NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“ĐÂY LÀ LÒNG TÔI”

( 13-02-2014 - 05:24 AM ) - Lượt xem: 1386

Đó là lời mở đầu một tập nhật ký mà chàng trai Nguyễn Huy Tưởng ở tuổi đôi mươi gọi là Nhật ký tư tưởng. Trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Tưởng đề ra cho mình một thói quen: hằng ngày đào sâu tư duy và ghi lại những suy nghĩ về cuộc đời nói chung và văn chương nói riêng mà ông gọi là “tư tưởng của tôi”. Với tất cả ý thức về yêu cầu đặt ra và kết quả đạt được, ông luôn quan niệm cốt lõi của những tư tưởng ấy, dù bàn về gì, không phải ở “lý”, mà ở sự thành thực với lòng mình, như ông từng tâm niệm: “Tư tưởng của tôi không phải là những câu đạt lý, nhưng là những câu phát tiết ở trong lòng mà ra” (Nhật ký tư tưởng, 17-2-1932).

24-3-1931

Lúc nào cũng sướng: việc được cũng sướng, việc hỏng cũng sướng; người yêu cũng sướng, người ghét cũng sướng.

Ta cứ yên tâm, thương người thế là ta sướng.

15-5-1931                    

Vấn lương tâm không đủ - như thế chỉ tự làm khổ thân. Vấn lương tâm phải có nghị lực để hoán cải lòng mình.

6-9-1931

Trang Tử gõ bồn mà hát, lấy lẽ rằng sự sống chết là do ở sự biến hóa trong giời đất. Lẽ đó thực phải. Nhưng Trang Tử chỉ theo lý mà không xét đến tình. Ăn ở với nhau: cha mẹ, anh em, vợ chồng, bè bạn, mà lúc chết lại viện lẽ mà không thương xót, há chẳng vô tình lắm ru? Mà vô tình tức là đá, là cây chứ không phải là người.

7-9-1931

Trong đời Tam Quốc, Tào Tháo thực là anh hùng chứ không phải gian hùng. Vì nếu cho Tháo là gian, thì César bên La Mã, Napoléon bên Pháp cũng không được tiếng anh hùng. César, Napoléon có cái tội tầy đình là đánh đổ dân chủ, chứ Tháo chỉ là người anh hùng tự lập trong thời loạn ly mà thôi. Hiếp thiên tử Tháo mang tiếng xấu, nhưng [Lưu] Bị, [Tôn] Quyền, đặt vào chân Tháo, trong tay có mãnh tướng hùng binh, chắc không kém nào. Tháo tàn ngược, nhưng để hộ thân chứ không để lấy vui như Trụ - Kiệt.

11-9-1931

Lấy lý mà xét thì Quý Ly, Đăng Dung cướp ngôi của chúa thực là công bằng. Nhưng lấy tình mà bàn, thì Quý Ly, Đăng Dung là quân bội phản.

12-9-1931

Khi ta xem một bài văn, một cuốn tiểu thuyết, nếu ta thấy hay thì biết rằng cái văn ấy đứng đắn; nếu ta thấy cảm động thì biết rằng văn ấy tự nhiên.

13-9-1931

Một bài văn nhiều chữ khó cũng như một đống cát trộn lẫn với những hòn sành nhọn. Một bài văn giản dị chẳng khác chi một tấm thảm nhung.

17-9-1931

Những sách hay phần nhiều là sách tả tình cực hay. Corneille, Racine, Molière, sở dĩ bất tử là vì các nhà ấy thường trọng tình hơn trọng cảnh.

Tả cảnh chỉ là cách làm cho sự tả tình đúng mà thôi.      

3-1-1932

Tôi yêu hoa thì tôi mới sửa vườn.

5-1-1932

Trí tưởng tượng là cái diều bay trên không, sự quan sát từng trải là cái ghế ngồi chắc chắn.

13-1-1932

Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được, mà cầy ruộng nào cũng được.

16-1-1932

Văn chương mà không có giọng văn chương, mấy gọi là chân chính văn  chương.

19-1-1932

Những hình dung từ (image) dùng để tả một việc gì có thể nổi lên vì “image” ấy. Bạ chỗ nào cũng viết “image” không phải là văn mà là dệt văn vậy.

Xưa nay người ta phục những chữ bình thường mà tài tình hơn là những chữ khó mà tài tình.

Kẻ viết văn bình dị dễ hiểu làm cho độc giả thích, vì những người ấy vừa đứng vào địa vị ngang hàng độc giả, vừa đứng vào địa vị một người có học thức lễ phép.

24-1-1932

Đọc những lời của đức thánh Khổng thì ta khôn người lên và gắng sức mà làm trọn bổn phận. Đọc những lời của đức phật Thích Ca thì ta nhẹ nhàng người ra mà muốn xả thân làm việc cho đồng bào.         

27-1-1932

Trong cuốn kịch “Hamlet”, Shakespeare đem diễn lên sân khấu biết bao nhiêu là những việc kinh hãi gớm ghê: nào là đầu lâu, nào là tha ma, nào hồn người chết. Nay ta xem cuốn kịch “Athalie” [của Racine] thì ta lại thấy cái vẻ thiết thực tôn kính biết bao: nhiều việc đáng sợ mà không diễn ra, bỏ hết những việc rườm rà quái đản, thật là hợp với cái lẽ trong sạch điều hòa của giời đất vậy.

Hamlet thì chắc rằng hay hơn Athalie, nhưng kém cái vẻ nhã nhặn trang nghiêm, như ý bỉ nhân thì xin gọi “Athalie” là văn chương, mà gọi “Hamlet” là công nghiệp văn chương.

31-1-1932

Nghe thơ của Musset có cái vẻ ngạo mạn lăng tằng và tự phụ, đọc nhiều sinh chán miệng. Nghe thơ của Lamartine có cái vẻ êm đềm thánh thót, càng đọc càng như muốn yêu người, thương người, càng thấy trong lòng hể hả và thanh tao, càng thấy miệng thơm tho như lan huệ.

23-2-1932

Cái đẹp do ở sự giai cấp bất bình đẳng, cái sướng do ở sự giai cấp bình đẳng.

24-2-1932

Người ta sợ văn chương, kính văn chương hơn là cường quyền, không phải rằng văn chương có tính cách thiêng liêng gì đâu, chỉ vì văn chương là lời nói của công chúng, là tiêu biểu cho trí tiến thủ của nhân loại.

29-2-1932

Người Tây theo đạo Gia Tô, luân lý thì dựa vào [luân lý] của ông Socrate (Tô Cách Lạp): hai vị đạo tổ ấy đều chết một cách dã man đau đớn.

Người Á Đông theo đạo Phật, luân lý thì dựa vào [luân lý] của ông Khổng Tử: hai vị đạo tổ ấy đều chết một cách hoan lạc êm đềm.

Cứ theo lẽ đó mà hiểu được cái dân trí cương cường và cái dân trí êm đềm của dân Âu và dân Á.

5-3-1932

Văn hóa Á Đông của ta là cái văn hóa cao thượng khắp năm châu không đâu có. Nếu ta không sớm biết hô hào, cổ động và kiến thiết lại văn hóa – mà như thế tức là ta có thể thoát ly được hết cả cường quyền – thì dân Á Đông không bao giờ mở mặt ra được, và chỉ cúi đầu mà theo cái văn hóa phũ phàng và vật chất của Âu Mỹ mà thôi.

20-3-1932

Để cho thi sĩ nói về tổ quốc, mà để cho các nhà hiền triết bàn về nhân loại.

21-3-1932

Tôi nhiều bạn, nhưng bạn yêu nhất của tôi tức là tôi vậy.

24-3-1932

Ta không có đức ư? Ta phải đem trí ra mà làm việc cho thiên hạ. Ta không có trí ư? Ta phải đem cái tài ra mà làm việc cho thiên hạ. Ta không có tài ư? Ta phải đem cái lực ra mà làm việc cho thiên hạ. Ta không có lực ư? Ta phải đem cái thân ra mà cống hiến cho thiên hạ.

Người nào không làm được việc này, tất làm được việc nọ: cái cơ tiến bộ ở đó vậy.

29-3-1932

Tôi chưa có thể tin cậy được lòng tôi, nhưng tôi có thể tin cậy được rằng tôi không phải và tôi không muốn làm một người tầm thường.

31-3-1932

Ta cứ viết. Dù chẳng hay ta cũng tập viết. Ta cứ nghĩ. Dù chẳng hay ta cũng tập nghĩ. Lúc đầu viết chẳng hay nhưng rồi sau cái hay nó đến mà mình không biết. Lúc đầu nghĩ chẳng hay, nhưng rồi sau cái hay nó đến mà mình không biết.

Tập nghĩ luôn, và tập viết luôn để ghi chép lấy sự nghĩ của ta, sự nghĩ ấy ta càng nhớn nó càng dồi dào minh bạch.                                                                                       

6-4-1932

Đối đãi với người bằng lòng nhân, đối đãi với mình bằng nghị lực.                                                                                    

16-4-1932

Tôi quí Corneille vì các vai chủ động trong những tấn kịch của ông đều là những người có nghị lực. Tôi quí Racine vì cái cách tả tình của ông rất sâu sắc. Tôi ghét Corneille vì ông tả toàn một lối văn. Tôi ghét Racine vì vai chủ  động của ông không có nghị lực mà chống lại với dục tình.

20-8-1932

Sự thực đã khám phá ra thì sức tưởng tượng giúp cho sự thực thành ra minh bạch rõ ràng. Sự thực mà chưa khám phá ra thì sức tưởng tượng làm cho sự thực thành ra hắc ám mơ hồ.

*

Văn chương là một thứ hình phạt rất nặng, mà lại là một thứ phần thưởng rất hay.

15-9-1932

Tôi lắm khi băn khoăn không biết có nên làm sách mà tư tưởng quốc gia là cốt yếu không? Ôi! tôi muốn sự nghiệp văn chương của tôi muôn đời đều xem đến. Nhưng tôi lại tin rằng: sau này nhân loại hòa bình, thì tư tưởng ái quốc sẽ không ai để ý đến. Vậy thì sách tôi còn ai đọc nữa. Vì thế mà tôi chỉ muốn tả những tính tình êm đềm, những truyện nên thơ, những nhân vật yêu nhau một cách nồng nàn.

Than ôi! nước tôi ngày nay đang lúc non nớt, cần những bài văn mạnh mẽ, bi hùng. Vậy thì tôi biết làm thế nào? Tôi băn khoăn về sự ấy lắm. Nhưng thôi, tôi cứ làm sách về sự anh hùng, để phấn khởi anh em tôi.

6-11-1932    

Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương là vẻ sáng của giời đất đem diễn ra lời văn cẩm tú, là vẻ sáng của người ta đem diễn ra lời văn cẩm tú.

12-11-1932

Vương Bách Hối đưa thư cho Lăng Quang Lộc nói rằng: Về nhà nằm trong thư phòng, tạ cả khách, không tiếp ai nữa, một mình một quyển sách xem chơi cho đỡ buồn. Đôi khi ngồi ngất ngưởng trên giường, nghe tiếng mưa trong cây thông, ầm ầm như nước réo. Rót chén rượu trong suốt, bóng ngoài lóng lánh như vầng trăng in xuống mặt sông mùa thu, uống một hớp, lạnh buốt như ngậm tuyết. Bấy giờ sướng quá, tưởng như làm vua mà cũng không bằng, còn tưởng gì tranh tiếng khen chê với bọn thường nhân nữa.                                                                                    

20-11-1932

Giời sinh ra người ta: mắt để trông nhưng cũng có lúc để mù, tai để nghe, nhưng có lúc để điếc, óc để nghĩ nhưng cũng có lúc để vẩn vơ...                                          

29-11-1932

Người nhân thì yêu nhà yêu rộng ra đến nước, yêu nước yêu rộng ra đến nhân loại.                

1-12-1932

Thơ phải gọn gàng. Một câu thơ là tóm lại mười câu văn. Câu văn cũng như hòn đá, mà thơ là cái hòn đá giũa mài chỉ còn lại cái tinh hoa sáng sủa.

19-12-1932

Truyện Kiều đối với nước ta có một cái ảnh hưởng vô cùng. Từ khi truyện Kiều ra đời, các thi sĩ mới biết đến quốc văn, mới để lại cho ta những tài liệu để bồi bổ lại quốc văn. Vậy Nguyễn Du tiên sinh là tổ quốc văn ta, và chính là quốc sĩ đó.

22-12-1932

Hôm nay tôi nhớ mẹ tôi quá, tôi thương mẹ tôi quá! Tôi bèn làm một bài ca. Làm xong, tôi thấy bồn chồn trong người. Rồi tôi lấy bản giáp, đem đèn xuống bếp đốt đi, vì ở trong bản giáp có chữ “mẹ” là chữ thần thánh thanh khiết của tôi, vì ở trong ấy thần đã trao hồn thơ cho tôi. Cho nên tôi đốt đi để cho chữ ấy bay về quê hương mà an ủi mẹ già của tôi./.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

Các Bài viết khác