NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHIỀU DÀI ẢO VỌNG (kỳ 4)

( 03-08-2020 - 08:53 AM ) - Lượt xem: 509

Vợ sỹ quan ngụy vừa đẹp vừa lẳng lơ dễ sợ. Tránh động chạm nỗi đau của Năm Hòa anh nhìn ra bên đường ngắm cảnh phố xá. Năm Hòa lái xe ngoặt vào một khu phố nhỏ đông đúc hàng ăn người Tàu, bảng quảng cáo toàn bằng tiếng Trung Hoa

Hoan soạn đồ để trưa khởi hành đi miền Tây, thì cậu bảo vệ gõ cửa báo : anh có khách đợi dưới phòng tiếp tân.

Ngạc nhiên vì khách là một người đàn bà chưa quen, quần bò, áo phông ngắn, mỗi bên tay năm sáu cài vòng vàng, tóc uốn cao, moi son đỏ choét, móng tay móng chân sơn tím xẫm như người ngộ độc. Một vẻ đẹp vừa kiêu kỳ vừa lẳng lơ làm anh dè dặt hỏi.

- Chị cần gặp tôi à ?

- Dạ em là Năm Hòa, theo lệnh anh tư Phước lên đón anh về miền Tây.

Người đàn bà xa lạ làm Hoan hơi ngần ngại. Thấy vẻ do dự của Hoan, cậu bảo vệ có khuôn mặt vuông sạm nắng cười nói xen vào.

- Anh Hai yên tâm. Chị Năm vẫn thường xuyên lên đây đón khách của anh tư Phước nhiều lần rồi. Chị rất quen ở đây. Chúng tôi biết chị.

Một bất ngờ với Hoan, lái xe là nữ giới. Anh hỏi một câu xã giao :

- Bao giờ ta khởi hành hả đồng chí ?

- Dạ xin anh cho phép đi ngay.

Hoan trả phòng, xách cái sáp-sơ-lai theo Năm Hòa. Xe ĐatSun màu trắng đợi sẵn dưới đường.

Làm tan cái vẻ cung kính khách sáo, khi ngồi vào xe Hoan nhã nhặn tự giới thiệu :

- Tên tôi là Hoan, hai Hoan chắc anh tư Phước đã nói với chị.

- Dạ ! xin anh hai gọi em là Năm Hòa hay cô Năm đừng gọi chị, khách sáo anh Tư lại trách em.

- Thế cô Năm lái xe được lâu chưa ?

- Dạ ! cũng lâu rồi ! Độ khoảng gần chục năm. Trước kia lái xe chơi  bây giờ lái xe kiếm cơm.

- Anh Năm có cùng công tác lái xe không ?

- Dạ, chồng em chết trận ở Xuân Lộc lúc sắp giải phóng. Em được anh Tư bảo lãnh cho đi làm. Em với ảnh là bà con xa.

Vợ sỹ quan ngụy vừa đẹp vừa lẳng lơ dễ sợ. Tránh động chạm nỗi đau của Năm Hòa anh nhìn ra bên đường ngắm cảnh phố xá. Năm Hòa lái xe ngoặt vào một khu phố nhỏ đông đúc hàng ăn người Tàu, bảng quảng cáo toàn bằng tiếng Trung Hoa.

Hoan nhìn vào đôi mắt tô xanh, lông mi vuốt ngược lên của năm Hòa như muốn hỏi. Dừng lại đây làm gì.

- Mời anh Hai vào ăn cơm, dọc đường cũng có quán ăn nhưng không được ngon. Anh Hai thưởng thức món gà ác tiềm thuốc Bắc hay vịt tiềm kiểu Bắc Kinh ? Mấy món này bổ lắm. Ăn thêm đĩa cơm Dương Châu nghỉ ngơi rồi ta đi tiếp.

Một người ăn xin cụt hai chân, nằm sấp trên mảnh ván gỗ lắp bánh xe, dùng tay chống đất, lấy đà đẩy di chuyển. Cái cát xét kêu lẹt xẹt oang oang ca một bài tình ca não nề về duyên phận chia lìa đôi lứa, nằm trên lưng anh. Mớ tóc dài xã ngang vai rối và bẩn thỉu bết vào nhau.

Tiện có mấy đồng tiền đúc, bà hàng nước trả lại lúc còn ở ga Hàng Cỏ, anh móc ra ném hết vào cái chậu nhôm méo mó, và cáu bẩn. Mấy đồng tiền nảy lên nảy xuống kêu lạt xạt trong chậu.

- Cảm ơn cậu đã cho, em hổng dám chê. Tiền cắc này ở đây họ hổng sài, mệnh giá nó nhỏ quá.

Hoan đỏ mặt mắc cỡ trước cái tình huống “khác vùng” này. Anh lúng túng móc ví, nhưng Năm Hòa đã đẩy anh dạt ra và ngồi xuống dúi vào tay người ăn mày tờ giấy mười đồng mới, rồi đứng lên đi vào rất nhanh. Như gặp phải quỉ, anh phế binh vội vàng chèo tay cho tấm ván trôi đi chạy trốn trên con đường nóng ngùn ngụt bốc hơi. Tờ giấy bạc màu đỏ như cái lá chết bay theo. Cậu phụ quán nhặt và chạy đuổi theo nhét vào túi áo anh ta. Vào quán Hoan thấy Năm Hòa đang dùng mùi xoa thấm nước mắt. Cô xin lỗi vì đã làm bữa ăn của anh mất ngon, rồi giải thích.

- Ảnh ấy là lính cũ của chồng em. Bị mảnh pháo cắt cụt hai chân. May được quân giải phóng cứu sống, chữa cho. Nhưng khi về khu gia binh thì vợ con đã di tản từ lâu. Thật tội nghiệp, cụt hai chân chẳng biết sống bằng gì nên đành phải đi ăn xin.

Thương binh bệnh binh của ta, ta chăm sóc còn chưa xuể. Thương phế binh ngụy dù có chữa chạy nhân đạo và được các cấp chính quyền quan tâm, nhưng chẳng được là bao. Họ ăn xin trên các đường phố Sài Gòn.

Hoan thở dài :

- Cứ tưởng hết chiến tranh là đoàn tụ làm ăn. Không ngờ còn lắm cảnh ngộ éo le. Ngồi một chỗ thì không thấy hết.

Niềm vui chiến thắng qua đi rất mau, dư âm cuộc chiến vẫn dai dẳng len lỏi vào từng gia đình từng con người của cả hai bên, sự mất mát không phải ngày một ngày hai xóa hết được.

