BI KỊCH VŨ NHƯ TÔ VÀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA HIỆN NAY
( 29-07-2015 - 04:19 PM ) - Lượt xem: 1922
Bi kịch Vũ Như Tô, cho dù sự hiện diện của nó trên sàn diễn là ít ỏi thì nó vẫn có được giá trị của văn hóa đọc cho độc giả nhiều thế hệ và đó chính là vinh quang của tác giả, là vinh dự của tác phẩm
Di sản văn học nghệ thuật của chúng ta không nhiều, riêng lĩnh vực sân khấu con số này cũng khá khiêm tốn so với yêu cầu vừa của văn hóa đọc vừa của văn hóa nghe nhìn hiện nay. Tuy nhiên, trong số không nhiều ấy vẫn có những tác gia và tác phẩm vượt được cửa ải nghiệt ngã của thời gian và không gian. Một trong số này là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà vở kịch Vũ Như Tô là tác phẩm sáng giá nhất trong di sản nghệ thuật của ông.
Tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả tác phẩm văn học, được coi là sáng giá phải là một tác phẩm tồn tại được trong thử thách của không gian và thời gian, đồng thời mang lại cho độc giả hay khán giả các thời đại kế tiếp những vấn đề suy ngẫm cho chính bài toán của cuộc sống hiện tại, cuộc sống cùng thời với độc giả hay khán giả đó. Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng là một tác phẩm như vậy, tác phẩm mà mỗi khi đọc lại ta lại phải suy nghĩ về bi kịch đi trước thời đại của người nghệ sĩ sáng tạo. Được thai nghén vào mùa hè 1941, thời điểm mà ở đó nhân loại đang đứng trước cơn bão lửa của đại chiến thế giới thứ hai, được hoàn chỉnh vào năm 1945, khi đất nước được độc lập, và chỉ được dựng diễn vào năm 1995, khi bước ngoặt đổi mới đang đi vào thời kì quyết định.
Xét về mặt thể loại, đây là một vở kịch lịch sử hiểu theo nghĩa đề tài của vở kịch là câu chuyện cuộc đời của một nhân vật lịch sử, gắn với một thời kì lịch sử cho dù cái lịch sử được phản ánh trong tác phẩm không trùng khớp, và điều này là hiển nhiên, với sự thực lịch sử. Phẩm chất hiện thực trong văn chương không phải chỉ là cái nhìn thấy, cái nghe thấy hay sâu hơn là cái cảm thấy mà còn ở chỗ những hư cấu nghệ thuật ấy gợi mở các khả biến của cuộc sống, là cách mở ra các suy nghĩ mới, bởi lẽ bản thân các suy nghĩ cũng chính là hiện thực. Cái hiện thực được miêu tả, cho dù được hư cấu thì sự hư cấu ấy cũng sử dụng chất liệu hiện thực, kết hợp với hiện thực được gợi ra từ những suy tư, thể hiện qua lời thoại của nhân vật với những giá trị triết lí khác nhau, qua trạng thái biểu cảm của nhân vật do các nghệ sĩ đóng vai trên sàn diễn,… đều là những giá trị văn hóa tự thân. Cái hiện thực ấy được tái tạo lại trong không gian của cốt truyện, với những tình huống tình tiết có thể bình thường có thể gay cấn, tạo thành một câu chuyện được kể mang theo nó giá trị tái tạo lịch sử, tái tạo phẩm cách, mà mỗi khi đọc Vũ Như Tô ta đều thấm thía, bởi cái tài của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là qua câu chuyên mà ông kể, đã đưa ta nhập thân vào các nhân vật ấy, chia sẻ buồn vui hờn giận với các nhân vật ấy. Vì thế, các giá trị mà tác phẩm gợi ra trong lòng độc giả đều mang một giá trị gắn với sự vĩnh hằng, gắn với sự bất tử, ở các cấp độ khác nhau, mà ta có thể thấy rõ là một câu ca dao khi mang trong nó giá trị nhân tính cũng tương đương với các trước tác nhiều trang nhiều tập.
Một vở kịch bao giờ cũng có hai sự sống: sự sống trên sàn diễn và sự sống trên những trang in. Bi kịch Vũ Như Tô, cho dù sự hiện diện của nó trên sàn diễn là ít ỏi thì nó vẫn có được giá trị của văn hóa đọc cho độc giả nhiều thế hệ và đó chính là vinh quang của tác giả, là vinh dự của tác phẩm. Là bi kịch lịch sử, nhưng vở kịch Vũ Như Tô không phải chỉ nói đến lịch sử của một thời, của một cá nhân mà điều quan trọng là vấn đề mà nhà văn đặt ra trong bi kịch này luôn mang trong nó tính thời sự, và đây cũng là một điều hiếm hoi mà không phải nhà văn nào cũng làm được. Chúng ta sẽ xét bi kịch này trước hết từ phương diện nhân vật.
