NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NỖI LÒNG NGUYỄN HUY TƯỞNG TRONG “MỘT NGÀY CHỦ NHẬT”

( 29-07-2015 - 04:44 PM ) - Lượt xem: 1481

Dù sao đi nữa, những gì diễn ra ở nước ta cũng như trên thế giới trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã cho thấy những sự day dứt, đau khổ, lo lắng và dự cảm trong nỗi lòng Nguyễn Huy Tưởng vào Một ngày chủ nhật u ám ấy là hoàn toàn chính xác.

Trong thập kỷ 50 thế kỷ XX, thế giới và Việt Nam đã diễn ra những sự kiện đầy kịch tính tác động mạnh mẽ đến tâm tư tình cảm của mọi người, nhất là giới văn nghệ sĩ mà Nguyễn Huy Tưởng là một trong số đó. Qua thiên tùy bút “Một ngày chủ nhật” (được công bố lần đầu tiên vào năm 1957 trong ấn phẩm cùng tên của Nhà xuất bản Văn Nghệ), Nguyễn Huy Tưởng đã kể tỉ mỉ và trung thực về những gì ông trông thấy, nghe thấy và suy tư chỉ trong một ngày ở Hà Nội, mà một chi tiết sự việc được kể đã chỉ ra chính xác đó là ngày chủ nhật 11 tháng 11 năm 1956 (một ngày sau khi quân đội Liên Xô dập tắt cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary).

Bối cảnh

Nỗi lòng Nguyễn Huy Tưởng qua thiên tùy bút ấy xuất phát từ bối cảnh lịch sử mà ông đang sống. Chuyến công du bí mật đầu năm 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh (gặp gỡ Mao Trạch Đông) và Moskva ( tiếp kiến Stalin) đã đưa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) gia nhập phe Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo, để chống lại phe tư bản do Mỹ đứng đầu. Nhờ sự viện trợ của hai nước lớn trong phe XHCN, quân dân ta đã giành chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp với Hiệp nghị Genève 1954. Nhưng những điều kiện mà hai nước lớn đặt ra khi tiếp nhận nước ta vào phe XHCN đã dẫn đến những biến chuyển chính trị ngoài dự kiến của nước Việt Nam DCCH: nền chuyên chính vô sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo thay thế cho chế độ dân chủ-cộng hòa xác lập trong Hiến pháp 1946, sự xâm nhập của chủ nghĩa Mao với cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) làm tổn thương sức mạnh và tình cảm dân tộc, việc phân chia đất nước thành hai miền dưới hai chế độ chính trị đối lập tiềm ẩn nguy cơ một cuộc chiến mới, những hành động cách mạng “ấu trĩ tả khuynh” dẫn tới sự hủy hoại nền tảng văn hóa dân tộc, vụ “Nhân văn-Giai phẩm” diễn ra thể hiện sự bất bình của một bộ phận trong giới văn nghệ sĩ…Thế rồi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (2-1956) lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin làm chấn động toàn thế giới, dẫn tới những biến động ở Ba Lan và Hungary (23/10-10/11/1956); cùng lúc tình trạng chiến tranh lạnh giữa hai phe lên đến đỉnh điểm trong cuộc xung đột về kênh đào Suez giữa Ai cập (được Liên Xô hậu thuẫn) với Anh-Pháp-Israel (có Mỹ hỗ trợ).

Dường như bối cảnh vô cùng phức tạp trên đều hiện ra qua những sự việc, hiện tượng và tâm trạng con người được thuật lại một cách tinh tế trong Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng. Qua đó, ông giãi bày những tâm tư day dứt của mình một cách chân thành mà  vô cùng sâu sắc.

Lập trường

Nguyễn Huy Tưởng luôn kiên định lập trường chính trị của một đảng viên có trọng trách về công tác văn hóa-tư tưởng của Đảng, bởi vì, như ông tự kể: “Từ tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi của Người [tức Tổ quốc Việt Nam](1), tôi đi tìm những người yêu nước. Sau nhiều bước lần mò, trong đêm tối của nô lệ, tôi đã tìm thấy Đảng, Đảng của những người lao động. Đảng đã chỉ cho tôi hình ảnh của Người lấp lánh trong đêm”(2). Trên lập trường đó, ông theo dõi cuộc bạo động ở Hungary với tâm trạng đầy lo lắng cho số phận của chế độ cộng sản ở nước này có nguy cơ bị lật đổ, khi “bọn phát xít Hoóc-ty(3) đang hoành hành chém giết nhân dân Hung-ga-ri vô tội [-Nguyễn Huy Tưởng tin như vậy], khiến cho phe XHCN có thể mất đi một thành viên quan trọng: “ Sự biến ở Hung-ga-ri đến đột ngột, choáng váng đầu óc. Rồi cứ nghĩ, cứ nghĩ, ấm ức trong lòng. Tiếc một cái gì ấm áp, nhớ những cảnh tay bắt mặt mừng của tình quốc tế. Đau nhói như một miếng thịt của mình bị cắt ra. Chiếc tàu có người thân sắp chìm xuống vực thẳm. Một cái vẫy tay tuyệt vọng. Phải chăng đây là một cái gì không cứu vãn được? Có thể khác được không?”. Cho đến khi nghe qua đài phát thanh tin cuộc bạo động đã bị quân đội Liên Xô đập tan, ông đã vui mừng phấn khởi: “Chính phủ công nông cách mạng đã thành lập. Hung-ga-ri không mất nữa rồi. Tôi nghe người nói trước máy đọc dõng dạc mười lăm điều chính sách mới của Chính phủ Ca-đa. Tôi thở dài, người nhẹ nhõm”.

Trước tình hình đất nước bị chia cắt thành hai miền mà không có cuộc tổng tuyển cử để tái thống nhất sau 2 năm kể từ ngày ký Hiệp định Genève như văn kiện này đã quy định, ông lo lắng cho nền hòa bình đang bị đe dọa khi nhận thấy “trong Nam, Ngô Đình Diệm đang huênh hoang thao diễn quân đội”. Rồi dành những lời lẽ trìu mến thân thương nhất cho các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc đang tụ họp đông đúc bên bờ Hồ Gươm dưới bầu trời mưa thu lạnh lẽo, ông chia sẻ sâu sắc với nỗi buồn của những con người rời xa quê hương và khát vọng thống nhất đất nước của họ: “Chúng ta hãy nói với nhau những lời tin tưởng. Tổ quốc Việt Nam của chúng ta thế nào cũng thống nhất. Chẳng có một sự chia rẽ nào tồn tại. Những kẻ chia rẽ cuối cùng chỉ chuốc lấy cái nhục vào thân. Chúng ta hãy nói với nhau những lời gắn bó. Cánh tay của triệu triệu đồng bào hãy dang ra đón lấy nhau, qua giới tuyến, qua đồn ải! Trái tim của triệu triệu đồng bào hãy mở ra, mặc thằng Mỹ, mặc thằng Diệm!”. Dĩ nhiên ông kết tội chia cắt đất nước cho “thằng Mỹ”, “thằng Diệm” (tức “bè lũ Mỹ-Diệm”- như cách diễn đạt thông dụng của Đảng ta hồi ấy).

Những nỗi niềm day dứt

 Cùng lúc quan tâm đến vận mệnh Hungary trong phe ta, rồi đến “tiếng súng của chiến tranh Ai-cập nổ bên tai Người khẩn cấp như những lời cảnh báo”, ông vừa chú trọng đến những gì đang diễn ra trước mắt ở nước ta với những nỗi niềm day dứt: “Ngày chủ nhật mà sao tâm trí không được nghỉ ngơi? Đụng đến chỗ nào cũng thấy không vừa ý. Cuộc đời thiếu một cái gì gọn gàng, đẹp mắt, hợp lý, hợp tình”.

Rời mắt khỏi nhóm người miền Nam tập kết với nhiều sắc thái tình cảm, ông quan sát cảnh trí Hồ Gươm-danh thắng bậc nhất của đất kinh kỳ Thăng Long- Đông Đô-Hà Nội sau 2 năm kể từ ngày quân ta tiếp quản thủ đô với sự bất bình sâu sắc: “Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi”. Rồi ông bày tỏ ngay thái độ của mình: “ Bàn tay cách mạng tới đâu là phải sửa sang, tô điểm thêm đến đấy [chứ sao lại ra thế này?]. Hoàn cảnh hòa bình, thời kỳ kiến thiết đòi hỏi không được luộm thuộm. Nghĩ tới những đồng chí có trách nhiệm ở đây, vừa giận mà cũng vừa cảm thông. Không nghi ngờ gì cái ý tốt muốn phục vụ, muốn sửa sang, muốn đổi mới. Nhưng cái khổ là không biết cách làm. Bận túi bụi, chẳng cái gì làm đến nơi đến chốn...”. Ẩn sau sự nhếch nhác của Hồ Gươm là vấn đề của cả cuộc cách mạng này: đưa những cán bộ gốc bần cố nông nghèo khổ ít học (đã vươn mình qua cải cách ruộng đất) lên thay giới trí thức chuyên nghiệp thường xuất thân từ tầng lớp thượng lưu (bị gạt bỏ qua các đợt chỉnh huấn và chỉnh đốn tổ chức) để quản lý đất nước thì hậu quả sẽ như thế nào?

Trang phục của những người dạo quanh bờ hồ cũng khiến ông nặng trĩu suy tư: “Quần áo phần lớn màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất nhiều màu sắc. Gần mép hè, một cặp vợ chồng trẻ sánh vai nhau đi. Người phụ nữ có bộ mặt xinh tươi, bộ tóc uốn mềm mại, bộ áo dài cắt khéo. Sau một thời gian dè dặt, phụ nữ Hà Nội lại bắt đầu trang điểm. Nhưng họ vẫn chưa được tự nhiên lắm. Dù sao bộ áo của người phụ nữ trẻ kia cũng là màu tươi duy nhất trong đám người đồng phục trên quãng đường này”. Ông suy tư như vậy, bởi vì trang phục của họ nói lên rằng những con người ấy có được sống “ tự do-hạnh phúc”- như tiêu chí của nước Việt Nam DCCH- hay không. Hơn thế nữa, ở đây vấn đề đặt ra là: việc thay thế một xã hội gồm các trai thanh gái lịch trong những bộ Âu phục, quốc phục với áo dài đủ kiểu muôn màu (vốn rất quen thuộc với người yêu Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng) bằng một xã hội gồm toàn những người mặc đồng phục cán bộ tối lạnh khắc khổ như trên phải chăng là thành quả tốt đẹp của cuộc cách mạng này?

Rời Bờ Hồ để hòa mình vào cuộc sống nơi phố phường và trong các cơ quan, Nguyễn Huy Tưởng lại đụng ngay vào những cái “không vừa ý” nữa. Đi dọc theo Phố Tràng Tiền sang trọng nhất thủ đô, ông nhận thấy: “ Người chen chúc nhau đi lại. Nhiều cán bộ và công nhân viên hơn là người dân sản xuất bình thường tràn ngập các phố xá trong những ngày chủ nhật. Phản ánh cái tình trạng của một bộ máy quan liêu cồng kềnh chưa khắc phục được”. Tìm đến một cơ quan nhà nước ở giữa phố, ông bảo: “Dễ nhận ra lắm, với những giường một kiểu, với những lao màn lủng củng, với những quần, những áo, những tã, những lót phơi một cách sống sượng trước mắt người qua đường. Đây là cái biển của một bộ trong Chính phủ, cũng đồng loạt như mọi cái biển khác, hình chữ nhật, nền đỏ chữ vàng, treo trước cổng”. Bước vào một hiệu sách, lần giở mấy quyển sổ tay đóng sẵn ở đây, ông lại phải suy tư: “ Đang mùa cưới, mùa của yêu đương, mùa của những lứa đôi đang trào lên nhựa sống, ấp ủ những ước mơ, khao khát những đêm dài ân ái. [Vậy mà] Tất cả những cuốn sổ đều ghi mấy hàng chữ công thức: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Liên tưởng tới những đám cưới đời sống mới. Thủ trưởng, công đoàn huấn thị, rồi một tốp thanh niên đồng ca, rồi giải tán sau khi hát chiếu lệ bài hát kết đoàn”. Từ những điều mắt thấy tai nghe ấy, Nguyễn Huy Tưởng nhận ra rằng: “Cần đấu tranh mạnh với quan niệm tập thể giản đơn của một số người có khuynh hướng đồng loạt hóa cuộc đời muôn hình nghìn vẻ, dựng nên rải rác đó đây cái không khí xám nhờ nhờ như sương mù làm đen tối cảnh vật”. Quan niệm và khuynh hướng đó về sau được nhiều nhà nghiên cứu mệnh danh là “CNXH trại lính”.

Dòng suy tưởng đưa ông về với làng quê mình, nơi đang diễn ra những sự cách mạng ghê gớm: “Đến cả tên của nhiều làng, rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến bộ, Hạnh phúc, Quyết tâm, Quyết tiến... rất ít âm hưởng trong lòng người. Có nơi còn rục rịch thay những tên xóm nôm na bằng những con số! Những niên hiệu các triều đại ghi trên hoành phi, câu đối của một ngôi đình cổ kính bị xóa đi bằng vôi trắng. Trên mặt tấm hoành phi treo giữa một ngôi chùa gần Hà Nội, người ta dán lên khẩu hiệu: Đảng Lao động Việt Nam muôn năm. Các đồng chí có biết không? Trong khi các đồng chí làm những việc kỳ dị ấy, thì Đảng lo khôi phục chùa Một Cột, kéo lại chuông lên gác chùa Keo! Hình như nhiều cán bộ quan niệm rằng cách mạng là xóa bỏ tất cả cái gì là quá khứ, là di tích, coi là phong kiến tất”. Quá ngán ngẩm, ông phải thốt lên rằng: “Đừng đi quá nữa. Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng...”. Đó là cách nói rất hay về sự tàn phá di sản văn hóa dân tộc nhân danh cách mạng.

Thế rồi những nỗi niềm day dứt của Nguyễn Huy Tưởng đọng lại ở cuộc CCRĐ “long trời lở đất” vừa đến hồi kết thúc. Từng tham gia công tác CCRĐ ngay từ đầu (1953-1954), Nguyễn Huy Tưởng đã chứng kiến hàng loạt những cuộc đấu tố và hành hình địa chủ, để rồi gửi gắm tâm sự của mình trong cuốn nhật ký riêng tư (4). Nhưng ở thiên tùy bút Một ngày chủ nhật này, ông chỉ đề cập những hậu quả vô cùng nặng nề của nó, khiến cuộc sống thanh bình dựa trên lòng nhân nghĩa ở các làng quê đất Việt bị đập phá tan hoang. Ông  tường thuật: “Nhà nào sống nhà ấy, âm thầm lạnh lẽo, thiếu cái hơi nóng của họ mạc, láng giềng. Người gánh lúa gặp nhau ngoài đường cũng không niềm nở. Chưa tan hết những thành kiến, nghi ngờ còn rớt lại của những ngày cải cách. Người cán bộ cải cách ít hiểu nhân tình thế thái, đã đi ngược lại những tình cảm họ hàng làng mạc. Những tình cảm ấy chẳng lạc hậu đâu. Nó dựa trên tinh thần tương thân tương ái, xây dựng nên cái tính nhân hậu sâu sắc và chan hòa của người Việt Nam. Nó làm cho mỗi làng của ta là một tổ ấm cúng. Tự nhiên thấy tiếc cái vui vầy của tình lân lý, cái vồn vã của họ hàng, cái đon đả của bà cô, ông chú. Cảm giác nặng nề của một cuộc sống rời rạc, thiếu cái keo sơn của tình cảm. Cái tả khuynh của người cán bộ mang một ý định tốt đẹp là mưu hạnh phúc cho nông dân đã dẫn đến cái điên cuồng lật nhào tất, đạp đổ tất, giũ rối nông thôn”. Ngay dưới chế độ thực dân-phong kiến đầy bất công ngang trái mà “cái tính nhân hậu sâu sắc và chan hòa của người Việt Nam” vẫn tồn tại vững bền, thế nhưng cuộc CCRĐ này đã phá tan tất cả!

Với lòng yêu nước nồng nàn, Nguyễn Huy Tưởng đã theo Đảng làm cách mạng chống chế độ thực dân-phong kiến để mang lại tương lai tươi sáng cho dân tộc. Nhưng trong chế độ mới của ta sự tươi sáng chưa kịp nảy mầm ló dạng, mà trớ trêu thay, lại xuất hiện rất nhiều mảng tối hơn chế độ cũ vừa bị quét sạch. Đó chính là sự đau khổ trong nỗi lòng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Sự đau khổ còn tăng thêm khi  ông dự cảm được rằng những mảng tối ấy chính là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta và của cả phe XHCN chúng ta: “Những kẻ thù của thống nhất, những kẻ thù của chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam đang hoa chân múa tay ăn mừng cuộc nổi loạn của những lực lượng phát xít ở Hung-ga-ri. Tim tôi càng nhức nhối. Cuộc đấu tranh cho thống nhất gặp thêm trắc trở. Nỗi lo âu cho nước bạn hòa làm một với nỗi lo âu cho Tổ quốc Việt Nam”.

Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn “thiên về ca ngợi”- như chính ông tự nhận xét về mình. Bởi thế, phải bức xúc lắm ông mới cho ra đời Một ngày chủ nhật- tác phẩm duy nhất mang tính chất phản biện xã hội trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của mình. Tùy bút này được xuất bản ngay trong khi cuộc đấu tranh chống sự phản biện của nhóm Nhân văn-Giai phẩm đang hồi quyết liệt, nên tác giả của nó đã bị cách chức Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng. Tuy nhiên, ông vẫn tránh được những vấn nạn mà nhóm Nhân văn-Giai phẩm phải gánh chịu. Bằng sự bày tỏ lập trường chính trị rõ ràng ( “Đảng đã chỉ cho tôi hình ảnh của Người lấp lánh trong đêm”, “ánh sáng tưng bừng của chủ nghĩa cộng sản”, “phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả”…), bằng cách viết mềm dẻo “mang tính xây dựng” có khen có chê (“vừa giận mà cũng vừa cảm thông”, “không nghi ngờ gì cái ý tốt muốn phục vụ, muốn sửa sang, muốn đổi mới”, “nhưng cái khổ là không biết cách làm”…) và cách đặt trọng tâm phê phán vào các cấp thừa hành bên dưới (“người cán bộ cải cách ít hiểu nhân tình thế thái”,“trong khi các đồng chí làm những việc kỳ dị ấy, thì Đảng lo khôi phục chùa Một Cột, kéo lại chuông lên gác chùa Keo”…), Nguyễn Huy Tưởng đã thoát khỏi những sự quy chụp quá tay, mà vẫn truyền tải được đầy đủ chính kiến của mình.

Niềm tin và hy vọng

Cùng với những nỗi niềm day dứt trong lòng, với tầm nhìn sâu sắc và tinh tế của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trớ trêu trên. Ông đã nhận ra “ một bộ máy quan liêu cồng kềnh” với “quan niệm tập thể giản đơn đồng loạt hóa cuộc đời” và đường lối dùng người dựa trên thành phần giai cấp sẽ làm cho xã hội suy đồi; còn đấu tranh giai cấp theo kiểu CCRĐ đã làm tan vỡ nền tảng văn hóa xã hội của dân tộc. Khái quát hơn, ông chỉ ra sai lầm cơ bản của cuộc cách mạng này nằm ở quan điểm về con người: “Điểm xuất phát của cách mạng là con người. Đế quốc phong kiến khinh rẻ con người như cỏ rác. Chúng ta hãy nâng niu từng sợi tóc, từng giọt máu, từng tình cảm nhỏ của con người. Hơn lúc nào hết, phải đề cao cái ý thức tôn trọng con người, tôn trọng cái địa vị chủ nhân của mỗi một người Việt Nam. Không để cho một cử chỉ thô bạo nào xâm phạm đến con người. Mỗi một con người là một lâu đài thiêng liêng mà chúng ta phải tới với một tấm lòng chân thành tôn kính”. Đó chính là giá trị  về “nhân quyền” (human right)-phát kiến vĩ đại của các nhà Khai sáng thế kỷ XVIII đã trở thành hệ tư tưởng cơ bản của các nước văn minh trên thế giới. Chính quan điểm ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố trước toàn thể quốc dân đồng bào trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 của nước Việt Nam DCCH, và đã được thể chế hóa trong  bản Hiến pháp 1946. Chắc chắn Nguyễn Huy Tưởng cũng như bao công dân nước Việt còn nhớ mãi những kỷ niệm vô cùng tươi sáng của buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình trong ngày lịch sử ấy. Nên giờ đây, ông lại càng cay đắng hơn nếu nhận ra rằng do thời thế đổi thay, những giá trị thiêng liêng của ngày ấy đã bị thay thế bằng một hệ tư tưởng cộng sản ngoại lai không dung hợp với nhân quyền.

           

Mang những nỗi niềm day dứt trong tim, Nguyễn Huy Tưởng vẫn đứng vững trên lập trường chính trị của mình mà hướng đến tương lai: “Trong lúc này chúng ta không có quyền tuyệt vọng, không có quyền bi quan mà phải ngẩng mặt, dũng cảm đứng lên sửa những lỗi lầm và tiếp tục phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả mà chúng ta theo đuổi đến cùng”. Ông xác quyết rằng “tôi sẽ dùng ngòi bút chống lại tất cả những cái đang xuyên tạc chế độ của chúng ta, chế độ của những con người đứng dậy làm chủ vận mạng của mình. Hãy khuấy cho tan đi cái không khí nhờ nhờ nó ngăn cản ánh sáng tưng bừng của chủ nghĩa cộng sản [theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong những ngày đầu dựng nước]”. Ông đặt niềm tin của mình vào công cuộc Sửa sai sau CCRĐ: “Chúng ta đã thấy cái sai, và chúng ta đang sửa. Từ trên xuống dưới, toàn dân đang lao vào công cuộc lớn lao này. Phải tìm ra ánh sáng giữa rừng sâu. Tôi nhớ lại hình ảnh đồng chí bí thư xã tôi. Anh đã chịu biết bao khổ nhục vật chất và tinh thần. Nhưng vừa mới được trả lại tự do, anh đã chạy tới nhà người đã dựng lên những điều không đúng để kết tội anh, và xóa bỏ mọi oán thù. Tới đâu đem lại niềm tin yêu đùm bọc tới đấy”. Rồi ông đặt hy vọng vào sự đổi mới (cũng là sửa sai) ở đất nước Liên Xô: “Ánh sáng Đại hội hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô chiếu khắp. Một cuộc duyệt lại cách sống, cách nghĩ. Một cuộc duyệt lại nhiều chính sách từ trước tới nay được coi như kinh thánh. Trăm tiếng nói cất lên, không phải chỉ là một tiếng nói từ trên dội xuống. Cùng với cuộc đấu tranh chống bệnh sùng bái cá nhân ngày càng mạnh, cái sợ vu vơ dần dần bị đánh bạt, phong trào tự do dân chủ lên cao. Chúng ta dám nghĩ, chúng ta dám làm. Chúng ta dám thẳng thắn vạch ra những sai lầm, những tệ nạn. Đừng hoảng hốt, những ai chưa quen điệu nói mới của thời đại. Nhể cái nhọt không có nghĩa là giết một con người. Chế độ của chúng ta chỉ càng thêm lành mạnh”.

Quả thật, niềm tin và hy vọng của Nguyễn Huy Tưởng đã được đặt rất đúng chỗ. Công cuộc Sửa sai sau CCRĐ với những giọt nước mắt của Bác Hồ tại Quốc hội đã làm cho xã hội miền Bắc dần dần trở lại ổn định. Liên Xô sau Đại hội XX dưới sự lãnh đạo của N.S. Khruschev đã xóa bỏ tệ sùng bái cá nhân Stalin để đi những bước đầu tiến tới một mô hình chủ nghĩa cộng sản gắn với nhân quyền bằng chính sách chung sống hòa bình. Nguyễn Huy Tưởng cảm nhận được luồng gió mới từ Liên Xô thổi tới qua một loạt các tác phẩm văn nghệ thấm đẫm tình nhân đạo: tiểu thuyết và phim Sông Đông êm đềm, truyện vừa và phim Số phận một con người; các bộ phim Người thứ 41, Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay qua; các ca khúc Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Lòng mẹ, Cây thùy dương

Nhưng bấy nhiêu dường như vẫn chưa đủ để xoa dịu con tim chứa đầy những nỗi niềm day dứt của ông. Có lẽ bởi vậy mà bệnh ung thư phát sinh đã cướp đi sinh mạng Nguyễn Huy Tưởng ở tuổi 48 vào năm 1960, tức là chỉ 4 năm sau Một ngày chủ nhật ấy.

Thực tiễn trả lời

Vĩnh biệt cõi đời này, Nguyễn Huy Tưởng không biết được rằng cuộc đổi mới của Khruschev đã thất bại khi ông này bị lật đổ vào năm 1964, để rồi sau đó Liên Xô kéo dài sự trì trệ của đất nước trong 20 năm, lại phải tiến hành cuộc cải tổ chủ nghĩa xã hội (CNXH}, và thất bại của cải tổ lần này đã dẫn tới sự sụp đổ liên hoàn của chế độ XHCN ở khắp các nước Đông Âu (trong đó có Hungary mà lực lượng nổi dậy chưa bao giờ là bọn phát xít Hooc-ty như ông đã được nghe phổ biến); rồi CNXH sụp đổ ở chính Liên Xô đã làm tan vỡ Liên bang Xô viết vào năm 1991. Còn ở nước ta, chiến tranh đã bùng nổ giữa hai miền rồi trở thành chiến tranh chống Mỹ với hàng triệu đồng bào và chiến sĩ hy sinh để có ngày thống nhất đất nước 30-4-1975. Khi ấy quân ta vào tiếp quản Sài Gòn, những sự việc và hiện tượng tương tự như những gì mà Nguyễn Huy Tưởng “không vừa ý” ở Hà Nội 20 năm về trước lại tái diễn ở tầm mức mới tại thành phố nay được mang tên Hồ Chí Minh, khiến cho hàng triệu đồng bào ta ở miền Nam phải bỏ nước ra đi tìm cuộc sống tự do-hạnh phúc nơi đất khách quê người. Các đồng chí Trung Quốc xưa kia đã chỉ đạo cuộc CCRĐ bi thảm ở nước ta, thì lúc này trở mặt xúi giục bọn tay sai Khmer Đỏ tàn sát ngay đồng bào chúng ở Campuchia và tiến đánh nước ta; rồi chính quân Trung Quốc đã xâm chiếm các hải đảo và gây chiến tranh toàn diện với nước ta. Quân dân ta lại phải đổ máu để quét sạch quân Khmer Đỏ và đánh đuổi quân Tàu ra khỏi biên cương đất nước.

Rất may là Đảng ta đã kịp thời tiến hành cuộc đổi mới từ năm 1986 (tức là 30 năm sau Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng) để sửa chữa những sai lầm đã qua mà đưa đất nước tiến theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” trên con đường “làm bạn với tất cả các nước trên thế giới” (tức là chung sống hòa bình).

Dù sao đi nữa, những gì diễn ra ở nước ta cũng như trên thế giới trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã cho thấy những sự day dứt, đau khổ, lo lắng và dự cảm trong nỗi lòng Nguyễn Huy Tưởng vào Một ngày chủ nhật  u ám ấy là hoàn toàn chính xác.

Ông dự cảm những mảng tối mà mình phát hiện chứa đựng nguy cơ tồn vong của chế độ chính trị và của cả cả phe XHCN; thì nguy cơ ấy đã biến thành hiện thực hiển nhiên.

Ông đặt niềm tin vào cuộc đấu tranh sửa chữa sai lầm để trở lại với đường đi đúng; thì thực tiễn đã cho thấy nơi nào không chịu sửa sai hay đổi mới thất bại thì chế độ chính trị ở nơi ấy đã tiêu vong.

Ông lo lắng trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa hai miền; thì chiến tranh thực sự đã nổ ra với quy mô và sự ác liệt ngoài sức tưởng tượng.

Ông đau xót trước sự tàn phá nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc nhân danh cách mạng; thì hậu quả của sự tàn phá ấy tồn tại mãi về sau mà chưa có cách nào khắc phục được.

Ông nhìn thấy sự trì trệ của “bộ máy quan liêu cồng kềnh”; thì cuộc đổi mới ở Việt Nam đã phải đặt ra mục tiêu xóa bỏ cơ chế quan liêu-bao cấp để thay thế bằng cơ chế thị trường “định hướng XHCN”.

Ông bất bình với cách dùng người dựa trên lý lịch với lập trường chính trị mà không cần đến trình độ chuyên môn; thì đó vẫn là vấn đề nhức nhối kéo dài mãi, mặc dù ngày nay bằng cấp chuyên môn đã được chú trọng  hơn trước.

Ông muốn cuộc cách mạng của chúng ta phải xuất phát từ con người chứ không phải từ quan niệm tập thể giản đơn đồng loạt hóa cuộc đời; thì cho đến nay, nhân quyền vẫn là vấn đề bức xúc nhất của Việt Nam trong các chính sách đối nội và đối ngoại.

Ngày nay ở nước ta, loại trang phục “phần lớn màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ” cũng như  những đám cưới “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” không còn nữa, để nhường chỗ cho các loại quần áo đủ các kiểu dáng với muôn màu muôn vẻ đẹp tươi và những đám cưới pha trộn truyền thống dân tộc với sự hoành tráng theo kiểu Âu-Mỹ. Nhưng di sản của những mảng tối xưa kia chưa phải là đã hết, mà vẫn còn cản trở con đường xây dựng đất nước giàu mạnh tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh (con đường mà cuộc cách mạng tháng Tám 1945 đã vạch ra). Cầu mong lòng yêu nước và yêu thương con người sâu sắc của Nguyễn Huy Tưởng để lại trong di cảo quý báu của ông tiếp tục giúp dân tộc ta đưa công cuộc đổi mới đi lên, tiến tới ngày mai tươi sáng cho Tổ quốc Việt Nam.

CHÚ THÍCH

(1) Các đoạn viết trong ngoặc vuông ([…]) là do người viết bài này (Lê Vinh Quốc) chua thêm cho rõ nghĩa.

(2) Tất cả các đoạn trích dẫn ở đây đều chép từ cuốn Một ngày chủ nhật, NXB Văn Nghệ, Hà Nội 1957.

(3) Đô đốc Miklos Horthy (1868-1957): nhà độc tài thân phát xít ở Hunggary đã liên minh với nước Đức Hitler tấn công Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai; sau chiến tranh bị xử tù rồi lưu đày chung thân ở Bồ Đào Nha.

(4) Xem thêm: Giở trang nhật ký Nguyển Huy Tưởng, ấn phẩm của Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng ( website: clbnguoiyeusach.com).

TS. LÊ VINH QUỐC

Các Bài viết khác