NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“NHỚ NGƯỜI LẶNG LẼ NHƯ CÁI BÓNG, ÊM ĐỀM NHƯ BÔNG, NGÂY THƠ NHƯ TRẺ”

( 24-04-2015 - 05:55 PM ) - Lượt xem: 1174

LTS: Nhật ký những ngày này cách đây 75 năm của Nguyễn Huy Tưởng (tháng 4 năm 1940) dành nhiều trang nhắc đến người vợ mới cưới mà ông sớm phải tạm xa: Hai ông bà kết hôn tháng trước thì tháng sau ông bị sở Đoan (sở thương chính) đổi xuống Hải Phòng. Sự đoàn tụ giữa hai người chỉ thi thoảng vào những dịp bà thu xếp xuống đất Cảng với ông, hoặc ông tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần về Hà Nội với bà. Song cũng chính sự xa cách đã khiến ông trút tình cảm lên ngọn bút và cũng nhờ đó mà chúng ta biết thêm được nhiều điều về ông (Đầu đề do BBT đặt.)

9-4-1940

Đi chơi với Thiều. Thấy ở phố Tây, gần nhà Hát, dưới bóng cây, đèn điện chiếu mờ mờ, cô Khiêm, nay đã là bà An, đi đi lại lại một mình. Người nàng đã đẫy, mặt cũng đã to, nhưng nàng vẫn lịch sự, vẫn còn giữ phảng phất cái đẹp khi xưa! Lại nhớ 6, 7 năm trước, khi nàng còn con gái, dáng đi thoăn thoắt, người nhẹ như tiên, mặt đã sang, mà người lại đẹp. Đám cưới linh đình, nàng đã về tay bạn mình là anh An, kẻ tầm thường mà lại có diễm phúc lấy được một trang tuyệt thế. Nhưng sao Khiêm lại đi một mình trên phố vắng? Không có lẽ chờ chồng! Nghi kỵ. Thoảng qua. Nàng quay lại nhìn ai, lâu lâu, hữu ý. Khiêm sang, mà đẹp, mà sạch, ôi ngọc ngà!

Một mối thương tiếc. Nào có ích gì? Ngẫm đến em Uyên, Uyên vẫn quí hơn tất cả mọi người nhan sắc.     

10-4-1940

Ta chẳng giầu ư? Ta có của mà mọi người không có. Ta giầu tình cảm, mạnh tình yêu mẹ, yêu nước, yêu vợ, thân bạn. Đó, ta chẳng giầu là gì? Khiến ta giầu nữa, ta sẽ thành một nhà phú hộ mà ở xứ Việt Nam này không có hai.

12-4-1940

Nhớ vợ quá. Buổi tối đi chơi với vợ chồng Lợi, một mình đi bên cạnh họ thấy lẻ loi buồn ngắt. Thấy họ nói đùa, lại nhớ những câu nói đùa với Uyên. Uyên ở xa ta quá, Uyên, ta nhớ em vô cùng. Vợ Cúc thì rởm, vợ Lợi thì mơ mộng. Chỉ có Uyên là đàn bà thôi, đàn bà tức là người vợ hoàn toàn.   

Nghĩ đến cái quần vải to mà em tôi tự may để mặc, than ôi, tôi tự thẹn, và thương vợ chịu theo cái đời túng quẫn của tôi. Đi hỏi giá lụa, để may quần áo cho Uyên. Tôi khi chưa cưới sợ vợ đài các, cưới xong, lại thương vợ, chỉ vì Uyên biết thương chồng.          Ôi! Tôi nhớ vợ biết bao! Nhớ người lặng lẽ như cái bóng, êm đềm như bông, ngây thơ như trẻ. Em Uyên! Không bao giờ ta thấy yêu em, nhớ em như chiều hôm nay! Còn mười hôm nữa, xa quá chừng.

14-4-1940

Mẹ xuống chơi. Thẹn rằng vợ không có ở đấy. Xin phép mẹ đi đóng cá? giầy. Gặp thầy [Nguyễn Hữu] Tảo hỏi có đi Hội đồng Hướng đạo không? Bảo nên đến thầy luôn, nói chuyện trao đổi ý kiến. Thầy Tảo khuyên nên thoát ly gia đình, và nói bây giờ là lúc chọn lấy một đường mà đi. Không phải là lúc đứng nước đôi.

