“ANH RẤT THÂN ÁI VỚI CHÚNG TÔI”
( 27-07-2018 - 05:47 AM ) - Lượt xem: 732
LGT: Trong cuốn Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết, tác giả Xuân Vũ đã dành một bài viết về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong đó kể nhiều kỷ niệm của các nhà văn trẻ Nam Bộ tập kết ra Bắc với tác giả Sống mãi với Thủ đô. Dưới đây trích giới thiệu đoạn nói về quãng thời gian nửa cuối những năm 50, ông Tưởng hay đến với anh em ở ngôi nhà 19 Tôn Đản. (Khi ấy nhà văn Anh Đức vẫn mang tên thật là Bùi Đức Ái.) Đầu đề lấy theo một câu trong bài viết.
… Anh [Nguyễn Huy Tưởng] đặc biệt khen Đoàn Giỏi “có tài gây không khí” trong tiểu thuyết, khen Nguyễn Quang Sáng có những nhân vật độc đáo trong tiểu thuyết Đất lửa (lúc đó mới kể cho anh nghe chớ chưa viết ra thì anh đã thú vị cười ha hả, gật lia lịa). Còn tôi dự định viết về trận đánh cầu Bến Lức thì anh khen là “sự sống ngồn ngộn” nhưng khi tôi viết ra thì bị nhà xuất bản chê. Anh cũng khen truyện Đào Bảy Phi của Bùi Đức Ái nhưng trong ba thằng trẻ chúng tôi, anh khen Sáng nhiều nhất.
Anh rất thân ái với chúng tôi. Nói cả chuyện sexy thời anh còn trẻ ở Hà Nội, cô này cô nọ, mang giày gì, cà vạt màu gì và cô Janette1 trong tiểu thuyết của anh là ai, có cặp đùi hấp dẫn như thế nào…
Anh bảo chúng tôi: “Chừng nào các cậu vào Nam tớ phải theo vào một chuyến cho biết sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười”.
Mùa đông chúng tôi không quen lạnh, cứ co ro ở nhà, anh thường xách xe đạp đứng trước cửa gọi lên lầu: (Bấy giờ tôi và Sáng đã rời cái ga ra đến ở phố Trương Định ngang Nhà Hát Lớn2)
- Cu Sáng có nhà không? Cu Ái có nhà không? (Anh coi bọn tôi như em út). Thế là lên. Có món gì ngon chúng tôi cũng mời anh đến uống rượu để hỏi anh cách bố cục tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài. Anh đọc truyện Pháp và Liên Xô bằng Pháp văn chớ không đọc bản dịch…
Một bữa anh đến, anh Đoàn Giỏi đứng ngó ra cửa sổ trông thấy, bèn hối hả chạy qua đấm cửa tụi tôi kêu:
- Chết bà rồi, anh Tưởng đến. Tụi bây có gì không? (tức là có món nhậu không?)
- Đâu có thứ gì!
- Tao còn nửa khúc (rượu) Đồng Tháp với cà phê.
Tôi nói:
- Để tôi chạy lên Hàng Đào.
Tôi đi mua hột vịt lộn và mấy cỗ lòng gà, và gọi đậu phọng rang húng lìu ở Bờ Hồ.
Thằng Ái thì đi mua thêm rượu, còn cu Sáng ở nhà lo bếp núc.
Thế là thành tiệc. Anh Tưởng thuộc kiểu người Nguyễn Tuân: Trà, rượu… chớ không như anh Tô Hoài. Anh uống và nói chuyện vui lắm, không dè dặt gì hết. Cả chuyện đi thăm Liên Xô, Trung Quốc và chuyện Hà Nội ngày xưa Tây đầm.
Anh đặc biệt khen Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam. Anh nói nguyên văn:
- Hai anh cu này rất giỏi, Vũ Trọng Phụng thì có con mắt nhà triết học và nhà viết hài kịch kiểu Molière. Cái thằng Xuân Tóc Đỏ trước mặt đó mà (đéo) có anh nhà văn nào thấy, để cho Nhà văn ắn viết ra rồi mới té ngửa. “À ra thế!”. “Ra thế” cái chó gì, tài mình không nhận ra đề tài ngay cả trước mắt để người ta cuỗm mất. Cũng như cô gái xinh xinh ở đầu ngõ mà không thấy để chạy đâu đâu, người ta cưới mất đem về làm vợ rồi mới tiếc. Còn Thạch Lam thì rất tế nhị. Anh chàng này khác hẳn Vũ Trọng Phụng. Hai cây bút cùng một thời nhưng nhìn đời khác nhau. Đó là phong cách nhà văn. Le style c’est l’homme!3 Nhưng cái điều quan trọng nhất là các cậu đừng có bắt chước Vũ Trọng Phụng hoặc Thạch Lam. Các cậu là các cậu…
XUÂN VŨ
-----------------
1. Có lẽ là nhân vật cô đầm lai trong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô (chương 19) của Nguyễn Huy Tưởng.
2. Không rõ là phố nào (có thể khi ấy tên phố được đặt khác), nhưng trong bài của Anh Đức thì mấy nhà văn Nam Bộ lúc bấy giờ ở nhà số 19 Tôn Đản.
3. Tiếng Pháp, đại ý phong cách làm nên con người.