NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ NGƯỜI PHÓ THƯ KÝ HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ NĂM XƯA

( 28-11-2019 - 04:15 PM ) - Lượt xem: 2027

Lịch sử còn ghi lại, ngày 25-5-1938, Hội Truyền bá quốc ngữ chính thức ra mắt ở Hà Nội, do cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng; hôm ấy, trước đông đảo quần chúng tập trung tại trụ sở Hội quán Hội Thể thao An Nam trên phố Khúc Hạo, ông Phan Thanh, Tổng thư ký Hội đã thay mặt Ban Vận động Trung ương nói về nạn thất học và những mục tiêu, tôn chỉ của Hội.

“Anh cán bộ còn trẻ, bị tra tấn nhiều nên xanh lắm. Bọn mật thám dẫn anh ta ra Cửa Nam để chỉ cho chúng bắt một anh cán bộ khác đã hẹn anh ta gặp nhau ở đây, tức là Quốc Vinh. Bọn mật thám trà trộn vào với mọi người. Không ai nhận ra chúng. Hôm ấy cũng vào buổi sáng và cũng rét lắm. Quốc Vinh vừa đi tới. Chỉ một giây là có thể lộ. Vừa lúc ấy, xe điện ở Hàng Bông chạy xuống. Anh ta kêu: “Bọn mật thám muốn tao khai thì đây này”. Giữa lúc chúng nó không ngờ, anh ta lao vào cái xe điện”...

Đó là một đoạn trong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, dựa theo một câu chuyện ông được nghe từ trước Cách mạng, do một người bạn là Quản Xuân Nam kể lại. Ông Quản Xuân Nam từng là một yếu nhân của Hội Truyền bá quốc ngữ và là một cán bộ lãnh đạo Đoàn thanh niên cứu quốc, đã hy sinh trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp... Nhưng với tôi, ông trước hết là một người bạn, người dẫn dắt cha tôi đến với một hoạt động xã hội đã để dấu ấn quan trọng trong cuộc đời ông: Truyền bá quốc ngữ.

Lịch sử còn ghi lại, ngày 25-5-1938, Hội Truyền bá quốc ngữ chính thức ra mắt ở Hà Nội, do cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng; hôm ấy, trước đông đảo quần chúng tập trung tại trụ sở Hội quán Hội Thể thao An Nam trên phố Khúc Hạo, ông Phan Thanh, Tổng thư ký Hội đã thay mặt Ban Vận động Trung ương nói về nạn thất học và những mục tiêu, tôn chỉ của Hội.

Hồi ký của ông Nguyễn Hữu Đang (ban đầu viết với bút danh Phạm Đình Thái) cũng kể rằng, ông được tin ấy khi đang là một giáo viên trẻ mới ra trường. Ngay cuối tháng ấy, theo giới thiệu của Bí thư Đoàn Thanh niên dân chủ Đào Duy Kỳ, ông đến Hội quán Trí Tri tìm gặp người có tên là Quản Xuân Nam để xin tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ vừa được thành lập. Đến nơi, còn đang đi lớ ngớ ngoài hành lang chưa biết hỏi ai thì ông Đang chợt thấy một người vẻ mặt tươi hớn hở, ôm khệ nệ một bó vở viết đồ sộ, khó nhọc đi về phía mình. Tưởng ông Đang là giáo viên, người đó hất hàm thân mật bảo cùng đi chia vở cho các lớp. Chia xong, ông Đang hỏi ra thì mới biết đấy chính là Quản Xuân Nam, người Phó thư ký Hội...

Đó có lẽ cũng là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất được ông Nguyễn Hữu Đang hồi tưởng lại sau tròn nửa thế kỷ, trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ (1938-1988) mà ông vừa là một chứng nhân, vừa là người có đóng góp không nhỏ, bên cạnh những tên tuổi như Nguyễn Văn Tố, Phan Thanh, Quản Xuân Nam, Vương Kiêm Toàn... 

Và đó cũng là một trong những tư liệu hiếm hoi tôi biết thêm về ông Quản Xuân Nam, không kể một số đoạn nhật ký của cha tôi có nói đến ông. Những đoạn nhật ký ấy khi kỹ càng, chi tiết, khi chỉ sơ qua, nhưng bao giờ cũng đầy vẻ thân ái, với những nhận xét như “một người bạn có tâm huyết”, “cái người sốt sắng, thương người”, “con người đầy tính tốt”... 

Theo nhật ký ngày 20-6-1938 của cha tôi thì chưa đầy một tháng sau lễ ra mắt nói trên, ông Nam đến rủ cha tôi vào Hội. Cha tôi, trước đó từng đi dạy học tư hết ở Hải Phòng lại Thái Nguyên, đã vui vẻ nhận lời. Việc lẽ ra chỉ dừng ở đó, nhưng thế nào mà câu chuyện giữa hai ông lại chuyển sang “việc nước non”. Được lời như cởi tấm lòng, cha tôi tức thì thổ lộ với ông Nam tinh thần quốc gia của mình. Rằng dân ta “dân khí đã kém”, “ưa hòa bình, dật lạc”, nên phải làm sao “thổi vào tinh thần ủy mị của dân chúng những tư tưởng về sức mạnh”. Rằng ông đã “chán với cái thuyết đại đồng”, tất cả mục đích của ông “chỉ gồm trong hai chữ quốc gia (...) làm thế nào cho nó được giải phóng mà thôi”...

Và đây là ý kiến của ông Quản Xuân Nam đáp lại cha tôi: “Nam cười mà cãi rằng: “Anh nói phải trọng sức khỏe: tôi không nói trái anh. Anh nói anh yêu nước, tôi hoàn toàn biểu đồng tình cùng anh; không ai yêu nước bằng tôi, và phần đông người Việt Nam chẳng ít thì nhiều đều có lòng ái quốc cả – đoạn này anh làm cho tôi sướng rơn. – Nhưng phong trào đổi mới rồi, chúng ta không nên và không thể chấp nê được nữa. Anh mưu cuộc độc lập của nước Việt Nam yêu quí của chúng ta bằng cách nào?...”

Sẽ là hơi dài nếu dẫn cả đoạn độc thoại của ông Nam mà cha tôi đã ghi lại trong những trang nhật ký ấy. Trong đó ông có nói đến Tưởng Giới Thạch, người theo chủ nghĩa quốc gia nhưng khi Nhật xâm lược Trung Hoa thì chỉ lo tiễu cộng mà nhãng bỏ việc giữ nước; nói đến ông Léon Blum, thủ lĩnh Đảng Xã hội Pháp, ông này không muốn chia đảng phái sợ làm suy yếu đất nước, vì vậy sẵn sàng rời khỏi chính quyền vì sự đoàn kết quốc gia... Ông còn nói nhiều ý nữa, nhắc đến nhiều nhân vật nữa, tựu trung chỉ biết rằng, cha tôi “dần dần đã theo ý kiến của bạn”, như ông đã kết thúc đoạn nhật ký trước khi ký tên mình bên dưới: Nguyễn Huy Tưởng.

Có thể nhận thấy, qua “khẩu khí” của nhà thuyết giáo, ông Quản Xuân Nam khi ấy đã mang khuynh hướng xã hội rõ rệt (trong khi cha tôi còn đang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia, say mê với chủ thuyết về sức mạnh kiểu “siêu nhân”, “người hùng” của Nietzsche như một số nghiên cứu về ông có nói). Dễ hiểu vì sao ông Nam ngay từ đầu đã đến với công cuộc Truyền bá quốc ngữ, một phong trào do Đảng cộng sản khởi xướng, và về sau trở thành một trong những người lãnh đạo Đoàn thanh niên cứu quốc. Riêng với cha tôi, việc ông sớm tham gia hoạt động Truyền bá quốc ngữ, một sự nghiệp mà ông sẽ phụng sự với tất cả tấm lòng thành, rõ ràng đã có phần tác động không nhỏ của ông Quản Xuân Nam.