17-4-1940

Giở cuộn tóc độn của vợ, mềm mại và lóng lánh, thấy lòng yêu người bạn trăm năm lẫn với lòng thương. Thương nàng ngây thơ, thương nàng còn trẻ, mà cuộc đời thì khốc liệt, nàng biết gánh vác làm sao?        

Em Uyên, xa cách muôn trùng. Sao vợ chồng ta từ lúc lấy nhau, không mấy khi được sum hợp lâu dài?     

18-4-1940

Mê thấy vợ ốm. Lo sợ. Nhớ đến lúc vợ, hôm cưới, ngồi ở cuối giường, cạnh cái tráp trầu, mặt nàng ngẩn ngơ thờ thẫn. Nhớ hôm mồng sáu tết năm nay, hình ảnh vợ mình mặc áo len tím, sau khi xem rước, đi vào chợ Sa, mua chuối cho mình, nhớ khi nàng mặc cả và lúi húi ở trước một gian hàng chọn chuối. Nhớ lúc ra về, trên đường thành, vợ cầm nải chuối, đưa cho mình từng quả để ăn; nhớ lúc bắt Uyên ăn một mẩu chuối thừa. Nàng trẻ quá!

19-4-1940

Về đến nhà, thấy mẹ ngồi một mình ở ngoài. Thay quần áo xong, ra chào mẹ. Mẹ ngồi cầm cái túm lạt đập muỗi. Nghĩ thẹn vì chậm ra chào mẹ. Thương mẹ vô cùng. Mẹ già rồi. Đầu gối đau, đi khập khiễng. Vô duyên, chỉ đẻ được những đứa con không tốt, sao mẹ ta khổ thế, hỡi trời. Chưa có một đứa con nào làm cho mẹ sung sướng cả.

20-4-1940

Sáng, ra đứng ngoài cửa. Không khí ngoài đường làm cho dễ chịu. Khoan khoái. Một tiếng hát dô ta ở xa. Rồi có hai chiếc xe bò tiến đến, người ta xúm xít xe những miếng sắt to tướng nặng nề. Và họ hát, tiếng hát vui vầy. Chiếc xe sau lại ầm ầm đi lên. Họ cười rầm rĩ đẩy xe, tranh vượt lên cái xe trước. Họ tiến lên rồi, họ đi trước, và tiếng cười sung sướng. Tôi muốn sống cái đời giản phác của thợ thuyền. Óc tôi mờ, và thân tôi nặng.      

      Một con sẻ non sa xuống. Bố mẹ nó bay tíu tít, rúc rích. Thả con sẻ ra, cho bố mẹ nó trông thấy. Nó sung sướng đến gần con. Bay từng đoạn nhỏ cho con theo, rồi bên tường gọi con, thúc giục. Nó âu yếm con nó quá. Cảnh êm đềm, và vui, lẫn với lo sợ. Tôi lo rằng con sẻ non sẽ bị trẻ khác bắt. Viết đến đây, vẫn còn sợ, không biết con sẻ non đã theo bố mẹ nó mà chuyền được lên tổ ấm cúng của chúng chưa?

21-4-1940

Rức đầu. Lấy xe đạp đi với Lợi xuống Huyện Rào xem ngày hội kỷ niệm thánh Georges của Hướng đạo. Lúc đi, gió mát thổi vào mặt, bao nhiêu nỗi bực tiêu tán cả - và rức đầu cũng mất.         Ăn buổi cơm chiều với anh em Hướng đạo ở giữa trời. Cơm nếp thổi dẻo. Giá vợ mình cũng đi, nàng sẽ biết cái đời Hướng đạo trong sạch và vui vẻ biết bao.

Theo hiệu còi của anh ủy viên, lửa trại đốt, và mọi người đến làm vòng tròn quanh lửa. Sau khi kể chuyện thánh Georges và Thạch Sanh, các đội, các sói ra làm trò, diễn kịch, vui vẻ quá. Và tôi cười luôn mồm. Nhất là lúc sói nhỏ diễn kịch, đã tự nhiên lại mẫn tiệp, có một em có một giọng sai khiến đáng yêu.