Nhân vật mà Nguyễn Huy Tưởng lựa chọn cho tác phẩm của mình là nhân vật đặc biệt: đặc biệt bởi vì nhân vật không phải là người xuất thân từ khoa cử, nhưng không thể phủ nhận nhân vật là người không có tài cao học rộng. Một người được coi là tài giỏi khi người đó hoặc là uyên bác, hoặc là uyên thâm. Ở đây, Vũ Như Tô là người uyên thâm, giỏi chuyên sâu vào một lĩnh vực, bởi lẽ ông là người làm được công việc mà không phải ai cũng làm được. Đó là “sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”. Vì giỏi nên ông là người khác thường và việc chọn những nhân vật khác thường làm đối tượng phản ánh chúng ta cũng gặp nhiều trong văn chương, hơn nữa đây là người tài giỏi thuộc tầng lớp nông dân chân đất, nghèo nhưng không hèn, có tính cách bất khuất, cương trực, coi thường công danh tiền bạc, kể cả khi vua Lê Tương Dực bắt xây Cửu trùng đài với tiền thưởng và đãi ngộ chắc chắn là không nhỏ. Nhưng việc từ chối không thực hiện ý đồ của nhà vua cũng chỉ là hành động tầm thường của con người tầm thường và như thế sẽ không có gì đáng nói cả. Điều đặc biệt hơn và cũng tạo ra sự khác thường ở con người này chính vì cái tài của ông đạt tới mức nghệ thuật, ông trở thành nghệ sĩ vô song trong lĩnh vực của mình. Con người của đời thường thường an phận thủ thường, còn con người nghệ sĩ thì lại khác, con người của nghệ sĩ là sáng tạo và đam mê sáng tạo. Đây chính là mâu thuẫn giữa hai con người trong một con người, mâu thuẫn mang tính bi kịch này được Nguyễn Huy Tưởng khai thác triệt để, và đó là một mâu thuẫn bi kịch mang tính chung nhân loại mà ta có thể gặp trong nhiều tác phẩm văn chương, nổi bật với những hình tượng mang khát vọng chinh phục khám phá, quyền lực hay của cải. Con người của đời thường bao giờ cũng muốn hòa tan mình vào những người khác, trở thành nhân vật của đám đông không bao giờ nhìn rõ mặt hay nhận được mặt. Con người nghệ sĩ không thế, con người nghệ sĩ là kiểu người “Giơ tay với thử trời cao thấp, Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”, con người nghệ sĩ bao giờ cũng muốn khắc tên mình vào vĩnh hằng, muốn tạo ra những công trình kì vĩ hay tác phẩm lớn lao để lại cho lịch sử và chính điều này làm nên giá trị cho các công trình văn hóa - lịch sử đông tây.
Một nghệ sĩ phải là người sáng tạo, nếu không sáng tạo nghệ sĩ ấy sẽ chết. Sáng tạo của nhà văn là gì? Sáng tạo của nhà văn nói riêng, của giới văn học nghệ thuật nói chung là phải tạo ra cách nhìn mới về con người và cuộc đời, phải cổ vũ cho con người và cuộc đời ấy. Chừng nào nghệ thuật còn đưa ra cách nhìn mới về con người thì chừng đó còn nghệ thuật, và tác phẩm nào còn mang lại suy nghĩ mới cho độc giả, tác phẩm ấy tồn tại. Vũ Như Tô là một tác phẩm như vậy. Bởi trong tác phẩm này, Nguyễn Huy Tưởng tạo ra một hình tượng mới, một nghệ sĩ có cá tính và đam mê sáng tạo. Niềm đam mê sáng tạo ấy được thổi bùng lên bằng sự khuyến khích cổ vũ của Đan Thiềm, một cung nữ bị ruồng bỏ nhưng bất chấp số phận riêng tư bạc bẽo, vẫn hướng tới cái đẹp, mơ ước về cái đẹp. Có thể phần nào hơi viển vông, nhưng thực ra con người đó lại là con người biết sống và dám sống. Bởi vì sống cho cái đẹp, sống theo cái đẹp, sống vì cái đẹp là một bản lĩnh. Một dân tộc biết sống đẹp, biết tạo ra cái đẹp, đó là một dân tộc có văn hóa và có bản lĩnh.
