MAO, CÂU CHUYỆN CÓ THẬT - Chương 7
( 02-12-2018 - 05:25 PM ) - Lượt xem: 2112
Trong những lời hô hào được ông viết trong quãng thời gian giữa mùa xuân và mùa thu năm 1920, Mao phô bày một sự cuồng nhiệt không tưởng khi ông đề xuất chế độ người dân tự quản cho tỉnh Hồ Nam. Ông đề nghị tách Hồ Nam khỏi Trung Quốc vốn đã sa vào một tình cảnh tồi tệ; tuyên bố Hồ Nam độc lập hoản toàn; ban hành một hiến pháp riêng và một hình thức chính quyền dân cử, thực sự dân chủ.
7
Hít thở cách mạng thế giới hay ma thuật chuyên chính
Đến Thượng Hải ngày 5.5.1920, Mao cùng các bạn Hồ Nam trú trong một căn nhà nhỏ hai tầng trên một con đường bụi bặm ở phía tây thành phố. Ông ở đó trong hai tháng rưỡi (1). Không khác mọi khi, Mao cũng như các bạn đều cạn tiền. Để có tiền trang trải cuộc sống, Mao đành vứt bỏ điều mà ông gọi là “thói quen của người trí thức” và làm nghề chân tay. Mao đành chấp nhận giặt đồ cho người khác (2). Công việc giặt giũ của ông chỉ chiếm “nửa thời gian”, thì giờ còn lại ông bàn chuyện chính trị và đi lang thang khắp thành phố (3).
Mao tranh thủ tham quan khắp Thượng Hải. Nằm hai bên bờ sông Hoàng Phố, một trong các chi lưu của sông Dương tử, Thượng Hải là trung tâm công nghiệp và thương mại lớn nhất của Trung Quốc và toàn vùng Đông Á. Từ năm 1842, năm người Anh xuất hiện ở đây, Thượng Hải biến đổi từ một thành phố 20 vạn dân thành một đô thị khổng lồ với số dân cư không dưới 2 triệu, gấp hai lần Bắc Kinh. Thành phố là cảng mở chính của đất nước. Vô số cầu tàu và cửa hàng nằm dọc bờ trái sông Hoàng Phố.
Thượng Hải gồm 6 quận chính. Năm trong số này – Nan Dao, Hạp Bắc, Ngô Tùng, Tô giới quốc tế và Nhượng địa Pháp – nằm bên bờ trái sông Hoàng Phố, riêng Phố Đông nằm bên bờ phải tức bờ đông. Sát nhà ga phía bắc, bên bờ trái sông Ngô Tùng (còn được gọi là rạch Tô Châu), một con sông nhỏ vốn là chi lưu sông Hoàng Phố, là khu thợ thuyền Hạp Bắc. Đây là quận mới ra đời vào thế kỷ XIX. Nandao, khu cổ nhất Thượng Hải, đã có từ thời Đường (618 – 906), nằm giữa ga Nam và sông Hoàng Phố. Khu Tô giới quốc tế do người Anh cai quản nằm trải dài phía nam Hạp Bắc và phía bắc và phía tây sông Hoàng Phố. Giáp liền khu Tô giới quốc tế là khu Nhượng địa Pháp. Như vậy, các khu nhượng địa nước ngoài cắt đôi bờ trái Thượng Hải, tạo thành hai vạt rộng chèn vào giữa các quận của người Trung Quốc Nandao và Hạp Bắc. Về phía tây khu Tô giới quốc tế và Nhượng địa Pháp, trên phía đầu nguồn rạch Tô Châu là phần còn lại của quận Ngô Tùng.
Trong tổng số 35 dặm vuông([1]) của thành phố, hơn một phần ba thuộc về người nước ngoài. Luật pháp nước ngoài chi phối sinh hoạt trên phần đất các khu nhượng địa; lính và cảnh sát nước ngoài đóng ở đó. Người Trung Quốc được phép sinh sống trong khu nhượng địa. Những người Trung Quốc có của và những trí thức Trung Quốc phản kháng giới chức Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này. Trong thực tế, số người Trung Quốc sinh sống trong khu Tô giới quốc tế và Nhượng địa Pháp cao gấp nhiều lần số người nước ngoài([2]). Bầu không khí chính trị tự do hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác ở Trung Quốc, còn trong khu Tô giới quốc tế, mức sống cao hơn hẳn. Các cửa hiệu nằm dọc theo Phố Nam Kinh là độc nhất ở Trung Quốc. Các chi nhánh của những ngân hàng lớn nhất Âu Mỹ nằm trong khu Tô giới Quốc tế và Nhượng địa Pháp, cùng với các khách sạn đắt tiền và biệt thự. Diện mạo kiến trúc của Thượng Hải tương phản rõ rệt với diện mạo các thành phố khác. Bến tàu tạo ấn tượng đặc biệt mạnh với các toà nhà chọc trời đồ sộ bằng đá và các khối chóp nhọn nhô cao lên bầu trời. Cuộc sống diễn ra sôi động khắp chung quanh các biển quảng cáo nhấp nháy, xe cộ chạy vun vút trên đường, các phu xe kéo chạy tới lui, tàu từ mọi quốc gia cất hàng và dỡ hàng ở bến cảng; các quý bà ăn vận thanh lịch được các quý ông lịch lãm đưa đi dạo mát dọc theo phần trung tâm của bến tàu hay Ngoại Than (Bund)([3]) dưới bóng các tàn cây. Đám đông chen nhau dọc theo phố Nam Kinh và những con đường và lối đi gần đó. Nhiều cửa hàng và nhà hàng, rạp chiếu bóng và sòng bạc thu hút khách sang trọng.
Ở Thượng Hải, người ta có thể nghe tiếng Anh, Pháp và cả tiếng Nga ở mọi nơi. Năm 1925, có 2766 người Nga ở Thượng Hải, không ít lắm so với 6000 người Anh, khoảng 1500 người Mĩ và hơn 1000 người Pháp. Tính chung, có 37.758 người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác nhau trong thành phố. Người Nhật chiếm số đông; trong năm 1925 có 13804 người Nhật(4), nhưng nhờ sự hiện diện của người Nga, Anh và Pháp vốn để dấu ấn lên thành phố, Thượng Hải có hương vị của một thủ đô châu Âu. Kiến trúc của các khu phố quốc tế không khác nhiều so với New York và London.
Mao Trạch Đông không thể không nhận ra Thượng Hải phi Trung Quốc ra sao cho dù ông sống ở một nơi khá xa phố Nam Kinh và Bến Thượng Hải. Ông vẫn dùng điều kỳ diệu của công nghệ châu Âu là tramway chạy xuyên suốt các tô giới quốc tế và Pháp. Ông cũng dùng tramway để đến chỗ khách hàng, thu nhặt quần áo bẩn và giao trả chúng sau khi giặt sạch. Những chuyến đi như vậy đã, theo lời ông, làm hao tốn một phần không nhỏ thu nhập ít ỏi của mình (5).
Lúc bấy giờ, có không ít người hoạt động chống Zhang tập hợp ở Thượng Hải. Hiệp hội Hồi sinh Hồ Nam, một tổ chức được những di dân giàu có sinh quán ở Hồ Nam thành lập, bắt đầu hoạt động ở Thượng Hải tháng 12.1918. Những hội ái hữu Hồ Nam khác đòi tống khứ Zhang cũng hoạt động ở Thượng Hải. Tháng 12.1920, Xu Fosu, một đứa con nổi tiếng của tỉnh Hồ Nam, vốn là chủ tịch Nghị viện Trung Hoa Dân Quốc và là người chống Zhang Jingyao, sống ở Thượng Hải (6).
Dù mọi công sức của Mao và những người Hồ Nam yêu nước khác đều không đi đến đâu, Mao vẫn tiếp tục chiến đấu với cối xay gió([4]). Chỉ có điều giờ đây ông tiếp cận cuộc đấu tranh theo một cách tinh tế hơn. Ông tìm cách không chỉ loại bỏ những tên đầu sỏ biến chất, mà còn thay đổi cái thể chế xấu xa sản sinh ra những kẻ chuyên quyền như vậy. Trong những lời hô hào được ông viết trong quãng thời gian giữa mùa xuân và mùa thu năm 1920, Mao phô bày một sự cuồng nhiệt không tưởng khi ông đề xuất chế độ người dân tự quản cho tỉnh Hồ Nam. Ông đề nghị tách Hồ Nam khỏi Trung Quốc vốn đã sa vào một tình cảnh tồi tệ; tuyên bố Hồ Nam độc lập hoản toàn; ban hành một hiến pháp riêng và một hình thức chính quyền dân cử, thực sự dân chủ. Mao nhớ lại: “Ghê tởm Chính phủ Bắc dương và với niềm tin rằng Hồ Nam sẽ có thể hiện đại hoá nhanh hơn nếu thoát khỏi các mối ràng buộc với Bắc Kinh, nhóm chúng tôi đã cổ xúy li khai. Lúc đó, tôi là người ủng hộ nhiệt tình học thuyết Monroe và Chính sách mở cửa của Mĩ” (7). Đó là lời thổ lộ lạ lùng từ miệng người sẽ nói với Edgar Snow rằng vào mùa hè 1920 mình đã trở thành một người mác xít.
Ý tưởng về một “Hồ Nam độc lập” thực ra không mới. Vào đêm trước Cách mạng 1911, nhà hoạt động dân chủ cách mạng Hồ Nam tên Yang Shouren đã nói rõ một xứ Hồ Nam độc lập có thể trở thành hình mẫu cho những tỉnh khác ở Trung Quốc. Cuối cùng, chúng sẽ quần tụ chung quanh các nguyên tắc mới, liên bang, đưa đến sự hồi sinh của nước Trung Hoa mới (8). Tất nhiên là ý tưởng này chẳng có chút liên hệ nào với chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa Bolsevik, nhưng nó lại rất phù hợp với truyền thống của vài quốc gia Tây Âu cũng như của Hoa Kỳ. Mao không tiếp nhận nó ngay lập tức. Tháng 3.1920, ông vẫn còn bày tỏ nỗi nghi ngại về khả năng Hồ Nam ly khai: “Do nó là một tỉnh nằm bên trong Trung Quốc, không dễ để Hồ Nam xây dựng nền độc lập, trừ phi... quy chế của chúng ta giống của Mỹ hay Đức” (9). Tuy nhiên, chẳng lâu sau Mao là người cổ xuý nhiệt tình. Ông khởi đầu từ tiên đề rằng “Trung Quốc quá rộng. Các tỉnh rất khác nhau về cảm xúc, quyền lợi và cả trình độ nhận thức của người dân... [Đồng thời] địa lý của Hồ Nam và sức lực tự nhiên của dân có tiềm năng to lớn. Nếu họ bị hoà lẫn vào một tổ chức quy mô cả nước, sức lực của họ sẽ bị huỷ hoại, và họ sẽ bị kìm hãm, không thể tiến bộ hơn” (10).
Mao trông cậy vào năng lực sáng tạo của công dân tỉnh nhà: “Nếu dân Hồ Nam có thể dẫn đầu bây giờ, thì các tỉnh Sơn Tây, Phúc Kiến, Tứ Xuyên và An Huy vốn có những điều kiện tương tự sẽ nối bước, và rồi khoảng 10, 20 năm nữa, chúng có thể kết hợp cùng nhau để mang lại một giải pháp cho những vấn đề của cả nước” (11). Ông muốn tạo ra một loại “văn minh Hồ Nam” đặc biệt, một xã hội của người dân tự do có thể tự cai quản đất nước mình mà không cần một tỉnh trưởng quân sự hay một quân đội, và sẽ thúc đẩy giáo dục, công nghiệp và mậu dịch (12). Ông cũng so sánh Hồ Nam với Thuỵ Sĩ và Nhật Bản (13). Mao đặc biệt trông cậy vào công dân tỉnh lỵ sẽ là đội tiên phong trong phong trào đòi độc lập và dân chủ hoá. Ông viết: “Trách nhiệm tất yếu sẽ do 30 vạn dân Trường Sa gánh vác” (14).
Tháng 6.1920, Mao giới thiệu kế hoạch hồi sinh và tái thiết Hồ Nam với Trần Độc Tú, người được ông kính trọng nhất (15). Trần lúc đó đang sống trong căn nhà gạch nhỏ, kiểu xưa trong một khu phố nhỏ yên tĩnh trong Nhượng địa Pháp; đó cũng là nơi đặt văn phòng ban biên tập của Tân Thanh Niên. Trần phản ứng ra sao thì không biết, nhưng có phần chắc là ông ấy không quan tâm đến dự án ngây thơ này. Nếu không, thì chắc chắn Mao Trạch Đông đã đề cập đến hồi đáp của Trần trong một trong các bài viết của mình. Thay vào đó, Trần cố đun đẩy Mao vào “con đường đúng đắn” của chủ nghĩa Marx. Mao sau này nhớ lại: “Trong chuyến đến Thượng Hải lần hai, tôi đã thảo luận với Trần Công về những cuốn sách mác xít mà tôi đã đọc, và những lời quả quyết của Trần Công về niềm tin của mình đã gây ấn tượng sâu sắc lên một giai đoạn có thể là gay go trong cuộc đời tôi” (16).
Trần Độc Tú đang bận thành lập tiểu tổ Bolsevik đầu tiên ở Trung Quốc. Những người cộng sản xô viết, thành viên của QTCS, đã trực tiếp cung cấp cho ông sự hỗ trợ tài chính và tư tưởng. Được thành lập tháng 3.1919 theo sáng kiến của Lenin, QTCS thống nhất và phối hợp nỗ lực của mọi đảng cách mạng triệt để nào chấp thuận các nguyên lý Bolsevik. QTCS là bản doanh của cách mạng thế giới, là trung tâm ý thức hệ và tổ chức chính của phong trào cộng sản thế giới. Nó cũng là một cơ quan tình báo quyền lực, điều phái nhân viên và kẻ phá hoại đến các nước khác nhau. Có một ban chấp hành (ECCI) với bộ máy thư lại gồm những người cộng sản, cả xô viết lẫn nước ngoài, điều khiển QTCS. Từ bản doanh đặt bên quảng trường Sapozhikovskaya đối diện Điện Kremli, ECCI phái đại diện của mình đến những chốn xa xôi trên Trái Đất, mang theo huấn thị, chỉ thị và quan trọng nhất là tiền bạc và những thứ của cải có giá trị mà những người Bolsevik tịch thu của giới quý tộc và tư sản Nga cũ. Số tiền này tạo ra các tổ chức cộng sản ở châu Âu và châu Á, cả châu Phi và châu Mỹ, mở ra các cơ quan in ấn và trường đảng bí mật, và trả cho những công nhân tham gia bãi công và những nhà cách mạng chuyên nghiệp. Các nhà lãnh đạo Bolsevik như Lenin, Trostky, Zinonev và Stalin không tằn tiện trong chính sách ủng hộ phong trào cộng sản bên ngoài Nga xô viết. Trong những năm đầu của chính quyền xô viết, họ gắn kết mối hy vọng của họ về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga lạc hậu với chiến thắng của cách mạng vô sản trên quy mô thế giới.
Tất nhiên là sự chú ý của họ dồn vào Trung Quốc. Trong những năm nội chiến hoành hành ở Nga, người ta không thể đi từ Moskva đến Trung Quốc. Do vậy, vào mùa xuân năm 1920, một nhóm Bolsevik từ miền Viễn Đông xô viết do Grigorii Voitinsky dẫn đầu được phái đến Trung Quốc. Voitinsky, mà người Trung Quốc gọi là Wu Tinkang, là một thanh niên 27 tuổi, vóc người cao, thông minh, nhiệt huyết với mái tóc xoăn và ngắn, đôi mắt buồn và tư lự. Ông làm người chung quanh ngạc nhiên đến thú vị bằng trí thông minh bẩm sinh, phong cách khéo léo, lịch thiệp và phong độ. Thêm nữa, ông nói thạo tiếng Anh; đây là một ưu điểm lớn, do nhiều trí thức tiến bộ Trung Quốc biết các thứ tiếng phương Tây, nhất là Anh và Pháp, nhưng không biết tiếng Nga. Tiếp xúc với Voitinsky, thực khó hình dung rằng chàng trai duyên dáng này lại là một trong những người tổ chức chính của phong trào cộng sản ở Siberia và miền Viễn Đông Nga, một người Bolsevik kiên định không nương tay đối với kẻ thù cách mạng (17).
Cùng đi với Voitinsky (tên thật là Zarkhin), là bà vợ, cũng là một đảng viên Bolsevik tên Maria Kuznetsova, với bí danh là Nora. Trong đoàn của Voitinsky có một phiên dịch người Trung Quốc tên Yang Mingzhai, nguyên là một công nhân sau trở thành một kế toán, sống ở Vladivostok từ 1901. Các nhân viên QTCS đến Bắc Kinh tháng 4.1920. Họ được giao một nhiệm vụ đặc biệt bí mật: thiết lập các mối quan hệ thường xuyên với các nhà hoạt động tích cực triệt để Trung Quốc để giúp họ thành lập các nhóm cộng sản. Họ có đủ tiền cho hoạt động lật đổ này.
Họ gặp may ngay từ đầu. Thông qua một giảng viên dạy Văn học Nga ở Đại học Bắc Kinh, một người Nga lưu vong tên Sergey A. Polevoi, có cảm tình với Nga xô, Voitinsky đã có thể bắt liên lạc với Lý Đại Chiêu. Phái viên Bolsevik đã giới thiệu với giáo sư Lý một kế hoạch ngoạn mục về việc thành lập một đảng cộng sản ở Trung Quốc. Chỉ có điều là dù toàn tâm toàn ý chấp nhận ý tưởng này, Lý khuyên Voitinsky nên bàn bạc trước hết với Trần Độc Tú. Vốn đã nghe những người Nga lưu vong nói về Trần Độc Tú, Yang Mingzhai cũng đưa ra lời khuyên tương tự với Voitinsky. Mang theo bức thư giới thiệu của Lý Đại Chiêu, bộ ba Voitinsky, Kuznetsova và Yang đến Thượng Hải vào cuối tháng Tư.
Ở Trung Quốc, không chỉ tiền mà cả mối quan hệ cá nhân đều quan trọng. Do vậy, cách tiếp cận của Voitinsky là khéo léo sử dụng Polevoi và Lý Đại Chiêu tỏ ra có hiệu quả. Một nhóm cộng sản xô viết đã có mặt sẵn ở Thượng Hải bắt quan hệ với nhóm Voitinsky để cùng nhau “bồi dưỡng” Trần. Ông này vốn dĩ đã sẵn sàng cho một mối liên minh với Nga xô viết. Họ quyết định dùng tờ Tân Thanh Niên làm diễn đàn truyền bá tư tưởng cộng sản, với mục tiêu tập hợp mọi lực lượng cách mạng triệt để chung quanh tờ báo (18).
Chính lúc đó Mao Trạch Đông ghé thăm Trần. Cuộc trò chuyện làm Mao bối rối, vì dù tin vào Trần, Mao không muốn từ bỏ kế hoạch thống nhất quần chúng nhân dân Hồ Nam ủng hộ việc tuyên bố nền độc lập của tỉnh nhà trên cơ sở tự trị và tiến bộ. Đầu tháng 7, Mao quay về Hồ Nam vẫn trong tâm trạng bối rối.
Mao thai nghén ý tưởng cùng với bạn bè đầu tư thành lập cửa hiệu sách hợp tác xã đầu tiên ở Trung Quốc để phân phối sách báo xã hội và chính trị. Được gọi là Thư Hội Văn hoá, cửa hiệu khai trương trong tháng 9 với mục tiêu bán đủ loại sách, tạp chí, nhật báo có giá trị với giá phải chăng, qua đó sẽ góp phần đáng kể vào nỗ lực khai sáng dân Hồ Nam (19). Sáng kiến thu hút sự chú ý của nhiều nhân vật có tiếng. Đáng chú ý là bảng tên cửa hiệu do chính tay Đàm Diên Khải kẻ, dù chỉ sau khi ông ta bị buộc từ bỏ vào cuối tháng 11.1920 vị thế tỉnh trưởng Hồ Nam (20). Cửa hiệu nằm trong một toà nhà nhỏ hai tầng gồm ba buồng mà Mao và các bạn thuê của Bệnh viện Trung–Mỹ Tương Nhã. Số vốn ban đầu của cửa hiệu chỉ là 519 tệ, nhưng đến cuối tháng 10.1920, Mao và các bạn đã có thể gom được 164 đầu sách, gồm các tác phẩm của Russel, Kropotkin, Darwin, Plato, Hồ Thích, Lịch sử chủ nghĩa xã hội của Kirkup mà Mao rất thích và nhiều cuốn khác (21). Cửa hiệu cũng bán Lời nói đầu của Marx cho bản in lần đầu của Tư Bản được trình bày riêng thành một tập sách và một cuốn sách của nhà báo Shao Piaoping với nhan đề Một khảo sát về nước Nga mới có thể được xem là công trình chi tiết đầu tiên của một tác giả Trung Hoa về lịch sử phong trào cộng sản Nga trong 17 năm qua (22). Cửa hiệu cũng phân phát 45 tạp chí và 3 nhật báo, trong đó có các tạp chí cộng sản được Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu và một vài nhà XHCN khác in: |Tân Thanh Niên, Thế giới Công Nhân, Công Nhân, Làn sóng Công Nhân và Trung Quốc Trẻ. Đến tháng 4.1921, các chi nhánh của Thư Hội Văn Hoá được mở ra ở 7 huyện Hồ Nam, các kiốt được đặt ở 4 cơ sở giáo dục ở Hồ Nam (23).
Cuối tháng 8.1920, dưới tác động của các buổi trò chuyện với Lý và Trần, Mao thành lập hội Nghiên cứu nước Nga ở Trường Sa (24). Vì những lý do sách lược, Jiang Jihuan, một người tự do nổi tiếng, được chọn làm tổng thư ký, nhưng Mao mới thực sự là người điều hành. Hội đề ra những mục tiêu tham vọng: nghiên cứu cá nhân và tập thể đất nước Nga xô viết, thu thập các sách báo có thể tìm được, in các công trình nghiên cứu về đất nước Xô viết, đỡ đầu một lớp đặc biệt dạy tiếng Nga nhằm chuẩn bị cho những người muốn sang Nga đi học. Hội nằm ngay trong địa điểm của cửa hàng sách (25).
Bản thân Mao cũng mơ ước đi Nga. Ở Bắc Kinh, ông đã hỏi dò Lý Đại Chiêu và vài người bạn khác về chuyện này và thậm chí đã theo học một số buổi với giới sư Nga Polevoi (26). Khi ở Thượng Hải, Mao muốn tiếp tục việc học và đã có lúc đi kiếm một người Nga lưu vong thuận dạy tiếng Nga cho ông. Cả một chiến dịch làm việc và học tập ở Nga sôi sục trong đầu Mao theo cách làm của phong trào “cần công kiệm học” được những người vô chính phủ đề xướng ở Pháp (27). Mao chắc chắn nhận được những thông tin về các hoạt động chuẩn bị tích cực cho chuyện này được Trần Độc Tú và Voitinsky thúc đẩy ở Thượng Hải. Tháng 9.1920, Trần và Voitinsky đã tổ chức một Trường Ngoại ngữ cho những thành niên có đầu óc XHCN nào muốn đi học ở Moskva (28). Một tuần một lần, Trần Vương Đạo, người dịch sang tiếng Trung Quốc Tuyên ngôn Cộng sản đã giảng bài về chủ nghĩa Marx cho họ (29). Voitinsky cung cấp cho những người tốt nghiệp ngân quỹ để trả cho chuyến đi Nga của họ.
Tất cả diễn biến trên đã tạo ấn tượng lên Mao, dù ông chưa hoàn toàn sẵn sàng với chủ nghĩa Bolsevik. Mao kính trọng Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú và quan tâm đến quan điểm của họ, nhưng quá khó cho Mao vứt bỏ các ý tưởng tự do và vô chính phủ của mình. Nhằm thúc đẩy công cuộc khai sáng nhân dân để đánh thức sức lực sáng tạo của người Hồ Nam, trong mùa hè và mùa thu 1920, Mao tham gia tổ chức vài hội khác ở cả Hồ Nam và huyện nhà Tương Đàm (30). Ông tiếp tục kêu gọi quyền tự do cho Hồ Nam trong các bài báo được ông cho in trong báo địa phương; ông còn viết thư thỉnh nguyện gửi tỉnh trưởng và nói chuyện trước công chúng. Đầu tháng 10, Mao chủ trì một cuộc mít ting công cộng ở Uỷ ban Giáo dục ở Trường Sa, nơi ông tổ chức cuộc vận động lấy chữ ký cho một thư thỉnh nguyện được ông soạn kêu gọi triệu tập một Đại hội Lập Hiến nhân dân ở Hồ Nam. Thư thỉnh nguyện mang chữ ký của 430 người, bao gồm nhà báo, nhà khoa học và nhà giáo dục, thương nhân và thậm chí cả công nhân (31). Ngày Quốc khánh 10.10, thư được trao cho Đàm Diên Khải trong một cuộc biểu tình quy mô đông cả vạn người (32). Ngày 17.11, trong một cuộc biểu tình đông đảo khác ở Trường Sa, Mao mang theo một biểu ngữ lớn với dòng chữ “Hồ Nam Vĩ đại muôn năm !”.
Nhưng các nỗ lực của Mao dành cho độc lập chẳng đi đến dâu. Các cuộc biểu tình và mít ting đơn độc, cho dù là đông đúc, không dẫn đến cách mạng. Nhiều năm sau, khi hồi tưởng lại chuyện này, Mao ghi nhận với giọng tự mỉa cay đắng: “Đàm Diên Khải bị một tay quân phiệt tên Triệu Hằng Thích tống khỏi Hồ Nam. Tay này lợi dụng phong trào “Hồ Nam độc lập” cho mục đích cá nhân. Hắn giả vờ ủng hộ phong trào, thúc đẩy ý tưởng Hợp chúng quốc tự trị Trung Hoa, nhưng ngay khi vừa tóm được quyền lực, hắn thẳng thừng xoá bỏ phong trào dân chủ” (34).
Nói cho công bằng, ngày 1.1.1922, Triệu Hằng Thích là kẻ quân phiệt duy nhất ở Trung Quốc ban hành hiến pháp cho tỉnh mình; tuy nhiên, như Mao đã ghi nhận một cách chính xác, Triệu làm như vậy chỉ bởi vì ông ta không đủ sức mạnh quân sự để đóng vai trò nhà lãnh đạo quốc gia. Hiến pháp vốn nguỵ trang cho chế độ độc tài quân sự của Triệu chẳng dính dáng gì đến loại quyền lực nhân dân mà Mao cổ xuý. Mao dự đoán: “Tuổi thọ của Hiến pháp tỉnh được hạn chế thấy rõ. Việc thực hiện một liên bang các tỉnh tự trị thậm chí còn kém hiện thực hơn trong bất kỳ trường hợp nào” (35).
Chạm mặt lần đầu với những khó khăn này, nhiều người ủng hộ tích cực Mao bắt đầu rời bỏ phong trào đòi tự trị nhân dân. Những ai lên tiếng hô hào to hơn bất kỳ ai khác giờ thích ngồi nhà hơn. Mọi thứ mà vì chúng Mao khổ nhọc lâu nay giờ đều sụp đổ. Điều khiến Mao ưu phiền hơn cả và góp phần vào cảm nhận hụt hẫng sâu sắc ở ông là sự thờ ơ của dân chúng. Người dân mà Mao trông cậy hoá ra thụ động đến mức Mao mất cả cảm tình. Ông trút hết oán giận của mình trong thư gửi người bạn thời trẻ Hướng Cảnh Dư: “Trong ít tháng vừa qua, tôi đã nhìn thấy rõ ràng người Hồ Nam: đầu óc họ rối rắm chẳng có một ý tưởng hay những kế sách lâu dài. Trong sinh hoạt chính trị, họ u mê và cực kỳ hủ bại, chúng ta có thể nói rằng tuyệt đối chẳng có chút hi vọng nào cho cải cách chính trị” (36).
Chính đây là lúc Mao bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về những gì mà Lý Đại Chiêu và Trần Độc Tú đã nói với ông. Và ông đã quyết định: “Chúng ta chỉ có thể... vạch ra một con đường mới và tạo ra một môi trường mới” (37). Thái Hoà Sâm, người đã học tiếng Pháp tại một trường nam ở Montargis (Pháp), cũng kêu gọi Mao. Dưới tác động của mọi thứ nhìn thấy ở châu Âu, Thái đã trở thành một người Bolsevik cuồng nhiệt. Ông viết thư cho Mao:
“Tôi tin rằng một cuộc cách mạng thế giới đương đại là con đường duy nhất giành lấy thắng lợi. Giờ đây, tôi nhìn thấy rõ rằng chủ nghĩa xã hội là phản ứng trước CNTB. Sứ mạng cơ bản của nó là phá huỷ hệ thống kinh tế tư bản bằng các phương tiện chuyên chính vô sản... Tôi nghĩ rằng các nguyên tắc và phương pháp của CNXH là hoàn toàn có thể được ứng dụng vào công cuộc tái thiết Trung Quốc trong tương lai… Công việc đầu tiên của chúng ta là tổ chức một đảng, một đảng cộng sản, vì lẽ nó là người đề xướng, người soạn chương trình, người tiên phong và bản doanh của phong trào cách mạng” (38).
Cũng đúng vào lúc đó, Trần, Voitinsky và Lý đang nỗ lực xây dựng một đảng như vậy. Tháng 5.1920, Trần và Voitinsky đã thiết lập cái gọi là Văn Phòng Cách mạng, bao gồm 3 người rất gần với Trần. Nó bắt đầu công tác xây dựng các nhóm đảng. Ngày 19.7.1920, một cuộc họp của các đồng chí tích cực nhất diễn ra ở Thượng Hải. Cuộc họp quyết định tổ chức một tổ cộng sản do Trần Độc Tú cầm đầu (40). Ngày 22.8, Liên đoàn Thanh niên XHCN Thượng Hải được thành lập; chẳng lâu sau những tổ chức tương tự xuất hiện ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Vũ Xương và vài thành phố khác. Tháng 10, một nhóm cộng sản ở Bắc Kinh do giáo sư Lý đứng đầu được thành lập. Tháng 11, Liên đoàn Thanh niên XHCN Trung Quốc được chính thức tuyên bố.
Hạt nhân đầu tiên của những người cộng sản Trung Quốc đều là sinh viên, giáo viên trẻ và nhà báo. Không có công nhân và nông dân trong số họ. Người già nhất trong số họ là Trần Độc Tú, vừa 42 tuổi, được đặt biệt danh là “Lão nhân gia”. Người trẻ nhất là sinh viên Bắc Đại 18 tuổi Lưu Nhân Tĩnh biết một ít tiếng Nga. Điều kết hợp họ lại là niềm tin khao khát làm được ở xứ họ bằng bất kỳ cách gì có thể được và càng nhanh càng tốt điều đã diễn ra ở Nga. Tháng 11.1920, Trần bắt đầu in ở Thượng Hải Cộng Sản Đảng, một tạp chí bán hợp pháp, trong đó ông kiên trì truyền bá ý tưởng thành lập một đảng cộng sản. Tạp chí in các văn kiện QTCS cũng như những bài báo đề cập đến viễn cảnh một cuộc cách mạng Bolsevik ở Trung Quốc. Ông cũng bắt đầu in một tạp chí cho công nhân, tờ Lao động Giới. Tạp chí giải thích bằng một ngôn ngữ đơn giản và dễ tiếp thu học thuyết mác xít về tư bản và giá trị thặng dư cho những người ít học.
Mao Trạch Đông cũng hiểu cần xây dựng một “nhóm người kết hợp với nhau bằng một chủ nghĩa” (41). Ông không bao giờ hồ nghi tầm quan trọng của một tổ chức chính trị gắn kết chặt chẽ, nhưng Tân Dân Học Hội vẫn luôn không có hình thù rõ rệt, còn Hiệp hội Sinh viên Hồ Nam đã không còn tồn tại từ lâu. Ông phải khởi đầu lại lần nữa. Mao quyết định tổ chức lại Tân Dân Học Hội theo những đường nét Bolsevik. Ông chia sẻ ý tưởng này với Lã Chương Long, người đã tham gia một nhóm Bolsevik ở Bắc Kinh:
“Chúng ta phải thực sự tạo ra một bầu không khí mới mạnh mẽ... Để tạo ra một bầu không khí như vậy, tất nhiên đòi hỏi một nhóm người công tác cần mẫn và quyết tâm, nhưng hơn tất cả, nó đòi hỏi một “chủ nghĩa” giữ mọi người lại với nhau. Không có một chủ nghĩa, bầu không khí không thể được tạo thành. Tôi nghĩ Học Hội của chúng ta không nên chỉ là một nơi tập hợp mọi người gắn kết với nhau bằng tình cảm... Chủ nghĩa giống như một ngọn cờ: chỉ khi nó được phất lên mọi người mới có gì đó để hy vọng và biết đi theo hướng nào” (42).
Mao đã bắt đầu chấn chỉnh tính chất không hình thù của Hội trong lúc còn ở Thượng Hải tháng 5.1920. Ông triệu tập cuộc họp gồm 12 thành viên của nhóm lúc đó đang có mặt ở Thượng Hải và họ đã chấp thuận những nguyên tắc mới nhắm tăng cường tổ chức. Nhưng không diễn ra một sự bàn luận nào về một chủ nghĩa chung.
Đến lúc này tình hình đã thay đổi hẳn. Mao đã tin vào sự cần thiết vạch một lằn ranh rõ ràng phân biệt những người chỉ nói suôn về một sự thay đổi triệt để với những người sẵn sàng hành động dựa vào niềm tin bằng mọi giá. Ông đã chán ngán tính vô định hình và tính xô bồ. Đến tháng 11.1920, Mao đã nhắm đến chủ nghĩa Bolsevik với cương lĩnh cách mạng XHCN thế giới, như là “chủ nghĩa” cần chọn. Không phải tất cả bạn cũ đều đồng tình với Mao. Tiêu Vũ, người trở về từ Pháp tháng 10.1920, không chấp nhận cương lĩnh Bolsevik. Trong thư gửi Mao, ông lưu ý bằng giọng cay đắng: “Chúng ta không xem là chuyện chấp nhận được việc hy sinh một phần nhân dân để đánh đổi lấy cuộc sống an lạc cho đa số. Tôi cổ xuý một cuộc cách mạng ôn hoà, cuộc cách mạng lấy giáo dục làm công cụ, mưu tìm việc thúc đẩy cuộc sống an lạc chung cho nhân dân và tiến hành những cải cách thông qua trung gian công đoàn và hợp tác xã. Tôi không nghĩ cuộc cách mạng mác xít kiểu Nga là đúng đắn”(44). Nhưng ý Mao đã quyết. Cả chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa tự do đều đã hấp dẫn Mao, nhưng ông chỉ gặt hái nỗi thất vọng. Ông vẫn còn có thể tán thành về nguyên tắc với Tiêu Vũ rằng “mưu tìm cuộc sống an lạc cho tất cả bằng các phương tiện ôn hoà” là một điều tốt, nhưng ông xem tất cả những ý niệm này đều là những mơ ước không tưởng. Ông bày tỏ lập trường của mình như sau: “Quan điểm của tôi về chủ nghĩa tự do tuyệt đối, về chủ nghĩa vô chính phủ, và ngay cả về dân chủ là: những điều này nghe ra rất hay về lý thuyết, nhưng không khả thi trong thực tế”. Ông tự hỏi làm sao người ta có thể dựa vào nỗ lực giáo dục lại những kẻ bóc lột nếu nền giáo dục trong thế giới đương đại nằm trong tay của chính những kẻ tư bản đó? Giai cấp tư sản làm chủ xí nghiệp và ngân hàng, kiểm soát nghị viện, quân đội và cảnh sát. Còn có chỗ cho những người cộng sản không? Không, ông phản bác, “chỉ khi mọi phương tiện khác đều đã bất lực, thì một cuộc cách mạng kiểu Nga... mới là phương sách cuối cùng. Ở đây, không có chuyện một số phương tiện tốt hơn đã bị bác bỏ và rằng chúng tôi chỉ muốn dùng sách lược khủng bố này” (45). Nói cách khác, thà là chủ nghĩa Bolsevik vẫn hơn là một cách tốt hơn ra khỏi tình thế; “từ thiện” chẳng đưa người ta đi đến đâu. Mao kết luận: “Theo ý tôi, Cách mạng Nga và sự việc là những người cộng sản triệt để ở các nước khác nhau ngày càng đông hơn và được tổ chức chặt chẽ hơn mới đúng là dòng chảy tự nhiên của các sự biến” (46).
Việc ông hướng đến chủ nghĩa Bolsevik đã được suy xét. Ông chọn “sách lược khủng bố” do sức ép của hoàn cảnh, sau khi đã hết ảo tưởng về sức sáng tạo của người dân và khả năng tự quản của họ. Đối với chàng thanh niên triệt để, chế độ toàn trị kiểu Bolsevik gắn với việc chối bỏ quyền tự do dân sự, với việc nó hướng đến nền chuyên chính toàn diện của đảng cộng sản, tính chất cuồng tín và không khoan nhượng của nó là giải pháp lô gích cho vấn đề. Nó cũng phù hợp với các nhu cầu hoàn toàn cá nhân: chúng ta có thể nhớ lại rằng trong tâm thức của Mao, “ý chí” và “quyền lực” lấn át mọi thứ ý niệm khác.
Không phải câu chuyện lãng mạn về bình đẳng toàn cầu đã dẫn dụ ông đến với chủ nghĩa Bolsevik. Những thứ thu hút ông chính là lời xưng tụng dành cho bạo lực, là khúc khải hoàn của ý chí và lễ đăng quang của quyền lực. Vậy là cuối cùng Mao đã đưa ra sự chọn lựa của mình. Đó là một lựa chọn phi đạo lý, nhưng có thể hiểu được. Làm sao mà người ta có thể nói đến chủ nghĩa tự do hay dân chủ trong một quốc gia nơi mà xã hội dân sự không tồn tại, nơi mà 390 triệu trong tổng số 400 triệu dân mù chữ, nơi mà dù quyền lực của hoàng đế đã bị xoá bỏ năm 1912, “vẫn còn rất ít công dân thực sự biết chế độ cộng hòa là gì” (47). Đó là một xứ sở nơi chủ nghĩa tư bản tự do vẫn chưa xâm nhập vào mọi khía cạnh của sinh hoạt công, nơi mà mọi cấu trúc kinh tế từng được biết đến trong lịch sử vẫn còn hiện hữu. Đó là một xứ sở hoang dã, gia trưởng. Để đưa một xứ sở như vậy thoát ra khỏi trạng thái đờ đẫn kéo dài của nó, cần phải có loại lực lượng nào ?
Điều đã lôi kéo Mao đến với chủ nghĩa Bolsevik cũng lôi kéo cả những nhà cách mạng Trung Quốc triệt để khác. Bị Cách mạng tháng Mười mê hoặc, họ chộp lấy thử nghiệm Bolsevik mà gần như không có một hiểu biết phê phán nào. Ngay cả những người đã từng đọc các tác phẩm của những nhà sáng lập chủ nghĩa Marx cổ điển và nhờ vậy, có thể phân biệt rõ giữa lý thuyết và thực tiễn của những người Bolsevik một bên, và các khái niệm duy vật của Marx một bên, vẫn có xu hướng nhìn nhận các hành động của những người cộng sản Nga như là “chủ nghĩa Marx” đích thực và kết luận rằng có “những khiếm khuyết” trong chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx. Còn về những lời dạy của chính Marx và Engels, giới trẻ triệt để Trung Quốc nắm lấy một cách dễ dàng nhất các ý tưởng cách mạng triệt để về cuộc đấu tranh giai cấp của công nhân chống tư bản, về cuộc cách mạng xã hội chống tư bản và về chuyên chính vô sản (48). Trong số các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx mà họ quen thuộc, trí thức trẻ Trung Quốc lọc ra Tuyên ngôn Cộng sản, một tác phẩm luận chiến được Marx và Engels viết lúc trẻ. Đây là tác phẩm mang giọng điệu tuyên truyền về chính trị công khai và cực kỳ cuồng nhiệt trong lời kêu gọi hành động cách mạng trực tiếp. Nội dung quá khích của tác phẩm vốn gợi nhớ đến tính triệt để của những người Bolsevik đã quyến rũ giới thí thức trẻ Trung Quốc. Chính Tuyên ngôn đã tăng cường niềm tin của những người Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa cộng sản vào tính chất mác xít đích thực của học thuyết Bolsevik. Tiêu biểu trong chuyện này là các bài giảng của Trần Độc Tú Phê phán chủ nghĩa xã hội được ông in trong Tân Thanh Niên số ra ngày 1.7.1921. Dựa vào rất nhiều trích dẫn từ Tuyên ngôn cũng như từ Phê phán Cương lĩnh Gotha, Trần Độc Tú kết luận: “Chỉ ở Nga bản chất chân chính của học thuyết Marx mới được sống lại và được đặt tên là chủ nghĩa cộng sản... Chỉ mỗi đảng cộng sản Nga mới đúng là mác xít, cả trong lời nói lẫn hành động” (49).
Những người Trung Quốc đi theo những người Bolsevik đồng ý rằng mục tiêu trước mắt của phong trào họ là chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Mười của họ. Họ nghĩ rằng cách mạng vô sản Trung Quốc không chỉ đập tan chế độ cai trị của lực lượng phong kiến, mà còn đặt dấu chấm hết cho sự phát triển của các quan hệ tư bản chủ nghĩa ở nước họ. Nó sẽ nhắm vào các giai cấp bóc lột cũ cũng như các giai cấp bóc lột mới, gồm cả tư sản dân tộc. Đồng thời, nó cũng chống chủ nghĩa đế quốc, nhắm xoá bỏ ảnh hưởng của tư bản nước ngoài ở Trung Hoa. Tất nhiên là kết quả của một cuộc cách mạng như vậy ở Trung Quốc sẽ là việc thiết lập một nền chuyên chính vô sản (50).
Cuối cùng rồi Mao Trạch Đông cũng đi đến những kết luận tương tự. Một khi đã chấp nhận chủ nghĩa Bolsevik thì Mao không còn chút nghi vấn nào. Vào giữa tháng 11.1920, Mao quay lại với việc xây dựng các tiểu tổ bí mật ở Trường Sa. Tháng 10, ông đã nhận được bản quy chế của các Liên đoàn Thanh niên XHCN ở Thượng Hải và Bắc Kinh (51). Do vậy, ông khởi sự tổ chức một hiệp hội y như vậy. Từ đầu năm học, Mao làm việc trong tư cách là hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc Trường Sư Phạm Tỉnh số Một; nhờ vậy, ông có cơ hội gắn bó với những người trẻ([5]).
Người đầu tiên mà Mao nói chuyện liên quan đến “việc tìm đồng chí” để đảm đương công việc thích hợp là Zhang Wenliang, học trò cũ ở trường Tiểu học Xiuye (52). Lúc này, Zhang đã là sinh viên Trường Sư Phạm Tỉnh số Một; hẳn là anh ta đang nối gót thầy. Mao bắt đầu tìm kiếm những người trẻ phù hợp trong số sinh viên Trường Cao đẳng Hồ Nam và Trường Trung học số Một ở Trường Sa (53). Mao hành động thận trọng và cũng khiến Zhang Wenliang làm như vậy. Zhang Whenliang viết trong nhật ký: “Thầy cũng nói [với tôi] về Đoàn Thanh Niên và có nhấn mạnh rằng cần tìm kiếm các đồng chí thực sự và tốt nhất là nên từ từ, đừng vội quá” (54). Đến đầu tháng 12, họ tuyển được hơn 20 người trẻ; chẳng lâu sau, vào ngày 20.1.1921, chi nhánh Hồ Nam của Đoàn Thanh Niên XHCN được chính thức thành lập (55).
Khoảng đầu trong tháng 11.1920, Mao nhận được thư từ Trần Độc Tú khuyên tổ chức một nhóm cộng sản ở Trường Sa, giống như nhóm ở Thượng Hải (56). Đề xuất của Trần đánh thức sự quan tâm không chỉ của Mao, mà cả của Hà Thúc Hành, Peng Huang và một bạn khác của Mao, He Minfan của Trường Trung Học thị xã Chuanshan. Vì lý do an toàn, bọn họ gặp nhau trong một nghĩa trang. Bước đầu tiên đã được thực hiện. Công việc kế tiếp là thuyết phục các thành viên khác của Tân Dân Học Hội chấp nhận chủ nghĩa Bolsevik và qua đó, biến đổi một tổ chức đang tồn tại nhưng chưa xác định lập trường chính trị thành một tổ chức cộng sản.
Trong lúc này, mọi sự diễn ra suôn sẻ, Mao hy vọng sẽ lôi kéo thêm thành viên của hội, ít ra là những người đang ở Trường Sa. Cuộc sống riêng của Mao cũng trở nên tốt hơn. Cuối tháng 9, Mao bắt đầu thăm hỏi Dương Khai Tuệ, con gái của cố giáo sư Dương Xương Tế. Cô đã quay về Trường Sa với mẹ và anh vào tháng 1.1920 sau khi cha qua đời. Di cốt của giáo sư Dương đáng kính được mai táng ở Bản Thương, một thị trấn cách 20 dặm về phía bắc Trường Sa. Sau khi thọ tang trong một quãng thời gian theo tập quán, Khai Tuệ đến Trường Sa để tiếp tục việc học. Lúc đầu, đôi bạn trẻ tỏ ra ngại ngùng, họ đi dạo theo bờ sông cùng với Zhang Wenliang và Đào Nghị. Cô này giờ không còn chút xúc cảm nào đối với Mao. Dù đã có kinh nghiệm với phụ nữ, Mao vẫn mất một thời gian dài để vượt qua nỗi ngại ngùng đối với Khai Tuệ. Họ thường nói chuyện chính trị, thay vì tình yêu. Mao nói với cô về nước Nga xô viết và Cách mạng Bolsevik, và giới thiệu với cô những tri thức cơ bản về chủ nghĩa Marx, dựa theo mức độ hiểu biết của mình. Chịu tác động của Mao, Khai Tuệ tham gia Đoàn Thanh Niên XHCN. Rồi cuối cùng, cảm xúc trong lòng họ đã bộc lộ ra ngoài. Khai Tuệ sau này nhớ lại: “Tôi nhìn thấy trái tim anh và anh nhìn thấy rõ trái tim tôi” (58).
Hiển nhiên họ là cặp đẹp đôi. Nhưng điều gì đã xảy đến với niềm tin ngây thơ của Mao về tình yêu tự do? Mùa đông năm 1920, Mao và Khai Tuệ kết hôn. Cặp đôi này đồng lòng vứt bỏ tất cả những lễ kết hôn truyền thống. Họ lấy nhau không cần đến của hồi môn lẫn kiệu hồng. Họ gạt bỏ tất cả những thứ này vì xem chúng như là thói phàm tục (philistinism) tư sản (60 ).
Cả trước và sau khi kết hôn, Khai Tuệ cực kì ghen tuông mối quan hệ của chồng với Đào Nghị. Theo Khai Tuệ, dường như mối tình lãng mạn cũ vẫn còn (61). Nỗi e sợ của Khai Tuệ tăng lên khi không thấy người chồng yêu trong một thời gian dài. Họ không đủ tiền để thuê một căn phòng riêng, do vậy họ phải sống riêng như trước, chỉ gặp nhau vào những ngày chủ nhật. Chỉ trong dịp trăng mật ở tổng Thiều Sơn kéo dài đúng vài ngày là họ được sống chung với nhau. Họ đến đó vào đầu tháng 2.1921, nhân dịp Tết Nguyên Đán, cùng với các em trai Mao, người em họ Trạch Kiến được cha mẹ Mao nhận làm con gái nuôi năm 1912 (62), em dâu Mao là Vương Thư Lan, vợ Mao Trạch Dân (63). Đến tháng 10.1921, họ mới có thể thuê một căn nhà nhỏ bằng gỗ gồm ba buồng bên bờ ao ở ngoại ô Qingshuitang, ngay bên ngoài cổng phía đông tỉnh thành. Khai Tuệ đưa mẹ mình là Xiang Zhenxi đến sống chung. Phong tục của Trung Quốc là chia sẻ nhà với cha mẹ. Có khi vài thế hệ sống chung dưới một mái nhà (64). Mao có được tiền thuê nhà từ quỹ đảng. Lúc đó, ông đã không chỉ cộng sản hoá Tân Dân Học Hội mà còn mở rộng hoạt động Bolsevik bí mật theo nhiều hướng.
TS LÊ PHỤNG HOÀNG dịch
([1]) 1 dặm vuông tương đương 2,589988km2.
([2]) Năm 1885 chẳng hạn, tỉ lệ giữa người Trung Quốc và người nước ngoài trong Khu Tô giới quốc tế là 35 trên 1; còn trong Nhượng địa Pháp có 25.000 người Trung Quốc và 300 người nước ngoài.
([3]) Tên phổ biến hơn là Bến Thượng Hải.
([4]) Nguyên văn: tilt with windmill. Nghĩa bóng là làm một việc phí công.
([5]) Hệ thống giáo dục Trung Quốc trong những năm 1920 có vài nét riêng biệt độc đáo. Có ba cấp ở bậc tiểu học: sơ, trung và cao. Do vậy, những người tốt nghiệp ở bậc cao nhất trong trường tiểu học có thể trong độ tuổi 16 đến 17.