NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“NGƯỜI LÀ THẬT. PHẢI THẬT VỚI NGƯỜI”

( 30-06-2014 - 11:55 AM ) - Lượt xem: 1337

LTS: Năm 1956 có thể nói là một năm đặc biệt với Nguyễn Huy Tưởng. Năm ấy ông đề ra khá nhiều kế hoạch sáng tác, nhưng đều không thực hiện được. Rút cục ông chỉ viết được một bài ngắn – và đó chính là tùy bút Một ngày chủ nhật. Tác phẩm này quả là ngắn so với những vở kịch, tiểu thuyết bề thế của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng có vị trí không hề thua kém trong sự nghiệp sáng tác của ông, bởi đây là một tác phẩm hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất mà ở đó, nhà văn đóng vai trò là người phản biện xã hội. Chúng ta có thể tìm thấy sự tương đồng về ý thức nói thật, viết thật của Nguyễn Huy Tưởng trong những trang tùy bút đó và đoạn nhật ký sau đây mà chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc – Những dòng nhật ký đầy tâm huyết của nhà văn được viết vào tháng 6 năm 1956, cách đây vừa đúng 58 năm, với câu kết để đời: “Người là thật. Phải thật với người.”

1-6-1956

Thăm trại thiếu nhi ở Bách thảo. ít màu sắc. Còn ít trò chơi cho các em. Hiền(1) được đi trại đó về rất vui. Được gặp Bác, gặp bố.

Thảo luận về tư tưởng Mác về nghệ thuật. Đả cái quan niệm “phục vụ kịp thời” nó đã làm cho bao nhiêu sáng tác không thực hiện được trong kháng chiến. Và thấy nao nao tiếc cả một quãng thời gian trống rỗng, lãng phí.

*

*  *

Đ.Đ.H.: điển hình của một kẻ ambitieux [tham vọng], coi có thể đem cái “chính trị” của mình thay thế cho tài năng, anh ta thay được cả Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ: những người này lại rất khiêm tốn.

*

*  *

Đuổi theo đề tài phục vụ kịp thời rút cục lúc nào cũng chậm. Cương quyết chống lại. Chỉ biểu hiện những tình cảm, nguyện vọng của thời đại, nói lên trưởng thành của dân tộc, và cái lớn lao của cách mạng. Cương quyết không đi vào những chi tiết vụn vặt, và nhất là những cái “mới” mà mình không nắm được.

Tác phẩm không khô khan, mà ùa vào đây gió, nắng, tình yêu, tình bạn, hơi thở của con người, hương thơm của hoa bưởi, cái khăn nhung của cô thiếu nữ.

 

2-6-1956

Công đoàn Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức Lễ thiếu nhi quốc tế. Kẹo bánh cho các em. Làm xiếc cho các em xem.

Tối: một đoàn nữ thanh niên lao xe đạp đi vun vút. Cái chổi dựng ngược sau yên. Họ hát. Họ đi làm vệ sinh.

Ngồi nhà đọc Le chemin des tourments [Con đường đau khổ]. Tác phẩm lôi cuốn. A. Tolstoi thật là nắm cuộc sống, hiểu cuộc sống, thể hiện bằng văn chương sắc bén, sinh động. Cảm thấy mình đuối. Muốn đi vào thực tế. Xa thực tế quá.

 

7-6-1956

Chuẩn bị Đại hội Văn nghệ toàn quốc. [Văn nghệ sĩ] Hà Nội thắc mắc về tiêu chuẩn hội viên. Thụy An phê bình lãnh đạo: đòi được học tập, đòi được biết tin tức. Mộng Sơn không đi họp, thắc mắc vì không xin được vào Hội. Phùng Quán muốn đả kích cá nhân - giải thưởng không dân chủ.

Nhiều người vin vào Đại hội 20 [Đảng Cộng sản Liên Xô]. Cho là lãnh đạo có nhiều khuyết điểm, nay phải chiều họ.

 

Xem phim M. Gorki. Cuộc sống phong phú của nhà văn. Tình yêu mãnh liệt vào cuộc sống. Tình yêu công lý. Nhà văn: bó đuốc soi đường cho những người cùng khổ. Và cuộc sống ăm ắp, đầy tràn, đáng nâng niu, trân trọng từng điểm nhỏ của cuộc sống. Cái lẽ sống cao quí. Nâng mãi tâm hồn anh lên cho ngang với cuộc sống. Cúi đầu trước cuộc sống, dù đấy là một cuộc sống tầm thường, một mảnh con của cuộc sống, cuộc sống của cả những loài súc vật, như con mèo trong tay người gác cổng Tatar.

Ôi, những người bình dị, những người tầm thường nhất của cuộc đời, chính các người đẩy cuộc sống đi trong cái phẳng lặng rất phong phú của hằng ngày. Không viết một tác phẩm nào không rọi ánh sáng của những tâm hồn giản dị ấy vào cuộc đời. Cuộc đời lặng lẽ mới đáng quí biết bao, cuộc đời bên trong mới đẹp làm sao. Không day tay mắm miệng, không phô trương kêu gào, không hùng hồn rỗng tuếch. Cuộc đời bình thường mà vĩ đại, là hơi ấm của cuộc sống. Phản ánh những cuộc đời ấy, với cái giá trị nhân đạo của nó. Hãy trân trọng từng hơi thở, từng ngọn lá, giọt nước, từng mớ tóc, nét răn của nhân vật. Đoạn tuyệt với tất cả những cái gì giả tạo.

Phải đưa vào tác phẩm tiếng nói bình dị của cuộc sống, chân lý thông thường của cuộc sống, mà rất cao siêu. Tư tưởng phải ánh lên trong tác phẩm. Nói với cuộc sống một cái gì. Đừng có nghe và trông thôi, mà phải nói.

 

Khó chịu vô cùng là những ý kiến phê bình của người ta đối với một tác phẩm văn nghệ. Chưa nói hay dở gì, người ta trước hết đòi bổ sung vào tác phẩm những cái này cái khác, họ nói tác phẩm thiếu cái này, thiếu cái kia. Hãy suy nghĩ, hỡi các nhà phê bình kỳ cục ấy. Tác phẩm là một mảnh của cuộc sống, là sự sống. Nó là một con người. Hãy nhận xét con người ấy thế nào, chứ đừng đòi thêm người phải có bốn tay, mười mắt!

 

8-6-1956

Muốn viết một truyện về Căn cứ địa kháng chiến. Truyện người mẹ. Kịch về đấu tranh cũ mới. Nhạc kịch Chú Cuội.

Mưa sốt ruột. Hại mầu, hại lúa chiêm. Mưa sớm như mưa thu. Ngồi với mấy anh em trong nhà giải khát, chờ mưa, nhìn ra Hồ Gươm mờ mờ, mà nước lặng sáng như gương. Hồ Gươm sao mà đẹp.

 

8-6-1956 (?)

Uyên(2) cầu tiến bộ. Buổi trưa đi học văn hóa. Thêm yêu thương vợ. Uyên trách chồng hay gắt. Xưng với con là tao.

Gia đình không có trật tự. Trẻ con thờ ơ với mọi việc. Không biết thu dọn.

 

Đi với Chế Lan Viên. Hồ Gươm lặng thầm. Chung quanh, đèn điện mờ mờ. Thành phố không vui. Có cái tự hào của chủ nhân, nhưng không có cái say sưa, cái gọi là chắp cánh. Không có cái thú đi xem chiếu bóng, đi thưởng thức một món ăn. Không có cái vẻ thơ của cuộc sống. Sách ra đời, không có một tiếng vang. Cảm thấy không có cái vui tươi. Nặng nề công thức. Quan hệ cũ mất. Quan hệ mới chưa có. Phẳng lặng, nhạt nhẽo. Đứa trẻ đi học, không dạy cho nó mỹ cảm, mà nhồi. Học những bài thời sự khô khan: đón bác Mi cai ăng(3), v.v... Người phụ nữ chẳng thấy mình trong tác phẩm. Các tình cảm con người bị chìm trong những sự việc, những công tác. Một màu xám. Chế độ của ta không phải thế này. Phải chỉnh đốn nó, làm cho nó thật tươi vui.

Kiểm điểm lại 10 năm kháng chiến, tác phẩm văn học không được là bao. Mà cũng chỉ là kể sự việc, không có tư tưởng, không có vấn đề, không có những bài học gì cho tâm hồn. Mỗi nhà văn phải có một thế giới quan, trong ấy sống những nhân vật của mình. Quan niệm phục vụ kịp thời, nó đã lãng phí bao nhiêu tài năng, dẫn đến biết bao những tác phẩm vô giá trị, những nghệ sĩ cơ hội. Thậm chí cá tính của một người nghệ sĩ không còn. Một thứ nghệ thuật chung chung, giống nhau, không có khía nhìn, khía cảm, khía suy nghĩ của người tác giả. Công thức lạ lùng. Phải vứt những chữ kịp thời tai hại kia đi. Để cho nghệ sĩ có thì giờ mà suy nghĩ, mơ mộng, đuổi theo những đề tài của mình, phát triển cái cá tính của mình, nêu những vấn đề của cuộc sống. Mà phải có bản sắc, phải có cái điệu tâm hồn của mình. Người ta đang thắc mắc, đang chuyển, đang có nhiều chuyện cần giải đáp. Hãy giải đáp cho cuộc đời, cho cuộc sống. Nhà văn phải là một nhà tư tưởng bằng nhân vật, bằng hình ảnh. Không phải chỉ là phản ánh, mà còn là tổng kết, là soi sáng. Đừng viết cái gì nó không soi sáng cho con người, cho xã hội. Cầm lấy cái thìa khóa của nghệ thuật mà mở cửa ra cái mênh mông của cuộc sống. Tác phẩm hãy đem theo ánh sáng, hơi thở, gió lộng và hương thơm. Và đừng viết cái gì không có thơ, khô khan, vô vị. Hãy làm nhạy các giác quan của người, gây mỹ cảm. Suy nghĩ, suy nghĩ, và suy nghĩ. Đừng thờ ơ với một cuộc sống dù nhỏ.

 

10-6-1956

Oi bức. Không khí rất khó chịu.

Khi người ta không tự giác, thì mất tự do. Người đưa ý kiến, nhắc nhở chỉ là mệnh lệnh chủ quan.

Quan hệ hành chính bao giờ cũng khó chịu. Quan hệ tư tưởng, quan hệ nghiệp vụ mới thoải mái. Trong văn nghệ, việc này càng rõ.

 

11-6-1956

Xem vở kịch Nọc rắn của Bửu Tiến. Chán quá. Đúng là kỹ thuật không giải quyết được vấn đề gì. Vở kịch không giải đáp được một thắc mắc nào của con người.

Họ coi thường nghệ sĩ quá. Công đoàn Vụ nghệ thuật họp xong, giải tán; anh chị em tản ra ngoài phố, uống nước ở một cái thùng to. Khánh Vân(4) ra đứng vẩn vơ ở bờ hồ để uống nước mía. Trông rõ là bệ rạc. Họ không chú trọng nhân phẩm con người. Họ không chú trọng đời sống riêng của người ta. Làm nhà, họ chỉ theo một số nguyên tắc cứng đờ: không nghĩ đến gia đình người cán bộ. Vừa đây, Hồ Chủ tịch đến thăm khu nhà công nhân viên, có hỏi sao không có chỗ cho gia đình anh em, họ mới lại cuống lên. Thơ lại.

Phụ nữ không được chăm sóc. Một nghệ sĩ như Khánh Vân, không có một buồng riêng.

 

14-6-1956

Không thoải mái với Yến Lan. Gắt gỏng. Cần bình tĩnh, ôn tồn. Đấy vẫn là bí quyết của cảm tình và thắng lợi.

Nhận xét: Những người trung gian phần lớn là bị địch lợi dụng, và phần lớn là hại đến thân. Họ muốn an thân, nhưng chính họ lại chết vì cái tâm lý cầu an của họ.

 

16-6-1956

Làm chương trình sáng tác. Theo đuổi đề tài Chú Cuội và Truyện một người mẹ, lấy gia đình chị Cúc làm nòng cốt.

 

Thắng còm quá. Lo cho con. Lầm lì quá với con gái. Buồn vì chúng nó học dốt. Hối hận đã chẳng trông nom học hành cho con cái. Hòa(5) có nhiều tính tốt. Không giận ai. Bố gắt, mẹ mắng, nhưng rồi lại quên ngay. Sát bố, và mong mỏi sự ân cần vuốt ve của bố, nhưng bố lạnh lùng!

