NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRIẾT HỌC – MỘT MỐI QUAN TÂM

( 02-05-2017 - 08:04 AM ) - Lượt xem: 926

Mặc dù Nguyễn Huy Tưởng có được tiếp thu một nền "Tây học" khá bài bản, khi được gia đình cho theo học trường Bonnal ở Hải Phòng, nhưng suy cho cùng, ông là một người tự học.

Chúng ta biết rằng trường Bonnal là một trường trung học của nhà nước bảo hộ, đào tạo đến Tú tài, tương đương với Trung học phổ thông của ta ngày nay. Phải nói giáo dục thời Tây khá chất lượng, học sinh bậc trung học đã có trình độ đủ cao để có thể coi là người có học, nếu không muốn nói đến từ "trí thức" dễ gây tranh cãi. Đương nhiên là tiếng Tây nói làu làu, có thể nghe giảng, đọc sách bằng tiếng Pháp, bên cạnh các kiến thức nền vững vàng còn am hiểu nhiều tri thức của thời đại… Nhưng đấy là nói những người đã hết bậc tú tài, sau những năm theo học một chương trình rất nặng và phải qua các kì sát hạch cũng rất ngặt nghèo.

Một trang ghi chép của Nguyễn Huy Tưởng


Tuy nhiên, Nguyễn Huy Tưởng lại mới chỉ tốt nghiệp Thành chung, một cách gọi khác của bậc Cao đẳng tiểu học (tiếng Pháp là Primaire Élémentaire Supérieur). Nghĩa là cao hơn so với tiểu học mà thôi, chứ còn cách tú tài – chưa nói đến cử nhân – nhiều lắm. Chắc chắn đó không phải là mục đích của tác giả Vũ Như Tô tương lai. Sau khi tốt nghiệp, ông vẫn muốn theo học tiếp lên, nhưng do hoàn cảnh gia đình ông phải rẽ ngang kiếm việc làm ở sở Đoan (sở thuế quan), khi ở Hà Nội, lúc xuống Hải Phòng. Những năm làm thư ký nhà Đoan, Nguyễn Huy Tưởng luôn mong muốn học thêm để thi tú tài, nhưng rồi những khó khăn trong sinh kế khiến ông không thực hiện được mục tiêu của mình.
Song nếu không thể học thi lấy bằng thì Nguyễn Huy Tưởng chưa bao giờ lơi là sự tự học. Đặc biệt từ khi ông xác định cho mình thiên chức trở thành văn sĩ, Nguyễn Huy Tưởng càng đặt ra cho mình nhiệm vụ tự học. Điều này trước hết xuất phát từ ý thức mình còn kém, còn "dốt", như chính chữ dùng của ông. Nhật ký ngày 4-1-1933, Nguyễn Huy Tưởng viết: "Tôi xem đến những quyển Nam Phong, tôi càng thấy tôi dốt. Tôi quả thực không biết gì. Tây học tôi cũng không biết gì cho lắm. Hán học tôi cũng mập mờ.” Ngày 29-12-1942, ông tự răn mình: "Cần phải chuyên môn, và cần phải học rộng, đạo Lão, đạo Khổng, đạo Phật, ta phải đọc cho suốt. Không thể mang tiếng dốt mãi nữa"…
Mặt khác, sớm mang khát vọng viết được những tác phẩm lớn, có tầm, Nguyễn Huy Tưởng coi việc tự học là một cách để trau dồi kiến văn, tích lũy kiến thức, hay nói theo cách của ông, “phải trữ văn cho nhiều, khi dùng đến sẽ được thư thả” (nhật ký ngày 22-1-1935). Với suy nghĩ đó, ông luôn chú tâm học hỏi từ các nhà văn kim cổ đông tây, tìm hiểu các tác phẩm nổi tiếng của các nền văn học, nghiên cứu các thể loại văn chương, từ trường ca đến tiểu thuyết, từ thơ đến kịch… Ông cũng rất quan tâm đến triết học. Nhật ký của ông cho biết ông từng say mê tác phẩm Psychologie des foules của Gustave le Bond, cuốn sách sau này được dịch và xuất bản ở ta với tựa đề Tâm lý học đám đông. Một thời gian dài ông ngưỡng mộ triết thuyết siêu nhân, người hùng của Nietzsche, và nhận rằng mình “cảm phục nhà triết học thâm trầm, ngạo mạn ấy” (nhật ký 20-10-1938)… Và cũng qua mối quan tâm của Nguyễn Huy Tưởng về lĩnh vực này, ta có thể thấy ý thức tự học, tự tìm hiểu của ông bắt đầu từ rất sớm. Ngay từ năm 20 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã tự hệ thống hóa cho mình về các học thuyết triết học cũng như các nhà triết học tiêu biểu của mỗi học thuyết đó. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai trang nhật ký của ông viết ngày 27-3-1932, trong đó ông trình bày (bằng ngôn ngữ hồi bấy giờ) các nội dung đó. Những hàng chữ viết tay ngay ngắn của ông, hy vọng bạn đọc đều có thể đọc được./.

Các Bài viết khác