Ngành cơ khí phục vụ chiến tranh bị mất “đầu ra” đã tê liệt và mất phương hướng sản xuất. Thừa nhân công, nhưng thiếu việc làm. Gần một triệu quân ngụy bị giải giáp thành thất nghiệp. Lính chiến không kỹ năng lao động, kiếm bát cơm thật cơ cực. Họ sống vất vưởng bằng những công việc tạm bợ, nên phải lang thang tìm việc khắp các đường phố. Người có tý tài sản bán nhà, bán đồ như cho không để trốn đi di tản. Có những người trốn đi di tản vẫn không hiểu vì sao mình còn phải đi khi đất nước đã yên bình.

Ngoài  Bắc một quả ổi mỡ màng to bằng nắm tay rất quí, ở đây mấy cô bán hàng sẵn sàng bổ ra mời anh nếm thử vị thơm ngon của cây trái miền Tây mà không do dự thiệt hơn. Hoan đưa cái túi nilông đựng “một chục quả ổi” mà cô bán hàng đếm cho mười hai quả cho Năm Hòa.

- Cô cầm về chia cho các cháu.

Mắt Năm Hòa sáng lên mắt đỏ lựng nhìn anh ý nhị. Hoan hiểu, chồng chết cô chưa có con.

Gần tối, xe về đến nhà máy. Giám đốc Phan Thanh Phước trẻ măng, da đỏ mỏng mịn của người no đủ uống rượu nhiều, ra tận sân đón khách. Hai người khoác vai nhau đi vào phòng khách. Hai người đã từng gặp nhau trong một vài hội nghị. Phước tưởng Hoan chỉ là nhân viên thường.

- Hôm ra Hà Nội đã có dịp gặp anh, nay anh vào đây hỗ trợ chúng tôi sửa chữa lò hơi thật vinh hạnh quá.

- Lại khách sáo rồi ! Ông Thiện đã điện thoại nói với ông nội dung tôi vào đây xin cho đi xem hiện trường để tôi báo cáo về cho ông Thiện.

- Việc gì mai bàn, bây giờ muộn rồi, nghỉ ngơi ăn uống đã.

Chỉ chờ có thế, người phụ tá của tư Phước xoa tay dục dã :

- Xin các anh sang phòng ăn, vừa ăn vừa nói chuyện, kẻo thức ăn nguội hết.

Ánh đèn huỳnh quang sáng trắng chiếu xuống cái bàn gỗ cẩm lai nổi vân vàng óng. Trên bàn la liệt thức ăn. Cạnh cửa ngang hai thanh niên quần tím áo sơ mi màu da trời đứng chờ sai phái y như khách sạn Phú Gia ở Hà Nội. Phước giới thiệu người phụ tá đã đứng tuổi, tóc cắt cao vẫn lặng lẽ lẽo đẽo theo hai người. Hoan nghĩ có lẽ là cán bộ lưu dung nên thái độ rất dè dặt không tự nhiên.

- Đây là anh Bảy Bình – phó Giám đốc của tôi. Quay sang hai thanh niên – Các đồng chí xong việc rồi xin để chúng tôi tự nhiên. Gọi hộ Năm Hòa lên đây.

Hoan bắt tay Bình. Hai thanh niên lặng lẽ lách vào cánh cửa bản lề lò xo mở hai chiều. Mấy phút sau, cũng tại cái cửa này. Năm Hòa mặc áo dài màu thiên thanh tươi cười bước vào tay ôm một bó hoa tặng Hoan.

- Xin mừng anh Hai.

Đỡ bó hoa, anh thầm nghĩ, mới quen sao đón tiếp long trọng thế này ? Họ đang diễn kịch bản đã viết sẵn cho một âm mưu gì ?

Phòng ăn chỉ còn bốn người. Chai sâm banh khai vị nổ ròn nút bắn lên trần nhà. Thành thạo đầy chuyên nghiệp, Bảy Bình nghiêng chai cho rượu chảy vào bốn cái cốc pha lê trong vắt để liền kề nhau. Họ nâng cốc và chúc nhau sức khỏe. Bảy Bình giới thiệu các món ăn: cá lóc bỏ lò, thịt dê bóp tái chanh, canh chua lá giang và đặc sản miền Tây cá kèo xuyên que nướng than hoa.

Tư Phước mở chai rượu tây “ông già cầm kiếm”, rót vào bốn cái ly bé có chân.

- Anh Thiện dặn phải tiếp đãi anh Hoan thật nhiệt tình và chu đáo. Cũng mong anh Hoan thật lòng cho.

Nhớ tới lời Hương Lan dặn dò, phải luôn cảnh giác sự lợi dụng của các đối tác. Họ sẽ tìm cách ép khéo để thuận theo ý có lợi cho họ. Mình không cẩn thận khi về ăn nói với xếp ra sao. Họ đang cần gì ở mình ? Hoan đứng lên cướp lời Phước.

- Tôi tửu lượng rất kém. Tôi thật vui khi được gặp gỡ các đồng chí, càng vui hơn khi trong bữu tiệc lại có bông hoa xinh xắn đó là Năm Hòa. Lúc này lại càng đẹp không ai còn nhận ra cô lái xe của chúng ta. Xin nâng cốc uống mừng người đẹp, nào “Dzô”.

Cả bọn đều đồng loạt hô theo. Đôi mắt mãn nguyện sung sướng sáng lên, Năm Hòa vì e lệ. Bảy Bình cười xu nịnh :

- Hoan hô anh Hai. Anh Hai cũng ga lăng có hạng.

- Cảm ơn vì đã quá khen.

Họ cùng ăn uống như đã quen biết lâu năm, nâng ly chúc mừng nhau ồn ào và sôi nổi.

Khi men rượu ngà ngà say Hoan hiểu phải mau chóng rút lui khi đầu óc còn tỉnh táo, để khỏi phải gật hoặc lắc bất đắc dĩ. Anh gục xuống bàn trong trạng thái say vừa thật vừa giả. Lắp bắp nói ngọng “Xin mời !”.

- Anh chàng này tửu lượng kém quá ! Mới uống vài tuần rượu đã đổ rồi.

Đối tác bị rượu đánh bại chuyện muốn bàn không thể thực hiện được. Tư Phước lắc đầu. Bảy Bình phụ họa.

- Hôm qua xuống tàu, hôm nay lại đi xa luôn ,về đây có lẽ quá mệt.

Tư Phước nói :

- Cô Năm đưa anh Hoan về phòng. Anh ấy chưa ăn gì, lại mệt nhọc. Cần săn sóc chu đáo. Bảo nhà bếp nấu cho anh Hoan chén cháo đỗ xanh. Còn chúng ta, thiếu khách đành phải tiếp tục vậy.

Khoác tay trên vai người đẹp dìu đi ngực cọ vào lồng ngực săn chắc và mát dịu của Năm Hòa, Hoan cười thầm. Anh ú ớ lẩm bẩm trong miệng ngả ngớn như quá say. Năm Hòa phải dùng sức đỡ anh gượng dậy.

Đẩy Hoan nằm trên cái giường trải nệm. Giống vợ săn sóc chồng, tháo giày bôi vôi  hai gan bàn chân anh, vực anh uống ly nước chanh pha đá mát dịu. Cô chạy xuống bếp mang cháo lên. Ăn xong bát cháo cá bỏ hành thơm phức Hoan thực sự tỉnh táo anh cười một mình nghĩ về bát cháo hành của Thị Nở.

- Cảm ơn cô Năm. Tôi đỡ nhiều rồi. Cô ra dự tiếp tiệc với các anh ấy đi.

- Em lo cho anh hai quá.

Giọng dịu dàng có chút nũng nịu, đôi mắt ướt của Năm Hòa nhìn Hoan một cách man dại khao khát.

- Em được phân công săn sóc anh đêm nay.

Hoan hoảng hốt ngồi nhỏm dạy, mắt mở to nhìn Năm Hòa, lại có cả chuyện này. Họ âm mưu gì đây ? Hoan trở nên kiên quyết :

- Đây là cơ quan, “chị” Năm giúp tôi như thế là tốt rồi “chị” Năm ở lại đây không tiện. Mong chị Năm hiểu cho, tôi cần được yên tĩnh.

Thấy Hoan đã đổi chữ “Cô” thân mật và giọng nói không còn trìu mến. Năm Hòa lẳng lặng thu dọn bát chén đi ra. Hoan nhanh chóng cài cửa lại và ngồi một mình nghĩ ngợi. Ngoài cửa sổ mảnh trăng lưỡi liềm nhọn và mỏng treo trong khoảng không màu lam, xa xa tiếng xe chạy vọng lại.

Bình minh còn bảng lảng sương giăng trên các lùm cây, nhà máy đã nhộn nhịp công nhân đến nhận ca và giao ca.

Tư Phước cùng Hoan ăn sáng ở nhà ăn tập thể. Tư Phước nhìn anh, hóm hỉnh hỏi :

- Cô em họ tôi tiếp đãi có làm anh vừa lòng không ? Cô ấy rất tự nhiên và nhiệt tình, đường chồng con thật tội nghiệp.

- Vâng tự nhiên. Tôi xin có lời cảm ơn vì lòng hiếu khách của anh.

Giữa lúc ấy Bảy Bình đến đưa hai người hai cái mũ nhựa trắng. Lúc này, loại mũ an toàn miền Bắc chưa dùng phổ biến. Tưởng mũ tránh đạn Hoan hỏi:

- Trời ! ở đây mất an ninh lắm phải không.

Tư Phước cười nhẹ hàm răng khểnh ra như diễu cợt sự nhút nhát của Hoan.

- Cái mũ nhựa này có ăn nhằm gì với đạn bắn tỉa. Trúng một phát là đạn xuyên thấu sọ ngay. Quy định phải đội mũ bảo hộ khi làm việc : Cán bộ mũ trắng, công nhân mũ vàng, nên đưa mũ ông đội để xuống lò.

Bảy Bình giải thích :

- Mấy năm trước cũng có sự lộn xộn nhưng nó xảy ra ở ngoài phố, từ ba bốn năm nay hết rồi. Đội tự vệ của nhà máy do Năm Ngọ, chiến sỹ tiểu đoàn ba lẻ bảy chỉ huy là một đội vũ trang mạnh, chẳng kẻ nào dám ho he quanh đây. Anh Hai cứ yên tâm

Ba người đội ba mũ an toàn, cùng xuống xưởng lò hơi quản đốc lò Võ Sử có bộ râu cắt ngắn đen nhánh chạy ra đón.

- Xin chào các anh, để tôi hướng dẫn các anh xem chỗ hư hỏng. Nói xong Sử nhanh nhẹn đi trước.

Chỗ hư hỏng của dàn hơi không có dấu vết của sự phá hoại. Hoan xem đi xem lại các chỗ nứt, ghi chép các thông số của lò vận hành trong ca xảy ra sự cố. Mình bị các vị ở Hà Nội hù dọa nên cảnh giác có phần quá mức cần thiết. Phía xa công nhân tò mò đứng nhìn. Hoan cầm một cái bu-lông ở dưới chân tường gõ vào dàn ống thép nghe tiếng kêu để kiểm tra từng khúc ống.

- Lò đã vận hành gần hai chục năm rồi các ông còn khốn đốn vì cái giàn ống này. Nó yếu lắm.

Hoan lấy máy ảnh ra chụp các chỗ hỏng để về làm căn cứ báo cáo cấp trên. Hoan nói :

- Tạm đủ rồi. Về văn phòng ta sẽ bàn tiếp.

Phước dẫn Hoan đi qua căn nhà lợp tôn hai lớp để thông gió, cỏ mọc vào tận cửa. Anh em thợ đang uốn ống chuẩn bị sửa chữa lò, tiếng máy chạy ro ro Hoan nhặt một đoạn ống ngắm nghía bên trong rất lâu, và cầm đoạn ống theo về văn phòng. Ngồi uống nước, mặt Hoan rãn ra không căng thẳng như lúc sáng. Hoan hỏi :

- Ông định cho thay những ống hỏng bằng ống  này à ?

- Nhiều năm rồi, cứ hỏng là lấy ống này thay. Ống này có từ trước giải phóng.

- Ống này không được đâu, vì dàn ống này phải chịu nhiệt cao hay bị nổ lắm. Một số nhà máy ở miền Bắc đã thay bằng ống hợp kim qua thực tế thấy rất phù hợp.

Tư Phước lắc đầu không trả lời. Anh được gì trong sự thay thế vật tư này.

Tư Phước chỉ muốn đẩy ra cho nhẹ nợ. Anh nói :

– Trên mảnh đất ngẩng mặt thấy xoài, cúi đầu thấy lúa, tìm đâu ra thép ống hợp kim ?

– Thì lùng mua.

– Không đáp, Phước im lặng. Cái thời còn “xin cho” dù của xí nghiệp nhỏ, mỗi ông Giám đốc cũng như một lãnh chúa nắm quyền nhân sự vật tư và kỹ thuật, tài lộc theo nhiều hướng chảy vào túi, làm việc gì họ cũng đắn đo cân nhắc, chẳng vươn lên cao hơn cũng cố giữ cái ghế đang ngồi. Tư Phước nói :

– Tôi tự nghĩ để nước ngoài họ làm cho chắc ăn, có bảo hành mình đỡ trách nhiệm.

Như thế là bài đã lật, họ không muốn làm. Hoan thuyết phục.

– Nhờ nước ngoài cần phải có thời gian, mà điện đang thiếu không đợi được lâu đâu.

Tư Phước xoa cằm suy nghĩ đến trách nhiệm khi nhà máy phải ngừng phát điện để sửa chữa.

Ăn cơm xong, không nghỉ trưa, hai người lên chiếc xe jeep dã chiến do tài Hải người gầy nhom lái đưa vào phố tìm hàng. Qua một hai vựa hàng nhỏ, họ tìm không thấy loại ống thép mình cần. Xe dừng lại vựa hàng Đại Thành, trông bên ngoài cửa hàng sập xệ lại có, đủ loại sắt hình, sắt lá, ông nước lưới B40 mắt cáo các cỡ. Mỗi loại hàng một kho riêng lợp tôn sâu hun hút, tất cả đều quay mặt ra một khoảng sân rộng ô tô ra vào được. Ông chủ Đại Thành bụng to, béo núc níc, da bóng tóc cắt cao, khéo xã giao cười như ông Địa chạy ra đón hai người. Ông Đại Thành trước kia là thợ nấu thủy tinh, mua rẻ khu kho này của ông Trường Phát, hơn ba trăm cây vàng, với ý định mở một xưởng thủy tinh. Ông Trường Phát không những giao kho bãi cho ông Đại Thành mà còn giao cả mối làm ăn, giới thiệu giá bán, giá mua từng mặt hàng còn tồn đọng để êm thấm vượt biên qua Canada.

Con người “Gặp vận, vào cầu” phất lên chả mấy hồi. Cả đất nước chuyển mình chỗ nào cũng xây dựng. Từ cầu đường, nhà ở, đến chung cư, đâu không cần sắt thép ? Ông Đại Thành bán ra và nhập vào sắt thép, tưng bừng không còn dứt ra được để quay về nghề nấu thủy tinh. Buôn bán, lợi nhuận thu nhiều hơn sản xuất, ông Đại Thành bừng tỉnh bỏ luôn ý quay về nghề thủy tinh. Hai người nói với ông về các vùng cát trắng từ Quảng Bình vào đến Nha Trang, Bình Thuận …. Các loại cát nấu thủy tinh trong, thủy tinh màu và các loại hóa chất tẩy rửa pha chế, họ hiểu biết và am tường như người trong nghề làm ông thích thú cười hô hố. Chủ và khách thông cảm cùng sôi nổi chuyện trò.

Ông Đại Thành thân thiết đưa hai người đi xem hàng. Thấy hai người lòng vòng quanh đám ống nước tráng kẽm. Ông Đại Thành hỏi :

- Hai chú mua ống nước làm gì ?

- Bắt nước trong nhà máy và khu chung cư đang xây, kiếm chút đỉnh tiền sài. Phước trả lời.

- Các chú mua sắt phi sáu, thép gai xoắn xây dựng ở kho bên kia. Sắt của Úc loại tốt đấy !

- Nhà thầu họ bao hết phần xây rồi, phải thương thảo mãi họ mới chịu nhả phần điện nước cho chúng tôi.

Ông Đại Thành đứng nhìn hai người bấm đèn pin săm soi từng lô hàng và đánh dấu vào bảng giá ông đưa Hoan hất đầu chỉ vào dàn ống hộp kim nằm sát tường và lấy ngón tay chỉ vào bảng giá nói khẽ.

- Giá của vụ vật tư còn cao hơn nhiều Tư Phước bấm tay anh và nói khẽ.

- Biết rồi. Đừng biểu lộ ra nét mặt và quay ra ông Đại Thành. Anh Thành có loại ống nước nhà cao tầng này chắc khó bán lắm hả.

- Sao họ bảo ống thép này chỉ lắp cho tàu ngầm ?

– Có lẽ vậy, kinh doanh cần luân chuyển hàng nhanh, sao anh không gọi bên Hải quân mời họ mua giúp. Bán để lắp cho tàu ngầm được giá đấy.

- Hơn hai năm trước đã gọi rồi, nhưng có lẽ để giữ bí mật họ từ chối. Loại này ngang giá ống tráng kẽm nên khách chọn ống tráng kẽm. Xem có dùng được vào việc gì, các chú mua tôi bán rẻ cho. Nó nằm đây từ ngày tôi nhận của ông Trường Phát.

Ông Đại Thành nhìn hai người xem phản ứng trên nét mặt từng người. Tư Phước đẩy đưa :

– Xu hướng bây giờ dẫn nước người ta dùng ống nhựa Bình Minh lắp đặt nhanh cũng đảm bảo dùng mười lăm hai mươi năm, tất nhiên loại ống thép này ế ẩm. Ống này chỉ thích hợp lắp cho nhà mười lăm tầng trở lên. Loại nhà siêu tầng này ở miền Nam mới xuất hiện một hai lô. Chờ nó mọc lên đại trà khoảng mười năm nữa.

Hoan đứng ngoài phụ họa vào :

– Mua loại nào rẻ rẻ mới có ăn, mua hàng tốt thì còn sơ múi gì ?

Tư Phước cười, cái răng khểnh chìa ra, nét mặt tươi :

– Giảm giá loại hàng tồn kho, tôi lấy cho.

– Tiền đâu ra trả ngay một lúc món hàng này ! Anh nghĩ lại đi.

Hoan gàn, Tư Phước lại xoa cằm bóp trán.

– Nếu anh Đại Thành cho trả chậm mươi tháng tôi xin ôm hết. Trước mắt trả trước một phần ba tiền mặt còn hai phần ba cuối năm trả hết một lần.

- Trả chậm mười tháng ?... Biết chú là giám đốc nhà máy đèn, mua bán có uy tín. Nhưng …

- Nếu anh ngại, tôi mua một ít dùng tạm chờ hàng của bộ điều từ Bắc vào vậy.

Số sắt thép này, Đại Thành mua như của vớ được. Phần vốn chỉ bán vài loại hàng khác đã thu hồi, đây là một phần nhỏ cái lãi tồn lại, bán được bao nhiêu thì bán. Hai người đẩy nhẹ nhau đi ra phía sân. Thấy khách có ý muốn về, ông Đại Thành bám lấy Phước trao đổi cách thanh toán. Hoan lảng ra xa đứng dưới cây xoài ở góc sân ngắm nghía chùm quả ửng vàng.

Một bên cần bán để rút vốn, một bên cần mua, họ nhanh chóng thoả thuận với nhau về giá cả, về tỷ lệ hoa hồng Phước được hưởng và phương thức thanh toán. Hợp đồng có các điều khoản ràng buộc về chủng loại hàng về thời gian thanh toán nếu quá hạn sẽ nhờ ngân hàng công thương thu qua tài khoản của bên mua, không cần bên mua có đồng ý hay không.

Sau khi hợp đồng do Bên Đại Thành ký trước, Phước đặt cọc năm triệu và dặn Đại Thành :

- Sáng mai anh nên đi cùng xe hàng đến nhà máy nhận bản hợp đồng bên tôi ký vì ở đây không mang theo con dấu, nhân tiện nhận tiền luôn và nhớ là trả trước một phần ba.

Ông Đại Thành mời hai người ở lại nhậu nhưng Phước từ chối và chỉ Hoan nói khẽ :

- Xếp của Bộ cử đi giám sát đấy. Không phải lính của tôi đâu. Ông ấy gật việc mới xong.

– Ấy chết ! Tôi cứ tưởng là phó của anh, thất lễ quá ! Đại Thành thảng thốt giật mình.

Tiễn hai người ra xe, lần này ông Đại Thành bắt tay và cúi gập người xuống chào Hoan. Cái bụng bự của ông làm ông giống con lật đật. Hoan mỉm cười cũng cúi mình đáp lễ.

Họ đã mua được lô hàng ống thép hợp kim như ý muốn, giá rẻ hơn của vụ vật tư đưa ra.

Có vật tư, Hoan xuống xưởng cơ khí đo đạc cắt và uốn ống với anh em thợ như một công nhân. Tư Phước cười khen.

– Tay nghề anh Hoan cũng khá nhỉ.

– Chuyện ! Cha truyền con nối mà !

Công việc được tiến hành khẩn trương, chia làm ba ca làm việc liên tục, sau nửa tháng dàn ống đã được thay thế và lò đã chạy thử tốt Hoan nói với Tư Phước :

- Nhiệm vụ được giao tôi đã hoàn thành, ngày mai tôi về Bắc. Anh có nhắn “con bé” nào không ?

– Ở lại thêm vài ngày tôi đưa anh Hai đi chơi vài nơi.

– Để bận sau mình sẽ ở lâu. Mai ông bố trí cho mình ra bên xe ô tô. Mình đi xe đò được rồi.

– Sao phải khổ thế ! Mình cho tay Hải đưa ông lên Thành phố Hồ Chí Minh. Ông có thể sử dụng xe vài ba ngày để đi thăm bà con. Mình thích tài Hải vì nó kín đáo có ai hỏi bảo chở mình đi đâu, hắn đều lắc đầu không trả lời, gắt quá hắn nói “Muốn biết ông lên hỏi sếp”. Cho nên ông đi với hắn là an tâm, có rẽ thăm “phòng nhì” cũng không ngại bép xép.

– Mới vào Nam chưa quen ai, phòng nhì phòng ba cái nổi gì !

– Có duyên thì tránh thế nào được.

Tới Sài Gòn, tài Hải lái xe vào tận chân cầu thang lầu nhà khách để Hoan xuống đi thẳng tới quầy tiếp tân trình giấy và xin nhận phòng. Khi cửa phòng vừa mở Hoan quay lại đã thấy Hải xách túi có đựng xoài ông Đại Thành gửi biếu, đứng bên cạnh. Xoài tươi thơm ngai ngái được hái từ cây trồng trước sân kho cửa hàng sắt.

Hải rút cái phong bì dùng hai tay đưa cho Hoan.

- Chú Tư Phước dặn con chuyển biếu chú vé máy bay xin chú hai nhận hộ. Chú Hai muốn đi ngày nào thì đến phòng vé đăng ký trước một ngày …

Hoan nhìn cái phong bì dày, anh mở ra có cả tiền và một mảnh giấy nhỏ “Chút quà nhỏ biếu ông tiêu vặt. Chúc lên đường may mắn”. Tài Hải nhìn quanh phòng :

– Chú Hai không mang gì về Bắc à ?

– Không ! Hành lý chỉ có thế này thôi !

Hải dụt dè, hai con mắt đen mở to nói khẽ :

- Con muốn nhờ chú Hai mang hộ mấy quyển kinh đưa cho ông cha Thiêm ở nhà thờ Phụng.

– Kinh Thánh ?

– Dạ, chuyến trước con ra Bắc, con biếu ổng một quyển kinh ổng “dzui” lắm. Ổng dặn mua hộ bao nhiêu tiền cũng được. Nhà thờ đang cần những sách này. Chú Hai mang ra vài trăm quyển chắc có lãi.

- Chà, chà món hàng độc, mang ra không bán được chỉ có nước đem thiêu.

- Con sẽ viết thư giới thiệu chú Hai với cha Thiêm. Con đảm bảo với chú Hai nhà thờ nào họ cũng nhận loại hàng này. Con đã đến vài nhà thờ rồi. Kinh sách hiếm lắm, có một quyển họ quí hơn vàng !... Nếu chú Hai không bán được cứ gửi lại con sẽ gửi tiền ra trả chú Hai kèm hai mươi phần trăm tiền lãi. Con mà mang được về quê ngoại ở Nam Định cứ là hết bay ngay trong ngày.

Hoan gật gù nhìn vào khuôn mặt nhỏ nhắn hiền lành của Hải như muốn thẩm tra lại anh. Anh gật gù :

- Nghe cũng xuôi đấy ! Nhưng mua hàng ở đâu ? Tớ liều đánh bạc thử một phen xem !

Hoan nghĩ nếu rắc rối, bỏ của chạy lấy người, coi như mất khoản tiền biếu này.

- Con xin đưa chú Hai đi ngay đến cửa hàng Têrêxa bên Bình Triệu để chú xem hàng. Nhà thờ nào ở Sài Gòn cũng bán kinh sách cho con chiên, nhưng ở đây cửa hàng lớn, chú muốn mua bao nhiêu cũng có.

Đúng là một cửa hàng chuyên bán đồ thánh và kinh sách vừa rộng rãi vừa nhiều mặt hàng. Hai nữ tu trẻ mặc áo choàng đen đầu đội khăn trắng đứng sau một quày lớn bài trí trang trọng, bày nhiều tượng Chúa có giây đeo cổ. Sau lưng họ đủ loại ảnh thánh to có nhỏ có in màu, rất nét. Giọng nói dịu dàng và nhan sắc mặn mà của cô nữ tu làm Hoan ngẩn người, thầm tiếc cho tuổi trẻ của họ. Sau khi Hoan nói rõ yêu cầu mua kinh và ảnh Thánh với số lượng lớn. Một nữ tu đi vào cửa sau quầy dẫn ra một nữ tu đứng tuổi. Bà chào hai người và nói :

- Hai ông mua nhiều chúng tôi sẽ triết khấu phát hành mười lăm phần trăm như qui định.

Hoan tỏ ra lo ngại chuyện thuế má. Vị nữ tu cười.

- Chúng tôi sẽ cấp hóa đơn cho các ông đầy đủ, tạo mọi điều kiện để chuyển hàng đi dễ dàng.

Nhẩm giá và tính số tiền hiện có, anh xin mua ba trăm cuốn kinh; một ngàn tấm ảnh thánh các loại. Hàng được mang ra làm Hoan phát hoảng, mình không thể vận chuyển nổi. Cửa hàng đưa ra biếu hai cái túi vải bạt có khóa dây. Chất hết kinh và ảnh vào vẫn còn rộng. Hoan nhặt thêm quyển tiểu thuyết của Víchto Huy Gô dàn trên mặt túi và đóng khóa lại, anh nói với tài Hải :

- Nặng nề thế này, không đi được máy bay rồi ! Phải đi bằng tàu hỏi thôi !

Anh đặt tiền và gửi hàng lại hẹn chiều sẽ sang lấy.

Hải tức tốc đưa Hoan đi mua vé tàu trả vé máy bay và trả phòng nhà khách. Khi mang sáp-sơ-lai và túi xoài xuống anh dặn cậu bảo vệ nhà khách :

- Nếu có ai hỏi xin anh nói hộ, tôi đã bay lúc 3 giờ chiều nay rồi.

Hoan thanh toán tiền sách. Nhìn cách đếm lóng ngóng của anh vị nữ tu cười thông cảm đưa thêm cho anh một tờ hóa đơn có lôgô cửa hàng và một tờ hóa đơn thuế buôn chuyến nộp tại phòng thuế Bình Triệu.

- Để yên tâm xin ông giữ lấy mấy thứ này. Thuế buôn chuyến sách không đáng bao nhiêu, cửa hàng xin biếu ông gọi là chút hoa hồng :

Hoan lịch sự cảm ơn, hẹn có điều kiện sẽ trở lại. Hai túi sách như hai bao tải lớn vừa chật sau xe Jeep.

Bốn giờ chiều, với tờ hai chục lót tay cho bảo vệ xe tài Hải theo đòan xe chở hàng vào sân ga Bình Triệu. Hai người khệ nệ khiêng hai túi sách lên tàu dưới cái nắng chiều gay gắt.

Hoan ngồi trên toa nói xuống dặn Hải.

- Không nên nói với Tư Phước tôi đi tàu và mang kinh ra. Biết hắn sẽ cười nhạo tôi.

- Chú Hai yên tâm ! Con biết giữ miệng mà ! Thôi chúc chú Hai gặp may mắn. Con phải về xa, con đi trước đây !

Hải đánh xe ra khỏi cái cổng gỗ chằng thép gai còn dừng lại vãy vãy rồi mới tăng ga đi tiếp.

Chưa tới giờ nhà ga đón khách mà trên tàu, toa nào cũng có vài ba người. Ngoài cổng soát vé người chen vai thích cảnh nhốn nhao như tan rạp. Đến giờ đón khách, qua cái cửa hẹp họ chen lấn cãi cọ nhau như sợ hết chỗ ngồi. Mấy anh bộ độ từ chiến trường K trở về trên lưng ba lô lủng lẳng một con búp bê nhựa và cái khung xe đạp dắt phía sau bị đảy dạt siêu vẹo hết bên này sang bên kia. Khi chen vào lọt cửa soát vé, họ rùng rùng chạy, tay xách đồ, vai vác túi như chạy loạn. Hành khách leo lên tàu, chân bước rầm rập, gọi nhau í ới, văng tục và chửi bậy.

Sân ga náo loạn mất một lúc, bây giờ còn lại chỉ là các người bán cau cả buồng, chuối cả buồng, dây dù, võng dù, quạt giấy, bật lửa móc khóa.

Đến lúc này Phúc một cô gái trẻ mới lững thững vào ga, tay xách một làn nhựa hoa quả chậm rãi lên tàu. Cái duyên đi buôn của cô cũng tự nhiên như đi thanh niên xung phong, tất cả cứ theo mọi người rồi quen. Cô săm soi nhìn số ghế của mình bên cạnh một thanh niên trắng trẻo má phung phính cô lơ đãng nhìn lên giàn để đồ xem hàng của mình sẽ xếp trên giàn như thế nào.

- Xin chào anh ! Anh cũng về Hà Nội ạ ?

Hoan ngước lên nhìn cô gái trẻ mặc bộ quần áo màu xanh lá cây mũ tai bèo hất ra sau, chân đi dép rọ nhựa màu mận chín. Cô ta ghé ngồi cạnh anh. Toa tàu ngột ngạt hơi người, và mùi trái cây chín anh như muốn ngạt thở. Hoan hỏi :

- Cô là bộ đội à ?

- Trước kia là thanh niên xung phong bây giờ về đi buôn.

- Đi buôn ? Hàng hoá đâu ?

Phúc cười :

- Rồi anh sẽ biết.

Phúc lấy cái quạt giấy phảy phảy cho anh, làn gió ít ỏi cũng làm anh dễ chịu. Phúc dịu dàng nói với Hoan :

- Anh làm ơn đổi giúp cho em ngồi phía ngoài một lúc.

Hoan nghĩ sự dịu dàng mềm dẻo chỉ để đổi chỗ ngồi. Anh lắc đầu :

- Trời nắng nực thế này, ai chả muốn ngồi bên cửa sổ. Cô có khôn hơn người không.

- Thì đây, anh cầm cái quạt này quạt tạm cho mát. Em chỉ đổi qua vài ga để nhận hàng, đến Biên Hòa em sẽ trả lại chỗ cho anh.

Coi như Hoan đã đồng ý. Phúc dúi cái quạt vào tay anh và hơi né người để Hoan lùi ra.

- Tôi xin thua ! Anh cười và dịch ra.

Đoàn tàu đã lắp đầu máy diêzen màu đỏ, nghĩa là sắp khởi hành. Từ các nhà ven đường như có hiệu lệnh hàng trăm “cửu vạn” xách hàng ôm hàng ùa ra, toàn hàng trốn thuế, ấn vào các cửa sổ toa theo qui ước đã định trước. Từ các ga Bình Triệu, Sóng Thần, Dĩ An hôm đi vào Hoan thấy người ném hàng xuống; hôm nay đi ra người ta tới tấp ném hàng lên. Một số gói hàng của Phúc ngổn ngang xung quanh Hoan phải đứng trên ghế xếp hộ từng gói hàng lên giàn để Phúc đứng lên lấy quạt quạt cho anh và đưa cái khăn tẩm nước hoa cho anh lau mặt. Qua ga Biên Hòa, Phúc đổi lại ghế trả Hoan :

- Anh ngồi ra ngoài cho mát.

Tay Phúc vẫn không ngớt quạt cho anh. Hoan dằng cái quạt từ tay Phúc để tự quạt. Hoan hỏi :

- Tất cả họ đều là người nhà của cô à.

- Không ! Phúc cười nhìn vào khuôn mặt ngây ngô của anh.

- Gửi hàng thế này không sợ mất à ?

- Họ cũng phải giữ chữ tín để làm ăn. Mất hàng họ sẽ đền. Có điều gói hàng anh gửi trị giá hai trăm anh nói trị giá một trăm để bớt tiền công vận chuyển, anh chỉ được đền một trăm thôi.

Bất chợt Phúc quay lại hỏi Hoan :

- Anh mới đi hàng à ? Anh đem hàng gì mà nặng thế ?

- Sách !

- Buôn sách thì ăn gì ! Vác mệt cho thằng tàu thằng xe ăn hết.

- Không biết buôn bán gì đành phải đem sách vậy. Mặt hàng ít người buôn, không hư hỏng tất nhiên lãi chẳng bao nhiêu.

Thấy nét mặt thật thà của Hoan, Phúc nói:

- Anh thử ra chợ quan sát người ta mua hàng đi, đem hàng về là biết ngay. Thiếu gì thứ buôn. Từ Bắc vào họ đem cây dược liệu, thuốc tây của các nước xã hội chủ nghĩa, thuốc lá ba số năm do thủy thủ đưa từ Nhật hay Singapo về, vải tích xuy, vải kaki và nếu giỏi anh mang hàng vật tư phụ tùng ô tô dầu quế dầu hương nhu, dàu bạc hà. Từ Nam ra buôn đồ điện, quạt điện, bàn là; đồ nhựa, bút bi, vải katê. Tóm lại từ Bắc vào buôn nguyên liệu vật tư, từ Nam ra buôn tạp phẩm.

- Cô đúng là một chuyên gia thương nghiệp.

- Anh ở nhà nên không biết. Ra ngồi quan sát ở chợ một thời gian sẽ biết : buôn cái gì, đem đi đâu ngay. Ngay trên tàu này, anh đi vài chuyến sẽ quen. Buôn có bạn, bán có phường, dọc đường người ta thông báo cho nhau mặt hàng cần không cần, và giá cả.

Hoan thấy buồn, chiến tranh dậy người ta cầm súng. Chẳng lẽ hòa bình lại đi buôn, có còn con đường khác không ? Trên tàu chẳng ai bảo, người ta đồng loạt thi nhau mắc võng xí chỗ ngủ. Bộ đội mắc võng vải bạt, người dân mắc võng lưới dây dù mới mua ở ga Bình Triệu. Võng mắc ken nhau không nhìn thấy gì ở cuối toa tàu. Võng buồng chuối, buồng cau đua đưa dưới giá gồ để đồ lủng lẳng trên đầu người ngồi phía dưới. Những người bán vặt, nhảy tàu dăm bảy ga trốn ở các đầu toa bắt đầu len lõi bán cơm, cháo, xôi, nước, thuốc lá. Tiếng rao, tiếng hỏi lanh lảnh trong đêm. Chè Thái Nguyên pha bán chén, thuốc lào Tiên lãng hút điếu cày cũng có. Một cái chợ đêm họp trên tàu. Đoàn tàu rọi đèn pha, ánh sáng khoan xoáy vào khoảng tối mệnh mông. Phía tây dãy núi đen xẫm lúc gần lúc xa như những vì sao cô đơn. Đèn bão của người dân đang gạt bùn trong cái vũng nhỏ chắt từng thùng nước tưới cây. Miền trung đang vào mùa hạn hán.

Trời sáng, tới Nha Trang tàu dừng lại hai giờ để bơm nước, bơm dầu và tránh đoàn tàu từ Bắc vào. Hoan xuống ga gọi điện cho mẹ đẻ của Hương Lan, anh rào đón rằng mình có nhiều hàng không trực tiếp vào thăm hai cụ và gia đình. Bà cụ bảo anh ra phía cổng ga đón, và tự tả nhân diện để anh dễ nhận. Bà muốn gửi cho Hương Lan chút quà. Miễn cưỡng, anh phải ra cổng đón bà cụ. Kể vắn tắt cho bà cụ về Hương Lan và cậu con trai làm thủy thủ tàu viễn dương ở dưới Hải Phòng – theo những lời Lan kể chuyện khi anh còn ở Hà Nội.

Quà là một gói rãi chim yến sào.

Hoan đem bỏ vào sáp-sơ-lai. Một tờ ảnh thánh rơi ra Phúc cầm lên xem :

- Ồ đẹp quá ! cho em xin một tờ về dán chơi.

“Chơi” Hoan trừng mắt nhưng lại rủa thầm “đồ vô đạo !”. Anh nghĩ, tuổi xuân cô ấy sống trong rừng, có lẽ không biết thật. Anh ghé tai Phúc nói.

- Ảnh thờ đấy ! Không thể cho được thông cảm dùm.

Phúc nguýt anh :

- Hứ ! Tiếc hả ?

- Vâng tiếc. Mong cô hiểu giúp.

Hoan ngả lưng ra tựa ghế, mắt lim dim. Quả cuộc sống trớ trêu kỳ lạ. Kẻ vô thần như anh đi buôn kinh sách ! Chuyện này mà lộ ra, đúng là đầu đề để cơ quan đàm tiếu. Ai chứ tay Đăng sẽ thêm mắm thêm muối cho thành nghiêm trọng và bí mật.

Tàu vào Huế, người buôn nào cũng có cái túi vải xâu xẫm màu cầm tay. Họ đi dọc toa hỏi mua hàng, hết tốp này đến tốp khác. Phúc đưa ra bán một lố vải màu tím, con gái may áo rất hợp. Thỏa thuận giá xong khách mua giở tung vải xem hàng gấp và đo ướm xem có đủ hai chục mét không. Người đàn bà mắt lồi tô xanh trả tiền nhưng lại bớt. Phúc không bán, chị ta cầm tiền cuộn lại bằng một dây nịt cao xu ném vào trong túi vải xẫm màu, điệu bộ không cần mua. Anh thanh niên đi cùng mụ nói :

- Bớt làm gì ! trả đủ cho chị ấy.

Anh ta đếm số tiền thiếu đưa cho Phúc. Người đàn bà mắt lồi rút cục tiền nguyên trong túi đưa cho Phúc và giằng lấy xếp vải nhưng cô chưa đưa mà xòe đếm lại gói tiền. Bên trong toàn giấy báo chỉ mấy tờ ngoài là tiền thật. Gói tiền đã bị đổi. Mụ kêu lên :

- Thạo dữ đa.

Hoan đứng bên nói vào :

- Bể mánh rồi bà chị ơi.

Anh bộ đội nằm trên võng tức giận nói chõ xuống :

- Đánh bỏ mẹ quân lừa đảo đi.

Khi anh bộ đội ngồi dạy hai khách mua hàng xô dạt mọi người líu ríu chạy xuống sân ga và lỉnh nhanh vào đám đông đang mua bán. Một vài hành khách nhìn theo bàn tán. Phúc than :

- Quân táo tợn thật, suýt mất toi xấp vải.

- Cô thạo quá ! Hoan khen. Phải tôi tính đại khái có lẽ toi rồi !

- Cái việc bớt tiền, đẩy đi đẩy lại em đã nghi bọn chúng tráo tiền, không ngờ … đúng.

Túc tắc bán từng gói hàng ngay trên tàu, khi tới Nam Định, hơn một chục gói và bọc đã hết, hành lý của Phúc chỉ còn cái làn đựng hai bộ quần áo, có mấy quả xoài và một bao vải chứa hơn chục quả bưởi. Phúc Trạch, vứt dưới sàn. Phúc viết cho Hoan địa chỉ để anh đến chơi và dặn vào sâu trong ngõ chợ Khâm Thiên hỏi là tìm ra ngay nhà.

Cũng tại ga Nam Định, Hoan gọi điện về cho cậu Lợi lái xe, anh nhờ Lợi đón anh.

- Gần bảy giờ tối tàu sẽ tới Hà Nội. Cố gắng tìm xe ra đón vì có nhiều hàng.

Về gần Hà Nội anh bắt đầu bồn chồn, nếu Lợi không ra đón thì anh biết xoay xở thế nào với hai túi hàng nặng nề này !

Khi tàu dừng hẳn tiếng cô nhân viên hướng dẫn lối ra, oang oang trên loa, càng làm Hoan bấn lên. Đám người chen lấn xuống hàng và xô nhau ra cửa. Hoan mừng quýnh lên thấy Lợi và Hương Lan một tay ôm bó hoa một tay đang vẫy anh. Hoan đâu muốn Hương Lan đi đón, nhưng cũng vui mừng gặp chị. Lợi đẩy cái xe chở hàng đến xốc hai túi hàng lên và đẩy về đầu ga. Ở đấy, đã đậu sẵn cái La đa trắng sang trọng của ông Vĩnh. Hai người cùng khiêng các bọc đặt vào cốp xe. Lợi mở máy lái xe đi ra cổng đường Trần Quí Cáp dành riêng cho xe tải. Một cán bộ thuế mặc đồng phụ lạch bạch chạy ra dang tay, hét to.

- Xe chở gì đây ?

Hoan run run đưa tờ hóa đơn thuế cho Lợi, tim anh như thắt lại muốn ngừng đập :

- Chở sách. Lợi đáp.

- Anh cán bộ thuế nhìn tờ hóa đơn thuế ghi ba trăm cuốn sách văn hóa và một ngàn tờ tranh nghệ thuật.

Lợi mở cốp xe lên cho anh ta kiểm soát Anh cán bộ thuế liếc qua hai túi hàng và nhìn vào trong cái xe sang trọng có một người đàn bà đẹp lộng lẫy, cổ áo sơ mi vải mỏng hở nửa ngực và cái khăn voan quanh cổ hai đầu vắt qua vai, bó hoa lay-ơn còn tươi đặt trước kính. “Chà đón tiếp sang trọng quá !”. Anh ta phảy tay ra hiệu cho đi. Anh còn phải bắt giữ những người mang vác đang ùa sang đoàn tàu ngược Lào Cai khởi hành lúc 20 giờ. Họ đã có hóa đơn thuế sách văn hóa tranh nghệ thuật, hơi đâu lôi thôi với mấy vị này.

Tim Hoan bỗng đập trở lại, hai thái dương mạch máu dựt dựt Hoan thở phào và thấy nhẹ bẫng, thoát khỏi sự ngột ngạt đang dồn nén trong ngực.

                                                                                                

 

 

 

 

Ông bõ già đưa Hoan vào phòng khách nhà thờ. Cha Thiêm người nhỏ nhắn trắng trẽo, đeo kính cận đang chờ anh.

- Xin mời ông ngồi – Cha chìa bàn tay, nhỏ trắng, chỉ cái ghế đối diện cho Hoan và quay ra nói với ông bõ già :

- Lấy nước mời khách.

Hoan ngồi xuống ghế đưa thư của Hải cho cha Thiêm và rút từ trong túi xách tay ra quyển kinh thánh chữ mạ vàng và mấy tờ tranh thánh đặt lên bàn.

- Mời cha xem mẫu hàng.

- Anh đã mang hàng đến chưa? Có nhiều không?

- Dạ ba trăm cuốn và một ngàn tờ ảnh tranh thánh. Bên văn hóa họ cho là sách nô dịch, nên hiếm và đắt lắm ạ. Có lẽ đây là chuyến hàng cuối cùng.

- Đắt là bao nhiêu ?

- Kinh một trăm bốn mươi đồng, ảnh mười đồng.

Hoan đã nói vống lên mười lần để cha Thiêm mặc cả. Nhưng cha Thiêm lại nhã nhặn nói :

- Anh cho mang hết lại đây. Lấy tiền rồi mau mau đi thêm cho tôi một chuyến nữa. Hàng này tôi rất cần.

- Dạ, tôi không dám hứa, chẳng hiểu có còn hàng không.

- Thì lùng mua gom ở các cửa hàng vùng ven. Có đắt thêm vài chục phần trăm tôi cũng mua.

- Vậy xin phép cha tôi đi, tối mai khoảng 6 giờ tôi sẽ đem hàng tới.

Hoan vội vàng lấy xe đạp, nhanh chóng ra về. Anh đi lanh quanh mấy phố, đề phòng bị theo dõi vì đã liên hệ với nhà thờ.

Hơn hai chục năm nay cha Thiêm không nhìn thấy một quyển kinh thánh nào đẹp như quyển này. Có kinh sách, cha sẽ tri ân cho những người ngoan đạo, những con chiên luôn sùng kính đức chúa trời. Cha được lợi rất nhiều, được tiếng chăm lo phân đạo cho con dân. Có được thứ cần nhưng rất hiếm, đắt rẻ có đáng kể gì. Đúng hẹn, Hoan áp tải xe xích lô chở hàng tới. Mắt Hoan nhớn nhác nhìn quanh đề phòng, cha Thiêm bảo :

- Kinh sách đã vào tới nhà thờ an toàn rồi. Anh khỏi lo.

Giao hàng, nhận tiền xong, cha Thiêm còn đưa biếu anh năm trăm đồng gọi là chút tiền chè nước và hẹn gặp lại anh ngày gần đây. Cha trả lại anh hai cái túi để đựng hàng chuyến sau.

Buôn mặt hàng không phổ biến lúc nào cũng lo, mắt nhớn nhác như ăn trộm. Sợ bị bắt giữ nhưng hào hứng và lãi nhiều nên quên cả sợ.

Khi về nhà đếm lại tiền anh mới thấy như trong mơ lãi to quá ! Đời anh chưa bao giờ được cầm món tiền lớn thế này, đi buôn làm giầu mấy nỗi. Mỗi quyển kinh anh lãi nửa chỉ vàng. Cái vòng xoáy lợi nhuận chóng mặt đang cuốn hút anh. Anh ước ao và toan tính chuyên đi mới.

Sách bày bán đầy ở miền Nam có phải hàng lậu không ? Mua rẻ nơi nhiều hàng, bán đắt nơi thiếu hàng, cái nguyên tắc kinh doanh đơn giản không phải ai cũng vận dụng được để làm giàu. Buôn lậu càng giàu nhanh hơn. Hoàn cảnh đang tạo cho anh một hướng đi mới đầy lo âu nhưng dễ sống.

XUÂN HỒNG

Các Bài viết khác