NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“MỜI CÁC BẠN THẬT SAY”

( 25-01-2020 - 07:37 AM ) - Lượt xem: 870

LTS: Năm Canh Tý 2020 và năm Canh Tý 1960 – năm nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời – đều có điểm giống nhau là Tết đến sớm, đều vào tuần cuối của tháng 1 dương. Tết năm ấy, như linh cảm về sự ra đi của mình, nhà văn đã dành hầu như trọn ba ngày Tết cho người thân, bạn bè. Đồng thời cũng chia sẻ nhiều suy nghĩ của mình về nghề văn và tác phẩm. Xin giới thiệu một số dòng nhật ký ấy của Ông. (Đầu đề lấy theo một câu “khẩu hiệu” của họa sĩ Nguyễn Sáng được tác giả nói tới.)

3-1-1960

Nguyễn Sáng tặng một bức tranh[1], tự đem đến đóng. Cảm động vì cái tình của bạn.

Mời Nguyễn Sáng và Nguyên Hồng đi ăn. Nguyên Hồng nói: Người cán bộ chính trị hiện nay hay so bì, quên mất cái phẩm chất của mình, là phục vụ nhân dân. Về phương diện văn học, anh phải phục vụ văn học, phục vụ nhà văn, có khi anh phải chịu mọi thiệt thòi hi sinh để làm những điều ích lợi cho phong trào văn học. Đường này không thế. Họ dìm hơn là nâng đỡ.

Nguyễn Sáng mở cái phòng con, chỉ cho xem những khung tranh, những mảnh bình phong: tất cả để chuẩn bị vẽ. Hí hửng và sung sướng.

4-1-1960

Liên hoan ở Hội Nhà văn.

Nghe nói Tú Nam bị đả vì bài Một đêm tháng Chạp.

Nguyễn Khải sắp phê bình Bốn năm sau[2]. Nói mình có định viết đâu, nhưng vì đã ở Điện Biên. Giọng sẽ là chê chăng? Bốn năm sau sẽ lại như Những người ở lại, mới đầu được anh em thích, sau lại bị đánh túi bụi ư?

Không có gì buồn [hơn] khi một nhà văn của thời này được tin tác phẩm của mình sắp “được” phê bình!

6-1-1960

Phong trào viết hồi ký. Sự thật chưa thành phong trào, nhưng có một vài mẩu của các đồng chí cách mạng: Sao Đỏ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Tạo, v.v... Cũng tốt. Nhưng người ta đã hú hí kêu lên đấy là một hiện tượng lớn lao, một sự kiện quan trọng, trong khi đấy mới chỉ là một số tài liệu không hơn không kém. N.Đ.T nói: Viết tiểu thuyết thế nào chứ không thì hồi ký nó hay hơn đấy. Kỳ cục cho lời một người lãnh đạo văn học nói với các đồng chí nhà văn!

Người ta vẫn tiếp tục phê bình Cái sân gạch, xoáy vào nhân vật lão Am để truy thành phần! Làm âm ỉ lên quá!

 

10-1-1960

       Về quê. Lại chơi ông phó Uẩn. Kể lại những chuyện hiển hách của ông cha: cụ Ngự, bác Cử. Cụ Ngự làm quan thanh liêm, không ăn của đút. Mẹ nghèo, Tết mong con về, chỉ thấy hai lính gánh một chum mật về thôi. Cụ Cử hay chữ, v.v...

       Rồi phàn nàn cán bộ, đánh thuế cả phân, trong khi chính sách của Chính phủ thì tốt. Rồi phàn nàn nghề máy khâu vất vả, khi no dồn, khi đói góp. Muốn thôi, xoay sang nghề làm cái vỉ đập ruồi !

       Làm một bài hát chúc thọ cụ Hồ. Phàn nàn bây giờ văn không dùng điển, có điển mới hay. Bây giờ chuộng lối văn đại chúng. Buồn nhất là bây giờ không có người bẻ. Bẻ mới thích.

       Tôi biết người anh họ của tôi rất hiếu thắng. Và ai bẻ văn anh ấy thì bị oán bị thù.

16-1-1960

       Người ta bắt đầu nói về 15 năm văn học. Trong ấy dành một phần rất lớn cho Vũ Thị Thường, cho Châu Diên. Đề cao không đúng và không hợp chỉ chết cho những người ấy: tự mãn, chủ quan.

17-1-1960

       Đi khám bệnh ở nhà Trần Đình Sóc, 74 hàng Bông. Nói chuyện về ông Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San, tức Hi Tăng. Một người có đầu óc cách tân phải nuốt giấy bản tự tử, vì vấp phải một triều đình lạc hậu, bảo thủ.

       Xem mạch. Nói bệnh ta suy lắm. Mật, ruột, tim, thận đều yếu hết. Khó chữa thật khỏi, mà chỉ đỡ được thôi.

       Thấy buồn buồn. Mà thực tế là thấy có phần suy nhược.

18-1-1960

       Dư luận đối với Bốn năm sau tốt. Đỗ Quang Tiến cho là thường. Siêu Hải nói: Văn già dặn, đúng các anh là đàn anh.

       Nhưng đi qua các hàng sách: thấy vẫn bán Bốn năm sau đầy rẫy.

       Muốn viết một truyện vừa thật poignant [xót xa] nói về cái quí của một mạng con người, bất cứ là người gì. Mà cần phải quí, phải nâng niu, mà giết một người, ấy là anh mang một tội lớn.

       Chuyện chính người ấy đang giúp anh, đang đem lại một điều gì ích cho anh mà anh giết người ấy?

21-1-1960

Xử Nguyễn Hữu Đang - Thụy An - Minh Đức - Phan Tại - Lê Nguyên Chí. Nguyễn Hữu Đang trở thành đầu xỏ gián điệp?

Nghĩ cũng đáng ngậm ngùi. Tên tuổi dính liền với tên tuổi Thụy An.

(…) Cái đặc biệt của những kẻ xoàng là cho kẻ khác xoàng để tỏ rằng mình

không xoàng. Nên rộng lượng trong khi phê bình người khác. Và nhà văn khi có tác phẩm nên chú ý đến những lời chê hơn là những lời khen.

25-1-1960

Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời lên ăn tiệc. Tiệc vui. Đặt nhiệm vụ nhà văn năm 60. Nhưng lại thấy phải làm việc nghệ thuật một cách thận trọng, không được vội vàng. Yêu cầu thì khẩn trương, mà sáng tác phải vững chắc, không nên hấp tấp.

Ý kiến của Đồng về Bốn năm sau: tốt. Bốn năm trang đầu rất hay. Hình ảnh hai người mẹ tốt. Nhưng có mấy khuyết điểm : cái mới chưa rõ - nhân vật chưa có những nét điển hình. Thủ tướng lưu ý đến việc viết văn: cần phải trau dồi ngôn ngữ.

Buổi họp rất vui. Nhiều cảm tình với Thủ tướng. Nguyên Hồng: Chúng tôi ăn cơm, ăn thịt của nhân dân thì phải trả bằng cơm, bằng thịt, chứ không phải bằng giấy, bằng gỗ.

Phát hành Kể chuyện Quang Trung[3].

*

Không ăn liên hoan ở Hội Nhà văn. Mà đến ăn cơm riêng nhà [Nguyễn] Sáng. Hai chậu cúc. Bàn tiệc giữa, trên đề khẩu hiệu: Mời các bạn thật say.

Nướng mực bằng cồn. Rồi giò, bánh chương. Câu chuyện vui.

Đêm ba mươi: ăn giao thừa nhà Phạm Văn Khoa. Không còn cái hào hoa ngày trước, nhưng quí bạn, muốn bạn ở lại thật lâu, cho đến giao thừa.

Đêm mồng 1: uống rượu Tây rất khuya ở nhà [Dương Bích] Liên. Vặn máy hát, nghe những đĩa cô đầu. Nhớ những ngày hội mùa, những cảnh đình đám khi xưa.

Ba đêm liền đều rất vui. Tối giao thừa, anh Tố Hữu và vợ đến chơi.

Mồng 2, mồng 3 (29 – 30-1-1960)

Về quê ăn Tết. Trời đỡ rét. Cảnh mùa xuân. Bên đường: cây đu, hai phụ nữ đánh đu. Bộ đội đứng dưới. Không còn cảnh nam nữ đánh đu.

Tết ở nhà quê vui. Nhà nào cũng có Tết: có bánh, có giò, v.v... Mùa được.  Những người vào hợp tác xã cũng thu hoạch khá, tuy không bằng mọi năm.

Mấy anh cháu đi dạy học xa đã đọc Bốn năm sau. Có vẻ mến phục chú.

Mồng 2: gặp Trịnh Xuân An khen Bốn năm sau hay.                                                             

Bán khá chạy. Các hiệu sách “Nhân dân” không còn bán.

Mồng 3

Cùng vợ đi chúc Tết Phan Bình. Bà Kỷ. Vào một hiệu mua Kể chuyện Quang Trung: cũng hết. Vợ vui sướng, nhìn thấy cuốn sách ấy không bày trên tủ hàng.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

[1] Bức Phóng tác sân họa, sơn dầu, 65 x 74 cm, 1959.

[2] Ra từ giữa tháng 12-1959.

[3] Nhà xuất bản Kim Đồng, 1959.

Các Bài viết khác