BÊN NHÀ VĂN NGUYỄN HUY TƯỞNG CÙNG NGẮM HỒ GƯƠM
( 29-01-2015 - 06:28 AM ) - Lượt xem: 1125
Bài viết này của nhà văn Nguyễn Minh Châu được viết từ năm 1985, nhân 25 năm ngày mất Nguyễn Huy Tưởng, nhưng đến tháng 5 năm 1989 mới có dịp đăng báo Người Hà Nội, gần năm tháng sau khi tác giả của nó qua đời. Đấy cũng là khi quá trình Đổi mới bắt đầu diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống đất nước, trong đó có đổi mới văn học mà cả Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Minh Châu hẳn đều mong muốn, không những thế, còn có phần đóng góp của mình, theo những cách riêng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đọc một dẫy những tên sách, tên truyện của một nhà văn, ta cũng có thể đoán biết được một đôi phần tính nết và lòng dạ của người cầm bút. Ví dụ, Nguyên Hồng, nhà văn đầy hồn nhiên mà chúng ta đời đời yêu mến, một cái hoả diệm sơn tình cảm, đã từng đặt tên cho một dãy con cái của mình hết Địa ngục lại Lò lửa rồi Sóng gầm. Còn Kim Lân, người viết ít mà sẽ còn lại nhiều, thì Con chó xấu xí, Vợ nhặt, những cái tên sách như một sự tự kỷ ám thị.
Những cái tên sách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng như toát lên từ tính nết của ông thường kín đáo điềm đạm thủ thỉ và giản dị: Bốn năm sau, Truyện anh Lục, Ký sự Cao Lạng...
Ấy thế mà đến khi đặt tên cho những cuốn sách viết về kháng chiến Hà Nội thì dường như Nguyễn Huy Tưởng không thể dằn lòng mình xuống được nữa, không thể bình thản được nữa, không thể giữ nguyên cái khí chất kín đáo điềm đạm và giản dị vốn có được nữa, mà như một hiện tượng cao hứng, thăng hoa của tâm hồn, ông phải bộc bạch, phải bày tỏ thái độ của mình từ ngay cái tên gọi của cuốn sách - và ông đặt cho chúng những cái tên như Sống mãi với Thủ đô, Lũy hoa.
Những cái tên sách gợi lên hình ảnh một cái đài tưởng niệm bằng ngôn ngữ, một vòng nguyệt quế từ bàn tay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt lên trán những trai thanh gái lịch của Hà Nội rất giàu lòng yêu nước.
Tôi đọc Sống mãi với Thủ đô đã mấy chục năm nay thế mà vẫn còn giữ nguyên vẹn trong trí nhớ một chiếc lá sấu vàng khô cong như một tấm vàng giát, từ từ và lặng lẽ gieo mình xuống vạt cỏ ven hồ Gươm trong một buổi chiều mùa đông của năm ấy - mùa đông 1946 - trong một sắc trời một màu xám đầy lạnh lẽo chứa đựng một cái gì gai gai, rờn rợn mà tôi - tôi có cảm tưởng chỉ ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng mới tả được hay đến như thế - về mấy ngày trước khi cuộc kháng chiến trường kỳ nổ ra.
Tôi nghe nhiều nhà văn nói rằng những con sông đều mang tính khí giống hệt như những người mẹ, thường rất nhậy cảm đối với chiến tranh. Con sông Hồng - người mẹ của dân tộc Việt Nam ta, trải qua biết bao thế kỷ bồi đắp đã để lại trên cái mảnh đất ngày xưa nhà Lý lập nên kinh đô một cái hồ nước hình bầu dục, đồng thời cũng là để lại ở đấy cùng với cái hồ chung của cả nước kia, một truyền thuyết vô cùng đẹp đẽ và đầy ý nghĩa tượng trưng - tựa như một bức thông điệp, một lời truyền dạy mà tổ tiên ta đã nhắn gửi lại cho đời đời con cháu mai sau. Dù có được sống trong hòa bình an lạc thì cũng đừng chớ bao giờ lãng quên cái họa ngoại xâm như một thứ định mệnh của đất nước mình. Đừng bao giờ lãng quên một thanh gươm báu đang vùi sẵn ở trong những tầng đất phù sa cũ kỹ dưới đáy hồ này, trong lòng đất nước này.
Vì thế mà dù ở tận tít tắp mũi Cà Mâu hay sinh sống làm ăn dọc lưu vực sông Hồng, bao đời thế hệ con người Việt Nam vẫn coi cái làn nước hồ này, tự thân cái làn nước phẳng lặng một màu xanh rêu này - vừa là một cái gì của người Hà Nội, lại vừa như một cái gì thiêng liêng, nằm trong cõi thẳm sâu thâm nghiêm của lịch sử chung của cả dân tộc. Cái làn nước hồ hàng ngày hiện ra trước mắt chúng ta sau những hàng cây bóng mát và ghế đá kia chả khác nào một bức tường bằng thuỷ tinh trong suốt của một ngôi đền, phía sau đó đang cất giữ cái trái tim yêu nước của từng con người Việt Nam đã mất và đang sống. Người ở miền Nam ra, người ở biên giới, hải đảo về, người của trăm miền đặt chân đến đây mới gọi là đến giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội - và đứng trước cái làn nước xanh màu rêu ấy mọi người đều thấy bồi hồi có thể nhìn thấy như ở đâu đây cái trái tim nồng nàn yêu nước của chính mình.
Chao ôi, bao phen ngựa đã đổ mồ hôi, lúc hai mươi vạn, khi năm mươi vạn quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh từ ải Bắc kéo vào, từ Lục đầu giang kéo sang, hoặc vừa mới đây thôi khi ở miền Nam, những chục vạn, những chục vạn quân Mỹ ồ ạt đổ bộ lên Đà Nẵng, Chu Lai, tiến sâu vào các vùng kênh rạch chằng chịt của đồng bằng Nam Bộ, hoặc lúc không quân của chúng bắt đầu ném bom dã man các tỉnh miền Bắc, thì mặt mũi dung nhan của cái hồ nước giữa Thủ đô Hà Nội này dường như cũng khác đi, cũng trở nên nghiêm trang đăm chiêu, cũng trở sang một màu xám lạnh như ánh thép, và cũng như đang lo âu nỗi lo âu chung của cả nước. Làn nước hồ này dường như cũng nghe thấy được cái tiếng bước chân của giặc ngoài bờ cõi, làn nước Hồ Gươm dường như bao giờ cũng sống hết mình với những ngày đầy nghiêm trọng của vận mệnh đất nước. (Tôi cũng phải bộc lộ ra ở đây rằng mỗi lần trước ngày lên đường đi B trong những năm kháng chiến chống Mỹ, anh em văn nghệ quân đội chúng tôi đêm nào cũng rủ nhau đi dạo vài tua chung quanh Hồ Gươm - thấy gió hồ phả lên má lên mặt mình cứ rờn rợn).
Và trong đêm Hà Nội bất ngờ tắt điện bắt đầu kháng chiến toàn quốc - cái khoảnh khắc đầu tiên của sự bắt đầu 30 năm chiến tranh ấy - Nguyễn Huy Tưởng cũng dẫn Trần Văn, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh của mình đến đứng trước Hồ Gươm và những trang ông viết thật hay và bất ngờ: “Hồ Gươm nằm dúi dụi trong bóng tối. Phủ Bắc bộ đưa lại những tiếng liên thanh lục cục rõ mồn một, và những tiếng súng trường dóng một mà anh có cảm tưởng là người ta ngắm kỹ lắm rồi mới bắn”.
Sau khi tả những tiếng súng, những mảng nước phản chiếu ánh lửa đỏ ngầu, Nguyễn Huy Tưởng tự nhiên khám phá thấy. “Bên kia bờ Hàng Trống, đen như làng xóm trong đêm khuya. Vài con đom đóm lần đầu tiên anh trông thấy ở đây, bay trong các lùm cây. Nơi quen thuộc này chỉ còn là một cái gì rộng rộng trông trống, lành lạnh, mà gió thổi nhiều, dật dở bốn phía. Thân cây quằn quại, vặn vẹo, lá thít lên đổ xuống. Đất rùng rùng, thỉnh thoảng lại như vỡ ra trong những tiếng nổ khủng khiếp”.
Những thành phố Việt Nam của chúng ta, kể cả Hà Nội, cái lần giấy bóng kính gói bọc nó lại để ngăn cách với nông thôn, mỏng lắm.
Đôi lúc quen sống lâu ngày trong yên bình giữa phố xá với nhà cửa nguy nga, và đèn điện, nước máy, chúng ta thường quên điều đó, chúng ta quên mất rằng cái không khí đô thị mà chúng ta hít thở vẫn là không khí của nông thôn, do những làn gió thổi vào từ thôn dã rất gần gũi. Chúng ta quên mất rằng chúng ta vẫn mang sau gót chân mình những hạt đất bụi của thôn dã. Và thường con người ta chỉ khi gieo mình vào bước tục lụy hay hiểm nguy, mới sực nhớ đến gốc gác, cội nguồn. Rồi chợt đâu giữa phố phường nhà cửa đứng chen chúc, một hồi còi báo động chiến tranh u ú kéo lên, mọi người cuống cuồng đi tìm nơi tản cư, sơ tán, đèn điện tắt, chung quanh tối om tối mò, hoặc thành phố trải qua một trận lụt, người ta cắm vó bè đánh cá ngay trên bậc thềm Nhà hát lớn thành phố, trên bậc thềm nhà ga Hàng Cỏ, những chiếc thuyền này có thể mở máy chạy dọc theo các đại lộ. Chao ôi, có sống qua một lần như thế, ta mới thấy cái làng quê nông thôn tưởng đâu như đã quá xa xôi hoá ra lại nằm ngay giữa lòng mình, giữa tâm hồn, tâm khảm mình - nó chẳng ở tận đâu xa mà nằmngay ở giữa cõi thẳm sâu của đời sống thành phố, ta lại thấy lại hình ảnh những phường, những xóm ngày xưa mà những cái tên của chúng vẫn là tên của những phố xá sầm uất bây giờ. Quả thật Nguyễn Huy Tưởng đã có một cái nhìn khám phá khi ông chỉ cho chúng ta thấy trong cái giây phút đầu tiên chiến tranh vừa xảy đến đó, thành phố Thủ đô đầy hoa lệ và sang trọng đã hiện ra từ cốt lõi, gốc gác thôn quê của nó. Nguyễn Huy Tưởng đã đem thành phố Thủ đô hoa lệ hòa mình vào đất nước - chính điều đó có cái gì khiến chúng ta yên lòng. Mỗi con người thủ đô chúng ta trở nên bình tâm hơn để đánh giặc.
Trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng để lại, tôi thích Vũ Như Tô và Ký sự Cao Lạng hơn cả. Nghĩ về ông, bao giờ tôi cũng tưởng tượng ra một nhà văn đồng thời là một nhà văn hóa. Đấy là một cái điều mà các nhà văn ngày nay cần học tập ở ông. Phải, vì đã đến lúc phải nói với nhau điều này: trong sự nghiệp xây dựng con người và một nền đạo đức mới trong hoàn cảnh xã hội ta hiện nay, mỗi nhà văn chúng ta mang trọng trách như một nhà văn hóa.
Đứng sau lưng Nguyễn Huy Tưởng, tôi cũng đã nhìn thành phố Thủ đô Hà Nội trong chiến tranh chống Mỹ như nhìn cái xuất xứ của một nền văn hóa - từ đó mà chúng tôi - những nhà văn viết về chiến tranh và các nhân vật của mình ra đời.
“Thủ đô Hà Nội, thành phố đã có gần ngàn năm, thành phố vừa già nua vừa trẻ trung của Nhàn hàng chục năm nay chả khác nào cái nhà ga Hàng Cỏ - nơi giáp mối của nhiều ngả đường. Người Hà Nội toả đi khắp nơi, trong khi đó thì người các miền các vùng đổ về ngập tràn ba mươi sáu phố phường cũ. Hà Nội không còn là cô gái khuê các, cũng không còn là thành phố riêng của người dân ven hồ Tây chuyên nghề đánh cá, của người làm giấy trên Bưởi, của những gia đình từ lâu đời ở các phố Hàng Giấy, Hàng Bạc... Hà Nội cũng không còn là thành phố của các chuyện lên đồng và đánh ghen, của những người công chức nếp sống mòn rỉ, của các bà và các cô gái sang trọng quen với nền nếp lễ giáo phong kiến lẫn cách sống thành thị đã được Âu hoá, những lớp người tâm hồn đa cảm và ăn không ngồi rồi được phản ánh đầy rẫy trong các tiểu thuyết phái Tự lực văn đoàn của một thời.
Một lần từ chiến trường trở về thành phố Hà Nội, Nhàn cảm thấy mình đang đi ngược thời gian trở về thăm lại những con người nguyên sơ, kín đáo và tài hoa của đất kinh kỳ xưa cũ, thăm lại một cái gì thuộc về phong hóa ở trong những con người và cảnh vật. Những cánh cửa lùa bằng gỗ sơn đỏ cũ kỹ phố Hàng Ngang, Hàng Đào, gợi anh nhớ đến phảng phất thời của những mối tình giữa cô hàng bán giấy bút hay chữ, dịu dàng, ý nhị và anh học trò “lều chõng” vừa đỗ đạt. Những tên phố nhà quê mộc mạc Hàng Chĩnh, Cầu Gỗ và những dãy phố bờ sông Hồng lầy lội gợi bàn chân của người Hà Nội hàng chục thế kỷ khai phá bãi lầy dựng nên nơi đô hội.
Thành phố của đất nước có truyền thống đánh giặc tuy chưa có tượng ở vườn hoa nhưng qua phố nào cũng gặp tên những võ tướng, những Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lý Thường Kiệt, Yết Kiêu... Hà Nội cũng là thủ đô đầy rẫy vết tích tàn phá của những cơn binh lửa, của rất nhiều phen những đạo quân giặc ngoại xâm hùng mạnh tràn qua và bị đánh cho tan tác. Tại đây còn đâu cung Vua và phủ Chúa ngày xưa? Thành phố thủ đô mang tên nhiều danh nhân nhưng thành phố trước hết là của những người dân lao động bình thường, của những người buôn gánh bán bưng, của cô ở phố Hàng Đồng sắp về nhà chồng bên phố Hàng Thiếc, của cậu học trò từ tận trong Nghệ ra trọ học; thành phố của những người thợ thủ công tài hoa, của những người mẹ và người vợ, của những nỗi lo âu vì đời sống khó khăn và can qua; thành phố mà cho đến bây giờ nỗi hồi hộp và niềm phấn khích có tin truyền quân giặc bên ngoài sắp kéo đến vẫn như đang còn giữ trong từng ngôi nhà, từng viên gạch cổ. Thành phố anh hùng và bận bịu sao mà đa cảm: mỗi mùa đông đến, không khí se lạnh ven hồ nhắc Nhàn nhớ tới ngay một Hà Nội đổ nát, một Hà Nội tự đập mình ra để lấy thân mình cản xe tăng, thiết giáp của giặc Pháp, những tháng chạp đầy khó khăn nguy hiểm, những ngày mà giá trị của mỗi một người dân Hà Nội đang được định lại.
Nhàn được biết, quen nữa, một nhà văn bộ đội thường viết về Hà Nội những ngày đầu kháng chiến. Nhàn cũng đã được gặp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vào cuối năm 1946, trước tháng chạp ít lâu, khi đó Nhàn đang còn là một “thằng nhóc” làm liên lạc cho một trung đội tự vệ của Liên Khu Một. Ông Tưởng, nhà văn rất giàu lòng yêu Thủ đô, chuyên viết tiểu thuyết và kịch lịch sử, dáng cao cao và trầm ngâm, hay đội chiếc mũ phớt xám đã cũ. Có một lần Nhàn và mấy cậu thiếu niên “nhóc tỳ” khác - những đứa trẻ yêu nước, thông minh và tinh nghịch của Hà Nội - cùng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ngồi ngắm liễu rủ bên bờ hồ Hoàn Kiếm trên một chiếc ghế đá sau nhà bán hoa, giữa một buổi trưa xe Háptờrác của Pháp chạy ầm ầm trên đường Hàng Khay sau lưng. Về sau này, có lẽ gần hai chục năm trôi qua, một lần Nhàn bị sốt rét phải nằm bẹp trong chiếc lán giữa rừng kề thị trấn Khang khay của Lào, anh được một cô y tá cho mượn mấy cuốn sách trong đó có cuốn tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô. Anh đã đọc ngấu nghiến cuốn sách ấy giữa hai cơn sốt. Nguyễn Huy Tưởng đã làm anh xúc động suýt trào nước mắt khi ông viết về những ngày đêm lịch sử ấy, tháng chạp 1946: Hà Nội sắt lại trong một vẻ buồn, Hà Nội đẹp nhất trong những lúc đau khổ!
Phải nói thêm đó là những năm hòa bình yên vui của miền Bắc nước ta. Nhàn đọc cuốn sách xong thấy nhớ Hà Nội, nhớ da diết những tên phố, tên đường, những cuộc đời, những khuôn mặt người và khuôn mặt Hồ Gươm một màu xám lạnh trong cái năm đó, và rồi anh càng thấy yêu mến Hà Nội thêm biết bao nhiêu! Năm sau, Nhàn trở về Hà Nội cưới vợ. Nghe tin nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã mất, anh rất buồn. Anh thấy như trong chính đời anh vừa mất một cái gì đó vĩnh viễn không thể nào tìm lại nổi. Và rồi anh thầm nghĩ, với tất cả niềm thương tiếc, giá nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn sống, và nếu anh có nhiều thì giờ hơn một chút, anh sẵn sàng để ra vài ngày để được ngồi nói chuyện với ông, trao cho ông tất cả mọi tài liệu cần thiết để ông viết tiếp về Hà Nội - giả sử sẽ nói về cuộc đời những chàng thiếu niên Hà Nội ngày đó thường ngồi với ông trên ghế đá bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Những chàng thiếu niên đó suốt gần 30 năm nay, mái đầu đã pha bạc mà vẫn còn bận bịu với công việc kháng chiến giải phóng đất nước, và bàn chân đã dậm trên khắp mọi nẻo đường đất nước”(1).
Anh Tưởng nhỉ, người đàn ông có tên Nhàn (mà cuộc đời chả nhàn một chút nào!) chính là nhân vật của anh khi anh ấy đang còn là một thiếu niên Hà Nội, cũng là nhân vật của tôi lúc đã trở thành một trung đoàn trưởng, không khéo hôm nay anh ấy đang sống với gia đình trong một căn gác nào đó, hoặc khu tập thể bộ đội nào đó, ở Hà Nội - trong một dịp về Bộ họp, từ Cămpuchia về? Từ biên giới phía Bắc về?
Cho đến bây giờ tôi vẫn cứ mường tượng nghĩ rằng đấy là một người chỉ huy bộ đội đầy dầy dạn, đồng thời là một con người của Hà Nội hào hoa một thời. Trong tháng chạp năm 1985 này, có những buổi trưa nắng hanh cứ vàng óng như mật ong. Vào một buổi trưa nắng đẹp như thế, tôi hình dung anh ấy thong thả dắt một đứa cháu nội đầu lòng ra ngồi ở chiếc ghế đá trước phố Hàng Khay (bây giờ chỗ này được sửa sang đẹp và sạch hơn trước nhiều). Con người suốt một đời bận bịu với chiến trường ấy bây giờ đang nheo nheo con mắt ngắm rất kỹ từng gốc cây, từng lối cỏ, từng gợn nước Hồ Gươm, từng nếp quần áo và dáng người đi qua lại trước mặt: người lính già ấy đang trở về ngắm lại cái thành phố thủ đô sinh trưởng đầy thông thuộc của mình.
Không phải chỉ có trong nỗi chờ đợi của người đàn bà trong thơ Ximônôp, những người thanh niên Hà Nội cầm súng ra đi đánh giặc suốt 30 năm rồi lại trở về, như Nhàn, như Lê Vân sẽ trở về. Sống mãi với Thủ đô - anh đặt tên cho cuốn sách của mình như thế là phải, là có hậu. Xưa nay những người đi chinh chiến trở về là phần nhiều chứ, phải, người có trở về là phần nhiều chứ.
Cũng như lúc này đây, tôi đang thấy Anh - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - nhà văn của một nền văn hóa và phong hóa đất nước đang trở về để sống mãi với Thủ đô. Anh đang trở về, cầm tay Anh là cả một thế hệ tuổi trẻ Hà Nội hồi đầu toàn quốc kháng chiến mà anh hết lòng ngưỡng mộ và hết lời ca ngợi. Cả một thế hệ thanh niên với đủ mọi tầng lớp xã hội, thông minh, nhộn nhạo, hào hoa, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Những con người bất tử ấy đang cùng anh ngồi trên những chiếc ghế đá, cùng anh ngắm Hồ Gươm, cái Hồ Gươm của đời sống thường nhật đầy bận bịu, đầy những mối lo toan rất đời của mọi người bây giờ.
28-12-1985, NGUYỄN MINH CHÂU
(Người Hà Nội, số 114, ngày 19-5-1989)