HÀ NỘI TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG
( 13-02-2014 - 05:18 AM ) - Lượt xem: 1216
Trong lịch sử văn chương dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng là một trong số ít những nhà văn đã dành trọn đời mình để sống, gắn bó và có những sáng tác hay về Thăng Long - Hà Nội. Với 49 tuổi đời, gần 20 năm cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng luôn canh cánh bên mình một nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng phải viết được một cái gì đó về Hà Nội yêu dấu - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi ghi dấu bao trầm tích văn hóa, lịch sử của cha ông
Trong lịch sử văn chương dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng là một trong số ít những nhà văn đã dành trọn đời mình để sống, gắn bó và có những sáng tác hay về Thăng Long - Hà Nội. Với 49 tuổi đời, gần 20 năm cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng luôn canh cánh bên mình một nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng phải viết được một cái gì đó về Hà Nội yêu dấu - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi ghi dấu bao trầm tích văn hóa, lịch sử của cha ông… Và rồi niềm thao thức khôn nguôi ấy được ông ký thác trong những đứa con tinh thần như: An Dương Vương xây thành Ốc, An Tư, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Kể chuyện Quang Trung, Những người ở lại, sống mãi với Thủ đô, Lũy hoa…Những tác phẩm để đời ấy đã tái hiện một cách chân thực, rõ nét về lịch sử Thủ đô với những dấu mốc, sự kiện trọng đại từ thuở An Dương Vương xây thành Ốc chống lại quân xâm lược Triệu Đà, củng cố vương triều, bảo vệ nhân dân, xã tắc đến những năm tháng vua tôi nhà Trần đại phá quân Nguyên; những lục đục, rối ren trong cung vua phủ chúa thời Lê - Trịnh; những tấm gương anh dũng của thanh niên Thủ đô thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong những năm toàn quốc kháng chiến,…Tất cả đều hiện lên một cách sống động qua lối viết tài hoa của người nghệ sĩ với tình yêu Hà Nội thiết tha sâu nặng.
Bên cạnh những đề tài viết về chiến khu Cao - Bắc - Lạng (Bắc Sơn, Ký sự Cao Lạng), về nông trường Điện Biên trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, hàn gắn vết thương chiến tranh (Bốn năm sau, Truyện Anh Lục), Nguyễn Huy Tưởng đã dành những trang văn hay nhất đời mình để viết về Hà Nội - vùng đất đế đô, nơi chứng kiến sự hưng thịnh, đổi dời của biết bao triều đại, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, phản ánh gương mặt, tính cách, tâm hồn ông cha với những con người tài hoa, lịch lãm. Hà Nội hiện lên trong sáng tác của nhà văn không chỉ thuần túy là không gian cơ học mà là một nhân vật sống động có tính cách, tâm hồn tạo được những ấn tượng và cảm xúc đặc biệt trong lòng độc giả.
- Hà Nội thời An Dương Vương dựng nước
Thăng Long - Hà Nội xưa thuộc vùng đất Phong Khê, một vùng đất rộng bằng phẳng, đồng cỏ bao la, nơi Thục Phán An Dương Vương đã hiện thực hóa được giấc chiêm bao khi được thần núi Thất Diệu báo mộng phải xây thành Ốc để chống lại nạn xâm lăng của tướng nhà Hán là Triệu Đà. Qua truyện An Dương Vương xây thành Ốc, người đọc hôm nay có thể hình dung rõ về hình ảnh của đất nước Âu Lạc trong buổi đầu chống giặc ngoại xâm, thấy được ý chí, khát vọng lớn lao của nhà vua trong việc xây dựng công trình quân sự kỳ vĩ, độc đáo để gìn giữ, bảo vệ vững bền non sông, xã tắc.
Trở về quá khứ dân tộc với độ lùi gần 2000 năm, Nguyễn Huy Tưởng đã sử dụng thể loại truyện cổ tích pha màu truyền thuyết để tái hiện câu chuyện xây thành Ốc của An Dương Vương. Mở đầu truyện là không khí chiến trận với phần thắng đang nghiêng về phía kẻ thù. Sau ba lần giao chiến thất bại, An Dương Vương rơi vào tình thế khó “đứng ngồi không yên, ăn không thấy ngon, đêm không chợp mắt ngủ được”. Nhờ thần báo mộng, được các nàng tiên và thần Kim Quy giúp đỡ, An Dương Vương đã xây được thành chỉ trong một đêm! Nhưng phải đến đêm thứ năm sau khi nhà vua và thần Kim Quy triệt hạ được Kê Tinh trên gò Ông Cô thì thành Ốc mới hiện lên rực rỡ, nguy nga trước sự khâm phục và lòng sung sướng của nhân dân.
