NGUYỄN HUY TƯỞNG VỚI VĂN CHƯƠNG CUỘC ĐỜI
( 17-09-2014 - 06:29 AM ) - Lượt xem: 1181
Trong lúc đời sống văn nghệ xuất hiện nhiều khuynh hướng ly khai, tách rời cuộc sống, chạy trốn thực tại, xuyên tạc lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng không đồng tình và kiên quyết phản đối. Ông chủ trương: “Người thi sĩ phải hiểu việc đời một cách sâu xa, và phải đoán việc đời một cách siêu việt. Tầm mắt có xa thì trí tưởng tượng mới rộng, tầm mắt có rộng thì trí tưởng tượng mới cao
Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là một nghệ sĩ tài năng, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Trong suốt cuộc đời cầm bút, ông luôn nung nấu một khát vọng, đam mê viết được những tác phẩm lớn, vĩ đại có thể đạt giải Nobel, như lời tâm nguyện ông từng ghi trong Nhật ký ngày 29-3-1945: “Mơ mộng viết một truyện dài, những truyện dài. Khao khát một phần thưởng Nobel”. Và những tác phẩm để đời của ông như: An Dương Vương xây thành Ốc, Tìm mẹ, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Tư, Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Những người ở lại, Sống mãi với Thủ đô, Lũy hoa... tuy chưa chạm tới ngưỡng của giải Nobel nhưng lại có một sức sống lâu bền trong lòng độc giả ở mọi lứa tuổi, thời đại. Bởi những câu chuyện, những vấn đề mà nhà văn phản ánh, đặt ra trong tác phẩm đã đánh thức trái tim, suy nghĩ của người đọc về truyền thống lịch sử của cha ông, sức sống của dân tộc, lòng nhân ái của con người và những vấn đề muôn thuở của văn chương, cuộc đời.
Ngày nay, sau hơn nửa thế kỷ kể từ ngày Nguyễn Huy Tưởng “đi xa”, những tác phẩm của ông vẫn không ngừng lan tỏa đến với đông đảo độc giả. Sức hấp dẫn của những tác phẩm ấy xuất phát từ bình diện nội dung và hình thức biểu hiện với những vấn đề đặt ra mang tính thời đại, xuất phát từ quan điểm sáng tác văn chương đúng đắn, tiến bộ của một nhà văn nặng tình với quê hương, đất nước.
Nguyễn Huy Tưởng không có tác phẩm riêng bàn về văn chương nghệ thuật. Nhưng qua những trang Nhật ký được ghi chép cẩn thận trong suốt 30 năm sống - hoạt động cách mạng và sáng tác, với trên 1.700 trang in (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, 3 tập, Nxb. Thanh Niên, H, 2006), đã đề cập những chuyện đời, chuyện nghề, những tâm tư tình cảm... đều được nhà văn ghi lại bằng những trang văn sinh động, chân thực, giản dị, thấm đẫm xúc cảm, tình người. Bên cạnh đó, qua lời thoại của nhân vật chính trong các tác phẩm cụ thể, nhà văn cũng gửi gắm, ký thác những tư tưởng, những bức thông điệp để đối thoại với chính mình và với cuộc đời. Đặc biệt, trong lời Đề tựa vở kịch Vũ Như Tô, đã nói lên những tâm sự, quan điểm thành thực của một tâm hồn đôn hậu, luôn khắc khoải trong trái tim, suy nghĩ về giấc mộng “xây Cửu Trùng đài” cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Với tư cách là nhà văn, từng tham gia công tác quản lý văn hóa, văn nghệ của Đảng, Giám đốc đầu tiên của Nxb. Kim Đồng, những quan điểm của Nguyễn Huy Tưởng về văn chương nghệ thuật luôn rõ ràng, dứt khoát, thể hiện tư tưởng dân chủ, nhân văn, tiến bộ. Đọc lại những trang Nhật ký, những sáng tác của nhà văn, người đọc hôm nay nhận ra được nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc...
Nguyễn Huy Tưởng đến với văn chương khá muộn. Những năm 40 của thế kỷ trước, những tác phẩm đầu tay viết cho đội quân Hướng Đạo của ông mới bắt đầu xuất hiện, in trong tủ sách Hoa Xuân, trong khi những bạn văn cùng thời như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Hàn Mặc Tử… đã đi được một chặng đường dài trong sáng tác, nổi tiếng trên văn đàn với những tác phẩm xuất sắc, gây được tầm ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng.
Không có được yếu tố thiên bẩm trời cho, Nguyễn Huy Tưởng đã có những bước đi cẩn trọng, vững vàng bằng chính sự nỗ lực, rèn luyện, kiên trì của bản thân; bằng tấm lòng sôi nổi đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn mượn văn chương để tỏ lòng yêu nước. Thuở là học sinh trường Bonnal - Hải Phòng, giữa những ngã rẽ của cuộc đời, Nguyễn Huy Tưởng đã xác định rõ con đường đi của mình bằng một tuyên ngôn dứt khoát: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi” (Nhật ký ngày 19-12-1930)(1). Và từ đó, mối cơ duyên với văn chương đã bắt đầu nảy nở, bén rễ trong tâm tư, suy nghĩ của chàng trai làng Dục Tú, xứ Đông Ngàn, Kinh Bắc. Văn chương đã trở thành một công cụ, phương tiện, động lực hữu hiệu trong việc tuyên truyền, đấu tranh, cổ vũ cách mạng. Từ những câu thơ chân thật, thô mộc, giản dị, tự nhiên trong Nhất điểm linh đài, đến những trang văn hồn hậu trong Thái Bình diên yến, ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng ngày càng trở nên sắc sảo trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm, giãi bày tâm trạng và phản ánh những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Với Nguyễn Huy Tưởng, con đường đến với văn chương không hề đơn giản, dễ dàng mà nhà văn luôn phải vật lộn với từng câu chữ, đấu tranh với những tư tưởng thấp hèn, thử nghiệm qua nhiều thể loại để định hình phong cách, sở trường. Nghề viết văn là một nghề vất vả, đôi khi “khổ hạnh” (Nguyễn Tuân), phải biết hy sinh nhiều thứ quý giá để đổi lấy những “vân chữ” (Trần Dần). Nhiều lần Nguyễn Huy Tưởng coi “văn chương chính là kẻ thù của ta vậy”, nhưng ông vẫn quyết tâm, không ngừng kiếm tìm để tạo ra những “giọt mật”, những vẻ đẹp thánh thiện dâng tặng cuộc đời.
Nói về nghề sáng tác, Nguyễn Huy Tưởng có một sự so sánh thú vị: “Như một người mẹ lúc lâm sản phải chịu bao nhiêu nỗi đau đớn, người văn sĩ trong công cuộc sáng tác cũng phải chịu bao nhiêu nỗi vất vả. Cũng như người mẹ trước khi sinh nở, thì lo ngại, sợ hãi, không được yên tâm, người văn sĩ cũng phải trải qua những nỗi thất vọng, những sự chán nản. Nhưng một đứa con đem lại cho đời bao nhiêu sinh thú, và một tác phẩm hay sẽ làm cho tác giả tự phụ biết bao! Sao ta lại sợ đau khổ? Sáng tác khó nhọc, nhưng sáng tác muôn năm. Người đàn bà không sinh nở thì khô khan và lẻ loi chán ngán: họ ao ước cái đau khổ mà không được. Làm người phải có sáng tác, cũng như người đàn bà phải có sinh nở” (17-9-1938). Và mỗi khi hình dung, nghĩ về hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ, Nguyễn Huy Tưởng thường liên tưởng tới hình ảnh anh thợ cày, phải cày thật sâu trên cánh đồng con chữ thì mới mong những mùa gặt bội thu: “Tôi muốn tôi phải sâu xa hơn nữa, tôi phải hiểu nhiều, biết nhiều, biết một cách sâu sắc. Tôi không muốn sống hờ. Tôi hình dung một người thợ cày: anh ta phải cày thật sâu, sâu nữa, thì cây lúa mới tốt. Tôi sẽ lấy anh ta làm biểu hiện cho quan niệm về văn chương của tôi” (25-12-1938). Và ông cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao khi đứa con tinh thần chào đời: “Không có cái nguồn hạnh phúc nào to bằng sáng tác. Chỉ có sáng tác mới cho ta sự sung sướng, và làm cho ta vui vẻ mà thôi” (4-4-1938).
Với nhà văn, muốn viết được những tác phẩm hay, có ích, người viết phải xác định được mục đích sáng tác, nội dung phản ánh, đối tượng phục vụ... Trong lúc đời sống văn nghệ xuất hiện nhiều khuynh hướng ly khai, tách rời cuộc sống, chạy trốn thực tại, xuyên tạc lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng không đồng tình và kiên quyết phản đối. Ông chủ trương: “Người thi sĩ phải hiểu việc đời một cách sâu xa, và phải đoán việc đời một cách siêu việt. Tầm mắt có xa thì trí tưởng tượng mới rộng, tầm mắt có rộng thì trí tưởng tượng mới cao. Người thi sĩ không bao giờ được ở xa đời. Bao giờ cũng đứng làm môi giới cho loài người cùng tạo vật” (11-3-1932). Cũng giống như Nam Cao từng quan niệm: Văn chương phải là những tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than. Nhà văn phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón nhận những vang động của đời, Nguyễn Huy Tưởng cũng xác định rõ: “Làm người không được coi đời là mộng tưởng mà phải coi đời là cái trường hoạt động” (23-9-1931) và “Sống đã. Những điều không cần thiết cho sự sống tất phải bỏ đi không dùng, dầu nó thích hợp với lòng mình. Không nên để sóng gió thời đại nó dắt anh đi như người ta dắt đứa trẻ, anh phải tự dắt anh đi trong đường chông gai” (3-1935).
Sống đã rồi hãy viết - đó là quan niệm sống, quan niệm sáng tác của lớp văn sĩ hiện thực cùng thời, hướng về cuộc sống hiện tại để miêu tả, phản ánh với vai trò là “người thư ký trung thành của thời đại”, “phải gần cuộc đời, sách mà không chung đụng với cuộc đời cũng vô ích” (11-3-1940), “cần phải viết truyện gần sự thực. Cần phải có sự sống tràn trề” (ngày 4 và 5-12-1942). Và quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” ấy đã chi phối đến cảm hứng sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Ông luôn hướng về cuộc sống, con người để miêu tả, phản ánh, ghi lại những giai đoạn, thời kì hào hùng của lịch sử dân tộc, những chuyển biến dữ dội của đời sống cách mạng, kháng chiến với những con người tiêu biểu cho thời đại. Hàng loạt những tác phẩm viết về đề tài lịch sử trong quá khứ, trong hiện tại của nhà văn đều xuất phát từ những vấn đề của cuộc sống thực tiễn đặt ra. Bởi vậy khi nói về thiên chức, phẩm chất của người nghệ sĩ, Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh: “Người thi sĩ muốn xứng cái thiên chức của mình, trước hết phải có tấm lòng thanh khiết, sau phải cảm đến mọi lẽ giời đất, sau mới cần đến câu tư tưởng thâm trầm, và sau rốt là cần một câu văn sáng sủa, gọn ghẽ và êm tai” (10-4-1932); “tôi muốn nhà văn bỏ ngoài cái lợi, và sống một cuộc đời cao thượng thanh cao” (26-4-1938); “thi sĩ chỉ như con họa mi, cần cái tiếng hát trong, câu ca thánh thót, thi điệu dồi dào. Còn cái vỏ ngoài là phú quý vinh hoa thảy đều coi như giấc mộng” (5-11-1933), và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn phải giữ được tinh thần Việt Nam: “Dù truyện gì, việc gì cũng không nên bỏ tinh thần Việt Nam” (7-12-1932); "để sáng tác được những tác phẩm đọc cháy lòng người, thúc giục mọi người vào cuộc đấu tranh. Không thể bị động mà phải lăn xả vào cuộc chiến đấu” (19-6-1951) và “mỗi bài, mỗi sáng tác phải là một tiếng vang, một viên đạn, một ngọn lửa, một niềm tin. Làm cho người đọc, người xem nhận thấy rõ mình” (5-8-1951).
Nghề viết văn là một nghề cao quý, nghề của sự sáng tạo, kiếm tìm cái đẹp, thanh lọc tâm hồn, cải tạo xã hội, hướng con người đến với những giá trị chân, thiện, mĩ. Nói về nghề cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng không giấu nổi niềm xúc động, tự hào khi bản thân đang gánh vác trọng trách, sứ mệnh thiêng liêng, cao quý. Ông tâm sự: “Một nghề nghiệp cao quý biết bao là nghề văn. Đưa lại cho đời một bó đuốc không to thì nhỏ. Biểu hiện những tư tưởng cao thượng, làm cho con người thương nhau, hiểu nhau, tới nhau, chọc thủng cái màn dối trá do cái thủ đoạn tuyên truyền rất đểu của đế quốc, con người nhìn thấy nhau, ôm lấy nhau. Đẹp vô cùng. Và phấn khởi vô cùng. Nghề gì cũng đẹp, miễn đấy là một nghề. Nhưng có cái nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy nguyên liệu chính là con người, một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo” (16-6-1956).
Bằng tình yêu nghề, yêu nghệ thuật, sẵn sàng hiến dâng và hy sinh cho sự nghiệp cao cả dù cuộc sống đời thường chật vật, o bế với những lo lắng về cơm áo, gạo tiền, về cuộc sống mưu sinh, hay chuyện gia đình... khiến nhiều lần Nguyễn Huy Tưởng rơi vào bi kịch, muốn tự tử, quyên sinh trước những vấn đề nhức nhối của cuộc sống trước mắt, rồi những năm tháng phải “sống mòn, chết mòn” của đời làm thư ký sở Đoan. Nhưng vượt lên trên tất cả, nghệ thuật đã kéo nhà văn ra khỏi những suy nghĩ bi quan, tiêu cực, thổi vào trong trái tim người nghệ sĩ tình yêu cuộc sống, yêu con người. Và ông thú nhận một cách thành thực: “Tôi thấy từ khi làm văn, tôi trong sạch thêm ra” (27-9-1938), và “hạnh phúc là gì hay chỉ là ảo ảnh, là cái gì mà ta tìm, ta để hạnh phúc trong văn chương, ta cứ say sưa với nó” (29-10-1938). Để rồi mỗi khi đặt bút viết, Nguyễn Huy Tưởng luôn canh cánh bên mình nỗi trăn trở phải làm sao nói được điều gì đó có ích với cuộc đời, với con người, không được viết sai sự thực: “Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật, phải thật với người” (16-6-1956).
Khi đề cập đến vai trò, sứ mệnh của nhà văn, Nguyễn Huy Tưởng đánh giá cao thiên chức cao cả của người nghệ sĩ. Ông cho rằng: “Nhà văn là bó đuốc soi đường cho những người cùng khổ” (7-6-1956). Vì “tác phẩm là một mảnh của cuộc sống, là sự sống” (7-6-1956) nên nhà văn “hãy trân trọng từng hơi thở, từng ngọn lá, giọt nước, từng mớ tóc, nét răn của nhân vật. Đoạn tuyệt với tất cả những gì là giả tạo” (7-6-1956), “hãy giải đáp cho cuộc đời, cho cuộc sống. Nhà văn phải là một nhà tư tưởng bằng nhân vật, bằng hình ảnh, không phải chỉ là phản ánh mà còn là tổng kết, soi sáng. Đừng viết cái gì nó không soi sáng cho con người, cho xã hội. Cầm lấy cái thìa khóa của nghệ thuật mà mở cửa ra cái mênh mông của cuộc sống. Tác phẩm hãy đem theo ánh sáng, hơi thở, gió lộng và hương thơm. Và đừng viết cái gì không có thơ, khô khan, vô vị. Hãy làm nhạy các giác quan của người, gây mĩ cảm, suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ. Đừng thờ ơ với cuộc sống, dù nhỏ...” (8-6-1956).
Đó là những lời tâm huyết viết ra từ gan ruột của một người có trách nhiệm với văn hóa, văn nghệ dân tộc, trong thời điểm tình hình đời sống văn học xuất hiện nhiều khuynh hướng phức tạp, đời sống xã hội ngột ngạt với những tư tưởng cũ - mới đan xen, Nguyễn Huy Tưởng đã không ngần ngại nói lên chính kiến, quan điểm tiến bộ của mình. Ông là người giàu tình thương, dễ xúc động nhưng luôn nghiêm khắc, đấu tranh với chính bản thân mình để đưa ra những quan điểm vượt thời đại. Trước thời điểm những năm 1955-1956, Nguyễn Huy Tưởng từng khẳng định: “Chỉ có kẻ hèn mới sợ sự thay đổi, người mạnh phải tìm hết cách mà thoát ra khuôn sáo cũ, mà vượt ra vết đường cũ, để mưu những công việc lớn” (27-2-1939). Và người thi sĩ ấy với tình yêu nhân dân vô hồi, vô hạn đã luôn thao thức, canh cánh bên mình về trách nhiệm, lương tâm của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Không tô hồng, không bôi đen cuộc sống nhưng phải nhìn thẳng vào cuộc đời, không trốn chạy, không nhìn cuộc sống một chiều mà “phải mạnh dạn nhìn vào cái xấu... Ngòi bút phải sắc bén, phải là một tiếng vang, phải là một nhát búa... Phải dũng cảm mà phê bình xã hội. Tự hào, phải có cái tự hào của người cầm bút” (7-5-1956). Không dừng ở đó, Nguyễn Huy Tưởng thiết tha kêu gọi những nhà văn cũng như động viên chính bản thân mình hơn lúc nào hết “phải thương yêu, nâng niu, tôn trọng con người” (7-7-1956).
Xuất phát từ những quan điểm tiến bộ, nhân văn ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã bám sát vào nhịp sống của thời đại và hạt nhân cơ bản nhất trong tác phẩm của ông là vấn đề số phận con người, là vẻ đẹp, sức mạnh của con người Việt Nam trong bão táp cách mạng cũng như trong cuộc sống hòa bình với một niềm tin tưởng kỳ vọng hướng về phía trước “cuộc sống cứ đi và bao giờ cũng thắng” (Một ngày Chủ nhật). Cuối cùng, Nguyễn Huy Tưởng cũng nhận ra một điều thật giản dị mà đôi khi ta không dễ nhận ra: “Kỳ cho cuộc đời. Bao nhiêu những cái vĩ đại nhất (anh hùng, sáng tạo), những cái bạo liệt nhất (chiến tranh), những cái tàn ác nhất (giết người, thù oán...) chung quy cũng chỉ là để giải quyết cái nhỏ mà lớn nhất là cuộc sống, mà cuộc sống có to tát gì đâu: một căn nhà, một chậu cảnh, một bông hoa, một tiếng khóc của trẻ con...” (16-12-1956). Đó phải chăng cũng là vấn đề muôn thuở của văn chương nghệ thuật mà người nghệ sĩ luôn nỗ lực, bền bỉ sáng tạo để làm cho cuộc sống đẹp hơn, nhân ái hơn?
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ những tác phẩm của J.Racine, A. Gide, Lep Tônxtôi với lối viết giản dị, tự nhiên, trong sáng, giàu tình cảm; âm hưởng trầm hùng, nhân vật cao cả, thánh thiện đại diện cho ý chí, lương tâm của thời đại, nhưng khi phát biểu quan điểm của mình về văn chương, Nguyễn Huy Tưởng lại trở về với truyền thống, cốt cách văn hóa phương Đông: “Cần phải tiếp tục cái gì Đông phương, với các phong cách tế nhị, hòa nhã của nó. Phải đóng góp cái khía cạnh ấy. Tây quá rồi. Đọc lại thơ văn cổ. Nghiên cứu sâu cái tâm hồn Đông phương. Tình cảm Đông phương phối hợp với khoa học Tây phương. Đó mới là văn học tiên tiến” (23-11-1956). Khi trả lời cho câu hỏi văn chương là gì? Nguyễn Huy Tưởng đã có sự chiết tự dễ hiểu: “Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương là vẻ sáng của giời đất đem diễn ra lời văn cẩm tú, là vẻ sáng của người ta đem diễn ra lời văn cẩm tú” (6-11-1932). Văn chương là sự hội tụ những gì đẹp đẽ, thanh khiết, cao thượng, là sự hòa quyện của đất trời và lòng người. Và theo ông, cái làm nên sức mạnh và sự hấp dẫn của một áng thơ văn là ở nội dung và hình thức biểu hiện.
Nguồn gốc và bản chất của văn chương phải là đạo đức, là đạo làm người, là chân lý chính nghĩa chiến thắng hung tàn, là vẻ đẹp của truyền thống nhân nghĩa thủy chung: “Đạo đức là gốc. Văn chương không có đạo đức là thứ văn chương lơ lửng không vào đâu cả” (5-12-1932). Phê phán lối văn chương chạy theo hình thức, hư danh, sử dụng những mĩ từ, ngoa ngôn, phóng đại trong khi nội dung tư tưởng hời hợt, nông cạn, Nguyễn Huy Tưởng chủ trương: “Văn chương không phải hay ở những danh từ, ở những hình ảnh, ở những so sánh mà hay ở hàm súc, tư tưởng. Văn kêu tức là văn rỗng tuếch” (1-4-1941). Một tác phẩm hay là khi người đọc gấp lại trang văn cuối cùng vẫn còn vương vấn mãi, trang sách gấp lại nhưng lại mở ra bao ý nghĩa, bao bài học về cuộc sống nhân sinh. Cái sức mạnh vô hình ấy, Nguyễn Huy Tưởng gọi là những dư ba, những hương vị ngọt ngào mà một tác phẩm phải đạt được, “văn chương không dư ba cũng như hoa không có mùi thơm” (22-11-1932), và “văn chương không có giọng văn chương mấy gọi là chân chính văn chương”.
NGUYỄN HUY PHÒNG
---------------------
(1) Các trích dẫn được trích từ cuốn Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, 3 tập, Nxb. Thanh Niên, H, 2006.
(Theo Tạp chí Tuyên giáo, số 5/2013)