Tinh thần đất nước. Tôi thấy rung động tâm hồn khi nghe thấy tiếng Việt Nam, được gọi trong cảnh hùng vĩ này. Những khi mọi người cùng hát, lời đồng tâm có một ý nghĩa thiết tha. Tôi lại nghĩ đến những tráng sĩ khi xưa, ca vang trên con đường cát bụi.

Cuối cùng có một đoạn kịch có ý nghĩa lắm. Kịch câm. Một chàng tráng sĩ trên mình ngựa, quyết chí xông pha trên đường nguy hiểm để cứu khổ phù nguy. Có tiếng gọi của vợ dại. Chàng do dự, dừng ngựa lại, nhưng tiếng gọi của nghĩa vụ thúc giục, chàng lại ra roi. Một chốc tiếng gọi của vợ mạnh mẽ quá, khiến chàng như mất hết gan anh hùng, chàng xuống ngựa định trở lại. Nhưng tiếng gọi của xã hội, lời giối của người cha, lại làm cho chàng quả quyết. Lại lên ngựa, ra roi…

22-4-1940

Ông Tổng Giám đốc Nha Thương chính vào buồng giấy mình chơi. Người quắc thước, lịch sự và tóc bạc cực đẹp. Tôi yêu tóc bạc của ông ta. Tôi không sợ già. Tôi muốn tả Hưng Đạo Vương quắc thước, tóc bạc tuyệt đẹp, và mặt còn trẻ, oai, cương nghị. 

Nhận được thư của cháu Sa, dòng dõi của cả nhà mình, mà tôi yêu như em. Nó quấn quít và yêu tôi hơn bố. Tưởng tượng cháu đi bộ ra ga, để gửi một bức thư viết rất công phu, và hỏi ý kiến tôi về việc cháu muốn đi lính, cảm động quá chừng.        

Tôi và cháu có một thứ liên lạc về tinh thần rộng và sâu hơn liên lạc máu mủ. Bổn phận của tôi là phải che chở cháu. Trách nhiệm to: chỉ một câu nói của tôi là cả đời cháu tôi lợi hay hại. Tôi không muốn cho cháu ra đầu quân, vì nguy hiểm, mà nhà tôi hiếm hoi. Nhưng biết đâu cháu lại không gặp may với nghề võ.

26-4-1940

Lợi nói chuyện: Một người làm báo Âu châu sang thăm Ấn Độ, có kể chuyện một ông vua chung tình với vợ, nghe rất cảm động. Ông ta làm vua 25 năm, được 16 năm thì vợ chết; mấy năm còn lại, ông chỉ để thì giờ xây đắp mộ vợ, và làm một tòa lâu đài lộng lẫy để ông ở, mà cái đặc biệt là cả cái lâu đài, các cửa đều quây về ngôi mộ cả.(1)

Nhà báo kết luận rằng bao nhiêu sự nghiệp chinh phục của các đế vương khác đều còn lại hư vô, duy chỉ có cái chung tình chí thiết của ông vua kia còn lại.  

30-4-1940

Chủ nhật 28. Mưa. Do dự. Nhưng đã hẹn, đến anh Triệu. Cùng Triệu, Lợi đi chơi núi Voi(2), trời nặng trĩu. Lên một đỉnh núi, tới một tòa cổ miếu, nói chuyện tâm sự. Trời đổ mưa. Núi trông mờ mịt. Tưởng đến quân Quang Trung đội mưa ra đi khi xưa. Rét. Rét quá. Giở bánh ra ăn. Cảm cái thú tuyệt trần, khi ăn với anh em một cách phong trần.

Người Hướng đạo hoàn toàn có thể cầm một toán quân. Người Hướng đạo phải giỏi đủ mọi phương diện.

2-5-1940

Suốt sáng, đọc Les Nourritures Terrestres(3) của Gide. Văn chương thanh tao quá chừng. Những nỗi băn khoăn của tôi, Gide cũng trải qua. Cái lòng tham muốn làm mọi việc, mà rút cục không kiến thiết được một công trình nào, tôi cũng có, tôi đương có, mà Gide cũng đã có, và đã tránh được.

Say mê về tư tưởng Gide, lại thú vị vì lời văn tuyệt đẹp.

Trưa, cùng vợ lên quần ngựa; người trong sở biếu một cái “các” đi không mất tiền. Thẹn với Lợi mà mình gặp giữa đường. Khi về, vào Lợi chơi. Bạn phàn nàn rằng mình lại đi vào nơi đổ đốn ấy(4). Lời phải khó nghe. Lúc về, cùng vợ nói chuyện, cùng phục cái lòng tốt của bạn.

3-5-1940

Ngồi làm việc. Muỗi đốt đến phát cáu. Trong màn, vợ nằm ngủ, tay để lên mặt. Nghĩ thương nàng xa nhà, xa mẹ, xa cha. Và ở đây không có ai thân thiết. Mà nàng trẻ dại biết bao!

6-5-1940

Hôm qua chủ nhật, đi học lớp khai giảng về Bầy Sói(5). Tuy trời mưa, lại nhọc mệt, nhưng cũng cứ đi. Anh Ngô Bích San, trưởng ban, ở Hanoi xuống. Ấy là một người thanh niên, mặt trắng, đeo kính, rất có cảm tình. Hiện bây giờ vẫn phảng phất hình ảnh anh ấy, một nhân vật trọng yếu trong gia đình Hướng đạo ta. Người thanh nhã, hát hay, vui vẻ.

Học, xen lẫn với những cuộc chơi vui. Ăn một bữa cơm tuyệt ngon. Ba giờ về.

11-5-1940

Làm xong bài Quang Trung. Lần này lấy làm tự đắc hơn lần trước, vì lấy làm hay. Buổi chiều về, sung sướng, nhẹ nhàng người, nói huyên thuyên với vợ. Ôi vui vẻ khi làm được xong một công cuộc gì!

13-5-1940

Tối 11, từ biệt vợ đi cắm trại Hướng đạo ở Xâm Bồ. Thấy buồn và lo cho Uyên ở nhà. Ra đi lòng rầu rầu.

Đi đêm. Trời tối. Cánh đồng bao la. Chó sủa vang. Cảnh tịch mịch và đẹp. Tới Xâm Bồ, thấy lửa đốt trong rừng cây cối. Tưởng như mình sống một cuộc đời phiêu lưu về đời xưa. Họ cắm trại. Họ diễn kịch. Chỉ phiền một nỗi là họ không coi trọng mình, vì mình chưa tuyên lời hứa.

Đêm không ngủ được. Sáng dậy tập võ. Cho các em tập trận giả.

Hai giờ trưa, đọc truyện Quang Trung cho các em. Lâu 45 phút. Đường, đội trưởng Báo bỏ đi không xem. Nhiều người khác chú ý. Có người tỏ ý thích. Anh Đình, đoàn trưởng(6) Trần Quốc Toản khen là hay. Anh Lợi phàn nàn các em vì tội không chú ý nghe một câu chuyện thiêng liêng.

4 giờ nhổ trại. Đoàn đi ở đường trường nắng bụi. Họ hát vui vẻ. Đầu trần, mình đi xe đạp trông nom họ. 6 giờ tối 12 mới về đến nhà.

14-5-1940

Tình hình thế giới nghiêm trọng. Vợ sắp về Hanoi. Nghĩ đến Uyên, ngây thơ, yếu đuối, chưa biết sự gì xảy ra, vô tội không biết gì, bỗng thấy lòng thương nàng xâm chiếm lòng tôi, tiếp theo một cái buồn man mác…

--------------        

(1) Có lẽ là câu chuyện hoàng đế Môgôn Shah Jahan xây lăng mộ Taj Mahal nổi tiếng của Ấn Độ.

(2) Trèo núi, tìm đường là một trong các bài tập của Hướng đạo.

(3) Tiểu thuyết của nhà văn Pháp André Gide, được dịch là Dưỡng chất trần gian.

(4) Quần ngựa là nơi người ta đến để xem đua ngựa thì ít mà cá cược thì nhiều.       

(5) Các hướng đạo sinh dưới 12 tuổi được gọi là sói con, lập thành từng bầy sói.

(6) Các hướng đạo sinh từ 12 đến 16 tuổi được tổ chức thành các đội hoặc đoàn hướng đạo sinh.

Các Bài viết khác