NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TAM GIÁC 80 TUỔI

( 12-09-2013 - 04:13 PM ) - Lượt xem: 1355

Năm 2012 này có ba tên tuổi cùng cán đích “100 năm”: Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Huy Tưởng cùng sinh năm 1912, lần lượt ra đi kẻ trước người sau để rồi cùng đạt ngưỡng sống tròn một thế kỷ trong lòng bạn đọc hôm nay. Một trăm năm quả là một cột mốc quan trọng để nhận chân các giá trị văn...

 
TAM GIÁC 80 TUỔI
Thứ bảy - 08/09/2012 07:39
 
 
Năm 2012 này có ba tên tuổi cùng cán đích “100 năm”: Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Huy Tưởng cùng sinh năm 1912, lần lượt ra đi kẻ trước người sau để rồi cùng đạt ngưỡng sống tròn một thế kỷ trong lòng bạn đọc hôm nay. Một trăm năm quả là một cột mốc quan trọng để nhận chân các giá trị văn chương, và không nghi ngờ gì nữa, cả ba ông nhà văn, nhà thơ tuổi Nhâm Tý này đều đã vượt qua thử thách của thời gian để định hình như những hằng số văn hóa trường tồn cùng đất nước. Điều thú vị là ngay từ cách đây 20 năm, khi nước ta mới bước vào thời kỳ Đổi mới, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha bằng sự mẫn cảm của một cây bút đầy nhiệt thành, đã viết một bài báo gây bất ngờ không chỉ bởi tính độc đáo của tư duy mà còn bởi tính cấp tiến trong cách nhìn nhận vấn đề: ông nhận thấy ở Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Huy Tưởng những tố chất thật khác biệt để rồi, với tư cách nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, làm nên ba đỉnh của một tam giác trong văn học Việt Nam: “tam giác 80 tuổi” (1912-1992). Đã hai thập niên trôi qua kể từ khi ấy, tam giác 80 nay đã tịnh tiến thành 100 năm, song thiết nghĩ bài viết của tác giả Nguyễn Thụy Kha vẫn còn nguyên giá trị. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. – NYS NHT.


Sự chói sáng trên văn đàn của nhiều tác giả sinh năm Nhâm Tý 1912 – cách hôm nay 80 năm – đã có nhiều cách nhìn, khẳng định. Riêng tôi, không biết có gì xui khiến, thường bị ám ảnh trong trí tưởng ba tên tuổi. Đó là Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Huy Tưởng. Ba con người mệnh mộc với ba ấn tượng về thơ, văn xuôi và kịch đã vô hình tạo ra một thế chân kiềng, một tam giác trong văn đàn – tam giác 80 tuổi.

Trong ba người, Hàn Mặc Tử và Vũ Trọng Phụng, vụt sáng trước rồi liên tiếp vụt tắt trong hai năm liền: 1939 và 1940. Nguyễn Huy Tưởng vụt sáng sau hai sự vụt tắt kia với vở kịch bất hủ “Vũ Như Tô” được viết xong vào 1942. Và ngôi sao thứ ba này cũng không được sống qua năm Canh Tý 1960.

Trong ba người, Hàn Mặc Tử khởi nghiệp ở thành Đồ Bàn Bình Định và vụt tắt như nước Chàm. Vũ Trọng Phụng khởi nghiệp ở Thăng Long và vụt tắt như nhà Hồ. Còn Nguyễn Huy Tưởng khởi nghiệp ở Hải Phòng và tắt dần như nhà Mạc. Điều kỳ lạ là trong kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng có hai nhân vật thuộc hai vùng đất của hai người kia. Đó là nhà kiến trúc sư nghệ sĩ Vũ Như Tô ở Thăng Long của Vũ Trọng Phụng và Thái tử Chàm – người được giữ làm con tin cho việc vua Chàm đảm bảo hợp đồng chở vật liệu xây dựng quý hiếm cho vua Việt xây Cửu Trùng Đài – thì lại thuộc thành Đồ Bàn của Hàn Mặc Tử. Ở đề tựa cho kịch “Vũ Như Tô”, Nguyễn Huy Tưởng đã viết: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải. Đài Cửu trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Tháp người Hời (tức Chàm – NTK) nguyên là giống Angkor…” Dường như có một mối liên quan vô thức ở ba số phận này. Hàn Mặc Tử nếu nhìn từ tên khai sinh Nguyễn Trọng Trí thì trùng họ với Nguyễn Huy Tưởng và trùng đệm với Vũ Trọng Phụng. Cả ba người ngoài phần đỉnh cao của mình là thơ, văn xuôi và kịch, ở họ đều có những sáng tác thuộc thể loại của hai người kia. Hàn Mặc Tử bên cạnh thơ còn viết văn xuôi và kịch. Vũ Trọng Phùng cũng từng làm thơ và viết kịch. Nguyễn Huy Tưởng từng làm thơ và viết nhiều tiểu thuyết có giá trị như “Bốn năm sau”, “Sống mãi với thủ đô” v.v…

Với tiêu chí: “Không làm được anh hùng trong lịch sử thì cố gắng làm anh hùng trong văn chương”, Hàn Mặc Tử đã bật sáng mình lên bậc thi bá lớn nhất trong thi ca Việt Nam thế kỷ 20 như Chế Lan Viên đã viết: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại ở thời kỳ này một chút ít gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”.

Vũ Trọng Phụng tuy không hoạt động cách mạng nhưng trong những áng văn hiện thực của ông đã xuất hiện nhiều nhân vật nhà cách mạng.

Còn Nguyễn Huy Tưởng thì tham gia hoạt động cách mạng bắt đầu từ hoạt động Hướng Đạo ở Hải Phòng.

Song cả ba ông đều chịu một cách nhìn bi kịch ở cùng một thời kỳ. Lúc đó, tác phẩm Hàn Mặc Tử và Vũ Trọng Phụng bị liệt vào loại sách cấm, loại “văn hóa nô dịch”. Còn Nguyễn Huy Tưởng thì cùng với Nguyễn Tuân và Văn Cao đi vào “thực tế đời sống” ở Tây Bắc. Và cho đến hôm nay thì cả ba người đều được trả lại tất cả giá trị đích thực của mình. Tuy nhiên trong sự trở lại của họ, nhất là Hàn Mặc Tử và Vũ Trọng Phụng, ngoài những tấm lòng ngưỡng mộ thành thực, cũng có không ít những kẻ cơ hội định tính chuyện bằng tên tuổi của họ. Nhưng rồi “những cái tầm thường” sẽ qua, lòng ngưỡng mộ sẽ ở lại mãi mãi cùng tên tuổi của họ.

Ba ông mệnh mộc ở ngũ cung thì thuộc Giốc. Giốc là tiếng của đá, là âm chủ. Nói như Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Phiến đá khi chưa gõ lên sao mà lại có thể khiến người ta tự xét mình sâu sắc, hiểu rõ về nghiệp chướng của tấm thân, rửa sạch được nhĩ căn mà có thể cảnh tỉnh sự giác ngộ…”. Các ông là những phiến đá bất tử sau bia tiến sĩ khi xưa.

Ba ông mệnh mộc nên khắc kim. Kim trong ngũ tạng là phổi, vì vậy nguyên nhân tử bệnh đều từ phổi mà ra. Vũ Trọng Phụng mất vì ho lao. Nguyễn Huy Tưởng vì u ác tính ở phổi mà qua đời. Còn Hàn Mặc Tử, dù có trút hơi thở cuối cùng vì bệnh cùi thì cái hơi thở đầu tiên trong một đêm mưa gió nhiễm bệnh khi vụt qua bãi tha ma cũng là tới phổi đầu tiên.

Ba ông mệnh mộc nên ứng với mùa xuân. Đến mùa xuân năm nay, mùa xuân tuổi tám mươi của một tam giác, xin thắp lên một tuần hương tưởng nhớ để được chìm lắng trong mộng mị “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử. Để được reo lên như trẻ nhỏ trước sự hiện diện không thời nào vắng mặt của những chàng “Xuân tóc đỏ”. Và để hồi nhớ về 45 năm trước một mùa xuân Đinh Hợi 1947 tràn ngập hoa trên chiến lũy thủ đô của một Hà Nội kháng chiến còn xao động trong “Lũy hoa” của Nguyễn Huy Tưởng.

Để xây được một “Cửu Trùng Đài” cho văn học Việt Nam thế kỷ 20, những tác giả sinh trước năm Nhâm Tý 1912 có thể xem như những cây cọc đóng móng chắc chắn. Và đến tam giác này thì “Cửu Trùng Đài” đã có một cái nền khá chắc. Nếu như sau 80 năm, trên cái nền này chúng ta không còn xây nên được những tầng giá trị địch thực nào nữa thì than ôi, lại phải xin nhắc lại một câu trong tựa “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng: “Đài Cửu trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc?” Nhưng dù sao thì vẫn: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.
Xuân 1992

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỤY KHA

Nguồn tin: Lao động, 29-3-1992

Các Bài viết khác