NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TẾT ĐINH DẬU VỚI TÁC GIẢ “MỘT NGÀY CHỦ NHẬT”

( 08-01-2014 - 10:50 AM ) - Lượt xem: 1433

Tết Đinh Dậu (1957) đến với Nguyễn Huy Tưởng với nhiều tâm trạng ngổn ngang. Xã hội Việt Nam chưa hết bàng hoàng với những ngày cải cách ruộng đất còn để lại nhiều bi kịch và hệ lụy, thì trong văn nghệ lại xuất hiện sự kiện Nhân văn - Giai phẩm cũng đang gây không ít sóng gió. Là một trong những người lãnh đạo văn nghệ khi ấy, Nguyễn Huy Tưởng còn phải lo chuẩn bị tổ chức Đại hội Văn nghệ toàn quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm ấy. Dẫu sao mặc lòng, Tết vẫn đến và với nhà văn, Tết vẫn là những ngày đặc biệt nhất. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Người Yêu Sách nhật ký những ngày Tết Đinh Dậu “rạo rực”, “nhộn nhịp”, nhưng vẫn “có cái gì trống trải trong tâm hồn” của tác giả Một ngày chủ nhật – bài tùy bút mà ông vừa viết xong một tháng trước đó.

26-1-1957

Những ngày cuối năm rạo rực. Phố hoa - Chợ Đồng Xuân. Mời Trần Hữu Thung, Vĩnh Mai, Hoàng Yến ăn cơm. Mời Nghiêm, Liên, Sáng(1) chén. Ban Nhạc Vũ liên hoan nhảy. Kịch cũng nhảy.

Phố Hoa: đào, mẫu đơn, quất, mai. Cá vàng… Gặp ở đây đông đủ các bạn văn nghệ. Người mua nhiều. Phố Hàng Đào rầm rập người. Hàng Bồ: các tranh lợn gà - cũng không được đắt hàng lắm. Loạn tranh Trung Quốc. Ở khu 4: bán 5 triệu tờ tranh. Thảm quá cho hội họa Việt Nam. Các hoa giấy. Rực rỡ phố Hàng Mã. Mấy đồng chí quốc tế cũng đi. Làm sao mà tả được hết cái hương vị của Tết?

Phụ nữ Hà Nội đã bắt đầu ăn mặc diện, họ không dè dặt nữa. Thướt tha, yểu điệu. Cửa hiệu uốn tóc Hàng Trống: người đến friser [phi dê] rất đông, chưa bao giờ đông như thế: Văn Cao, Sỹ Ngọc, Tôn Thất Tùng, v.v... cho vợ uốn tóc. Những người đi kháng chiến về friser rất nhiều.

Tư sản chờ thời. Xe ô tô tư nhân xuất hiện nhiều. Tâm lý: ăn uống, chơi bời, găm vốn không kinh doanh. Đầu cơ.

29-1-1957

Không khí chuẩn bị Tết càng nhộn nhịp. Hà Nội càng rực rỡ. Mấy hôm nay trời nóng như mùa hè. Chốc chốc lại có người đi xe đạp, xe xích lô mang cành đào, hoa giấy. Quả bong bóng cho trẻ con chơi. Thiếp mừng năm mới như bươm bướm.

Đông phương và Sáng tạo(2) diễn: Ổ bịp bợmÔng Cục trưởng sắp đến(3). Khá. Còn có không khí kịch. Đoàn Bình kịch Cáp Nhĩ Tân tới Hà Nội.

30-1-1957

Trời đổi tiết. Lạnh. Lất phất mưa phùn. Tết càng đầm ấm. Họp để bàn làm báo cáo Đại hội Văn nghệ toàn quốc. Muốn cho con đi chơi, nhưng không thực hiện được. Thắng lên đầu đinh và lên sởi. Thương nó ngày Tết thế là không được đi đâu. Chuẩn bị Tết chẳng có gì mà cũng mất trên 10 vạn. Suốt đêm hôm 29, vợ đun bánh. Chẳng giúp được gì.

***

Đi liên hoan với kịch, nhưng không dám nhảy. Cùng Hoan(4), Kim Lân đi chơi giao thừa. Đèn xanh đỏ chung quanh Hồ. Tháp Rùa cho ánh sáng chiếu hắt vào, trông như cẩm thạch. Người đông như nước. Không sao vào đền Ngọc Sơn được. Mấy đồng chí Liên Xô cũng len vào. Bắt chuyện, nhưng trả lời có vẻ không khiêm tốn, không thích. Khó chịu vì những đèn kiểu Trung Quốc treo ở Trấn Ba Đình. Vườn hoa Chí Linh, người ta có sáng kiến làm một khu vườn đào.

Thiếu nữ Hà Nội khoác tay nhau đi nghiêng nghiêng. Đèn sáng. Người đi lại. Hàng Mã vẫn còn người bán hoa. Ca, nhạc vang vang. Hệ thống truyền thanh của Liên Xô.

