NGUYỄN HUY TƯỞNG QUA NHẬT KÝ VÀ TỰ TRUYỆN
( 28-07-2015 - 04:35 PM ) - Lượt xem: 1869
Nguyễn Huy Tưởng qua nhật ký đã cho ta biết nhiều hơn những gì ta được biết về ông, qua văn xuôi và kịch. Về một hành trình sáng tạo nhiều hồi hộp, sôi nổi, hào hứng nhưng cũng lắm khi khắc khoải, bi quan
Thao thức về sự nghiệp viết văn từ năm 1930. Đúng ở tuổi 30, vào năm 1942, cho ra mắt bạn đọc cùng lúc một tiểu thuyết và một kịch cùng về đề tài lịch sử. Và, chỉ với hai tác phẩm đầu tay này mà con đường mở đầu sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng gần như đã được khẳng định. Rồi từ khởi điểm đó, một đường ray sớm hình thành cho sự song hành suốt ngót hai mươi năm sau: văn xuôi và kịch, với chất văn trong kịch và chất kịch trong văn. Trên hành trình hai mươi năm ấy, từ tuổi 30 đến tuổi 49 (cái tuổi 49 nghiệt ngã trong đời người), cả một sự nghiệp sáng tác cũng giống như nhiều người khác, được kết nối bởi nhiều tác phẩm, qua nhiều thời kỳ, với các vui buồn của khen - chê và dư luận. Nhưng lại có khác với nhiều người, chất lượng nghệ thuật và trữ lượng những suy nghĩ, tìm kiếm nơi Nguyễn Huy Tưởng dường như lại dồn vào hai đầu mút của cuộc hành trình, với khởi đầu là Vũ Như Tô và kết thúc là Sống mãi với Thủ đô; hai tác phẩm khác nhau về thể loại nhưng lại có cùng một âm hưởng: bi tráng và trầm hùng; một bi kịch trong âm hưởng trầm hùng, và một âm hưởng trầm hùng rải thấm trên nhiều bi kịch.
Năm 1996, 36 năm sau ngày qua đời, Nguyễn Huy Tưởng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cuối 1996 Toàn tập Nguyễn Huy Tưởng gồm 5 tập, trên 4.000 trang cùng kịp ra mắt bạn đọc.
Một di sản khác, để bổ sung cho Toàn tập, xuất hiện sau 1996 - đó là 40 tập nhật ký - sổ tay, Nguyễn Huy Tưởng liên tục viết trong 30 năm - từ 1930 cho đến khi qua đời mà gia đình còn giữ lại được, như một bổ sung vô cùng quý giá để hiểu về Nguyễn Huy Tưởng, và về những tháng năm mà ông đã sống, lần lượt được ấn hành trong 3 tập vào năm 2006, ngót nửa thế kỷ sau ngày nhà văn qua đời.
Ba tập nhật ký, hơn 1700 trang, kể từ ngày ghi đầu tiên là 2-11-1930 đến ngày cuối cùng là 21-6-1960, trước khi qua đời vào ngày 25-7-1960 - đó là một lượng trang ghi không có bộ nhật ký nào của bất cứ ai, trong số tác gia văn học Việt Nam so sánh được.
Một kỷ lục về số trang, và về thời gian ghi, nói lên sự bền bỉ ở một đời người, trong một thời cuộc đầy những biến thiên dữ dội, với các sự kiện dồn dập như những cơn bão lớn của lịch sử mà con người ở đây vừa là hiện thân, vừa là chứng nhân của lịch sử.
Nhật ký, sổ tay ghi chép - nơi con người thật nhất với mình, và cũng thật nhất với đời.
Trong đời, việc ghi nhật ký và sổ tay vốn không phải là chuyện lạ, đối với nhiều người. Nhưng ghi đều đặn như một thói quen, hơn thế, như một kỷ luật đến thành nhu cầu, để lúc nào cũng có thể mình tự đối diện với mình, cho đến khi mang trọng bệnh và biết mình không qua khỏi vẫn ghi như Nguyễn Huy Tưởng thì đó lại là hiện tượng rất hiếm hoi.
Như vậy là ở khu vực rất riêng tư của những nghĩ suy, tâm tình, trò chuyện với mình trong suốt đường đời Nguyễn Huy Tưởng, bạn đọc chúng ta lại có thêm một bổ sung quan trọng để hiểu thêm nhiều chiều cạnh, nhiều mặt thầm lặng của những trang văn.
*
Tự truyện Cái đời tôi, Nguyễn Huy Tưởng viết tháng 10-1930 khi nhà văn 18 tuổi. Ông viết về cái làng Dục Tú - quê ông; về ngôi nhà của gia tiên dường như lúc nào cũng cứ vẹn nguyên như thế theo năm tháng; về những cái chết đột ngột của những người thân yêu, trong đó gợi nhớ nhiều kỷ niệm đau xót nhất là cái chết của người em gái út; về quang cảnh sinh hoạt thôn dã quê ông: cảnh gặt đập vào mùa, cảnh dựng chòi và ở chòi với cha, nỗi sợ người ăn mày răng trắng nhởn mang áo tơi, niềm khâm phục người thợ mộc tài hoa có tên là chú Phó Cõi…
Cái đời tôi mang chất tự truyện này Nguyễn Huy Tưởng còn bỏ dở. Cùng với phần nhật ký được ghi vào những năm 1930 nó giúp ta hiểu thêm nhiều mảng sống cũ mang dấu ấn thời gian. Hình ảnh người cha thấp thoáng trong Cái đời tôi: một nhà Nho hỏng thi, bất đắc chí, sống một cuộc sống nói thật ra là vô vị, vô tích sự nhưng vẫn được sự trọng thị, kính nể của toàn gia đình - đó là một hình ảnh gần như phổ biến, đến thành điển hình trên nhiều trang văn những năm 1930, nó in đậm dấu ấn một thời giao thoa mới - cũ. Cảm động trong tự truyện và nhật ký vẫn là hình ảnh bà mẹ, gần như khi nào cũng ẩn hiện trong tâm trí của người con, không phải chỉ với biết bao luyến nhớ mà còn với biết bao tự thú và ăn năn. Nhật ký ngày 5-1-1943 ông ghi: “Ôi, đau đớn cho mẹ, một mình một bóng, các con thì xa, tự mình tìm lấy thuốc thang. Sao ta thờ ơ làm vậy? Truyền bá quốc ngữ - Hướng đạo - Thơ văn. Nai lưng ra làm, mà có phút nào nghĩ đến mẹ! Tưởng bỏ ra mỗi tháng chục bạc gửi về, thế là xong. Ta vụng tính, ta bất hiếu. Hiếu có phải gửi tiền không đâu!”
Cái sự ăn năn đến xót xa này tôi nghĩ là câu chuyện thường xảy ra, có tính cách muôn thuở cho số lớn đời người, ở phần nửa sau cuộc đời. Nó từng là chất liệu cho Pautốpxki viết một truyện thuộc loại hay nhất của ông, có tên là Bức điện.
Nguyễn Huy Tưởng đã khóc trong ngày mẹ mất như được ghi trong Nhật ký ngày 24-3-1943; để đến ngày 12-4-1943, ông ghi tiếp: “Xem một đoạn trong Tri Tân, tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, chỗ Quỳnh Hoa khóc mẹ thì có khác chi ta khóc mẹ? Thực là điềm gở, cho nên mình mới cho Quỳnh Hoa khóc mẹ.”
*
Qua nhật ký và tự truyện của Nguyễn Huy Tưởng, điều bạn đọc có thể lưu tâm là một bối cảnh xã hội trong những chuyển động của buổi giao thời, với con đường nuôi thân, lập nghiệp của một lớp người - một lớp tuổi trẻ rồi sẽ vào đời, trưởng thành và làm nên sự nghiệp vào những năm 1930, đầu 1940. Một lớp tuổi trẻ rồi sẽ hướng vào con đường văn chương với mục đích kiếm sống, nhưng cũng không phải hoàn toàn chỉ có mục đích kiếm sống. Sự kiếm sống quả là gay gắt đối với Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao…Nhưng với không ít người thì cuộc sống cũng còn mở ra cho họ nhiều con đường khác: con đường làm công chức nơi các sở công hoặc tư, từ thấp lên cao, và có thể cả con đường… làm quan. Nhiều người khó có điều kiện đi vào con đường công chức, nhưng cũng có người lại sớm dứt khoát từ bỏ nghề công chức vốn đã mở ra khá thênh thang cho họ để làm một trí thức tự do trong sự nghiệp làm báo và viết văn. Cũng có người phải cùng lúc đeo đuổi cả hai như Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng.
Nguyễn Huy Tưởng làm công chức Sở Đoan, nhưng trong sâu thẳm của ao ước, ông lại luôn luôn khắc khoải sự nghiệp viết văn. Và viết văn, đối với ông là một việc thiêng liêng; không phải chỉ để kiếm sống, mặc dù sau này khi vào nghiệp văn, sự sống của ông cũng không phải thật dễ dàng. Nhật ký ngày 15-9-1942 ông viết: “Trí óc băn khoăn mãi vấn đề tiền. Muốn viết một cuốn tiểu thuyết bán lấy tiền để cung cấp mẹ già”. Trở lại tuổi 18 của Nguyễn Huy Tưởng, nhật ký ngày 2-12-1930, ông ghi: “Tôi sẽ trở nên một người văn sĩ hay một người viết báo. Có mục đích thì mới biết chịu khó”. Tiếp đó, nhật ký ngày 19-12-1930: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn Quốc ngữ thôi”. Rõ ràng để có thể hiểu, thông cảm và hơn thế, tôn trọng sự chọn lựa này cũng cần thời gian; vì suốt cả một thời kỳ lịch sử dài, chúng ta thường lấy yêu cầu cao nhất của thời cuộc là tham gia cách mạng để đánh giá mọi hoạt động của con người. Cái ý tưởng Nguyễn Huy Tưởng nêu trong Nhật ký vào tháng 12 năm 1930 ấy, từ rất lâu trước ông cũng đã có nhiều người nói đến. Chẳng hạn Nguyễn Văn Vĩnh: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Rồi sau ông cả một lớp các nhà Thơ mới đã gắng công xây đắp với biết bao say mê và nỗ lực trong thơ, để làm nên cả “một thời đại mới” trong thơ, như trong tổng kết của Hoài Thanh: “Họ đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”.
Rõ ràng Nguyễn Huy Tưởng đã nêu, ở chính thời điểm 1930 một mục tiêu vốn đã tiềm tàng ấp ủ trong nhiều người; và rồi sẽ thúc đẩy họ làm nên một nền văn thơ Quốc ngữ đạt một gia tốc lịch sử rất đáng kinh ngạc; chỉ trong khoảng trên dưới hai mươi năm mà làm nên mùa gặt ngoạn mục 1930-1945. Cái gì đã đem đến sức đẩy ấy, không thể không là một tình yêu nước, dẫu còn kín đáo, xa xôi, như cách Nguyễn Huy Tưởng đã sớm chọn và xác định ở tuổi 18 của đời mình.
*
Trở lại những trang hồi ký, nhật ký và tự truyện của Nguyễn Huy Tưởng và người thân. Quả đó là những trang còn chưa nhiều trong văn chương của chúng ta. Chưa nhiều, nhưng cũng đã có - nơi Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Mạnh Phú Tư, Thạch Lam, Nam Cao, Tô Hoài… Và bây giờ, Nguyễn Huy Tưởng. Chuyện riêng tư vốn hấp dẫn bởi chất thật của nó. Trước hết là thật với mình; và qua mình mà thiết lập một mối quan hệ tin cậy với đời. Tôi nhớ câu Khái Hưng khen văn Thạch Lam: “… thấy rùng rợn cả tâm hồn vì sự thành thực”. Cố nhiên, nói như một phương ngôn Pháp: Không phải sự thật nào cũng đều có thể nói hết! Nhưng vấn đề còn là ở chỗ nói và cách nói. Và, dẫu thế nào mặc lòng, dẫu sớm hoặc muộn, không ai trong đời lại không muốn đi cho đến cùng sự thật.
Nguyễn Huy Tưởng qua nhật ký đã cho ta biết nhiều hơn những gì ta được biết về ông, qua văn xuôi và kịch. Về một hành trình sáng tạo nhiều hồi hộp, sôi nổi, hào hứng nhưng cũng lắm khi khắc khoải, bi quan. Cái nghề văn được khẳng định từ 1930, như “phận sự của một người tầm thường yêu nước” rồi sẽ thành một băn khoăn; thậm chí, một ăn năn thối chí, 28 năm sau, vào năm 1958 sóng gió, trong lời ông nói với vợ: “Sau này các con đừng cho chúng nó theo nghề văn làm gì cho nó khổ!”
Cố nhiên đây không phải là cái khổ do sự dày vò của ngôn từ - cái sự dày vò mà bất kỳ người viết văn chân chính nào cũng dám chịu chấp nhận, thậm chí còn xem đó là hạnh phúc. Cái hạnh phúc cũng đã hơn một lần được Nguyễn Huy Tưởng nói đến, cũng vào đầu năm 1958 căng thẳng ấy: “Cái vui sướng nhất là được viết, tuy nó vất vả một cách kiệt lực”.
Mạch sống riêng tư này rồi còn được tiếp tục trong các hồi ký của những người thân trong gia đình. Cảm động và nói được thật nhiều về Nguyễn Huy Tưởng là hồi ký của người vợ - bà Trịnh Thị Uyên: Nhà tôi - Kỷ niệm của một thời và mãi mãi. Hồi ký của bà Uyên gợi tôi nhớ đến nhiều bà vợ khác của một số nhà văn mà tôi được biết. Đó là những người yêu chồng, phục chồng và tận tụy với sự nghiệp của chồng. Có thể nói họ âm thầm làm nên cho chồng cả một, hoặc một nửa sự nghiệp. Đọc Sống mòn của Nam Cao tôi không sao quên ý nghĩ của nhân vật Thứ về vợ là Liên - cũng chính là ý nghĩ của ông giáo Trí - tác giả Nam Cao về vợ là Sen: “Y rất lấy làm mừng vì Liên rất mau chịu ảnh hưởng của y. Bởi rất yêu và phục chồng, Liên dễ mau đến cái lúc nhìn đời bằng con mắt của chồng”. Có thể cũng là Liên, nơi bà Uyên khi bà nhớ lại những lúc hạnh phúc nhất của đời mình là được gần chồng, được thấy chồng mải mê trong công việc. Đó là những ngày đầu sau Cách mạng: “Sung sướng nhất là những hôm nhà tôi làm việc ở nhà, chủ yếu là những khi anh ấy cần viết một cái gì đấy. Tiếng là ở nhà, nhưng cũng chẳng mấy khi vợ chồng trò chuyện được với nhau, vì anh ấy cứ ngồi viết suốt. Nhưng chỉ cần thấy bóng anh ấy trong nhà, cắm cúi bên bàn làm việc, là tôi đã thấy căn buồng như bừng sáng lên”. Kháng chiến xa nhau, trở về cuộc sống hòa bình ở thủ đô, lại hội họp liên miên. Hóa ra hòa bình rồi mà đời sống tinh thần lại quá ư căng thẳng. Nhất là từ giữa 1956 đến đầu 1958 - theo bà Trịnh Thị Uyên - “đó là những ngày đau đớn nhất của anh ấy những năm cuối đời. Đêm nào nhà tôi cũng thức viết nhật ký rất khuya, dường như tất cả những gì anh ấy không thể nói ra với ai hay chưa thể hiện được lên trên trang in, anh ấy dồn hết vào những cuốn sổ tay chỉ dành cho riêng mình”.
Nhưng cũng từ đỉnh cao của căng thẳng và dằn vặt đó, “may sao nhà tôi thôi công tác lãnh đạo (…) Tôi nói may đây không phải chỉ riêng cho anh ấy được chuyên tâm vào công việc mình thực sự yêu thích, mà cả cho tôi nữa từ nay được thường xuyên thấy cái bóng dáng quen thuộc của chồng mình cắm cúi bên bàn làm việc ở nhà”.
Đối với bà Uyên - đó là cái hạnh phúc bình thường mà thật là lớn lao, thắm thiết của người vợ.
Còn đối với chúng ta, đó là hạnh phúc rồi sẽ có Sống mãi với Thủ đô và Lũy hoa, cùng những truyện viết cho thiếu nhi thật huy hoàng và trong trẻo.
*
Cuối cùng tôi muốn nói một kỷ niệm riêng gắn với các trang văn Nguyễn Huy Tưởng đối với tôi ở buổi đầu đời học sinh. Không chỉ là đam mê mà còn là niềm vui thích. Đam mê với Đêm hội Long Trì, và với Vũ Như Tô - dẫu chưa thể nào hiểu hết; và vui thích với những trang văn ngắn, để học tập và luyện rèn cách viết, như bút ký Ngày mùa, in trong Tập văn cách mạng và kháng chiến, năm 1949. Một bút ký về sự hồi sinh của nông thôn và người nông dân sau Cách mạng, qua một lối văn tươi mới, linh hoạt, không hiểu sao chỉ mới đọc vài lần mà tôi đã thuộc; và lưu mãi trong tôi cho đến bây giờ: “Xe tôi đã đi vào giữa mùa màng (…) Tôi không ngửi thấy mùi thơm. Nhưng có một mùi say sưa lành mạnh. Xe tôi bỏ đường nhựa rẽ vào con đường đất quen quen. Một con khách đậu trên đỉnh một cây tháp đá xanh dựng ở đầu đường nhàn hạ vỗ cánh bay. Một chú trâu già đứng trên một đỉnh gò cao, cắp ngang đôi sừng đồ sộ, nhìn người lạ bằng đôi mắt chứa chan những mộng hiền lành. Ôi chim muông, đồng ruộng, người và vật và làng xóm thân yêu, ta lại về đây! Tuổi ta đã đứng, tính tình ta đã khác, nhưng ta vẫn còn nguyên vẹn lòng hồn nhiên của kẻ quê mùa! Ta chào mừng ở các ngươi và ở cả ta đây một cuộc hồi sinh vĩ đại”.
Ở đây là một bức tranh quê ven đô chỉ mới hơn một năm sau Cách mạng tháng Tám - tức là làng Dục Tú huyện Đông Anh - quê sinh nhà văn. Một bức tranh với những sắc màu vừa hài hòa, vừa tương phản, và tình người thì đang trong một chuyển động lớn để kết nối với nhau, và kết nối với quê hương, với cách mạng. Ở thời điểm tháng 11-1946 khi viết và cho in bút ký này trên tạp chí Tiên phong, Nguyễn Huy Tưởng đã nêu và đúc kết một chân lý lớn của lịch sử: Cách mạng tháng Tám là “một cuộc hồi sinh vĩ đại”. Đây là điểm gặp gỡ với Hoài Thanh, khi tác giả Thi nhân Việt Nam nói đến “một cuộc tái sinh mầu nhiệm” trong Dân khí miền Trung (Tiên phong, số 3-1945). Còn trong Ngày đầy tuổi tôi cách mạng, thì Nguyễn Tuân đã sớm từ bỏ thế giới của cái tôi để chuyển sang chúng tôi: “Chúng tôi đã ôm lấy nhau và mừng ra nước mắt như hai con bệnh già mới uống liều thuốc cải lão hoàn đồng” (Văn hóa và Cách mạng; 1946)
Đối với người Việt Nam ta, ở đâu cũng vậy, và lúc nào cũng vậy, quê hương gắn với Tổ quốc. Tổ quốc có được độc lập thì quê hương mới có “ngày mùa”, dân mới có hạnh phúc, tự do. Bút ký Ngày mùa chứng minh điều ấy. Và một thế hệ: Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân đã sớm khẳng định chân lý ấy.
GS PHONG LÊ