NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHIỀU DÀI ẢO VỌNG (kỳ 3)

( 02-08-2020 - 05:30 PM ) - Lượt xem: 662

Về chỗ ngồi, mấy ngón tay Hoan vẫn còn cảm giác là lạ. Tiếng vỗ tay tán thưởng lốp bốp. Quì rút bông hoa đồng tiền trên bàn và rót cốc bia đầy sủi bọt, hoa anh đưa cô ca sỹ, bia đưa anh nhạc công. Cả bọn lại vỗ tay tán thưởng. Hai con người khốn khổ lại cúi gập người chào trước khi sang phòng khác.

   Lượng bấm chuông gọi cửa, tưởng cô vợ trẻ trung sẽ lon ton ra đón anh, nhưng đợi mãi vẫn không thấy. Anh bấm chuông lần thứ hai, âm thanh kêu gắt to và dài dục dã vẫn không ai ra. Rõ ràng vợ anh có nhà. Cửa khóa phía trong nên anh không tự mở được. Tới lần chuông thứ ba từ trong nhà, một khuôn mặt lưỡi cày tai tái  thiếu ngủ ngó qua cửa kính hỏi giọng hách dịch:

    ─   Anh cần gì ?

   Mặt Lượng nóng bừng lên, anh quắc mắt quát:

    ─   Cần cái con mụ chủ nhà này! À mày là thằng nào?

   Không cần Lượng nói thêm, gã mặt lưỡi cày, tóc bờm sờm chạy tót lên cầu thang gác. Nhân tình nhân ngãi gì mà cuống quýt vậy? Cô Loan, vợ anh, khăn chầu vàng, áo ngự đỏ, môi toe toét cốt trầu lạch bạch chạy xuống, vừa líu díu mở cửa, vừa vồn vã:

    ─   Sao anh không đánh điện để em đem xe đi đón?

   Đẩy dạt vợ ra, quẳng túi hàng vào phòng khách. Lượng phóng nhanh lên gác ba. Một lũ cung văn, bà đồng, hầu giá, gần chục người ngây ra vì bất ngờ. Trong căn phòng, rèm che kín các cửa, đèn, nến lung linh, khói nhang mớ ảo. Tiếng đàn tranh, nhị, hồ, tiếng hát chầu văn im bặt. Một cô gái khoảng hai mươi, hai mốt đang múa tay uốn éo, nhảy nhót như choi choi, thánh đang ốp cũng thăng luôn. Nhìn lũ người sợ sệt, lòng ghen bỗng dịu lại, anh thấp giọng hỏi:

    ─   Các người làm gì ở đây thế này? Cút hết! cút hết mau, không tôi gọi công an bây giờ!

   Lượng chỉ dọa cho họ rút lui, gọi công an ích gì, khi trong nhà đầy hàng chưa nộp thuế. Lũ người đồng bóng vội thu dọn đồ nghề chen nhau xuống gác. Một bà nạ dòng mắt sắc như dao cau còn cố dừng lại vái ba vái trước bàn thờ.

    ─   Lạy đức ngài tha tội bất kính cho chúng con.

   Loan cũng bị bất ngờ vì thái độ của Lượng, không dám phản ứng bởi cái khuôn mặt đỏ lựng và thái độ đạp cửa rồi xô gạt cô của chồng, đành để mọi người ra về trong im lặng.

   Tống khứ được lũ người buôn thần bán thánh đi rồi, Lượng đóng cửa ra vào và lẳng lặng vác túi hàng lên gác hai. Sau phòng ngủ của hai ngươi là kho hàng được khóa cẩn thận bằng hai khóa. Bật đèn lên, Lượng xững người vì kho trống mất một khoảng. Lượng gọi giật giọng:

    ─   Cô Loan, cô Loan “mời cô lên đây tôi bảo”!

   Ít phút sau Loan tới, tay ôm con chó trắng dịu dàng hỏi Lượng:

    ─   Em đây! Anh gọi em có việc gì ?

   Lượng rít qua kẽ răng:

    ─   Hai cái tivi, ba cái máy khâu vá các máy bơm nước cô dọn đi đâu rồi?

    ─   Em bán cho anh Bình “boong”, bạn của anh.

    ─   Bán! … Bán! Cô biết gì mà bán.

    ─   Anh ấy nói, nếu anh chưa chịu giá cũ, anh ấy sẽ trả theo giá chợ tại ngày anh về. Gặp khách có lãi tội gì mình không đẩy hàng đi.

    ─   Hắn đưa tiền như thế nào?

   Tạm ứng hai chục triệu. Em nhẩm tính hơn giá cũ ba triệu nên chấp nhận cho mang hàng đi.

    ─   Đưa tiền đây cho tôi! Với ai cũng không nên lộ số hàng mính có.

   Loan đon đả mở tủ lấy tiền đưa cho chồng. Lật đếm từng sắp, Lượng hỏi:

    ─   Sao lại có thế này ?

    ─   Em lập cái điện thờ tại gia, phải sắm thêm mâm  bồng ngũ quả,  giá thập bát món binh khí, khăn chầu, áo ngự và rèm hết gần tám triệu đồng.

    ─   Giời ạ! Mặt anh nhăn lại như mếu. Cô tiêu pha quá lắm! Không biết thương ai. Chuyến trước cô mua con tu-bi Nhật hết tong cái tủ lạnh và cái máy vắt sổ đa tác dụng, một con chó ta có đắt chỉ hết hai khoanh điện trở. Tôi sợ cô buồn, đêm hôm nó giúp cô phòng trộm, nên không nói. Giờ cô lại lập đàn, lập điện, ăn uống tụ bạ, tiêu tiền không tiếc, Ai chịu được hả ?

   Giọng Lượng rền rỉ như người bị đau ruột thừa. Nếu có thể đánh đập, anh sẽ không ngại gì tát vài cái bạt tai cho hả giận. Trước kia yêu Loan vì cái nhan sắc tươi tắn, gia đình căn bản, bố làm quản đốc xưởng lò xi măng. Anh quên sự khiếm khuyết văn hóa thấp tè lớp hai của Loan. Trình độ thấp dễ u mê và dại dột.

   Nhét nắm tiền vào túi quần, khoác cái áo bò toàn khuy đồng mỏ neo lên người, Lượng xuống gác chậm chạp như người kiệt lực. Loan luống cuống chạy theo.

    ─   Anh ở nhà ăn cơm rồi đi đâu hãy đi.

   Lượng quát:

    ─   Đi vào! Và dẹp ngay cái điện thờ! Chốc về mà còn là tôi đốt hết. từ nay cấm cửa bọn đồng cốt cung văn rách việc tới đây.

    ─   Anh ơi tám triệu đấy!

    ─   Cô có nghe rõ tôi nói không ? Đi vào làm ngay theo ý tôi…dẹp hết.

   Một cái xích lô đi ngang, Lượng ngoắc ngón tay xin đi giọng vẫn cụt lủn.

    ─   Ra cảng.

 

 

 

 

 

   Từ khi có con đê quai ngăm mặn cắt dọc bãi sông, nhà của Hoan trở thành trong nội đồng. Phần đất phía ngoài, phù sa bồi lấp, chỗ lấy đất gần phẳng lại. Phía trong mảnh đất bãi sình lầy, còn nhiều hố, chỗ sâu chỗ nông, lác đác vài gốc xú, gốc nậu còi cọc ngoi lên giữa đám cỏ năn, cỏ lác. Cây không trồng được, cá không sống được, mảnh đầm bị bỏ hoang từ nhiều năm. Luyến xin xã được khai phá với lý do sợ rắn rết và bọ mát vào nhà. Chiến tranh đang khốc liệt và còn lâu dài; động viên gia đình chiến sĩ, liệt sĩ, xã cho ngay. Ai mà thèm cái mảnh đầm mặn, không cây gì, con gì sống nổi, gần thành phố mà như hoang đảo. Nhà Hoan phải đi mua từng thùng phuy nước ngọt do xe bò kéo về để có nước sinh hoạt.

   Đồng chí Bằng - chủ tịch xã thân hành xuống tận nơi cắm chỉ giới: bề ngang ba mươi tám mét, bề dài kéo ra tận chân đê hơn một trăm năm mươi mét. Khổ cho cậu cán bộ địa chính xã lội đo đạc, thụt hố ướt hết quần áo. Mảnh đất có lộ giới nhìn vào nó chỉ toen hoẻn như cái thìa đặt trên mâm chõng, chả thấm vào đâu so với vùng đầm dọc sông chạy tít tắp ra cửa Bạch Đằng. Đưa giấy chứng nhận cho Luyến, ông Bằng - chủ tịch dặn:

    ─   Cô liệu mà làm lụng cho có hiệu quả. Sau năm năm phải đóng chút đỉnh thuế đất ở của nông nghiệp đấy. Cô xin mảnh đất này thì trồng được cây gì? Cá còn không sống nổi

   Khách về rồi. Bà Liên, mẹ chồng Luyến rầu rĩ:

    ─   Liệu làm có đủ nộp thuế không hả con? Làm mà có ăn thì từ bao năm nay người ta đã làm rồi đâu đến phần mình mà mày tham, chỉ phí công thôi con ạ.

    ─   Mẹ yên tâm, sau năm năm không có thu hoạch, mình xin trả lại xã, lo gì.

   Đội đánh cá của Luyến bỏ ra 3 ngày nghỉ ngơi chờ sửa thuyền, đắp một con đường nhỏ ven lộ giới để đi tắt ra bãi thuyền cho gần. Luyến thuê đội thủy lợi của xã lao ván vượt đất từ ngoài sông vào. Làm dần, vài đợt vượt đất dàn mỏng đều cũng mất ba bốn trăm công, bao nhiêu tiền dành dụm của mấy mẹ con Luyền đều tiêu hết. Một dẻo của đầm hoang đã nhường chỗ cho một mảnh vườn chết. Mùa nắng muối bạc phếch trên từng hòn đất. Năm ấy mưa nhiều, đất mặn đã chuyển màu đen, Luyến trồng thử hàng bạch đàn hai chục cây mua của vườn ươm xã, cây sống được. Luyến lại trồng tiếp hai trăm cây, lần này có sự giúp đỡ của phòng nông nghiệp huyện về cách chăm bón, tạo mùn cho đất. Luyến sang tận nhà máy xay thành phố mua trấu về đốt tro, rác trấu bón cho từng gốc bạch đàn. Qua một năm, gần bốn trăm cây bạch đàn được trồng trên mảnh đất rắc trấu tạo mùn, xen kẽ Luyến trồng khoai lang lấy dây bán cho các nhà nuôi lợn trong thành phố. Người ta quên đi mảnh đất có mấy cây bạch đàn bị cây điền thanh lấn át ngày nào, bỗng ngạc nhiên vì cái màu xanh mượt mà của lá bạch đàn đã vượt trên những hàng điền thanh  hoa vàng. Ai cũng khen Luyến đảm đang.

   Căn nhà lợp cói tường trình đất không còn trơ trọi ven bãi sông như hồi Luyến mới về nhà chồng, đã có cây, có lá, có vườn trồng rau cải

   Giải phóng miền Nam xong, hợp tác xã đánh cá bán dần thuyền cũ cho những người vượt biên, chỉ giữ lại năm thuyền có thể đi xa. Chuyện dại dột bị lộ, Luyến không đi đánh cá nữa, cần phải tìm việc để sinh sống chứ ngong ngóng vào ngày công làm nông nghiệp năm lạng thóc, không đủ sống. Luyến từng theo phụ bốc vác cho đoàn xe bò chở vôi, chở gạch, từ mờ sáng đến tối mịt, vất vả, tiền công chẳng được bao nhiêu. Bỏ nhà cửa, vườn tược theo chị em chạy chợ buôn mắm tôm, nước mắm, cá khô, tôm khô tứ Cát Hải lên Bắc Giang bán. Khi về nmua gạo thóc, khoai sắn theo tàu thủy mỗi chuyến đi về mất ba bốn ngày. Như vậy cũng phải xa nhà, điều ấy Hoan không muốn. Luyến thầm vui, không cho đi chợ xa nghĩa là vẫn còn một chút tình thương. Bà Liên muốn con dâu ở nhà trồng cải, buôn rau quanh quẩn ở  chợ làng. Tiền tuất liệt sĩ gửi về hai mẹ con cũng đủ gạo ăn.

   Một lần Luyến đạp xe qua phà sang phố gửi thư cho chồng. Lá thư đầy nước mắt và hối hận, xin Hoan tha thứ. Lúc về dắt xe đi bộ trên con đường mới đắp, đất còn đang lún, hằn rõ hai vệt bánh xe ô tô làm lõm thành vũng lày từng đoạn  dài vào tận trong làng. Luyến dắt xe quay lại  đầu đường rẽ vào làng, bần thần ngắm hàng phi lao và xà cừ ven đường lộ. Khoảng đầm trước mặt hiu quạnh không người.

   Mình dọn quách một cái quán bán nước chè chén ở đây, chẳng cần buôn bán đâu xa. Ngày không kiếm nổi tiền gạo cũng được mớ rau, vẫn chăm được mẹ chồng, vẫn chăm được vườn rau.

Ý nghĩ dựng lều, mở quán cứ nung nấu trong đầu, Luyến không ngủ được. hôm sau cô dậy sớm, mang liềm và quang gánh ra bờ đầm dọc sông cắt cói mọc hoang. Bà Liên chống gậy ra tận nơi:

    ─   Vợ thằng Hoan cắt cói làm gì sớm thế !

    ─   Con định trình bày với mẹ từ tối qua nhưng mẹ đã ngủ, con làm cái quán bán nước ở đầu thôn. Kiếm được đồng nào hay đồng ấy, miệng ăn núi lở, mấy đồng tích cóp dành xây dựng nhà cứ tiêu lẹm dần vào đang bị giảm dần rồi, anh Hoan lại mắng con.

    ─   Cái nghề buôn bán con không rành, liệu có trụ được không con? Mày đã từng buôn gần, bán xa chẳng nên tích sự gì rồi mà còn mong mỏi buôn với bán.

    ─   Mấy cành bạch đàn, vài gánh cói có đáng gì, nếu thất bại vốn ít bỏ cũng không tiếc mẹ ạ.

   Nhờ lực lượng mấy cậu choai choai và Hoa, dưới bóng cây xà cừ ven đường lộ một cái quán đã được dựng xong ngay trong buổi sáng. Đắp bạ thêm lề đường cho đủ chỗ xoay xở, chỗ chưa khô rải xỉ than lên. Cói tươi tỏa ra một mùi ngai ngái thoang thoảng. Ghế dài từ thân bạch đàn xẻ đôi. Bàn bán hàng là hòm gỗ máy đóng ghép trên trải tấm ni lông hoa xanh. Ba ngày sau Luyến đã bán hàng. Một gánh từ nhà ra đủ cả, nước pha sẵn vào hai ấm tích và một thùng nước ngọt, một cái bếp dầu. Dụng cụ mưu sinh chỉ có thế. Khách khai trương vẫn là mấy cậu choai choai dựng quán, một số chị em trong đội đánh cá và ba bốn cô thiếu nữ trong xóm. Họ uống nước chè, ăn kẹo, hút thuốc lá, thỉnh thoảng một cô thiếu nữ kêu ré lên vì bị trêu tròng

   Một tuần sau, anh phát hành viên mang báo về huyện ghé lại uống nước, gửi nhờ Luyến bán hộ mấy số văn hóa thể thao, mười số tuần tin tức. Anh giải thích trấn an:

    ─   Cô bán không hết trả lại tôi, việc gì phải ngại.

   Từ hôm có mấy tờ báo được cặp treo trên vách liếp, gian hàng thêm sinh động. Khách qua phà dừng lại ghé uống nước mua tờ báo hoặc ngồi nghỉ chân đọc nhờ. Cái kẹo, điều thuốc lá, chén nước chè ngày ngày cũng thu được khoản lãi nhỏ đủ góp vào sinh hoạt hàng ngày. Tiền lương Hoan gửi về, tiền chính sách vợ liệt sĩ của bà Liên đã có thể để dành.

   Được nghỉ một ngày chờ sửa thuyền, Hoa ở nhà nấu cơm cho Luyến. Nồi cơm đã cạn nước bằng mấy dúm lá khô, mặt chị ửng hồng vì lửa. Ra vườn hái mấy nắm rau muống cạn mới nẩy mầm trong nắng xuân. Hoa nhìn thấy Khoản – đầu đội nón sùm sụp che kín mặt, bước thấp bước cao đi trên con đê ngăn mặn ra bến phà. Anh đi đâu giữa cái lúc trưa này? Cảm giác đê mê khó quên hôm ở dưới thuyền với Khoản mỗi lần nhớ lại người Hoa cứ nhũn ra, bâng khuâng như hồi còn con gái.

   Sắp phần cơm cho bà Liên ăn và dồn vào cạp lồng mang cho Luyến ngoài quán nước. Hoa đạp xe ra đầu đường thì thấy Khoản đang đi ngược lên quán của Luyến, chị vội ngừng xe nép vào bụi ngải dại um tùm ven đường rón rén đi tới gần.

   Quán ven đường, buổi trưa vắng khách, nắng xuân hanh heo, gió thổi nhẹ trên những ngọn xà cừ phi lao dọc đường lộ. Luyến ngồi trong quán đang buồn bả nghĩ về Hoan. Cô khinh bỉ mình đã buông thả để xảy ra cái phút lầm lỡ hổ thẹn phải nhận sự bạc đãi của chồng. Nỗi buồn xám ngắt làm cô ứa nước mắt. Anh Hoan cố dứt bỏ cô. Tết cũng không về nhà mà chỉ gửi tiền và thực phẩm về với một câu nhắn gọn lỏn, bận trực ra giêng nghỉ bù sẽ về. Nhớ lại cái đêm cuối cùng lạnh nhạt và tàn nhẫn ấy. Cô thấy xót xa chỉ muốn chết, lúc đi lên Hà Nội, Hoan thắp hương khấn bố, nắm tay mẹ, nước mắt ứa ra mà không nói với cô một lời. Mặt anh lạnh tanh nhìn cô bằng đôi mắt buồn buồn, tay xách túi đi mà không quay đầu lại.

   Luyến ngồi ủ rũ trong quán bỗng giật mình vì Khoản đến đột ngột. Mặt Khoản gầy tọp đi chỉ đôi mắt còn chút tinh anh, đang nhìn chằm chằm như muốn ôm lấy Luyến. Cô thảng thốt:

    ─   Trời ơi anh đến đây làm gì?

    ─   Từ ngày Luyến lên bờ, anh  rất buồn và trống trải mà Luyến chẳng sung sướng gì. Luyến ơi anh đau khổ lắm, thiếu em anh sẽ chết mất. Càng thương em hơn khi thằng Hoan hờ hững bỏ lửng em. Anh muốn bàn với Luyến chúng mình cùng nhau bỏ đi. Anh sẽ đưa em đến một nơi xa…

    ─   Anh có điên không? Tôi là gái có chồng, bỏ đi đâu có được.

    ─   Anh khổ lắm Luyến ơi. Luyến hãy thương anh. Anh thật lòng yêu Luyến mà.

    ─   Anh đi đi ! Anh thừa biết là tôi chưa bao giờ yêu anh. Cái chuyện lầm lỡ đã qua làm tôi xấu hổ vô cùng. Trời ơi anh hãy buông tha tôi ra. Anh đi ngay đi. Làm, khổ tôi như thế chưa đủ sao !

     ─   Anh van Luyến! Tim anh tan nát vì Luyến rồi, hãy cùng anh bỏ đi. Ta có thể đi đào vàng ở Thái Nguyên; Hòa Bình, cùng lắm là đi khai hoang trong Lâm Đồng.

   Khoản quì xuống  lết đến chỗ Luyến, tay đưa ra nắm lấy cô. Luyến dằng tay chạy vọt ra đường mặt tái đi, mắt long lên vì giận. Đôi mắt Khoản đỏ ngầu hoang dại. Từ cái hôm chiếm lĩnh và giày vò thân thể Luyến, lúc nào anh cũng nghĩ tới cô. Đôi mắt ướt át đã giết cái hiền lành trong anh dân chài. Tính tình Khoản trở nên cáu gắt và cọc cằn, kể cả phải đâm chém để có cô anh cũng làm. Nhìn khuôn mặt Luyến xanh xao nhợt nhạt và xa vời đang hoảng hốt lùi dần khi anh bước tới. Thế là hết! Nỗi đau khổ làm đôi tay anh thỏng xuống, lòng quặn đau anh bước từng bước nặng nề lầm lũi bỏ đi. Anh trở về bãi sông.

   Sau gốc xà cừ, Hoa thút thít khóc thương thân phận của mình. Chỉ cần có được một nửa những lời yêu thương chân thật của Khoản chị vừa nghe được. Chị sẵn sàng bỏ đi theo anh ngay, không cần gì cho riêng mình ngoài tình yêu nồng cháy mà chị vừa thấy.

   Bến sông hoang vắng hẻo lánh, nỗi cô đơn cấu xé tâm hồn anh. Mặt Khoản nóng bừng bừng tuyệt vọng, anh cầm rìu vung lên chém tan nát con thuyền trên bãi, ôm tất cả lá thông  dùng thui con hà chất xung quanh thuyền và châm lửa, đốt con thuyền cô đơn khuất trong đám xú nậu như cuộc đời Khoản trơ trọi không ai để ý. Ngọn lửa phẩn nộ và mù quáng bốc cao đưa đám khói đen lên bầu trời.

   Khói đen của lá thông bốc lên cuồn cuộn làm con thuyền tự vỡ ra từng mảnh, ánh lửa đỏ hồng màu máu

    ─   Thằng Khoản đã tự tử chết rồi!

   Một người nào đó nói. Hoa chạy bên này, bên kia sau lưng đám người hiếu kỳ nghển cổ qua vai họ nhớn nhác tìm Khoản. Cái phút giây lầm lỡ hạnh phúc của chị đang theo ngọn lửa bốc lên và tan đi. Chủ nhân cô độc của con thuyền bặt tăm. Hoa khóc không sợ xấu hổ.

   Khi nguời ta phát hiện đám cháy, Khoản đã qua phà  sang bến ô tô đi Nam Định. Anh chỉ tĩnh chí lại khi ô tô chuyển bánh đi về phương Nam.

   Chiến tranh đã qua, tin vui bộ đội về làng, tin thương binh về làng và cả tin buồn những người không về nữa. Chủ tịch, bí thư và các cán bộ chính quyền xã chạy đôn chạy đáo lo việc làm, lo nhà ở cho họ. Một vài người nhòm ngó mảnh vườn nhà Hoan, mảnh đất được Luyến khai phá. Đây cũng là gia đình chính sách nên không thể thu hồi được. Vài người công khai hỏi mua nhưng bà Liên không bán. Luyến bàn với mẹ chồng:

    ─   Thương binh, bộ đội về nhiều, họ cần đất làm nhà, đất nhà ta lại rộng, mới chỉ có giấy phép của xã cấp nên khó giữ được toàn vẹn. Hơn nữa, phải còn ba chục năm nữa anh Hoan mới về hưu. Về hưu chắc gì anh ấy về làng sống. Mẹ để con đổi đất ở đây lấy mảnh đất đầm ở ven lộ mà buôn bán cho tiện.

    ─    Sao mày thông minh mà khờ dại thế con.

    ─   Mẹ cứ yên tâm, con chắc anh Hoan không phản đối việc này đâu. Cho phép con cứ quyết như thế mẹ ạ !

   Bà Liên nói dỗi:

    ─   Miếng đất cô khai phá. Cô muốn làm gì thì làm. Đất và căn nhà có từ ngày ông ấy còn sống, tôi không chịu đâu! Tôi nói cho mà biết, cô buôn bán gì trên đầm nước mặn ấy.

   Bà mẹ chồng ít nói hiền lành đã nổi cáu. Bà đóng sầm cái cửa liếp và vào buồng nằm.

   Luyến gặp chủ tịch và bí thư xã chỉ một lúc đã thống nhất được cách giải quyết. Một mét vuông đất vườn lấy ba mét vuông đất đầm. Với điều kiện có sự đồng ý của huyện cấp chứng nhận đây là thổ cư. Khi về Luyến còn nhấn mạnh.

    ─   Cháu chỉ đổi đất ở, không giao cây trồng đâu.

   Có người gỡ thế bí cho xã, không phải bồi thường, không mất đất canh tác, có đất phân ngay cho các hộ diện chính sách. Đất đầm hoang chua mặn như vậy thì có đòi đổi một lấy bốn năm xã cũng đồng ý ngay, ông Bằng chủ tịch xã vội khoác túi đạp xe ngay lên huyện báo cáo tình hình. Ông nghĩ: Mảnh đất đầm có khai thác được cũng phải mười năm cải tạo, ông thấy lo. Chẳng biết có còn trục trặc gì trong vụ đổi trác này không?  Gần ba chục năm bọn Pháp rút khỏi miền Bắc,  dân quê được tự do họ biết cái quyền được ăn được nói của họ, lơ mơ là to chuyện ngay.

   Buổi chiều đã có quyết định đồng ý do chính tay chủ tịch huyện ký, kèm giấy của xã yêu cầu thu hoạch hoa màu trong một tháng để giao đất. Bà Liên nước mắt ưa ra, run run ký vào biên bản “đổi như cho không”. Tiếc cái sức đổ ra chục năm của cô con dâu, dù biên bản còn ghi rõ, chừa lại căn nhà cũ làm chỗ thờ cúng ông Liên.

   Chủ tịch, bí thư và địa chính xã xuống tận nơi đo vườn đo đầm tính diện tích chuyển đổi để còn làm giấy trước bạ. Trẻ con, người lớn theo xem phía xa. Họ tò mò về cái chuyện đổi trác lạ đời. Nếu xã gây khó ép buộc thì họ sẵn sàng giúp Luyến lên huyện lên thành phố kiện cho ra ngô ra khoai. Con bé chẳng buồn còn vui vẻ xang xái chỉ chỏ yêu cầu cắm mốc cách xa ven đường làng ba mét phòng đường mở rộng. Người đến xem cái sự kiện nhẹ dạ nghe phỉnh của Luyến xì xào:

    ─   Con bé thậm ngu, họ hàng không ai ngăn giúp để các lão ấy cướp không mảnh đất đã ngọt hóa trồng được cây ăn quả lâu năm đổi cho miếng đất hoang từ thời Pháp mới mở đường đi Quảng Yên.

    ─   Ngu thì uống nước phèn mà sống. Thằng chồng về, nó sẽ giết, chẳng phải chơi.

    ─   Chắc mấy ông xã tìm cách ép buộc con bé mới chịu thuận. Có thể nó bị gài chứ dễ gì nó nghe.

   Đo đạc xong một trăm bốn mươimét dọc lộ và một trăm tám mươi mét chiều sâu vào làng, anh địa chính chăng dây cắm cọc bằng cây dóc làm vè trên mặt đầm. Ông Bằng – chủ tịch xã giữ cây cọc tre đã vót nhọn, ông bí thư xã cầm vồ nện bồm bộp vào đầu cọc giữa tiếng hoan hô của đông đảo mọi người. Ông chủ tịch xã mỉm cười nghĩ:

    ─   Lần trước mình đóng cọc cho đất ở đằng Đông, lần này ở đằng Tây của làng. Không biết còn phải đóng cọc cho đất con bé ở đâu nữa.

Hai ông đóng đủ bốn góc trụ làm mốc. Mặt Luyến ửng hồng, tươi roi rói. Ông Bằng và ông bí thư lần lượt bắt tay Luyến:

    ─   Cảm ơn đồng chí! Chúng tôi sẽ ghi nhận sự hy sinh cao cả của gia đình đồng chí, giúp xã giải quyết được bớt khó khăn.

Đôi mắt bồ câu mở to, Luyến mỉm cười như trẻ con, khẽ vuốt mấy lọn tóc xõa xuống trán và nói:

    ─   Các chú đo đạc thế là xong rồi. Cháu chỉ chặt vườn bạch đàn và giao đất khi có trước bạ! Nhân dịp này các chú làm luôn hộ giấy tờ đi. Nhà cháu neo người lắm!

   Ông chủ tịch Bằng lại lắc tay Luyến:

    ─   Đồng chí cứ yên tâm. Chỉ chiều mai đồng chí sẽ có trước bạ. Đồng chi chủ tịch huyện đã nói trước cuộc hợp rồi mà. Nhờ đồng chí động viên khuyên giải cho bà cụ khỏi buồn. Làng xóm người ta còn hy sinh tính mạng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, gia đình ta có hy sinh ít đất đai cũng là góp cho đất nước,…Thôi chào đồng chí chúng tôi về đây.

   Mọi người ra về. Chỉ còn lại một mình Luyến đứng ngắm hai hàng cọc cái cao cái thấp vượt trên mặt nước chạy song song với đường làng, lòng Luyến nao nao lo sợ cho sự liều lĩnh của mình

   Quần xắn quá gối, Hoa le te từ trong làng chạy ra:

    ─   Con nỡm, mày hất bát cơm đang ăn, thằng Hoan về nó sẽ giết.

Luyến cười nắm tay Hoa:

    ─  Em quyết tâm cắm chốt làm ăn gần nhà, Anh ấy không giết mà còn thơm vào má vì có người vợ yêu thương đồng loại.

    ─  Cái con phải gió, còn cười được à?

    ─  Chị vừa ở dưới thuyền lên phải không? Người chị vẫn còn xực nức mùi tanh của cá. Em nghĩ đã đến lúc chị lên bờ được rồi, thời bình ra khơi không phải việc của đàn bà.

    ─  Lên bờ đói rã họng cả lũ à? Lấy gì mà ăn?

    ─  Việc gì cũng phải làm thử, trước khó khăn sau quen, thằng con chị chẳng ai lo cho nó học hành, có cha có mẹ cũng như không.

    ─  Lên bờ để ăn bám vào bà mẹ chồng ác nghiệt, bà ấy móc mắt ra. Thằng chồng dở văn, dở nghệ, đám ma cũng đến đám cưới cũng đến thấy cô nào hay hay là tán tỉnh.Chẳng ra cái thứ gì thì nuôi thế nào được vợ con.

    ─   Chị cũng làm ra tiền đủ sống dựa vào họ làm gì?

    ─  Thế mà lão ấy còn đòi bỏ tao để sống với con thợ may phố huyện. Tao chưa ký đơn, mà có bỏ được tao tao củng đòi nuôi thằng Mấm.

    ─  Thì bỏ quách đi cho nhẹ nợ. Mình làm được tiền thì họ thu, còn để thằng bé vất vưỡng tội nghiệp.

   Trời chiều mênh mang màu xám, sương mỏng giăng lảng vảng, mặt nước đầm hoang toát hơi lạnh lên con đường làng đìu hiu buồn.

   Cái thời kỳ tư liệu sản xuất, nhà cửa ruộng đất bến bãi kho hàng là sở hữu toàn dân, cán bộ địa chính chỉ sao y bản chính các quyết định cấp nhà cho cán bộ công nhân viên của một cơ quan nào đó, hoặc các sở hữu từ thời cải cách ruộng đất. Họ ít phải cấp giấy trước bạ. Vì chẳng mấy ai mua ai bán nhà đất mà họ phải làm giấy. Bây giờ các thày ký “ca đat” huyện phải tìm hồ sơ trong cái đống lộn xộn mang từ nơi sơ tán về, vẽ lại lô, tách thửa nên hơi lâu. Mười ngày sau mới xong chứ không nhanh như ông chủ tịch xã đã hứa. Ấy là còn nhờ ông chủ tịch huyện trực tiếp chỉ đạo, chứ đằng thằng không biếu xén, phải vài ba tháng nửa năm đi lại xin xỏ quỵ lỵ vất vả, dù ông là chủ tịch xã xin thì nó vẫn cứ chậm.

   Trong thời gian này Luyến đã tạm bán xong vườn bạch đàn. Những cây to đường kính hai ba chục phân rất được giá, vì đúng giai đoạn dân chúng đua nhau sửa nhà sau chiến tranh. Sắt thép ít, cột gỗ bạch đàn dù sao vẫn chắc hơn cột tre. Còn lại khoảng ba chục cây Luyến cho chặt chuẩn bị đem ra khu đất mới dựng nhà. Các cành được đưa ra cắm rào xung quanh khu đất đầm, gốc được đào lên cho chẻ làm củi hoặc đổi lấy than, cho xưởng bán than bên phố. Lá bạch đàn ủ phân xanh.

   Luyến viết thư báo cáo cho chồng trình tự từng công việc. Anh vẫn không trả lời. Chị thút thít khóc thầm suốt đêm. Nếu làm ăn thất bại không khéo mình phải bỏ làng mà đi mất! Một nỗi uất ức đè lấy ngực. Mình phải làm để khỏi bị người ta cười, chồng không có lý để chê. Chị ngủ trong chập chờn lo lắng.

 

                 

 

 

 

   Cánh lái xe tải, xe ben đỗ ven đường, thương cô em gái bán nước xinh xắn và có duyên mỗi chiều lại bán cho dăm xe đất núi giá rẻ lấy tiền tiêu vặt. Hết tiền nửa vườn bạch đàn mới lấp được bốn trăm mét vuông nổi toẻn hoẻn trên mặt nước.

   Hai tháng sau, một căn nhà năm gian, cột gỗ bạch đàn, lợp cói chưa tường vách trống như lều chợ được dựng lên. Lo vì cột nhà cao, mái chênh vênh, một trận gió lớn nó có thể sụp xuống, Luyến cho đóng cọc bốn phía ghìm lại. Cột mỗi gian đều được đóng néo xuống đất bằng dây thép. Luyến đem phô tô giấy trước bạ  lồng kính treo ở cột giữa xác định quyền chủ nhân căn nhà và vùng đất.

   Dù chưa phát triển, cái đầm hoang đã có hơi người, có sức sống.

   Đoàn xe tải chở đất đá chiều chiều đỗ nghỉ đêm nối đuôi nhau nép vào hàng phi lao ven đường. Các bác tài chia nhau hai người một đêm đốt đèn dầu hỏa trực canh gác, lấy cành cây làm tín hiệu an toàn và mắc võng ngủ trông xe.

   Thời thế đã thay đổi, con người cần đủ thứ để củng cố lại nơi cư ngụ bị tơi tả sau những ngày bắn phá của Mỹ. Vớ được cái gì nhặt cái nấy, liều hơn gặp cái gì tháo gỡ cái nấy. Thấy hay mắt là vặn, là bẻ đôi khi mang về không biết dùng vào việc gì. Thấy bóng người đi qua, người gác trực phải mở mắt canh chừng. Đèn còi mất liên tục, gương chiếu hậu chẳng xe nào còn. Đèn pin dọi loang loang suốt đêm mà vẫn mất đồ. Ngày làm mệt, đêm ngủ mà thiếp đi bọn trộm táo tợn tháo trộm cả bánh xe ô tô, sáng ra mới biết.

   Trận mưa đêm ập xuống rất nhanh sối ào ào như dội nước. Người ướt, chăn màn ướt, hai bác tài chỉ kịp bỏ võng chạy vào ngồi co ro ở góc quán nước chè của Luyến. Nước mưa từ mặt đường chảy lênh láng qua chân, cuối cùng họ phải chạy vào căn nhà mới làm không người trống hoác để tránh mưa.

   Đoàn xe tải lên đường, tiếp tục chở hàng từ sáng sớm. Tổ trưởng Kết người lùn mập vui tính, buổi trưa chở một xe đất về đỗ trước cửa quán nước. Anh ta cười nói:

    ─  Tặng em xe đất này làm quà ra mắt. Bọn anh định nhờ Luyến giúp cho một việc

    ─  Em chẳng nhận quà khi chưa biết rõ việc gì.

Rót một chén nước chè nóng đưa cho Kết.Luyến  nói tiếp:

    ─  Anh nói thử xem việc gì, lại nhắm vào cô nào trong làng em hả?

    ─  Không nhắm cô nào cả, việc của cơ quan, việc này trong tầm tay em thôi,… Chả là bọn anh muốn thuê cái bãi của em để đỗ xe đêm. Bãi đất em chưa dùng xây dựng gì, lại rất tiện cho bọn anh. Đỗ xe ở đây đi bộ tếch qua phà là về tới phố. Các anh chỉ nhờ ít tháng, xong công trình của huyện lại dọn đi chỗ khác.

    ─  Chẳng biết về xe pháo, lại không có người coi, nhỡ mất mát không đền được, em chịu thôi. Chưa biết giá cho thuê, em định liệu sao được, lại còn mấy ông xã hạch sách rất phiền. Cho thuê là phải thuế má, kinh doanh mà!

    ─  Bọn anh sẽ trả cao như giá cho thuê gara bên phố. Tiền nhà nước mà! Không phải đưa xe qua phà về phố là tốt lắm rồi!

    ─  Không được đâu! Xã em còn lắm người bảo thủ hay bới bèo ra bọ, cậy công cậy cán sẽ làm khó dễ các anh.

   Kết nheo trán suy nghĩ. Phép vua thua lệ làng, không khéo luồn lọt đậu xe vài ngày mấy ông xã thôn hoạnh họe ngay.

   Sau một hồi trao đổi đi đến kết luận. Luyến cho nhờ chỗ đỗ xe không lấy tiền, xin mỗi xe một tuần đổ giúp Luyến một xe đất vào bãi. Trông giữ xe tự tổ xe lo. Có giấy phép ngày nào Luyến cho đỗ xe từ ngày ấy.

   Một tờ giấy giới thiệu từ sở giao thông sang huyện. Huyện ghi vào bên cạnh “Đoàn xe đang san lấp mặt bằng cho huyện xây dựng trụ sở mới. Xã Dương Đông có nhiệm vụ sắp xếp và bảo vệ xe”. Chủ tịch huyện ký và đóng dấu. Vẫn chiến thuật cũ ra mắt bằng cách đổ hai xe đất núi vào cái hố ở trước cửa Ủy ban xã. Anh Kết được ông Bằng - chủ tịch xã đưa xuống gặp Luyến, ông năn nỉ:

    ─   Một lần nữa đồng chí Luyến hãy giúp xã.

    ─  Chú chỉ ghi vào đây mấy chữ: Chuyển đồng chí Luyến giải quyết giúp đoàn xe, chú ký vào và đưa tờ giấy giới thiệu này cho cháu để lúc cần cháu đưa ra là đủ.

   Ông chủ tịch nhanh nhảu mở xà cột bên hông ra ghi vào dưới ý kiến huyện và cũng cẩn thận cộp dấu của Ủy ban xã vào. Luyến nghĩ chỉ đưa tờ giới thiệu huyện là đủ. Bắt ông ký nữa là quá chắc chắn.

    ─   Mời chú sơi nước! Mọi việc đỗ xe và xe ra vào bãi cháu sẽ bàn với đoàn xe.

   Ông chủ tịch ra về hoan hỉ.

   Hai ngày sau, buổi chiều đoàn xe đã ra vào bãi đỗ. Ra mắt luyến là sáu xe đầy đất núi. Luyến cũng cho phôtô tờ giới thiệu và lồng kính treo lên.

   Cần phải sửa xe đêm để phục vụ kế hoạch và bảo vệ tài sản của nhà nước, mười lăm ngày sau điện được kéo từ bên phà về tận đầu hồi căn nhà trống. Chủ công tơ là Đoàn Thị Luyến.

 

Lên bộ công tác, Hoan phải tiêu tốn nhiều tiền, lại mất khoản thu đáng kể nhờ dạy học, tìm việc thêm ngoài giờ bằng cách làm Su-von-tơ. Ngày còn trọ dưới Mai Động, Hoan lần mò ra chợ trời tìm gặp được người quen đang buôn bán dụng cục xây dựng : kiềm, búa, đục, rũa, bay. Anh nhờ họ bán hộ mấy cái su-von-tơ tự chế. Mới ra khỏi cuộc chiến tranh – toàn quốc thiếu điện nghiêm trọng, hàng chục nhà máy điện đang được khôi phục, hàng trăm trạm biến áp trung gian hạ thế đang được xây mới. Bị giảm áp, ngọn đèn chỉ hoe vàng như con đom đóm, su-von-tơ là hàng độc bán chạy và có giá. Giờ nghỉ Hoan đóng kín cửa phòng hì hục làm su-von-tơ. Từ ngày thuê nhà Hương Lan, anh không gò sắt làm vỏ nữa, mà mua vỏ máy gò sẵn về lắp ráp và quấn dây, để tránh gõ đập gây ồn trong khu nhà. Hoan đã biến nửa căn phòng thuê thành cái xưởng nhỏ. Sau bức màn gió mỏng, trên cái bàn gỗ dày có ê tô, máy đếm vòng và hàng chục cái khuôn gỗ quấn dây đủ loại. Căn phòng sực nức mùi véc ni. Hôm nay anh đang cuốn từng vòng dây cho cái Su-von-tơ ông hàng phở đặt. Anh bỗng giật mình vì tiếng Hương Lan gọi.

- Hoan ơi, sang uống cà phê rồi nghiên cứu treo hộ tôi bức tranh. Nhanh lên kẻo cà phê nguội mất. Hoan rất ngại Hương Lan biết anh đang làm thêm, không mở cửa anh trả lời :

- Chị cứ về đi, tôi sang ngay.

- Bỏ công việc đấy, Hoan không thành nhà khoa học được đâu. Nghiên cứu làm gì cho mệt.

Từ ngày dọn đến đây, hôm nay anh mới chính thức lên phòng ngủ của Hương Lan, một mùi thơm thoang thoảng của nước hoa và phấn bôi mặt sộc vào mũi làm Hoan thấy dễ chịu. Căn phòng có bàn tay phụ nữ sắp xếp thật gọn gàng. Dưới chân tường phiên bản bức họa Mùa Thu Vàng của Lê Vi Tan chưa treo lắp trong khung gỗ dày cạnh màu gụ quí phái. Một cái búa và nắm đinh nằm lăn lóc bên cạnh. Trên bàn cà phê nhỏ giọt tí tách xuống cốc vại bằng thủy tinh Tiệp. Hương Lan chỉ vào bức tranh và mảng tường vỡ to bằng cái bát nói :

- Ông tiến sĩ Quýnh bắt tội Hương Lan đi tận chợ Cửa Nam tìm mua đinh về. Kết quả tường vỡ, đinh cong, tay bị dập chảy máu đến tội nghiệp. Ông ấy nói – có lẽ là để chống chế đỡ ngượng – cần phải có loại đinh thép mới treo được tranh. Khổ cho Hương Lan tìm khắp nơi không đâu có đinh bằng thép, xem trong xưởng riêng của Hoan có đinh bằng thép giúp Hương Lan với.

Thế nghĩa là chị ấy biết mình đang làm thêm. Hoan nhìn ra phía ngoài hàng hiên có một cái ghế cao tỉa cây, có lẽ ông Quýnh đặt ở đó.

- Tôi sẽ treo xong ngay, cần gì phải nghiên cứu, nhưng phải ba tách cà phê đặc đấy !

- Cứ treo xong tranh, Hương Lan chở Hoan đi ăn bún chả chợ Đồng Xuân hay bánh tôm hồ Tây ngay. Tùy Hoan chọn món. Hương Lan thích bức tranh này lắm ! Cái ánh vàng trong tranh rực rỡ làm sao. Mùa thu buồn cô đơn nhưng nó vẫn bừng lên niềm hy vọng chờ đón mùa xuân.

Hoan mang cái ghế vào, về phòng mình cầm khoan, đinh vít và ốc xoắn nhựa. Mũi khoan bê tông xè xè đảy bụi bay rơi xuống nền gạch đá hoa. Đóng tắc kê nhựa, vặn vít vào và treo ướm bức tranh lên, anh nói:

- Được chưa bà chị “thi sỹ mộng mơ” ?

Hương Lan lùi lại ngắm nghía. Hoan giải thích :

- Nó cao hơn cũ chút xíu mới che được chỗ tường vỡ.

Nói xong anh lại hạ bức tranh xuống.

- Sao Hoan còn hạ bức tranh xuống ?

Không nói, Hoan cầm tờ báo chạy sang bên kia đường chỗ căn nhà đang xây xin một ít vữa dẻo đem về trét lên chỗ vỡ, xong mới treo tranh lên và điều chỉnh cho ngay ngắn.

- Bây giờ thì uống cà phê được rồi !

Nhấm nháp cà phê anh khẽ liếc nhìn sự trang trí trong phòng.

- Người ta bảo mấy ông tiến sỹ, phó tiến sỹ nấu nước sôi không chín chẳng sai. Loay hoay gần hết buổi sáng chủ nhật, ông Quýnh không treo được bức tranh.

- Đó là chưa đúng nghề thôi ! Có lẽ anh ấy cảm động vì đứng cạnh chị, nên nện búa vào tay. Phải thương anh ấy chứ !

- Cung cách ấy thương sao nổi. À mà Hoan cũng biết chuyện à? Ông ấy có đặt vấn đề, nhưng Hương Lan từ chối. Lấy chồng tiến sỹ chỉ có nước chia tay sớm! Nhiều ông cá nhân ghê lắm; các ông soi mói đồng đội, nịnh bợ cấp trên, nói xấu bạn bè và keo kiệt từng đồng với vợ. Như cặp vợ chồng ông Mạnh, yêu nhau năm sáu năm xoắn xít bên nhau như đôi chim bồ câu. Cưới nhau mới được ba tháng đã chia tay, vì không hợp. Hai ông bà bằng cấp có hạng, chẳng ai chịu làm nô lệ cho ai, việc nhà cửa chợ búa bếp núc giặt giũ đùn đẩy cho nhau, thậm chí cái chén uống cà phê cũng không ai chịu rửa, cửa nhà bừa bộn đến phát khiếp. Họ nói với nhau toàn lời lịch thiệp dễ nghe và cùng vui vẻ đồng thuận ly dị, đến quan tòa cũng phải ngạc nhiên. Nửa năm sau chị ấy lấy cậu lái xe vẫn đưa chị ấy đi công tác. Mới nhìn tưởng họ không đẹp đôi. Họ đã có với nhau hai con mà đôi vợ chồng xo lệch kiến thức, lúc nào cũng vui như tết. Bằng cấp là phương tiện để sống, không phải cột trụ của hạnh phúc.

Uống xong tách cà phê, Hoan mang cái ghế ra hành lang đặt đúng chỗ cũ rồi vào thu dọn khoan và dây điện :

– Tôi không là tiến sỹ nên có quyền suy tỵ một chút. Việc quét dọn căn phòng này ưu tiên dành cho chị.

Hương Lan cười nhìn Hoan bằng đuôi con mắt không nói gì, chỉ có hai má ửng hồng lên.

Hoan tiếp tục kiểm lại số vòng dây đã quấn trên cái máy đếm thủ công tự chế từ hộp số công tơ hỏng, lại nghe tiếng gõ cửa dồn dập.

– Hoan ơi nhanh lên, Hương Lan đang chờ.

Hương Lan nói chắc chắn như Hoan đã nhận lời sẽ đi ăn bún chả, dù trước đây anh chưa tỏ ý nhận lời. Đứng trong phòng Hoan từ chối, nói vọng ra :

– Xin chị để dịp khác.

- Hoan xử vậy sao được ! Vất vả lắm Hương Lan mời vần được xe máy xuống sân. Hương Lan đói và Hoan chưa sang bếp ăn của bộ ăn cơm. Chiều thu Hồ Tây rất đẹp, không đi uổng lắm. Hương Lan xuống sân đợi nhé !

Giọng nài nỉ dịu dàng của Hương Lan buộc Hoan vì nể bà chủ nhà, miễn cưỡng cắt điện, khóa cửa phòng xuống sân. Ngoài đường lá sấu vàng óng lả tả rơi trên vỉa hè như rắc hoa. Ngồi sau xe Hương Lan, chiếc cúp máy cánh én màu rêu êm ru qua các phố, Hoan  thấy mình kỳ cục vì để phụ nữ chở.

Hai người qua Quan Thánh, rồi Cổ Ngư đúng cửa hàng bánh tôm Hà Nội thì Hương Lan dừng xe lại. Họ ngồi ở góc hơi khuất trên tầng hai. Hai vại bia, hai xuất bánh tôm, họ vừa ăn vừa ngắm cảnh người ta chèo thuyền trên hồ.

– Nói chuyện với Hoan thật dễ chịu.

– “Bạn thật dễ chịu và thú vị khi tôi nói bạn chỉ lắng nghe”. Có phải thế không ?

Hoan hóm hỉnh dùng câu ngạn ngữ Pháp :

- Ngồi nghe mà không hiểu người ta nói gì, chẳng khác thằng ngố; người nói thú vị thế nào được !

– Xin cảm ơn chị đã không liệt tôi vào những thằng ngố, lịch sự. Hình như chị có nhiều ác cảm với mấy vị trí thức ?

Vô tình Hoan động đến tâm sự luôn dấu kín của Hương Lan. Trước đây Hương Lan từng được một vị phó tiến sỹ thề non hẹn biển. Nhưng những thùng hàng do tiền hai người cùng mua đóng chung đã chắp cánh cho trái tim bội bạc bay về đàng trong. Mất tình, mất tiền Hương Lan luôn ngờ vực cánh đàn ông tìm đến với chị. Mắt Hương Lan long lanh, mặt tái đi, chị nhìn vào cặp mắt đen sâu thẳm của Hoan dò tìm xem anh có soi móc không. Chị nói hơi xẵng giọng :

- Hoan cho là tôi ác cảm với lũ ngố à ?

- Không hẳn thế, vị thẩm phán nghiêm khắc của tôi ạ. Trời đã phân định có tài hay có tật, mấy ai đã hoàn thiện giỏi việc này lại hay cả việc khác ! Chị lạnh lùng bình luận về những khiếm khuyết của họ như vậy chẳng có chút thiên lệch sao ?

Hương Lan cười.

- Hoan bênh vực họ rất khéo … Hay Hoan cũng giống họ.

- Tôi rất mong có kiến thức giống họ. Sự giáo dục lệch, làm họ thành người vô cảm, dửng dưng sự đời, đáng thương nhiều hơn trách.

- Vị quan tòa công minh có nghe chuyện của gã ngố, thiên tình sử Hồ Tây của bộ ta không ?

- Tình thì liên can gì đến bộ ta ?

- Chuyện thật của vụ công nghệ, không ai kể với Hoan à ? Chả là có một vị phó tiến sỹ mới về nước đưa người yêu đi chơi.

Lại một vị phó tiến sỹ ! Hoan thầm nghĩ.

- Hai người phải đi sớm khi dáng chiều còn đổ vàng trên mặt hồ, để chiếm lấy cái ghế đá khuất sau hàng dương liễu ngồi tâm sự cho kín đáo. Ngồi mãi trong im lặng. Ngồi mãi mà ông Phó tiến sỹ chẳng nói được câu nào về tình yêu. Cô gái Hà Nội e lệ, chẳng nhẽ lại nói trước. Đợi mãi, ngắm cảnh vẩn vơ mãi, chàng mới thốt lên được câu : “Ngày trước cũng tại nơi đây” … Cô gái hy vọng được nghe những lời tỏ tình văn vẻ vội vàng ngồi sát vào dục “Anh kể tiếp đi !”. Anh ta ấp a ấp úng mãi mới thốt ra được “Ngày trước tại chỗ này, tại chỗ này, anh đánh dậm được nhiều tôm lắm !”. Nghĩ anh chàng này điên. Cô gái thét lên “Trời ơi !”, rồi vội vàng bỏ chạy.

Hoan cười rũ ra, ngả nghiêng trên ghế.

- Dựng chuyện đùa ác quá, làm họ bỏ nhau mất còn gì.

- Chuyện thật một trăm phần trăm, ai dám dựng chuyện để phá họ. Vậy mà đôi ấy vẫn lấy nhau nhờ sự vun vén động viên của hai gia đình. Thế mới hay.

Trên đường về vì cố ngậm miệng nén cười, thỉnh thoảng anh lại lục khục trong họng. Anh nghĩ, mai kiểm tra qua cậu Lợi biết chuyện này thật giả.

Xe vòng qua Ba Đình, đường trước sân Lăng Bác Hồ vắng người. Hương Lan nói :

- Về nhà lúc này quá sớm, tiện đây Hương Lan hướng dẫn Hoan tập đi xe máy. Đã đến lúc Hoan phải biết đi xe máy, khi cần là sử dụng được ngay và thỉnh thoảng còn chở Hương Lan lên Hồ Tây ăn bánh tôm.

Hương Lan dừng xe, dựng chân chống nâng bánh sau lên. Chỉ vào từng bộ phận xe, mở máy, vặn ga tăng tốc giảm tốc, vào số rồi bảo :

- Chỉ có thế thôi, Hoan làm thử. Hoan chạy máy xem nào ! Dễ như đi xe đạp và nhàn nhã hơn nhiều.

Anh ngại tập xe, khi nhớ lại cảnh cha con ông chủ nhiệm phế liệu huyện dạy nhau lái xe máy. Thằng con đi tây về có cái xe mink, đem xe ra sân vận động huyện dạy bố lái xe. Khi đi thì được nhưng muốn dừng nó không dừng, ông kêu lên : “Họ … họ” như cưỡi trâu rồi chửi toáng lên : “Đ.mẹ mày, dừng nó thế nào ?”. Tránh lặp lại chuyện cũ ấy, anh hỏi rất kỹ về cách dừng xe và mở máy. Điều khiển tại chỗ rồi mạnh dạn đi thử. Nửa giờ sau anh đã tự điều khiển được xe chạy trên con đường vắng người, không còn sợ sệt bị ngã, không lóng ngóng.

- Bây giờ để kiểm tra Hoan chở Hương Lan một vòng con đường này và thao tác theo lệnh của Hương Lan. Miền Nam họ có một câu đi xe máy rất hay : “Giảm ga rà thắng” thắng là cái phanh ở chân phải ấy, lúc dừng đạp nhẹ thôi, mới tập đi xe không được bóp phanh trước, chỉ nên dùng tay ga thôi.

Hoan từng thấy mấy chú nhóc nhảy phốc lên xe rồi phong đi, anh lấy làm ngạc nhiên, giờ hiểu ra nó cũng đơn giản, chỉ còn luyện thành thạo và học biết luật nữa. Ngồi phía sau, bộ ngực của Hương Lan tỳ vào lưng làm anh thấy nhột.

- Chị Hương Lan có biết lái ô tô không ?

- Lái nhiều rồi. Hồi ở bên Đức, thường lái xe đi chợ.

Một câu trả lời trống không một cánh cửa mở ngỏ đầy đủ ý nghĩa trong lòng người phụ nữ.

                                                                                            

 

 

 

 

Phó tiến sỹ Thiện mời Hoan lên phòng để trao đổi công việc. Thiện có khuôn mặt dài như mặt ngựa, cằm nhọn, đôi mày rậm u ám, nước da tái mịn của người thâm độc. Mới nhìn người ta đã cảm thấy ớn lạnh và dè chừng. Thiện bị Đăng ghét cay ghét đắng. Anh luôn chế riễu sau lưng ông Phó “tấn” sỹ hữu nghị và chẳng coi trình độ khoa học của Thiện ra gì. Trước mặt Thiện, vì quyền uy trưởng ban Đăng lại vâng dạ ngọt sớt.

Với vẻ bí mật Thiện thì thầm như sợ có người nghe trộm.

- Tôi đang bận duyệt một dự án quan trọng, muốn nhờ ông đi Miền Nam thay tôi một chuyến. Lẽ ra việc này là của tôi, nên tôi phải trao đổi riêng với ông, nếu ông không thích tôi sẽ nhờ người khác.

- Đi miền Nam ?

Hoan lo ngại nhìn Thiện xem việc đi công tác có phải là cái bẫy gạt mình khỏi công việc đang làm không. Anh nói :

Việc của Bộ sao lại nhờ ? Phân công là tôi đi … Liệu tôi có cáng đáng nỗi việc anhgiao không ?

Hoan cười hóm hỉnh hỏi lại để dò xét thái độ của Thiện.

- Chắc chắn ông làm được. Việc về ngành nhiệt điện, ông nhiều kinh nghiệm thực tế. Tôi nhắm người là nhắm cả tính tình lẫn khả năng. Có mấy lò hơi hay bị nổ ống, hiện tượng giống nhau. Anh em họ muốn nhờ chuyên gia ngoại vào sửa chữa. Bộ muốn rõ nguyên nhân có phải bị phá hoại hay bị hư hỏng. Ông vào giúp họ tìm biện pháp sửa cho nhanh. Tôi nhấn mạnh, ông xác định rõ xem có bàn tay phá hoại không ? Ông phải cẩn thận, luôn nhớ kẻ thù cầm súng đã bị tiêu diệt. Kẻ núp sau lưng ngọt ngào và sẽ gây những hiểm họa khôn lường. Cảnh giác là tất yếu. Cố gắng tránh những quan hệ không cần thiết.

- Được rồi, khi nào đi ?

- Mười một giờ sáng mai tàu chạy. Tôi bảo bên hành chính mua vé và chuẩn bị giấy đi đường ngay cho ông. Chúc lên đường may mắn.

Vậy là giao kèo đã xong ! Thiện bắt tay Hoan, bằng một bàn tay lạnh ngắt. Hoan tự hỏi đây có phải là một thử thách?

Gần hết giờ làm buổi chiều ông Vĩnh gọi Hoan vào căn dặn thêm.

- Tìm được cách tự chữa đỡ tốn kém là tốt nhất, cậu chú ý điều này. Xong việc cậu xem giá nhà đất thế nào, có dễ mua không. Tôi sắp hưu muốn vào Nam tránh lạnh. Kỳ sau tôi và cậu đi một chuyến.

Hoan cười nhìn vào mặt ông Vĩnh :

- Sếp có phòng nhì phải tìm căn cứ mới ?

- Làm gì có, mình già rồi, cần tìm một nơi hạ cánh để nghỉ ngơi thôi !.

Hoan cười thành tiếng như bị cù.

- Em mới nói một tý chạm nọc mà anh đã đỏ mặt giải thích. Bà chị dặn em thấy anh có cô nào chỉ léng phéng ở gần thôi phải báo cáo ngay. Em sẽ mách đây !

Vừa cười Hoan vừa ra khỏi phòng, không chào. Ông Vĩnh nhìn theo lắc đầu mình tưởng hắn hiền, cu cậu hóm hỉnh ra phết.

- Buổi tối Hoan xếp gọn đồ đạc để mai lên đường. Những hàng người ta đặt hàng gì  xong giao được anh đã giao ngay lúc chiều. Anh đi chuyến này nhanh cũng phải mười lăm hai mươi ngày. Hương Lan chạy sang phòng anh mặt ỉu xìu xếp hộ quần áo vào va li và nói :

- Hoan bị lão dát chết Thiện lừa rồi ! Nghe đâu mới bắt bọn phản loạn ở Cà Mau và Sài Gòn. Khó khăn, nguy hiểm lão ấy đùn đẩy người khác đi thay. Thời Mỹ đánh phá lão luôn tìm cách ở riết nơi sơ tán, viện mọi cách khỏi phải về nội thành sợ ăn bom.

- Chị có quá khắt khe với ông Thiện không ? Mới cách đây ít hôm, ông Thiện xin cho thằng con trai lớn chuyển vào Sài Gòn công tác. Cháu nó mới đi được một tháng. Thời chiến người ta đưa con đi các nước xã hội chủ nghĩa học tập, để các cậu ấm trốn nghĩa vụ quân sự hợp pháp. Thời bình đảy con đi du học nước Anh, nước Úc bằng tiền Nhà Nước khi về có bằng cấp dễ xếp ghế vào bộ này bộ nọ. Ông Thiện đâu có dại để con đi vào nơi mất an ninh.

- Hoan đã thành người cùng cánh hẩu với ông Thiện từ lúc nào thế ? Hoan cho rằng việc đưa con đi Nam không có âm mưa mà chỉ là khúc mắc về gia đình hay nhiều lý do khác ? Con đang làm đội trưởng sửa chữa ở máy đèn Bờ hồ bậc lương cũng khá sao lại vào Sài Gòn làm nhân viên thu ngân của một quận. Con người nhiều mưu mô không làm việc gì mà không cân nhắc tính toán. Gian khổ thì chuồn lẹ, có lợi lộc một chút là lão xía vào đòi chia. Tất phải có nhiều quỉ kế.

- Chị và anh Đăng có quan điểm nhìn nhận ông Thiện giống nhau. Coi anh Thiện như một tên bạn xấu.

- Tôi không ưa gì gã Đăng còi, nhưng lão Thiện đẩy Hoan đi thay vào chỗ nguy hiểm Hoan còn bênh lão. Mới giải phóng có mấy năm nay súng đạn còn nhiều. Bọn ngụy chưa trình diện, nó không phân biệt Hoan là dân sự hay quân sự. “Đòm” một tiếng là hết sỹ. Cái lò Hoan phải đi chữa hình như có bàn tay địch, chỉ một thời ngắn đã hỏng tới hai lần.

- Sống chết có số chị ơi ! Hoan cười.

- Sài gòn nhiều nhà cao tầng, nhiều phố đẹp, Ra đường Hoan dễ gặp những bất trắc. Cần phải cẩn thận. Không bị lạc đường, không bị lừa tiền, cũng lừa tình. Vợ mấy sỹ quan ngụy đẹp như mộng, nó chài thì “cán bự ”hết đường về.

Vì được dịp trêu lại Hoan. Hương Lan cười thỏa mãn.

- Tôi cũng đang lo chuyện ấy đây. Hay Hương Lan xin cho tôi ở lại.

Hương Lan nguýt anh bằng đuôi con mắt.

- Thôi đi cho nó biết đó biết đây… Mai tôi sẽ đưa Hoan ra ga. Đừng có léng phéng với cô nào trong đó tôi sẽ mách cho sư tử biển nó lên. Cứ liệu mà cãi. Nói xong Hương Lan dùng ngón tay chỏ dí vào trán Hoan một cái và đi ra không chào.

Giữ lời hứa, Hương Lan đưa anh ra ga. Cuộc chia ly màu xanh thật thú vị. Hương Lan xách cái sap-xơ-lai ông Thiện cho Hoan mượn, đưa Hoan vào tận trong toa. Khi tàu chạy không vẫy tay, đôi mắt đen của Hương Lan dịu dàng nhìn theo tàu dưới nắng trưa Hà Nội, ánh mắt buồn và sâu thẳm.

Nửa đêm, Hoan tỉnh dạy, vì tiếng xả hơi phành phạch của đầu máy hơi nước cổ kính có từ thời Pháp, tiếng bánh xe xiết trượt trên đường ray. Đoàn tàu cố rướn lên lại tụt xuống khỏi dốc và những đầu tăm-pông nệm vào nhau thình thình.

- Chỗ này là đâu thế ông bạn ơi !

Có ai hỏi người gác chắn đường tàu đang dơ cao đèn tín hiệu vuông, có mặt xanh mặt đỏ. Cái đèn tín hiệu cũ mèm, ở các nước khác khó tìm thấy một cái tương tự.

- Dốc Tam điệp !

Đoàn tàu cứ phì phò tỏa hơi nước, cố leo lên lại tụt xuống. Hoan nhìn ra bầu trời đầy sao, tận chân núi xa xa ánh đèn nhà máy điện tỏa sáng một vùng. Mãi gần sáng, một đầu tàu tận cái ga nào đó phía bắc đẩy giúp phía sau. Đoàn tàu tiếp tục trườn đi chậm chạp qua những đoạn đường cong. Bánh sắt xiết trên đường ray kin kít như tiếng ê-kip ! ê-kíp ! …

Ê kíp là một nhóm người hợp nhau và cùng làm một công việc, có ê-kíp tốt cũng có ê-kíp xấu. Ê kíp tốt làm việc có nhiều kết quả, ê kíp xấu thực chất là bè cánh hùa nhau vào làm những việc tiêu cực. Hoan nghĩ trong công tác đã có cấp trên, có tổ đảng; và chi bộ, cần gì ê kíp. Từ ngày lên bộ làm việc, anh bị đẩy ra chờn vờn vòng ngoài, bị gián tiếp cách ly với công việc, anh mới thấy cần có ê kíp. Nhưng làm thế nào để có thể hòa nhập được đó là điều khó với anh ? Đoàn tàu lắc lư, ý nghĩ chập trờn trong giấc ngủ không say của Hoan.

Có ai đó vỗ vai anh và nói :

- Mất hết đồ rồi !

Hoan mở mắt nhìn, Quì bạn học cũ đứng bên cạnh cười. Quì học cùng khoa nhưng khác lớp, người hay trêu tròng bạn hữu nhất khoa điện. Họ thân nhau vì có cùng sở thích đánh bóng chuyền. Hoan thường nêu bóng để Quì đập.

– Nghe bạn nói, ông thăng quan về bộ ngồi bảnh chọe một chỗ rồi. Xin có lời chúc mừng. Ấm chỗ chớ quên bạn bè nhé ! Có gõ cửa, xin coi như “các em” gọi hãy mở ngay !.

– Quan tướng nỗi gì. Cứ nhìn biết liền. Quan đi công tác bằng tàu hỏa, oai phong ngang lính. Ông trốn nghề xây hố xí hai  ngăn chuồng lợn cải tiến, đã chui lên tới chức trưởng khoa máy một bệnh viện lớn, công việc tĩnh tại sao còn lang thang đi đâu !

- Ôi thật tiếc những ngày ở huyện xưa ! Nghề của mình ra làm ở bệnh viện là một bước đi sai lầm trong cuộc đời. Càng tiếc hơn không nghe lời tay Vạn vượt biên ra nước ngoài.

Quì đẩy Hoan lui vào và ngồi ghé vào cạnh ghế.

Quì tốt nghiệp trung cấp xây dựng, thời chiến chẳng có công trình gì để xây, đành phải đi giúp nông dân xây hố xí hai ngăn và xây chuồng lợn cải tiến cho trại lợn các hợp tác xã Anh phải xoay xở mãi mới xin được đi học tiếp bậc đại học. Lớp người các anh được đánh giá là hạt giống khoa học tương lai, hết chiến tranh sẽ xây dựng lại đất nước. Vì vậy, được dấu kín vào trong rừng, hoặc gửi đi các nước đào tạo, thậm chí đi bộ đội cũng được miễn, thế mà lúc này lại ước mơ trở lại công việc đơn giản ở huyện.

Hoan quay người, mở to mắt nhìn Quì, cái thằng “ma tếu” nói thật hay đùa. Quì tâm sự!

- Mình về hưu rồi ! Mình đã phung phí cuộc đời, bởi những bước đi không dò xét trước. Lĩnh hưu một cục, mấy tháng bơ vơ tiêu hết veo. Bây giờ đi làm thuê cho mấy ông quận đội, khu đội làm kinh tế, đại lý vận tải xi măng đưa vào Nam.

- Ông hưu sớm, có khác gì bỏ việc, trốn trách nhiệm! Uổng công học tập bao nhiêu năm,

- Họ đâu cần người học vấn, đâu cần người nhiệt tình. Họ cần người vâng lời như cái máy, đúng sai vâng tuốt. Mà thằng Quì lại không chịu quì.

– Ông mới gần bốn chục tuổi, còn khỏe mạnh phương phi như hộ pháp thế này, thằng ngu mới ký giấy cho ông hưu. Đút lót hả ? Quì cười, đuôi mắt nheo lại !

– Chúng nó không ngu đâu ! Cho hưu là cách đuổi khéo, vì trái đạo khác đường, Kỹ sư không được đưa ra ý kiến trong công việc, khác gì một công nhân ? Mình đề xuất việc nào cũng bị từ chối, vì không có tiền. Chán nản nên mình hay đốp chát thẳng với lãnh đạo, không nể nang.

- Việc là việc chung, ông tự ái là làm bật nút hũ mắm ra tất nhiên khó ngửi rồi ! Cứ làm hết sức, hết khả năng mình, kệ quan nghĩ gì thì nghĩ, mình không được tiêu cực.

- Thôi chuyện dài lắm xuống toa ăn ta uống cà phê mình sẽ nói tiếp.

Lúc này Hoan mới biết hai người chỉ cách nhau một dãy ghế và cùng chiều. Họ không nhận ra nhau ngay vì ngồi xen kẽ xung quanh hơn một chục cô gái trẻ buôn chuyến Bắc Nam. Hàng của các cô chất trên giá để hàng, gầm ghế, lối đi, thậm chí chỗ duỗi chân cũng khó.

Từ lúc lên các cô ăn quà vặt luôn mồm kể với nhau chuyện tình hết của thằng này đến con nọ. Thỉnh thoảng một cô lại cất tiếng sầu thảm ca một câu cải lương chàng nàng ai oán và đau khổ. Móng tay móng chân cô nào cô nấy hồng hồng hoặc đỏ chét. Tay chân của những người lười biếng lao động.

Quì dặn người đi cùng trông đồ hộ hai người, Hoan vỗ vỗ vào cái cặp sáp-sơ-lai của Hoan có sợi dây điện buộc níu vào giàn để đồ, Hoan mỉm cười lịch sự :

- Nhờ ông bạn trông giúp một chút.

Ngồi chờ cà phê Quì kể :

- Lăn lộn bên ngoài mình mới nghiệm ra nhiều điều nên và không nên. Người làm công nghiệp quen không thể hợp tác với ngành y. Chẳng hiểu họ lười hay quên lao động mà cái đinh treo mọc áo họ cũng không chịu đóng. Họ cho, bộ phận máy y tế lũ mình là bọn lao công sai vặt, dọn rác trong bệnh viện. Mình không chịu để họ lười, đem búa và đinh lên giao cho họ “Xin các anh tự giải quyết, khoa máy chúng tôi đang bận”. Thế là om xòm suốt cả buổi giao ban, bộ phận máy không giúp ngành y phục vụ người bệnh. Mình đâu giận các y bác sĩ, chẳng qua là để họ tự làm lấy các việc nho nhỏ. Sau khi mình từ chối làm nước cất pha thuốc bằng nồi áp suát. Có kẻ xúi và dèm pha với tay Phó giám đốc trẻ la mình coi thường lệnh gã. Trong một buổi họp giao ban buổi sáng, hắn tìm cách hạ uy tín mình bằng cách yêu cầu mình phải kiểm điểm việc chậm trễ lắp nồi áp suất làm ngưng hơi lấy nước cất pha thuốc. Mình bảo “không ai người ta ‘sáng lùi’ như vậy, kiểm điểm thế nào được tôi”. Hắn đỏ mặt đập bàn ra oai “Thay mặt Ban giám đốc, tôi lệnh đồng chí phải làm”. Mình cười “Xin tuân lệnh ! Tôi muốn có lệnh bằng văn bản”, “Đồng chí gây khó, chống lại lệnh của Ban giám đốc” ? “Lệnh của anh không thi hành được – mình nói vỗ thẳng mặt hắn – Nếu anh ép thì xin anh viết vào đây cho có bằng chứng”. Mình chìa sổ tay ra, hắn tái mặt không ký. Chẳng đợi cơn giận lui xuống, mình nói toạc cái dốt của hắn trước cuộc họp. “Thưa đồng chí Phó Giám đốc thân mến, là dược sỹ mà đồng chí thiếu căn bản về việc pha chế thuốc. Dưới áp lực 3 át mốt phe nhiệt độ nước sôi vượt quá một trăm hai nhăm độ, hơi nước sẽ mang sang bình ngưng cả sunphua và cờ lo cùng các tạp chất khác. Loại nước ngưng được ấy có pha được thuốc không ? Xin đồng chí nghiên cứu lại phần căn bản đi. Hắn yên lặng bỏ họp ra ngoài. Mọi người xì xào bàn tán và tự động giải tán cuộc họp. Từ đó hắn có ác ý với mình. Xét nét từ vật tư lĩnh lắp đặt cho các khoa phòng đến giờ giấc đi về của mình.

Cho đến một ngày, do bạn bè giới thiệu một chuyên gia y tế Thụy Điển đến nhờ mình, thiết kế hộ bộ điều chế nước Javen đơn giản để khử trùng theo kiểu Việt Nam cho đỡ tốn kém. Loại máy này không có trong chương trình viện trợ. Trước đông đảo cán bộ các khoa phòng đang họp giao ban. Hắn hất hàm hỏi kiểu hạch sách : “Anh hãy trả lời cho Ban giám đốc vài câu hỏi” “Xin cứ hỏi” Ai cho phép anh làm việc với người nước ngoài ?. Mình yên lặng nhìn hắn đánh giá tình hình và hơi lo cho cái tính thẳng thắn dễ gây tai vạ của mình. Hắn hỏi dồn luôn : “Anh đã xin phép phòng ngoại vụ chưa ?” Mọi người trong cuộc họp yên lặng theo dõi thái độ của mình và hắn. “Anh còn cố tình vặn vẹo gì nữa không ?”. Hắn cười đắc thắng “Sao lại là vặn vẹo ? Khách tây đang đợi anh dưới hành chính kia kìa !” Mình nói một cách gay gắt “Câu hỏi của anh rất ngớ ngẩn. Thứ nhất anh không có quyền soi mói tôi làm việc với ai. Làm việc với ai đó là việc riêng của tôi. Tôi chịu trách nhiệm việc tôi làm. Thứ hai anh hỏi nhầm đối tượng. Tại sao không dám hỏi thẳng thằng Tây. Ai cho phép ông làm việc với kỹ sư của chúng tôi. Ông đã xin phép phòng ngoại vụ chưa ? Vì anh tự ty nên quay sang hỏi tôi. Cái ông Tây mà khi gặp, anh lúng túng sợ sệt, đang chờ tôi, mặc nó chờ. Ông ta đến nhờ vả tôi, chứ tôi đâu có cần gặp hoặc nhờ vả gì ông ta. Bí qua hắn gọi điện sang ngoại vụ trao đổi việc này. Ngoại vụ họ trả lời, ông chuyên gia đã xin phép và cái anh phiên dịch đi cùng là người của Sở Ngoại vụ cử. Mình nghĩ thằng Quì không chịu quỳ, có ngày sa bẫy bị đánh què chân bắt phải quì. Mình nói với anh phó phòng tổ chức bị thải xuống làm phó phòng hành chính, vì tội dấu lý lịch có chị di cư đi Pháp không khai, mãi sau giải phóng cơ quan mới biết. Người đã trực tiếp mời mình về làm việc ở Bệnh viện.

“Tôi sẽ chia tay nơi này, nhưng trước lúc đi cũng phải cho cán bộ công nhân ở đây vui tưng bừng một bữa”. Ông ta tái mặt sợi hãi can “Ấy đừng làm náo loạn thế !” Mình nghĩ ông này hèn, mấy buổi họp gay cấn của mình mà không phát biểu lấy một lời. Sau nghĩ, anh ta bị kẹt cái lý lịch thật đáng thương. “Không tưng bừng sao đi nỗi”.

Ở Khoa răng hàm mặt, các máy móc nhập về để lâu ngoài bãi, bị ngâm mưa nhiều ngày nên hay hỏng. Ông Hải trưởng Khoa có cái lý lịch không sáng sủa nên dút dát. Do sợ, lúc nào cũng báo cáo “máy hỏng cầu chì”. Mình bảo “Việc chữa máy là trách nhiệm bọn tôi. Anh báo cáo vậy hóa ra chúng tôi chữa lợn lành thành lợn què, lúc nào cũng phải thay hoặc phải quấn lại dây điện từ”. Nói nhiều lần nhưng vì lo sợ trách nhiệm ông ta không nghe. Vẫn : “máy tôi chỉ đứt cái cầu chì”. Lần này mình mặc bộ quần áo được trang bị dành cho khi vào làm việc ở phòng cách ly. Áo Bờ lu trắng, mũ nhà sư trắng vẽ dấu chữ thập đỏ thêu trên mũ, chỉ khác không có bảng hiệu đeo trước ngực. Mình vào phòng khám khi ông Hải đang ghi toa thuốc cho người bệnh. Đứng bên cạnh mình nói : “Đồng chí cho thêm một ống B1, một ống B12”. Ông Hải ngẩng đầu lên mở to mắt nhìn một tý rồi lại cúi xuống. Ghi “Pênisiline một trăm ngàn đơn vị tiêm bắp ! Phì nhi cam tích hoàn một lọ uống ngày 10 viên”. Bệnh nhân nhìn ông Hải, ông Hải nhìn mình “Tôi bảo anh ghi vào, sao không ghi !” Đến lúc này thì ông Hải phóng cái bút cắm phập trên mặt bàn bỏ chạy ra khỏi phòng trước cái nhìn ngơ ngác của người bệnh. Mười phút sau cô nhân viên hành chính tìm mời mình lên gặp chánh giám đốc. Mình cười “Cô về báo cáo hộ xin Giám đốc vui lòng đợi đến sáng mai trong cuộc giao ban đông đủ mọi người tôi sẽ trình bày !”. Anh em trong khoa máy được một bữa cười thỏa thích, các y bác sĩ thấy mình, gườm gườm nhìn, e ngại như gặp một người điên. Buổi giao ban sáng, đến tiết mục của mình, ông Hải kể lại sự việc và kết luận “Tôi nghĩ thần kinh đồng chí Quì không bình thường, nên mới xảy ra điều đáng tiếc”. Không ngồi nói như mọi người, mình đứng lên “Tôi xác nhận sự việc đồng chí Hải trình bày đúng là vậy. Tôi xin được hỏi : các đồng chí kê đơn tôi xéo lên chân các đồng chí như vậy có đáng bực không”. Tiếng xì xào nho nhỏ “không bực mới là chuyện lạ”. “Vậy các đồng chí kê đơn chữa máy xéo lên chán bọn tôi, tôi cũng bực. Có lẽ nào, các máy khác nhau hỏng lại chỉ hỏng cái cầu chì hay lỏng tiếp xúc”. Nói như vậy các bệnh nhân đến đây chữa chỉ toàn đau bụng thôi sao ? Tôi đã nói nhiều lần với đồng chí Hải và các người khác, việc chữa máy là của chúng tôi, cứ để chúng tôi chữa. Không nên phán bừa bãi, như tôi phán về thuốc. Nếu ở đây họp mà có đủ các anh em thợ, chắc chắn họ còn phát biểu nhiều câu hay về vấn đề nghề nghiệp của hai ngành chúng ta. Tiện có đầy đủ Ban giám đốc, phòng tổ chức và các trưởng Khoa. Tôi xin thỉnh cầu được rời khỏi Bệnh viên. Tiếng “ồ” ngạc nhiên rất to. Ông Giám đốc vội cho giải tán cuộc họp, mọi người về làm việc tiếp. Đáng tiếc, lá đơn chỉ nên xin chuyển nơi công tác, mình lại xin về hưu. Mười lăm ngày sau mình đã ra ngoài biên chế và sống như ông thấy đây.

Hoan cười buồn bã nói nhỏ nhẹ :

- Có khuyên can hay trách móc bây giờ cũng muộn. Ông hãy sống theo cách riêng của ông cho thỏa thích. Được và mất cái giá phải trả cho mỗi hành động của chúng ta. Hoan an ủi : Ông gian truân thật. Cây muốn lặng gió chẳng muốn dừng phải không.

- Phải nói rằng cây muốn thẳng gió chẳng cho thẳng. Thôi bỏ qua đi mà sống !

Quì cười to và khoác tay Hoan trở về chỗ ngồi ở toa gần đầu đoàn tàu.

Đoàn tàu mãi miết đi đưa Hoan vào miền đất chưa từng biết. Hai bên đường nhan nhản hố bom, đếm không xuể. Mép hố cỏ năn mọc xanh rờn, nước đọng trong vắt. Dân cư trở về xây dựng lại nơi ở còn thưa thớt. Những căn nhà lá mới dựng, cách xa nhau trên các sườn đồi cằn cỗi bạc màu, chỉ có sim, mua và cây dại thấp, trải dài hun hút đến chân rặng núi xanh phía xa.

Hoan hỏi khi đoàn tàu qua một cây cầu sắt nhỏ bánh xe va kêu rầm rầm.

- Làm thế nào phân biệt đâu là sông Bến Hải.

- Dễ ợt, bờ Bắc bị Mỹ tàn phá chỉ có nhà vách đất. Bờ Nam toàn mái tôn dỡ từ ấp chiến lược và san sát kề nhau kiểu trại lính.

Đôi bạn cứ lúc thức lúc ngủ ở trên tàu. Lúc thức họ cùng nhau ngắm cảnh bên đường và trò chuyện. Quì hỏi :

- Sao hôm họp khoa ở Hà Nội, ông không đến ?

- Giấy bọn chúng gởi về Hải Phòng nên khi đến tay mình đã quá ngày. Có đông anh chị em đến không ?

- Đông và vui, tiếc là thiếu ông.

Quì kể vanh vách : Chức vụ và nơi làm việc một số bạn cùng khoa với giọng hể hả và thích thú. Cuộc họp này đã giúp Quì nhiều trong công việc làm ăn. Với Hoan, anh nhận giấy nhưng không đi. Anh đã chán ngấy các cuộc gặp mặt quái gỡ nhạt nhẽo kiểu này. Tiếng là gặp nhau để giúp đỡ nhau vươn lên nhưng ý nghĩa tốt đẹp bị lạm dụng và lãng quên. Người ta gặp nhau để khoe chức tước tiền bạc. Họ đùa cợt, bóc mẽ những điều của nhau lúc đi học. Rồi cả cái chuyện ai yêu ai thầm kín cũng bị kể toạc ra. Họ luyến tiếc ngày còn non dại không dám nói ra lời yêu đương. Giờ đây họ công khai tỏ tình không ngượng mặc dù đã đáng tuổi làm ông làm bà có dâu có rể. Bù lại những điều họ không làm được là hứa gả con cái cho nhau. Họ ít nói về những người bạn đã hy sinh trong chiến tranh, chết trong bệnh tật. Con cái côi cút, bị thất học và nghèo đói. Hoan thật sự buồn vì đã dự một vài cuộc gặp mặt vô bổ, phủ nhiễu bằng những từ đồng hương, họp lớp, họp trường.

Đoàn tàu vun vút lao về phương Nam, hai người bạn chuyện trò quên cả đoàn tàu đang tiến gần tới ga cuối. Mọi người trên toa ồn ào chuẩn bị khi đoàn tàu rầm rầm vượt sông Đồng Nai. Qua ga Dĩ An đã nửa đêm người ta đốt đuốc kéo ra hai bên đường nườm nượp như đi phá ấp chiến lược. Ánh lửa đủ kiểu bập bùng ven rừng cao su : vòng bánh xe lửa; chữ thập lửa; ba ngọn lửa hàng ngang; năm ngọn lửa hàng dọc. Đoàn tàu đi chậm lại như đã được mặc cả ngầm. Từ hai cửa toa các cửa sổ tàu họ hò hét vứt hàng, lăn hàng xuống ven đường. Trong toa vừa chật níc hàng, giờ đã giảm đi già nữa. Hoan nói như hỏi :

- Toàn hàng trốn thuế.

- Đi buôn không trốn thuế thì ăn gì ? Trốn thuế từ Bắc vào Nam.

- Chúng em phải mua đường đấy hai ông “công dân bao cấp ạ”. Cũng cánh buôn mà vờ ngờ nghệch !

Một cô gái da mỡ màng tóc vấn cao mắt hơi xếch vẻ đanh đá sành sỏi ngồi bên cạnh hai người nói :

- Mỗi chặng, bọn em lại gom tiền đưa ngầm mua đường, mới yên ổn không bị hạch sách. Qua mười hai tỉnh là mười hai lần gom tiền gọi lóng là “Mua đường uống nước” cho dễ nuốt. May các anh ngồi gần chúng em nên không bị hỏi tới.

- Làm sao họ biết được ai đóng tiền ai chưa ?

- Ai đóng tiền là có ghi số ghế ngồi. Nếu có bị hỏi cũng chỉ xét sơ sơ thôi !

- Thế đấy ông bạn – Hoan nói : chúng ta phải cảm ơn mấy cô. Nhờ có họ, ta không bị tróc nã.

Hai bạn nhìn nhau cười.

Mệt nhọc Hoan ngả lưng ra ghế. Tàu đi qua các căn nhà cao tầng trên đường đầy ánh sáng hắt ra sáng như ban ngày. Mới năm giờ sáng Hoan đã tới nhà khách phía Nam của bộ ở Quận I. Vừa xuống xe taxi, anh đã bị ba bốn người quần áo xộc xệch ngái ngủ, hôi mùi thuốc lá Hoa Mai quây lại chặn đường và nhao nhao hỏi.

- Anh hai có gì bán không ?

- Em xin thầu lại với giá cao nhất cho.

Mấy người buôn chuyến thường canh giờ tàu về hay máy bay về ở cửa nhà khách chờ mua hàng. Xuống tàu, xuống máy bay mà đi taxi, mới là các vị đem hàng độc. Lạ nước lạ cái,không biết giá, không biết chỗ bán, khách thường bị hớ, thấy có lãi vội vàng bán ngay  Hoan lắc đầu dơ cao cái sap-sơ-lai nhẹ tênh lên như xin hàng và lách qua họ.

- Không có gì bán cả. Hành lý chỉ thế này !

- Anh hai không biết buôn hay buôn hàng độc ?

- Cán bộ đi công tác người nào vào đây chả mang hàng. Đi người không như anh hai uổng quá.

Hoan cười nói vẻ an ủi :

- Thôi để lần sau các vị cần gì tôi sẽ mang vào.

Họ chán ngán tản ra cũng nhanh như khi tụ lại, mắt nhớn nhác tăm xe khác. Hoan chưa kịp bấm chuông gọi cổng, cảnh cổng điện tự động kéo sang một bên. Hoan lách vào, cậu bảo vệ mặc đồng phục xanh dương đang chờ anh ở bậc thềm. Lời ăn nói lịch sự và nhã nhặn làm anh quên đi nỗi nhọc mệt, cậu bảo vệ dẫn anh đến tận phòng quản lý. Hoan đưa giấy tờ. Xin xếp phòng nghỉ.

Thoải mái, nằm trên giường lò xo, Hoan thấy xướng cột rãn ra, anh lắng nghe tiếng xe máy ầm ầm chạy dưới đường và ngủ thiếp đi. Ba giờ chiều Quì đã tới tìm.

- Tôi tưởng ông đi dạo phố hay đã về miền Tây rồi ! Cứ sợ không gặp.

- Đã nhờ đăng ký vé, tính mai mới đi.

- Vậy thì đi xuống Thành Đô làm vài lon bia cho mát. Hôm nay tàu hàng vào tới Vũng Tàu rồi, ngày mai mình bận không tiếp được cậu. Hôm nay cậu phải hỗ trợ cho mình tiếp mấy ông xây dựng. Mình muốn đổi xi măng lấy một căn chung cư.

- Đổi xi măng lấy nhà ?

- Phải, đổi năm mươi tấn xi măng lấy một căn hộ chung cư khoảng sáu mươi mét vuông. Xi măng là vàng đấy “ông bố trẻ” ạ.

- Ông làm gì có xi măng, lấy trộm xi măng ông đang chở thuê để đổi à ? Đừng có liều !

- Xi măng của mình hẳn hoi, sao phải lấy trộm của ai ?

Hoan tròn xoe mắt ra nhìn Quì :

- Của ông ở đâu nhiều thế ?

- Mình là người tìm mối hàng có chỉ tiêu được cấp xi măng, thuê quận đội chuyên chở. Bên quận đội thuê tàu; mình áp tải hàng từ nhà máy vào giao tại Sài Gòn. Quận đội ăn chênh lệch giá chuyên chở, mình chỉ ăn cái phần dư của hư hao, chứ lương tháng và hai cái vé tàu đi về bõ bèn gì ?

- Đã gọi là hư hao theo quy định mỗi lần lên xuống, còn ăn được cái gì.

- Nếu làm theo cách cũ không có ăn thật. Người bốc vác thiếu trách nhiệm có khi làm rơi cả mã hàng xuống phương tiện vì xếp cẩu thả, lớp bao dưới đáy thấm ẩm bung ra, rách vỡ hao hụt càng nhiều, có khi còn vượt cả qui định cho phép. Ông nghĩ xem từ Hải Phòng vào Nam ba lần xi măng bốc lên hạ xuống mình chỉ nhận rách vỡ 5% và hao hụt 2%, các vị ưng sái cổ, còn thưởng thêm tiền cho mình.

- Ông có phép tiên à ?

- Xi măng ra khỏi máng nhà máy, mình cho tiền để công nhân nhận không lật bao trước khi bốc xuống Sàlan, trên mặt bao một hai lạng xi măng rời được xuống hết lòng sà lan số lượng cùng đáng kể. Dưới sà lan và tàu mình cho rải vải bạt không bị ẩm và vét được hết xi măng rời. Mua vỏ bao mới đóng lại, nên số hao hụt không đáng kể. Mình còn mua thêm mươi phút băng tải xi măng chạy không bấm số đếm bao của một cậu nào đó trong ca trông máy. Một con tàu mười ngàn tấn chở tám ngàn, cho năm hay sáu chủ hàng, có thêm vài ba trăm tấn cũng không ai để ý.

- Ông không sợ bể mánh mà cứ kể tuồn tuột ra ? Như vậy ?

- Cách làm ăn này cũng chỉ tồn tại sáu tháng đến một năm nữa thôi. Liên hiệp các xí nghiệp xi măng đang thành lập xí nghiệp vận tải, họ sẽ thầu tất cả các tàu chở xi măng đi Nam thì bọn mình hết màu. Chỉ tiếc lúc này mình không được lập tài khoản riêng, phải nhờ mấy anh quận đội làm trung gian để lấy tiền, lợi nhuận bị mất đi hai phần ba.

- Hết màu, ông dự định làm gì ?

- Người ta đang hô hào đổi mới tư duy, có lẽ mình sẽ thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải hay xây dựng gì đó. Cho mấy ông chủ thầu xây dựng nhỏ thuê tài khoản cũng được lắm.

Hoan nghĩ đây không phải là Quì ngày xưa hiền lành và ngoan ngoãn nữa ! Những trắc trở do tính nết đã đẩy Quì đi theo một hướng khác mất rồi !

Xe tắc xi chạy thẳng vào sân nhà hàng Thành Đô. Cái nhà hàng đồ sộ có từ thời Mỹ Ngụy nằm trên đường Trần Hưng Đạo – Quận 5, quận ăn chơi của Sài Gòn. Một người ăn mặc như thuyền trưởng quần trắng phẳng lỳ, áo trắng bốn túi có ngù vai kim tuyền, mũ kêpi trắng gắn phù hiệu hai bông lúa đỡ hai chữ cái T-Đ mạ màu vàng, nhanh nhẹn chạy ra mở cửa xe.

- Xin mời hai ông vào.

Vừa lạ, vừa buồn cười, thì ra ông gác cổng, Hoan chưa nói gì đã thấy Quì dúi vào tay anh ta tờ 2 đô la. Anh ta cúi gập người xuống.

- Dạ, xin cảm ơn ông.

Một thanh niên mặc quần tím than áo sơ mi trắng cộc tay thắt nơ đen hướng dẫn hai người vào căn phòng có cái bàn tròn đặt giữa. Năm cái ghế gỗ cẩm lai bóng loáng màu gụ đặt xung quanh. Quì nói trống không :

- Cho một gà sối mỡ. Một chai sâm banh, đậu phụng và hạt điều mỗi thứ một đĩa. Mời hộ ba ông bạn đang ngồi chờ ngoài đại sảnh vào đây.

Chỉ loáng một chút, trên bàn đã đủ bát đũa đặt trên khăn ăn màu trắng thơm phức mùi hoa lài. Năm cái khăn giấy màu phớt hồng được xếp thành những bông hoa cắm trên miệng, năm cái cốc thủy tinh có chân, đặt vây quanh chai sâm banh vẫn còn nguyên giấy niêm phong. Khách vào, họ lần lượt bắt tay và nhìn nhau thăm dò.

Quì trang trọng giới thiệu, người đàn ông da ngăm đen trán hói.

- Đây là anh Sáu Ngói, giám đốc Công ty Xây dựng nhà của Quận.

Quì quay sang chỉ người trẻ đeo kính trắng cái mũi to trên khuôn mặt khôi hài bầu bầu.

- Đây là anh tư Nhụy cán bộ kế hoạch xí nghiệp hạ tầng cơ sở và chỉnh trang đô thị. Quì chỉ tiếp vào người cao to, mắt thao láo. Và còn đây là Tư Đen – Phó Giám đốc cấp thoát nước quận. Mỗi lần Quì giới thiệu Hoan lại phải bắt tay nói nhỏ “xin chào anh”.

- Còn đây là anh Hai Hoan, lãnh đạo cũ của tôi. Anh vào đây thay mặt bộ điện kiểm tra mấy công trình điện đang lắp ráp. Các vị có việc về điện đóm chắc anh sẽ giúp được nhiều.

Mọi người lại lần lượt bắt tay Hoan.

- Nhân dịp anh Hai Hoan vào đây công tác, tôi xin mời các vị gặp mặt …

Hai đầu bếp khiêng lên hành lang sau cái bếp than đỏ rực. Một con gà đã làm lông treo trên chảo mỡ sôi lăn tăn, anh đầu bếp lễ phép nói với Quì :

- Xin ông hai kiểm tra cho.

Chẳng cần nhìn xem cái màu da gà vàng vàng kia là thật hay bôi nghệ, Quì phảy tay :

- Làm tiếp đi.

Mỡ dội trên con gà còn ướt nước kêu “xèo” một tiếng. Cậu đầu bếp đội cái mũ kiểu cà chua bẹp hơi né mình tránh những hạt mỡ bắn ra xung quanh. Sối mỡ nghĩa là dội mỡ sôi. Hoan nghĩ cứ dội thế kia bao giờ chín được con gà ? Tiếng sâm banh nổ làm anh giật mình, những cốc rượu có ga trước mặt, đang sủi bọt như nồi nước sôi. Họ chúc nhau sức khỏe rồi cụng ly, hỏi nhau về gia đình, con cái, quê hương và chẳng quan tâm người trả lời có nói thật về gia cảnh mình không. Câu chuyện chẳng ăn nhập gì đến mục đích của bữa tiệc. Những cốc có bỏ đá được mang tới Quì ra hiệu rót bia. Người hầu bàn dơ chai bia lên.

- Mời anh hai coi nè !

Cái nắp chai bia bay lên xoay xoay trên không vòng rơi xuống bàn tay mở sẵn. Chai bia được để trên bàn bọt sùi sùi qua miệng chai.

- Mời anh hai coi nè !

Người hầu bàn một tay đỡ đít chai một tay cầm cổ chai, dùng móng ngón cái đẩy bật cái nắp chai văng đi.

Tư Nhụy kêu lên.

- Sạo, sạo !

Tư Đen cúi xuống cầm một chai bia săm soi cái nút rồi đưa ra :

- Làm lại cái coi.

- Làm lại ! Tiếng Tư Nhụy phụ họa.

Vẫn động tác cũ, cái nắp bia lại bật văng đi. Hai tờ hai chục tím được cài vào túi áo anh hầu bàn. Anh ta lễ phép cúi mình cảm ơn.

- Xin anh hai coi biểu diễn công lực mở nắp chai!

Sáu Ngói gật đầu và rút dưới két đưa ra một chai bia.

- Xin anh hai coi nè !

Anh hầu bàn vỗ vào đít chai. Cái nút bật đi, miệng chai mẻ một miếng nhỏ, bia văng tung tóe trên thảm nỉ đỏ huyết dụ.

Hai tờ hai chục tím lại được nhét vào túi ngực anh hầu bàn.

Đĩa thịt bò sào cần tây tỏi tây mang lên đang bốc khói. Không khí bàn tiệc sôi động. Ba vị khách mỗi người bị phạt uống một ly bia vì dám không tin cách mở bia nghệ thuật của anh hầu bàn.

Không ồn ào “Dzô, Dzô !” như đám trẻ, họ từ tốn nâng cốc ngang mày cụng với nhau, gắp thức ăn cho nhau như thân tình đã lâu. Quì khẽ nói với Sáu Ngói.

- Việc xin đổi xi măng lấy nhà của tôi tới đầu rồi?

- Sở đã đồng ý, chỉ cần anh Tư Bắc giao xi măng là nhận nhà ngay. Chuyến này anh Tư giao thêm riêng cho tôi bao nhiêu tấn xi măng ?

Tư Bắc là tên gọi Quì ở trong này. Ít khi họ gọi nhau bằng tên thật, chỉ gọi theo thứ tự hai, ba, tư, năm …

- Sáng mai tàu mới vào ! Hàng ít giao cho anh thêm một trăm tấn nữa nhé. Anh phải trả tiền mặt đấy.

- Ít, hơi kẹt, đang làm gấp nhà cho các hộ giải tỏa ! Thiếu xi măng thì khó cho bọn tôi. Sáng mai anh Tư đem chứng minh, hộ khẩu đến ta bàn thêm và làm hợp đồng nhà luôn.

Hai ông bạn còn lại nằm nì xin xỏ mãi mỗi ông cũng nhận được bảy chục tấn và phải trả tiền mặt. Món gà sối mỡ được đưa lên cùng két bia mới. Tiếng đàn ghita cắt đứt chuyện mua bán của họ.

Ngoài cửa, anh nhạc công cổ thắt cái nơ đen, tóc để dài xuống gáy, dáng cao gầy giống thầy giáo cấp hai thất nghiệp nhiều hơn nghệ sỹ, ôm cây đàn bợt màu véc ni phơi nước gỗ mộc mạc đứng cạnh cô ca sỹ có bộ ngực đồ sộ nhô cao trong cái áo ba lỗ màu đen chật níc.

- Mời các anh hai thưởng thức vài bản nhạc Trịnh  hoặc nhạc tiền chiến.

- Xin mời vào ! có hát được bài Thu Quyến rũ của Đoàn Chuẩn không ?

- Dạ, được.

Tuy cô ca sỹ trang điểm nhưng cũng không dấu nổi nếp nhăn phong trần trên đuôi mắt. Cô ca sỹ đứng tuổi, hơi đu đưa đôi vai theo những tiếng tính tình tang tang. Một giọng trầm ấm cất lên, cả bàn ngừng ăn uống để buồn buồn nghe hát.

Quì dúi dưới gầm bàn hai tờ năm đô la và ghé tai thì thầm với Hoan.

- Ông lên tặng đi. Tay nhạc công đút một tờ vào túi ngực áo. Cô ca sỹ, ông phải kéo cái áo ra và dắt vào su chiêng một tờ. Đưa cô ca sỹ trước.

Hoan cũng thì thầm lại :

- Nhỡ nó hét lên hay tát cho một cái thì ra mặt mẹt.

- Lạc hậu, thủ cựu ! Ông đưa tay nó không cầm đâu. Mạnh dạn lên ! Ông là chủ xị hôm nay mà.

Hát xong bài hát cô ca sỹ cúi gập người chào, hai núm nhũ hoa bị đè căng hơi lòi ra khỏi lần áo. Hoan bước chậm chạp tới gần, bước chân nặng nề không tự nhiên. Mùi thơm dìu dịu của nước hoa phả vào mũi anh từ bộ ngực trắng ngần căng tròn. Hoan run run cố ấn tờ giấy bạc vào dưới lần áo nhưng nó cứ choài ra. Anh phải dùng hai tay, một tay ấn cái khối tròn mảy, tay kia kéo căng nẹp áo mới nhét được tờ bạc vào. Cô ca sỹ mỉm cười thật tươi, rất tự nhiên :

- Cảm ơn anh hai.

Về chỗ ngồi, mấy ngón tay Hoan vẫn còn cảm giác là lạ. Tiếng vỗ tay tán thưởng lốp bốp. Quì rút bông hoa đồng tiền trên bàn và rót cốc bia đầy sủi bọt, hoa anh đưa cô ca sỹ, bia đưa anh nhạc công. Cả bọn lại vỗ tay tán thưởng. Hai con người khốn khổ lại cúi gập người chào trước khi sang phòng khác.

Nhìn Hoan lúng túng vẻ ngồ ngộ, tư Đen vỗ vai anh cười :

- Anh hai vào đây rồi còn phải đi thực nghiệm “Nhất dạ đế Vương” một lần cho biết mùi, cuộc vui đã lắm !

Cả bọn cười rộ lên, Hoan ngơ ngác không hiểu Quì giải thích cho bạn !

- Ông bỏ ra hai chỉ vàng là được làm vua một đêm. Có quan, có tướng, có quân hầu, có cung nữ và ái phi, ông muốn gì cũng được trừ hạ lệnh chém người đốt nhà và nếu muốn công đoạn thứ ba với nàng nào người ta cũng chiều.

Hoan lắc đầu cười, Di sản tồi tệ Mỹ để lại ? Ăn chơi quái đản hết chỗ nói.

Họ lại uống, lại ăn, gọi thêm khăn lạnh chườm cho đỡ say. Vãn chuyện Quì gọi tính tiền anh bồi bàn nói.

- Thưa anh Hai, ông đây đã thanh toán rồi.

- Sao ông không để tôi trả tiền ?

- Thì ai mà chả thế. Đôi môi mỏng của Nhụy khẽ nhếch lên cười. Đàn em đâu dám để anh hai thanh toán. Ngày mai em xin được gặp anh hai tại Cảng.

Quì còn chưa biết tàu cặp cảng số mấy, nhưng anh biết chắc hắn sẽ tìm được anh.

Khi ra về, lại những tờ hai đô vung ra : nhà bếp, bảo vệ, hầu bàn mỗi người một tờ.

Quì giải thích :

- Công nhân viên ở đây lương rẻ mạt, họ sống được là nhờ các khoản tiền “bo” này. Quán nào ít hoặc không có tiền “bo” là họ bỏ việc.

Ngồi trên taxi trở về Hoan vui vẻ khen :

- Anh em họ hào phóng nhỉ.

- Họ trả tiền bữa nhậu là có ý riêng đấy. Họ muốn kều mình bán thêm năm, bảy chục tấn xi măng. Không nhìn thấy lợi nhuận, họ không hào phóng mà ngược lại.

Xi măng đắt và hiếm, họ quỵ lụy xin xỏ không phải vì cơ quan, mà vì những công trình họ thầu riêng. Số xi măng trôi nổi mua của Quì chỉ phần nhỏ được đưa về cơ quan để gọi là có. Hoan nói với Quì :

- Ông nên cẩn thận kẻo công quyền họ sờ tới thì phiền.

- Xi măng do mình tiết kiệm theo hợp đồng thoả thuận, cùng lắm phải chịu thuế thôi. Người mua sợ giành giật mất mối hàng, họ kín như bưng ấy sợ gì. Mấy tay này trước sau họ sẽ tới chỗ ông để làm thân. Ông cứ lịch sự tiếp đãi, biết đâu chả tìm ra một mối làm ăn mới.

- Sáng mai gặp họ, ông lấy hộ khẩu ở đâu để mua nhà ?

- Có tiền là có. Hàng vạn hàng chục vạn người ngụ cư không hộ khẩu, họ lo thế nào được nhà. Tôi đã chuẩn bị hộ khẩu rồi !

- Mình nghĩ sau này người ta phải có cách quản lý được người ngụ cư, hộ khẩu mà khó khăn có nhiều người không đăng ký hộ khẩu, bọn tội phạm dễ trà trộn trong dân ngụ cư.

Hoan nói với Quì vẻ lo ngại, nhưng anh lại lẩm bẩm : có lẽ mình cũng nên kiếm một quyển hộ khẩu, khi cần dùng đỡ bị sách nhiễu.

Hoan nhìn ra hai bên đường phố sáng rực ánh đèn màu quảng cáo. Cả Sàigòn hình như lúc này người ta mới đổ ra đường : đi ăn, đi chơi. Các quán bán hàng ăn trên vỉa hè, khách nhậu ngồi chen vai nhau, mặc xe cộ ầm ầm tung bụi xả khói. Dòng xe máy nối đuôi nhau hàng ba, hàng bốn nườm nượp trên đường.

XUÂN HỒNG

Các Bài viết khác