Vũ Như Tô - Nhưng diều để biết và để nghĩ về một tác phẩm lớn (28/07/2012)
( 07-09-2013 - 05:55 PM ) - Lượt xem: 3883
2006, Trên Tạp Chí Văn Học Số 3, Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Huy Thắng Đã Công Bố Bài Viết Công Phu: Vũ Như Tô – Một Chặng Đường Trường. Tác Giả Đã Khảo Sát Thật Tỉ Mỉ,...
2006, Trên Tạp Chí Văn Học Số 3, Nhà Nghiên Cứu Nguyễn Huy Thắng Đã Công Bố Bài Viết Công Phu: Vũ Như Tô – Một Chặng Đường Trường. Tác Giả Đã Khảo Sát Thật Tỉ Mỉ,...
Năm 2006, trên tạp chí Văn học số 3, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng đã công bố bài viết công phu: Vũ Như Tô – một chặng đường trường. Tác giả đã khảo sát thật tỉ mỉ, nghiêm túc về văn bản kịch Vũ Như Tô từ khi nhà văn bắt đầu sáng tác đến lần thứ hai tác phẩm được in. Đấy là một “chặng đường trường” mà Nguyễn Huy Tưởng đã “lao tâm” và “khổ tứ” rất nhiều cho đứa con tinh thần của mình. Nhìn từ phía công chúng, Vũ Như Tô cũng có một “chặng đường trường” như thế và xem ra, đến nay, chưa phải đã kết thúc…
Nguyễn Huy Tưởng & Vũ Như Tô
Giống như nhiều văn nghệ sĩ cùng trang lứa trước năm 1945, Nguyễn Huy Tưởng vào nghề văn sớm. Năm 1930, 18 tuổi, ông viết hồi kí Cái đời tôi. Đây là bản thảo sớm nhất còn giữ lại được([i]). Năm sau, ông viết Nhật kí tư tưởng, ghi chép các suy nghĩ của mình về đạo đức, văn chương. Kể cũng lạ, những trang viết được xem là đầu tay của một nhà văn danh tiếng ở tương lai lại là hồi kí, nhật kí. Hai năm sau, Nguyễn Huy Tưởng “ôm mộng viết những tập thơ trường thiên về Trưng Vương, Hưng Đạo Vương, Quang Trung”. Mãi đến năm 1940, Nguyễn Huy Tưởng mới viết các vở kịch ngắn để… “cho các tráng sinh diễn”. Tuy nhiên, suốt 10 năm, nhà văn chưa bao giờ bỏ “mộng văn chương”. Và, cho đến tháng 5.1942, ông mới quyết định viết Vũ Như Tô.
Chừng ấy chi tiết cũng đủ để nói, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn “rất lạ” so với đương thời và không chỉ đương thời. Ông sớm ôm ấp mộng văn chương nhưng xuất hiện trước công chúng lại khá muộn. Tìm hiểu các nhà văn, nhà thơ đương thời, thấy Nguyễn Huy Tưởng không giống chút nào. Xuân Diệu (sinh năm 1916) in Thơ Thơ vào năm 22 tuổi (1938); Thạch Lam (sinh năm 1910) in Gió đầu mùa năm 27 tuổi. Còn Vũ Trọng Phụng, người cùng tuổi với Nguyễn Huy Tưởng, xuất hiện trên văn đàn sớm hơn nữa: 22 tuổi đã đăng Kĩ nghệ lấy Tây, 24 tuổi là Giông tố, Cơm thầy cơm cô, Số đỏ, Vỡ đê,… Thông thường, các nhà văn, nhà thơ khi xuất hiện lần đầu rất háo hức, thậm chí sốt ruột nữa. Nguyễn Huy Tưởng lại không giống chút nào. Tác phẩm viết xong vào tháng 6.1942, nhưng đến tháng 4.1943 nhà văn mới giới thiệu Vũ Như Tô với tạp chí Tri Tân mà ai cũng biết, đấy là nơi thân thiết với ông.
Chưa vội đưa in, nhưng Nguyễn Huy Tưởng không để Vũ Như Tô yên một chỗ. Nhà văn đưa cho bạn bè của mình đọc góp ý kiến. Khi Vũ Như Tô đăng trên báo, Nhà xuất bản Anh Hoa đã đề nghị cho in thành sách, Nguyễn Huy Tưởng lại càng không giống chút nào so với thông thường. Nhà văn bắt tay vào việc sửa chữa tác phẩm (hai lần). Đó là lí do khiến Vũ Như Tô mãi đến năm 1946 mới được in thành sách, lúc nhà văn đã ở tuổi 34 ! Như vậy, “tính từ khi được khởi bút cho đến khi định hình, kịch bản Vũ Như Tôđã làm một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm, với ba lần được viết đi viết lại”.
Nếu đúng như lời anh Nguyễn Huy Thắng đã viết, thì thời gian Nguyễn Huy Tưởng sáng tác lần đầu Vũ Như Tô không dài lắm, khoảng một tháng (từ tháng 5/1942 đến đầu tháng 6/1942). Nhưng thật kì lạ, thời gian nhà văn sửa chữa tác phẩm lâu hơn nhiều. Trong đó, lần sửa thứ nhất kéo dài đến hai tháng (cuối năm 1944). Vũ Như Tô cũng là tác phẩm mà cho đến lúc cuối đời nhà văn vẫn không thôi thao thức về nó, thậm chí còn muốn sửa lại nữa. Thiết nghĩ, đấy là điều rất đáng lưu ý khi xem xét, đánh giá tác phẩm, bởi có lúc người ta xem Vũ Như Tô là “tác phẩm đầu tay” mà mọi người thường nghĩ hẳn sẽ chưa đủ độ “chín” hoặc chí ít là có “những băn khoăn, ngập ngừng, hạn chế”([ii]). Hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể là yếu tố quan trọng để tìm hiểu tác phẩm văn học. Thế nhưng, với Vũ Như Tô, có thể xem là “tác phẩm một đời” của Nguyễn Huy Tưởng, việc bó hẹp hoàn cảnh sáng tác chỉ vào những năm đầu của thập niên bốn mươi ở thế kỉ trước hẳn sẽ không phù hợp.
Vũ Như Tô… vào đời
Để có được kịch bản định hình như ngày nay, Vũ Như Tô đã đi “một chặng đường trường”. Lí do thật đáng trân trọng và cả tự hào nữa, vì khát vọng vươn tới một Cửu Trùng Đài trong văn chương của Nguyễn Huy Tưởng. Thế nhưng, từ khi “vào đời”, Vũ Như Tô lại bước vào “một chặng đường trường” mới. Lần này, không thuộc về tác giả. Nhìn lại, chúng ta sẽ thấy hai lần “vào đời” trước (1943 - 1944 và 1946) của Vũ Như Tô khá suôn sẻ. Nhưng khoảng cách giữa lần xuất bản (thành sách) đầu tiên với lần thứ hai cách nhau đến 17 năm (năm 1963), lúc này nhà văn đã mất hơn 3 năm. Giữa lần thứ hai đến lần thứ ba, còn dài hơn nữa, đến 21 năm (năm 1984). Còn việc công diễn tác phẩm, mãi tới năm 1995, tức 53 năm sau khi ra đời, lần đầu tiên Vũ Như Tômới ra mắt khán giả. Nếu so sánh với các tác phẩm kịch khác của chính Nguyễn Huy Tưởng chúng ta cũng thấy có sự thiệt thòi của Vũ Như Tô: kịch Bắc Sơn ra đời, được công diễn và xuất bản ngay trong năm 1946; Những người ở lại ra đời, xuất bản năm 1948, được công diễn năm 1957. Vào năm 1978, Nhà xuất bản Tác phẩm mới xuất bản Nguyễn Huy Tưởng tuyển tập, kịch Bắc Sơn có mặt cùng Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kí sự Cao Lạng, Sống mãi với thủ đô, còn Vũ Như Tô thì… không!
Người viết dẫn lại lịch sử “vào đời” của Vũ Như Tô không phải để đánh giá về những chuyện đã qua, dù việc ấy khá cần thiết, mà cốt để nói rằng, đấy là tác phẩm thật kì lạ, từ lúc “ra đời” cho đến khi “vào đời”. Phải chăng, những tác phẩm lớn luôn có số phận ít nhiều long đong và người “mang nặng đẻ đau” thường chẳng mấy khi có được hạnh phúc nhìn thấy “đứa con” của mình được được đặt đúng vị trí của nó.
