NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHIỀU DÀI ẢO VỌNG (Kỳ 2)

( 25-07-2020 - 10:39 PM ) - Lượt xem: 505

Vừa khóc, Thu Thủy vừa quằn quại lăn lộn trên cái ghế dài, tóc xổ rũ rượi, thiểu não. Họ khóc lóc, than thở đến khi ông Lâm thể hiện lòng gương mẫu cuối cùng trong nước mắt, bê cái tivi ra mạn tàu lăn xuống biển thì mọi người hiểu mình phải làm gì!

   Những ngày chờ chính thức nhận tàu, thủy thủ đoàn đã lên tàu làm quen với máy móc thiết bị mới. Người Nhật nhiệt tình hướng dẫn cách cài đặt chế độ lái tự động theo tọa độ định sẵn, hướng dẫn sử dụng các kho lạnh bình chữa cháy CO2, máy bơm nước chạy dàu chạy điện, máy phát điện dự phòng có thể tự phát điện khi máy lớn hỏng, đơn giản như các loại búa chặt cáp, máy phun cát, tời điện tời tay. Ngày cuối cùng học sử dụng phao cứu sinh, thuyền cứu sinh. Điều gì thắc mắc chưa rõ được giảng giải tường tận. Họ thay nhau giảng lý thuyết và cho thực hành ngay trên các máy của tàu liền hai tuần. Sau đó là chờ đợi lệnh nhổ neo, tha hồ lên phố mua sắm nhặt nhạnh hàng hóa.

   Lịch sự và mến khách bên bán tàu tặng chính ủy và thuyền trưởng mỗi người một ngàn đô, mỗi thành viên đoàn năm trăm đô, tự mua quà đem về nước theo sở thích. Dưới tàu dự trữ nước ngọt và thực phẩm đủ dùng hai tháng cho toàn tàu. Cà phê, kẹo bánh, đường sữa, lương khô chất đầy các ngăn tủ hai bên vách khoang bếp.

   Cô Thu Thủy đầu bếp của tàu nét mặt hơn hớn trầm trồ khen :

─ Họ chu đáo thật! Từ con dao, cái thớt, cái rổ, cái rá kim loại không rỉ, đến nồi xoang chảo cái gì cũng hai bộ còn sáng loáng. Nồi cơm điện, nồi áp suất, bình nước nóng chả thiếu thứ gì.

   Khổ cho cậu phiên dịch Nam và ông đầu bếp Nhật  hướng dẫn thật kỹ năm lần bảy lượt cách sử dụng bếp gas, bếp điện an toàn và làm thử vài món ăn Nhật cho cả tàu thưởng thức.

   Một cái lễ tươm tất trước giờ ra khơi có đủ vàng hương nải quả gà rượu. Lượng như ông trưởng họ đứng chấp tay khấn vái, cô Thu Thủy nghiêm trang đứng bên. Thủ tục lễ thủy thần tàu  nào cũng làm. Lượng cho kéo cờ đỏ sao vàng lên nóc ca bin. Kéo ba hồi còi dài từ biệt cảng, thủy thủ đoàn xếp hàng trên boong chào bến, tất cả đều thõa mãn hớn hở nhìn trở lại xứ Anh Đào.

   Từ Hồng Kông, các thủy thủ thợ máy Việt Nam tự mình điều khiển tàu về nước. Thủy thủ Nhật đứng trên tàu hoa tiêu vẫy tay tiễn biệt và nhìn theo con tàu trắng đang rẽ sóng đi về phương Nam.

   Không lái phụ Lượng phải dạy cho một thủy thủ nhìn la bàn và bàn lái khi anh nghỉ.

Tàu Hoa Phong Lan ngon trớn vượt qua eo biển giữa bán đảo Lôi Châu, đi vào vịnh Bắc Bộ bỗng khựng lại rồi chết máy. Đèn tàu tắt ngấm toàn bộ, nửa phút sau tổ máy phát tự động chạy, các đèn cấp cứu sáng lên. Đúng là con tàu hiện đại tự động hóa cao.

Thuyền trưởng Lượng bỏ lái chạy vội xuống hầm máy:

─  Ông Khánh có ngủ gật không đấy ?

─  Tôi và cậu phụ vẫn ở đây.

─  Cắm thêm cái đèn có dây rọi kiểm tra xem hỏng từ chỗ nào.

   Chiếc đèn chạy pin tự nạp không đủ sáng.

  Đêm giữa biển hãi hùng và hoang vắng. Trong tăm tối gió ù ù thổi qua mặt boong, sóng dập dềnh đẩy con tàu lắc lư trôi dạt không phương hướng trên mặt nước xám đen sâu thẳm.

Trong ca bin lái, kẻ đứng người ngồi. Những thuyền viên có chức danh, không có nghề ỷ lại dựa dẫm nhau, mặt nghệt ra nhìn nhau bất lực và trở nên trang trọng giống những kẻ ngớ ngẩn. Người ta thường nói quá khả năng của mình mong được chấp nhận xếp vào chỗ mình mong muốn, ít ai hình dung ra khó khăn này. Trừ thuyền trưởng Lượng tất cả chưa ai có một lần đi biển. Tàu họ lâm nạn ai cũng lúng túng không biết phải làm gì.

   Ở dưới hầm tàu thuyền trưởng Lượng và thợ máy Khánh hì hục tháo bu gi lau chùi, xả e, dò theo mạch điện bộ ắc qui, việc mà các lái xe vẫn làm cố tìm ra cách hồi sinh cho con tàu. Nhưng khả năng họ có hạn, mà con tàu lại hiện đại, cái gì cũng tự động. Chẳng ai đọc được bản vẽ, hơn nữa toàn chữ Nhật, chữ Anh, hàng tập sơ đồ dở ra có ích gì khi tay nghề quá yếu.

   Ông Lâm nhìn các thuyền viên say sóng mặt tái nhợt phờ phạc nằm ngồi dúm dó dựa vào nhau trên ghế tựa dài, sơn trắng, ngán ngẩm cho chức chính ủy của mình. Đầu ông hai thứ tóc còn tham, ông cố nằn nèo với tổng giám đốc công ty Rau quả và hải sản xin bằng được xuất đi nhận tàu. Nguyện vọng trước khi về hưu của ông rất chính đáng. Tổng giám đốc không nỡ từ chối. Đồng chí thư ký công đoàn làm chính ủy tàu thật hợp lý. Ai cũng biết đi nước ngoài là ân huệ của cấp trên, học tập ít, buôn hàng nhiều. Đất nước nghèo cái gì cũng thiếu. Ti vi, tủ lạnh xe máy quạt điện cũ khuân về đều có lãi, đôi khi vớ được hàng còn tốt bán được giá là đổi đời. Giống hệt chè chai lông vịt ở trong nước, ra nước ngoài họ lùng xục khắp nơi, hỏi mua hỏi xin, ráo riết cho kịp ngày tàu rời bến. Người bản xứ lắc đầu thương hại hoặc mỉm cười, tìm bằng ra một thứ gì đó để cho hoặc bán. Lũ người mua đồ hoan ca ôm vác lỉnh kỉnh các loại hàng thải loại, nhếch nhác và náo loạn trên đường phố đất bạn. Người này vừa đi người kia đã đến. Ông Lâm cũng giống họ không ngoại lệ, khá hơn là có cậu phiên dịch đi cùng.

   Giữa cái mênh mông của đêm biển, bầu trời lấp lánh ánh sao, ông Lâm bồn chồn đi đi lại lại trước khoang lái. Sự lặng lẽ thăm thẳm làm ông Lâm nhớ nhà thèm nghe tiếng khóc của thằng cháu nội, thèm nằm trong cái chăn cũ hơi khai mùi nước đái trẻ. Sóng vẫn ì ọp vỗ không mệt vào mạn tàu. Sương xuống ướt đẫm mặt boong, thấm lạnh ông thở dài nhìn trời đêm và nuối tiếc cái sức lực thời trẻ. Tuổi già ập đến quá mau như hòn sỏi lăn xuống dốc càng lúc càng nhanh.

   Thuyền trưởng Lượng và thợ máy Khánh cả hai mặt mũi lem luốc dàu máy, dáng vẻ phờ phạc vì thức đêm từ dưới hầm máy chui lên. Trần Khánh buồn bã nói:

─ Báo cáo chính ủy ; sự cố vượt quá khả năng của chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng tìm hết cách vẫn không khắc phục được.

Thuyền trưởng Lượng thở dài nói tiếp :

─ Đành phải nhờ đất liền chi viện sửa chữa thôi! Xin chính ủy cho điện về đất liền để họ đưa tàu ra kéo về…

   Trần Khánh dương đôi mắt trố lên nhìn ông Lâm và nói thêm :

─ Con tàu này hiện đại quá.

   Ông Lâm quắc mắt nhìn Khánh, như muốn quát “hiện đại cái con khỉ!” nhưng kìm lại, ông thầm nghĩ : chết máy ở đây gặp cướp biển thì  mất cả tàu lẫn người. Đưa một con tàu vượt biển mà các bố ấy coi thường qua loa như đưa một cái xe ô tô trên đất liền đi chở hàng, giao tay lái máy móc cho người không biết việc.

   Ông khẽ nói trong kẻ răng :

─ Thôi các cậu tạm nghỉ một lúc, dễ đến bốn giờ gần sáng rồi! Liệu từ giờ đến mai tàu mình có bị dạt vào một ghềnh đá hay bãi cạn nào không?

Kéo ông Lâm vào trong buồng lái, Lượng chỉ chỗ tàu dừng trên hải đồ : ta đang ở hải phận Quốc tế, trước sau không có đá ngầm, vì vậy tôi chưa thả neo. Khu vực này nhiều tàu đánh cá của ta và Trung Quốc hoạt động. Sáng mai có tàu nào đi qua ta nhờ họ giúp. Việc đánh điện về đất liền, sợ ở nhà lo lắng theo tôi nên từ từ. Nếu có tàu buôn cùng chiều ta nhờ họ lai dắt về Hải Phòng.

Ông Lâm nói với Lượng :

─ Dù sao cũng cần cảnh giác. Đồng chí cử một người gác mũi một người gác lái hai người đi tuần dọc hai mạn. Thỉnh thoảng rọi đèn pha tránh tàu khác va chạm. Còn mọi việc sáng sẽ tính.

   Thủy thủ đoàn nhìn nhau lo âu trước bất lực của máy trưởng. Cô Thu Thủy tóc rối bời như vừa xung trận với tình địch. Cái vẻ “cố trẻ và duyên dáng” hàng ngày biến mất trên khuôn mặt tái và hốc hác. Người, khi ở trên bờ có chức vụ cao thứ hai, chỗ dựa tinh thần đã mệt mỏi! Thu Thủy lặng lẽ lấy một nắm hương đốt, khói mù mịt khoang lái như trong điện thờ. Mùi ngan ngát hương bấc bay tản khắp tàu. Thu Thủy ra mũi tàu hai tay dâng bó hương lên trán vái và lâm râm khấn :

─ Con lạy chín phương trời lạy mười phương Phật lạy Long Vương thần biển hãy phù hộ độ trì cho những sinh linh nhỏ bé con cái của Người. Xin hãy phù hộ độ trì cho chúng con tai qua nạn khỏi tránh được kiếp nạn này.

   Vừa khấn Thu Thủy vừa xít xoa. Bó hương trên tay đỏ rực muốn bật thành ngọn lửa. Khấn vái một lúc lâu, cô cắm mỗi chỗ một nén hương dọc suốt hai mạn tàu. Vừa cắm hương vừa khấn vái kêu cầu, giọng xít xoa lúc to lúc nhỏ, đám hương đỏ lập lòe như đom đóm trên mặt biển. Mỗi lần gió thổi lửa lại muốn bùng lên.

   Lượng nói với một thủy thủ :

─ Cậu đi theo chị ấy và kiểm tra hỏa hoạn. Nếu có phải báo động và lấy máy bơm dập tắt ngay.

   Nghi thức lễ bái chỉ dừng lại khi những nén nhang cháy hết. Biển trở lại yên lặng mênh mông, sóng miên man vỗ nhẹ bên mạn tàu.

   Mọi người dựa vào nhau ngủ gà ngủ gật quên cả ngắm bình minh đỏ rực một mảng trời phương đông. Con tàu rập rình lên xuống trong nhịp thở của biển. Một hồi còi u u ….nhỏ và dài mơ hồ lan trên đại dương vọng tới. Họ choàng tỉnh ngơ ngác nhìn nhau như vừa qua mộng mị. Tai dỏng lên lắng nghe nghi ngờ mình mơ ngủ. Một hồi còi nữa vọng tới. Hết cả ngái ngủ và mệt mỏi, họ xô ra boong tàu nhìn về hướng có tiếng còi tàu. Một con tàu nhô mũi lên xuống như thật như ảo trên biển xanh.

 

 

 

   Công việc của Hoan không vất vả nhưng bận rộn suốt ngày. Đúng 8 giờ sang gặp Hương Lan lấy công văn vào sổ đi phát cho các phòng trong vụ. Sau đó, ngồi mổ cò trên cái máy vi tính màu sữa mới được trang bị, đánh máy các giấy tờ gửi đi. Đôi lúc ngồi duyệt vật tư sửa chữa của một nhà máy nào đó..

   Gần một năm Hoan lên Hà Nội, ông kỹ sư bị bỏ quên chỉ làm cái việc thảo công văn quyết định buồn tẻ và đơn điệu. Những định luật qui tắc cao siêu học được ở trường đành xếp xó. Trước anh hồ hởi háo hức bao nhiêu, giờ lại chán nản bấy nhiêu bởi cái cảm giác cô đơn luôn tê tái trong lòng. Anh ngồi ngây ra nghĩ ngợi, thầm tiếc mấy năm đi học, đêm đêm chong đèn dầu hỏa ở giữa rừng giải hết quyển giải tích 300 trang của Béc – Man thật uổng phí. Phá ngang học trung cấp như Được lại thực dụng.

   Hương Lan đi qua hỏi đùa :

─ Anh Hoan mất cái gì à? Chị cười thật duyên. Có cần Hương Lan đánh máy giúp một ít văn bản không?

   Hoan trở lại trạng thái bình thường, anh cười đáp :

─ Chị định cướp đi cái quyền học tập của tôi à? Xin cảm ơn! Nếu khó đánh vi tính tôi sẽ nhờ chị giúp đỡ.

   Nói xong Hoan lại cúi xuống tiếp tục gõ vào từng chữ trên bàn phím. Anh đang cố gắng hòa nhập với mọi người trong công việc thường ngày nhưng sao nó cứ roãng ra và rời rạc.

   Con người đầy chất tỉnh lẻ nói năng bộc trực, đôi khi lỡ mồm dùng ngôn từ thợ thuyền, trái với cách nói nhỏ nhẹ mềm mỏng quyền quý ở đây, anh thấy xa lạ với lớp người cùng công tác. Hoan hiểu mình đang gián tiếp bị vô hiệu hóa chức nghiệp và bị cô lập, không lọt vào được nhóm hay ban nào. Chẳng lẽ lại quỵ lụy cầu cạnh xin xỏ, điều ấy anh không làm được. Một kỹ sư giỏi toán lý đầy mình đã kinh qua thực tế nhiều năm phải làm công việc của một phụ nữ bình thường vừa nhẹ nhàng vừa không cần có nhiều học vấn. Anh đang bị đầy ải dịu dàng. Cái sự lửng lơ không rõ ràng làm Hoan buồn muốn hất tung đi. Ông Vĩnh cũng chẳng giúp được gì khi họ khéo léo từ chối nhận anh vào nhóm. Họ còn xì xào nghi anh được công an cài vào, không thế lực, vai vế sao lọt vào đây?

   Họ vẫn chào hỏi, bắt tay lịch sự và nhã nhặn nhưng sau cặp kính là sự lơ đãng hời hợt làm cho có lệ như thường thấy của giới trí thức. Anh hoang mang, dường như đã phạm vào tội bất kính với đấng tối cao nào đó và đang bị trừng phạt cô đơn giữa đồng loại. Người ta buồn thường hay xa vào rượu bia, bạn với anh lúc này là ấm trà đặc. Anh học tiếng Anh hết mình trong từng cơn mất ngủ càng nghĩ ngợi thân thể gày rạc như người đang ốm. Máy vi tính và tiếng Anh cũng không làm anh quên mình sống bị bỏ rơi giữa phố phường đông đúc.

   Trong cơ quan, Hoan chỉ quen ông Vĩnh thứ trưởng, giám đốc xí nghiệp cũ, một người mặt đen xạm và khắc khổ luôn lo âu chuyện công việc biết những trăn trở của anh. Ông vĩnh gọi Hoan lên phòng. Thứ trưởng Vĩnh đưa anh tập công văn.

─ Cậu đánh máy lại rồi gửi đi. Tôi có chữa đôi chút đừng tự ái. Về kỹ thuật cậu khá, việc giấy tờ văn phòng cậu phải rút kinh nghiệm nhiều. Văn phong của cậu đầy chất địa phương, dài dòng sợ người ta không hiểu. Cơ quan bộ gửi cho các đơn vị trực thuộc phải toát lên cái ý mệnh lệnh, lời văn rõ ràng, khúc triết, lý lẽ chặt chẽ và càng ngắn càng tốt. Văn bản là để ai đọc cũng hiểu, không lòng vòng.

Da mặt bì bì hơi nhíu lại ông Vĩnh nghĩ Hoan có thể là nhân tố kế cận đầy triển vọng. Phải cho tiếp xúc dần với các đơn vị trực thuộc bộ. Ông nói :

─ Mai cậu đi Hà Bắc một chuyến cho thay đổi không khí! Đây là danh sách một số mặt hàng phải biết có còn dùng được hay không. Cậu phải sờ thẳng từng thùng hàng xem tốt xấu, nhãn mác, chủng loại và các thông số kỹ thuật bao nhiêu cái tốt bao nhiêu cái có thể sửa lại…Toàn mặt hàng chiến lược cả đấy! Gặp cậu Đăng bảo hành chính họ lo giấy tờ cho. Bất chợt nhìn vẻ thất sắc của Hoan ông Vĩnh hỏi :

─ Cậu sao thế, đang ốm à? Có cần đi bệnh viện không?

─ Dạ không sao! Em chỉ hơi mệt tý chút thôi.

─ Cố giữ gìn sức khoẻ, lúc này ốm không tốt chút nào. Xa nhà, ốm vật ra anh em họ giúp cũng không bằng vợ con săn sóc. Ăn uống hợp lý, ngủ đủ đúng giờ là bài thuốc tốt nhất bảo vệ sức khoẻ.

   Ông ân cần nắm bàn tay Hoan :

    ─ Đã chuyển nhà đến gần cơ quan chưa?

    ─ Dạ! Em đã tìm những ở gần đây giá thuê đắt lắm, không kham nổi nên vẫn ở xa.

    ─ Sao không hỏi cô Hương Lan thuê một phòng. Em gái cô ấy vừa theo chồng sang Đức, chắc còn phòng trống. Nhà Hương Lan có đến ba bốn phòng cho sinh viên trọ.

    ─ Dạ để em thử hỏi chị Hương Lan nhưng ở đấy có ồn ào không? Em sợ ồn ào lắm.

    ─ Đến tận nơi khắc rõ..

 

 

 

 

 

 

Năm giờ sáng cậu lái xe đã đón Hoan ngoài đường Minh Khai đầu khúc rẽ vào Tương Mai.

    ─  Ta đi sớm tránh tắc cầu anh ạ.

   Cậu lái xe giải thích khi xe lên dốc cầu. Tên  em là Lợi, anh cứ gọi tên cho thân mật.

   Xe vượt qua sông Đuống, số xe đạp, xe máy và người đi ngược mới thưa dần. Hoan thở phào nhẹ nhõm, bước đầu thuận lợi thông thoát. Lúc này cậu lái xe tóc cắt đuổi nhau có hai cái răng nanh nhỏ mỉm cười tán chuyện

    ─  Nghe nói anh là người quen của xếp.

   Lại một cuộc khảo sát lý lịch đây. Hoan hỏi:

    ─  Ai bảo cậu thế ?

    ─  Có việc gì mà cánh lái xe chúng em không tọc mạch, ngồi rỗi chờ đón các xếp, đánh bạc thì bị cấm, chỉ còn cách tán gẫu mọi chuyện trên trời dưới đất thôi.

    ─  Các cậu sướng thật! Chỉ cần sáu tháng - một năm học ra là cầm lái, tha hồ hốt bạc.

    ─  Đấy là cánh lái xe tải, xe khách kia, chứ bọn xe con chúng em chở xếp đâu có dám “vớt” khách dọc đường. Ngoài lương trách nhiệm hàng tháng có xoay xở mấy cũng chẳng ra tiền! Xếp được biếu quà may ra lái xe cũng được tặng chút đỉnh, ăn nhằm gì ! Đi với các anh còn vớt khách có chút mà uống bia.Đi với xếp lớn thì không dám.

    ─  Dù sao cũng dễ thở hơn cánh tớ!

    ─  Anh nói thật hay giả vờ không biết ? Em đề nghị anh diễn giải xem sự chi tiêu của các xếp hiện nay liệu lương có đủ không? Khoản chi vượt lương lấy ở đâu không ai giải thích, không ai tra cứu trừ các vị làm quá lộ liễu mới bị phanh phui mổ xẻ, còn nho nhỏ sức đâu mà kiểm tra. Mà thôi bàn chuyện người làm gì, có khi lại bị đuổi việc vô cớ vì câu chuyện vớ vẩn.

   Tăng ga cho xe vọt lên, Lợi cười khơ khớ rồi đột nhiên quay sang hỏi Hoan:

    ─  Hôm nay anh định mua bao nhiêu rượu để em còn đặt? Loại rượu đặc biệt Hà Bắc nồng độ cao, uống vào cứ gọi là cháy họng.

    ─  Tôi mua rượu làm gì ? Hoan hỏi lại:

    ─  Ô kìa, để biếu các xếp như người ta vẫn làm. Hay là anh có món độc đáo khác để thay thế?

    ─   Làm gì có! À mà phải biếu ai ?

    ─  Lại còn thế! Biếu ai là do quan hệ của anh với các xếp. Chuyến nào đi Hà Bắc em chẳng chở rượu về. Có lần hàng tạ giống như buôn lậu, mèng mèng cũng năm chục lít.

    ─  Đi công tác là phải có rượu ? Không biếu có được không?

   Lợi nghĩ, tay này chẳng phải công an, công iếc gì hết! Nếu là công an hắn đã nắm lấy cơ hội hiếm có này để tiếp cận các vị.

    ─  Em cũng chẳng biết nữa nhưng hiện nay các vị đua nhau ngâm rượu thuốc uống  cho bổ âm, bổ dương để được vui vẻ. Rượu nếp quê được chuộng, ở Hà Nội nhiều rượu rởm nên đi công tác thường mang rượu quê làm quà. Lệ thường như vậy, chỉ có anh thắc mắc. Lộc bất tận hưởng mà.

   Cậu lái xe lại cười khơ khớ. Cái lệ thường đến là kỳ quái. Hoan yên lặng suy nghĩ. Dùng tiền tài thu nhân tâm, bài học muôn thuở anh biết, nhưng phải biếu cách nào cho êm thấm anh chịu. Xách  can rượu đưa biếu tại phòng xếp nó thô thiển, khó chấp nhận. Đạp xe mang rượu đến nhà, nhỡ bị từ chối thì quê quá, vứt đi cũng dở, mang về dở hơn. Anh thở dài tặc lưỡi, đút lót cũng là một nghệ thuật, đâu phải ai cũng làm được. Mình không rành thật khó !

   Qua sân bay Kép khoảng hai ba cây số, tới một căn nhà nhỏ núp dưới một vườn cây rậm, Lợi cho dừng xe và bóp còi xe nhịp đôi hai tiếng một. Chủ  nhà có bộ râu quai nón đen, mắt xếch như thổ phỉ ngó ra. Lợi dơ nắm tay một ngón cái chỉ lên trời, quay cho chúc xuống đất, xòe cả bàn tay ngoáy ngoáy  hai vòng sau đó dơ năm ngón tay lên dứ dứ. Ông chủ nhà gật đầu.

   Xe chạy tiếp hoan hỏi:

    ─  Cậu vừa làm động tác gì thế ?

    ─  Đặt năm chục lít rượu cho anh em mình.

    ─  Tiền mua rượu tôi không ngại, mà ngại đem biếu.

   Lợi lại cười khơ khớ, tinh quái.

    ─  Anh chẳng phải đem rượu đi đâu hết. Giao cho cánh lái xe một lít công mười lít là xong tuốt tuột. Khi xuống xe hắn cầm rượu đi theo, xếp hỏi “cầm gì” hắn cười và khẻ nói: “của ông A hay ông B biếu”. Quà biếu lớn nguy hiểm mới bị chối từ, mấy lít rượu vặt sợ cái quái gì. Xếp uống, xếp ngâm rượu hoặc lại đem biếu, chẳng ai chối từ bao giờ.

   Biếu xén có ba vạn chín ngàn đường len lỏi,  cứ tưởng phải chai mặt, lựa lời mới đưa ra được, thiếu thực tế như Hoan giờ mới biết, “một lít cõng mười lít”.

Chiếc com măng ca chạy vòng vèo và nhảy chồm chồm qua các ổ gà. Trên sườn đồi sương đang tan  lảng vảng luồn trong các tàng cây. Xe xông hẳn vào sân nhà ban quản lý kho. Căn lán dài năm gian lợp nứa núp dưới vòm cây, được quét sơn xanh ngụy trang, không để ý khó thấy.

   Lợi xuống xe oang oang chào hỏi mọi người.

   Một người chừng năm chục tuổi, cao lớn, vạm vỡ, mặc quần áo bộ đội từ trong nhà đi ra, đó là ông Nghệ trưởng ban quản lý kho. Hoan trình giấy giới thiệu xem hàng của vụ vật tư cấp. Giống học trò cấp một, ông đọc chậm chạp từng dòng, trán nhíu lại. Hoan giật mình, lo lắng giấy giới thiệu không đủ hiệu lực để làm việc? Anh biết đâu ông Nghệ đang dò tìm những câu chữ mật hiệu trong giấy giới thiệu để có mức độ đối xử với anh. Khi nhìn thấy chữ tạo mọi điều kiện có gạch phía dưới nghĩa là cứ cho xem kho bình thường. Mặt ông Nghệ rãn ra. Ông chìa tay mời anh vào nhà  thân thiện như đã quen từ lâu. Sau khi khách ngồi uống nước, ông Nghệ ra ngoài thềm gọi:

    ─  Cậu Lợi… Cậu Lợi !

    ─  Có ! Lợi nhanh nhảu trả lời.

    ─  Đi chơi một chuyến nhé !

   Ông khoát tay, hai bảo vệ đeo súng chờ sẵn nhảy lên băng sau xe. Lợi vội lái xe chạy tuốt vào phía rặng núi xanh.

   Vừa cau mặt đấy, ông Nghệ lại tươi cười ngay. Hoan ngơ ngác không hiểu họ đang diễn cái gì? Anh tròn mắt nhìn theo xe tung bụi và mờ dần cuối con đường đất đỏ.

    ─  Họ đi kiếm mấy con gà rừng trưa ăn cơm. Ở đây nhiều gà rừng lắm! Tôi dẫn đồng chí đi xem hàng luôn, xong sớm việc các đồng chí xuôi sớm, đi tạm đôi ủng này vào, phòng có rắn.

   Lấy con dao quắm đeo bên hông, ông Nghệ cầm tập giấy trên bàn nhét vào túi “dết” quàng qua vai và dẫn Hoan đi dọc bìa rừng.

   Máy móc để hai bên đường, dưới những lùm cây nhỏ, có chỗ cỏ mọc cao hơn hòm hàng. Nhiều hòm mối xông vỡ toác, ni lông bọc cũng rách lộ cả máy móc bên trong. Sắt thép đã có triệu chứng hoen rỉ. Tiếc của, Hoan nói với ông Nghệ:

    ─  Tình trạng thế này, sao các đồng chí không đưa hàng về kho để bảo quản ?

    ─  Chúng tôi đang làm. Người ít quá! Xin thêm cơ giới hổ trợ bộ chưa điều cho. Thời chiến mà! Đến máy bay mà người ta còn dấu ở bìa rừng huống hồ gì máy móc của ta. Tí nữa đồng chí sẽ thấy: máy bay, xe lội nước, khí tài quân sự để lẫn với hàng của ta.

   Đi xem hàng cũng vất vả, phải cắt rừng lội suối, đến từng lô từng bãi theo sơ đồ. Tới mỗi khu vực, ông Nghệ chỉ đúng chủng loại các máy anh cần phải xem và yên lặng chờ đợi anh ghi chép vào sổ, đánh dấu những máy móc còn sử dụng được. Hai người leo lên tụt xuống vạch cỏ gạt lá đến trưa mới vòng về tới nhà ban quản lý kho.

   Vừa mệt vừa khát, hai người vào tới sân đã nghe thấy Lợi reo.

    ─  A ! Hai thủ trưởng về đây rồi. Em định mang xe đi tìm.

    ─  Tìm cách nào ở trong rừng ?

    ─  Em cứ còi xe như gọi mua rượu là các thủ trưởng biết.

   Rửa mặt ở giếng ngay đầu hồi nhà, nước trong vắt và mát lạnh làm Hoan tỉnh cả người.

   Trong nhà bàn ăn đã dọn ra có thịt nai bóp tái chanh, gan nai sào cần tỏi tây, lưỡi nai luộc chấm mắm gừng. Bữa ăn, mọi người cười nói rôm rả. Giữa bữa ăn, Hoan hỏi đùa ông Nghệ:

    ─  Các đồng chí ở đây sống như vua thế này, tôi xin chuyển lên đây ở bác Nghệ có nhận không?

    ─  Của rừng, ăn được ngày nào biết ngày ấy. Mai kia kho dọn về Hà Nội, ra công viên săn mới có thịt nai. Vả lại, có muốn ở lại mãi cũng không được, còn nhà cửa, vợ con nữa chứ.

    ─  Cảnh đẹp, không khí trong lành. Bác gái không lên đây ở thật tiếc.

    ─  Hồi còn bắn phá, bà ấy có lên sơ tán ít lâu. Hòa bình phải đem các cháu về đi học.

   Lợi chen vào:

    ─  Về Hà Nội bỏ lại cái cơ ngơi này uổng quá !

    ─  Có mấy cậu lấy vợ người ở đây tình nguyện ở lại. Họ đã xin đất địa phương phát rừng, trồng cây ăn quả lâu năm, đào ao thả cá. Họ ở lại là cái chắc.

   Mọi người tiếp tục uống rượu và ăn cơm. Tàn bữa, ông Nghệ kéo Lợi xuống bếp, hai người thì thầm với nhau một lúc, Lợi lên uống nước trà và hỏi Hoan:

    ─  Công việc của anh Hoan xong chưa? Ta phải về tới Hà Nội sớm trước ba giờ rưỡi chiều đấy!

   ─   Đủ trình bày với xếp.

   ─  Thế thì ta về luôn nhé !

   Không đợi Hoan trả lời, Lợi chạy ra đầu nhà nói gì với ông Nghệ. Một lúc sau có hai người khiêng hai cái bao nặng  chất lên xe.

   Ông Nghệ vào trả giấy công tác đóng dấu cho Hoan, nhẹ nhàng nói:

    ─  Của rừng, may săn được ít thịt. Xin gửi biếu đồng chí Hoan và các đồng chí ở bộ. Mong đồng chí thu nhận và chuyển giúp.

    ─  Ấy chết ! Các đồng chí đã cho ăn ngon lại thưởng hậu hỉ thế này. Tôi không dám đâu !

    ─  Của rừng, không phải mua vả lại cũng có phần công sức của cậu Lợi nữa! Không việc gì đồng chí Hoan phải ngại.

   Chối từ hàng cũng lên xe rồi. Lợi mở máy xe và dục:

    ─  Đi thôi, anh Hoan ơi!

   Hoan bắt tay ông Nghệ và các anh em ở kho, cảm ơn họ đã cho quà, rồi mới lên xe. Lãnh đạo cấp huyện về xã, khi đi được biếu quà sau xe treo lồng gà, sàn xe mấy bao sắn hay gạo, địa phương có gì biếu nấy quà quê là tốt rồi làm gì có tiền bạc. Anh mỉm cười mình cũng giống mấy quan cấp huyện.

Ra khỏi vùng kho, Lợi mới kể lúc sáng anh đánh xe đi cách kho gần hai chục cây để săn. Gặp may, họ bắn được một con nai to. Mọi khi chỉ được lợn rừng, gà rừng, thỉnh thoảng mới săn được nai.

   Hoan tranh trả toàn bộ tiền rượu. Họ về đến chợ Bắc Qua mới ba giờ chiều. Lợi dừng xe, mua mười cái làn nhựa và chục cái can nhỏ một lít, ba lít và năm lít. Lợi mua cả một sọt cần tây, tỏi tây, chanh, ớt, cà chua như một người nội trợ.

    Xe về đến văn phòng bộ, không dừng ở bãi đỗ mà lùi thẳng vào phía sau chỗ ở đoàn xe. Lợi thì thầm với mấy cậu lái xe, họ khiêng thốc hai bao tải và cái sọt rau vào nhà.

   Hoan nói với Lợi:

    ─  Tớ chỉ cần biếu ông Vĩnh, còn lại tùy cậu phân phối.

   Hoan định đi, Lợi gọi giật lại:

    ─  Khoan đã, anh chờ em ở đây một tý.

   Mười phút sau, Lợi cầm cái làn có đậy giấy báo che kín đáo, đưa Hoan và nói:

    ─  Cái này anh đưa anh Đăng. Anh Đăng tính hay soi mói, cần giữ quan hệ tốt để đỡ gặp rắc rối.

   Có món thịt rừng hiếm hoi trong lúc giá cả leo thang vù vù. Vì vậy, khi thì tại hành lang, khi tại sảnh nghỉ cầu thang, mấy cán bộ được biếu quà nói nhỏ mấy lới cảm ơn Hoan. Anh chỉ mỉm cười và hứa có dịp sẽ đến chơi thăm nhà.

Hoan thầm cảm ơn cậu Lợi ranh ma đã giúp anh hé mở cánh cửa nhà các xếp. Kinh nghiệm làm thân chan hòa đồng đều không là lính của ai, Đăng tránh được sự trù ngầm khi xếp không ưa nhau. Hoan cho rằng, đứng giữa, không được gì,  cũng chẳng mất gì chưa phải là cách tốt nhất. Hoan âm thầm tìm hiểu hoàn cảnh sinh hoạt riêng của từng xếp. Phải biết các bà chị cần gì, các cháu thiếu gì rồi hãy đến nhà. Hiệu quả làm thân với xếp từ bếp mạnh hơn ngoài hội trường.

 

 

 

 

 

   Thân hình Hương Lan nhỏ nhắn và trẻ trung trong bộ váy đầm lưng bó vải màu xanh nhạt thêu mấy bông cúc tím thả lõng thõng xuống ngực. Chị đang đợi Hoan đến. Sống trong bình lặng và đơn điệu lâu làm chị quên cái cảm giác thấp thỏm chờ đợi thời trẻ trung. Chị mở nhạc nho nhỏ và mĩm cười một mình nhìn xuống đường.

   Tay xách va ly giả da màu đen, tay ôm bó hoa bướm tím lẫn mấy bông lay ơn trắng. Hoan đứng ngoài cổng.

    ─  Cửa mở đấy. Mời anh vào.

   Anh chàng không đến nỗi đần. Trước đó chị tưởng tượng Hoan có  cái va ly gỗ thông  mỏng bôi phẩm đỏ như các cô công nhân thỉnh thoảng đi ngang dưới phố ra ga xe lửa. Cái va ly gỗ đỏ vừa buồn cười, vừa thương thương cho cái nghèo đến xót xa của đất nước.

   Ca_vat màu huyết dụ, áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ vạt trong quần ka ki xẫm. Nếu không có cái mũ phớt màu xám trên đầu, Hoan sẽ giống một tay lái xe taxi. Trong vẻ hào nhoáng vay mượn, Hoan trở nên ngượng ngập lúng túng trước người đàn bà có khuôn mặt thanh tú đang nhìn anh bằng cặp mắt sáng ướt.

    ─  Được sự đồng ý của chị. Hôm nay tôi đến nhận phòng, có làm phiền gì không ạ ?

   Đỡ bó hoa Hoan đưa, Hương Lan nói với giọng vui vẻ:

    ─  Hoan lại khách sáo rồi. Hôm nay là chủ nhật rỗi rãi mà !

   Hoan ít hơn Hương Lan gần chục tuổi. Những lúc giao dịch ở văn phòng bộ,  trước mọi người Hương Lan gọi Hoan là đồng chí Hoan, vừa lịch sự vừa xa cách, lúc còn có hai người Hương Lan gọi Hoan trống không cho thân mật.

   Căn biệt thự ba tầng, hai mặt phố của ông ngoại Hương Lan, một quan chức của chính quyền Bảo Đại, nhưng là cơ sở ngầm của Việt Minh. Chỉ chắc chắn giữ được căn nhà khi mà ngôi sao vàng năm cánh trên mũ lưới anh bộ đội mặt đen cao lớn và cô  con gái ông chủ mặc quân phục quân y xuất hiện trong căn nhà. Và mọi chuyện soi mói nhòm nhỏ căn nhà mới chấm dứt.

Khoảng sân rộng trồng hoa và đỗ xe ngày trước, từ ngày giải phóng miền Nam Hương Lan cho hàng phở thuê hợp đồng sáu tháng, với điều kiện chỉ cho dựng nhà tạm, lợp tôn, vách thưng gỗ. Hàng phỡ đông người, tiếng dao thớt bằm thịt, tiếng đập đá lạnh chan chát, ồn ào cho tới khuya. Hương Lan thường đi về lối cổng sau. Bố mẹ Hương Lan về hưu vào sống với anh con út dạy học ở Nha Trang. Em trai kế Hương Lan làm thủy thủ tàu Viễn Dương. Em dưới nữa mới theo chồng sang Đức định cư. Căn nhà chỉ ồn ào vài ngày vào dịp lễ tết, rồi sau đó lại vắng vẻ, tĩnh lặng. Mấy cô sinh viên thuê hai phòng ở trên tầng ba. Suốt ngày họ đóng cửa im ỉm học hành, họa hoằn lắm mới ló mặt ra ngoài.

   Ngồi chờ Hương Lan chiết cà phê ra hai cái tách sứ Tiệp, Hoan lật cuốn Album để trên bàn ngắm bức ảnh Hương Lan chụp ở thung lũng tình yêu Đà Lạt. Quần bó, áo bò mũ dạ bóp méo đội lệch, súng lục đeo trễ hông, Hương Lan tinh nghịch và trẻ trung trong vai cao bồi Mỹ trên lưng ngựa còm.

    ─  Hoan trông Hương Lan có nhộn không? Hồi ấy ở bên Đức mới về, chờ nhận thùng hàng gửi tàu thủy, Hương Lan đi chơi Đà Lạt.

   Giọng Hương Lan nhỏ buồn đầy luyến tiếc:

    ─  Hồi ấy Hương Lan sống thánh thiện lắm chỉ muốn làm một việc gì đó hữu ích sau chiến tranh,… nhưng sự lựa chọn và năng lực con người có hạn vả lại hoàn cảnh đôi khi không cho mình làm được điều mơ mộng.

   Mặt Hương Lan ỉu sìu như đang nhận lỗi. Hoan cười trêu lại:

    ─  Thế bây giờ bà chị sống phá phách hả ?

    ─  Không hẳn thế. Hương Lan lẻ loi trong số đông đồng loại dữ dằn và phản trác. Bên nhau mà lúc nào cũng phải cảnh giác làm Hương Lan chán ngấy. Xung quanh Hương Lan không thiếu mấy anh chàng vô tích sự đeo bám. Họ nói toàn lời xu nịnh, ngọt ngào nhưng không thật.

    ─  Chị quá bi quan rồi! Người ta gọi là chim đậu cành cong mà! Chị hãy nhìn bằng con mắt khác đi. Đời còn đẹp lắm nếu mình ham muốn ít.

   Hương Lan hỏi ngược lại vẻ bởn cợt:

    ─  Chẳng lẽ Hoan là người không ham muốn điều gì? Tiền bạc, quyền lực, tình yêu ? Để có được một trong ba thứ đó, khối kẻ dám bán linh hồn cho quỉ dữ. Hương Lan quá mệt mỏi, lý tưởng và những mơ mộng cũng mòn dần theo năm tháng.

   Hoan cười, đôi mắt sáng lên.

    ─  Hoan không tin à ? Cứ nhẹ dạ, đời sẽ cho Hoan những bài học cay đắng, lúc ấy đừng thất vọng nhụt chí.

    ─  Tin, tôi tin chứ. Hoan cướp lời, anh quả quyết. Bọn họ chỉ là số ít không đáng tin cậy. Xung quanh ta còn nhiều người tốt lắm ! Chị là một ví dụ cụ thể.

    ─  Xin cảm ơn lời ban khen. Thật mừng vì Hoan nghĩ tốt cho mọi người. Hoan có uống  uých ky không? Làm một ly nhé !

   Ly rượu ngoại cháy bỏng cổ họng lan dần xuống dạ dày. Vị chát đắng thật sảng khoái, khác xa bia  téc quê mùa anh vẫn dùng. Tách cà phê pha thêm vài giọt rượu mạnh dậy mùi thơm phức.

 

 

 

 

   Một con tàu như được vẽ phía chân trời, chậm chạp nhô dần ống khói, rồi mũi tàu cho đến khi cả thân tàu đen trũi hiện lên trên mặt nước xanh xẫm. Chưa rõ tàu của nước nào và ở xa thế họ có nhìn rõ mình không? Mọi người vẫn hy vọng, họ hét lên và lấy quần áo quơ vẫy làm hiệu như bị lạc trên hoang đảo.

   Qua ống nhòn, thuyền trưởng Lượng thấy rõ ngôi sao vàng trên nền đỏ ống khói tàu và lá cờ đỏ sau khoang lái.

    ─  Tàu của ta bác ạ!

   Lượng nói với ông Lâm khi anh bước vào buồng lái. Anh bật đèn tín hiệu xin cấp cứu, đồng thời kéo còi nhịp ba hồi một. Tàu bạn kéo còi đáp lại và cũng nháy đèn, hướng mũi thẳng về phía tàu Hoa Phong Lan

   Lũ người vừa thiểu não, rầu rĩ, chán nản, phấn chấn hẳn lên. Mừng gặp cứu tinh, mặt người nào cũng rạng rỡ hy vọng. Khuôn mặt khó dăm đăm của ông Lâm thoáng nét cười, đôi mắt lấp lánh tinh anh. Tiếng còi tàu bạn đã biến ông thành một người khác,  hoạt bát, nhanh nhẹn. Riêng Lượng vẫn tư lự: “chẳng biết họ có khả năng giúp mình không”. Anh cảm thấy sao con tàu Hải Đông chậm chạp thế, nó lướt sóng đi tới như mệt nhọc. Trên boong tàu Hải Đông lố nhố toàn thanh niên vạm vỡ mặc đồng phục trường Hàng Hải áo xanh da trời, quần tím than. Họ chỉ chỏ con tàu trắng đang dập dềnh phía trước.

   Hai tàu tới gần, thuyền trưởng tàu Hải Đông dùng loa tay gọi sang:

    ─  Tàu các anh sao thế ?

Lượng cũng dùng loa đáp lại:

    ─  Bị chết máy từ đêm qua.

    ─  Tàu mới nhận à ?

    ─  Mới nhận nên còn lạ lẫm lắm. Các anh có thợ xin cho sang sửa dùm.

   Thuyền trưởng tàu Hải Đông cười ròn vang qua ống loa:

    ─  Tàu các anh gặp may đúng đối tượng cần nhờ rồi. Tàu chúng tôi đi thực tập về đủ loại thợ. Còn có cả hoa tiêu nữa.

   Hai tàu cặp mạn. Hai thuyền trưởng vẫn dùng loa tay nói chuyện với nhau giữa tiếng dạt dào của sóng.

   Thuyền trưởng Hải Đông hạ lệnh:

    ─   Mỗi tổ cử ba người sang giúp Hoa Phong Lan. Những người còn lại muốn sang tham quan thì lần lượt từng tổ một,  tổ trưởng dẫn sang.

   Trần Khánh dẫn đoàn thực tập xuống hầm máy, trình bày quá trình vận hành, cho đến lúc máy chết. họ cùng nhau kiểm tra từng phần: dầu mỡ, điện, ắc quy và hệ thống làm mát, nạp lại từ trường cho máy phát điện chính.

   Thời gian cứ trôi dần, chờ đợi kết quả sửa chữa, ông Lâm lo lo không khéo lợn lành thành lợn què thì nguy. Nỗi thấp thởm trở thành mệt mỏi, chán nản, ông Lâm tựa vào thành ghế trong khoang lái ngủ gà ngủ gật.

   Đến mười hai giờ tàu Hoa Phong Lan bỗng rùng mình và rung nhè nhẹ đều đều. Ba lần tắt máy, mở máy chạy thử, tiến – lùi, quay phải – quay trái nhịp nhàng

   Thuyền trưởng Lượng đem bánh, kẹo, thuốc lá và phong bì đựng hai trăm đô sang cảm ơn ban lãnh đạo và anh em thuyền viên tàu Hải Đông. Họ chúc nhau lên đường thuận lợi.

   Ông Lâm bắt tay trưởng đoàn thực tập đề nghị:

    ─  Đã giúp thì giúp cho chót, phiền các anh cho mượn một thợ máy sang cùng đưa Hoa Phong Lan về Hải Phòng. Thợ của chúng tôi trình độ có hạn nếu trục trặc tiếp thì cực quá!

    ─  Việc sửa tàu giúp các anh là trách nhiệm và hơn nữa các em được thực tập thêm, phù hợp với chương trình giảng dạy. Còn việc mượn người để chúng tôi hội ý một chút.

   Một lúc sau, ông trưởng đoàn nói với ông Lâm:

    ─  Chịu sang làm việc ở tàu Hoa Phong Lan là quyền của các em thực tập sinh, cho các em tách đoàn là chúng tôi không được phép. Tôi đã đề nghị một giáo viên máy, các anh thử bàn cụ thể với đồng chí ấy xem.

   Thời kỳ kinh tế ông Lâm hiểu vị trưởng đoàn nói phải ngã giá cụ thể trách nhiệm và công việc đối với đồng chí giáo viên máy.

   Một lúc sau, Lượng thì thầm to nhỏ với một người ở cuối tàu. Họ thống nhất đưa tàu cặp phao số không là một trăm đô. Mười phút sau tàu Hải Đông đi trước, tàu Hoa Phong Lan theo sau.

   Gió thổi nhè nhẹ,  tàu Hoa Phong Lan lướt trên mặt biển xanh xẫm. Sóng xô nhau lớp xớp những ngọn nước bạc tóe lên phía mũi tàu trong ánh chiều vàng nhạt thơ mộng.  Từng đám mây nhỏ xẫm đen dần dần từ đông sang tây. Lượng nằm trên ghế dài trong khoang lái ngủ lấy sức.

   Đúng hẹn,  máy bộ đàm từ đất liền gọi ra hỏi tọa độ tàu, tốc độ tàu và tình trạng sức khỏe các thuyền viên.

    ─  Cho tôi gặp ông Lâm chính ủy.

   Giọng ông Điền oai vệ ồm ồm trên loa, ít phút sau ông Lâm lật đật từ ngoài chạy vào cầm lấy ống nghe:

    ─  Dạ tôi đây, Lâm đây. Dạ từ lúc sửa chữa đến giờ, tàu chạy êm: “theo báo cáo chỉ khoảng 6 giờ sáng mai tàu về tới phao số không”. Dạ anh về tới Hải Phòng được hai ngày, vừa xuống máy bay đã phải lao vào công việc thật vất vả cho anh. Vâng… tôi nhắc lại … từ giờ trở đi phải giữ liên lạc liên tục.

   “Giữ liên lạc liên tục” Mật ngữ quy định đổi tần để giữ bí mật cuộc nói chuyện. Ông Lâm bảo cậu điện báo viên đổi tần số mới. Đầu bên kia có tiếng lạo xạo ro ro.

    ─  Dạ thưa anh, tôi Lâm đây!

   Cái giọng trầm dịu dàng của ông Điền đã biến mất. Ông Lâm nghe tiếng quát gắt từ trong loa:

    ─   Dạ với thưa cái gì! Hải quan đã biết tàu các anh từ Nhật về, nhiều hàng béo bở. Họ sẽ săn các anh. Hãy hạ lệnh cho các thành viên toàn tàu đảm bảo mọi người chỉ mang đủ lượng hàng được phép theo quy định.

    ─   Dạ thưa anh…

    ─  Thôi đừng làm mất mặt cơ quan. Việc cử các thành viên đi nhận tàu đã đủ rắc rối cho tôi rồi! Cấp trên đã hỏi và chuẩn bị thanh tra.

    ─   Dạ thưa anh…

    ─  Không thay đổi lệnh của tôi. Có bao nhiêu người không chấp hành vào bờ công ty sẽ đuổi tất. Tương lai công ty còn làm ăn với các đối tác nước ngoài, không thể là công ty buôn lậu được.

   Ông Điền “cúp” máy không cho ông Lâm trình bày. Buôn lậu bị đuổi việc, với cấp trên thật đơn giản và nhẹ tênh nhưng với các cá nhân mất việc là mất thâm niên công tác, mất hưu thì thật quá nặng. Đặt ống nghe xuống, ông Lâm thở dài:

    ─   Thế là hết! Đến ra đường mà sống thôi!

   Nước mắt ông Lâm chảy ra trên gò má nhăn nheo, canh bạc cuối đời chắc thắng, ai ngờ ra nông nỗi này! Chân nhũn ra, ông cố đứng để khỏi khụy xuống. Giọng nghẹn ngào như bị chẹn cổ, ông Lâm phổ biến vắn tắt mệnh lệnh của tổng giám đốc. Một giờ nữa mọi người phải hoàn thành mệnh lệnh của xếp tự giảm lượng hàng mang về, tránh hải quan bất chợt cho tàu ra kiểm tra giữa biển.

   Tàu Hoa Phong Lan lướt êm trên mặt nước, tiến dần về đất liền, nhưng lo âu, bão táp dấy lên trong lòng mọi người theo từng hải lý tàu đi. Những toan tính của họ đang đổ vỡ. Họ muốn gào thét than vãn, nhưng bất lực ngồi thừ ra, đờ đẫn nhìn nhau. Còn nói gì nữa, cái số phận trớ trêu nghiệt ngã đang đổ ập xuống đầu họ. Mong đổi đời, lễ lạt, chạy chọt đâu chỉ có một cửa. Vinh dự lắm họ mới được đi nhận tàu. Trước lúc lên đường họ còn bị so đo thắc mắc làm ai nấy lo lắng đến khổ. Gáo nước lạnh; mệnh lệnh làm họ đông cứng bên nhau, nghẹt thở.

   Tiếng chuông điện thoại lại reo lên trong phòng điện báo viên. Họ giật mình ngơ ngác nhìn ông Lâm chậm chạp, run run đỡ bộ ống nghe.

    ─   Sắp đến nhà rồi! Lệnh của tôi đã được chấp hành chưa.

    ─   Dạ…đang chấp hành…nhưng đau quá anh ạ!

    ─   Đau đớn cũng phải hy sinh. Đồng chí nên gương mẫu chấp hành cho mọi người theo. Đừng để cơ quan báo chí họ bêu xấu.

   Khi người ta sát cánh bên nhau trong chiến đấu chữ đồng chí thật thân thiết, thiêng liêng. Khi người ta ngoảnh mặt chữ đồng chí sao nó cách xa và lạ lẫm thế. Đặt ống nghe xuống, ông Lâm rên rỉ, chua xót than:

    ─   Gương mẫu suốt đời rồi, bây giờ chỉ một lần không gương mẫu cũng không được, có ai cám cảnh cho tôi không ?

   Quên cả xấu hổ về tuổi tác, ông Lâm khóc sướt mướt như trẻ con, nặng nhọc kéo bao mì chính ra mạn tàu chậm chạp lăn nó xuống biển. Lòng đầy xót xa luyến tiếc ông đang đoạn tuyệt với món hàng phế thải của tư bản, chia tay với ước mơ đổi đời.

Lượng bật đèn pha soi ra mạn tàu xem vật gì vừa rơi. Gói hàng lềnh bềnh phía đuôi tàu, xa dần xa dần trong đám bọt nước. Anh không lạ gì chuyện vứt hàng xuống biển của cánh thủy thủ.

               Lệnh đã ban ra, không phải chuyện đùa, cấm nấn ná, chậm chễ. Những ai khóc được đều òa lên theo tiếng rên rỉ, ai oán của Thu Thủy.

    ─   Trời phật ơi! Sao nỡ ác nghiệt với chúng tôi thế. Ăn mắm mút ròi, chắt bóp hàng chục năm nay, giờ có về được cũng thành tay trắng. Thôi nhảy xuống sông, xuống biển mà chết cho rồi,… Vế nhà úp mặt kéo cày đến đời nào, kiếp nào trả xong nợ. Sao trời phật không bóp cổ, mổ hầu bọn tham nhũng biển thủ hàng tỷ đồng mà nỡ giáng họa xuống chúng tôi; lũ sinh linh bé nhỏ, lương thiện hả trời.

   Vừa khóc, Thu Thủy vừa quằn quại lăn lộn trên cái ghế dài, tóc xổ rũ rượi, thiểu não. Họ khóc lóc, than thở đến khi ông Lâm thể hiện lòng gương mẫu cuối cùng trong nước mắt, bê cái tivi ra mạn tàu lăn xuống biển thì mọi người hiểu mình phải làm gì!

   Một cái chợ con con không dùng tiền mà chỉ đổi hàng như thời hồng hoang tiền sử, tự phát họp trong phòng thủy thủ, ồn ào và có đôi nét vui vui. Họ trao đổi hàng hóa với nhau không vụ lợi, để mỗi loại chỉ có một hai thứ. Người dư cái này, người dư cái kia, thậm chí họ cho nhau món hàng tốt để người kia thải bỏ hàng kém chất lượng; thân thiết như ruột thịt trong nhà. Xong xuôi, họ còn giúp nhau lăn hàng xuống biển và thấp thỏm ngồi chờ Hải quan, Biên phòng tới.

   Con tàu vẫn chiếu theo hải đồ và la bàn xuyên vào màn đêm tăm tối và tĩnh lặng. Yên tâm phần nào sau cái vụ vứt ném, mọi người lại dựa nhau ngủ gà ngủ gật.

   Tiếng chuông leng reng rền rĩ báo động toàn tàu. Ông Lâm đang vắt tay trên trán, bật dậy giọng ngai ngủ hốt hoảng:

    ─   Việc gì thế ?

    ─   Bọn xin đểu. Lượng nói khẻ. Anh ghé vào micrô phát lệnh oang oang qua loa phóng thanh:

    ─   Tất cả mọi thuyền viên lên boong khẩn cấp, mang theo khí giới trong tay đợi lệnh!

   Khí giới là gì không ai biết nhưng họ cũng lao lên boong. Khi những thủy thủ tề tựu, anh nói:

    ─   Ba người một mạn, không cho ai lên tàu, không cho móc dây vào tàu…đi gấp.

   Thủy thủ chia nhau chạy rầm rập trên hai mạn boong. Đèn pha chiếu sáng rực như ban ngày. Một chiếc canô đen trũi không đèn chạy song song đang tìm cách áp vào mạn phải tàu Hoa Phong Lan.

    ─   Tàu các anh đi Hồng Kông hay Nhật Bản về có hàng gì bán không?

    ─   Tàu của trường Hàng Hải đi thực tập về, không có hàng gì cả.

    ─    Đi chậm lại cho chúng tôi lên xin chén nước.

    ─   Không được. Khi gặp tàu các anh không đèn, thả trôi trên mặt biển, tưởng tàu các anh gặp nạn, chúng tôi đã báo cho biên phòng đến cứu rồi!

    ─   Mẹ kiếp, không cho các bố cũng lên

   Chiếc móc chẽ 4 chiều được quăng lên từ canô, móc vào thành boong Hoa Phong Lan. Sợi dây căng ra gìm canô áp dần vào mạn tàu. Một thủy thủ nhanh tay dùng rìu chặt đứt sợi dây, con tàu rướn lên bỏ canô tụt lại.

    ─   Con mẹ nó! Tắt máy, cuộn nhanh sợi dây lên! Vướng vào chân vịt bây giờ.

   Một phát súng chỉ thiên thị uy ở phía sau.

    ─   Mẹ chúng mày! Có dừng lại không, ông cho một quả B40, đắm chết mất xác bây giờ.

   Nghe tiếng súng, tàu tuần tiểu đang mật phục, bất chợt bật đèn pha, ánh sáng quét là là trên mặt nước ở phía xa. Trên canô quát nhau:

    ─   Cắt vứt dây, “trẩu” nhanh !

   Bóng canô mờ dần trong màn đêm.

    ─   Mình mạnh có vài khẩu A.K thì bọn chúng buôn lại hàng lậu, mình yếu nó trấn lột cướp hàng ngay. Lượng nói.

   Trời rạng sáng, tàu Hoa Phong Lan còn cách phao số không khoảng ba hải lý. Biển thật đẹp, chân trời phía đông một vệt trắng nằm sát mặt nước, cứ loang to dần, mấy cụm mây thấp như được dát vàng. Phía đất liền, bầu trời từ màu đen sang màu tím học trò cũng phơn phớt nhạt dần. Những con tàu neo ngoài phao nổi chờ vào cảng, ánh đèn lung linh trên mặt nước như những lâu đài biệt lập.

   Cái gì đến tất phải đến, lo ngại hay bình thản nó vẫn đến. Hàng hóa của tàu Hoa Phong Lan dù đã vứt bớt đi bị thu giữ khiêng lên bờ chất đầy nửa sân kho Hải quan cảng chờ xử lý.

   Ông Lâm lầm lũi đạp cái xe đạp cọc cạch gõ cửa từng nhà, nơi ông thường thăm hỏi, lễ biếu nhờ tìm cách cứu giúp. Ông thì ngoảnh đầu giang hai tay ra “việc các anh các anh tự lo. Tôi không chịu trách nhiệm”. Ông thì ngồi chấp hai tay, cúi đầu: “Đành bó tay thôi, việc này khó quá!”. Nhiều người chấm mút vào chuyến đi, nhưng những kẻ buôn lậu và gia đình gồng mình chịu hậu quả. Răng cắn chặt, mặt ông Lâm tái xám, gân guốc, mắt trũng xuống, đau khổ nén trong lòng mà mỗi lần bị chối từ nước mắt lại ứa ra. Đạp xe trên đường, hai cánh tay ông cứng lại, đầu óc nghĩ vẩn vơ, nó cứ lì ra không có phương cách giải quyết. Ông chỉ choàng tỉnh khi có tiếng vỗ bùm bụp vào cửa xe tải kèm tiếng quát:

    ─   Lão già ngu, đi đứng thế à. Xe cán tan xương nát thịt bây giờ.

   Đúng là ông ngu xuẩn, ngu xuẩn. Chúng nó thảnh thơi ngồi hưởng, mình bôn ba trời biển trắng tay. Ông Lâm nghiệm ra rằng mọi việc làm, giám đốc tổng công ty chẳng vì ai cả mà vì chính bản thân ông ta. Ông Lâm thấy tiếc những quà biếu, phong bì đã đưa, đó là do dại dột ông tự nguyện dâng nạp, ông tổng chẳng mặc cả với ai.

   Chuyền đi không mang lại kết quả, tham quan đất Nhật cũng chẳng ra gì! Có một chút thì giờ rỗi đều lo mua bán gom hàng.

XUÂN HỒNG

Các Bài viết khác