 

Chuẩn bị Đại hội Văn nghệ toàn quốc. Nghe thắc mắc của anh chị em văn, thơ. Đả kích lãnh đạo của Hội lung tung. Bất mãn vì giải thưởng, tập trung thắc mắc vào Ngôi sao. Động cơ xây dựng thì ít, mà ghen tị, thì nhiều. Qua những cuộc phát hiện thắc mắc, thấy rõ trình độ những người làm văn ở nước mình sao mà thấp kém. Ít băn khoăn về sáng tác, nhất là về trách nhiệm, nhiệm vụ người nhà văn trước nhân dân, trước cuộc sống, đối với con người, đối với vấn đề phục vụ, xây dựng tâm hồn. Nổi lên vẫn chỉ là vấn đề kèn cựa, ghét nhau, dìm nhau, bới lông tìm vết, soi mói, đả kích. Không khí của làng văn sao mà buồn và thảm. Chờ đợi một người có những ý kiến cao quí về sứ mạng nhà văn không có. Chưa có ai tự trách tâm hồn kém, nghệ thuật non, tư tưởng tầm thường, mà chỉ suy bì về vấn đề xuất bản hay không xuất bản. Làm sao mà có tác phẩm tốt được trên cái cơ sở hèn hạ ấy? Vươn lên. Vươn lên. Trút lại những cái gì là cạnh tranh bẩn thỉu. Nhân dân ta nặng quá những tàn tích tư sản, đế quốc, phong kiến. Không phải chỉ ở trên lĩnh vực văn nghệ, mà ở tất cả các cơ quan đoàn thể khác, tư tưởng bao trùm là địa vị, là háo danh. Nhân dân ta ơi! Sao mà người nặng nhọc thế. Ta thấy rõ tính người tự ái, tự ái đến thành bệnh tật. Nó làm cho tinh thần trách nhiệm, tính tự trọng bị sút kém rất nhiều. Đẹp biết bao một người lính vô danh hi sinh cho sự nghiệp cách mạng. Phải đả cái tệ tư tưởng địa vị, háo danh. Trong văn nghệ, mệt vô cùng là những lời ong tiếng ve, những lời nói xấu. Phải chăng là tàn dư của tính nô lệ? Phải cao quí, hỡi nhà văn.

 

Viết thư cho ông Hồ Viết Thắng(6) để xin gặp. Không trả lời. Rất khó chịu. Không thể vì lý do là một Trung ủy mà có quyền bất lịch sự. Cái hiện tượng xu phụng người trên, khinh kẻ dưới, cái hiện tượng vô lễ rất nặng trong Đảng.

Làm cách mạng là để giải phóng con người, là để nâng cao phẩm giá con người. Nhưng hiện nay trong Đảng phẩm giá con người chưa được tôn trọng, quyền lợi con người không được đảm bảo. Cán bộ là người làm việc nhiều nhất lại là cái thứ người mà người ta coi nhẹ, ít chú trọng.

 

Phải yêu thương quần chúng ngay khi họ chửi mình. Phải tin vào khả năng đoàn kết của nhân dân, của anh em ngay trong những ngày mâu thuẫn nhất. Phải tin ở khả năng tiến bộ của mình ngay những khi còn đuối. Một nghề nghiệp cao quí biết bao là nghề viết văn. Đưa lại cho đời một bó đuốc, không to thì nhỏ. Biểu hiện những tư tưởng cao thượng, làm cho con người thương nhau, hiểu nhau, tới với nhau, chọc thủng cái màn dối trá do cái thủ đoạn tuyên truyền rất đểu của đế quốc, con người nhìn thấy nhau, ôm lấy nhau. Đẹp vô cùng. Và phấn khởi vô cùng. Nghề gì cũng đẹp, miễn đấy là một nghề. Nhưng có cái nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy nguyên liệu chính là con người, một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo?

Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật. Phải thật với người.

---------------

(1) Con gái đầu của tác giả.

(2) Bà Trịnh Thị Uyên, người bạn đời của nhà văn.

(3) A.I. Mikoyan (1895-1970), Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, sang thăm Việt Nam hồi đầu tháng 4/1956.

(4) Nữ ca sĩ, nổi tiếng với ca khúc Bài ca hy vọng của Văn Ký.

(5) Tên gọi trong nhà của Nguyễn Dục Tú, con gái thứ tư của tác giả (được đặt tên theo tên làng).

(6) Cán bộ Trung ương, một trong những người trực tiếp điều hành Cải cách ruộng đất.

Các Bài viết khác