12 giờ đêm. Còi nhà hát. Hồ Chủ tịch chúc Tết. Pháo ran ran. Năm nay đốt pháo nhiều hơn năm ngoái. Tết rất vui. Người đi chung quanh Hồ mãi đến 2, 3 giờ khuya.

Về xông nhà Hoan, Kim Lân.

Mong vợ đẹp, và các con sung sướng. Thương Thắng phải ở nhà. Đêm giao thừa, Thục, Khánh và bạn chúng nó cũng đi chơi khuya.

Mồng 1 (31-1-1957)

Đi mừng tuổi bà Hàn Kỷ, cô Trưởng Tá. Dẫn con quanh Hồ. Chiều đi chơi thăm anh em. Nhiều anh em đến chơi trong khi mình đi vắng.

Mồng 3 (2-2-1957)

Về quê. Anh đã về huyện làm công tác mặt trận. Tết vui. Thanh niên đánh cờ người, đánh bóng chuyền. Nhà cũng có rượu cẩm, giò mỡ, mực, v.v... Họ hàng đã qua lại lễ Tết.

Tình hình có dịu, nhưng [lúa] chiêm không bằng năm ngoái. Người bị qui oan, hôm trước hạ thành phần thì hôm sau về nhà. Có người về dọn dẹp, không để ý gì đến người chủ mới. Có người dọn dẹp xong lại đi. Có người chỉ đi vào xem qua. Có người dọn về nhà, rồi mở tiệc, mời cả chủ mới ăn. Có người chủ mới bỏ nhà được chia, đi ở nơi khác. Có người nhất định không đi đâu. Còn lộn xộn.

Về nhà quê là nhắc đến những ngày bất công của cải cách ruộng đất. Và lại thấy buồn.

 Đạp xe trong mưa phùn. Nói chuyện thơ Lý Bạch và cái hào khí của nhà thơ. Văn nghệ có cần phải phục vụ không? Sao lại gò ép vào việc ấy? Thân với bạn, làm thơ tiễn bạn: có phục vụ chính sách nào mà sao bây giờ truyền tụng? Ai truyền tụng những câu về chính sách? Nên suy nghĩ nhiều về vấn đề này.

Mồng 4 (3-2-1957)

Một việc làm rất chuế. Bọn Sáng tạo, Đông phương đã xin Nhà Hát Lớn diễn tối 3, 4. Thế rồi lại để Bình kịch(5) diễn mồng 4. Vẫn là cái tự ti, chẳng coi mình ra gì.  

Thấy có cái gì trống trải trong tâm hồn. Thiếu một lòng tin. (...) Và rất ngại [làm] cái báo cáo của Ban Chấp hành Hội Văn nghệ.

Anh em không ai muốn làm tham luận(6). Văn Cao nói: Bảo nói cái gì thì nói. Họ không đợi chờ gì ở Đại hội, mà chỉ mong chóng xong đi để rồi làm ăn. Trong khi ấy T.Ư. chủ trương: không phải là tổng kết mà là sơ bộ nhận xét. Và trong Đại hội không đề ra chính sách cụ thể gì. Nghĩa là vẫn như trước, báo cáo, tham luận, rồi chẳng nhích lên được thêm một bước nào. Không tổng kết, chỉ đề ra nhiệm vụ bắt làm. Trong khi đó không giải quyết gì cho người ta…

Không khí lại oi bức. Tiểu thuyết [về] sửa sai của Hữu Mai không được in nữa. Có tâm lý không được nói sai cải cách ruộng đất, vì đã sửa rồi. Hồ Viết Thắng(7) vẫn được đi xe ô tô, vẫn có cần vụ đi theo. Gặp Minh Giang, Huy Phương, [Hồ Viết Thắng] nói: “Sửa sai tốt rồi, cốt cán phần lớn là tốt. Thế mà cứ đả kích cốt cán!”

7-2-1957

Cùng Nguyễn Tuân làm xong phần báo cáo. Đi chơi rong ruổi. Buồn cho mình. Chẳng đọc, chẳng sáng tác. Học vấn ít. Kinh nghiệm ít, sống ít: văn gì, sáng tạo gì?

N.H.Tr. có một bài, đưa đăng báo Văn nghệ. Bài tồi không đăng được. Y tức bực kêu la bọn Nhân văn dìm, coi Thanh Châu, Hữu Loan, v.v... là Nhân văn, mà không biết rằng đây là một tập thể xét văn, do Tòa soạn qui định mà do Bùi Hiển phụ trách. Có biết đâu anh viết văn tồi. Tâm hồn như thế thì làm gì? Hi sinh thân ta đi để bồi dưỡng cho những tâm hồn thảm hại ấy ư? Hi sinh hay ngu xuẩn?

Có lẽ xấu, mà sáng tác được, còn hơn được tiếng công tác tốt mà lụn bại dần!

10-2-1957

Trời đổ rét: nhiệt độ thấp nhất từ 4 đến 6o ở Hà Nội. Rét buốt gân, buốt thịt. Không muốn làm gì. Qua Hồ Gươm, gió thổi như luồn vào trong ngực. Buồn cho Tháp Rùa. Sau Tết, họ đã bỏ ba cái đèn lù mù, đêm thắp trông như cái quan tài lù mù. Nay họ lại mắc đèn như cũ.

Đặc những hàng: hàng thuốc lá, hàng kẹo, hàng bánh tôm, hàng bánh bông cho trẻ em, anh bán hàng dỗ tiền trẻ, phàn nàn các em trả tiền mới. Hàng chiếu ảnh, anh chủ hàng vừa quay vừa giải thích một cách say sưa, vất vả, thỉnh thoảng lại nhìn vào trong xem, kêu: Đấy, Hitler đấy! Với một lô từ chửi nó. Vườn hoa (không có hoa) phun nước ở Bờ Hồ lúc nào cũng lênh láng nước mà không có ai sửa sang.

13-2-1957

Trời rét. Người ta nô nức đi xem hội Lim. Nhưng bản thân hội không có gì. Hát thì gượng gạo. Dân địa phương không tha thiết với hội lắm. Chi bộ mới thông độ ba hôm nay. Làm tuế toái. Những hình thức tế lễ không còn. Những cuộc vui hát trong nhà không có. Rước sách cũng gượng gạo. Thiếu những cô thôn nữ, những cụ già đi du xuân. Lơ chơ cái đu, cờ người mà thiếu nữ quan.

Thiện nam tín nữ, khách quốc tế, đoàn Bình kịch Trung Quốc đến xem tấp nập. Thất vọng trở về. Làm sao có cái vui nội tâm mà thành hội được. Nhớ những ngày hội xưa. Rước, kiệu, bát bửu, cờ lệnh, cờ tuyết mao, tù và, điếu tráp, trống chèo, nhà tơ, cỗ giáp, v.v... Rình rịch hàng quán, tấp nập các nhà. Phải gây lại cái không khí ấy. Rồi hương án ở đầu ngõ chào đám rước, rồi áo quần mới súng sính, nam thanh nữ tú đi ra đình chim chuột. Sao lại giết những cái vui ấy? Mất nhiều quá rồi, cái thi vị thuở xưa. Nghĩ mà thèm cái rạo rực của những cô thôn nữ ngày hội mùa xuân! Cần dựng lại cái không khí êm đềm ấy.

Xem phim Kẻ lưu lạc của Ấn Độ. Phim khá, có tình cảm, có kỹ thuật. Sao người ta dung dị mà mình cứ đi mãi vào con đường khô khan, máy móc, cứng như một cái que củi. Rõ ràng cái đường lối Văn nghệ có nhiều điểm không đúng rồi.

Rét quá. Đi quanh Hồ Gươm, nhìn những cán bộ và đồng bào miền Nam. Nhớ tới hai em bé miền Nam hôm mồng 2 Tết ngồi trên cỏ bên Hồ, đội nón lá, nét mặt buồn tênh. Họ bị bứt ra khỏi xứ sở, tiền nong chẳng có, muốn mua cái gì cũng không được, chỉ đi rảo phố, mỏi thì ngồi xuống đường. Không như trong kháng chiến, người nào cũng khổ như nhau. Đằng này khác. Hòa bình. ở Hà Nội đầy những quyến rũ, những người Bắc có gia đình đầm ấm, Tết nhất sum họp, anh em miền Nam thui thủi một mình, xa vợ xa con, xa cha mẹ, túng thiếu, bo bíu, đi chơi rồi lại về cơ quan. Trong công tác, lòng tự ái và tự ti mặc cảm của họ là một vấn đề luôn luôn phải đối phó, và nhiều khi vì vấn đề miền Nam mà phải nhân nhượng những chuyện vô lý. Họ bị pha chất rất nhiều (dénaturé). Phiền vì họ, mà cũng thương hại họ. Rồi cái vấn đề miền Nam tập kết giải quyết như thế nào? Mỗi người là một tấn kịch thầm lặng, sâu sắc.

--------------------          

(1) Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng.

(2) Hai ban kịch tư nhân ở Hà Nội khi ấy.

(3) Ổ bịp bợm: kịch của Phan Vũ. Ông Cục trưởng sắp đến: kịch của Hà Cầu.

(4) Hoan: Chế Lan Viên.

(5) Đoàn Bình kịch Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc.

(6) Tham luận cho Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 2-1957.

(7) Một trong người trực tiếp chỉ đạo cải cách ruộng đất.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

Các Bài viết khác