Chuyện “vào đời” của Vũ Như Tô chưa dừng lại ở đó. Có một bộ phận công chúng văn học hẹp và xác định nhưng vô cùng quan trọng, đó là học sinh (sinh viên) và giáo viên, bởi ở đây tác phẩm văn học không chỉ được thưởng thức mà trước hết là được học. Chắc chắn những hiểu biết, đặc biệt là những ấn tượng về một tác phẩm văn học từ trong nhà trường sẽ đọng lại lâu dài và không hiếm trường hợp đã trở thành định kiến trong lòng lớp bạn đọc ấy.
Vũ Như Tô… vào nhà trường
Vũ Như Tô có mặt lần đầu tiên trong nhà trường phổ thông vào năm 2005, trong sách giáo khoa (SGK) thí điểm môn Ngữ văn lớp 12, với trích đoạn mang tên Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Đây là đoạn trích gần trọn hồi V của vở kịch, được giảng dạy với thời lượng 3 tiết. Tới năm 2007, Vũ Như Tô có mặt chính thức trong SGK Ngữ văn, cũng với trích đoạn ấy, chỉ khác lần này là ở sách Ngữ văn 11 và thời lượng giảng dạy chỉ còn 2 tiết. Và cũng phải mất hơn sáu mươi năm kể từ khi tác phẩm ra đời.
So với các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ cùng thời với Nguyễn Huy Tưởng trước năm 1945, sự có mặt của Vũ Như Tô trong nhà trường thật muộn màng, nếu không nói là muộn nhất. Tuy nhiên, sự có mặt này đánh dấu bước nhận thức và đánh giá mới, rất mới của giới nghiên cứu văn học và cả xã hội đối với Vũ Như Tô. Nó là kết quả của quá trình đổi mới văn học bắt đầu ở thập niên 80 của thế kỉ trước, trong đó, đối với Nguyễn Huy Tưởng hẳn đó là kết quả trực tiếp từ việc nhận thức lại những giá trị của nhà văn vào những năm 90, nhất là sau cuộc hội thảo khoa học của Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 1992 và tiếp đến là các công trình nghiên cứu công phu, chính đáng của những cây bút danh tiếng. Những đánh giá như: Vũ Như Tô là “một bi kịch hiện đại ở Việt Nam”, kịch bản này “có cấu trúc lôgic, nghiêm ngặt của kịch cổ điển phương Tây”, mang “ý nghĩa vĩnh cửu và toàn nhân loại”([iii]); hay “Vũ Như Tô là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng”, “Sáng tạo được những bi kịch thực thụ tức là sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine – mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên thế giới trong ba thế kỷ nay”([iv]),... ban đầu có thể khiến đôi người hơi ngỡ ngàng, nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa thấy có ai phủ nhận hay nói khác.
Trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, Vũ Như Tô là tác phẩm mới so với những Chí Phèo, Hai đứa trẻ,… đã có mặt hàng chục năm trước. Đã là tác phẩm mới đương nhiên bước đầu được giảng dạy trong nhà trường là tác phẩm khó. Với Vũ Như Tô, điều này càng đúng hơn.
Vấn đề đáng chú ý nhất là việc xác định thể loại của Vũ Như Tô. Ở SGK thí điểm Ngữ văn 12, tập 1, bộ 2, ban Khoa học xã hội và Nhân văn, Vũ Như Tô được xác định là vở kịch lịch sử (những chỗ gạch dưới là do người viết nhấn mạnh – BQH). Còn SGK thí điểm Ngữ văn 12, tập 1, bộ 1, ban Khoa học xã hội và Nhân văn, thể loại Vũ Như Tô xem ra có phần phức tạp hơn. Trong khi SGK xem Vũ Như Tô là vở kịch lịch sử (tr.104), thì SGV lại viết: “Hiện cũng có những ý kiến khác nhau. Một số người muốn xem đây là một vở kịch lịch sử, một số khác xem đây là bi kịch (…) khó xem đây là một vở kịch lịch sử theo đúng nghĩa của nó (…) Soạn giả SGK cũng xem Vũ Như Tô là bi kịch, nhưng cũng không bỏ qua tính chất kịch lịch sử của nó (tr. 85).
Còn nhớ, trong tiểu luận khá công phu về Vũ Như Tô công bố năm 2000, nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư trong khi đánh giá cao đóng góp của GS Đỗ Đức Hiểu về việc xác định đây là “tác phẩm bi kịch” và sự “phân tích thẩm mĩ khá tinh vi và tế nhị”, đã chỉ ra sự “không tập trung làm sáng tỏ những đặc trưng cấu thành của vở kịch này như một tác phẩm bi kịch”. Từ đó dẫn đến việc “nhìn nhận “nguyên nhân sâu xa của việc dân chúng đốt phá Cửu Trùng Đài, dẫn đến cái chết của Vũ Như Tô” là “cuộc bạo loạn của Trịnh Duy Sản và bè lũ” tức là làm nghèo đi rất nhiều nội dung tư tưởng của vở kịch”.
Việc không xác định rõ thể loại của Vũ Như Tô hoặc không xem trọng vấn đề thể loại([v]) đã khiến hướng tiếp nhận tác phẩm này trong nhà trường rơi vào tình trạng lỡ dở, nếu không nói là làm giảm đi khá nhiều giá trị của nó. Ở SGK bộ Chuẩn có câu hỏi hướng dẫn học sinh học bài, theo chúng tôi, tương đối lạ: “Mâu thuẫn giữa quan điểm nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời và lợi ích thiết thân của nhân dân chưa được tác giả giải quyết dứt khoát (…) Theo anh (chị) nên giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào?” (tr.193). Nhưng đây chính là câu hỏi mà ngay tác giả cũng không thể giải quyết một cách rạch ròi, dứt khoát. Tác giả đã trực tiếp bày tỏ nỗi băn khoăn của mình qua lời đề từ: “Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc?”, “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Chúng tôi nói câu hỏi nói trên (và cả câu hướng dẫn trả lời) là “lạ”, bởi bản chất của mâu thuẫn bi kịch là “không thể giải quyết”. Thật khó làm sao, nhà văn, người sáng tác ra bi kịch còn không thể giải quyết thì làm sao học sinh ở độ tuổi 16, 17 lại giải quyết được. Chẳng trách, nhiều thầy cô giáo khi buộc phải hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi này là một phen nghe các em phán xét và “chỉ ra” bao hạn chế về tư tưởng từ Vũ Như Tô đến Nguyễn Huy Tưởng.
Bên cạnh thể loại của tác phẩm, lời Đề tựa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng là vấn đề đáng quan tâm khi Vũ Như Tô “vào nhà trường”. Hướng chung của cả hai bộ sách là xem nhà văn đã bộc lộ nỗi băn khoăn của mình về cái chết của Vũ Như Tô: “Qua lời đề tựa trên, Nguyễn Huy Tưởng đã chân thành bộc lộ nỗi băn khoăn của mình: Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô ? Và ông thú nhận “ta chẳng biết”, tức là không đưa ra một lời giải đáp thỏa đáng… (SGV, bộ Chuẩn, tr.193). Chúng tôi rất băn khoăn với những lời giải thích như vậy, bởi khi tìm hiểu một tác phẩm văn chương thì lời đề từ / tựa hay nhữngghi chú của tác giả về tác phẩm của mình dù đặc biệt đến bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là sự gợi ý, chỉ dẫn. Tất cả đều không thể thay thế bản thân văn bản, lại càng không thể xem tác phẩm là sự minh họa cho lời đề tựa hay ghi chú của tác giả. Nếu mọi người đều biết Nguyễn Huy Tưởng đã rất cẩn trọng với những dòng chữ ngắn ngủi đó như thế nào và Nguyễn Tuân đã bày tỏ sự thảng thốt, lo ngại ra sao khi bà Nguyễn Huy Tưởng đưa in Đề tựa ấy trong lần xuất bản Vũ Như Tô năm 1963 thì chắc sẽ ngại ngần trong việc đoán định tư tưởng của nhà văn.
Viết đến đây, chúng tôi lại nghĩ tất cả những điều trên đây các nhà soạn SGK Ngữ văn đều biết rõ. Nhưng Vũ Như Tô “vào nhà trường” còn chênh vênh như vậy phải chăng là do chúng ta vẫn chưa hết ngập ngừng khi đánh giá những giá trị tinh thần quý giá của dân tộc một thời từng bị khuất lấp ? Mong sao điều này chỉ là sự “băn khoăn” viển vông !
----------------------------------------------------------
[1] Các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Huy Tưởng trong bài viết này được lấy từ Niên biểu Nguyễn Huy Tưởng, trong sách Nguyễn Huy Tưởng – về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 2005 (tái bản lần thứ hai).
[1] Hà Minh Đức, Lời giới thiệu Kịch Nguyễn Huy Tưởng, Nxb. Văn học, 1963; in lại trong Vũ Như Tô, Nxb. Sân khấu, 2006, tr.5.
[1] Đỗ Đức Hiểu, Bi kịch Vũ Như Tô, tạp chí Văn học số 10/1997.
[1] Phạm Vĩnh Cư, Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô, tạp chí Văn học số 7/2000.
[1] SGV Ngữ văn 11 Nâng cao, tập một có lưu ý giáo viên: “…không đòi hỏi học sinh đi sâu nhận diện hay tìm hiểu đặc trưng bi kịch hay kịch lịch sử” (Nxb. Giáo dục, 2006, tr. 201).
Nguyễn Huy Tưởng & Vũ Như Tô
Giống như nhiều văn nghệ sĩ cùng trang lứa trước năm 1945, Nguyễn Huy Tưởng vào nghề văn sớm. Năm 1930, 18 tuổi, ông viết hồi kí Cái đời tôi. Đây là bản thảo sớm nhất còn giữ lại được([i]). Năm sau, ông viết Nhật kí tư tưởng, ghi chép các suy nghĩ của mình về đạo đức, văn chương. Kể cũng lạ, những trang viết được xem là đầu tay của một nhà văn danh tiếng ở tương lai lại là hồi kí, nhật kí. Hai năm sau, Nguyễn Huy Tưởng “ôm mộng viết những tập thơ trường thiên về Trưng Vương, Hưng Đạo Vương, Quang Trung”. Mãi đến năm 1940, Nguyễn Huy Tưởng mới viết các vở kịch ngắn để… “cho các tráng sinh diễn”. Tuy nhiên, suốt 10 năm, nhà văn chưa bao giờ bỏ “mộng văn chương”. Và, cho đến tháng 5.1942, ông mới quyết định viết Vũ Như Tô.
Chừng ấy chi tiết cũng đủ để nói, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn “rất lạ” so với đương thời và không chỉ đương thời. Ông sớm ôm ấp mộng văn chương nhưng xuất hiện trước công chúng lại khá muộn. Tìm hiểu các nhà văn, nhà thơ đương thời, thấy Nguyễn Huy Tưởng không giống chút nào. Xuân Diệu (sinh năm 1916) in Thơ Thơ vào năm 22 tuổi (1938); Thạch Lam (sinh năm 1910) in Gió đầu mùa năm 27 tuổi. Còn Vũ Trọng Phụng, người cùng tuổi với Nguyễn Huy Tưởng, xuất hiện trên văn đàn sớm hơn nữa: 22 tuổi đã đăng Kĩ nghệ lấy Tây, 24 tuổi là Giông tố, Cơm thầy cơm cô, Số đỏ, Vỡ đê,… Thông thường, các nhà văn, nhà thơ khi xuất hiện lần đầu rất háo hức, thậm chí sốt ruột nữa. Nguyễn Huy Tưởng lại không giống chút nào. Tác phẩm viết xong vào tháng 6.1942, nhưng đến tháng 4.1943 nhà văn mới giới thiệu Vũ Như Tô với tạp chí Tri Tân mà ai cũng biết, đấy là nơi thân thiết với ông.
Chưa vội đưa in, nhưng Nguyễn Huy Tưởng không để Vũ Như Tô yên một chỗ. Nhà văn đưa cho bạn bè của mình đọc góp ý kiến. Khi Vũ Như Tô đăng trên báo, Nhà xuất bản Anh Hoa đã đề nghị cho in thành sách, Nguyễn Huy Tưởng lại càng không giống chút nào so với thông thường. Nhà văn bắt tay vào việc sửa chữa tác phẩm (hai lần). Đó là lí do khiến Vũ Như Tô mãi đến năm 1946 mới được in thành sách, lúc nhà văn đã ở tuổi 34 ! Như vậy, “tính từ khi được khởi bút cho đến khi định hình, kịch bản Vũ Như Tôđã làm một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm, với ba lần được viết đi viết lại”.
Nếu đúng như lời anh Nguyễn Huy Thắng đã viết, thì thời gian Nguyễn Huy Tưởng sáng tác lần đầu Vũ Như Tô không dài lắm, khoảng một tháng (từ tháng 5/1942 đến đầu tháng 6/1942). Nhưng thật kì lạ, thời gian nhà văn sửa chữa tác phẩm lâu hơn nhiều. Trong đó, lần sửa thứ nhất kéo dài đến hai tháng (cuối năm 1944). Vũ Như Tô cũng là tác phẩm mà cho đến lúc cuối đời nhà văn vẫn không thôi thao thức về nó, thậm chí còn muốn sửa lại nữa. Thiết nghĩ, đấy là điều rất đáng lưu ý khi xem xét, đánh giá tác phẩm, bởi có lúc người ta xem Vũ Như Tô là “tác phẩm đầu tay” mà mọi người thường nghĩ hẳn sẽ chưa đủ độ “chín” hoặc chí ít là có “những băn khoăn, ngập ngừng, hạn chế”([ii]). Hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể là yếu tố quan trọng để tìm hiểu tác phẩm văn học. Thế nhưng, với Vũ Như Tô, có thể xem là “tác phẩm một đời” của Nguyễn Huy Tưởng, việc bó hẹp hoàn cảnh sáng tác chỉ vào những năm đầu của thập niên bốn mươi ở thế kỉ trước hẳn sẽ không phù hợp.
Vũ Như Tô… vào đời
Để có được kịch bản định hình như ngày nay, Vũ Như Tô đã đi “một chặng đường trường”. Lí do thật đáng trân trọng và cả tự hào nữa, vì khát vọng vươn tới một Cửu Trùng Đài trong văn chương của Nguyễn Huy Tưởng. Thế nhưng, từ khi “vào đời”, Vũ Như Tô lại bước vào “một chặng đường trường” mới. Lần này, không thuộc về tác giả. Nhìn lại, chúng ta sẽ thấy hai lần “vào đời” trước (1943 - 1944 và 1946) của Vũ Như Tô khá suôn sẻ. Nhưng khoảng cách giữa lần xuất bản (thành sách) đầu tiên với lần thứ hai cách nhau đến 17 năm (năm 1963), lúc này nhà văn đã mất hơn 3 năm. Giữa lần thứ hai đến lần thứ ba, còn dài hơn nữa, đến 21 năm (năm 1984). Còn việc công diễn tác phẩm, mãi tới năm 1995, tức 53 năm sau khi ra đời, lần đầu tiên Vũ Như Tômới ra mắt khán giả. Nếu so sánh với các tác phẩm kịch khác của chính Nguyễn Huy Tưởng chúng ta cũng thấy có sự thiệt thòi của Vũ Như Tô: kịch Bắc Sơn ra đời, được công diễn và xuất bản ngay trong năm 1946; Những người ở lại ra đời, xuất bản năm 1948, được công diễn năm 1957. Vào năm 1978, Nhà xuất bản Tác phẩm mới xuất bản Nguyễn Huy Tưởng tuyển tập, kịch Bắc Sơn có mặt cùng Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kí sự Cao Lạng, Sống mãi với thủ đô, còn Vũ Như Tô thì… không!
Người viết dẫn lại lịch sử “vào đời” của Vũ Như Tô không phải để đánh giá về những chuyện đã qua, dù việc ấy khá cần thiết, mà cốt để nói rằng, đấy là tác phẩm thật kì lạ, từ lúc “ra đời” cho đến khi “vào đời”. Phải chăng, những tác phẩm lớn luôn có số phận ít nhiều long đong và người “mang nặng đẻ đau” thường chẳng mấy khi có được hạnh phúc nhìn thấy “đứa con” của mình được được đặt đúng vị trí của nó.
Chuyện “vào đời” của Vũ Như Tô chưa dừng lại ở đó. Có một bộ phận công chúng văn học hẹp và xác định nhưng vô cùng quan trọng, đó là học sinh (sinh viên) và giáo viên, bởi ở đây tác phẩm văn học không chỉ được thưởng thức mà trước hết là được học. Chắc chắn những hiểu biết, đặc biệt là những ấn tượng về một tác phẩm văn học từ trong nhà trường sẽ đọng lại lâu dài và không hiếm trường hợp đã trở thành định kiến trong lòng lớp bạn đọc ấy.
Vũ Như Tô… vào nhà trường
Vũ Như Tô có mặt lần đầu tiên trong nhà trường phổ thông vào năm 2005, trong sách giáo khoa (SGK) thí điểm môn Ngữ văn lớp 12, với trích đoạn mang tên Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Đây là đoạn trích gần trọn hồi V của vở kịch, được giảng dạy với thời lượng 3 tiết. Tới năm 2007, Vũ Như Tô có mặt chính thức trong SGK Ngữ văn, cũng với trích đoạn ấy, chỉ khác lần này là ở sách Ngữ văn 11 và thời lượng giảng dạy chỉ còn 2 tiết. Và cũng phải mất hơn sáu mươi năm kể từ khi tác phẩm ra đời.
So với các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ cùng thời với Nguyễn Huy Tưởng trước năm 1945, sự có mặt của Vũ Như Tô trong nhà trường thật muộn màng, nếu không nói là muộn nhất. Tuy nhiên, sự có mặt này đánh dấu bước nhận thức và đánh giá mới, rất mới của giới nghiên cứu văn học và cả xã hội đối với Vũ Như Tô. Nó là kết quả của quá trình đổi mới văn học bắt đầu ở thập niên 80 của thế kỉ trước, trong đó, đối với Nguyễn Huy Tưởng hẳn đó là kết quả trực tiếp từ việc nhận thức lại những giá trị của nhà văn vào những năm 90, nhất là sau cuộc hội thảo khoa học của Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 1992 và tiếp đến là các công trình nghiên cứu công phu, chính đáng của những cây bút danh tiếng. Những đánh giá như: Vũ Như Tô là “một bi kịch hiện đại ở Việt Nam”, kịch bản này “có cấu trúc lôgic, nghiêm ngặt của kịch cổ điển phương Tây”, mang “ý nghĩa vĩnh cửu và toàn nhân loại”([iii]); hay “Vũ Như Tô là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng”, “Sáng tạo được những bi kịch thực thụ tức là sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine – mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên thế giới trong ba thế kỷ nay”([iv]),... ban đầu có thể khiến đôi người hơi ngỡ ngàng, nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa thấy có ai phủ nhận hay nói khác.
Trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, Vũ Như Tô là tác phẩm mới so với những Chí Phèo, Hai đứa trẻ,… đã có mặt hàng chục năm trước. Đã là tác phẩm mới đương nhiên bước đầu được giảng dạy trong nhà trường là tác phẩm khó. Với Vũ Như Tô, điều này càng đúng hơn.
Vấn đề đáng chú ý nhất là việc xác định thể loại của Vũ Như Tô. Ở SGK thí điểm Ngữ văn 12, tập 1, bộ 2, ban Khoa học xã hội và Nhân văn, Vũ Như Tô được xác định là vở kịch lịch sử (những chỗ gạch dưới là do người viết nhấn mạnh – BQH). Còn SGK thí điểm Ngữ văn 12, tập 1, bộ 1, ban Khoa học xã hội và Nhân văn, thể loại Vũ Như Tô xem ra có phần phức tạp hơn. Trong khi SGK xem Vũ Như Tô là vở kịch lịch sử (tr.104), thì SGV lại viết: “Hiện cũng có những ý kiến khác nhau. Một số người muốn xem đây là một vở kịch lịch sử, một số khác xem đây là bi kịch (…) khó xem đây là một vở kịch lịch sử theo đúng nghĩa của nó (…) Soạn giả SGK cũng xem Vũ Như Tô là bi kịch, nhưng cũng không bỏ qua tính chất kịch lịch sử của nó (tr. 85).
Còn nhớ, trong tiểu luận khá công phu về Vũ Như Tô công bố năm 2000, nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư trong khi đánh giá cao đóng góp của GS Đỗ Đức Hiểu về việc xác định đây là “tác phẩm bi kịch” và sự “phân tích thẩm mĩ khá tinh vi và tế nhị”, đã chỉ ra sự “không tập trung làm sáng tỏ những đặc trưng cấu thành của vở kịch này như một tác phẩm bi kịch”. Từ đó dẫn đến việc “nhìn nhận “nguyên nhân sâu xa của việc dân chúng đốt phá Cửu Trùng Đài, dẫn đến cái chết của Vũ Như Tô” là “cuộc bạo loạn của Trịnh Duy Sản và bè lũ” tức là làm nghèo đi rất nhiều nội dung tư tưởng của vở kịch”.
Việc không xác định rõ thể loại của Vũ Như Tô hoặc không xem trọng vấn đề thể loại([v]) đã khiến hướng tiếp nhận tác phẩm này trong nhà trường rơi vào tình trạng lỡ dở, nếu không nói là làm giảm đi khá nhiều giá trị của nó. Ở SGK bộ Chuẩn có câu hỏi hướng dẫn học sinh học bài, theo chúng tôi, tương đối lạ: “Mâu thuẫn giữa quan điểm nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời và lợi ích thiết thân của nhân dân chưa được tác giả giải quyết dứt khoát (…) Theo anh (chị) nên giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào?” (tr.193). Nhưng đây chính là câu hỏi mà ngay tác giả cũng không thể giải quyết một cách rạch ròi, dứt khoát. Tác giả đã trực tiếp bày tỏ nỗi băn khoăn của mình qua lời đề từ: “Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc?”, “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Chúng tôi nói câu hỏi nói trên (và cả câu hướng dẫn trả lời) là “lạ”, bởi bản chất của mâu thuẫn bi kịch là “không thể giải quyết”. Thật khó làm sao, nhà văn, người sáng tác ra bi kịch còn không thể giải quyết thì làm sao học sinh ở độ tuổi 16, 17 lại giải quyết được. Chẳng trách, nhiều thầy cô giáo khi buộc phải hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi này là một phen nghe các em phán xét và “chỉ ra” bao hạn chế về tư tưởng từ Vũ Như Tô đến Nguyễn Huy Tưởng.
Bên cạnh thể loại của tác phẩm, lời Đề tựa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng là vấn đề đáng quan tâm khi Vũ Như Tô “vào nhà trường”. Hướng chung của cả hai bộ sách là xem nhà văn đã bộc lộ nỗi băn khoăn của mình về cái chết của Vũ Như Tô: “Qua lời đề tựa trên, Nguyễn Huy Tưởng đã chân thành bộc lộ nỗi băn khoăn của mình: Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô ? Và ông thú nhận “ta chẳng biết”, tức là không đưa ra một lời giải đáp thỏa đáng… (SGV, bộ Chuẩn, tr.193). Chúng tôi rất băn khoăn với những lời giải thích như vậy, bởi khi tìm hiểu một tác phẩm văn chương thì lời đề từ / tựa hay nhữngghi chú của tác giả về tác phẩm của mình dù đặc biệt đến bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là sự gợi ý, chỉ dẫn. Tất cả đều không thể thay thế bản thân văn bản, lại càng không thể xem tác phẩm là sự minh họa cho lời đề tựa hay ghi chú của tác giả. Nếu mọi người đều biết Nguyễn Huy Tưởng đã rất cẩn trọng với những dòng chữ ngắn ngủi đó như thế nào và Nguyễn Tuân đã bày tỏ sự thảng thốt, lo ngại ra sao khi bà Nguyễn Huy Tưởng đưa in Đề tựa ấy trong lần xuất bản Vũ Như Tô năm 1963 thì chắc sẽ ngại ngần trong việc đoán định tư tưởng của nhà văn.
Viết đến đây, chúng tôi lại nghĩ tất cả những điều trên đây các nhà soạn SGK Ngữ văn đều biết rõ. Nhưng Vũ Như Tô “vào nhà trường” còn chênh vênh như vậy phải chăng là do chúng ta vẫn chưa hết ngập ngừng khi đánh giá những giá trị tinh thần quý giá của dân tộc một thời từng bị khuất lấp ? Mong sao điều này chỉ là sự “băn khoăn” viển vông !
----------------------------------------------------------
[1] Các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Huy Tưởng trong bài viết này được lấy từ Niên biểu Nguyễn Huy Tưởng, trong sách Nguyễn Huy Tưởng – về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 2005 (tái bản lần thứ hai).
[1] Hà Minh Đức, Lời giới thiệu Kịch Nguyễn Huy Tưởng, Nxb. Văn học, 1963; in lại trong Vũ Như Tô, Nxb. Sân khấu, 2006, tr.5.
[1] Đỗ Đức Hiểu, Bi kịch Vũ Như Tô, tạp chí Văn học số 10/1997.
[1] Phạm Vĩnh Cư, Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô, tạp chí Văn học số 7/2000.
[1] SGV Ngữ văn 11 Nâng cao, tập một có lưu ý giáo viên: “…không đòi hỏi học sinh đi sâu nhận diện hay tìm hiểu đặc trưng bi kịch hay kịch lịch sử” (Nxb. Giáo dục, 2006, tr. 201).