Sức mạnh sáng tạo mang phẩm chất nghệ sĩ của Vũ Như Tô được ngọn lửa đam mê cái đẹp của Đan Thiềm soi sáng bằng sự động viên khích lệ thiết thực nhưng rất chân thành và thẳng thắn: “Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông… Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi, nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện…”. Đây là phát ngôn của một con người mà về thân phận là một cung nữ bị ruồng bỏ, nhưng về bản chất đó lại là phát ngôn của lịch sử, phát ngôn của cái đẹp. Giá trị của phát ngôn đâu chỉ phụ thuộc vào thân phận và địa vị của người phát ngôn mà điều quan trọng là giá trị của chính bản thân phát ngôn ấy. Tôi nghĩ đây cũng là tâm sự và mong muốn của riêng Nguyễn Huy Tưởng.
Công trình mà Vũ Như Tô, nhân vật trung tâm của vở kịch, xây dựng lại mang một cái tên mà tự cái tên ấy cũng nói lên tầm vóc của nó: Cửu trùng đài. Đó chính là ước mơ, là khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ, nó vượt lên trên tất cả, nhưng là hiện thực của ước mơ, nghĩa là của khát vọng lí tưởng mà đây cũng là điểm mốc để xung đột bi kịch xuất hiện. Chính bản thân Vũ Như Tô cũng nói: “Đời ta không quí bằng Cửu trùng đài…”. Khi tự so sánh như vậy, nỗi đau thân phận cũng toát lên. Đây là dấu mốc của cái bi trong cuộc đời người nghệ sĩ khi ước mơ, khát vọng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của năng lực nghệ sĩ. Giấc mơ Cửu trùng đài để được hiện thực hóa thì cần sức mạnh vật chất bao gồm sức người sức của, mà để có được sức mạnh này thì cần có tầm chiến lược của người đứng đầu, nhưng Lê Tương Dực thì đâu có “tài năng” gì ngoài ăn chơi xa hoa vô độ mà tiền của bóc lột được để ăn chơi thì nhiều, còn để cho Cửu trùng đài thì không phải là không có nhưng chắc cũng chỉ được vài phần chắp vá.
Ý tưởng thì có nhưng khả năng để hiện thực hóa ý tưởng đó thì lại không. Sự bất hạnh này làm tăng thêm tính bi trong con người nghệ sĩ, tạo nên cuộc đấu tranh giữa người nghệ sĩ với tài năng xuất chúng và con người của đời thường luôn muốn an phận. Trong hoàn cảnh đó, người nghệ sĩ cô đơn hơn bao giờ hết, bởi cái cô đơn cao nhất là cô đơn trong chính bản thân mình. Vũ Như Tô khẳng định: “Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ… Vậy thì ta có tội gì?”. Nhân vật tự hỏi mình hay hỏi lịch sử? Có lẽ cả hai. Đây cũng là ý tưởng mà có thể nhà văn đã quá cố của chúng ta muốn gợi lên sự chia sẻ trong tâm hồn của những thế hệ sau ông. Đỉnh điểm của cái bi là cái chết của nhân vật nhưng cao hơn cái chết đó, cái tạo ra chất bi ấn tượng nhất là cái chết của Cửu trùng đài vừa mới được hiện hình. Cửu trùng đài bị hỏa táng. Giấc mơ của Vũ Như Tô muốn làm đẹp cho đất nước cũng chết luôn. Dấu vết của di tích Cửu trùng đài cũng không còn.
Bi kịch này gợi ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ mà một trong những vấn đề ấy gắn với các di tích lịch sử. Nói đến một di tích lịch sử không phải là nói đến độ to nhỏ lớn bé của di tích ấy, mà nói đến hiện thực của một thời đã qua, hiện thực theo đó con người hiện tại phải nghiêng mình thán phục. Đương nhiên để hiểu được giá trị lịch sử của một di tích thì cũng phải có văn hóa, nếu không có văn hóa và hiểu biết văn hóa thì các công trình lịch sử chỉ là những hiện vật vô hồn, không có giá trị.
Di tích lịch sử gắn liền với đất nước với dân tộc, tự thân nó là lịch sử dân tộc. Một đất nước sẽ không tồn tại nếu không có các di tích lịch sử, dù di tích đó là tinh thần hay vật chất, vật thể hay phi vật thể. Di tích lịch sử của dân tộc là sự giàu có về mặt văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất của dân tộc ấy, là đóng góp của một dân tộc cụ thể vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại, là cách làm giàu cho nhân loại.
Bản thân nhà văn cũng vậy. Mỗi nhà văn và tác phẩm của ông ta khi được lịch sử thời đại mình thông qua hệ thống các loại độc giả, thừa nhận và tôn vinh cũng là một giá trị văn hóa. Mỗi địa phương sẽ được lịch sử hóa bằng các tài năng mà địa phương ấy sinh ra, và địa phương ấy sẽ tồn tại mãi trong tiến trình lịch sử. Nhà văn và tác phẩm của ông ta trở thành chứng nhân và chứng tích lịch sử, khi họ hóa thân vào lịch sử họ sẽ trở thành lịch sử. Chính họ, những con người tài năng, dù là thiên bẩm hay được đào tạo, đều là những người mang vinh quang về cho cộng đồng, những người làm nhiệm vụ tôn vinh cộng đồng, lịch sử hóa cộng đồng. Trong ý nghĩa đó, vai trò của các di tích lịch sử rất lớn mà để có được các giá trị cho muôn đời chiêm ngưỡng và kính phục thì phải bảo vệ di tích, gìn giữ các công trình văn hóa; đối với các nhà văn nhà thơ, các nhà sáng tạo nghệ thuật ngôn từ nói chung thì việc đọc và truyền bá những tác phẩm của họ là cách bảo vệ văn hóa.
Văn hóa có một đời sống đặc biệt, đó là sự sống trong việc truyền bá. Chừng nào văn hóa nói chung văn học nghệ thuật nói riêng còn được truyền tụng thì chừng đó văn hóa và văn học nghệ thuật còn sống. Việc xây dựng các công trình văn hóa của các thời đại trước đây không phải là sự phí phạm về tiền của, sức lực, cũng không nên cho rằng những người đứng đầu các thời đại trước bóc lột và xây các công trình nguy nga, nhà cao cửa rộng cho thỏa mãn cá nhân… mà chính đó là hình thức gửi tiền tiết kiệm vào lịch sử để làm vốn cho con cháu muôn đời sau. Đặc điểm này của các di tích lịch sử đã được làm sáng tỏ bằng hình thức du lịch văn hóa đang rất phổ biến hiện nay. Du khách đến tham quan các địa phương không phải vì ở đó có thức ăn ngon, có người mặc đẹp hay gì gì đi nữa. Du khách đến Việt Nam là đến với các di tích lịch sử, đến với các lễ hội văn hóa. Di tích của chúng ta không còn nhiều, lễ hội văn hóa của chúng ta cũng đơn điệu. Tác phẩm văn học nghệ thuật của Việt Nam ít được giới thiệu trên thế giới. Những cái ít ỏi ấy cũng chưa được tôn trọng và hiểu biết đúng mức. Số di tích bị hỏa táng theo kiểu Cửu trùng đài không phải là không có.
Một nhà văn mà tác phẩm của mình không được công chúng tìm đọc, thưởng thức, nhà văn ấy sẽ chết khi đang còn sống, bởi chức năng của nghệ thuật, các loại nghệ thuật nói chung bao gồm cả nghệ thuật ngôn từ, là sáng tạo; mà sự sáng tạo ấy nếu không được chấp nhận, nếu bị cộng đồng chối từ thì họ không còn là các nghệ sĩ sáng tạo nữa. Để tồn tại, nhà văn phải sáng tạo. Lao động sáng tạo của nhà văn là lao động khổ sai theo kiểu “tự mình mình biết tự mình mình hay”. Cho nên hình tượng văn học mà nhà văn sáng tạo ra chính là tâm huyết của ông ta. Vũ Như Tô cũng vậy, là tâm huyết của một đời văn mà cho đến nay khi đọc lại từng trang từng dòng ta vẫn thấy ngưỡng mộ và cảm phục, bởi vở bi kịch này gợi cho ta suy ngẫm về chính chúng ta hiện nay. Mỗi nhà văn, do đó, cũng là một di tích lịch sử tự thân, mà qui mô của di tích ấy không cân đong đo đếm được. Độ lớn của nhà văn, tầm vóc của nhà văn được đo bằng tấm lòng ngưỡng mộ của độc giả, bằng sức sống của hình tượng nhân vật mà nhà văn tạo ra. Đọc Vũ Như Tô, ta có quyền nghĩ như vậy.
PGS LÊ NGUYÊN CẨN
Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội