CẬU TƯỞNG MỘT THỜI ĐÈN SÁCH
( 10-04-2015 - 06:27 PM ) - Lượt xem: 1066
Thấy cậu đọc nhiều, ghi chép nhiều, tôi tò mò xem cậu có những sách gì vẫn cất trong tủ. Đáng chú ý có tập Đông - Tây tư tưởng với nhiều tác phẩm dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Miếng da lừa của Honoré de Balzac, Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng của Molière, Gil Blas de Santillane của Lesage, Don Quichotte của Cervantes, ...
Tôi không nhớ chính xác cậu Nguyễn Huy Tưởng về ở với chúng tôi vào năm nào, vì lúc ấy tôi còn nhỏ quá. Trong ký ức của tôi, chỉ còn hình ảnh một thanh niên lúc đó khoảng 16 tuổi(2), vóc người hơi cao, ít nói, có vẻ chậm chạp trong các hoạt động. Mùa hè, cậu mặc áo dài trắng, đội mũ cứng, đi đôi guốc mộc, mùa đông thì có thêm một áo dài đen phủ ngoài chiếc áo dài trắng. Mỗi ngày hai buổi đều đặn, trời nắng cũng như trời mưa, cậu lầm lũi đi bộ đến trường Bonnal (nay là trường Ngô Quyền, Hải Phòng). Cậu ít tham gia những sinh hoạt sôi nổi, nghịch ngợm của đám thanh thiếu niên ở cái ngõ Quảng Lạc nhỏ bé này. Buổi chiều, khi tan học, họ về nhà, vứt cặp vào chỗ nào đó, rồi chạy ào ra bãi Jeunot sau ngõ, quần nhau với quả bóng cao su, có khi là quả bóng lõi giấy và giẻ rách bọc lớp nhựa cây đa, hò hét đến khản cổ, quên cả giờ ăn tối. Trong khi đó, cậu Tưởng lẳng lặng tìm sách đọc, mê mải, cũng quên cả giờ ăn; mẹ tôi - chị ruột của cậu - phải nhắc hoặc gắt lên mới thôi. Những chiều mưa, tôi không ra bãi đá bóng chạy nhảy được, phải ở nhà, thì quay ra nghịch phá trong cái phòng duy nhất vừa kê giường ngủ, vừa kê bàn học chung của cậu Tưởng và bọn “oắt” chúng tôi.
Thế là cậu phải tìm một giải pháp “tình thế”:
Cậu sẽ kể chuyện cho nghe, xong rồi phải giữ yên tĩnh, không được nô đùa ầm ĩ, thì mai cậu sẽ kể tiếp...
Thông thường cậu diễn đạt các vấn đề không hoạt bát lắm, có khi hơi ấp úng, ngượng nghịu. Vậy mà khi kể chuyện cho cháu nghe thì khá trơn tru, hấp dẫn, có những truyện trong đó các nhân vật và tình tiết được “bịa” theo đà kể không biết bao giờ mới kết thúc.
- Hôm nay đến đây tạm nghỉ, chiều mai cậu sẽ nói phần tiếp cũng rất ly kỳ.
Cháu tiếc quá, nhưng phải ngoan như lời cậu dặn. Còn cậu thì thoát được sự quấy rầy, tiếp tục đọc sách; hôm sau lại sáng tác trong óc chương hồi, nhân vật mới cho khớp với đoạn đã kể.
Rồi tôi đến tuổi đi học. Cours enfantin [lớp đồng ấu], trường tiểu học Bonnal, Hải Phòng. Dãy lớp cấp sơ học của tôi đối diện với dãy lớp cao đẳng tiểu học của cậu Tưởng, cách nhau một cái sân rộng. Những giờ ra chơi, tôi thường thấy cậu Tưởng lặng lẽ đi lại phía ngoài hành lang, nét mặt trầm ngâm, hình như không nghe thấy tiếng cười đùa, la hét của hàng trăm học sinh nhỏ tuổi chạy nhảy, đuổi nhau, đá cầu, đánh bi trong sân.
Cậu Tưởng hơn tôi 10 tuổi. Tôi bắt đầu vào lớp “bét” thì cậu đã lên đến lớp cuối cùng của trường Bonnal. Nhìn sang dãy lớp cao đẳng tiểu học, tôi ước ao lớn nhanh lên và có được trình độ như cậu.
- Năm nay tôi lên 7. Tôi đã lớn. Tôi đi học, học đọc, học viết, học tính và nhiều môn khác nữa...
Lơ đãng nhẩm bài tập đọc trong Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu, tôi nghĩ vẩn vơ:
- Thế cậu Tưởng học gì nhỉ, mà sao cậu biết nhiều thế...
