NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“TIẾN BƯỚC TRÊN ĐƯỜNG KHÁNG CHIẾN VÀ VĂN HÓA”

( 19-04-2016 - 02:08 PM ) - Lượt xem: 1449

LTS: Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tái bản bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, từng được xuất bản cách đây mười năm. So với lần in trước, ở lần tái bản này bộ sách được bổ sung hai mục ở tập 2, bao gồm những trang nhật ký tác giả ghi từ ngày 29-11-1946 đến 23-10-1947. Đó là những gì được tìm thấy trong một cuốn sổ tay nhỏ vừa lòng bàn tay, dễ dàng đút trong túi áo hay dúi vào bất cứ chỗ nào - hẳn là Nguyễn Huy Tưởng đã chuẩn bị sẵn cho mình để có thể ghi chép trong trường hợp xảy ra tác chiến. Nhưng cũng chính vì thế mà cuốn nhật ký đã bị lẫn giữa hàng chục những tài liệu khác tác giả để lại sau khi qua đời. Dẫu sao, thời gian đã làm cho nó xuất lộ trở lại, góp phần làm đầy thêm những trang đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, và qua đó là những sự kiện, sự việc mà tác giả đã ghi lại về những ngày đầu kháng chiến. (Đầu đề rút từ một câu trong nhật ký ngày 23-10-1947.)

21-6-1947

Trưa. Không có báo động. Nắng trong thung. Tiếng sáo trên đồi Bắc Kạn đưa xuống, cổ sơ.

Đọc Chute de Paris (Paris sụp đổ).

Tin Hà Nội. Pháp và Việt gian ăn chơi không tưởng tượng được.

Giết một con xiến tóc bay khó chịu bằng cách hơ vào đèn. Một giây trước nó còn mạnh mẽ. Nghĩ thương và sợ cho mình. Máy bay có thể đến bất cứ lúc nào.

26-6-1947

Muốn viết một vở kịch vĩ đại tả sự sống của dân tộc, rực rỡ, huy hoàng để khi kháng chiến thành công thì cho diễn. Có khi mời cả Pháp nữa và những đại biểu các nước. Phải hăng hái mà viết nhiều.

Bắc Kạn kỷ niệm nửa năm kháng chiến. Chủ tịch Ủy ban kháng chiến đến muộn mất long trọng: ban tổ chức mời ông lên khai mạc, không có, phải xin lỗi, rồi đánh đàn thay vào. Những người đọc hiệu triệu của Cụ Hồ, của ông Võ [Nguyên Giáp], của Khu trưởng Khu I, của Tổng bộ Việt Minh không đọc nổi. Nhưng cuộc mít tinh cũng có trật tự. Rước đuốc: như hoa cúc trong đêm từ dốc chảy xuống.

Lần đầu, nghe micro ở tỉnh nhỏ, nghĩ đến những cuộc vui Hà Nội.

4-7-1947

Tới Minh Khai. Xã Khang Lực. Chị em Thổ đang dựng nhà bình dân học vụ dưới sự chỉ bảo của ông giáo đeo kính trắng. Họ cười đùa. Bàn ghế đã sẵn sàng. Chung quanh là những nhà của một làng con. Nhà sàn.

Phong cảnh đẹp. Tiểu đội 1(1) ẩn sau một vườn hoa đẹp. Có máng nước chảy trong suốt.

Tới cụ Bùi. Gặp cha Trực, cụ Vi(2). Họ săn sóc quá đến Hiền(3) thành ngượng. Cụ Vi láu táu, hỏi han. Săn sóc đến đời sống vật chất. Sự luộm thuộm của một nhà sàn điều kiện vật chất hoàn toàn thiếu tương phản với dĩ vãng huy hoàng của cụ. Đầu tóc bạc, da trắng, pyjama. Ăn chung nhưng bát đũa riêng. Truyền người nhà bằng tiếng Thổ. Lời nói vẫn hách dịch. Sáng dậy, dùng một thứ rũa rất sang rũa ngón tay rất đẹp. [Ngồi] sau một chồng gối trắng đỏ xanh (có nhung) đã bạc màu, nấp sau cái máy đánh chữ. So ro chiếc bát có khăn trước mặt, chờ cho mọi người xới rồi mới đưa bát mình để khỏi lẫn. Có vẻ tiên cốt. Khi đứng trên khung cửa nhà sàn thì thật là đẹp. Tay đeo một vòng ngọc thạch quí. Hay nói. Hay bông [đùa]. Đứng nói chuyện hàng giờ tiếng QĐ (Quảng Đông) với một người ở trại đến bán nến dựa đường. Bác lãm về những tiếng Mường, Tày, Mán, v.v... Rủ bọn trẻ đánh mạt chược. Lúc đi qua đường hai bên rào nứa, áo quần vải láng đen, chống gậy, mũ nồi đội lệch, râu tóc bạc phơ, có vẻ tiên phong đạo cốt, majestueux (uy nghi). Mau mồm mau miệng, mau chào mau tay. Có người ở hầm trú ẩn đánh chết một con rắn nhỏ: giảng nếu mỏ nó tròn thì độc, mỏ nó dẹt như mỏ vịt thì không. Trên đường về, cúi xuống nhặt một bông hoa tím dại, đem về biếu con gái vợ người thư ký. Chạy báo động rất nhanh.

