NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHUYỆN VỀ LÂU ĐÀI TRONG MỘNG TƯỞNG Ở KINH THÀNH THĂNG LONG

( 21-11-2014 - 05:48 PM ) - Lượt xem: 1134

Trong lịch sử và trong kịch “Vũ Như Tô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có nói đến Cửu Trùng Đài - Tòa lâu đài tráng lệ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, do vua Lê Tương Dực cho xây dựng ở kinh thành Thăng Long. Cửu Trùng Đài là một bi kịch lịch sử bị loạn quân thiêu cháy dù không còn tồn tại trong thực tế nhưng vẫn luôn hiện hữu trong trí tưởng tượng của mỗi người dân Việt Nam.

Vua Lê Tương Dực là cháu nội của vua Lê Thánh Tông. Ông lên ngôi năm 1509, mất vào năm 1516, làm vua được 7 năm, thọ 22 tuổi vào gần cuối thời hậu Lê. Lê Tương Dực là một hôn quân bạo chúa, khao khát xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi vui chơi với các cung nữ. Đại Việt sử ký toàn thư viết: vua “sai làm thuyền chiến, sai bọn con gái tơ mặc hở hang chèo thuyền ở Hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích”.

Để thỏa mãn khát vọng ăn chơi hưởng lạc, Lê Tương Dực đã chọn địa điểm xây dựng Cửu Trùng Đại giữa trung tâm của Kinh thành Thăng Long. Đại Việt sử ký toàn thư có viết về giai đoạn lịch sử này: “Lúc ấy, vua thích xây hồ dựng điện, đắp thành to rộng mấy ngàn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ từ phía Đông đến phía Tây Bắc chắn ngang sông Tô Lịch trên đất Hoàng thành, dưới làm cửa cống, lấy ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến, gạch vuông xây nên, lấy sắt xâu ngang...”

Căn cứ vào tấm bản đồ vẽ thành Thăng Long thời Hồng Đức (1490) cách thời Lê Tương Dực lên ngôi khoảng gần 20 năm thì vòng Hoàng thành Thăng Long về phía Bắc bắt đầu từ điểm Hàng Đậu, uốn lượn theo sông Tô Lịch qua Quán Thánh, Thuỵ Khuê về Bưởi, vòng về phía Nam đến đoạn vuông góc với vùng Ngọc Khánh - Giảng Võ, uốn nhẹ xuống vùng phố Sơn Tây - Lê Trực, rẽ ngược về phía Đông thẳng theo đường Trần Phú đến đầu Phùng Hưng thì ngoặt lên hướng Bắc quãng Hàng Đậu là hết một vòng Hoàng thành. Nhưng đến thời vua Lê Tương Dực, vòng Hoàng thành được đắp lấn ra bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ,  chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ (vùng chợ Hàng Da) từ phía Đông đến phía Tây Bắc (vùng từ đền Trấn Vũ đến Cửa Bắc) chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp Hoàng thành, dưới làm cửa cống. Thế là vòng Hoàng thành lúc này phía Nam giới hạn ở vùng Hà Trung - Hàng Da. Phía Đông từ đây qua vùng Cửa Đông, Hàng Gà, Hàng Cót đến Hàng Đậu, lúc này Hoàng thành lại men theo sông Tô Lịch, có thể đến quãng Cửa Bắc thì xây một cống để vòng qua sông Tô, giáp với hồ Trúc Bạch. Bởi hồ Trúc Bạch thời ấy còn liền với Hồ Tây, chưa có đường Thanh Niên, rất hoang sơ, nên hồ rất rộng. Một cống nữa qua sông Tô phải ở chỗ vườn hoa Lý Tự Trọng bây giờ để bao vây điện Tường Quang, quán Trấn Vũ ra hồ. Vì theo bản đồ thời Hồng Đức, hồ Tây đoạn từ quán Trấn Vũ đến gần giữa làng Thuỵ Khuê chỉ là nước hồ thông với sông Tô Lịch thành một biển nước mênh mông. Vì thế, Cửu Trùng Đài  không thể ở sát vùng gần làng Thuỵ Khuê, vì làng Thuỵ Khuê lúc này như một hòn đảo lớn bị nước bao quanh. Phía Bắc và phía Đông là hồ Tây. Phía Nam là sông Tô Lịch. Phía Tây là cửa lớn nối hồ Tây với sông Tô (vùng Cống Đõ - Hồ Khẩu bây giờ). Muốn sang vùng đất Thuỵ Khuê lúc ấy phải đi thuyền.

Căn cứ vào những điều trên, Cửu Trùng Đài có lẽ được xây ở vùng đất Quán Thánh, ven hồ Trúc Bạch bây giờ. Theo logic thì vòng Hoàng thành được đắp to, có đoạn vượt cả sông Tô để bảo vệ Cấm thành và các cung điện, bảo vệ nơi du ngoạn của nhà vua. Từ cung vua, nhà vua có thể dong chơi qua cầu sông Tô sang vùng đất ven Hồ Tây, quãng Quán Thánh. Giữa mênh mông sông hồ, có những doi đất, cỏ cây, hoa lá xanh tươi, được xây lô nhô những lầu hồng, gác tía, những cung điện nguy nga, mà người dân không vào được, vì đã có vòng Hoàng thành ở đoạn này ngăn trở.