Qua những lời kể của cậu, tôi dần dần mê các truyện cổ tích và lịch sử. Ai cũng khen tôi giỏi về môn này: Mới bé tí mà đã nói vanh vách tích Lang Liêu đời Hùng Vương nghĩ ra bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho trời đất; Thủy Tinh tranh giành công chúa Mỵ Nương, dâng nước lên cao gây ngập lụt, bị Sơn Tinh đánh bại; Mỵ Châu mất cảnh giác để mất nỏ thần của vua cha An Dương Vương; Lý Thường Kiệt chiến thắng quân Tống; Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ba lần đập tan quân Nguyên - Mông; Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn 10 năm gian khổ; Nguyễn Trãi sáng chói với Bình Ngô đại cáo; Quang Trung thần tốc tiêu diệt quân Thanh, đầu xuân tiến vào giải phóng kinh đô Thăng Long... Tôi rất tự hào được khen, nhưng cũng nghĩ không có cậu Tưởng kể cho thì chắc không có vinh dự ấy. Sẽ là thiếu sót nếu bỏ quên những truyện, những nhân vật hư cấu mà cậu đã “sáng tác chớp nhoáng” để dẹp bớt tính hiếu động của cháu; lớn hơn một chút, tôi biết là cậu “bịa” nhưng vẫn thích vì nó làm cho trí tưởng tượng non nớt của tôi bay bổng theo các hành động cao đẹp của những con người nhân nghĩa, kiên trung chiến đấu cho tự do, công lý. Phải chăng đó cũng là những hình ảnh thôi thúc tâm hồn cậu Tưởng, lúc đó đang trăn trở tìm đường đi trong hoàn cảnh đất nước bị đè dưới ách đế quốc phong kiến?
*
Mùa hè năm 1930, giờ tan học buổi trưa, học sinh trường Bonnal đang ra khỏi cổng theo đội hình từng lớp thì bỗng có sự nhốn nháo. Một người nào đó rải truyền đơn ngay ở cổng rồi biến mất. Nhiều học sinh tranh nhau nhặt, tôi cũng nhanh chân thủ được một tờ, vội giấu kín. Về nhà, tôi lén mở ra xem, càng đọc càng không hiểu. Tờ truyền đơn có vẽ hình búa liềm, với mấy dòng chữ:
- Đánh đổ đế quốc phong kiến!
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Với cậu bé 7 tuổi như tôi thì có giải thích cũng chẳng thông được, mà cũng chẳng dám nhờ ai giải thích trong khi cảnh sát, mật thám đang tỏa đi các đường để lục soát, điều tra. Nghe nói một số học sinh lớn trong trường bị bắt, bị đánh đập và đem đi đâu không rõ. Cậu Tưởng về nhà, nét mặt âu lo. Biết tôi nhặt truyền đơn, cậu dặn đưa lại cho cậu và không được hở cho ai biết.
Hồi đó, trẻ con nghe đến cảnh sát, mật thám là hết vía rồi, còn cộng sản lại càng sợ hơn. Tôi thấy trên báo có hình vẽ một người nét mặt dữ tợn, râu tóc bù xù, hai hàm răng to cắn chặt lưỡi dao nhọn đẫm máu, với chú thích: Cộng sản giết người - Vô thần, vô gia đình, vô Tổ quốc.
Chiều đến trường nghe mấy đứa bạn kháo nhau: Anh gì đó ở thành chung bị nó còng tay đưa lên xe giải đi. Này, anh ấy trông hiền lắm, gặp tao vẫn hay cười và xoa đầu. Thế mà lại là cộng sản à?
Tôi thì liên hệ đến cậu Tưởng. Mấy người bị bắt đều học cùng lớp với cậu Tưởng thì phải, không biết cậu có dính dáng gì đến việc này không? Nhưng thấy cậu vẫn lẳng lặng đọc sách, ít giao du, tôi hơi yên tâm.
Năm cậu lên 18, tôi có cảm giác cậu có hoạt động gì đó, song tôi không dám hỏi. Đến khi gia đình tôi bị mật thám lục soát, cậu Tưởng bị chúng bắt giữ, bấy giờ mọi người mới hay cậu tham gia phong trào thanh niên học sinh, có lần đã treo cờ cộng sản nữa. Cậu đã kịp thời thủ tiêu danh sách những hội viên, và một học sinh tôi không biết tên bị sa lưới đã tự tử để bịt đầu mối. Sau một tháng điều tra, không đủ chứng cứ, Sở mật thám thả cậu về, nhưng cậu cũng bị đuổi học một năm.
Ngồi nhà, cậu càng đọc sách nhiều, luyện thêm tiếng Pháp, có cha tôi(3) giúp thêm, và học sâu hơn chữ Hán, với sự chỉ bảo của cụ Cử Luyện(4). Chẳng bao lâu, cậu đã viết được một số bài báo bằng tiếng Pháp và dịch ra tiếng Pháp một số bài thơ chữ Hán, như bài Hậu Xích Bích. Với cuốn Từ nguyên luôn luôn bên cạnh, cậu vừa đọc vừa tra nghĩa, dần dần đọc thông cả Tam quốc nguyên bản chữ Hán. Nhờ cậu, tôi cũng võ vẽ học được chữ Hán qua cuốn sách Tam tự kinh, nhất là qua cuốn Minh đạo gia huấn mà cậu thường đọc.
Đây không chỉ là học chữ mà còn là học lễ nghĩa, quan niệm cuộc sống của thánh hiền:
Nhân chi sơ
Tính bản thiện
Tính tương cận
Tập tương viễn...
(Tam tự kinh)
Nhân sinh bách nghệ
Văn học vi tiên
Nho giả thị trân
Thi thư thị bảo...
(Minh đạo gia huấn)
Học từ ngữ lại luyện thêm viết chữ. Cuốn Minh đạo gia huấn in chữ đỏ trên giấy bản, học xong đoạn nào thì lấy bút lông chấm mực Tàu viết đè lên chữ in trong đoạn đó, giúp cho cách viết được chỉnh và đẹp như trong sách.
Để có thêm ít tiền tiêu, cậu Tưởng có lúc đã nhận làm gia sư cho tên Pháp Robert học ở trường Henri Rivière. Cậu lại tập hợp một số tục ngữ, phương ngôn, ca dao Việt Nam dịch ra tiếng Pháp theo đặt hàng của mấy ông Tây nghiên cứu văn hóa “an-nam-mít”.
Những năm 1932-1935, cậu Tưởng cùng gia đình tôi dọn về ngõ Đông An ở phố O'dendhal (nay là Hai Bà Trưng, Hải Phòng). Tại đây cậu càng có điều kiện gặp cụ Cử Luyện và người bạn thân Lưu Văn Lợi. Thỉnh thoảng thấy Nguyễn Hữu Đang đến chơi, bàn chuyện văn chương, thời thế.
Từ ngõ Đông An, cậu Tưởng lại cùng gia đình tôi dọn về nhà mới ở ngõ đối diện, nơi đây cha tôi đã cho xây một dãy nhà nửa biệt thự trên diện tích một sào Bắc Bộ (360 m2), có vườn hoa và nhiều phòng, rất thuận tiện cho việc ăn ở và làm việc cho cả một gia đình đông người. Cậu ở một buồng cánh trái sau phòng tiếp khách. (Đến khi cậu lấy mợ Trịnh Thị Uyên, hai người sẽ lại ở đó một thời gian.)
Thấy cậu đọc nhiều, ghi chép nhiều, tôi tò mò xem cậu có những sách gì vẫn cất trong tủ. Đáng chú ý có tập Đông - Tây tư tưởng với nhiều tác phẩm dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Miếng da lừa của Honoré de Balzac, Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng của Molière, Gil Blas de Santillane của Lesage, Don Quichotte của Cervantes, tuyển tập Shakespeare với Giấc mộng đêm hè, Hamlet, Othello, Vua Lear..., Voltaire với Zadig, lại có cả Jules Verne với Từ Trái Đất lên Mặt Trăng, Xung quanh Mặt Trăng và Mathias Sandorf, Léon Tolstoi với Anna Karénine v.v...Hình như cuốn sách cậu đọc nhiều nhất là Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc, sau tờ bìa có dán mấy trang giấy học sinh cậu ghi lại những suy nghĩ của mình. Hơn nửa thế kỷ đã qua, tôi chỉ còn nhớ đại ý: Người ta từ chỗ chẳng sinh đến chỗ có sinh, rồi từ chỗ có sinh trở về chỗ chẳng sinh. Cuộc đời chỉ là một thoáng ngắn ngủi. Ta chỉ tồn tại khi để lại được cái gì đó cho con người.
Có lẽ với những ý nghĩ đó, cậu hối hả đọc, trăn trở viết. Những ngày về quê ở Dục Tú, cậu sống riêng trong một gian phòng nhỏ, trước bàn làm việc là một bức tường quét vôi trắng có vẽ một bức họa khá lớn “Thần thời gian”, rút ra từ minh họa trong từ điển Larousse: Một ông già râu dài, mặc áo choàng rộng, một tay cầm chiếc đồng hồ cát, một tay cầm lưỡi hái. Cậu cặm cụi viết, rồi lại nhìn lên bức họa, như sợ chiếc đồng hồ cát vơi đi và chiếc hái rùng rợn kia hạ xuống. Còn bọn trẻ sợ cách khác, vì hình dung ông già ấy là Thần Chết thường được nghe kể qua các truyện cổ tích, vì vậy các cháu chẳng dám vào phòng cậu, nhất là những buổi chiều nhập nhoạng ở thôn quê.
Cuối những năm 30 và những năm đầu thập niên 40, trên thế giới nổ ra khủng hoảng kinh tế và nhiều cuộc chiến tranh. Cậu Tưởng cũng sống những ngày sôi động và tác phong nhanh nhẹn hơn vì sự thôi thúc của thời cuộc trong nước cũng như quốc tế. Chiến tranh Tây Ban Nha, chiến tranh Ý - Abyssinie (nay là Ethiopie), chiến tranh Trung - Nhật, chiến tranh thế giới lần thứ 2... Xâm lược và giải phóng, phát xít và dân chủ, trục và đồng minh..., những quan điểm chính trị và thực tế xung đột giằng xé. Trước thế tấn công vũ bão của phát xít Đức, việc Liên Xô ký Hiệp ước bất tương xâm phạm với Hitler làm cho dư luận tiến bộ các nước hoang mang. Không ít người cách mạng và cộng sản Việt Nam cũng phản ứng gay gắt và thốt lên: Adieu Moscou! (Vĩnh biệt Matxcơva!) Rồi Đức cũng đánh Liên Xô, đẩy Hồng quân phải lùi bỏ hết vị trí này đến vị trí khác.
Mỗi tối, trong xa lông nhà tôi thường có những cuộc tranh luận sôi nổi về thời sự. Ý kiến phức tạp, ngả nghiêng. Cậu Tưởng là người hăng hái bênh vực Liên Xô và luôn luôn tin tưởng Liên Xô và các lực lượng dân chủ sẽ thắng, trong khi trên chiến trường chưa có diễn biến quan trọng nào báo trước sự lật ngược thế cờ.
Trong nước, tình hình suy thoái kinh tế đã đến mức nghiêm trọng. Người Tàu chạy giặc Nhật tràn qua miền Bắc Việt Nam làm cho đời sống dân ta càng thêm khó khăn. Cha tôi đã phải cho người Tàu thuê nhà để có tiền, đề phòng thời cuộc xấu đi, trong lúc quân Nhật đã chiếm lấy Việt Nam, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom vào các căn cứ Nhật và Sáu Kho ở Hải Phòng, gây ra những cuộc tản cư rối loạn. Thời kỳ này, cậu Tưởng đã vào làm ở sở thuế quan và lên Hà Nội. Hoạt động của cậu rộng hơn, ngoài quan hệ với những nhà văn mới quen, cậu tham gia làm Tổng Thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ nên công việc ngày càng bận rộn. Lúc đó, tôi nghĩ loáng thoáng hình như cậu còn những lo toan gì đó khác nữa, sau này mới biết mình không nhầm: Cậu có nhiệm vụ chuyển vận truyền đơn cách mạng bằng chiếc xe đạp cũ kỹ của mình, và liên hệ che giấu một số cán bộ cộng sản.
Tôi cũng lên Hà Nội học bậc tú tài ở trường Thăng Long và theo cậu làm công tác Truyền bá Quốc ngữ, nhận dạy một lớp ở trường Triton, đối diện chợ Hàng Da. Bây giờ thì cậu Tưởng và tôi không ở chung một nhà nữa, có gặp nhau chỉ trong công tác Truyền bá Quốc ngữ. Học hết phần tú tài, cuối năm 1943 tôi vào Sài Gòn tìm việc làm, thế là chúng tôi xa nhau, hơn 10 năm sau mới gặp lại... Cuối năm 1956, tôi được cử đi học trường Đảng cao cấp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại cậu nữa: Tháng 7 năm 1960, khi đang theo học bên nước bạn, tôi được tin cậu mất: Lưỡi hái của Thần thời gian - hình ảnh mà cậu thường đối diện suy tư đã hạ xuống, chấm dứt sự nghiệp của cậu ở tuổi 48 đang tràn trề sức sáng tạo...
PHẠM VĂN UYỂN(1)
----------
(1) Cháu gọi Nguyễn Huy Tưởng bằng cậu ruột, người dịch đoạn văn của Anatole France trong mục “Giở trang nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” in trong số này.
(2) Nguyễn Huy Tưởng sinh năm 1912, khi ông 16 tuổi thì là năm 1928.
(3) Ông Phạm Văn Thuộc, thời thuộc Pháp làm viên chức ở Bưu điện Hải Phòng, sau Cách mạng làm Trưởng phòng Điện chính ở Bưu điện Hải Phòng.
(4) Giáo sư Hán văn trường Bonnal.