Bằng ngôn ngữ trong sáng, giàu hình ảnh có sự đan quyện của những yếu tố li kì, lối kết cấu trùng điệp, nhà văn đã đưa người đọc trở về với thuở bình minh của lịch sử. Nguyễn Huy Tưởng không khai thác bi kịch mất nước vì sự mất cảnh giác của nhà vua, không đề cập đến câu chuyện tình đầy nước mắt giữa Mị Châu - Trọng Thủy vốn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian mà tập trung ngợi ca tấm lòng yêu nước thiết tha sâu nặng của nhà vua, tinh thần đoàn kết của nhân dân; ý chí, sức mạnh của con người trong việc sáng tạo, dựng xây Loa thành, chống lại dã tâm xâm lược của kẻ thù. Chính tấm lòng trong sáng, tinh thần vì nước vì dân của An Dương Vương khiến thần dân thấu hiểu và nguyện ra sức giúp đỡ, và cũng chính sự hòa đồng, thân tình như cha con giữa vua với dân đã làm nên sức mạnh diệu kì đế chiến thắng kẻ thù.
Ngày nay những dấu vết của Loa thành vẫn còn in dấu vết trên đất Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) và những trang văn của Nguyễn Huy Tưởng đã giúp thế hệ trẻ bổ khuyết, lấp đầy những tri thức mà lịch sử còn bỏ ngỏ để thấy được công lao của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước, để thêm yêu, thêm quý Tổ quốc mình.
- Thăng Long - Hà Nội thời vua tôi nhà Trần đại phá quân Nguyên
Thời đại nhà Trần với âm vang hào khí Đông A là một trong những thời đại oanh liệt trong lịch sử nước nhà. Nguyễn Huy Tưởng có hai sáng tác hay, đặc sắc về thời kỳ này là tiểu thuyết An Tư và truyện thiếu nhi Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Qua hai tác phẩm, hình ảnh Thăng Long - Hà Nội hiện lên một cách sống động, rõ nét. Bên cạnh một Thăng Long gắn liền với các sự kiện trọng đại, những thời khắc lịch sử, những hoàn cảnh, tình thế éo le, bi kịch của đất nước là một Thăng Long của những câu chuyện riêng tư, những mối tình thầm kín, lãng mạn đầy chất thơ và tình người.
Trong An Tư, kinh thành Thăng Long là nơi ghi dấu mối tình tuyệt đẹp của cặp trai tài gái sắc. Đó là mối tình sâu nặng, trong sáng của công chúa An Tư với tráng sĩ Trần Thông “mắt lửa, mày rậm, nước da ngăm ngăm, mình cao, vai rộng, trạc hai mươi hai, hai mươi ba tuổi”. Nguyễn Huy Tưởng đã dành nhiều trang văn để miêu tả về mối tình của họ với những câu chữ phóng túng diễn tả đúng tâm trạng và hành động của những kẻ đang yêu: “Họ đã yêu nhau với tất cả bồng bột của thanh niên, với tất cả sức mạnh của dục vọng được hoàn toàn buông lỏng…”, “Ở cung An Tư ra, Chiêu Thành Vương ngây ngất như một người say rượu, hồn chàng phiêu diêu bay bổng trên mấy tầng mây..., cánh tay chàng còn đượm sức nóng của thân nõn nà, tai còn nghe tiếng sáo của lời nàng, mũi chàng còn phảng phất hương vị ngây ngất của xác thịt, toàn thân thể người chàng bao bọc một làn phấn ái tình êm dịu”.
Nhưng Thăng Long không chỉ là nơi nảy nở của những mối tình mà còn là nơi diễn ra những cuộc chia ly đầy nước mắt. Vì nghĩa lớn và trách nhiệm với xã tắc, Trần Thông phải chia tay An Tư để thực thi nghĩa vụ của đấng nam nhi. Còn An Tư cũng vì sự an nguy của đất nước phải hy sinh tình riêng để báo đền Tổ quốc. Để cứu sinh mạng 50 vạn quan quân đang nằm trong tay Thoát Hoan, triều đình đành phải cầm lòng đem dâng nàng cho tướng giặc thể theo yêu sách của Thái tử nhà Nguyên muốn chiến đụng dung nhan tuyệt sắc của người con gái nước Nam.
Thăng Long xưa còn gắn với những địa danh nổi tiếng như cổng Thái Thanh, điện Tập Hiền, cung Cảnh Linh, nơi từng bị quân thù giày xéo, chiếm đóng tàn xác dân lành. Nhưng nơi đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của vua tôi, quan dân cùng nhau bàn kế sách đánh giặc giữ nước. Hội nghị Diên Hồng là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của lòng dân. Lần đầu tiên 300 vị bô lão từ các thôn làng bản xa xôi được nhà vua mời ra bàn việc nước. Đứng trước cảnh và người Thăng Long họ có phần ngơ ngác vì cảnh sa lệ của Thủ đô và vẻ lịch sự của khách Kinh kỳ. Nhưng khi bàn việc nước họ thể hiện rõ quyết tâm muốn đập tan âm mưu và dã tâm xâm lược của kẻ thù. Khi được nhà vua hỏi ý kiến nên hàng hay nên đánh thì tiếng đáp đã sẵn sàng ngay từ lúc bước chân lên đường, các cụ đồng thanh, muôn người một miệng: Xin đánh!
Thăng Long còn là nơi những chàng trai tuổi trẻ tài cao như Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản gương cao ngọn cờ “Phá cường địch, báo Hoàng ân” thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha sâu nặng, lòng căm thù giặc sục sôi; là nơi quy tụ những con ngươi tài đức, nhân từ như vua Thiệu Bảo; các vị tướng mưu lược, kinh bang tế thế như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Trần Trung, Yết Kiêu, Dã Tượng...; nơi quan quân trên dưới một lòng đồng tâm hiệp lực, ra sức tập luyện Binh thư yếu lược, khắc sâu vào da thị hai tiếng “Sát thát”; nơi đây còn vang mãi lời hịch cứu nước và cũng là nơi ca khúc khải hoàn với những chiến công vang dội của Hàm Tử, Chương Dương…
Viết về Thăng Long trong hào khí Đông A, Nguyễn Huy Tưởng sử dụng những câu văn trang trọng, cổ kính mang âm hưởng sử thi. Bằng tài quan sát, miêu tả, khả năng tổ chức tác phẩm, đặc biệt là tài nghệ hư cấu lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng như đang vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh cận cảnh về những cuộc giao chiến quyết liệt, căng thẳng đầy kịch tính của chiến trận và lòng người. Song song với những trang văn hùng hồn là những đoạn văn sâu lắng, trữ tình khắc họa những cung bậc tình cảm sâu kín, những mối tình tuyệt đẹp của con người. Đằng sau dung mạo của một dũng tướng nhà binh, sau vẻ đài các của một nàng công chúa yêu kiều diễm lệ là nỗi niềm tâm trạng của những con người bình thường như bao người khác với những yêu thương, ngậm ngùi và cả những bi kịch, cay đắng, xót xa…
Thăng Long - Hà Nội thời vua tôi nhà Trần đại phá quân Nguyên có những thời khắc huy hoàng, tráng lệ nhưng cũng có những giây phút sầu bi tang thương, nơi chứng kiến những đổi thay dữ dội của lịch sử nước nhà với những con người bình thường mà vĩ đại, tiêu biểu cho khí phách, tinh thần dân tộc và cả một thời đại đã qua nay chỉ còn vang bóng!
- Thăng Long - Hà Nội thời vua Lê , chúa Trịnh
Thời vua Lê - Chúa Trịnh với những lục đục, khủng hoảng rối ren từ nội bộ triều đình đã biến đất kinh kỳ Thăng Long trở thành nơi ăn chơi xa hoa của nhà chúa với những đêm hội tiệc tùng liên miên thâu đêm suốt sáng. Đây cũng là nơi vua Lê Tương Dực muốn thực hiện giấc mộng xây Cửu Trùng đài để cùng cung tần mĩ nữ vui thú hưởng lạc.
Trong Đêm hội Long Trì, Thăng Long hiện lên qua đêm hội Trung thu với đèn hoa rực rỡ bên hồ Long Trì thơ mộng “một nơi bồng lai mộng ảo, cách biệt với phàm trần. Hồ rộng hơn nửa dặm, thả rất nhiều sen ấu…Bờ hồ, trên cành hàng mấy trăm gốc phù dung, dương liễu có treo muôn thứ đèn lồng bằng gấm vóc. Những đèn ấy đều do chúa Tĩnh Đô sai cung nữ chế ra tinh khéo tuyệt vời, mỗi chiếc đáng giá mấy trăm lạng bạc, xa trông như muôn vàn sao lốm đốm sáng”. Theo ý chúa, trong đêm hội duy nhất này, người ta sẽ sống thực tự do, nô đùa thực suồng sã, không biết tôn ti trật tự là gì nữa… Vì thế mà ở nơi đây đã tạo điều kiện thuận lợi để cho mối tình giữa chàng nho sĩ có tài văn thơ là Bảo Kim cùng Quận chúa Quỳnh Hoa nảy nở, bén duyên. Nhưng đêm hội Long Trì không thể bình yên và cuộc tình yêu giữa Bảo Kim và Quỳnh Hoa cũng không thể trọn vẹn vì sự xuất hiện của “Cậu trời”!
Kinh thành Thăng Long thời chúa Trịnh Sâm nhiều phen náo loạn vì sự lộng hành, lộng quyền của Đặng Mậu Lân, em trai Tuyên phi Đặng Thị Huệ, tự xưng là “Cậu trời”. Còn nhà Chúa vì sủng ái, mê đắm người đẹp, bị Tuyên phi mê hoặc mà bỏ bê triều chính khiến triều đình ngày một mục nát, bọn nịnh thần lộng hành, đàn áp dân đen. Và cũng chính vì chiều lòng người đẹp mà Tĩnh Vương đã quyết gả con gái yêu cho Đặng Lân khiến nàng phái chết trong sự đày đọa thân xác, trong nỗi tủi hổ, bẽ bàng khi phải làm vợ một tên vô lại mất nhân tính.
Trên đất Thăng Long xưa, vua Lê Tương Dực (trong Kịch Vũ Như Tô) có một khát khao lớn muốn xây dựng một tòa đài hoa lệ lộng lẫy nhất trần gian: “Cửu Trùng Đài! Trẫm có ý xây đài trên bờ Tây hồ. Đây là miếu công thần, đây là lầu vọng nguyệt. Đây là san hô sảnh, đây là điện vàng, điện ngọc, đây là đại uyển, tiểu uyển, đây là trà điện, nhạc điện… Đứng trên đài cao ngất này bao quát được Long Thành. Phải, đúng một trăm nóc, hiển nhiên là hình trăm rồng tranh ngọc. Tráng quan lắm, ý trẫm lại muốn khơi một giòng nước từ chính điện thông ra Hồ Tây, hai bên bờ trồng kì hoa dị thảo, để ngày ngày trẫm cùng cung nữ bơi thuyền ra hồ ngoạn thưởng”. Vậy là việc xây đài chỉ thuần túy phục vụ cho mục đích ăn chơi xa hoa khiến cho triều đình suy vong, dân gian đói khổ, nổi loạn ở khắp nơi phản đối triều đình, trong khi ở bên ngoài giặc giã cũng đang lăm le xâm lược.
Trong Kể chuyện Quang Trung, Nguyễn Huy Tưởng cũng đã nói lên cái kết cục thảm hại của vua Lê Chiêu Thống đã phải cầu cứu quân Thanh, chạy theo hàng giặc để chúng giày xéo, chiếm đóng Thăng Long, hủy hoại kinh thành, chà đạp lên truyền thống dân tộc: “Còn đâu là thể thống nước Nam? Còn đâu là kinh đô muôn thuở? Ba trăm năm trước đức Thái tổ nhà Lê khởi nghĩa ở đất Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh thu lại bờ cõi. Sao con cháu vua Lê ngày nay lại đốn đời đi rước voi về dày mồ, bán rẻ cơ đồ cho người nước khác?”
Viết về Thăng Long thời bị quân Thanh tàn phá, Nguyễn Huy Tưởng ngậm ngùi, xót xa khi những lâu đài, thành quách, những cung điện lộng lẫy, nguy nga, những công trình văn hóa, lịch sử ngàn đời của cha ông bị đạp phá, thiêu rụi. Tuy nhiên bên cạnh bức tranh xám màu với những rối ren, lục đục, khủng hoảng của triều đình; cảnh chém giết, tàn sát dân lành của giặc, người đọc vẫn thấy rực sáng những hình đẹp đẽ, cao thượng của những con người đại diện cho chính nghĩa, cho ước nguyện của lòng dân. Đó là hình ảnh của tráng sĩ Nguyễn Mại vì kỷ cương phép nước đã vung lưỡi kiếm sắc lấy đầu “Cậu trời”; là hình ảnh sáng ngời của người anh hùng áo vải Quang Trung cùng đoàn quân Tây Sơn tiến quân ra Bắc đánh dẹp quân Thanh lấy lại kinh thành để cho những cành đào mùa xuân được khoe sắc thắm. Thăng Long thời vua Lê chúa Trịnh còn chứng kiến trí tuệ siêu việt của kẻ sĩ Bắc Hà với hình ảnh kiến trúc sư Vũ Như Tô muốn đem tài năng, trí tuệ để xây cho đất nước những tòa đài vĩ đại, làm cho đất Thăng Long trở thành nơi kinh kỳ lộng lấy nhất trần gian. Chỉ tiếc rằng vì sinh bất phùng thời mà tài năng bị dập vùi, người nghệ sĩ có khát vọng sáng tạo cái đẹp rơi vào bi kịch xót xa.
Viết về Thăng Long thời binh đao khói lửa câu văn của Nguyễn Huy Tưởng đôi lúc trùng xuống, lắng lại như nuối tiếc, xót xa, nhưng lại tỏa sáng ở những nhân vật, những mối tình cao đẹp của Bảo Kim - Quỳnh Hoa; Quang Trung - Ngọc Hân và cặp tri kỷ Đan Thiềm - Vũ Như Tô, những con người đã góp phần làm nên gương mặt của Thăng Long - Hà Nội.
- Thăng Long - Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp
Viết về Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh, Nguyễn Huy Tưởng có nhiều cơ hội để chiêm nghiệm, cảm nhận rõ hơn, sâu hơn về Thủ đô ngàn năm văn hiến, mảnh đất đã phải gánh trên mình bao vết thương do kẻ thù từ phương Bắc, phương Tây đội xuống, nhưng vẫn luôn sừng sững hiên ngang ngẩng cao đầu.
Hà Nội trong 60 ngày đêm oanh liệt chịu đựng sức công phá của bom mìn do Thực dân Pháp mang tới đã được phản ánh cụ thể, sinh động trong những trang văn của Nguyễn Huy Tưởng. Nếu tác phẩm kịch Những người ở lại thiên về phản ánh tấn bi kịch trong gia đình của bác sĩ Thành với những mâu thuẫn, giằng xé nên tản cư hay ở lại kháng chiến, thì đến tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, nhà văn đã khắc họa thành công hình ảnh của những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi sẵn sàng gác lại bút nghiên lao vào cuộc chiến đấu thề sống chết với Thủ đô. Với tình yêu Hà Nội, yêu bóng nước Hồ Gươm, yêu những phố cũ rêu phong, những ngôi nhà cổ kính nép mình dưới những hàng cây xanh…, họ đã tình nguyện ở lại trở thành những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tham gia kháng chiến với tất cả lòng bồng bột say mê đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Nhân vật Trần Văn trong Sống mãi với Thủ đô đã không chỉ một lần nói lên những cảm xúc mãnh liệt của bản thân về Thủ đô yêu dấu: “Cái thành phố già nua của anh, trải qua nhiều tàn phá của gió bão, nhiều đổi thay của xã hội, đã hơn một lần có những buổi sáng như hôm nay, lúc mà những sinh hoạt đầy màu sắc của hè đường đột nhiên im ắng thì cũng là lúc người dân mới chú ý tới và yêu thương thêm những mái nhà nho nhỏ ép vào nhau im lìm trên nền trời, kề bên những hàng cây um tùm, ủ rũ, thầm thì trong những suy nghĩ và đàm luận muôn đời, để chịu đựng, chống chọi và cố vươn lên”.
Hà Nội trong ba ngày đầu kháng chiến hiện lên với những đổ nát, những đập, ụ, cây đổ chặn ngang đường, những giao thông hào… tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đâu đâu cũng thấy những biểu ngữ, băng rôn căng đầy khắp phố phường thể hiện ý chí quyết tâm của quân dân Thủ đô: Học sinh Hà Nội sống chết không rời Hà Nội; Thanh niên sống chết với Thủ đô; Mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài; Chúng tôi những thanh niên Hà Nội nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng thề sống chết với Thủ đô; Tẩy chay quân đội Pháp, trả thù cho những đồng bào bị tàn sát ở ngõ Yên Ninh…
Trong cái hoang tàn, đổ nát, khói bụi của Hà thành những năm tiêu thổ kháng chiến, trang văn của Nguyễn Huy Tưởng vẫn gợi ra trong lòng người đọc những cảnh sắc nên thơ của Thủ đô hoa lệ. Những tên phố, tên phường, những con đường như Tràng Thi, Hàng Đẫy, Chợ Đồng Xuân, Hàng Thiếc, Hàng Bún, Hàng Khoai… đều gắn liền với những chiến tích, những đấu ấn văn hóa - lịch sử không thể phai mờ: “Thủ đô có những nơi sang trọng như Tràng Tiền, xinh đẹp như Hồ Gươm nhưng đông vui nhất vẫn là cái chợ ở vào trung tâm của ba mươi sáu phố phường này, mà cái tên đã đi liền với tên Hà Nội, mà người tứ xứ kéo về Thủ đô đều phải tới thăm nếu không muốn để cho lòng phải ân hận khi trở ra về. Đối với người Hà Nội, và nhất là đối với những người dân phố ở đây, chợ Đồng Xuân là một điểm tự hào.”
Và một trong những con đường đẹp nhất của Hà Nội xưa là đường Tràng Thi. “Đây là một trong những con đường đẹp nhất của Hà Nội, mà những hàng cây hai bên cao hơn nhà gác làm cho Hà Nội đắm trong thiên nhiên, và khi lộc non chuyển sang xanh râm hay khi hoa phượng nở, hay khi lá rụng thay cho tiếng ve sầu, người ta như trông thấy, và nghe thấy sự tuần hoàn của vũ trụ”.
Hà Nội trong ba ngày đầu kháng chiến có cả những cái chết thương tâm, những mất mát, hy sinh nhưng vẻ đẹp tâm hồn của những người Hà Nội đã làm dịu đi không khí ngột ngạt của chiến tranh. Hình ảnh của Trần Văn, Loan, Thu Phong, Nhật Tân, Quốc Vinh, Nhân, Dân, Thắng… sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí người đọc về một thế hệ trẻ tiêu biểu cho sức mạnh, khí phách và tinh thần bất diệt của Thủ đô. Những con người bé nhỏ, mảnh mai trong thân hình nhưng khỏe khoắn trong tư duy, hành động. Chính họ đã góp phần quan trọng làm nên những chiến công vang dội, tạo điều kiện để những đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, quét sạch bóng dáng quân thù, xây dựng cuộc sống mới, làm cho Thủ đô ngày càng đàng hoàng, hoa lệ hơn, xứng đáng là trái tim yêu của cả nước.
5. Thăng Long – Hà Nội thời kỳ hòa bình xây dựng cuộc sống mới
Trở về cuộc sống thời bình sau chiến tranh, Hà Nội trở lại vẻ bình yên vốn có. Những con người mới bước ra từ khói lửa của chiến tranh như vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc của cuộc sống mới, cuộc sống tự do, làm chủ cuộc đời! Nhưng đôi khi vì quá mải mê với niềm vui chiến thắng mà một số cán bộ quản lí, những người có trách nhiệm với cuộc sống của Thủ đô có phần sao nhãng nhiệm vụ, tỏ ra lúng túng trước cái mới. Để rồi bên cạnh những gam màu sáng, tích cực thì vẫn còn đó những tồn tại, bất cập, hạn chế nảy sinh từ thực tiễn của cuộc sống. Những cảnh nhếch nhác, tạm bợ, lối tư duy công thức, cứng nhắc, thờ ơ, vô trách nhiệm với cuộc đời của một số cán bộ đã làm xấu đi hình ảnh về một Hà Nội hào hoa, thanh lịch.
