NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÀY MÙA

( 19-07-2016 - 08:55 PM ) - Lượt xem: 1281

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến với văn học bắt đầu từ niềm yêu thơ, nhưng những sáng tác đầu tiên của ông được in ra lại thuộc thể loại ký: các bài tiểu luận về Hội nghị Diên Hồng, về vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long… đăng trên tạp chí Tri tân. Sau này, khi ông được biết đến như là người chuyên viết kịch và tiểu thuyết lịch sử, thì các bài bút ký, tùy bút, đặc biệt là ký sự vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Chuyên mục “Đọc lại tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng” xin giới thiệu với bạn đọc bài tùy bút Ngày mùa của ông, đăng trên tạp chí Tiên phong số 24 ra ngày 1-12-1946, chỉ ít ngày trước khi cuộc Toàn quốc kháng chiến bùng nổ.

Hà Nội đã xa tôi rồi. Xe đạp của tôi chuồi trên một dốc không cao. Ngày hôm nay, tôi tạm gác một bên những lo âu mà cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc đòi hỏi từng giây, từng phút.

Tôi về với mùa thu.

Gia Lâm đang kiến thiết. Tiếng búa nện vào sắt nghe đanh đanh, ròn rã, nhịp nhàng đưa ra từ dãy nhà máy sau ga đã bị bom tàn phá. Bên những bộ xương nhà trống rỗng và mấy chiếc toa tầu ọp oẹp sắp lẫn vào cỏ và đất, hai ba nhà máy đã được uốn nắn thẳng thắn, đứng ngang nhiên dưới những mái phên tạm thời nhưng gọn ghẽ. Tôi không trông thấy những người thợ vô danh, nhưng tôi nghe thấy sự cố gắng. Trước kia tôi yêu Tagore và ghét lây nhà máy; bây giờ tôi yêu nhà máy và ghét lây Tagore. Tôi chắc chắn rằng quan niệm về yêu ghét của tôi bây giờ đúng hơn trước.

Tôi vững dạ hơn những ngày tin tưởng nhất. Vậy mà cảnh tượng lặng lẽ làm sao, chẳng có gì kích thích. Lặng lẽ thợ máy khởi công. Lặng lẽ nhà nông tăng gia sản xuất. Lặng lẽ họ thành công. Tôi liên miên nghĩ đến sự lặng lẽ của chiến sĩ ngoài tiền tuyến, lặng lẽ đến nỗi tưởng như họ không có mặt trên dải đất này. Vậy mà họ vẫn chặn đánh quân thù bất cứ ở chỗ nào chúng thò nanh vuốt. Tôi càng ngày càng bị quyến rũ bởi những việc làm không tên của những người không tên, nó đảm bảo cho sự thành công nhiều nhất...

Xe tôi đã đi vào giữa mùa màng.

Nhiều ruộng đã được gặt rồi, chỉ còn trơ gốc rạ. Nhiều ruộng lầy có những bó rơm xếp thành hình tháp bút. Nhiều ruộng cỏ xanh rờn trên người ta phơi những lớp rơm bày thành hình chữ nhật như những manh chiếu nát. Ruộng lúa chưa gặt, cái rạt xuống như những vết bò liếm khổng lồ; cái ngả nghiêng cong cong như những hàng vó cao thấp. Đã có nhiều ruộng mạ non mơn mởn, và cũng có nhiều ruộng đã trồng khoai, cành lá bị đè dưới những tràng mạng rạ. Rõ rệt sự liên tiếp về công việc của người nông phu cần cù tranh đấu trên tràng kỳ lịch sử cho sự tồn tại của giống nòi. Mắt tôi ngợp trong những màu hung, màu vàng, trà trộn lẫn nhau, nhiều lúc phản ánh sáng mặt trời lóng lánh như kim nhũ. Cánh châu chấu xè xè, càng cào cào tanh tách làm thành những tiếng nổ êm dịu của những bông lúa cháy như rang.

Tôi không ngửi thấy mùi thơm. Nhưng có một mùi say sưa, lành mạnh. Xe của tôi đã qua đường nhựa, rẽ vào con đường đất quen quen. Một con khách đậu trên đỉnh một cây tháp đá xanh dựng ở đầu đường, nhàn hạ vỗ cánh bay. Một chú trâu già, đậu trên một đỉnh gò cao, cắp ngang đôi sừng đồ sộ, nhìn người lạ bằng đôi mắt chứa chan những mộng hiền lành. Ôi chim muông, đồng ruộng, người và vật và làng xóm thân yêu, ta lại về đây! Tuổi ta đã đứng, tính tình ta đã khác, nhưng ta vẫn còn nguyên vẹn lòng hồn nhiên của kẻ quê mùa! Ta chào mừng ở các ngươi và ở cả ta đây một cuộc hồi sinh vĩ đại!

Nhưng sao trong ngày hội của màu vàng này, trong ngày thu hoạch tưng bừng này, không có một tiếng ca, không có một lời nói? Có lẽ tiếng ca sẽ nhạt, lời nói sẽ vô duyên trước cái đẹp lớn lao và nỗi vui mừng mãnh liệt của ngày mùa. Hay có lẽ vì đã quen với áp bức, với chiến tranh, với trưng thu, với hạn hán, với lụt lội, với luôn mấy vụ mất mùa, với nạn đói khủng khiếp vừa qua, cho nên đã nắm trong tay cái no, họ vẫn còn hoài nghi, vẫn còn sợ có người đến cướp. Cho nên họ lặng lẽ làm việc, họ khoan thai đến nỗi tưởng như họ đã hóa thành những tượng đá im lìm, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc rạp người trên bông lúa nằm sóng soãi. Có thấy cánh đồng lúa ngoảng dần, những chụm lúa đã gặt xếp hàng đều tăm tắp trông như những con dím chìm trong giấc ngủ triền miên, người ta mới biết rằng họ vẫn đang làm và làm một cách mau lẹ.

Trên đường đất, cảnh tấp nập hơn. Những gánh lúa đồ sộ của chàng lực điền, những gánh lúa nhỏ hơn của ả thôn nữ, nhỏ hơn nữa của nhi đồng, nhảy nhót trên con đường gập ghềnh, thỉnh thoảng lại nép bên ven đường, nhường lối đi cho những gánh gạo mới đem ra ngoài tỉnh bán, tiếp nối nhau thành những hàng dài dằng dặc. Chốc chốc lại lóe lên đến nhức mắt một lưỡi cày vừa mới rửa, hay những luồng điện nê-ông của những đòn gánh bóng nhoáng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Dưới bóng mát một cây cổ thụ, một tốp đàn bà gánh gạo ngồi nghỉ bên những bị cói ăm ắp toàn một thứ gạo trắng tinh. Trên quang gánh treo những tấm lá cải xanh mướt như bông hoa điểm trên mái tóc của một người thiếu nữ. Họ thì thầm, nói chuyện Hải Phòng Tây đánh cướp; họ bĩu môi kết án một người trong làng đã bán gạo cho Tây tích trữ. Âm thầm những bóng râm đang chảy xuống cái ao bên sau gốc cây làm thành những vết đen trên mặt nước váng xanh vàng. Câu chuyện của mấy bà nhà quê nhờ đấy mà càng thêm im lặng. Chuông kêu vang lên, xe tôi đi qua, họ rạt ra hai bên. Chao ôi! sao mà nhìn gần họ tiều tụy làm sao! Mùa vàng của lúa đẹp là thế mà không ánh đến mặt “hoa”. Quần áo họ tả tơi, bẩn thỉu. Nước da họ xanh xao vàng ệnh, có kẻ mặt nằng nặng và bủng rứ. Tôi thở dài. Không biết nỗi vui đang tràn ngập lòng tôi có qua được những khối óc đặc sịt và những vỏ ngoài cứng rắn kia không! Tôi phảng phất nhận ra trong đám người già sọm, toét nhèm hay mù lòa, mà khuôn mặt lõ xương đã gợi hình ảnh sự chết, dăm ba thôn nữ mười năm xưa, có người đã rủ đôi mắt đen lánh và đắm say xuống tuổi thanh xuân tình tứ của tôi, có người đã từng trút lên tôi những tiếng chua ngoa của một sắc đẹp vừa tự kiêu, vừa khêu gợi. Nhận ra một cách phảng phất thôi, chứ nhìn kỹ thì lại hoang mang không biết có phải là “cố nhân” không, nhất là họ không dám nhìn mình, hoặc chỉ dám nhìn một cái nhìn tôi tớ. Tôi se se trong lòng. Cuộc sống mới hồi lại một chút mà thôi, đủ để cầm chừng đặng tranh đấu và xây dựng một đời sống tốt đẹp và sung túc hơn. Vết nanh vuốt của thực dân còn hằn nổi, đau khổ còn đầy rẫy chưa tiêu trầm. Chưa phải là hạnh phúc. Nghĩa là chưa mãn ý.

Rơm phơi đầy trong các ngõ mấy cái làng tôi qua. Rơm làm bết bánh xe tôi. Chỉ những rơm là rơm. Bóng người thưa thớt. Tôi có cảm tưởng làng này như một hộp bánh ngọt mà người làm bánh điêu toa độn giấy quá nhiều. Nhiều gian nhà bỏ trống chất toàn một thứ rơm óng ánh như tơ. Trẻ con gần như không có. Trận đói năm xưa đã mang đi hơn nửa dân số, và bệnh sốt rét định kỳ vừa qua tiêu diệt nốt những phần còn sống sót! Hiu quạnh quá. Tôi rợn người, như vào một xứ xa lạ. Người Việt Nam có ở lẻ tẻ, thưa thớt đâu? Tôi ưa sự đông đúc và những sum họp vui vầy. Tôi gần như ứa lệ trước một bức tường gạch rêu đen, dài đến hơn mười thước. Trên tường có kẻ rất công phu một biểu ngữ bằng vôi trắng, nét già dặn: Một lá phiếu là một hòn đạn bắn vào đầu quân thù. Hỏi ra mới biết bàn tay kẻ chữ kia là bàn tay một thanh niên đã chết trong một vụ xung đột với thực dân, và cả nhà anh thì đã chết vụ đói năm trước! Tôi ra khỏi làng, lòng uất ức. Tưởng như có cái gì nặng trĩu chụp lên đầu mình. Bao nhiêu vết thương đau! Bao nhiêu là tang tóc! Và cần phải bấy nhiêu nỗ lực!

Lúa vàng làm cho tôi khuây khỏa. Tiếng búa ở Gia Lâm vẫn còn văng vẳng trong đầu tôi làm cho tôi an ủi... Tôi đã về tới cánh đồng nhà.

Một tiếng gọi thân mật. Dưới ruộng lúa, một nông phu quen biết vẫy tay. Y cầm liềm đứng bên mộ mẹ tôi, cải táng từ lâu ở ruộng này. Mấy em thiếu nhi mà y mướn ở làng bên đang loay hoay gặt lúa. Tôi bỏ xe bên bờ ruộng và xuống với người quen. Tiếng cười, tiếng gọi, tiếng hỏi thăm đưa lại tíu tít từ những ruộng chung quanh. Nông phu này trước làm cho mẹ tôi, sau đi phu lục lộ, dành dụm được ít tiền tậu ruộng. Trong khi ấy thì nhà tôi sa sút, nhưng anh ta đối với tôi vẫn có nhiều tình nghĩa. Tôi cũng học chàng Lévine trong một tiểu thuyết vĩ đại của Tolstoi, nhúng tay vào việc gặt hái với dân quê. Tôi cầm liềm, giữa những tiếng cười bốn phía; tôi gặt được mươi hàng lúa. Mộ mẹ tôi hôm nay không lạnh lẽo, trái lại, đầy một hơi ấm mà người có thừa những ngày còn sống. Tôi thấy có một sự gì êm dịu. Không để ý đến tiếng sột soạt của lưỡi liềm cắt lúa, tôi hình dung người mẹ đảm đang khi xưa, ngược xuôi buôn bán, vào sinh ra tử và làm lụng mãi cho đến giờ hấp hối. “Trời nào đóng cửa ai”, tôi chợt nhớ đến câu nói quen quen mà mẹ tôi thường thốt ra trong những giờ u ám của một cuộc đời vô cùng vất vả.

- Trời nào đóng cửa ai, bác An nhỉ, tôi vừa gặt vừa nói chuyện với người nông phu.

- Vâng, y cười khì khì. Trời nào đóng cửa ai. Thật năm ngoái năm kia, tưởng là chết cả. Ăn cháo không xong. Chết chết, cứ nghĩ đến mà rùng mình.

- Thế nào, được mùa rồi thì tha hồ đánh bạc, đánh chén nhỉ.

- Thế nào mà lại đánh bạc mấy đánh chén ấy. Cụ Hồ đã cấm rồi lại còn. Bây giờ thì chỉ mong Cụ(1) cho mấy trận mưa để làm mầu, còn khối việc, cậu ạ. Đánh bạc mấy rượu chè thì có mà khốn. Tôi thôi cái tang ấy đã lâu rồi, cậu ạ. Có các cụ trong làng đang kêu rào rạt vì ủy ban không cho chén nhiều như trước nữa. Ủy ban nay khá lắm rồi.

- Thế thì tốt lắm. Đây là lúa nếp có phải không?

- Đây là nếp mơ. Dùng để nấu cồn tốt lắm. Tiếng máy bay làm cho y lơ đãng. Y nheo mắt nhìn lên trời, bỗng hỏi tôi:

- Không biết ta có máy bay, xe tăng không cậu nhỉ. Trông thấy máy bay của Tây ngứa tiết lắm.

- Có chứ.

- Phải có mới được. Anh ta vừa bó một bó lúa, vừa cụp mắt xuống một cách nhẫn nại, giọng nghiêm trang: Chúng cháu được mùa thế này, mừng thì mừng thật, nhưng lúc nào cháu cũng phải nghĩ làm thế nào đuổi được thằng Tây đi, nước ta độc lập, thì cháu mới được yên tâm mà các cậu cũng mới được yên tâm ở “ngoài” ấy.

Tôi cầm liềm tiến đến gần y. Lòng đột nhiên phấn khởi và vui đến tột độ. Tôi nhìn y, muốn nắm chặt tay y. Ý thức quốc gia ở một người cổ lỗ này, giữa một khung cảnh lớn lao và đẹp đẽ, làm cho ngày mùa thêm ý vị, lòng tôi thêm tin tưởng. Tôi nghĩ không biết có phải anh lắp lại những lời tuyên truyền không. Nhưng không, lời nói của anh có sức mạnh của sự thành thật. Vì thế nó sâu sắc, thấm thía. Tiếng cần lao đập đều đều như máu chạy. Lửa yêu nước âm ỉ trong lòng mọi người. Tiếng búa của nhà máy Gia Lâm nghe càng rõ. Cánh đồng lúa cháy rực đang chạy xô tới tận chân trời như trong một trận giáp lá cà. Những ngọn súng của chiến sĩ dựng lổm chổm trên những bông lúa hòa bình. Người nông phu tầm thường đứng kính cẩn trước mặt tôi trở nên vĩ đại như những nhân vật của Homère. Y chẳng là hồi quang của Bạch Đằng, Đống Đa, Nam Bộ ư? Y chẳng là nguồn cần lao Việt Nam ư? Tôi tự trách đã hoài nghi không công nhận cho y có thể có câu nói kể trên.

Buổi chiều, tôi từ biệt người nông phu. Vừa đạp xe, tôi vừa nhắc trong lòng lời nói của y mà tôi sẽ đem ra khoe cùng các bạn ở thủ đô. Thỉnh thoảng tôi lắp đi lắp lại một điệp khúc không biết tự tôi sáng tạo ra hay là cần lao thiêng liêng đưa đến: “Gắng sức nữa, và đời sẽ còn đẹp thêm, những lầm than sẽ hết”. Câu điệp khúc ấy tự nó hát ở trong tôi và ở ngoài tôi. Toàn thân tôi chơi vơi giữa khúc nhạc của màu vàng.

NGUYỄN HUY TƯỞNG



(1) Trời.

Các Bài viết khác