NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“CUỘC ĐỜI TA NHƯ BÓNG CÂU QUA CỬA SỔ”

( 28-10-2013 - 06:25 PM ) - Lượt xem: 3749

Đó là mối lo nghĩ của Nguyễn Huy Tưởng những ngày tháng 10 năm 1933, cách đây vừa chẵn tám chục năm. Khi ấy nhà văn tương lai mới ngoài 20 tuổi. Có thể ông cả nghĩ, có thể ông lo xa, nhưng chính điều đó đã hối thúc ông tu luyện để lập thân, không chỉ chuẩn bị cho mình kiến thức mà còn là cả sự chọn đường sẽ đi, chủ thuyết để theo…

26-10-1933

Than ôi! Có lẽ tôi mộng thật đó ru? Mỗi khi tôi xem đến một quyển sách, hoặc một tờ báo, tôi đã thấy đổ cả chí hướng của tôi. Khổ thay! Nếu vậy, có lẽ suốt đời tôi không làm gì được. Mà thật vậy. Tôi quá ư là một kẻ chóng chán, chỉ hùng hổ một độ rồi lại bỏ bẵng cả công việc ngay. Nhưng phải tận tâm với công việc mình. Mình đã hiến thân cùng sách Trưng Vương, Thái Bình(1), mình phải cúc cung tận tụy mà theo đuổi cho đến cùng, dù có nghèo đói khốn khổ cũng chẳng từ nan. Ta chẳng có cái trí sáng suốt của nhà bác sĩ, có cái tâm cao thượng của nhà hiền triết. Ta chỉ có cái tình u uẩn đối với nhà, với nước, với nhân loại, với Thánh Thần Phật tổ, với Ly Tao thần nữ, với Mỹ thần, thì ta nên cống hiến thân ta vào đấy: rời ra thì ta không làm nên gì cả. Than ôi! Đối với vấn đề kinh tế ta tịt mù không biết gì, đối với việc chính trị, ta không biết gì. Ta đành nhận lỗi với quốc gia, chỉ xin hết sức tán dương cái đẹp cái báu của quốc gia để đắp [đổi] lại cái tội ta. Tạo hóa sinh ra người ta, mỗi người mỗi vẻ, người có tài của người, ta có tài của ta, tài của ta ngoài thơ ra không phát triển được, thì ta trau dồi cái tài ấy vậy. Hỡi Virgile(2) tiên sinh, tiên sinh là thầy của kẻ hậu sinh này. Ngu này lấy tiên sinh làm kim chỉ nam. Tiên sinh có những tư tưởng mà ngu này cảm nhiễm, cực tán dương; tiên sinh là thầy tiểu sinh đó vậy. Cái lòng ái quốc, lòng yêu nhân loại, lòng kính mộ tiền nhân, tính tình êm thấm, cái văn tiêu sái du dương, đó là cái đặc sắc của tiên sinh, đó là những điều mà ngu này lấy làm chuẩn đích vậy.

Than ôi! Cuộc đời ta như bóng câu qua [cửa] sổ, có là bao. Cuộc đời của ta cũng ví như một cái vại, mà phận sự của ta phải lấp đầy. Nếu chẳng đổ đầy thì đời ta còn ra chi nữa. Ta sinh ra nên đổ đầy cái đời ta. Giầu có như đám phù vân, ta quyết không màng. Dù quốc gia có hèn kém, người khác lo liệu. Ta chỉ biết tu bổ quốc gia bằng văn chương mà thôi.

 

*

*  *

Người thi sĩ phải nhiều hình ảnh. Hình ảnh do ở sức tưởng tượng là nhiều. Sức tưởng tượng muốn cho rộng rãi phải quan sát nhiều, lịch duyệt nhiều, hiểu đời nhiều. Muốn hiểu đời không gì hơn học sách của Khổng Tử. Muốn biết tính tình dân tộc không gì hơn xem tục ngữ phong dao.

*

*  *

Ta nên nhớ rằng: dù ta làm việc gì, ta cũng phải nghĩ đến sách Thái Bình. Nó là sách chính của ta vậy. Rồi đến sách Trưng Vương, quyển kia là chính, quyển này là á.

 

Tả người phải cho rắn rỏi. Ta nên nhớ rằng: ta viết sách đây không phải ta là nhà sử, mà là một người viết tiểu thuyết: tả người phải cho minh bạch, cho thành một hạng người tiêu biểu; chứ ta không phải là nhà sử ký chỉ chép công việc mà ít lưu ý đến tình.

 

Hưng Đạo là người thế nào? Mới đầu tả Hưng Đạo là một người tướng mạo đường hoàng, nghi dung quí cách. Ngài cao tám thước(3), người nho nhã. Râu đen, mặt trắng, mũi ngọc, mắt phượng, trán cao. Người hòa nhã, trầm tiềm, không bao giờ núng chí, không bao giờ đổi lòng, rất nhã nhặn, rất khiêm tốn, không bao giờ vượt lễ phép, giữ phận thần tử, rất khôn ngoan, rất khéo, biết mình biết người. Vậy Vương có cái tính gì có thể trùm được cả các tính khác? Vương lại cực nghiêm khắc trong gia đình. Xem như Vương thì theo tôn giáo gì? Quyết nhiên theo Nho giáo, nhưng lại hay lui tới chùa chiền nghe kinh giảng Phật. Chuộng thi thư, không tin quái đản, nhưng tin ở đức quỉ thần: quỉ thần chỉ giúp người chịu khó mà thôi. Ở với quân sĩ binh lính đãi lấy lòng thành mà vẫn nghiêm khắc. Rất trọng tế tự. Biết trọng công mà khinh tư. Vương rất kiên nhẫn, có nghị lực, có đảm lược, rất thật thà. Tính cốt yếu của Vương chẳng hay có phải là tính thận trọng không?

 

Lần lượt đến ông Trần Quang Khải, ông Trần Nhật Duật, ông Phạm Ngũ Lão, ông Trần Quốc Toản, ông Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Lê Phụ Trần, Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa, v.v... Mỗi người ta đều phải cho một cái hồn riêng, lời lẽ riêng.

 

27-10-1933

Chủ nghĩa yếm thế hay sinh ra cái thuyết vạn vật tuần hoàn. Vậy là nghĩa làm sao? Kìa ông Khổng [Tử], ông Mặc [Tử], ông Jésus các ông ấy chỉ cốt cứu thế nên không hay nghĩ đến kiếp luân hồi. Các ông Lão Tử, ông Phật, vì chán cõi đời thực tại, nên mới có thuyết luân hồi, để cầu lấy cái thuyết phá bỏ những cái khổ não, cái ngắn ngủi của đời người mà yên ủi chúng sinh.

 

*

*  *

Trong mọi việc đều có liên đới quan hệ. Luân lý với tôn giáo có quan hệ đến văn chương. Vậy mà mỗi việc đều phải có tính cách riêng. Mỹ thuật là đẹp thì chỉ cốt đẹp: luân lý là phụ. Luân lý cốt sửa người, thì chỉ chăm sao để sửa người: mỹ thuật là phụ. Giới tuyến của mỹ thuật và luân lý nên giải rõ cho phân minh: Mỹ thuật là bắt chước tạo hóa - Luân lý là việc sửa lại con người.

 

Hóa công là điều hòa, mỹ thuật cũng là điều hòa. Trong thi ca phải dùng chữ cho khéo, dùng vần cho chỉnh, khả dĩ một câu văn đọc lên người ta có thể hình tưởng được tình hoặc cảnh, mà trí thì mê mải ở trong khúc đàn của câu thơ.

 

*

*  *

Ta nhìn cảnh gì, ta phải có cảm tình. Tả cảnh không thể tả thuần cảnh không, mà phải có cảm tình nữa. Trời cho ta cảnh để khải phát cảm tình của ta.

 

28-10-1933

Bàn về hai chữ Từ bi(4)

Ta thường đọc luân lý thấy nói đến những chữ bổn phận, can đảm, nghị lực, lễ phép, ái quốc, nhân loại. Những chữ ấy đọc lên nó có cái cảm giác hay nhưng không có cái cảm giác yên. Ta đọc đến chữ “từ bi” thì thấy nó mênh mang bát ngát, nhớn từ nhật nguyệt tinh thần, dưới đến cỏ cây côn trùng, không chỗ nào là chẳng đượm vẻ thanh khiết. Ta đọc đến chữ từ bi ta tưởng tượng đến cái chân dung trầm mặc của đức Phật tĩnh tọa trên tòa sen, mắt nhắm hiểu thấu tám cõi, miệng mỉm cười yêu chúng sinh. Ta đọc đến chữ từ bi ta tưởng tượng một ngôi chùa u nhã, xa lánh cõi trần tục, khơi gợi ta cái lòng muốn cầu nguyện, cái trí muốn trầm tư. Chữ từ bi nó không thực tiễn như chữ “nhân” của đức Khổng; nó không điềm đạm tự nhiên như chữ “đạo” của Lão Trang. Những chữ khác còn phải dùng đến trí, chữ từ bi chỉ cần tâm...

 

29-10-1933

Hôm nay tôi mua quyển Mặc Tử(5). Tôi mua xong cũng thấy tiếc. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, mua sách được bao nhiêu là quí bấy nhiêu, mua để xem như thế cũng át được lòng dục mình vậy. Tôi còn muốn mua quyển Tùy Viên, quyển Tuân Tử, quyển Trang Tử, quyển Tả truyện để xem. Tôi xem rộng để văn tôi cho rộng vậy.

*

*  *

 

Ta nên nhớ rằng ta theo Nho giáo, cái giáo tốt đẹp trang nghiêm của đức Khổng, cái tôn giáo điều hòa vui vẻ như tiếng chuông tiếng khánh, trang nghiêm đường bệ khiến cho ta sinh lòng kính trọng. Dù sao, ta cũng nên lấy Nho giáo làm chuẩn đích, chớ nên vì chút ngông cuồng mà xa bỏ thánh hiền.

 

31-10-1933

Trong tính kỷ hà có khi không giải được, thì người ta giải bằng cách vô lý(6). Người ta hẵng coi như tính đã giải rồi. Chỉ phác ra mà thôi. Đến khi làm ra rồi thì mới làm lại cái hình. Các học thuyết cũng vậy. Đức Phật thuyết ra rằng: Đời người là bể khổ, do ở quan niệm đời người là bể khổ, mới tìm ra diệt khổ pháp, do ở sự nghĩ mà giác ngộ ra tứ diệu bồ đề, do ở tứ diệu đế (?) mà đến bát chính, do ở sự tự giác mà đến giác thà; nay ngài đã nghĩ ra tứ diệu và bát chính thì chủ nghĩa ngài có yếm thế cũng không hại gì nữa vậy.

 

-----------         

(1) Hai tập trường ca mà Nguyễn Huy Tưởng đang theo đuổi, tập đầu về Hai Bà Trưng và tập sau về đời nhà Trần.

(2) Virgile (70-19 TCN): nhà thơ La Mã, tác giả trường ca Enéide mà Nguyễn Huy Tưởng tâm đắc.

(3) Thước ta; cao tám thước là trên hai mét.

(4), (5) Nguyên văn tác giả viết bằng chữ Hán.

(6) Ý nói chứng minh bằng phép phản chứng.

Các Bài viết khác