NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“VÀ TÔI HI VỌNG CHỨA CHAN”

( 05-12-2013 - 06:13 AM ) - Lượt xem: 1360

26 tuổi, vừa kiếm được việc làm – thư ký nhà Đoan (sở thuế quan) Hà Nội, lại chưa vướng bận vợ con, Nguyễn Huy Tưởng dường như đang đứng trước cơ hội tận hưởng cuộc sống mà đồng lương của một “thày phán” có thể cho phép. Tuy nhiên, như những dòng nhật ký dưới đây của nhà văn tương lai cho thấy, ông luôn đau đáu sự lập thân, cùng những mối bận tâm về nghiệp văn chương mà ông theo đuổi từ tuổi đôi mươi song vẫn còn đang trăn trở, kiếm tìm. (Đầu đề đoạn nhật ký trích dẫn được lấy từ một câu của Nguyễn Huy Tưởng.)

5-12-1938

Tôi lại đi xem Chợ phiên với Thuật và Đồng. Chợ phiên Trung Hoa có cảm tình gì với tôi đâu? Tôi còn vào đấy làm gì? Lòng tôi đầy mâu thuẫn. Họ rủ thì mình đi, tôi còn mong vào đấy được gặp các tiểu thư đẹp như mộng, tươi như hoa để khuây khỏa tính tình. Vậy tôi vào Chợ phiên với sự uất ức và thẹn thò. Tôi đã đi ngược với tôn chỉ của tôi. Tôi đi lang thang một mình, rụt rè lắm. Tôi chú ý đến một người con gái nhỏ nhí nhảnh, tuyệt đẹp, ngồi trên xe hoa; tôi tức bực khi thấy trước mặt nàng một người thiếu niên ngồi kéo violon, thỉnh thoảng xe xóc, lại ngã hẳn vào lòng nàng. Tôi thấy nàng như sung sướng và ngực nàng phập phồng! Tôi ghen, nhưng lại tủi thân: sao mà mình chẳng có tài đức gì, mà sao mình nặng nề thế này? Tôi tức bực với những tiếng “Vive la paix” [Hòa bình muôn năm] của một đoàn thanh niên Việt Nam, và thở dài trước cái xe của một bọn giả làm thợ, mỗi cái huýt còi, lại nện búa vào đe rất đều. Tôi đứng giữa một bọn con gái, tôi thấy ngượng, muốn đi mà lại không muốn bỏ; đến khi các cô đi, tôi chưng hửng: tôi thấy cái vẻ của tôi nó ngớ ngẩn và khôi hài vô cùng. Người ta chỉ cho tôi cô Tý, tôi không gặp. Cô Tám, cũng không. Cô Hàng Vôi(1) cũng không... Chợt tôi gặp Lợi ở Haiphong lên. Chúng tôi nhập bọn năm người: Hòa, Lợi, Tuất(2), một người nữa và tôi. Tôi nói chuyện với ba người bạn gái của Lợi. Tôi bạo dần ra. Tôi pha trò, tôi là cái đinh trong bọn của tôi. Họ khen tôi là khôi hài có ý vị. Chúng tôi vui cười đi trong Chợ phiên, lòng tôi hớn hở như hoa tươi. Cảnh đẹp quá, bụi mù, và đèn chiếu như những chuỗi hạt vàng rực rỡ. Tiểu thư vào mỗi ngày một đông. Tiếng nói trong máy truyền thanh, tiếng đĩa hát, tiếng người hát liên tiếp không lúc nào ngơi. Đi trong một con đường hẻo lánh, tôi bị hai cô con gái đẹp gắn insigne [huy hiệu]. Chúng tôi buông lời trêu ghẹo, và tôi cũng chẳng kém gì. Không bao giờ tôi lại được con gái nói đùa tôi như thế. Chúng tôi gặp một cô gái khách, đẹp vô cùng, thùy mị và mắt liếc say mê, miệng cười chúm chím. Chúng tôi quây lại ném hoa, cô ném giả lại, và lần đầu tiên, tôi được hưởng cái thú con gái ném hoa tôi. Người cho tôi cái hạnh phúc ấy, hay đâu, lại là một cô con gái Trung Hoa! Sao mà cô diễm lệ thế? Khi tôi nói: “Pour vous, la plus jolie des demoiselles... Pous vous encore... Pour vous toujours... Vous êtes on ne peut plus charmante...” [Tặng cô, cô gái đẹp hơn tất thảy... Tặng cô nữa này... Lại tặng cô nữa... Cô mới đẹp làm sao...]. Nàng đáp lại một cách rất đáng yêu: “Merci” [Cám ơn], giọng nói du dương và lễ phép. Ôi! nàng đẹp biết bao khi né mình tránh hoa, nàng lịch sự biết bao, khi thản nhiên đứng cho chúng tôi ném, nàng tự nhiên biết bao khi võ vẽ tiếng Pháp nói rằng nàng chả đẹp như chúng tôi đã quá khen nàng. Người con trai đi với nàng để bán hoa khai với chúng tôi một trận hoa chiến rất trẻ trung, nhưng tôi hơi chán khi thấy anh ta làm tiền quá và như dử chúng tôi, coi chúng tôi như những kẻ ngây ngô...

Nhưng kìa, giữa lúc hoạt động ấy, một cô em gái, vào khoảng 14, 15 tuổi, thanh lịch, quý phái, nho nhã, đẹp lạ lùng, đi với bố chơi Chợ phiên. Tôi đã gặp nàng một lần ở Hội chợ, và đã được dịp thán thưởng cái sắc đẹp mơ màng ấy. Nhưng hôm nay thì nàng đẹp quá chừng, vừa huyền bí, vừa ngây thơ. Mắt nàng huyền ảo như đêm sáng trăng, êm ái như chiều thu, âm thầm như bóng tối; mặt trái soan của nàng đều đặn, và sáng sủa như gương, ta chỉ chắt ở đấy được những cái trong trẻo hồn nhiên, soi vào đấy, ta sẽ biến thành một người thanh lịch. Mũi nàng thẳng, và nhìn profil [nghiêng], mũi phảng phất như mũi người đàn bà Hi Lạp. Nàng hãy còn con trẻ, toàn là hương thơm vẻ đẹp. Người nàng thon thon, nhưng không cứng, nó uyển chuyển, đường con mềm mại và dịu dàng. Dáng nàng thanh nhã, quý phái. Tôi thấy nàng xa cách tôi biết bao! Cha nàng đi bên cạnh nàng, tỏ ra vẻ một người cha tốt, lịch sự và hiền lành. Ông có vẻ điềm đạm rất đáng yêu. Khi chúng tôi nói: “Xin phép cụ”, rồi tung hoa vào nàng, người cha rất đường bệ, không để ý đến chúng tôi một chút nào. Tôi cảm phục cái vẻ cao quí ấy. Tôi muốn lý tưởng hóa ông, và cho ông là kiểu mẫu một người cha. Nàng đi, bao nhiêu đèn nhường tắt, bao nhiêu hoa nhường tàn, bao nhiêu người đều như dẹp ra. Không hiểu làm sao, đối với tôi, nàng có vẻ xa xôi, bí ẩn; tôi ngơm ngớp lo một sự gì không lành cho nàng; tôi sợ cái gì nó không phải là trường cửu và tôi áy náy như có cái gì không vui. Chúng tôi không hiểu nàng là ai, mà kỳ lạ vậy. Bạn Hòa nói chỉ biết rằng gặp họ đi auto [ô tô] – Chắc ông cụ là một nhà doanh nghiệp. Tôi còn cảm đôi mắt mơ màng thần bí của nàng, nó như gồm cả những cái huyền ảo của vũ trụ. Tôi mê nàng, tôi ấp úng muốn làm thơ, tôi thấy cuồn cuộn như dào dạt sóng thơ. Tôi muốn than thở thân thế tôi, thân thế một kẻ tầm thường, mặt đã già, tuổi gấp đôi nàng, chỉ biết yêu thầm, đau đớn, mà không làm gì được. Tôi ác nghiệt đến như tưởng nàng chết, mà mình đào mả nàng đem cái thây về ướp để ngắm cái sắc đẹp tuyệt trần. Tôi bàng hoàng nghĩ như tôi ốm vì nàng, mà ông bố có cái nhã ý, và cái nhân đạo, đến thăm tôi, săn sóc tôi, khuyên nhủ tôi. Vô ý thức, tôi nghĩ đến chàng Trương Chi: tôi có thể lấy tính tình tôi mà tả cho Trương Chi: đột nhiên, tôi thấy chuyện anh lái đò khốn nạn của ta hay không thể nào tưởng tượng được.

 

7-12-1938

Tôi vẫn mơ tưởng cô con gái mơ màng đi với bố trong Chợ phiên lộng lẫy. Hôm 5 décembre [tháng 12], tôi thấy hồn thơ lai láng, tôi rạo rực muốn làm thơ, vậy mà trong lúc thi hứng, tôi lại không làm. Tôi tiếc cái thì giờ thiêng liêng mà vì lười biếng tôi không lợi dụng ấy. Tôi chỉ còn nhớ nàng một cách xa xôi. Tôi không thấy có cái nóng bừng buổi mới nữa. Tôi còn nhớ nàng, cái vẻ quý phái của nàng: nàng mặc chiếc áo xanh, vai đeo cape trắng, nàng còn để tóc thề, nhưng để một cách tự nhiên và mỹ thuật làm sao! Tôi bảo các bạn: “Đó mới là tóc thề”. Dáng nàng thanh lịch, và cách đi đứng của nàng mới khoan thai quý phái làm sao! Nàng là mộng, nàng là thơ, nàng là huyền ảo. Tôi không thể tìm được một cái ảnh tượng gì để hình dung nàng... Khi tìm nàng không thấy nữa, tôi chán nản ra về...

Cái buồn của tôi dâng lên. Người tôi mỏi như dần. Óc tôi nặng. Hôm sau vào sở, tôi lại bị cái hình ảnh cô con gái đi với cha theo đuổi. Tôi cảm thấy một cái buồn vô biên, phần thì nhớ cuộc vui – thôi, thế là bao nhiêu cuộc vui hết cả - , phần thì thương thân phận. Tôi chỉ là một kẻ nghèo hèn, cái đời thư ký của tôi mới bệ rạc làm sao! Tôi muốn than thở, tôi muốn làm bài thơ tự tả, sau khi gặp nàng và biết không xứng đáng với nàng, chỉ yêu hão yêu huyền, mà nào nàng có biết.

*

*  *

Làm tiểu thuyết, soạn một vở kịch, hay viết một bài thơ, công việc ấy cũng như làm một bài tính đố. Chỉ có một đường đưa ta đến “Giả nhời”, và nếu có nhiều đường, thì chỉ có đường giản dị nhất là nên theo.

 

9-12-38

Tôi chán người Pháp lắm rồi. Họ đã thu hết cả vàng bạc, cả hào, đem chở về nước họ. Dân Việt Nam bây giờ sẽ chỉ tiêu bằng giấy. Nước rỗng tuênh. Giống Pháp khốn nạn quá. Họ rút hết xương tủy của chúng tôi. Tôi thấy đau đớn, hèn yếu, tôi bứt rứt khó chịu, tôi thấy uất ức. Tôi mong mỏi một sự khôi phục quốc quyền. Tôi thẹn với cái đời phụ thuộc mãi này. Tôi muốn lá cờ Việt Nam phấp phới. Tôi không tha thứ những văn sĩ nước tôi chỉ tả những tính tình ẻo lả. Tôi muốn họ tả những người có tính cách, đầy nghị lực, có cái ý chí tựa sắt, cái can đảm phi thường. Tôi thấy cái xã hội Việt Nam ẻo lả quá, nhu nhược quá. Chết cả, còn hơn sống một cuộc đời nhục nhã như thế này. Tôi muốn chóng xong quyển truyện tôi đang viết mà viết truyện người con trai phục thù cha và thu lại cơ nghiệp của cha.