Người nhà tắm gội cho cụ, trần truồng như đứa trẻ. Vẫn tôn phục nhà vua. Bênh vực vợ Khải Định. Nói chuyện súng, bắn giỏi, nhưng nếu xem thế giặc còn đông, nên dành một viên đạn cuối cùng để phần mình vì không nên để làm tù binh. 

5-7-1947

Tiếng chim. Có tiếng người hát tưởng như tiếng chim lúc đầu. Một thung lũng sạch sẽ, có bàn tay người tuyệt đẹp. Gà rừng rúc ở bụi nào đây. Bên rặng cây, cụ Bùi [Bằng Đoàn] đi dự Hội đồng Chính phủ có vẻ cổ sơ.

Các bộ trưởng về dự Hội đồng Chính phủ. Nhà sàn ông Hoàng Tích Trí(4) treo hai chậu phong lan, một chậu hoa tím rủ xuống sàn. Thân cột có những ống tre đựng phong lan do ông chủ yêu hoa đem về.

Một cán bộ vùng này 9 giờ đêm tới sau khi đi một mạch từ [châu] Tự do về. Ngồi phịch xuống sàn: cho nước uống. Hỏi có còn đi đâu không? - Có, cách hai cái núi trước mặt. - Thế thì, đi làm sao? - Có gì, một dao ném (nghĩa là nhanh). Nói xong cầm một bó đuốc. Chỉ một loáng đã thấy đuốc cháy lưng chừng núi.

15-7-1947

Trông thấy con. Nghĩ thương chúng nó. Cuộc chiến tranh khốc liệt. Mình không tích cực một chút nào.

Cuộc hát của Thương Huyền. Chứng kiến có [Nguyễn Đình] Thi, An, [Nguyễn Tư] Nghiêm, Xuân Diệu… Vì ghen tức, PD yêu cầu ban kịch phải thải Thương Huyền. Nàng sắp về quê. Phạm Văn Chừng đàn cho nàng có vẻ kép. Buổi họp có một vẻ thân mật. Thương Huyền cũng có sức khêu gợi. Mời mọi người thuốc lá. Thấy thương thương nghe tin nàng định giải nghệ. Sự xa cách làm thanh con người.

17-7-1947

Chiều, thăm Thái Nguyên tàn phá. Lơ thơ người họp chợ sắp tan. Rừng thông: một chiếc ô tô đổ. Gạch đầy đường. Vài hàng quà. Trên gác một nhà tàn phá, một gia đình còn ngồi. Ủy ban hành chính. Trước [là] dinh sứ. Cả một khu, có hươu nai, nay không còn gì ngoài cái bệ cao đồ sộ dấu tích một thời. Công an ở một cái đền duy nhất làm việc. Vài nhà Tàu còn nguyên vẹn, mấy anh Tàu đứng trước cửa nhà chỉ trỏ. Tắm bên một cái giếng sắp biến vào trong cỏ. Bến sông. Toa goòng: một dấu vết văn minh, choàng tỉnh mộng. Không một ánh sáng. Trừ mấy hàng cơm và nước. Phong tục ở đây phóng túng. Vài người đàn bà trai lơ ngồi nói chuyện dông dài và đĩ thõa. Con đường đi Tân Cương đẹp. Cầu đi Võ Nhai bị phá. Một dĩ vãng oai hùng. Hà Nội cách 75 cây số, một ngày đi mà xa, như nghe tiếng hát say rượu của giặc. Có vẻ bình tĩnh vì giặc chưa tới, nhưng rùng rợn. Trong bóng tối đằng xa là một hoàng hôn đẫm máu, dân quân đang tập giữa những nhà cửa đổ nát. Một đoàn đi tập trận thì thào truyền nhau khẩu hiệu như giấu giếm gì với mình. Một anh hàng phở phàn nàn về một người phu chịu tiền một bát phở. Chung quanh hàng vang lên những tiếng cãi nhau của mấy anh phu khuân vác dưới goòng về. Những khẩu hiệu “Việt Nam độc lập”, “Ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh” càng rõ trong những tường há hốc, vì không còn mái. Có cảm tưởng như người ta sắp trở về đời thái cổ. Cây cối: như nghe rõ đang mọc để bao phủ thành phố và xóa mờ nó trong trí nhớ Việt Nam. Một chiếc xe không mui đi như hòa với cảnh - người và vật như những nhà sư cao niên tĩnh tọa nhớ những thời đại có hay không có bao giờ. Nóng bức. Nhưng ở đâu đây vang tiếng hát. Ty thông tin biến trong tối phát ra những tin tức về chiến sự. Và có tiếng vỗ tay của những người không có tên tuổi. Có người họa bài Chiến sĩ vô danh một cách xuyên tạc và ngây ngô: Nay mai độc lập…

22-7-1947

Nói chuyện khoa học với các bộ trưởng. Khoa(5) nói về lợi dụng nước làm énergie  (năng lượng) để phát điện vùng Đamin Đà Lạt, thác Ba Bể Cao Bằng. Tổ chức những cuộc khai khẩn bằng cách dùng máy và điện phạt cây các núi. Rồi mở đường giao thông. Chu Bá Phượng(6) nói về [súng] bazoka, nguyên tử.

Muốn học nhiều về khoa học. Nhà văn phải biết hết.

Đọc H. du P.C.R. (Lịch sử Đảng Cộng sản Nga) của G. Zinoviev. Dọn kịch Hà Nội trong vai Hoàng Xuân Hãn.

23-7-1947

Vào Tiểu đội 1. Hưng(7) chữa đèn pin, bên giường giấy má, máy chữ, bút máy, ảnh con do vợ gửi cho đỡ nhớ. Viết trên giường. Bên kia, Mai cũng ngồi trước giường biên số công văn. Dây nói thỉnh thoảng gọi.

26-7-1947

Chiều. Ra châu [Tự do]. Trên đường về, Trần Huy Liệu cỡi ngựa, ngâm thơ vang cả núi rừng.

2-8-1947

Trường nhạc binh khai mạc. Có nhạc binh hợp tấu. Âm vang nhà thờ. Tới dự có các Thứ trưởng giáo dục, Cục trưởng, v.v... Không khí Hà Nội.

Gặp Như Phong, Nguyên Hồng. Cùng nói chuyện văn chương. [Nguyễn Đình] Thi đọc hai chương tiểu thuyết. Hồng phê bình: nhiều chỗ không thật, giả dối. Phong: không nên rườm rà. Không nên anh hùng hóa nhân vật. Tả những người anh hùng là bỏ mẹ. Nhưng rốt cuộc khuyên nên tiếp tục viết.

5-8-1947

Hội nghị báo chí ở Chợ Chu. Gặp Nam Cao. Vui vẻ. Gặp Lưu Văn Lợi.

7-8-1947

Ngủ nhà hàng. Ba giờ sáng đi. Bảy giờ sáng đến Bắc Kạn.

Cùng Nam Cao đi giữa rừng núi. Ghê rợn.

Qua một khu rộng rãi, chòm xóm vui vẻ. Thợ thuyền đi lại vui vẻ. Muốn có hòa bình để xây dựng Việt Bắc.

8-8-1947

Thư của Võ Nguyên Giáp. Sẽ viết cho T.P. (Tiên phong). Mừng.

15-8-1947

Về Đại Từ. Gặp Trần Huy Liệu, [Nguyễn Công] Mỹ. Ngồi một hàng cơm. Trên hoành phi giấy: Việt Nam độc lập muôn năm, kiểu cuốn thư. Dưới tranh công xanh và lê đỏ. Rồi ảnh Hồ Chủ tịch dưới một lá cờ giấy hồng nhạt hoa vàng trang kim. Hai bên khẩu hiệu: Một bên: Giữ bí mật quân sự là yêu nước. Một bên: Giúp đỡ thương binh. Dưới góc ảnh Hồ Chủ tịch hai tranh chè. Dưới một bằng in thạch: Nhớ ơn chiến sĩ...

Giữa nhà: đèn sao vàng có tua. Có người nói: không lưỡng long chầu nguyệt nữa, mà lưỡng long chầu tinh.

Nhà hàng bẩn thỉu.

Giặc chưa đến phố xá đã đầy khẩu hiệu tiếng Pháp. Ở Vĩnh Yên lại còn có nơi đem dịch khẩu hiệu Pháp ra tiếng Việt Nam!

Phải remarques (chú ý) nhiều. Không được thờ ơ một cái gì.

16-8-1947

Viết báo cáo Văn hóa cho Giáp. Xem một kịch lửa trại ở sân vận động Đại Từ. Anh phụ trách nhạt. Diễn tồi.

18-8-1947

Gặp [Nguyễn Hữu] Đang. Cô Oanh xinh đẹp, Đang có vẻ phờ phạc. Nghe ý, yêu Oanh. Nàng khỏe mạnh, ngực đẹp. Mặt xinh, nhưng da tái vì mới ốm sốt rét (tuyệt vọng).

Ở khu III, tinh thần dân chúng xuống vì giặc khủng bố. Không dám chứa máy chữ. Pháp lưu manh hóa những dân làng theo nó, cướp bóc, hành hạ dân chúng.

20-8-1947

Gặp Bùi Nguyên Cát định diễn Vũ Như Tô. Hỏi chuyện về [vở kịch] Bắc Sơn, nói: Bắc Sơn thì... có vẻ không thích. Kể vài câu chuyện Hà Nội. Có sự thay đổi. Không muốn lối văn phù phiếm xưa.

Đêm Chợ Mới. Một mụ cà phê liếc mắt đưa tình. Khoe cà phê thơm. Tính giá đắt.

Tụi Phạm Duy về. Từ Giấy cho mượn áo vì mình bị ướt. Anh em có vẻ mến phục mình. Kim Bình nhìn có vẻ lưu luyến. Từ Giấy đi Chiêm Hóa, thi bác sĩ. Họ lên ô tô, một đêm mưa, sau một buổi gặp gỡ vui vẻ, có đàn hát.

 

21-8-1947

Gội mưa đi từ Chợ Mới về Bắc [Kạn].

Kỷ niệm 19-8. Có mít tinh. Có biểu tình. Thiếu nữ mặc áo đẹp. Có cờ đi trước một đoàn. Nhưng thưa thớt. Ở phố Cò: cờ cũ, nhỏ, rúc dưới mái nhà. Cũng có nhà treo đèn kết hoa, rực rỡ. Lòng bồi hồi.

22-8-1947

Tối. Núi Bắc Kạn mờ sương. Cây cối mờ mờ. Cùng Nam Cao, [Nguyễn Đình] Thi đi phố nói chuyện văn chương. Nam Cao nói: Bây giờ mình đã không phân biệt tuyên truyền với nghệ thuật nữa. Rồi liên miên chuyện chính trị, chuyện Cụ Hồ mà anh em phục là vĩ nhân lớn nhất của lịch sử Việt Nam: sage, révolutioneire, saint, héros (bác lãm, cách mạng, thánh nhân, anh hùng).

Đêm về. Qua cầu, cây nứa để vịn đã ướt vì sương.

-------------------           

(1) Tiểu đội 1: Có thể là mật danh chỉ cơ quan của đồng chí Võ Nguyên Giáp, người có bí danh là Hưng trong nhật ký ngày 23-7-1947.

(2) Cụ Bùi: Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội; cha Trực: linh mục Phạm Bá Trực, Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội; cụ Vi: Vi Văn Định, nguyên Tổng đốc Thái Bình, đại biểu Quốc hội khóa I.

(3) Con gái đầu của tác giả, bấy giờ lên 5 tuổi.

(4) Bộ trưởng Bộ Y tế.

(5) Trần Đăng Khoa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính.

(6) Nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế, phái viên trong phái đoàn Việt Nam sang Paris dự hội nghị Fontainebleau năm 1946.

(7) Xem lại chú thích 1.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

Các Bài viết khác