Người xây Cửu Trùng Đài là Vũ Như Tô - một người thợ siêu việt có tài kiến trúc, có bàn tay vàng của một nhà điêu khắc tài ba. Giai thoại dân gian về ông kể rằng: nhà vua sai Như Tô làm  một chiếc ngai vàng để vua ngự thiết triều, ngai vàng được chạm trổ rất tinh vi, rồng mây vàng son uốn lượn. Khi làm xong, ông rất ưng ý bèn ghé ngồi thử, không may quân cấm vệ nhìn thấy, thế là ông mắc tội khi quân phải đem giam lại chờ án chém. Ngồi trong ngục buồn quá, Như Tô xin được một nắm thóc nếp, ông bóc vỏ trấu lấy hạt gạo, rồi dùng móng tay làm thành một đàn voi trắng nhỏ xíu. Chuyện đến tai vua, vua truyền đem lên xem thử, thấy đàn voi giống quá, nhà vua phải kinh ngạc. Cảm thương người thợ tài ba, vua truyền xá tội cho ông.

Khi được Lê Tương Dực giao cho trọng trách xây dựng Cửu Trùng Đài, vốn là một nghệ sỹ chân chính gắn bó với nhân dân, Vũ Như Tô đã kiên quyết từ chối. Lúc bấy giờ, một cung nữ có tên là Đan Thiềm đã khuyên ông nên chấp nhận yêu cầu của Lê Tương Dực, xây dựng Cửu Trùng Đài, lợi dụng quyền thế và tiền bạc của hắn, trổ hết tài năng để xây cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại - một kỳ quan “bền như trăng như sao” có thể “tranh tinh xảo với Hóa Công”, đem lại vinh dự cho non sông và niềm tự hào cho hậu thế. Vũ Như Tô là một người nghệ sỹ thiên tài nhưng không có điều kiện thi thố tài năng. Ông ấp ủ đua tài cùng đấng Sáng tạo và tự tin rằng mình có thể xây dựng một công trình thậm chí còn nguy nga tráng lệ hơn nhiều các kỳ quan mà mình đã tận mắt thấy ở Trung Quốc, Chiêm Thành và Ấn Độ….Vì thế, ông đã chấp thuận lời đề nghị của Đan Thiềm.

Theo lời khuyên của cung nữ Đan Thiềm, Vũ Như Tô đã dốc sức xây dựng Cửu Trùng Đài thật hùng vĩ. Mượn tay bạo chúa Lê Tương Dực, ông đã bất chấp tất cả để xây dựng Cửu Trùng Đài, kể cả việc phải trả giá bằng công sức, tiền bạc, mồ hôi, xương máu của nhân dân. Một Cửu Trùng Đài trong mộng tưởng của Vũ Như Tô cần đến: “Hai trăm vạn cây gỗ chất đống cao như núi, toàn những gỗ quý vô ngần… Hai mươi vạn phiến đá lớn, bốn mươi vạn phiến đá nhỏ từ Chân Lạp tải ra… Đài Cửu Trùng! Cao vời vợi! Muôn phần tráng lệ!” Tất nhiên, khi xây dựng Đài Cửu Trùng, Vũ Như Tô không quên dành cho người tri kỷ “đồng mệnh” - Đan Thiềm - một đài hoa danh dự: “Cửu Trùng Đài vì bà mà có, nhờ bà mà toàn bích. Bao nhiêu vườn hoa, đường ngang, lối dọc, tôi để quây vào một cái đài chính giữa. Đài chính giữa ấy sẽ là nơi hoa lệ nhất. Đài ấy tôi sẽ đặt tên là Đan Thiềm. Mang tên bà, đài sẽ đẹp thêm bội phần. Tên bà sẽ truyền mãi muôn đời cùng với Cửu Trùng Đài bất diệt”. Tòa điện to hơn trăm nóc đã vét kiệt tiền của và sức dân... Dân chúng oán giận, bị Trịnh Duy Sản cầm đầu phe đối nghịch kích động đã nổi dậy đốt phá Cửu Trùng Đài còn đang xây dở. Lê Tương Dực bị loạn quân giết chết, hoàng hậu nhảy vào lửa tự vẫn, Đan Thiềm bị bọn nội giám thắt cổ chết, Vũ Như Tô bị đưa ra pháp trường. Cửu Trùng Đài bị lửa thiêu hủy hoàn toàn. Niềm nuối tiếc một Cửu Trùng Đài trong tâm tưởng đã được nhà thơ Đặng Hiển viết thành thơ:

Đâu Đan Thiềm, đâu Vũ Như Tô?

Lửa đã cháy ngai vàng hôn quân Lê Tương Dực

Những người đốt Cửu Trùng Đài cũng chính là người

Bằng máu, mồ hôi mình đã xây nên ngọn tháp

Khi lửa giận tan rồi, họ khóc trước tàn tro.

Thành Thăng Long Hà Nội trải từ triều Lý - Trần - Lê - Mạc - Lê Trung Hưng - Quang Trung và nhà Nguyễn, đã có bao biến động lịch sử. Cung điện và dấu cũ đã nhiều lần bị tàn phá. Nhưng với vài dòng trong Đại Việt sử ký toàn thư và tác phẩm kịch “Vũ Như Tô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì Cửu Trùng Đài  nếu còn, sẽ là niềm tự hào của nền kiến trúc dân tộc, một công trình vô giá. Nhưng dẫu không còn thì Cửu Trùng Đài vẫn sống trong lòng dân gian theo trí tưởng tượng của từng người.

THẢO NGUYÊN

(Nguồn: daihocpccc.edu.vn

Các Bài viết khác