NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

BỐ VÀ TÔI

( 19-11-2023 - 02:39 PM ) - Lượt xem: 67

Năm 2016, Bố cho tôi biết vào ngày 4/9 CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng sẽ tọa đàm về cuốn Nước Mắt Một Thời, Bố muốn tôi tham dự (khi ấy tôi chưa tham gia sinh hoạt). Tôi hứa sẽ đến và chịu trách nhiệm về “hậu cần”. Nào ngờ ngày 2/9 nhỏ bạn thân nhất thời học Phổ thông hấp hối, nó muốn gặp tôi lần cuối. Tôi về Rạch giá với ý nghĩ sẽ quay về Sài gòn kịp buổi tọa đàm. Nhưng đến ngày 4/9 bạn tôi mới “ra đi”. Một lần nữa tôi lại không làm tròn lời hứa với Bố. Tôi biết Bố rất buồn vì cả gia đình tôi không ai tham dự (trừ cô em gái nuôi). Sau này khi đã tham gia nhiều buổi tọa đàm về các nhà văn thơ trong và ngoài nước tôi mới thấy không một gia đình nào… thiếu quan tâm như gia đình nhà tôi, trong đó dĩ nhiên có cả tôi.

Bố tôi có bốn đứa con, tôi là chị cả và ai cũng nói… tôi gần Bố, tôi quý Bố và tôi giống Bố nhất.

Giống Bố như thế nào tôi không tự xác định được chỉ biết rằng khi tôi đi cùng Bố thì người ta bảo tôi giống Bố, còn khi đi với Mẹ thì người ta bảo tôi và Mẹ y một khuôn đúc ra. Vậy là tôi giống cả hai nhưng nét bên ngoài thì họ cũng luôn đồng thanh đồng thủ nói rằng… xấu hơn cả Bố lẫn Mẹ.

Tuy nhiên tính nết thì chắc giống Bố hơn. Giống từ cái tính thương người rất vớ vẩn đến cả cách ăn, cách ở. Ví dụ về ăn, cả hai đều không thể ăn chua hoặc cay dù chỉ dính tí ti. Hôm nào nhà lỡ nêm đồ ăn hơi cay một chút là Mẹ nháy mắt cho tụi em ngó xem biểu thị của cha con, y rằng mặt người nào cũng nhăn nhó và nước mắt chảy ròng ròng. Nhân cơ hội ấy Mẹ kể cho tụi nó nghe nào là… Quỳnh Vân rất “ác” với Mẹ. Ngay từ ngày còn nhỏ Vân đã làm “khó” Mẹ. Mẹ thích ăn ớt, Mẹ mới chỉ đem ra thôi chưa hề ăn nhưng lỡ để Vân nhìn thấy là Vân đã ré lên la khóc ầm ĩ, rồi Bố quăng ngay ớt của Mẹ ra sân, cấm Mẹ không được ăn ớt nữa.

Rồi những thứ có vị chua. Mẹ cũng lại thử cho tụi nó thấy bằng cách… đưa quả khế chỉ chua dôn dốt cho hai cha con kêu ăn, mạnh người nào người nấy rùng mình và da gà, da cóc nổi lên ầm ầm.

Đấy là chuyện vui… Đấy là nói tóm lại Vân giống Bố ra phết, khỏi thử AND.

Mẹ, bố và tôi

TÌNH YÊU BỐ VÀ MẸ.

 Bố không biết nịnh, không biết nói khéo dù chỉ vài câu lấy lòng. Nhiều lúc Mẹ bảo… chỉ cần Bố mày nói khéo một câu thôi là tao sẵn sàng đánh đổi cả giang san. Vậy mà nhất định không. Rồi lại không biết nói dối nữa chứ, chán kinh khủng. Nhiều khi thấy Bố sai, dấu giúp, ai dè về gặp Mẹ, Bố khai sạch, thế là nó mang tội… bao che và tòng phạm, nhẹ bị la, nặng bị ăn đòn.

Bố rất vụng, ngược với Mẹ rất khéo. Mẹ kể ngày nhỏ khi sống ở Hà nội khoảng 14 -15 tuổi Mẹ đã biết đan len kiếm sống. Còn Bố làm gì cũng hỏng, cả đời giỏi nhất nấu xôi. Chê Bố, Bố chỉ cười và xòe mười cái ngón tay ngắn tun ngủn ra nói: bản chất trời đã không bắt làm vì có nắm chắc được cái gì đâu (?).

 Mẹ đành hanh, Bố hiền lành. Bố lãng mạn, mẹ hay ghen… nếu Mẹ không gây trước thì chắc chẳng bao giờ cãi nhau. Hai ông bà thường kể, họ quen biết nhau từ thuở mẹ học lớp 5, Bố lớp 7. Và ngồi cùng một chỗ nên sử dụng mặt bàn để viết “thư” cho nhau. Nếu mặt bàn đầy chữ sẽ dùng mảnh thủy tinh cạo đi và viết tiếp. Chuyện này Bố Mẹ ôn liên tục, ngày nào cũng cứ 3 giờ sáng là cả hai lại kể và bắt đầu… “ngày ấy, anh ngồi…” là chị em tôi bấm nhau chuẩn bị tinh thần hết được ngủ vì… chỉ một chút nữa thôi là y rằng ầm ầm… “ngày ấy ông thích cô A, B, C”… Bố ra sức thanh minh, Mẹ la um trời đất.

Bố yêu Mẹ với tình yêu duy nhất, những cái cảm nắng nhất thời dĩ nhiên cũng có nhưng ông không có ý thay mới nới cũ. Khi Bố mất tụi cháu nhỏ có “nhặt” được cái thư của một cô gái nói chỉ cần Bố bỏ vợ là cô sẵn sàng đến với Bố không cần bất cứ thứ gì.

Chính vì vậy khi Bố đã mất, Mẹ luôn nằm mơ thấy Bố về năn nỉ mẹ đừng giận, hãy tha lỗi cho Bố. Và có lần, nếu nói về duy tâm thì rất đáng kinh ngạc. Đó là hôm cúng cơm tuần đầu cho Bố xong, Mẹ lên gác ngồi nơi đặt bàn thờ tổ tiên (gần đó là tủ sách gia đình) thì một quyển thơ nhỏ (thơ tình tứ tuyệt) rơi vào tay mẹ, mẹ bảo mẹ chưa hề biết có quyển này. Quyển đó đề tặng nhân dịp Sinh nhật lần thứ 54 của Mẹ (9.4.1998). Ngay trang đầu ông viết:

“Tặng Vy!

Bài thơ của 34 năm về trước (tháng 8. 1964), trang 182. Đó là những ngày khó khăn, buộc chúng ta tạm phải xa nhau”.

 Nội dung bài thơ như sau:

          Xa xôi


    “Trời thu mây ngừng trôi

     Mưa thu khóc sụt sùi

Gió thu xào xạc thở

Anh và em xa xôi”.

 

Tôi hỏi: tại sao Bố lại viết “tạm phải xa nhau”? Mẹ bảo: Tổ chức yêu cầu vì Mẹ là con quan sẽ cản đường phấn đấu của Bố.

Rồi khi cúng Bố tuần hai thì đêm Mẹ nằm mơ Bố chỉ cho Mẹ đến một góc tủ sách. Mẹ tìm thấy có cái hộp, trong hộp có chuỗi ngọc trai Bố tặng mà Mẹ bỏ quên không nhớ.

 

BỐ VÀ CÁC CON

 Bố yêu con theo cách riêng của mình. Cả cuộc đời của chúng tôi cho đến giờ này chưa bao giờ bị ông la mắng dù chỉ một câu hoặc đánh con một cái. Mỗi cái lỗi của con ông nhẹ nhàng phê bình, chỉ cần con phản ứng là ông nín không nhắc thêm lần nào nữa.

Ông chiều con, chiều lạ kỳ. Mẹ tôi nói, ngày về đẻ Quỳnh Hoa (năm 1967), Mẹ bụng mang dạ chửa, cả nhà đi xe đạp qua khu Phụ dực nổi tiếng nguy hiểm do Mỹ bắn phá liên tục. Vậy mà tôi đòi xuống xe để bắt bướm đang bay lượn trên các hoa cây muồng. Trong khi ấy tất cả mọi người đi qua khu vực đó đều tăng tốc độ tối đa để tránh bom. Họ thấy vậy đều mắng Bố Mẹ và nói hãy cứ quăng vứt bỏ tôi lại. Vậy mà Bố vẫn nén lòng bắt được bướm cho tôi mới chạy đi. Nào là ngày Quỳnh Hoa còn nhỏ, Bố mới đi tiêm ngừa về tay sưng đẫn, vẫn cố gắng gối đầu tay cho nó ngủ đến mức tê dại cả tay không dám buông ra sợ con tỉnh giấc.

Rồi về thăm nhỏ Quỳnh Hoa khi nó bị bệnh, Bố bị ngã xuống hố tránh bom khiến một cái răng bị gẫy. Chuyện gẫy răng này đã làm nên một giai thoại cười ra nước mắt.

Bố chiều thằng út nhất vì nó là con trai cầu khẩn, mong mãi mới có (để đẻ được nó cả hai Bố Mẹ đều bị cảnh cáo phê bình do có con thứ tư), nên nó muốn gì được nấy. Ngay khi còn nhỏ nó đã có nhiều trò tai quái. Nhớ nhất vào một mùa đông khi nó khoảng 2 tuổi, Bố xuống ao vớt bèo cho gà ăn, nó đứng xem, rồi nhân lúc nó đi chơi nơi khác, Bố tranh thủ vớt cho xong. Khi quay lại, phát hiện ra nó gào làng, Bố lại phải đổ bèo xuống ao làm lại cho nó coi.

NHỮNG LỜI TỰ HỨA KHÔNG THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐẦY ÂN HẬN

Sinh thời Bố tôi rất thích được đi nước ngoài. Cứ mỗi khi nghe ai vừa đi “nước A, B, C” về là Ông lại chắc lưỡi ao ước.

Những năm 2000 khi dạy ở trường Quốc tế, thấy phụ huynh, học sinh đi nước ngoài như cơm bữa tôi lại càng có ý nghĩ cố gắng phấn đấu dành dụm tiền rồi đến hè ghép chung với trường cho Bố đi một chuyến.

Mỗi tháng tôi bỏ ra được một ít tiền và tiến hành thăm hỏi tình hình làm visa cho Bố.

Tưởng chừng đã ổn, tôi thì thầm nhỏ to với Bố rằng… chỉ một năm nữa sẽ đủ tiền cho Bố đi. Năm ấy trường cho học sinh đi Úc, họ hứa ghép Bố vô đoàn luôn. Nào ngờ tháng 5 năm 2005 một biến cố lớn xảy ra với tôi và việc làm đó thất bại.

Trọn cả cuộc đời Bố tôi mới chỉ hai lần ra “nước ngoài”, một lần năm 1978 sang Campot và một lần sang Bằng Tường (Trung Quốc). Có lẽ trong số vài ngàn hội viên Hội nhà văn VN người không được đi nước ngoài như Bố tôi là số rất ít.

Năm 2016, Bố cho tôi biết vào ngày 4/9 CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng sẽ tọa đàm về cuốn Nước Mắt Một Thời, Bố muốn tôi tham dự (khi ấy tôi chưa tham gia sinh hoạt). Tôi hứa sẽ đến và chịu trách nhiệm về “hậu cần”. Nào ngờ ngày 2/9 nhỏ bạn thân nhất thời học Phổ thông hấp hối, nó muốn gặp tôi lần cuối. Tôi về Rạch giá với ý nghĩ sẽ quay về Sài gòn kịp buổi tọa đàm. Nhưng đến ngày 4/9 bạn tôi mới “ra đi”. Một lần nữa tôi lại không làm tròn lời hứa với Bố. Tôi biết Bố rất buồn vì cả gia đình tôi không ai tham dự (trừ cô em gái nuôi). Sau này khi đã tham gia nhiều buổi tọa đàm về các nhà văn thơ trong và ngoài nước tôi mới thấy không một gia đình nào… thiếu quan tâm như gia đình nhà tôi, trong đó dĩ nhiên có cả tôi.

Năm 2017 Bố tôi bị đột quỵ lần đầu, từ đó Bố không đi lại được nữa. Trong thời gian chữa bệnh Bố vẫn ao ước khi nào khỏi bệnh, tôi về hưu, hai Bố con sẽ về quê Thái bình thăm họ hàng và thăm Bảo tàng hậu chiến tranh của nhà văn Minh Chuyên… Nhưng không kịp nữa … ngày 25 tháng 9 năm 2022 Bố tôi đã “đi xa” trước khi khỏi bệnh.

QUỲNH VÂN

 

Các Bài viết khác