 

13-12-38

Bùi Ngọc Ái người vừa trúng cử hội viên thành phố, dự khuyết, có viết một bài trong có câu: “Francais, pressez vous valises, nous n’avons pas besoin de vous, allez vous en” [Hỡi người Pháp, các người hãy xếp va li đi, chúng tôi không cần các người, các người đi đi]. Khi người ta nhắc lại cái câu thực thà và hăng hái kia, tôi không thể không cảm phục tác giả, và tôi vỗ tay, sung sướng khi thấy ở nước tôi có những người lỗi lạc ấy. Người ta còn nói chuyện với tôi rằng, vì câu ấy, Ái bị truy tố, ra tòa, quan tòa khuyên chàng nên nghĩ đến gia đình, đến cha mẹ anh em, còn hơn là nói láo. Tôi bật buồn cười với những lời khuyên ấy, nó ngây ngô quá. Có khác gì một người đến cướp nhà người ta, khi người ta chống cự lại, lại khuyên người ta nên an phận và đừng hung hăng vô ích.

*

*  *

Phúc nói: “Người ta sống để làm gì?” để ăn uống, rồi chết. Nghĩ rộng ra, thì ta phải công nhận cái vô ích của tư tưởng. Nghĩ ngợi để làm gì, lao tâm khổ tứ để làm gì? Những cái ấy có ích lợi gì cho sự sống của ta? Nhưng Sán(3) nói: Nghĩ thế, thì ta hoài nghi hết thẩy. Ta hành động, thì đừng tự hỏi làm sao mà ta hành động. Sống để mà hành động. Hành động gì cũng được miễn là hành động. Phạm tội lỗi còn hơn là không làm gì.

 

15-12-38

Sao tôi lại không yêu nước tôi, trong khi ông cha tôi đã khốn khổ mới gây dựng được nó? Lịch sử Việt Nam, tự trước và từ nay cũng vậy, là lịch sử đẹp đẽ của một sự phấn đấu vô cùng để sống.

*

*  *

Chiều hôm nay, tôi nghĩ đến truyện Tống Hoàng hậu, tôi thấy nó hay lạ lùng, nó đông phương, nó đầy thi vị. Tôi muốn trưng cái lòng mến khách của dân Việt Nam. Thực có thể nêu làm một vở kịch tuyệt bút. Kìa một bà Hoàng hậu mất nước cùng với công chúa trôi giạt vào bờ bể Việt Nam. Kìa một ông sư trẻ, đẹp, và thấm nhuần đạo Phật, vớt lấy hai người khốn nạn. Cảnh bể đã đẹp, ngôi chùa trên mỏm đá lại đẹp tuyệt trần. Tiếng chuông thiền lặng lẽ giữa khoảng trời biển mênh mông. Hoàng hậu bảo con sang đây là nước Việt Nam, nơi mà ông cha người sang đó để tị nạn những khi quốc biến, bà nhắc chuyện con Hàn Tín để làm chứng cớ... Rồi cái ái tình khốc liệt nhóm trong lòng nhà sư. Rồi cái kết cục thảm khốc. Hay quá! Tôi cám ơn anh Tuất đã cho tôi câu chuyện ấy. Nó như chan chứa thi vị. Tôi liên tưởng đến những chuyện Mị Châu, Trương Chi, Chiêu Hoàng, Huyền Trân, Chiêu Thống, bao nhiêu cái hay trong những chuyện thương tâm ấy! Tôi sẽ đem những chuyện nên thơ ấy viết thành kịch(4), những kịch ấy sẽ có thể sánh với bất kỳ kịch nào ở thế giới. Và tôi hi vọng chứa chan.

 

----------           

(1) Tên những người con gái (cô Tý, cô Tám) hoặc tên do tác giả đặt (cô Hàng Vôi – nơi nàng ở) mà tác giả có nhắc đến trong nhật ký những ngày trước đó với nhiều cảm tình.

(2) Tên những người bạn học hoặc đồng liêu của tác giả, trong đó Lợi là Lưu Văn Lợi, một trong những người bạn thân nhất của Nguyễn Huy Tưởng mà trong các số ấn phẩm Người Yêu Sách đã nhiều lần nói đến.

(3) Phúc, Sán: những người bạn của Nguyễn Huy Tưởng, trong đó Sán là Vũ Tuân Sán, sau trở thành một học giả Hán Nôm nổi tiếng.

(4) Thực tế, Nguyễn Huy Tưởng đã đưa câu chuyện về bà hoàng hậu nước Tống vào tiểu thuyết An Tư, viết sau đó khoảng 5 năm.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

Các Bài viết khác