Bằng trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, Nguyễn Huy Tưởng đã nhìn thẳng vào sự thực để nói lên những bất cập, tồn tại, vướng mắc của Thủ đô dù ông biết mình sẽ gặp phải những phiền toái, liên lụy, rắc rối không có lợi. Nhưng vì lương tâm, trách nhiệm, vì tình yêu Hà Nội da diết mãnh liệt, từ trong sâu thẳm trái tim, Nguyễn Huy Tưởng đã kí thác những nỗi niềm, tâm sự khó nói trong bút ký Một ngày Chủ nhật với những đoạn văn đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc: “ Ngày Chủ nhật mà sao tâm trí không được thảnh thơi? Đụng đến chỗ nào cũng thấy không vừa ý. Cuộc đời thiếu một cái gì gọn gàng, đẹp mắt, hợp lí, hợp tình. Có một cái gì tạm bợ. Chúng ta như vừa mới dọn đến một cái nhà mới, đồ đạc còn ngổn ngang, muôn việc rối tinh. Đây là một cơ quan ở giữa phố. Dễ nhận ra lắm với những gường một kiểu, với những lao màn lủng củng, với những quần, những áo, những tã, những lót phơi một cách sống sượng trước mắt người qua đường.”
Trước thực trạng đi xuống của Thủ đô hoa lệ năm nào, Nguyễn Huy Tưởng tha thiết yêu cầu “cần phải đấu tranh mạnh với quan niệm tập thể, giản đơn của một số người có khuynh hướng đồng loạt hóa cuộc đời muôn hình nghìn vẻ, dựng nên rải rác đó đây cái không khí xám nhờ nhờ như sương mù làm đen tối cảnh vật”. Đồng thời, những người có trách nhiệm cần thấm nhuần triết lí nhân sinh: Hãy nâng niu, yêu thương trân trọng con người bởi một quy luật tất yếu không thể cưỡng lại: “Cuộc sống cứ đi và bao giờ cũng thắng”. Không được xóa sạch những dấu vết văn hóa của cha ông vì “cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng…”.
Như vậy, viết về Hà Nội, nhà văn không chỉ thiên về khuynh hướng ngợi ca, đề cao mà bỏ qua những góc khuất, những hiện thực đen tối. Với trái tim, tâm hồn đôn hậu, giàu tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu Hà Nội da diết, Nguyễn Huy Tưởng đã dũng cảm nói lên những tâm sự chân thành của bản thân, sống thật với chính mình vì hình ảnh, tương lai tươi sáng của Thủ đô yêu dấu.
*
Sau hơn một phần hai thế kỉ kể từ ngày Nguyễn Huy Tưởng đi xa nhưng những tác phẩm viết về Thủ đô thì vẫn còn sống mãi. Là người viết sử bằng văn chương, Nguyễn Huy Tưởng đã đen đến cho người đọc bao tri thức chân thực, sinh động về Hà Nội xưa và nay để những thế hệ sau hiểu và hình dung rõ hơn, sâu hơn về Thủ đô từ thuở An Dương Vương dựng nước, giữ nước đến những năm tháng hòa bình xây dựng cuộc sống mới. Hà Nội thời nào cũng đẹp với những nét riêng quyến rũ, những con người thanh lịch, hào hoa. Nói như nhân vật Vũ Minh trong Sống mãi với Thủ đô “Cái đất khốn khổ này cần chúng ta hiểu thêm để yêu thêm”. Và Nguyễn Huy Tưởng bằng những trang văn tài hoa đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm và yêu thêm Hà Nội./.
Tài liệu tham khảo
1.Phương Ngân, Nguyễn Huy Tưởng khát vọng một đời văn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001
2.Bích Thu, Tôn Thảo Miên, Nguyễn Huy Tưởng về tác gia, tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
3.Nguyễn Huy Tưởng, Toàn tập(5 tập), Nxb Văn học, Hà Nội, 1996
4.Nguyễn Huy Tưởng, Một ngày Chủ nhật, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2009.
NGUYỄN HUY PHÒNG