có khả năng tạo ra mộng thật đẹp. Nó có sức mạnh đánh lừa được ngay chính bản thân tác giả và đánh lừa được cả người đọc nữa!”
Trần Dần
Theo tapchinhavan.vn