“MỘT NGƯỜI BẠN THÂN, CÒN GÌ ÊM ÁI HƠN”
( 17-02-2015 - 12:49 PM ) - Lượt xem: 1284
LTS: Sau những ngày Tết Canh Thìn(1940) được về đoàn tụ với người vợ mới cưới ở Hà Nội,Nguyễn Huy Tưởnglại phải xuống đất Cảng để trở lại với đời thư ký sở thuế quan Hải Phòng, nơi ông bị đổi xuống từ trong năm. Nhưng cũng chính tại đây, ông đã gặp lại một người bạn học từ thời hàn vi ở trường Bonnal, Hải Phòng. Đó là ông Lưu Văn Lợi, người mà trong nhật ký thường được Nguyễn Huy Tưởng gọi thân mật là “Lợi”, hoặc “anh Lợi”. Trở thành đồng liêu, hai ông giờ đây càng có dịp gắn bó với nhau – không chỉ bằng một tình bạn thân nhường cơm xẻ áo, mà còn khuyến khích nhau hoạt động văn chương, xã hội…
18-2-1940
Dự một kỳ hội đồng của Hướngđạo. Sao ta lại ngần ngừ? Sao ta lại uể oải? Đây là trường đào luyện chí cả gan vàng. Trông kìa! Vườn bách thảo trong buổi chiều êm dịu của một mùa xuân. Trời yên tĩnh và gió mát. Khách chơi xuân ẩn hiện trong bóng cây. Bên hồ, mấy lứa khách trú ngồi, và nhường thích cảnh đẹp, cất giọng líu lo ca; giai nhân Trung Quốc, tóc ngắn, áo lam, để hở hai cánh tay trắng muốt, bật nổi giữa cảnh thanh tĩnh, đi đi lại lại, phản chiếu ánh yểu điệu dưới hồ.
Nhưng sao lại tả cảnh ấy? Trông một đoàn sói con(1). Anh đoàn trưởng khuyên nhủ. Họ ngồi xệp xuống cỏ, làm hình móng ngựa. Mặt vui vẻ. Ôi! Biết bao nhiêu hi vọng cho tương lai! Nhưng lại nhớ đến một cảnh hùng vĩ hơn, khi xưa vua Quang Trung sắp ra đánh quân Thanh, hiểu dụ tướng sĩ cũng truyền cho họ ngồi xếp bằng tròn mà nghe lệnh. Quang Trung! Quang Trung! Tên đoàn là QuangTrung, sao hợp với ta thế! Vị cứu quốc anh hùng. Ta lại nóng ruột muốn ca ngợi, mà sao lời không ra? Hơn một năm trời bỏ phí?(2) Biết bao giờ, ta mở tiệc thưởng công thành, như vua đã mở tiệc khao chiến công?
19-2-1940
Trưa, đang nằm, trở dậy, ra đi tiểu tiện, chợt thấy đầu nặng, muốn ngã về đàng trước, mắt sầm lại, người lảo đảo, rồi thấy nóng mắt, tưởng vợ mong, nhưng mắt máy nhanh quá, trước còn một bên, sau cả hai bên, trong khi ấy thì bụng nôn nao. Tay phải giữ vào bức tường mới không đến nỗi ngã. Một lúc lâu, mới vào phòng, lên giường, thở hổn hển, và lo sợ về cái hiện tượng lạ lùng vừa xẩy ra trong than thể. Lâu lâu mới lại hồn, mắt sáng, và người nóng râm ran, như đổ mồ hôi sau cơn sốt. Dần dần mới thấy dễ chịu. Có lẽ là bốc hỏa quá, mới sinh ra cái hiện tượng kể trên.
Óc kém, đầu ù. Mặc dầu không phải vì thế mà ta sợ. Ta vẫn phấn đấu, và vẫn coi thường. César, bậc anh hùng cái thế của La Mã, vẫn hay có chứng động kinh, vậy mà chứng ấy vẫn không làm trởngại được sự nghiệp vĩ đại của nhà độc tài.
Ta cũng vậy. Cái suy quyện về thân thể không phải là một cớ để ta sinh lười biếng. Trái lại, nó kích thích cho ta làm việc hơn lên.
20-2-1940
Ngày Tết đã qua. Sắc hoa không hợp thời, dấu vết những ngày tưng bừng, trông ủ rũ tuy vẫn tươi. Tưởng như cô con gái đã quá thì còn sống cái đời trai trẻ thơ ngây, trông lố lăng tệ. Lại tiếng pháo gì đây nữa? Ôi những tiếng pháo rải rác, vô duyên. Tiếng pháo to, mà vẫn tẻ! Ôi những thanh, những sắc không hợp thời! Nhạt nhẽo vô cùng! Nhưng cũng đáng thương trong vô duyên, trong nhạt nhẽo!
Không cái gì có thể sánh với văn chương, mỹ thuật. Văn chương, mỹ thuật, nhất là thơ, chỉ nhận những cái đẹp, cái hay, cái sắc sảo. Cái tầm thường không thể len vào những gấm vóc ấy, nó sẽ nẩy ra ngay, như một cái đinh không giấu được. Người ta có thể chịu được cái tầm thường trong chỗ khác; không bao giờ người ta có thể chịu được nó trong văn chương, trong mỹ thuật. Văn chương, mỹ thuật có thể ghê tởm, nhưng không thể tầm thường được.
Hẵng chạy cái tầm thường như một kẻ thù.
21-2-1940
Chủ sự(3) vào buồng giấy. Thét, quát tháo, hạch lạc. Cả buồng đương tươi cười, bị treo dưới khủng bố. Mười cái đầu cúi xuống, vờ vĩnh làm việc, hình như nín thở cả, và viết. Còn đâu cái oanh liệt khi chủ sự không có đấy? Nhưng sao ta lại sợ người chủ sự? Người chủ sự ấy, về giá trị học thức cũng như về giá trị tinh thần không đáng liếm gót giầy ta. Lòng ta ơi, ngươi hẵng triệt hết cái nọc sợ ở trong lòng ngươi, nó làm cho ngươi mất tính cách một người. Không sợ! Không bao giờ sợ cả. Có gì mà đáng sợ, hay chỉ là cái bóng của sự bất trắc về tương lai?
Ta muốn thoát ra cảnh giam hãm này. Thà ta là một độn rạ... Ngu si hưởng thái bình... Nhưng trời lại cho ta một cảm giác linh mẫn, một tâm hồn dễ xúc động. Cái đau khổ tinh thần không động đến tình cảm những bạn hữu nhởn nhơ, thì trái lại đập vào ta một cách sâu xa đến không chịu được. Dây đàn tình cảm của ta, chỉ một tiếng sẽ, đã rung.
Trời! Tôi muốn giương cánh bay cao, mặc mưa gió, mặc đói rét, miễn là không bị giam trong cái ngục vàng này. Tôi muốn bay, nhưng bao nhiêu dây trần thế trói lấy cánh tôi, mà giữ tôi sống cái đời tù tội! Những dây độc địa, tuy mong manh mà rất mạnh, nó trói tôi, tôi biết là khổ, nhưng nó trói một cách âu yếm biết bao, ấm áp biết bao, và tôi đành chịu trói bởi những dây vô tội mà lại có tội ấy!
Không bao giờ, tôi xấu hổ với cái đời hạ đẳng của tôi như hôm nay!
22-2-1940
Tình thân mật và dây liên lạc của Lợi(4) và tôi, ở nha phó giám đốc người ta đã nhận thấy. Người ta đã bàn: “Bao giờ cũng tay đôi”, vì bao giờ họ cũng thấy chúng tôi đi với nhau. Ấy cũng là một điều hay, nó lại là một cách khuyến khích cho chúng tôi thân nhau hơn nữa. Một người bạn thân, còn gì êm ái hơn! Tôi lại thẹn, khi nghĩ rằng mình đã phụ tình bằng hữu nhiều. Tôi muốn hi sinh, cho bạn. Chia cơm sẻ áo còn được, huống chi là chịu thiệt những cái không vào đâu? Một người bạn hiền, đó là tất cả một kho tàng mà trời cho, mà ít người đã có. Ngươi nên tự phụ là có một người bạn trẻ để yêu quí, để săn sóc. Huống chi sự gần gũi anh Lợi chỉ có ích cho tinh thần ngươi thôi.
23-2-1940
Chưa thấy cái vui trong công việc mình làm, chưa có thể tính đến kết quả. Chỉ khi nào công việc của mình khiến cho mình say sưa, nhiệt thành, chỉ khi ấy mình mới có sức mà làm trọn công việc ấy. Cầm bút đã nản, thì còn mong làm sao có được cái khí mạnh trong lời văn?
Tôi lấy vợ, mong để phụng dưỡng mẹ, mà nào vợ tôi có hầu hạ mẹ tôi một chút nào? Nàng vẫn ở Hanoi, sungsướng trong tuổi trẻ hồn nhiên, trong khi ấy thì mẹ tôi vẫn chạy ngược chạy xuôi để lo từng bữa cơm một! Có lẽ vợ tôi chả hiểu những nỗi băn khoăn nó đè nén tôi, vì nàng còn trẻ, và chưa từng trải việc đời. Than ôi! Cái đời làm con của tôi chỉ là một đời khốn nạn. Và cách tính toán trên đường đời của tôi chỉ là một tràng hạt lỗi lầm!
24-2-1940
Ngồi nói chuyện với anh Lợi trong sở. Bạn muốn viết một bài là Cây thông trong chậu sứ. Nghĩa như thế này: Anh Lợi vốn là một người ngang tàng, sống như một cây thông, mọc trong sỏi, bạn với phong sương, [bất chấp] tất cả những cái khổ của cuộc đời, những cái bã của cuộc đời, mà thông vẫn sống, mà mọc thẳng băng reo lên những tiếng anh hùng. Nhưng nó chỉ sống được trong cảnh độc địa ấy. Nếu người ta đem trồng vào một chậu sứ đẹp, bón phân tưới nước, che nắng gìn mưa, thì cây thông sẽ chết. Vì bạn tôi chỉ là một người con của phong trần, của nghèo túng, của vất vả, và đã quen sống cái đời khắt khe. Nay bạn tôi lấy vợ, những sự vuốt ve của người vợ quá chung tình chỉ là những viên thuốc độc để làm trụy lạc một linh hồn cứng cáp.
Rồi nói về quan niệm, chúng tôi quay ra nói về cái quan niệm chung. Ôi lý tưởng! Ôi xa vọng! Trời đã sinh ra ta bắt ta cảm thấy cái nguy của đời hèn kém, sao lại không cho ta một chút tài năng? Thà cứ ăn no ngủ kỹ, ù ù cạc cạc, sao ta lại mua lo chuốc phiền làm gì?
Rồi liên man, nói chuyện đến quốc gia. Chúng tôi cùng tathán. Trông sâu vào tương lai, mờ mịt. Tìm những cách để tự cứu. Mơ màng và thốt gọi những anh hùng như Lê Lợi. Bạn tôi có nói đến cái phong trào đã khiến cho nước Tiệp Khắc đoạt được tự do, và đứng dậy. Đó là phong trào do giáo sư M. Tyrs với sáu người bạn khởi xướng, gọi là phong trào Sokolisme (Sokol = Faucon)(5). Bước đầu bị chính phủ Áo tình nghi, bẩy người thủ lĩnh vẫn tiếp tục tiến hành. Phong trào bành trướng, bành trướng mãi. Mục đích chỉ là thể thao và kỷ luật. Có khi thao diễn, 70.000 người về dự. Già trẻ, trai gái không thiếu một ai. Khách ạn đầy người. Một bức tranh hung vĩ là khi người sokolistes tập dượt, cử động đều như máy. Dân Tiệp vì thế mà khỏe mạnh, biết trọng kỷ luật, và tiềm tàng một sức chiến đấu vô cùng.
Tôi mơ màng đến một phong trào na ná như thế trên đất Việt Nam. Không lấy chim kền kền là biểu hiện, tôi sẽ lấy Rồng. Rồng, trong sử cũng như trong tín ngưỡng, vẫn là cái dấu hiệu riêng của dân tộc Á đông và nhất là dân tộc Việt Nam, nó chỉ một sức mạnh phi thường. Nếu phượng hoàng là dấu hiệu của nước Đức, Rồng sao lại không thay mặt được cho giống Long Quân?
(Ký: Nguyễn Huy Tưởng)
---------------
(1) Sói con: hướng đạo sinh dưới 12 tuổi.
(2) Bài ca về vua Quang Trung mà Nguyễn Huy Tưởng đã dự định làm từ một năm trước đó nhưng chưa thành.
(3) Trưởng phòng, người Tây.
(4) Cùng tham gia hoạt động Hướng đạo, cùng gia nhập Văn hóa cứu quốc với Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi về sau trở thành cán bộ ngoại giao. Ông từng làm Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, viết nhiều sách về ngoại giao và chủ quyền đất nước.
(5) Faucon: tiếng Pháp có nghĩa là chim cắt.
NGUYỄN HUY THẮNG