NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT Ý NIỆM VỀ DỊCH VÀ GIỚI THIỆU VĂN HỌC VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN

( 22-03-2016 - 06:34 AM ) - Lượt xem: 1289

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi thắng lợi đã gần kề, những người có trách nhiệm lãnh đạo văn nghệ xét thấy cần sớm đưa văn học Việt Nam ra giới thiệu với thế giới, trước hết là Liên Xô

Trong số các văn bản hiện đang được lưu giữ tại gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sau khi ông qua đời, có một tờ giấy viết tay khổ nhỏ, chỉ nhỉnh hơn tờ lịch bướm một chút, mang tiêu đề: “Chọn tài liệu để Liên Xô dịch”. Theo đó, các tác phẩm được chọn gồm cả cổ đại và cận đại, với một danh sách như sau:

Cổ điển:

-        Kiều

-        Chinh phụ ngâm

-        Thơ Trần Quang Khải, Nguyễn Công Trứ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly

-        Truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trê Cóc

-        Hịch Bình Ngô đại cáo

-        Truyện cổ nước Nam (của Nguyễn Văn Ngọc)

-        Một ít thơ Hồ Xuân Hương có thể dịch đạt được

Cận đại:

-        Thơ văn Phan Bội Châu

-        Chiêu hồn nước

-        Một ít thơ Tố Hữu, Tú Mỡ

-        Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô

-        Nguyên Hồng: Bỉ vỏ

-        Nguyễn Tuân: Vang bóng một thời

-        Nguyễn Công Hoan

-        Trần Hữu Thung: Thăm lúa, Nhớ chồng...

-        Vùng mỏ

-        Xung kích

-        Con trâu

Trước hết, về mặt văn bản học, xin được nói rõ: Người viết có đánh dấu hỏi ở các chữ Kiều, Chinh phụ ngâm cũng như ở thơ Hồ Xuân Hương. Theo chúng tôi hiểu, dấu hỏi ở đây không phải là sự băn khoăn về đề tài, mà là vấn đề có dịch được hay không, điều đã được làm rõ qua mấy chữ ghi chú về thơ Hồ Xuân Hương: có thể dịch đạt được (chúng tôi nhấn mạnh).

Thứ hai, văn bản này tuy nằm lẫn giữa những sổ sách, giấy tờ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhưng không phải do ông chấp bút; chữ là của một người nào đó không phải ông Tưởng, cũng không phải của các ông Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh... mà người viết bài này có thể nhận ra được. Còn là của ai thì chưa rõ.

Một trang bút tích nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng

Bây giờ, xin được đề cập đến những thông tin quan trọng nhất đối với một văn bản: xuất xứ (thời điểm) và giá trị (có đáng tin cậy không, hay nói như ngôn ngữ hiện nay, có tính “pháp lý” không?).

Về thời điểm, căn cứ vào danh mục các tác phẩm đề xuất, theo chúng tôi là vào cuối giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ít nhất là sau năm 1952 (khi các tác phẩm Xung kích, Vùng mỏ, Con trâu đã được xuất bản), thậm chí là sau năm 1953 (năm diễn ra Đại hội liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 4 ở Bucarét, Rumani; lần đó bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung đã được giải nhất văn học). Tuy nhiên, lại không thể muộn hơn năm 1955, là năm có giải thưởng văn học 1954-55, trong đó tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc được trao giải nhất; nếu văn bản đó được làm sau thời điểm này, chắc chắn không thể thiếu một thành tựu văn học còn nóng hổi là Đất nước đứng lên.

Đến đây, chúng ta có thể hình dung sự việc đã diễn ra như sau: Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi thắng lợi đã gần kề, những người có trách nhiệm lãnh đạo văn nghệ xét thấy cần sớm đưa văn học Việt Nam ra giới thiệu với thế giới, trước hết là Liên Xô. Và ai đó đã được giao liệt kê những tác phẩm xứng đáng rồi chuyển lại cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người gần như là “tay hòm chìa khóa” của Hội Văn Nghệ Việt Nam lúc bấy giờ. Ông Tưởng chắc là đã dễ dàng nhất trí với danh sách đó, và cho triển khai các việc tiếp theo, như giới thiệu các tác phẩm với bạn, đề xuất người dịch, thống nhất về hình thức xuất bản, tác quyền…

“Kịch bản” có thể là như vậy mà cũng có thể không, nhưng điều đáng quan tâm hơn, theo chúng tôi, là ở cách chọn cái gì để giới thiệu kia. Có thể dễ dàng nhận thấy, cả ở phần cổ điểncận đại đều có sự cởi mở trong sự lựa chọn. Về phần “cổ điển”, bên cạnh những tác phẩm lớn, chính thống mà giá trị văn học đã được khẳng định như Kiều, Chinh phụ ngâm, ta thấy có cả đại diện dòng văn học dân gian, như truyện trạng, thơ nôm (Trê Cóc); bên cạnh những tên tuổi luôn được đề cao như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, có cả một nhân vật cho đến tận ngày nay còn gây nhiều tranh cãi giữa công và tội: Hồ Quý Ly. Về phần “cận đại” mới càng thấy rõ sự “thông thoáng”: bên cạnh những thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu, Phạm Tất Đắc (tác giả Chiêu hồn nước), những thành tựu của văn học kháng chiến như thơ Tố Hữu, Trần Hữu Thung, văn xuôi Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm... ta thấy có cả các tác phẩm hiện thực phê phán vốn được coi là “tiến bộ” như của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, nhưng đặc biệt hơn, cả những cái không thuộc về dòng văn học hiện thực, như Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng!

Điều này quả đã phản ánh một sự nhất quán có trước có sau của văn nghệ kháng chiến. Như ta đã biết, ở Hội nghị tranh luận Văn nghệ tại Việt Bắc diễn ra vào mùa thu năm 1949, các văn nghệ sĩ từ Tố Hữu đến Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng... đều đánh giá cao giá trị các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Chẳng hạn Tố Hữu phát biểu: “Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng nhưng cách mạng cảm ơn Vũ Trọng Phụng đã vạch rõ cái thực xấu xa thối nát của xã hội lúc ấy”. Vậy nên đến cuối cuộc kháng chiến, người ta có ý định giới thiệu với thế giới tiểu thuyết Số đỏ của họ Vũ cũng là điều dễ hiểu. Điều dễ hiểu song không phải dễ gì đã “nhất thành bất biến”. Những gì diễn ra trong đời sống văn nghệ chỉ mấy năm sau đấy xem ra đã không còn là như thế. Chúng ta biết rằng, việc Nhà xuất bản Văn nghệ sau hòa bình lập lại tái bản Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân cùng kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc, đồng thời có ý định in lại một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng... đã bị dị nghị, bị xét nét “tại sao đề cao những cái đã xếp xó nhiều đến thế”, như nhà văn Tô Hoài đã hồi ký lại trong Cát bụi chân ai!

Trở lại với văn bản nói trên, nếu nó không cho ta biết đích xác tính “pháp lý” đến đâu (có được thực hiện hay không và thực hiện như thế nào), thì ít ra cũng đã cho ta biết một ý niệm về việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, trước khi diễn ra hàng loạt sự kiện đã làm thay đổi không ít đời sống tinh thần ở miền Bắc nước ta sau hòa bình lập lại: phong trào chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ mà kết quả là một sự định hướng lại toàn bộ các hoạt động từ sáng tác, xuất bản đến quảng bá, phê bình...

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác