NHÀ VĂN NGUYỄN KHOA ĐĂNG, NGƯỜI CÀI HOA VÀO QUÁ KHỨ
( 19-11-2023 - 02:16 PM ) - Lượt xem: 272
Có thể nói những trang văn của Nguyễn Khoa Đăng là những trang văn đẹp, đẹp về văn hoá làng quê, đẹp về tình người, đẹp về chữ nghĩa xứng đáng là những bông hoa để lại cho đời, thật đúng là những trang văn CÀI HOA VÀO QUÁ KHỨ.
Cài hoa vào quá khứ” tôi đọc từ năm 1994, là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng mà tôi đọc. Tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Tác phẩm gồm 86 câu truyện giáo dục về người thầy và học sinh rất thú vị và giàu lòng nhân hậu nên rất có ích không chỉ đối với thanh thiếu nhi mà còn cả với người lớn. Có 2 truyện ngắn tôi nhớ nhất, nó chứa đựng đầy chất bi hài mà sau 30 năm vẫn còn chất thời thời sự là “Trống suy tưởng” và “Viết văn bằng phương pháp Địa lý”. Từ đấy tôi thường để ý tìm mua các tác phẩm của ông.
Một sáng đẹp trời Xuân năm 2012, ông ghé vào nhà tôi và tự giới thiệu là nhà văn và là thầy giáo quê ở Vũ Thư, Thái Bình, sau năm 1975 vào sinh sống ở Kiên Giang vừa dạy học vừa viết văn và tham gia ở Hội Nhà văn Kiên Giang. Từ năm 1993 ông về sống tại P.16, Gò Vấp cách nhà tôi chỉ 500m. Hôm nay ông đi qua thấy biển hiệu Thư viên tư nhân thì ghé vào thăm muốn hỏi kinh nghiệm về hoạt động thư viên tư nhân vì ông có tham gia chi hội Khuyến học của khu phố, do vậy ông muốn mang tủ sách của mình phục vụ học sinh và bà con chòm xóm.
Vào buổi sáng sau đó ba ngày, ông lại ghé vào nhà tôi khi ấy tôi đang cùng T.s Lê Vinh Quốc và anh Lâm Phi Hùng uống trà. Sau một lúc trò chuyện ông mời chúng tôi đến thăm nhà và tủ sách của ông.
Tủ sách của ông có khoảng 700 đầu sách, trong đó có khoảng 20 tác phẩm của ông còn lại hầu hết là các tác phẩm văn học in từ những năm 1980 trở lại đây. Những cuốn sách đều đã được nhiều người đọc nên đã cũ, nhiều cuốn bong bìa. Ông đã theo gợi ý của tôi hôm trước, sắp xếp, phân loại dán số thứ tự cho từng cuốn sách. Trước khi ra về ông đã tặng chúng tôi mỗi người 3 cuốn sách của ông đã ra mắt bạn đọc gần đây là Nước mắt một thời, Hoàng hôn lạnh và Chim mặt người.
Cuối tháng 5/2012, thư viện của tôi mở chương trình “khai mạc đọc sách hè” tôi có mời ông và bà Nguyễn Thanh Mai, (vụ trưởng Vụ Thư viện-Bộ VHTT&DL) dự cùng các cháu thanh thiếu nhi. Ông rất bất ngờ khi mở đầu phần ca nhạc có cháu Hoàng Uyên sinh năm 1998 hát tặng ông bài hát “Em đi giữa biển vàng” do nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ thơ bài “Mùa lúa chín” của ông làm từ năm 1966 (lúc ông 25 tuổi). Phần tiếp theo giới thiệu sách hè cho các em có phần giới thiệu cuốn “Cài hoa vào quá khứ”. Đến phần giao lưu ông xúc động cám ơn các bạn đọc trẻ tuổi đã hát tặng ông bài hát phổ thơ của ông, cám ơn Thư viện đã giới thiệu cuốn “Cài hoa vào quá khứ”. Ông cũng cho biết cuốn sách đã tái bản 11 lần. Ông chúc các cháu học tốt, chăm đọc sách nhưng phải lấy tri thức trong sách vở để phục vụ cho mình cho xã hội và phải phấn đấu trở thành con ngoan-trò giỏi. Trước khi kết thúc phát biểu ông đã tặng cho mỗi cháu đến dự một cuốn sách thiếu nhi “Chim mặt người” của ông do NXB Kim Đồng in.
Sau khi ra cuốn sách thiếu nhi “Chim mặt người” năm 2011, ông đã đi đến nhiều trường PTCS và tiểu học trong nước để nói chuyện về tác phẩm đồng thời tặng hàng trăm cuốn “Chim mặt người” cho thiếu nhi. Tháng 9/2012, tôi được tháp tùng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, Trần Quốc Toàn và Lê Quang Trang đi tặng sách cho một trường THCS ở huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi đã giao lưu với các em học sinh, xem và nghe các em thể hiện một số trích đoạn trong cuốn “Chim mặt người” cũng khá thú vị.
Cũng từ sau đợt đi đó, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tích cực tham gia sâu hơn vào các hoạt động của CLB. Ông viết bài cho tập san Người yêu sách, dẫn tôi đi giới thiệu với các nhà văn, nhà thơ: Thanh Tùng, Nguyễn Vũ Tiềm, Lê Khắc Hoan, Lê Thiếu Nhơn, Trần Mai Hường, Phùng Thanh Vân… Ông đã tích cực giới thiệu với họ về CLB, đề nghị họ giúp đỡ và thỉnh thoảng tham gia sinh hoạt CLB. Thật vậy, nhờ sự giới thiệu của ông các nhà văn nhà thơ ấy đã thỉnh thoảng tham gia toạ đàm với CLB về nhà văn Nguyên Hồng, Trần Hoài Dương, Anh Đức… Riêng nhà văn hay viết cho thiếu nhi Phùng Thanh Vân thì đã trở thành thanh viên của CLB.
Sáng thứ 6 ngày 31/7/2015, ông đã đưa PGS. Lê Sơn, (người mới chuyển từ Hà Nội vào sống ở SG) đến giới thiệu với CLB. Bắt đầu từ hôm đó PGS Lê Sơn đã tích cực tham gia mọi hoạt động của CLB cùng với ông và TS Lê Vinh Quốc trở thành hạt nhân. Cũng từ đó chất lượng sinh hoạt của CLB tăng lên rõ rệt. Với nhóm “hạt nhân” này chúng tôi tổ chức được nhiều chuyến đi giao lưu với thư viện một số tỉnh thành quanh SG như Bình Phước, Bình dương, Cần Thơ. Giao lưu, tặng sách cho thư viện Huỳnh Văn Nghệ, thăm nhà văn Vũ Hùng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu…
Nhớ nhất là ngày 4/9/2016, CLB tổ chức toạ đàm mừng sinh nhật 75 tuổi nhà văn Nguyễn Khoa Đăng với chủ đề “Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng nước mắt một thời”. Hôm đó nhà văn Trần Quốc Toàn đã được nhà thơ Trần Đăng Khoa uỷ nhiệm đến tặng ông một lẵng hoa mừng sinh nhật cùng một bức thư. Trong thư nhà thơ Trần Đăng Khoa đề nghị nhà văn hãy lấy lại tên thật của mình là Nguyễn Đăng Khoa thay vì Nguyễn Khoa Đăng như hiện nay. Đồng thời tặng ông mấy chữ viết cắm trên lẵng hoa mừng sinh nhật: “PHỤ KHOA MỪNG CHÚC CHÍNH KHOA: 75 BÁC VẪN ĐANG LÀ THANH NIÊN/ ĐỜI NGƯỜI THẾ KÉM GÌ TIÊN” đã làm cho nhà văn Nguyễn Khoa Đăng rất cảm động và vui mãi. Sau buổi sinh hoạt chúng tôi gồm PGS Lê Sơn, TS Lê Vinh Quốc, nhà báo Vũ Đức Vinh, Đào Quốc Toàn, chị Ngọc Dung và tôi tháp tùng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đi Bình Phước theo lời mời của cô giáo Biên Linh, một học trò của ông thời ở Vũ Thư, Thái Bình. Chuyến đi này được cô Biên Linh sắp xếp chu đáo từ đi lại, ăn ở và tham gia giao lưu với học sinh hai trường Phổ thông trung học của Bình Phước.
“Nhóm hạt nhân” hay còn gọi là “nhóm lão làng”, “nhóm tinh hoa” thường xuyên tụ tập “trà đàm” tại trụ sở CLB vào các buổi sáng. Trong các buổi đó chúng tôi thảo luận về tình hình văn học hiện tại, về các tác phẩm hay, các nhà văn nổi tiếng. Chúng tôi cũng hay nhắc tới các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. TS Lê Vinh Quốc và PGS Lê Sơn và tôi đặc biệt rất thích Nước mắt một thời, Hoàng hôn lạnh và Ngõ tre rì rào của ông. Ông cũng chia sẻ nhiều trăn trở của mình khi tác phẩm Nước mắt một thời và Hoàng hôn lạnh không được tái bản. Ông cũng rất tự hào khi nói về cuốn Cài hoa vào quá khứ chỉ trong 20 năm được in tới 13 lần và rất được các nhà sư phạm, các bậc phụ huynh và học sinh luôn tìm đọc, coi đó là cuốn sách không thể thiếu đối với học trò và giáo viên Phổ thông.
Trong một lần trà đàm, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có nói ra mong muốn là trong những năm cuối đời của mình sẽ được nhìn thấy ít nhất một luận văn cao học nghiên cứu về tác phẩm Nước mắt một thời của ông. Và không chỉ một lần sau đó ông còn nhắc lại nhiều lần nhất là từ năm 2018 sức khoẻ của ông ngày càng kém đi. Thương ông, quý ông và trân trọng những đóng góp của ông cho nền văn học hiện đại nước nhà tôi đã liên hệ với TS Lê Thị Ngân trường ĐH Khoa học Thái Nguyên là một CTV của CLB để triển khai đề tài. Tháng 6 năm 2018 TS Ngân cho biết đề tài “Góc nhìn trực diện về Cải cách ruộng đất qua “Nước mắt một thời” của Nguyễn Khoa Đăng” đã được Hội đồng cao học của trường ĐH Khoa học Thái Nguyên thông qua, thí sinh Vũ Thị Thu Trang là người thực hiện. Biết được tin này tôi cũng không dám nói cho ông vì đề tài quá nhậy cảm chỉ sợ bị đình chỉ giữa chừng làm ông thất vọng. Đến tháng 4/2019 TS Lê Ngân báo cho tôi biết Luận văn đã được Hội đồng thông qua, thí sinh Thu Trang sẽ bảo vệ đề tài vào tháng 8/2019. Và niềm vui vỡ oà, thí sinh Thu Trang đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ Ngôn ngữ, Văn hoá và Văn học Việt Nam đề tài trên đạt loại suất sắc. Sau bảo vệ thành công luận án hơn tháng sau, TS Lê Thị Ngân và thạc sĩ Thu Trang đã gửi 3 bản luận văn, cân trà Tân Cương tặng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng và CLB.
Buổi sinh hoạt 1/12/2019, buổi sinh hoạt CLB cuối cùng của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, ông ngồi cùng 3 vị "lão làng" của CLB
Từ năm 2018 sức khoẻ nhà văn yếu dần, nên chỉ những lúc ông cảm thấy khoẻ thì ông mới cố gắng đến với bàn trà của “nhóm tinh hoa”. Người chở ông lúc thì con rể lúc thì con gái và có lúc ông dùng xe lăn tự mình đến, ít nhất mỗi tháng ông cũng đến 2,3 lần, có tháng như tháng 3/2019 ông sang hội bàn trà đến 4 lần. Cũng tháng này ông đã cùng CLB đi dự ra mắt 7 tập thơ của nhà thơ Võ Xuân Tòng (một thành viên của CLB nay đã trở thành một hạt nhân không thể thiếu của CLB). Trong năm 2019 ông cũng có 5 lần tham gia sinh hoạt CLB. Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy - Chủ nhật ngày 1/12/2019 - CLB tổ chức toạ đàm về Đại văn hào Maksim Gorki thì ông được cô con gái Quỳnh Vân chở đến dự. Hôm đó trông ông khoẻ và vui. Tại buổi toạ đàm ông cũng phát biểu ngắn về cuốn Kiếm sống của M.Gorki. Và đấy là buổi sinh hoạt cuối cùng của ông với CLB.
Ông về cõi vĩnh hằng đã để lại cho đời 22 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và 1 tập thơ thiếu nhi ra mắt bạn đọc. Tôi gần như đã đọc hết các tác phẩm ấy, chủ đề khá đa dạng nhưng chủ yếu về đề tài nông thôn Việt Nam. Trong đó nổi bật nhất là Nước mắt một thời và Hoàng hôn lạnh, Ngõ tre rì rào, còn tập thơ duy nhất với tựa Đội nón cho cây thì cũng về đề tài nông thôn và thơ viết về con, viết về gia đình nói lên lòng yêu thương của người cha. Điểm nổi bật nhất trong tác phẩm của ông là đầy chất bi hài, rí rỏm nhưng cũng rất thi vị giàu tính nhân văn, tính giáo dục nêu bật lên trên tất cả là tình cảm con người thấm đậm tính vị tha mà không thù hận, không gây chia rẽ.
Tôi cũng thật sự khâm phục ông giật tựa cho các tác phẩm của mình, các tựa đều ngắn gọn chỉ với vài chữ mà đã nêu lên được ý của tác phẩm mà tác giả muốn hướng tới nhưng lại hay, thi vị như Khói đốt đồng, Ngõ tre rì rào, Mây chiều bảng lảng, Nước xanh biêng biếc, Tình yêu một thủa…
Có thể nói những trang văn của Nguyễn Khoa Đăng là những trang văn đẹp, đẹp về văn hoá làng quê, đẹp về tình người, đẹp về chữ nghĩa xứng đáng là những bông hoa để lại cho đời, thật đúng là những trang văn cài hoa vào quá khứ.
PHẠM THẾ CƯỜNG
.