NGUYỄN HUY TƯỞNG - NHÀ VĂN TIÊN PHONG TÀI NĂNG
( 28-07-2015 - 04:21 PM ) - Lượt xem: 1562
Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) thuộc lớp nhà văn tiên phong cách mạng đầu tiên của nền văn học mới. Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh (1996) và tồn tại trong lịch sử văn học như một tên tuổi sáng giá.
Nhà văn cách mạng tiên phong
Nguyễn Huy Tưởng tham gia hoạt động yêu nước từ thời là học sinh ở Hải Phòng những năm 1930. Sớm có xu hướng hoạt động xã hội, từ 1938 ông tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ,một tổ chức nhằm nâng cao dân trí trong hoàn cảnh người dân xứ thuộc địa bị nhấn chìm trong bóng tối chính sách ngu dân của thực dân Pháp.
Năm 1943, Nguyễn Huy Tưởng tham gia nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Thời gian đó ông cũng được bầu là Tổng thư ký Hội Truyền bá quốc ngữ Hải Phòng.
Văn hóa cứu quốc là tổ chức hạt nhân văn hóa mới thu hút những chiến sĩ tiên phong tiến bộ có ý tưởng cách mạng. Đó cũng là cái nôi đào tạo và rèn luyện những nhà văn hóa cách mạng tương lai. Tháng 6/1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên phong của tổ chức Văn hóa cứu quốc. Tháng 8/1945, nhà văn được đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành một lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc.
Nhà văn còn tham gia biên tập các báo Cờ giải phóng (của Đảng), Tiên phong (của Văn hóa cứu quốc). Là nhà văn, nhà báo từ còn hoạt động bí mật, ông xứng đáng là một trong những nhà khai sáng văn hóa cách mạng cùng với đội ngũ còn rất ít ỏi các nhà văn “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” (Xuân Diệu).
Tham gia đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946, ông được bầu là Phó thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, và sau đó làm ủy viên Hội Văn nghệ Việt Nam, Thư ký tòa soạn tạp chíVăn nghệ từ 1948. Nguyễn Huy Tưởng tổ chức và lãnh đạo Đoàn văn hóa kháng chiến từ 1946 và là phóng viên mặt trận trong nhiều chiến dịch thời kháng chiến chống Pháp.
Về mặt sáng tác, Nguyễn Huy Tưởng cũng đóng vai một nhà văn tiên phong. Vở kịch Bắc Sơn được công diễn tháng 4/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội và vở kịch kháng chiến đầu tiên Những người ở lại công bố năm 1948. Ký sự Cao Lạng là ghi chép nóng hổi về chiến dịch Biên giới 1950.
Các tác phẩm mang dấu ấn thời sự kịp thời ra đời về đề tài cải cách ruộng đất (Truyện anh Lục - 1955), về xây dựng Điện Biên sau hòa bình lập lại (Bốn năm sau - 1959), về Toàn quốc kháng chiến (Sống mãi với Thủ đô - 1961).
Đây chính là loạt sáng tác về lịch sử mới - lịch sử cách mạng - tiếp nối các tác phẩm tiểu thuyết, kịch lịch sử từ trước 1945. Ở cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng luôn đóng vai trò một trong những người đi đầu, mở đường và dẫn đường.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là ông đã sớm phải ra đi trong lúc đang sung sức về phát triển tài năng nghệ thuật.
Nhà văn tài năng vững vàng bản lĩnh sáng tạo
Trước hết Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn đa tài trên lĩnh vực văn xuôi.
Nguyễn Huy Tưởng hầu như đụng bút trên hầu hết thể loại văn xuôi, từ nhật ký, ký sự, phóng sự tới truyện ngắn, tiểu thuyết trong đó có truyện quy mô nhiều tập. Đặc biệt là bức phá trong kịch từ trước và sau 1945.
Với tâm huyết quan tâm giáo dục thế hệ trẻ, nhà văn còn có mảng sáng tác cho thiếu niên, nhi đồng, tiếp sức cùng Nam Cao, Tô Hoài với tư cách một nhà văn và nhà tổ chức xuất bản.
Có một mảng ghi chép khá dày dặn - Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng - mang một giá trị đặc biệt. Đó là tư liệu nhà văn viết cho mình, mãi sau này mới được công bố (NXB Thanh Niên - 2006). Gần đây Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng gây sốt trong dư luận như sự thể hiện một tâm hồn xúc cảm và ý chí anh hùng trong sáng cao cả trong hy sinh chiến đấu. Cùng thời có thể so sánh với Nhật ký ở rừng của Nam Cao. Người viết quan sát thời cuộc và đối chiếu các sự kiện khách quan, các mối quan hệ thông qua cái chủ quan rất nhạy cảm với các cung bậc tình cảm và suy nghiệm bản thân. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng vì vậy là lịch sử tâm hồn một nhà văn chân chính trong mọi mối quan hệ riêng - chung.