Vậy là, chiều ngày 9-9-1938, ngay trong buổi khai giảng khóa đầu tiên của Hội Truyền bá quốc ngữ tại trụ sở Hội Trí Tri, 47 Hàng Quạt, cha tôi đã đến góp một tay, theo đúng nghĩa đen, như ông đã ghi lại: “Tôi cầm tay cho học trò viết, ôi những bàn tay ghẻ lở và bẩn, và ướt át”. Song cảm giác ghê ghê ấy không làm giảm mất ở ông niềm tự hào rằng mình đã tham gia, và nhất là niềm tự hào về bạn mình, một trong những người đề xướng ra công cuộc này: “Tôi tưởng rằng anh Nam, hôm nay, sẽ sung sướng không ai bằng” (nhật ký 10-9-1938). Việc tham gia Truyền bá quốc ngữ không chỉ khiến cha tôi cảm thấy đời mình có ý nghĩa, mà còn giúp xóa đi ở ông thói rụt rè, kích thích lòng say mê, tinh thần hăng hái và ý thức nhập cuộc... Hơn một tháng sau, ông, có thể nói, đã mạnh dạn “xuống đường” cùng anh em đi cổ động cho phong trào. Sáng sớm chủ nhật 16-10-1938, theo hẹn, ông cùng một số người gặp nhau ở một đầu phố nọ, khi trong phố còn lặng yên. Tuổi trẻ, làm việc nghĩa, trí tưởng tượng được kích thích, mọi người coi công việc mình làm không khác nào đi đánh trận. Trước khi xung trận – trước khi chia nhau tản đi các nhà tuyên truyền, vận động, một người hô vang: “Đến chiến trường của mình rồi. Xông vào chiến địa, anh em, và công kích đi!”. Câu pha trò khiến mọi người cười rộ, và cha tôi, ban đầu thường lui sau các bạn, dần dần bạo dạn, cũng có lúc xông pha đi đầu...

Quá trình tham gia Truyền bá quốc ngữ cũng là lúc cha tôi đến với nhiều hoạt động: viết văn, viết báo (công việc mà ông tập tành từ nhiều năm trước đó, nhưng đến giờ xem ra mới thành tựu); tham gia Hướng đạo (bắt đầu từ cuối năm 1940, khi cùng làm nhà Đoan Hải Phòng với Lưu Văn Lợi); tham gia Văn hóa cứu quốc (mà nhiều đồng chí cũng là người cùng hoạt động Truyền bá quốc ngữ)… Song với ông Quản Xuân Nam, ông vẫn luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ, thân tình. Tháng 10 năm 1939, khi chuẩn bị lập gia đình, cha tôi rất lo về việc hôn lễ. Vị hôn thê của ông, cũng chính là thân mẫu tôi, xuất thân từ một gia đình quyền quý, trong khi ông vốn chỉ là một người “áo vải” quê mùa. Đám cưới đương nhiên sẽ rất tốn kém, nhất là so với khả năng của gia đình ông. Cha tôi sau một buổi họp Truyền bá quốc ngữ về, đã rủ ông Quản Xuân Nam đi chơi tâm sự về việc hôn nhân của mình, điều mà ông hầu như không thổ lộ cùng ai. Ông Nam rất lấy làm ái ngại cho bạn, ông khuyên cha tôi nên hết sức giảm thiểu các chi phí, để gia đình sau này bớt phải trả nợ. Lần khác, cha tôi bị khủng hoảng tinh thần – ông vẫn hay bị thế mỗi khi thấy bế tắc. Giữa lúc ông cảm thấy hoang mang nhất thì nhận được thư của ông Nam. Bức thư đã làm cha tôi “quên cả sự đời”, ông lại cảm thấy hứng khởi, “quyết chí làm những công nghiệp vĩ đại” (nhật ký 9-3-1942).

Chữ “vĩ đại” có thể là hơi bốc, nhưng ít nhất thì ba, bốn tháng sau, ông khởi bút viết gần như cùng lúc hai tác phẩm đầu tay: tiểu thuyết Đêm hội Long Trì và kịch Vũ Như Tô, để rồi một năm sau lại viết tiếp tiểu thuyết An Tư… Cũng từ đây, qua công việc viết văn, giao du với các cây bút cùng chí hướng, ông cũng tìm đến với cách mạng như một sự tất yếu. Cha tôi mở rộng quan hệ với các ông Nguyễn Hữu Đang, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nam Cao, Như Phong, Nguyễn Công Mỹ... Mối quan hệ không chỉ bó hẹp trong chuyện văn chương mà ngầm trong đó có các hoạt động tổ chức, tuyên truyền, vận động, gây cơ sở... của Văn hóa cứu quốc.

Về ông Quản Xuân Nam, tôi chưa tìm hiểu được quá trình đến với cách mạng của ông diễn ra như thế nào, và đến thời điểm đó (cuối 1943 đầu 44) ông đã tham gia tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc hay chưa (tổ chức thanh niên này, cũng như Văn hóa cứu quốc, đều là các thành viên của Mặt trận Việt Minh). Các tài liệu thu thập được thì quá sơ sài mà nhật ký của cha tôi cũng không thấy nói gì về những việc này. Nhưng xem ra, ngay trong hoạt động Truyền bá quốc ngữ, ông Nam cũng đã bộc lộ khuynh hướng cấp tiến rõ rệt. Nhật ký đề ngày 10-3-1943 của cha tôi có ghi, mấy hôm trước đó ông có cuộc “hội họp với Quản Xuân Nam. Anh phàn nàn rằng hội Truyền bá quốc ngữ đã biến thành một hội thiện, trong khi anh muốn cho nó một tính cách cách mệnh”. Hơn hai tháng sau, nhằm một ngày thứ bảy, ông Nam làm cơm mời cha tôi và ông Nguyễn Hữu Đang, người lúc này cũng đã là một nhà hoạt động tích cực của phong trào Truyền bá quốc ngữ. Nhật ký hôm ấy của cha tôi có ghi: “Uống rượu say. Phong trào sắp tới lớn lao, định đoạt số phận nước mình. Nghe các anh Nam, Đang bàn định những chương trình cứu nước, mình cũng bồng bột, nhưng lại sợ nguy hiểm và lo cho bản thân” (15-5-1943). Rõ ràng hai ông Quản Xuân Nam và Nguyễn Hữu Đang khi ấy là một cặp bài trùng – “cùng nhau bàn định những chương trình cứu nước” cơ mà, – và thực tế đã là những người đi trước cha tôi trong sự dấn thân.

*

Một năm rưỡi sau...

Bấy giờ, Truyền bá quốc ngữ đã trở thành một phong trào rộng khắp có quy củ. Cha tôi sau một thời gian bị đổi xuống sở Đoan Hải Phòng, lại được điều về Hà Nội. Ở Hải Phòng, ông từng là Trưởng ban Khánh tiết của Hội. Giờ về Hà Nội, ông lại tích cực tham gia phong trào, bên cạnh những người bạn, người đồng chí Nguyễn Hữu Đang, Quản Xuân Nam. Hai ông giữ cương vị gì trong Hội thì tôi không rõ, nhưng theo như nhật ký của cha tôi thì đều là những nhân vật rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hội viên và phong trào. Ngày 23-11-1944, như cha tôi ghi lại, có cuộc họp Đại hội đồng Truyền bá quốc ngữ. Cuộc họp do Quản Xuân Nam trù liệu hết. Sự chuẩn bị có lẽ cũng đã khá bài bản: lên danh sách những người ứng cử hội đồng Trị sự, tổ chức họp trù bị với đại biểu các chi nhánh về dự... Do trong số đại biểu có nhiều thanh niên, mà họ lại là những người muốn có sự thay đổi nên cuộc hội nghị đã diễn ra rất phức tạp, có sự “âm mưu” đánh đổ nhằm vào ai đó. Thế rồi giữa hai ông Nam, Đang – hai “lãnh tụ” – đã có cuộc “xô xát” (những chữ trong ngoặc kép đều là chữ dùng của cha tôi trong nhật ký). Hai người đều có công chúng của mình, cả hai đều lời qua tiếng lại, cả hai khi phát biểu đều được vỗ tay hoan hô và cùng bị la ó, bị suỵt, bị “thổi sáo” từ phía bên này hoặc bên kia... Chuyện xảy ra khi ấy chắc là căng thẳng (hai giờ đêm vẫn còn kiểm phiếu), nhưng xem ra cũng rất dân chủ, hay như cha tôi nói trong nhật ký, tất cả đều do kết quả phiếu bầu quyết định!

Tôi thuật lại chuyện này trong nhật ký của cha mình, một cách vắn tắt thôi, không gì khác hơn là để được nói rằng, hồi ấy sao mà các ông Nam, ông Đang cũng như cha tôi hăng hái thế và cũng hồn nhiên, vô tư thế. Vì việc chung, các ông sẵn sàng đấu tranh quyết liệt với nhau, bất kể quan hệ thân thiết ra sao! Vì việc chung, các ông chả ngại ngần gạt bỏ nhau để chọn lấy người mình cho là xứng đáng. Phải chăng đó chính là biểu hiện của tuổi trẻ – các giáo viên trẻ, những trí thức trẻ… – mà các ông là những người đại diện? Thực tế, sau sự kiện đó, cha tôi đã muốn viết một cuốn tiểu thuyết nhan đề là “Sau đêm Hội nghị” mà nội dung là về thanh niên. Sự liên tưởng khiến tôi nghĩ tới cách dùng người của Bác Hồ gần một năm sau đó, khi Cách mạng tháng Tám thành công: Chúng ta biết rằng, trong Chính phủ Lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập ngay sau lễ Tuyên ngôn độc lập, ông Nguyễn Hữu Đang đã được Người chọn làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên của nhà nước cách mạng non trẻ. Với một người thấu đáo như Bác trong việc dùng người, điều này chắc chắn không phải là sự ngẫu nhiên.

Nhật ký của cha tôi không thấy nói về kết quả bầu ban Trị sự trong cuộc hội nghị hôm đó – phải chăng với ông điều này đâu có quan trọng – song đương nhiên giữa hai “lãnh tụ” phải có một người bị loại. Ai được bầu ai bị loại, theo logic thông thường của ngày hôm nay, giữa họ tất có sự tị hiềm. Rất tiếc ông Quản Xuân Nam sớm qua đời ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nên đã không để lại một ý kiến gì về việc Truyền bá quốc ngữ cũng như về ông Nguyễn Hữu Đang. Song nếu có, tôi dám chắc chỉ có thể là những hồi ức đầy tự hào về sự nghiệp mình đã theo đuổi cũng như về những người đồng chí của mình. Như nhật ký của cha tôi cho biết, nửa tháng sau cuộc hội nghị quyết liệt ấy, ông Nam có nói chuyện với cha tôi về nhà cách mạng Thôi Hiệu, người từng nhiều lần vào tù ra tội, bị mắc trọng bệnh (ho lao) mà vẫn chiến đấu cho xã hội. Rồi hai ngày sau, ông lại kể với cha tôi câu chuyện về người chiến sĩ cách mạng đã lao đầu vào tầu điện để bảo vệ đồng chí của mình khỏi bị lộ trước bọn mật thám đang giăng bẫy, như tôi đã mạn phép dẫn ở đầu bài viết này... Cha tôi, khi đưa chi tiết ấy vào tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, đã đặt nó trong lời giãi bầy của một người mới đến với cách mạng đang hồi tưởng về quá trình giác ngộ cách mạng của mình – một quá trình không hề dễ dàng nếu không muốn nói là đầy vật vã. Chả phải cha tôi trong buổi tìm đường cũng đầy vật vã đó sao! Rất may là ông đã có được một tác động quan trọng hướng ông đến với sự lựa chọn tích cực đầu tiên – tham gia Truyền bá quốc ngữ – và đó chính là nhờ ông Quản Xuân Nam!

Về phần ông Nguyễn Hữu Đang, sau biết bao thăng trầm của cuộc đời, đến khi có dịp nói về sự nghiệp Truyền bá quốc ngữ đầy hào hứng ngày nào, cũng đã có những hồi tưởng thật tốt đẹp về ông Quản Xuân Nam qua hình ảnh mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên và nay xin được dẫn lại: “một người vẻ mặt tươi hớn hở, ôm khệ nệ một bó vở viết đồ sộ” đang “khó nhọc đi”... – tôi xin được thêm, như một sự hình dung của kẻ hậu sinh về những bậc tiền bối của mình – ... trên con đường nhọc nhằn nhưng cũng đầy vinh quang của sự nghiệp dạy cho những người mù chữ biết viết biết đọc!

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác