NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“NHÀ VĂN PHẢI TƯ TƯỞNG BẰNG HÌNH ẢNH”

( 01-01-2017 - 01:39 PM ) - Lượt xem: 1611

Trong số các tài liệu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để lại, có một tập bản thảo viết tay không ghi nhan đề, mà nếu căn cứ vào nhật ký của ông thì có thể hình dung đó là bản tham luận đọc tại Trại sáng tác dành cho các nhà văn trẻ mà ông là một người lo việc tổ chức. Không rõ tham luận của ông đã được các đồng nghiệp trẻ hưởng ứng ra sao, nhưng trong ngày khai mạc Trại (11-11-1959), ông có ghi trong nhật ký: “Có ít nhiều thích thú trong công tác này.” Xin giới thiệu cùng bạn đọc một trích đoạn trong bản tham luận của ông. (Đầu đề rút từ một ý của tác giả.)

… Có phải cứ sống nhiều là ra sáng tác cả không? Tôi nghĩ thực tế là một điều kiện rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Thực tế mới chỉ là những quặng uranium, vấn đề bây giờ là phải lấy ra được cái tinh lực nguyên tử. Không có uranium thì không ra nguyên tử, nhưng ngược lại không lấy được ra tinh lực, thì uranium vẫn chỉ là uranium. Cho nên, trong cái vốn sống thực tế, ta phải chọn lọc. Vốn sống càng nhiều thì sự lựa chọn càng tốt, vì ta dễ so sánh. Phải chọn lấy cái gì sinh động nhất, ý nghĩa nhất, nhưng cũng phải cương quyết gạt nhiều cái rất quý nhưng không ăn nhập với chủ đề. Đối với tôi, đây là một việc rất gian khổ. Tất cả những tài liệu sống phải trải qua rất nhiều công phu mình mới tìm ra được, gạt đi có khi đau như đứt miếng thịt. Bệnh tham tài liệu là cái bệnh khá phổ biến trong một số anh em viết văn. Nhưng cuối cùng thì cứ phải chọn thôi. Tất cả những tài liệu mà không phục vụ cho chủ đề, dù đẹp đến đâu đi nữa, cũng chỉ như một mụn gấm đính vào áo. Ta thà dùng một áo toàn một màu nâu còn đẹp hơn…

Có sống, có chọn lọc tài liệu, có chủ đề, tôi nghĩ đấy là từng bước đưa cuộc sống vào văn học, Nhưng còn một vấn đề rất trọng yếu nữa, là tất cả những công việc ấy đều phải thông qua tâm hồn, tình cảm, nói chung là thông qua cái nhân sinh quan của người viết. Khi ta ghi một sự việc xảy ra, đấy mới chỉ là phản ánh. Tiến lên một bước nữa, nhà văn phải biểu hiện sự vật, phải tư tưởng bằng hình ảnh… Chắc các bạn đều có đọc Thép đã tôi của Ostrovski. Khi tả cái chết của Lénine, một cái tang rất lớn của Liên Xô và của thế giới, tác giả không nói trực tiếp đến Lénine khi mất, không nói đến đám tang vĩ đại ở Mạc Tư Khoa, không nói đến cờ rũ, v.v… mà lại dựng một cái cảnh rất nhỏ ở một cái ga biên giới hẻo lánh, ở đấy có một ông già hàng mấy chục năm vẫn làm cái công việc nhận và đánh điện tín và vì thế đã trơ ra với những nỗi vui buồn của thiên hạ. Tiếp được cái tin về Lénine, mới đầu thì ông ta bình thản nhận tin theo từng chữ như mọi ngày. Nhưng khi đọc cả cái tin Vladimir Ilicht Lénine mất, thì ông ta rụng rời và nghẹn ngào, và nước mắt trào ra.

Chỉ một việc rất nhỏ ấy mà tác giả đã tả được cái mênh mông của đau thương. Các bạn sẽ đọc lại cái đoạn văn rất ngắn ấy, chỉ hai chục dòng thôi. Tôi đọc Ostrovski cách đây 20 năm rồi mà bây giờ vẫn như in trong trí nhớ cái hình ảnh của ông già ở cái ga biên phòng buồn tẻ ấy. Nếu không có cái nhìn, nhất là cái tâm hồn, cái tình thương yêu của Ostrovski đối với Léninne, thì việc ông già kia nhận cái tin Lénine mất cũng chỉ là một việc quá bình thường, mấy ai đã chú ý đến? Nhờ Ostrovski, mà cái thực tế bình thường ấy trở thành một hình ảnh lớn lao. Đấy là vì thực tế đã được nâng lên và tác giả đã truyền vào đấy một nội dung tư tưởng. Người ta nói những nhà văn lớn làm sinh động cả con người, cả thiên nhiên, cả vũ trụ, cả những vật vô tri, cũng là ý nghĩa ấy. Có mang một nội dung tư tưởng thì thực tế mới có giá trị sáng tạo, nếu không nó chỉ là tài liệu như trăm nghìn tài liệu khác. Sáng tác của chúng ta nói chung còn sơ sài, vì nó mới ở trình độ tài liệu, còn thiếu rất nhiều cái phần tư tưởng. Có tư tưởng, có lý luận, có suy nghĩ, nhà văn mới thấu triệt sự vật trong cái quá trình sinh thành, chuyển biến và tiến lên, và như thế khi viết ra, mới thực sự là đóng góp cái phần của mình vào cuộc sống, góp phần cải tạo nó, làm cho nó phong phú thêm lên, đẹp đẽ hơn lên.

Khi tôi trình bày với các bạn một vài cái suy nghĩ lặt vặt của tôi trên đây, tôi không có ý phủ nhận sự quan trọng của việc phản ánh thực tế. Công việc ấy, các bạn và chúng tôi vẫn tiếp tục làm, và sau đây còn làm nhiều hơn nữa. Tôi chỉ muốn nói là trên cơ sở những sáng tác phản ánh thực tế, chúng ta cần nâng cao công việc viết của chúng ta lên nữa. Và muốn thế, một mặt nhà văn phải nắm được nhiều thực tế, mặt khác còn phải tu dưỡng về chính trị, triết học, tư tưởng, văn hóa. Tôi cho đây là hai mặt lớn nhất của một nhà văn. Kỹ thuật cũng cần, nhưng không đáng ngại lắm. Những người bây giờ được mệnh danh là nhà văn đàn anh trước đây khi bắt đầu viết thật chẳng biết kỹ thuật là gì, mà cũng chẳng ai dạy cái điều ấy cho cả…

NGUYỄN HUY TƯỞNG

Các Bài viết khác