Cũng là thể ghi chép nhưng Ký sự Cao Lạng là một tác phẩm mẫu mực về phản ánh chiến tranh với sự chân thật lịch sử hiếm có. Đây là ý tưởng nghệ thuật gần gũi với tâm niệm được lưu truyền của Trần Đăng nhằm ghi lại kịp thời và trung thành hình ảnh chân thực của thời đại qua những biến cố thay đổi lớn lao của thời cuộc: “Chỉ có sống, sống cái khách quan và kể lại, hãy khoan làm một tấm sơn mài”. Nhà văn quan niệm cần có tức thời những ký họa (croquis) “Cho thật đúng, hệt, giản dị, thành thực và thật”. Ký sự Cao Lạng đã tái hiện hết sức chân thực khung cảnh, không khí, diễn biến của chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950. Tác phẩm bao quát không gian rộng lớn với các sự kiện, cảnh tượng, hoạt động cụ thể, kết hợp tường thuật và miêu tả với một cảm hứng lịch sử hào hùng vốn có của nhà văn.
Kịch và tiểu thuyết lịch sử là mảng sáng tác xuất sắc mang đặc hiệu Nguyễn Huy Tưởng được khai mở từ lâu. Truyện lịch sử thực ra được xây dựng với một đội ngũ khá đông đảo mà nổi bật là Nguyễn Triệu Luật, Chu Thiên… Đêm hội Long Trì (1942), An Tư (1944) của Nguyễn Huy Tưởng nằm trong mạch ấy. Tuy nhiên về kịch thì Vũ Như Tô (1941), Cột đồng Mã Viện (1944) về sau này nối mạch là Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948) là loại kịch lịch sử về cách mạng mang dấu ấn sáng tạo rõ rệt. Thế Lữ là người có công đầu trong việc “nhập khẩu” một sản phẩm thể loại cũng là bộ môn nghệ thuật rất mới của Âu Tây vào Việt Nam: kịch nói và kịch nghệ sân khấu hiện đại. Nguyễn Huy Tưởng tiếp sức nhưng đột phá vào kịch lịch sử như một nhánh rẽ đặc sắc của thể loại. Đặc biệt trong đó là sự khai mở mạch nguồn kịch cách mạng hay lịch sử - cách mạng với sự kiện cách mạng, quần chúng cách mạng - những nhân vật thời đại mới. Kịch bản phim Lũy hoa (1960) là một thể nghiệm rất mới gắn sân khấu và điện ảnh.
Nguyễn Huy Tưởng có mảng sáng tác cho thiếu nhi nhưng công lao lớn của ông là nhà văn góp phần quan trọng vào việc mở ra một thế giới tuổi thơ qua nhà xuất bản Kim Đồng trong chế độ mới.
Nguyễn Huy Tưởng còn thành công đặc sắc trên lĩnh vực
văn xuôi với tư cách nhà tiểu thuyết hiện đại mang xu hướng sử thi với tác phẩm qui mô Sống mãi với Thủ đôvào cuối đời.
Ở lĩnh vực này, ông là nhà văn có tay nghề và đổi mới mạnh dạn.
Dễ thấy xuyên suốt quá trình sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng một cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lịch sử. Đó là một cảm hứng bắt nguồn sâu xa từ ý thức dân tộc mạnh mẽ và lòng yêu nước sâu nặng. Vì vậy nó mang màu sắc mới mẻ không hề có dấu vết hoài cổ mà là chiêm nghiệm sâu sắc lịch sử. Qua hiện tượng, sự kiện lịch sử là một cái nhìn phù hợp thời đại, dưới ánh sáng của văn hóa mới - văn hóa cứu nước. Ở Vũ Như Tô có một chủ đề song hành là trí thức, là văn hóa: tâm nguyện và khát vọng lớn của một nhà kiến trúc muốn để lại cho đời một Cửu trùng đài bất hủ. Đó là đối thoại của văn hóa và lịch sử. Nhà văn đã có cái nhìn lịch sử - văn hóa. Từ sau Cách mạng, Bắc Sơn xuất hiện, trình diễn cũng là bày tỏ một cái nhìn mới về sự kiện khởi nghĩa quần chúng. Lịch sử đã là sự kiện cách mạng đương thời. Thêm vào tư duy là cái nhìn lịch sử - cách mạng.
Nếu đúng ra, từ đây công khai là suy tư về lịch sử đương thời, về thời sự, về thời cuộc cách mạng. Nổi lên là cảm hứng cách mạng đan lồng với cảm hứng lịch sử như kết quả của trí tuệ và cảm xúc của một nhà văn ưu thời mẫn thế - cũng là cốt cách của một sĩ phu Bắc Hà thời cách mạng.
Đề tài trong sáng tác Nguyễn Huy Tưởng rất tập trung. Tất cả chỉ xoáy vào cách mạng: sự đổi đời lớn. Ở tạp chí Tiên phong có nhiều sáng tác buổi đầu nổi bật của Nguyễn Huy Tưởng (Ở chiến khu) cũng như của Mạnh Phú Tư, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân… nêu khí thế sôi sục những ngày đầu cách mạng, hình ảnh trỗi dậy của cả một dân tộc. Không khí thời tiền khởi nghĩa giành chính quyền được ghi lại trong nhiều truyện ngắn như Mò sâm banh của Nam Cao, Một phút yếu đuối của Nguyễn Huy Tưởng, Địa ngục và Lò lửa của Nguyên Hồng…
Sự nghiệp kháng chiến là cái nền lịch sử cho mọi đề tài lớn về chiến đấu.
Buổi đầu là thời của các ký sự, phóng sự chiến tranh trong đó có phản ánh các chiến trận, các chiến dịch lớn của Trần Đăng, Tô Hoài… Trong đó có đóng góp Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng. Sau đó là xuất hiện những tiểu thuyết đầu tiên đã bao quát cả chiến đấu và sản xuất, tiền tuyến và hậu phương góp phần thể hiện cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân toàn diện.
Nổi bật trong văn xuôi Nguyễn Huy Tưởng là nhân vật mới - con người thời đại cách mạng.
Đó là tập thể quần chúng cách mạng như trong Bắc Sơn hoặc những tầng lớp nhân dân chiến sĩ trong Những người ở lại, Bốn năm sau và Sống mãi với Thủ đôsau này. Có những tập thể tương đối thuần nhất như đơn vị bộ đội trở lại chiến trường Điện Biên để xây dựng nông trường. Có hình ảnh đám đông các tầng lớp đủ mọi thành phần ở Thủ đô những ngày đầu nổ súng kháng chiến. Sống mãi với Thủ đô là bức toàn cảnh - “Hà Nội vùng đứng lên”, “Sông Hồng reo” (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi).
Tham gia kháng chiến những ngày đầu chủ yếu là đội quân tự vệ có những xuất thân khác nhau. Cán bộ từng trải như Quốc Vinh, Nguyễn Gia Định, Oanh, Nhân… Có người vốn là tư sản, công chức, văn nghệ sĩ, học sinh. Trần Văn, Văn Việt, Phùng Gia Lộc, Phúc, Thu Phong, Lan, Hương, Vũ Minh… Đặc biệt còn có mặt những người lao động thành thị, một số là lớp dưới đáy xã hội. Họ tập hợp nhau trong khung cảnh náo động dữ dội đầy không khí bi hùng của Hà Nội khói lửa.
Nguyễn Huy Tưởng ngày càng tỏ ra già dặn trong nghệ thuật xây dựng điển hình nhân vật. Đã xuất hiện bóng dáng người anh hùng mới bình dị mà phi thường trong chiến đấu và cả trong lao động xây dựng. Nhà văn thành công trong việc tạo ra được những nhân vật đa diện, có những nét tính cách phong phú đa dạng.
Trong nhiều truyện, nhân vật chính vẫn là nhân vật tập thể nhưng đôi khi đã có sự tách bạch về tính cách và loại hình. Trần Văn (Sống mãi với Thủ đô) là loại nhân vật tư tưởng hay thuyết lý, triết lý về lý tưởng, về thời cuộc. Nhà văn cũng không miêu tả một chiều. Trong tập thể bộ đội ở Bốn năm sau có bộ phận bộc lộ ý kiến ngược chiều, so sánh chiến sĩ cầm súng với chiến sĩ nông binh cầm cuốc, cầm cày. Đặc biệt “nhân vật đám đông” ở Sống mãi với Thủ đôcòn thể hiện sự xô bồ, phức tạp trong nhận thức và hành vi của một số thành phần, chủ yếu là tiểu tư sản. Họ đều là những người yêu nước chân thành nhưng mới nhập vào tổ chức chiến đấu nên còn những biểu hiện tự do vô kỉ luật như đánh nhau, giành giật nhau chiến lợi phẩm, thậm chí sừng sộ, nạt nộ nhân dân… Nhiều thái độ và hành động “anh chị” có tính chất anh hùng cá nhân. Anh trinh sát Nhật Tân tính cách phức tạp cố phấn đấu để “gỡ tiếng” cho xuất thân tiểu tư sản. Văn Việt tương tự còn nhiều suy tư lãng mạn. Cũng như những nhân vật lãng mạn, yêng hùng khác (Cao điểm cuối cùng - Hữu Mai) họ đều được “lột xác” trong chiến đấu. Chiến tranh là hoàn cảnh đặc biệt để đào luyện con người. Đó là sự biến đổi kì diệu: “Sự biến đổi tất cả những người khác nhau thành người lính Việt Nam điển hình” (Tường thuật của Nguyễn Huy Tưởng trên Văn nghệ số 12 - 1949). Tất nhiên ai không chịu nổi sẽ bị đào thải. Đó là chiều sâu của tư tưởng chủ đề tác phẩm.
Chính do tư tưởng nghệ thuật chính xác nên Nguyễn Huy Tưởng đã kết hợp sinh động được nhiều sắc thái thẩm mỹ trong tiểu thuyết tiêu biểu: đẹp - xấu, cao cả - thấp hèn, bi - hài… Đồng thời với cái nhìn nhân vật đa dạng, ngôn ngữ đa thanh, tái hiện sự kiện sinh động, Nguyễn Huy Tưởng đã đạt thành công trong tiểu thuyết xuất sắc Sống mãi với Thủ đô.
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn sớm xây dựng và phát huy được một phong cách nghệ thuật độc đáo thể hiện được bản lĩnh cá tính sáng tạo.
Khuynh hướng sử thi là đặc điểm nổi bật bao trùm văn học thời kì 1945 - 1975.
Khuynh hướng sử thi cũng là đặc điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng lịch sử mang âm hưởng lãng mạn anh hùng cao cả. Sáng tác từ trước hay sau 1945 của nhà văn đều nổi bật nét phong cách độc đáo: thấm nhuần cảm hứng sử thi và lãng mạn anh hùng. Trước kia kịch và tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Huy Tưởng thể hiện tư tưởng yêu nước và cảm hứng lãng mạn tích cực. Sau này Bắc Sơn đưa lên sân khấu hình ảnh quần chúng và cán bộ cách mạng với quá trình đấu tranh và hy sinh cao cả, oanh liệt. Ký sự Cao Lạng là hình ảnh hào hùng của nhân dân kháng chiến trong bức toàn cảnh một chiến dịch với những cuộc hành quân qui mô, những trận công đồn, vận động chiến… Tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đômở đầu cho bộ tiểu thuyết dài về Thủ đô kháng chiến cũng nêu bức toàn cảnh của cuộc sống và chiến đấu trong một bối cảnh đặc biệt. Biến cố lịch sử, vận mệnh của đất nước chi phối số phận con người mọi tầng lớp xã hội. Những trang miêu tả hiện thực sinh động thấm nhuần cảm hứng lịch sử, cảm hứng anh hùng. Khi nhận định về sự nở rộ của tiểu thuyết thời kì 1958 - 1962 Phan Cự Đệ nhấn mạnh sự phát triển phong phú và vẻ đẹp những phong cách độc đáo của những cây bút văn xuôi Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng… và: “Cái đôn hậu ấm áp điểm vẻ huy hoàng tráng lệ” của Nguyễn Huy Tưởng(1). Đó chính là sắc thái nét phong cách đặc trưng lãng mạn sử thi hay lãng mạn anh hùng sử thi của Nguyễn Huy Tưởng.
*
Đời viết Nguyễn Huy Tưởng không dài, chính thức là 20 năm kể từ vở kịch Vũ Như Tô (1941) đến tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô(xuất bản năm 1961, một năm sau khi tác giả qua đời). Nhà văn đã sống quãng thời gian đầy sôi động và quyết liệt trong hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám đến những ngày kháng chiến chống Pháp và hòa bình xây dựng đầu tiên trên miền Bắc. Ra đi ông còn ôm ấp bao dự định sáng tạo đồ sộ và tâm huyết lớn lao.
Nguyễn Huy Tưởng là một trong những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn hiện đại. Tác phẩm của ông khi ra đời thường gây được tiếng vang trong dư luận và quan trọng hơn là, tiếng nói văn chương ấy như tiếng vọng thời gian ngân mãi trong tâm hồn bạn đọc các thế hệ.
------------------
(1) Phan Cự Đệ - Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (1974, 1975), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY