MAO - CÂU CHUYỆN CÓ THẬT - CHUONG 8
( 16-07-2019 - 11:41 AM ) - Lượt xem: 2172
Đến mùa hè năm 1921 đã có 6 tiểu tổ cộng sản ở Trung Quốc. Bên cạnh các tiểu tổ ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Trường Sa, có thêm các nhóm ở Quảng Châu, Vũ Hán và Tế Nam. Một tiểu tổ rất nhỏ cũng được tổ chức ở Nhật Bản bởi hai thành viên của nhóm Thượng Hải đang theo học ở đó
“Đi theo con đường của người Nga”
Sáng sớm ngày 1.1.1921, hơn 10 người tụ họp trong tầng áp mái một căn nhà nhỏ ở trung tâm thành phố Trường Sa số 56 phố Chaozong, cơ sở của Thư Hội Văn Hoá. Là những thành viên của Tân Dân Học Hội bán hợp pháp, họ gặp nhau theo yêu cầu của hai người đứng đầu là Hà Thúc Hành và Mao Trạch Đông. Trong ba ngày tiếp theo, họ thảo luận các vấn đề cốt yếu: Mục tiêu chung của tổ chức? Các phương sách để đạt được mục tiêu đó? Nên khởi sự làm chuyện gì ngay bây giờ? Cuộc họp do Hà Thúc Hành chủ trì.
Mao Trạch Đông là người đầu tiên phát biểu. Mao nói rằng:
“một số thành viên đề nghị tổ chức một đảng cộng sản, trong lúc số khác muốn vận dụng triết lý học–hành và cải đổi giáo dục... Ngày nay có hai trường phái tư tưởng ở Trung Quốc về việc làm cách nào giải quyết các vấn đề của xã hội. Một cổ vũ theo cách cải đổi, trong lúc trường phái kia muốn cải lương. Trường phái đầu là của Trần Độc Tú và những người khác, trường phái sau là của Lương Khải Siêu, Trương Đông Tôn [người ủng hộ Lương Khải Siêu] và những người khác” (1).
Cuộc thảo luận về các vấn đề làm phát sinh những cuộc tranh luận sôi nổi. Mọi người đều hiểu rằng cương lĩnh chính trị tương lai của tổ chức tuỳ thuộc vào lá phiếu của đa số. Vấn đề chính là có chấp nhận chủ nghĩa Bolsevik hay không. Toàn bộ buổi sáng đầu tiên là được dành cho cuộc thảo luận những vấn đề chung, và cuộc họp không bao giờ đi thẳng đến vấn đề cốt lõi. Đến 11.30 sáng, cuộc họp kết thúc; những cuộc tranh luận chính được chuyển sang ngày kế tiếp. Lúc 9.00 sáng ngày 2.1, mọi người đều có mặt, kể cả một ít người nghe nói đến cuộc thảo luận lý thú. 18 người tập họp trong phòng. Hà Thúc Hành vẫn chủ trì.
Đa số đã bỏ phiếu cho công việc được xếp vào hàng đầu: đó là duy trì tôn chỉ trước đây của mục tiêu chung được xác định là “cải đổi Trung Quốc và toàn thế giới”. Rồi họ chuyển sang đề mục kế tiếp. Một lần nữa Mao là người phát biểu đầu tiên. Ông nhắc cho mọi người rằng ngoài giải pháp lêninnít, cách mạng, còn có những phương sách khác xử lí các vấn đề xã hội bao gồm “chính sách xã hội”, “dân chủ xã hội”, “kiểu chủ nghĩa cộng sản ôn hoà” (học thuyết của Russel) và “chủ nghĩa vô chính phủ”. Rồi ông đề nghị mỗi người tuần tự lên tiếng theo vòng tròn. Hà Thúc Hành bắt đầu: “Tôi cổ xuý chủ nghĩa triệt để. Một thời khắc biến động có giá trị tương đương 20 năm giáo dục”. Mao liền ủng hộ người đồng chí lớn tuổi:
“Chính sách xã hội hoàn toàn không phải là phương pháp, vì tất cả những gì nó làm là vá víu một số lổ rò. Dân chủ xã hội viện đến nghị viên như là công cụ cải đổi sự việc, nhưng trong thực tế luật được nghị viện thông qua luôn bảo vệ giai cấp hữu sản. Chủ nghĩa vô chính phủ bác bỏ mọi quyền lực, và tôi e rằng một học thuyết như vậy không bao giờ có thể được thực hiện. Kiểu thức ôn hoà của chủ nghĩa cộng sản chẳng hạn như kiểu tự do tuyệt đối mà Russel cổ vũ, cứ để chủ nghĩa tư bản vận hành hoang dã, và do vậy sẽ không bao giờ vận hành được. Kiểu thức triệt để của chủ nghĩa cộng sản, hay hệ ý thức của công nhân và nông dân dùng các phương pháp của chuyên chính vô sản, có thể trông mong đạt được kết quả. Do vậy, đây là phương pháp tốt nhất để chúng ta sử dụng”.
Hầu hết những người có mặt đều đồng tình rằng phương án chủ nghĩa xã hội của Nga nên được thông qua, vì “ở Trung Quốc, xã hội [thì] vô cảm, còn bản chất con người thì thoái hoá... Xã hội Trung Quốc thiếu tổ chức và huấn luyện”. Những người trẻ triệt để Hồ Nam ủng hộ tôn chỉ cực đoan: “Nếu người dân không đủ sức làm cho họ hạnh phúc, chúng ta hãy lôi họ đến chỗ hạnh phúc bằng một bàn tay sắt”. Cuối cùng, 12 trong tổng số 18 người có mặt bầu chọn chủ nghĩa Bolsevik (2).
Mao có lý do để ăn mừng. Ông đã đóng vai trò chủ chốt trong quá trình sáng lập một tổ chức cộng sản ở Hồ Nam, nhưng như vẫn thường xảy đến với nhiều người, ngay sau thành công này, ông rơi vào trạng thái chán nản. Dường như thần kinh ông bị suy sụp do tình trạng căng thẳng trong ít ngày trước. Trước đây, ông có thói quen tự phân tích, và giờ ông sa xuống đáy tuyệt vọng. Trong thư gửi Peng Huang, ông viết rằng ở thời điểm tệ hại này, ông phát hiện 7 “khiếm khuyết” trong con người mình, mà ông cho là sẽ cản trở ông trở thành một con người thực sự phi thường, một nhà lãnh đạo vĩ đại, vốn là điều ông luôn khao khát. Đây là những “khiếm khuyết” của ông: 1) quá xúc cảm, luôn bị cảm tính chi phối; 2) thiên về phán đoán chủ quan; 3) phần nào phù phiếm; 4) quá tự phụ; 5) hiếm khi tự phán xét, quá nhanh oán trách người khác và không sẵn lòng nhìn nhận những sai sót của mình; 6) khoẻ ăn nói kiểu đao to búa lớn, nhưng kém trong phân tích có hệ thống; 7) đánh giá mình quá cao và quá dễ dãi trong việc tự đề cao mình; 8) “ý chí yếu” (3). Ông đặc biệt cảm thấy xấu hổ khi thú nhận “khiếm khuyết sau cùng là rất lớn”, vì ông rất nỗ lực rèn luyện một ý chí sắt đá. Mao kết luận trong thư gửi người bạn lâu năm với một câu bộc bạch thẳng thắn rằng động lực của ông là sự việc “tôi không muốn hy sinh cái tôi đích thực của mình, tôi không muốn tự tôi biến chính tôi thành một con bù nhìn” (4). Thái độ rụt rè của Mao trôi qua nhanh cũng như khi nó đến. Mao không bao giờ hồ nghi lần nữa quyền vươn đến quyền lực của mình. Điều đáng ngạc nhiên duy nhất là bức thư vẫn còn nguyên.
Đến mùa hè năm 1921 đã có 6 tiểu tổ cộng sản ở Trung Quốc. Bên cạnh các tiểu tổ ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Trường Sa, có thêm các nhóm ở Quảng Châu, Vũ Hán và Tế Nam. Một tiểu tổ rất nhỏ cũng được tổ chức ở Nhật Bản bởi hai thành viên của nhóm Thượng Hải đang theo học ở đó. Trần Độc Tú cho lưu hành một bức thư gửi tất cả các tổ chức này nhằm sắp đặt “một nghị trình cho một hội nghị [thống nhất] cũng như thời gian và địa điểm”. Thượng Hải được chọn làm địa điểm cho đại hội thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc.
Ngày 3.6.1921, một đại diện mới của QTCS đến Trung Quốc. Maring (đó là tên giả được sử dụng trong kho lưu trữ ECCI) là một người Hà Lan gốc Do Thái đến từ Rotterdam và là một trong những nhà hoạt động kỳ cựu nhất của các phong trào xã hội dân chủ và cộng sản Hà Lan. Maring 38 tuổi, hay Mã Lâm theo cách người Trung Quốc gọi ông, được biết dưới nhiều cái tên khác nhau đã đến Thượng Hải dưới cái tên Ô. Anderson. Tên thật của ông là Sneevliet–Mendricus Josephus Franciscus Marie Sneevliet. Không như Voitinsky vốn đã rời Trung Quốc vào khoảng thời gian này, phái viên mới của ECCI không được đánh giá nhờ khéo ứng xử. Ông biết giá trị của mình là đặc vụ của Moskva; ông có thể đi lại trong hành lang điện Kremli với Lenin, Trotsky và Zinoviev. Ông đã tự chứng tỏ mình là một nhà tổ chức lao động xuất chúng không chỉ ở Hà Lan, mà cả ở Java, ở Đông Ấn thuộc Hà Lan trong những năm 1913–1918. Ở đó, ông đã hoạt động tích cực trong những giai đoạn ban đầu của đấu tranh giải phóng dân tộc Indonesia. Chính kinh nghiệm này đã khiến các nhà lãnh đạo QTCS chú ý đến ông. Khi Maring đến Moskva tháng 6.1920, ông đã được chào mời đến các văn phòng quan trọng trong điện Kremlin, và ở Đại hội II QTCS trong tháng 7 – 8.1920, Maring đã phục vụ như là thư ký của Uỷ hội về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Ông cũng được bầu chọn làm thành viên ECCI, cơ quan lãnh đạo QTCS và dễ dàng qua mặt Voitinsky.
Maring không được nhiều người cộng sản TQ thích do ông không được lịch sự. Trong bộ âu phục gồm ba chiếc và nơ thắt, quý ông thanh lịch và có phần phô trương Maring hiện ra trong mắt người Trung Quốc qua bộ dạng của những tay thực dân xấc xược mà chính ông đang đấu tranh chống lai. Chí ít ra thì đó là ấn tượng mà chính ông đã tạo ra ở Trương Quốc Đào ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa họ. Ông này đánh giá “tay dương quỷ” này là “hung hăng và khó chơi... Ông ta tự coi mình như một thiên thần giáng thế giúp giải phóng người dân châu Á. Nhưng... ông ta dường như được phú cho thói tự tôn xã hội của người da trắng” (6).
Vladimir Neiman (tự là Vasilii Berg), một phái viên xô viết khác, được biết đến ở Trung Quốc dưới cái tên Nikolsky từ Irkutsk đến Thượng Hải cùng với vợ trong tư cách là một nhân viên của Ban thư ký Viễn Đông ECCI, cơ quan vùng đặc biệt của QTCS được thành lập tháng 1.1921. Tuy nhiên, Trần Độc Tú không có mặt ở Thượng Hải. Tháng 12.1920, ông đã nhận lời mời của Trần Quýnh Minh, tay quân phiệt miền Nam, người đã chiếm quyền ở Quảng Châu hai tháng trước, đến Quảng Châu làm chủ tịch Uỷ Ban Giáo dục tỉnh Quảng Đông. Vì những lý do sách lược, Trần Quýnh Minh đã nguỵ trang như là người tự do và phát thệ trung thành với dân chủ. Ông ta đánh lừa được không chỉ Trần, mà cả Tôn Dật Tiên, người đã quay về Trung Quốc sau hơn hai năm rưỡi sống lưu vong ở Nhật Bản, mãi đến khi Viên Thế Khải chết tháng 6.1916. Tôn đến sống ở Quảng Châu. Trong lúc đó, vị tổng thống mới là Lý Nguyên Hồng, người lúc đầu cố phục hồi hiến pháp mà người tiền nhiệm đã chà đạp lên, cuối cùng cũng giải tán nghị viện, dưới sức ép của đám quân phiệt Bắc Dương. Tháng 6.1917, bực tức trước cách hành xử của tổng thống, các đại biểu đã khởi sự tề tựu ở Quảng Châu, nơi họ tập hợp chung quanh Tôn Dật Tiên và dựng lại nghị viện trong tháng 9.1917. Một quyền lực chính thức ra đời trong nước. (Trong thực tế, như chúng ta đã biết, tình hình phức tạp hơn rất nhiều. Trung Quốc phân rã, và mỗi tay quân phiệt địa phương tự xem mình là độc lập trong thực tế). Ngày 3.10.1917, Tôn được chọn làm đại tướng soái của Nam Trung Hoa. Nhưng lần này cũng vậy, do không có một đạo quân của riêng mình, ông sớm bị buộc phải rút về Thượng Hải theo đòi hỏi của một tay quân phiệt khác. Ông ở lại đây cho đến tháng 11.1920, khi Trần Quýnh Minh, một thành viên trong đảng của Tôn, vừa nắm quyền lực ở Quảng Châu vào cuối tháng 10, đã mời viên đại tướng soái không may trở lại. Ngày 7.11.1921, Tôn được tuyên bố tổng thống toàn quyền của Trung Hoa Dân Quốc. Trong thực tế, ông chỉ kiểm soát được Quảng Châu và vùng phụ cận. Tự tuyên bố là nhà cách mạng, Trần Quýnh Minh đã khéo đánh lừa cả các nhân viên nổi tiếng khôn ngoan khắp thế giới của QTCS, kể cả Voitinsky (8). (Không đầy một năm rưỡi trôi qua trước khi Trần Quýnh Minh nổi loạn chống lại Tôn Dật Tiên không may vào tháng 6.1922, buộc ông tháo chạy một lần nữa lên Thượng Hải hai tháng sau đó).
Tuy nhiên, vào lúc này, dường như một thời đại mới đã ló dạng ở Quảng Châu, đó là lý do tại sao Trần Độc Tú đã nhận lời mời của Trần Quýnh Minh phục vụ trong chính quyền của ông ta. Theo một đề nghị của các đại diện ECCI, đại hội thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc được triệu tập mà không cần sự có mặt của Trần. Lý Đại Chiêu do quá bận rộn với công việc ở Bắc Đại, cũng không thể đến Thượng Hải, nhưng ngay cả điều này cũng chẳng làm Maring và Nikolsky bận tâm. Tháng 6.1921, Lý Đạt, một thành viên trong tiểu tổ cộng sản ở Thượng Hải, đã thay mặt Trần Độc Tú gửi thông tri đến tất cả các tổ chức cộng sản trong khắp cả nước mời họ cử mỗi tổ hai đại diện đến dự đại hội ở Thượng Hải (9). Không lâu sau đó, ngày 9.7, Maring gửi điện văn bí mật đến Moskva: “Tôi hy vọng rằng hội nghị mà chúng tôi dự tính triệu tập vào cuối tháng 7 sẽ tỏ ra rất có ích cho công tác của chúng tôi. Các nhóm nhỏ các đồng chí sẽ được thống nhất. Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu công tác tập trung hoá” (10). Đến ngày 23.7, mọi việc đã sẵn sàng. 12 đại biểu, từng cặp hai người đến từ Thượng Hải, Bắc Kinh, Vũ Hán, Trường Sa và Tế Nam, một đến từ Quảng Châu và một từ Nhật Bản, đã tề tựu. Trong số họ có Mao Trạch Đông và Hà Rậm Râu.
Mao và Hà rời Trường Sa trên một con tàu hơi nước vào tối ngày 29.6 và đến Thượng Hải một tuần sau. Họ được người liên lạc của Thượng Hải tiếp đón. Bà là vợ của Lý Đạt tên là Wang Huiwu được giao việc thu xếp cho các đại biểu. Bà đưa các đại biểu đến một ký túc xá trống của Trường Trung học nữ Bowen trong Nhượng địa Pháp. Bà Huang Shaolan, hiệu trưởng là người quen của bà. Bà Huang không nghi ngờ gì và vui vẻ vì có thêm một khoản thu nhập ngoài lương. Wang Huiwu nói với bà rằng một nhóm giáo sư và sinh viên có mặt ở trung tâm thành phố để dự hội thảo học thuật cần một chổ nghỉ tạm. Các vị khách “giáo sư và sinh viên” phải ngủ trên sàn nhà vì không có giường trong ký túc xá (11).
15 người tham dự Đại hội khai mạc ngày 23.7 trong một phòng khác của ký túc xá (1). Ngoài 12 đại biểu, Maring và Nikolsky có mặt cùng với Bao Huệ Tăng, đại diện đặc biệt của Trần Độc Tú. Hai ngày sau khi khai mạc, đại hội phải chuyển đến căn nhà gần đó của Lý Hán Tuấn, một trong số các đại biểu. Maring chọn chỗ này vì lý do an ninh. Lý Hán Tuấn là em của Lý Thự Thanh, một trong những người giàu nhất Thượng Hải. Gia đình họ Lý có hai nhà riêng liền kề nhau trong khu Nhượng địa Pháp. Các phiên họp của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục ở số 106 Vọng Chí Lộ (cũng là số 3 đường Shudelu)([1]). Maring hy vọng bọn mật vụ sẽ không chõ mũi vào địa điểm này. Nhà của Lý Hán Tuấn giờ trở thành Viện Bảo Tàng Đại hội I ĐCSTQ.
Vào cuối tháng 7.1921, viễn cảnh cho một hoạt động mau chóng nắm quyền lực ở Trung Quốc là bằng không. Vào thời điểm đó chỉ có 53 người trong hàng ngũ ĐCSTQ (13). Những người tập hợp trong nhà Lý Hán Tuấn chỉ có thể mường tượng một cách lờ mờ các đường nét của những trận chiến đẫm máu cho một cuộc cách mạng XHCN. Trương Quốc Đào, một đại biểu đến từ Bắc Kinh mà chúng ta đã làm quen, được chọn làm người chủ trì đại hội (14). Mao Trạch Đông và Chu Phật Hải đến từ Nhật Bản được yêu cầu làm thư ký. Bận bịu với công việc nghi thức, Mao không phát biểu nhiều. Ông chỉ lên tiếng một lần khi đọc báo cáo về nhóm Bolsevik ở Trường Sa. Theo hồi ức của Trương Quốc Đào, Mao có “gương mặt tai tái”, nhưng tỏ ra “có tính khí đáng yêu... Trong chiếc áo dài bằng vải nội hoá, ông trông giống một đạo sĩ đến từ một làng quê. Vốn kiến thức tổng quát của ông là đáng kể... Là một người giỏi ăn nói, Mao thích lập luận, và trong lúc trò chuyện, ông khoái dùng ngôn từ giăng bẫy đối phương để họ vô tình bộc lộ sự mâu thuẫn với chính mình. Khi đó, Mao phá lên cười với vẻ thích thú ra mặt” (15).
Trương Quốc Đào, cùng với Lý Hán Tuấn, Bao Huệ Tăng và Lưu Nhân Tĩnh tỏ ra cuồng nhiệt nhất. Đa số đại hội, với trường hợp ngoại lệ là chủ nhà, đã mạnh mẽ ủng hộ chuyên chính vô sản như là nguyên lý của đức tin mới của họ. Là người vốn rất quen thuộc với lý thuyết kinh tế của Marx, Lý Hán Tuấn dè dặt can gián không nên cố thúc ép một cuộc cách mạng XHCN ở một nước lạc hậu. Nhưng ông nhanh chóng bị áp đảo bởi số đông. “Luồng khí trong lành” của chủ nghĩa Bolsevik toát ra từ các văn kiện đại hội được một uỷ ban soạn thảo chuẩn bị. Các nguyên tắc có tính chất cương lĩnh của ĐCSTQ được xác định như sau:
- Lật đổ giai cấp tư sản bằng đạo quân cách mạng của giai cấp vô sản, tái tạo quốc gia từ giai cấp cần lao, cho đến khi những khác biệt giai cấp được xoá bỏ;
- Chấp nhận chuyên chính vô sản nhằm hoàn thành mục đích của đấu tranh giai cấp – xoá bỏ giai cấp;
- Lật đổ chế độ tư hữu tư bản, tịch thu mọi phương tiện sản xuất, như là máy móc, đất đai, nhà cửa, các sản phẩm sơ chế... và giao phó chúng cho sở hữu xã hội;
- Đoàn kết với QTCS (11).
Đường lối trên cũng xác định đường hướng sách lược được phê chuẩn ở đại hội: “Đảng ta, bằng việc chấp nhận chính thể xô viết, tổ chức những người lao động công nghiệp và nông nghiệp và binh lính, truyền bá chủ nghĩa cộng sản, và công nhận cách mạng xã hội là chính sách chính của chúng ta, tuyệt đối cắt đứt mọi quan hệ với giai cấp trí thức vàng và những đảng như vậy” (17).
Luận điểm sau cùng được phát biểu thêm trong “Quyết định về các mục tiêu của ĐCSTQ”:
“Đối với các đảng chính trị hiện hữu, nên giữ một thái độ độc lập, đối kháng và tách biệt. Trong cuộc đấu tranh chính trị chống chủ nghĩa quân phiệt và chế độ quan liêu, đòi quyền tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, khi chúng ta tuyên bố thái độ của chúng ta, đảng ta phải đứng trên lập trường nhân danh giai cấp vô sản, và không cho phép một mối quan hệ nào với các đảng và phe nhóm khác” (18).
Các đảng viên ĐCSTQ cũng chấp thuận lập trường này đối với những người cách mạng dân tộc Trung Quốc do Tôn Dật Tiên cầm đầu. Các đại biểu dự đại hội nhấn mạnh rằng chính phủ Tôn ở Quảng Châu không tốt hơn chính phủ của đám quân phiệt Bắc Dương (19), bất chấp sự việc là Trần Độc Tú là một trong các bộ trưởng ở Quảng Châu. Thái độ cả quyết với “tính thuần tuý cách mạng” vừa nêu cho thấy những người triệt để cánh tả Trung Quốc này vốn vừa chính thức cắt đứt với chủ nghĩa tự do mong muốn làm rõ biết bao sự cách biệt về tư tưởng và tổ chức của họ.
Ngay cả Maring và Nikolsky cũng chếnh choáng với nhiệt tình cách mạng. Maring nói về hoạt động của ông ở Java, trong đó có việc thúc đẩy sự hợp tác giữa Hiệp hội Dân chủ Xã hội của Đông Ấn thuộc Hà Lan và những người dân tộc bản xứ (20). Ông giải thích rằng có nhiều loại nhà hoạt động dân chủ khác nhau, và để củng cố quan điểm của mình, ông dẫn ra các nghị quyết cơ bản về những vấn đề dân tộc và thuộc địa được thông qua ở Đại hội II QTCS một năm trước (21). Cho đến cuối tháng 11.1919, Lenin và những nhà lãnh đạo cách mạng khác ở Moskva cho rằng nỗ lực truyền bá học thuyết Bolsevik qua khỏi biên giới phía đông của Nga xô viết đối mặt với những trở ngại lớn lao. Ngoại trừ số ít các nhà triệt để cánh tả, dường như không ai ở phương Đông nhiệt tình đón nhận chủ nghĩa Bolsevik. Hầu hết trí thức đều gắn bó với các quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Các tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc, chứ không phải ý niệm trừu tượng của chủ nghĩa quốc tế được QTCS ủng hộ, được khối đông quần chúng đón nhận dễ dàng hơn nhiều.
Đến mùa hè 1920, Lenin hiểu ra rằng những sách lược “thuần” Bolsevik nhắm chuẩn bị cách mạng XHCN không thể thành công ở phương Đông. Điều này buộc những người cộng sản Nga xem xét làm sao để học thuyết của họ phù hợp với những nước còn lạc hậu về mặt công nghiệp hơn cả nước Nga, hay với những nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Họ bắt đầu xem xét cách mạng XHCN thế giới không chỉ, hay không hoàn toàn, như là cuộc đấu tranh “của vô sản cách mạng ở mọi nước chống giai cấp tư sản nước mình”, mà đúng hơn là cuộc đấu tranh “của mọi dân tộc bị áp bức ở mọi xứ thuộc địa, đất nước và lãnh thổ phụ thuộc chống chủ nghĩa đế quốc thế giới” (22). Suy nghĩ này được đưa vào đường lối mới của QTCS ở Trung Quốc trên cơ sở các học thuyết cách mạng chống thực dân được Lenin nêu ra trong năm 1920.
Lenin chủ yếu lập luận rằng tiền đề cho công cuộc giải phóng quần chúng lao động – hầu hết là nông dân – ở các xứ thuộc địa và nửa thuộc địa lạc hậu về công nghiệp là lật đổ ách thống trị đế quốc của ngoại bang ở các xứ này. Do vậy, các cuộc cách mạng ở phương Đông, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ là, xét về bản chất, dân tộc chủ nghĩa, chứ không phải XHCN. Nhằm tranh thủ sự ủng hộ đáng kể của người dân, những người cộng sản bản xứ sẽ phải ủng hộ phong trào giải phóng mang tính chất tư sản ở các xứ thuộc địa và phụ thuộc. Bằng cách tham gia vào những phong trào dân chủ này thay vì tự cô lập mình, những người cộng sản sẽ đảm trách quyền lãnh đạo quần chúng, và biến cải các phong trào dân tộc chủ nghĩa thành những cuộc cách mạng kiểu mới bằng cách tuyên truyền ý tưởng các xô viết của nông dân và các xô viết của người lao động bị bóc lột. Nơi nào điều kiện cho phép, họ sẽ tìm cách thiết lập xô viết nhân dân lao động.
Phát biểu tại Đại hội II QTCS năm 1920, Lenin nhấn mạnh tính chất tạm thời và thuần sách lược của đường lối mới. Ông khẳng quyết rằng những người cộng sản chỉ mang đến sự ủng hộ cho những nhà hoạt động cách mạng dân tộc chủ nghĩa chân chính. Những người như vậy sẽ cho phép những người cộng sản giáo dục và tổ chức khối đông quần chúng rộng rãi theo một tinh thần cách mạng hơn, nghĩa là cộng sản. Họ cũng sẽ ủng hộ cuộc đấu tranh của những người cộng sản chống địa chủ và mọi biểu hiện của chế độ phong kiến. Lenin nhất mực đòi gìn giữ vị thế độc lập về mặt tổ chức của phong trào vô sản, ngay cả trong hình thức sơ khai của nó. Ông nói thêm rằng nếu “những người dân chủ tư sản” cản trở công tác tổ chức của những người cộng sản thì những người cộng sản sẽ phải đấu tranh chống họ (23). Nói thẳng ra, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ ủng hộ những nhà hoạt động cách mạng dân tộc, chỉ khi nào họ không cản trở chúng ta dấn bước trên con đường tổ chức quần chúng đấu tranh chống chính những nhà hoạt động cách mạng dân tộc đó. Gắn kết với quan niệm này là ý tưởng rằng thắng lợi của cách mạng chống thực dân ở các nước phương Đông sẽ đẩy họ chuyển sang một thứ con đường phát triển “phi tư bản chủ nghĩa”.
Maring cố gắng chuyển tải toàn bộ kiểu lập luận rất khó nắm bắt này đến các đại biểu; ông nhấn mạnh rằng chính sách của những người Bolsevik ở Trung Quốc phải linh hoạt, nhưng những lời lẽ của ông chẳng tạo ấn tượng lên họ. Họ thấy vô cùng khó hiểu nhu cầu thấu hiểu cùng lúc lý thuyết về đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản và quan niệm về hợp tác chống đế quốc. Họ cũng không thể ngộ ra rằng toàn bộ chủ nghĩa Bolsevik được xây dựng dựa trên sự dối trá. Vào lúc này, “quyền trí trá” được những người xưng tụng chủ nghĩa Lenin rao giảng làm họ bối rối. Họ đến với chủ nghĩa cộng sản chủ yếu bởi dáng vẻ cách mạng, tính lãng mạn của đấu tranh giai cấp và tư tưởng bình quân của nó.
Những người tham gia đại hội đã sẵn sàng cho công tác tổng kết, thì bất ngờ vào tối ngày 30.7, có một người đàn ông trung niên mặc áo khoác dài màu đen nhìn vào phòng nơi họ đang họp. Được yêu cầu cho biết danh tính, người khách lạ lầm bầm gì đó về chuyện đang đi tìm giám đốc một nhà xuất bản, một ông Vương nào đó (Vương là một họ phổ biến ở Trung Quốc, chẳng khác gì tên Smith ở Mỹ). Ông ta bỏ đi ngay, nhưng Maring tỏ ra rất lo lắng và ra lệnh giải tán ngay. Chỉ chủ nhà và người bạn Trần Công Bác, đại biểu đến từ Quảng Châu, ở lại. Không đầy 15 phút sau, cảnh sát Pháp ập vào nhà. “Ai là chủ nhà?”, viên thanh tra hỏi bằng tiếng Pháp. “Tôi đây”, Lý Hán Tuấn, người khá rành tiếng Pháp, trả lời.
“Ai đang họp ở nhà ông vậy?”.
“Chẳng có cuộc họp nào”, Lý phủ nhận. “Một vài giáo sư đến từ Đại học Bắc Kinh đang bàn kế hoạch của nhà xuất bản Thời đại mới” (Quả thực có một nhà xuất bản như vậy đã tồn tại từ tháng 6.1921; nó có giấy phép và về mặt chính thức không có quan hệ với những người cộng sản, dù nó được QTCS bí mật tài trợ).
“Tại sao có quá nhiều sách trong phòng?”
“Tôi là giáo viên. Tôi cần sách để làm việc”.
“Tại sao ông có quá nhiều sách về CNXH?”.
“Tôi còn là biên tập viên. Tôi phải đọc mọi thứ họ gửi đến”.
“Có hai người nước ngoài ở đây. Họ đâu rồi?”.
“Hai người Anh, giáo sư trường Bắc Đại. Họ đến đây nghỉ hè và ghé vào trò chuyện”.
Rồi viên thanh tra hỏi Trần Công Bác bằng tiếng Anh. Trần không biết tiếng Pháp.
“Ông là người Nhật”, ông ta hỏi không biết vì lý do gì.
“Không”, Trần đáp. “Tôi đến từ Quảng Đông”.
“Tại sao ông đến Thượng Hải ?”.
“Tôi là giáo sư Học viện Pháp lý Quảng Đông. Đây là kỳ nghỉ hè của tôi, tôi đến Thượng Hải để nghỉ ngơi”.
“Ông đang lưu ngụ ở đâu?”.
“Ở đây”.
Ở lại quanh quẩn thêm một lát, cảnh sát lục soát nhà, nhưng rõ ràng là họ không có chủ ý làm việc này, vì không tìm thấy gì. May cho Lý Hán Tuấn và Trần Công Bác. Trong hộc tủ bàn làm việc trong phòng ngủ của Lý Hán Tuấn có bản thảo “Cương lĩnh của ĐCSTQ”.
Khuya đó những người âm mưu tề tựu ở nhà Trần Độc Tú, nơi vợ chồng Lý Đạt và Wang Huiwu đang trú ngụ. Dễ hiểu rằng không thể tiếp tục họp ở Thượng Hải. Mao nghĩ rằng họ nên đi đến nơi nào xa xa, nhưng Wang Huiwu đề nghị họ chuyển đến thị trấn quê nhà bà là Gia Hưng, bên bờ hồ Nam, cách 35 dặm về phía nam, trong tỉnh Triết Giang. Tại đó, họ có thể thuê một chiếc thuyền và tổ chức phiên họp cuối trên hồ. Hầu hết mọi người đều tán thành, nhưng vì những lý do khác nhau, vài người quyết định không đi. Trần Công Bác chẳng hạn sợ chết khiếp. Ông đến Thượng Hải cùng với cô vợ trẻ, và giờ đây kỳ trăng mật của họ xem ra có kết thúc không êm. Sau khi trao đổi với Lý Đạt, ông và vợ vội vàng rời đi ít ngày đến Hàng Châu trong tỉnh Triết Giang, cách Thượng Hải hơn trăm dặm về phía nam. Do cảnh sát đang theo dõi nhà mình, Lý Hán Tuấn không thể rời thành phố. Maring và Nikolsky không ra khỏi Thượng Hải để không thu hút sự chú ý đến mình.
Hôm sau, 31.7, những người tham dự còn lại, trong đó có Mao, lên tàu hoả đi Gia Hưng, cùng với Wang Huiwu. Bạn lâu năm Tiêu Vũ của Mao đang có mặt ở Thượng Hải và có nghe Mao nói đến đại hội, đã quyết định đến xem sự thể ra sao. Wang bố trí cho họ ở trong một khách sạn đắt tiền có cái tên chẳng hợp chút nào với tình cảnh của họ – Lứa Đôi Hạnh Phúc. Họ cũng thuê một chiếc thuyền của khách sạn. Sau khi tắm rửa và ăn sáng, Mao và những người khác, trừ Tiêu Vũ, ra hồ khoảng 10 giờ sáng. Chiếc thuyền khá rộng và có một cabin lớn. Tất cả họ xuống thuyền và chèo ra giữa hồ. Họ găp may. Thời tiết không được tốt lắm, trời đang mưa phùn, do vậy có rất ít khách ngoạn du trên mặt hồ. Sau bữa trưa, hầu như chung quanh chẳng còn ai.
Các đại diện QTCS không có mặt, các đại biểu thông qua một cương lĩnh, một nghị quyết về các mục tiêu của ĐCSTQ và một tuyên ngôn, tất cả đều chứa đựng các phiên bản cực tả, cực cách mạng. Dường như tất cả đều cảm thấy mình là người hùng, chẳng sợ ai. Rồi họ nhất trí bầu Trần Độc Tú làm bí thư Văn phòng Trung ương Đảng (Năm 1922, vị trí bí thư được đổi thành chủ tịch BCHTƯ, đến năm 1925 lại được đổi thành tổng bí thư BCHTƯ. Trần Độc Tú sẽ nắm chức vụ này đến tháng 7.1927). Thêm hai người nữa được chọn vào Văn phòng Trung ương: Trương Quốc Đào phụ trách công tác tổ chức và Lý Đạt phụ trách tuyên truyền. Trong lúc Trần Độc Tú vắng, Chu Phật Hải đảm đương các công việc của bí thư.
Đã 6 giờ chiều, nhưng không ai muốn quay vào bờ. Ngồi trong thuyền, những người trẻ hô to: “ĐCSTQ muôn năm! QTCS muôn năm ! CNCS, người giải phóng nhân loại muôn năm!”. Chúng ta không biết có tiếng dội nào vọng lại không.
([1]) Theo Wikipedia, địa chỉ hiện nay là 76 Hưng Nghiệp (ctcnd).