MAO - CÂU CHUYỆN CÓ THẬT - Chương 4
( 30-07-2018 - 06:31 PM ) - Lượt xem: 893
Tháng 6.1917, Mao được xướng danh là học sinh giỏi nhất trường. Danh dự này được trao mỗi năm vào cuối học kỳ mùa xuân. Đa số học sinh – 49 người – bầu cho Mao (10). Chẳng lâu sau, Mao lại chứng tỏ khả năng tổ chức của mình. Tháng 9.1917, ông thành lập Hiệp hội những người quê Tương Đàm trong trường và tỏ ra năng nổ hơn trong Hiệp hội sinh viên; chẳng lâu sau Hiệp hội chọn Mao làm người lãnh đạo.
4
Tiếng bước chân trong một thung lũng hoang vắng
Tháng 5.1918, giáo sư Dương Xương Tế nhận được một lời mời hấp dẫn từ hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, nhà giáo dục học nổi tiếng Thái Nguyên Bồi. Đại học Bắc Kinh được xem là đại học tốt nhất và tự do nhất Trung Quốc. Đầu tháng Sáu, Mao Trạch Đông và Dương Xương Tế chia tay nhưng đến cuối tháng, giáo sư viết thư cho người học trò yêu, thúc Mao đến gặp ông ở Bắc Kinh. Một nhóm thanh niên nam nữ ở Bắc Kinh đang chuẩn bị sang Pháp, nơi họ sẽ vừa làm vừa học. Giáo sư Dương khuyên Mao và bạn bè nên nắm bắt cơ hội này để học hỏi về thế giới! (1).
Lúc đó, Mao đang bận rộn với các hoạt động chính trị và tổ chức. Mao đã chứng tỏ khả năng tổ chức vào mùa thu 1915 khi gửi một cáo tri đến vài trường ở Trường Sa đề nghị các bạn trẻ quan tâm đến hoạt động yêu nước bắt liên lạc với Mao. Mao bày tỏ “nhiệt tình mong muốn làm bạn”. Mao muốn mở rộng phạm vi quen biết để lôi kéo những ai “đã trui rèn trong gian khổ và quyết tâm hy sinh mọi thứ cho sự nghiệp cứu nước”. Bức cáo tri mang chữ ký đã được chúng ta biết đến: Nhị Thập Bát Hoa Sinh (2).
Năm hay sáu người phúc đáp, nhưng chỉ có ba người muốn tham gia nhóm yêu nước(3). Một trong số họ là La Chương Long, 17 tuổi, tự giới thiệu bằng tên Nhật là Tate Uchiro (“Lãng Sĩ”). Anh ta nghe được cáo tri từ một người bạn và lập tức viết thư cho Mao. Vài năm sau, La trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo phong trào cộng sản Trung Quốc, nhưng bị khai trừ khỏi Đảng CSTQ năm 1931 vì chống lại ban lãnh đạo Stalinít. Hai người trẻ còn lại gia nhập nhóm Mao sau trở thành những kẻ cực kì phản động.
Mao nhận được một lời phúc đáp khác, hay “một nửa phúc đáp” từ Li Longzhi, một học sinh 16 tuổi của một trường trung học ở Trường Sa, được La Chương Long khuyên nên gặp Mao. Theo lời Mao, “Li nghe tất cả những gì tôi cần nói, rồi bỏ đi luôn mà không đưa ra bất kỳ đề xuất nào, còn tình bạn giữa chúng tôi không bao giờ phát triển”(4). Vừa mới từ quê lên Trường Sa, Li Longzhi sau này có nói rằng Mao dường như có học vấn cao đến mức Li cảm thấy mình hoàn toàn không thể phù hợp (5). Năm hay sáu năm sau, cảm xúc này phai nhạt dần khi Li Longzhi giờ có tên mới là Lý Lập Tam trở thành một trong những nhà tổ chức hàng đầu phong trào lao động ở Trung Quốc. Năm 1928, ông trở thành người đứng đầu trong thực tế Đảng CSTQ và cho đến cuối 1930 là nhân vật có uy thế trong ban lãnh đạo Đảng CSTQ, người mà Mao phải tuân lệnh.
Nhưng đó là chuyện tương lai. Còn lúc này, Mao, với sự trợ giúp của La Chương Long và vài bạn học, khéo léo kết hợp một nhóm bạn trẻ yêu nước với nhau. Đã xảy ra một vài sự kiện vui vui. Ban giám hiệu một trường nữ đã diễn giải cáo tri của Mao như là mưu toan của một thanh niên phóng đãng tìm người chăn gối. Tuy nhiên, ban giám hiệu Trường Sư phạm số Một ủng hộ Mao (6). Sau một thời gian, vài bạn trẻ bắt đầu tập hợp quanh Mao (7). Một người trong số họ nói với Mao: “[Thư của cậu nghe như] tiếng bước chân trong một sa mạc hoang vắng; nghe tiếng chân của cậu, mặt tôi sáng lên niềm vui” (8).
Mao nhớ lại nhóm này như sau:
“Đó là một nhóm nhỏ có tinh thần nghiêm túc, họ không có thời gian bàn những chuyện vụn vặt. Mọi chuyện họ bàn hay làm đều có mục đích. Họ không có thời gian để yêu đương hay “lãng mạn” và xem thời gian quá khẩn trương và nhu cầu học hỏi quá cấp bách để bàn chuyện phụ nữ và chuyện cá nhân. Tôi không quan tâm đến phụ nữ... Hoàn toàn xa lánh những cuộc bàn cãi về nét duyên dáng của phụ nữ, vốn thường giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống các bạn trẻ thời nay, các bạn tôi thậm chí tránh nói đến những chuyện thường ngày trong cuộc sống. Tôi nhớ có lần ở nhà một bạn trẻ bắt đầu nói với tôi về chuyện mua một miếng thịt, và trước mặt tôi, anh ta gọi người hầu và bàn việc này với cậu ta, rồi sai cậu ta mua một miếng. Tôi cảm thấy phiền và không gặp lại anh bạn này một lần nữa. Các bạn tôi và tôi thích nói đến những vấn đề to tát hơn – bản chất của con người, của xã hội loài người, của Trung Quốc, của thế giới và của vũ trụ!”.
Tháng 6.1917, Mao được xướng danh là học sinh giỏi nhất trường. Danh dự này được trao mỗi năm vào cuối học kỳ mùa xuân. Đa số học sinh – 49 người – bầu cho Mao (10). Chẳng lâu sau, Mao lại chứng tỏ khả năng tổ chức của mình. Tháng 9.1917, ông thành lập Hiệp hội những người quê Tương Đàm trong trường và tỏ ra năng nổ hơn trong Hiệp hội sinh viên; chẳng lâu sau Hiệp hội chọn Mao làm người lãnh đạo.
Thành tích lớn nhất của Hiệp hội Sinh viên là làm sống lại những lớp học buổi tối cho công nhân vốn đã bắt đầu ở trường Sư phạm 6 tháng trước, nhưng đã ngưng hoạt động vào mùa thu 1917. Nhờ công sức của Mao, các lớp học khởi sự trở lại vào ngày 9.11, với 102 học viên, hầu hết là những người thợ cày thất nghiệp tìm đến thành phố để kiếm việc làm (12). Đến lúc này, Mao đã thay đổi cách nhìn đối với những người bình dị. Mao đã trưởng thành, và dù vẫn còn cảm thấy ở một địa vị xã hội cao hơn họ, ông không còn coi thường họ nữa. Ông lập luận: “Cây cỏ và muôn thú tất cả đều nuôi sống và chăm sóc loài của mình. Không phải con người cũng làm như vậy sao?... Một số họ [những học viên công nhân] nghĩ học chỉ vì khả năng thiên bẩm của họ có thiếu sót gì đó, hay do họ xuất thân tù hoàn cảnh kém may mắn hơn. Chính vì những người như vậy mà con người nên bày tỏ nỗi cảm thông, hơn là đổ trách nhiệm lên họ” (13). Trong trường này, “con người yêu nhân loại” Mao Trạch Đông có được kinh nghiệm giảng dạy đầu tiên bằng việc giảng lịch sử Trung Quốc (14).
Tháng 11.1917, Mao đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức đội sinh viên bảo vệ tình nguyện. Lúc đó là thời buổi loạn lạc ở Hồ Nam, cũng như những nơi khác trong nước. Nội chiến đang hoành hành. Binh lính thường chiếm đóng các cơ sở giáo dục và hành xử thô tục đối với sinh viên, nhất là phụ nữ. Điều này khiến người dân uất ức và phản đối. Dưới thời tỉnh trưởng Fu Liangzuo bắt đầu từ tháng 11.1917, Trường Sư phạm số Một có thể đương đầu với những đòi hỏi của quân đội vốn tìm cách biến cơ sở giáo dục thành doanh trại. Theo lời của Xiao San, chính Mao đã tổ chức cuộc phản kháng, đảm nhận “công việc như thể cậu ta được Bộ trưởng Chiến tranh giao phó” (15). Không giống các thầy giáo và những sinh viên khác, Mao có chút ít kinh nghiệm quân sự. Trong tháng 11, tình hình thêm căng thẳng. Sau khi đạo quân của Fu Liangzuo bị đánh bại, đám lính rút chạy đã khủng bố dân lành và đe dọa tấn công trường học. Mao một lần nữa đã tỏ ra chủ động bằng cách liên tục liêc lạc với cảnh sát địa phương, một số đã đến ứng cứu. Một lực lượng tự vệ của sinh viên đã được thành lập, dù chỉ được trang bị bằng súng gỗ và lao tre.
Lấy tư cách là cựu binh và chủ tịch Hiệp hội sinh viên, Mao đứng ra chỉ đạo việc phòng thủ. Sinh viên và cảnh sát đợi đến khi lính tiến đến sát cổng trường; đến lúc đó, Mao mới ra lệnh cho cảnh sát – chỉ họ mới có súng thật – khai hỏa. Rồi sinh viên bắt đầu đốt pháo trong những can xăng rỗng và hô to: “Đầu hàng đi, không thì sẽ gặp nguy!”. Bính lính hoảng hốt và đầu hàng (16). Tờ báo trường ra trong tháng 11.1917 đưa tin sau: “Trận đánh ở phía nam Hồ Nam diễn ra căng thẳng, tình hình nhiều biến động. Sinh viên đã tổ chức một đội tự vệ tuần phòng ngày đêm. Công việc bảo vệ làm rất tốt” (17).
Xiao San nhớ lại rằng lúc đó Mao đặc biệt quan tâm đến các vấn đề quân sự (18). Không chỉ Trung Quốc, mà toàn thế giới, đang có chiến tranh. Mao theo dõi sát các biến cố ở chiến trường châu Âu, đọc các tờ báo ngày của Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồ Nam. Có một vài báo được ông đăng ký dài hạn. Ông đã tự bỏ ra một phần ba số tiền được cha gửi cho vào sách và báo. Mao có thói quen kì lạ: sau khi đọc xong báo không bỏ sót trang nào, Mao cắt rìa chừa trắng của báo rồi xâu lại. Xiao San viết: “Ông lọc ra các địa danh có trong báo rồi viết chúng lên các rìa trắng” (20).
Mùa đông năm 1917, Mao và các bạn nghĩ đến việc tập hợp những người đồng chí hướng vào một nhóm được tập trung hóa chặt chẽ. Mao nói với Edgar Snow: “Tôi tạo ra được mối liên lạc với nhiều sinh viên và bạn bè ở các thành phố và thị trấn khác. Dần dà tôi nhận ra sự cần thiết của một tổ chức được gắn kết chặt chẽ” (21). Một tổ chức như vậy cuối cùng cũng được thành lập vào tháng 4.1918 có tên là Tân Dân Học Hội. Mao và bạn bè rõ ràng vay mượn tên một tờ tạp chí của Lương Khải Siêu là Tân Dân Công báo được nhà cải cách Trung Quốc in ở Yokohama. Tiêu Vũ đề nghị đặt tên, mọi người vui vẻ tán thành (22).
Cuộc họp thành lập hội diễn ra vào sáng Chủ nhật ngày 14.4.1918 ở nhà Thái Hòa Sâm làng Yingwan bên bờ trái sông Tương. 13 người tụ họp trong một túp lều nhỏ, đồ đạc tuềnh toàng, ẩn dưới những tàng cây rậm. Mao nhớ lại: “Bầu trời trong xanh. Làn gió nhẹ lướt qua mặt nước xanh biếc của dòng sông và đám cỏ xanh rờn dọc hai bên bờ. Tất cả tạo ra một cảm xúc không dễ quên đối với tất cả những ai có mặt ở cuộc họp”(23). Bên cạnh các khách mời và Mao, những người khác đều là bạn cũ: anh em nhà Tiêu, La Chương Long... Có một vài gương mặt mới, gồm Hà Thúc Hành 42 tuổi, cùng với Mao theo học Trường Sư phạm số Bốn tỉnh Hồ Nam năm 1913. Hà Thúc Hành tốt nghiệp chỉ sau ít tháng và đang dạy tiếng Trung Quốc trong một trường tiểu học ở Trường Sa từ tháng 7.1914. Ông là người vóc thấp với bờ vai rộng, rất nghiêm túc và khiêm tốn, mang cặp kính tròn to, được các bạn trẻ hơn đặc biệt kính trọng. Họ gọi đùa ông là Hà Mang Râu, do hàm râu màu đen của ông. Chúng làm ông trông giống một thân sĩ. Quả thật ông là trí thức miền quê ở độ tuổi 18 và đã lấy được bằng tú tài trong một kỳ thi cựu học. Mao và Tiêu Vũ đã làm thân với ông trong dịp nghỉ hè năm 1917, khi họ viếng nhà Hà Mang Râu ở quê làng Ning Giang trong chuyến đi lang thang khắp tỉnh (24). Con người vị tha đầy nhiệt tình hiếm thấy với ánh nhìn chăm chú đóng vai trò lớn lao trong cuộc đời Mao. Ông là người trợ tá thân cận nhất của Mao trong quá trình tổ chức một nhóm cộng sản ở Hồ Nam năm 1920. Ông có tham dự Đại hội I Đảng CSTQ năm 1921 (25). Hà Thúc Hành xem Mao là một “người phi thường” và dù sự khác biệt đáng kể về tuổi tác giữa hai người, Hà luôn kính phục Mao và không bao giờ tranh cãi về vị thế bề trên của Mao (26).
Những người dự họp dưới tán cây bàn thảo về nội quy của tổ chức được Mao và một người khác trong hội soạn ra trong tháng Ba. Nội quy gồm, đại loại như: “Các mục tiêu chính của hội là cải cách việc học, rèn luyện tính cách của hội viên, cải thiện tấm lòng và tập quán của họ... Mọi hội viên phải tuân thủ các quy định sau: 1) Không được đạo đức giả; 2) Không được chây lười; 3) Không được hoang phí; 4) Không được bài bạc ; và 5) Không được đi lại với gái làng chơi”. Bất kỳ ai muốn gia nhập hội đều cần được 5 hay hơn các thành viên giới thiệu, đóng lệ phí 1 bạc trắng, việc kết nạp phải được quá bán số hội viên tán thành. Mọi hội viên phải đóng hội phí cũng bằng 1 bạc trắng (27).
Sau phần thông qua nội quy là phần bầu ban lãnh đạo. Tiêu Vũ được bầu làm tổng thư ký. Theo người em Xiao San, vị trí tổng thư ký lúc đầu được đề nghị cho Mao, nhưng ông này từ chối, và chỉ thỏa thuận làm một trong hai người phó cho Tiêu Vũ (28). Cuối cùng có khoảng 70-80 người gia nhập hội, trong đó có vài cô gái: Li Si’an, một học sinh trường Canye ở Hồ Nam; Đào Kỳ Vịnh, một sinh viên Trường Sư phạm số Một và là một trong những học trò yêu của giáo sư Dương Xương Tế; Thái Sướng, em gái Thái Hòa Sâm; và Hướng Cảnh Dự, bạn gái của Thái. Nhiều thành viên của tổ chức về sau trở thành những nhân vật lãnh đạo trong phong trào cộng sản Trung Quốc ; hầu hết đều cống hiến cuộc sống cho cuộc đấu tranh vì một nước Trung Hoa mới (29).
Mọi thành viên đều cố gắng hoàn thành ước mơ sau: “Cải thiện cuộc sống cá nhân và của toàn nhân loại”. Đó là lý do tại sao họ gọi hội của họ là Tân Dân Học Hội. Dù chối bỏ sự “lãng mạn”, họ vẫn là những người lãng mạn. Mao viết: “Thời đó tư tưởng mới và văn chương mới đã lan ra trong nước, và tất cả chúng tôi đều cảm thấy cần phải quét sạch khỏi đầu mình những tư tưởng cũ, luân lý cũ và văn chương cũ. Chúng tôi bất ngờ nhận ra rằng sống một cuộc sống êm ả và đơn độc là điều hoàn toàn sai lầm; ngược lại, cần tìm đến một đời sống năng động và tập thể... Ở chúng tôi hình thành một lối sống nhấn mạnh đến sự vươn lên và cải tiến không ngừng” (30).
Các thành viên của hội không lâu sau thay đổi các mục tiêu tổ chức. Họ không còn bằng lòng với việc cấu trúc lại việc học và giáo dục đạo đức. Giờ họ không muốn thứ gì khác hơn ngoài “biến cải Trung Quốc và toàn thế giới” (31), và họ thành tâm mong muốn bắt đầu bằng tự biến cải chính mình. Ngoài những ý muốn cao thượng như trở nên tốt hơn, thuần khiết hơn, thông minh hơn và mang lại niềm vui sướng cho nhân loại, lúc này họ chẳng có một ý tưởng cụ thể nào. Lý Duy Hán, một trong những thành viên của hội, nhớ lại: “Chúng tôi phát xuất như là thành viên của tổ chức trí thức tư sản nhỏ, cố ‘tự hoàn thiện’ và ‘trợ giúp nhau’. Đại bộ phận thành viên là người trẻ tin vào cải cách, và nhiệt tình mong muốn tiến bộ. Nhưng làm sao chúng tôi mang lại những cải cách này? Làm sao đạt được tiến bộ? Lần mò con đường tiến về phía trước, chúng tôi vẫn chưa trả lời những câu hỏi này.” (32). Theo lời Xiao San, chương trình nhìn chung “là một sự pha trộn giữa Khổng giáo và triết lí Kant” (3). Còn đánh giá của Mao về cơ bản y như vậy. Ông nói: “Thời đó, đầu óc tôi là một sự pha trộn kỳ lạ các tư tưởng tự do chủ nghĩa, cải cách dân chủ, chủ nghĩa xã hội không tưởng. Tôi có những đam mê phần nào không rõ ràng về ‘nền dân chủ thế kỉ XIX’, chủ nghĩa không tưởng và chủ nghĩa tự do kiểu cũ, tôi dứt khoát là người chống quân phiệt và chống đế quốc” (34).
Tháng 6.1919, Mao tốt nghiệp Trường Sư phạm. Theo lời con gái, Mao đứng ở ngã tư đường (35). Hoặc là không có việc làm, hoặc là ông không muốn tìm việc. Cùng với vài người bạn, trong đó có Thái Hoà Sâm, ông ngồi bên bờ trái sông Tương, và mơ sẽ xây một công xã ở đó, một thứ đại loại như “hội bạn lao-học”, cùng vừa làm nông, vừa tìm hiểu khoa học (36). Mao gần như cạn túi, nhưng ông chẳng bận tâm đến chuyện này. Bạn bè trêu chọc ông, họ nói rằng “chẳng một xu dính túi, vậy mà lo cho cả thế giới ! » (37). Ông suy nghĩ suốt ngày, đi quanh quẩn trong vùng, dõi mắt nhìn cảnh vật chung quanh.
Trường Sa bày ra cả một quang cảnh tuyệt đẹp nhìn từ đỉnh núi Nhạc Lộc. Những mái ngói dát nhũ uốn cong của đền thờ Khổng Tử lấp lánh dưới ánh mặt trời; 8 ngọn tháp của pháo đài nhô lên cao lên trời với dáng vẻ uy nghi. Nhìn xuống sông Tương chảy lờ đờ dưới chân núi. Mao cảm thấy hạnh phúc. Ông có nhiều bạn xem ông là người lãnh đạo họ. Vài năm sau, vào mùa thu năm 1925, Mao vốn thích làm thơ đã thăm lại cảnh cũ, rồi nhớ lại quá khứ, sẽ viết ra những dòng sau:
“Đứng một mình trong cái lạnh mùa thu,
nơi Tương giang xuôi dòng về phương Bắc,
trên ngọn cù lao Cam,
trông về ngàn điểm cao,
đỏ rực khắp nơi,
từng hàng cây nối tiếp, toàn đỏ,
sông xanh đến tận đáy,
cả trăm con thuyền xoay trở
bầy chim vút lên trời,
cá lặn lờ dưới làn nước trong.
Vạn vật đều giành lấy tự do
dưới bầu trời giá rét
Sững sờ trước khoảng không trống trơ,
tôi hỏi Trái đất xám đồ sộ:
ai kiểm soát các bước thăng trầm?
Hàng trăm bạn bè thường đến đây.
Nhớ lại thời xưa – những năm tháng đông đủ,
Khi chúng tôi là sinh viên trẻ,
hớn hở và tươi sáng
với đầu óc trẻ trung
đầy lý lẽ xúc cảm,
nắm tay giơ cao, nắm tay hạ thấp,
ngón tay chìa ra
chỉ vào sông núi,
những bài viết tràn đầy hứng khởi,
các chúa tể vạn nhà chỉ là cục phân
Giờ có còn nhớ
đứng giữa dòng suối,
chúng ta từng khuấy nước
tạo sóng ngăn
những con thuyền đang trôi!” (38)
Giữa lúc chưa có việc làm gì rõ ràng, Mao Trạch Đông được thư của thầy giáo đề cập đến việc chiêu tuyển một nhóm nam nữ thanh niên sang Pháp. Ông chia sẻ tin này với Thái Hòa Sâm, hai anh em nhà Tiêu và những người bạn khác. Thái Hòa Sâm và Tiêu Vũ đặc biệt phấn khích trước cơ hội này. Từ lâu họ đã mơ đi học nước ngoài và xem Pháp là nơi lý tưởng. Đó là một xử sở dân chủ với những truyền thống cách mạng vững vàng. Được vội vàng tiệu tập, cuộc họp của nhóm “xem là quan yếu việc phát động một phong trào đi học ở Pháp và làm mọi cách thúc đẩy nó” (39). Đại đa số những người có mặt đều bày tỏ mong muốn đi Pháp (40). Tiêu Vũ viết thư ngay cho Dương Xương Tế để tìm hiểu thêm về nhóm ở Bắc Kinh. Một tuần sau thư phúc đáp đến. Giáo sư Dương Xương Tế nói rằng ông đã gặp Thái Nguyên Bồi, hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh. Ông này chấp thuận sự tham gia của các bạn trẻ Hồ Nam vào chương trình học-làm (41).
Được triển khai lần đầu năm 1912, chương tình này do hai nhà hoạt động vô chính phủ Li Shizeng và Wu Zhihui thai nghén. Bản thân họ nằm trong số những người đầu tiên học ở Pháp. Họ là những môn đồ của nhà lý luận vô chính phủ người Pháp Élisée Reclus, người tin vào mối gắn kết biện chứng giữa giáo dục và cách mạng, như các môn đồ Trung Quốc của ông. Bằng lý lẽ xác đáng, họ cho rằng sẽ không thể có tiến bộ cách mạng trong một xã hội mà lại không có sự phát triển rộng rãi khoa học và giáo dục. Năm 1905, Li Shizeng và Wu Zhihui thành lập Nhóm vô chính phủ Trung Quốc đầu tiên ở Paris; năm 1902, họ tổ chức Trung Quốc Cần Kiệm Học Hội ở Pháp với mục tiêu thúc đẩy những phương cách học tập không hao tốn nhiều. Họ đề nghị những người mới đến sẽ trả phí tổn bằng cách làm việc trong các nhà máy Pháp và trả tiền cho việc học theo nguyên tắc “một năm làm, hai năm học”.
Hội gánh vác công việc thu hút giới trẻ Trung Quốc đến học ở Pháp và giúp họ kiếm việc làm. Ý tưởng cốt lõi là khai thác ưu thế của hệ thống giáo dục phương Tây để giáo dục người nam “mới” và người nữ “mới”, cả công nhân và trí thức. Những người vô chính phủ nghĩ rằng chỉ những người như vậy mới có thể làm Trung Quốc hồi sinh. Trong vòng hai năm, 1912 và 1913, họ đã gửi một trăm sinh viên Trung Quốc sang Pháp. Tuy nhiên, vào cuối năm 1913, Trung Quôc Cần Kiệm Học Hội ở Pháp phải dừng hoạt động. Viên Thế Khải cho rằng sinh viên Trung Quốc chẳng việc gì phải sang châu Âu học (42). Phong trào được khởi động trở lại vào tháng 8.1917, khi Trung Quốc tham chiến bên cạnh khối Entente. Trung Quốc không tham gia chiến trận, nhưng bằng một thỏa thuận với Pháp, Trung Quốc phái 14 vạn lao động sang Pháp, hầu hết được dùng vào việc đào chiến hào (43). Diễn biến này tiếp thêm sức lực cho những người vô chính phủ. Li Shizeng bắt đầu trút toàn bộ nỗ lực vào việc tổ chức ở Pháp một phong trào lao-học quy mô lớn của thanh niên Trung Quốc. Ông liên hệ với hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh Thái Nguyên Bồi và những nhân vật có tiếng ở Pháp, và chẳng lâu sau thành lập Hội Học tập Trung-Pháp hỗn hợp nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển một hệ thống cho việc giáo dục người Trung Quốc ở Pháp, cũng như tăng cường mối quan hệ văn hóa Trung-Pháp. Những người vô chính phủ muốn thu hút các sinh viên Trung Quốc đến châu Âu để thúc đẩy một sự pha trộn phong trào trí thức với phong trào công nhân. Các chi nhánh của tổ chức được thành lập ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải. Những trường dự bị dành cho những ai muốn vừa học-vừa làm ở Pháp được thành lập ở Bắc Kinh, Thành Đô, Trùng Khánh và Bảo Định trong năm 1918 và đầu 1919. Các trường thu nhận học viên từ 14 tuổi trở lên (44).
Nền giáo dục châu Âu thu hút giới trẻ Trung Quốc vì một số lý do. Thái Nguyên Bồi giải thích rằng các cơ sở giáo dục bậc đại học ở Trung Quốc còn hiếm, trong lúc trình độ của những trường có sẵn vẫn thấp. Thứ hai, không có một đội ngũ giảng dạy đủ trình độ cao ở Trung Quốc. Thứ ba, Bộ Giáo dục Trung Quốc và các định chế của Bộ thiếu nguồn lực để tổ chức công việc thực tâp có hiệu quả cho sinh viên, do tình trạng nghèo nàn của các thư viện, viện bảo tàng, các vườn thực vật và sinh vật (45).
Sau khi được thư của giáo sư Dương, Thái Hòa Sâm đã lên đường đi Bắc Kinh. Ông đã gặp Dương Xương Tế, Li Shizeng và Thái Nguyên Bồi. Ngày 30.6, ông gửi thư cho Mao Trạch Đông và các thành viên khác của hội khẳng định khả năng đi Pháp. Ông thúc giục các bạn mau chóng đến Bắc Kinh (46).
Song Mao lần đầu tiên phải dự phần vào việc nhà. Bà mẹ Văn Thất Muội bị bệnh nặng từ năm 1916. Bà bị khối u trong dạ dày đã lâu, và giờ bà bị viêm hạch bạch huyết. Mao rất yêu mẹ và cảm thấy xót cho bà. Trong lúc học ở Trường Sa, Mao thường ghé thăm bà. Trong vài năm qua cha mẹ bà bất đồng với nhau, vì những lý do gì không rõ. Có lời đồn rằng Văn Thất Muội không bỏ qua việc chồng lấy con dâu làm vợ lẽ, nhưng chuyện bất hòa có thể là vì lý do khác. Càng lớn tuổi, cha Mao càng lắm lời, và có lẽ chỉ vì thế mà bà không thể chịu nổi ông. Cuối cùng, bà gom góp tư trang và chuyển đến sống với các người anh ở làng quê Tangjiatuo. Mao Di Xương, một người theo truyền thống, có thể đã thấy khó mà chấp nhận thái độ phản kháng của bà vợ mà ông xem là đi ngược lại chuẩn mực luân lý Khổng giáo.
Vẫn như mọi khi, Mao hoàn toàn đứng về phía mẹ. Đầu năm 1918, Mao đến thăm bà, lần này là ở nhà cậu. Mao cố thuyết phục mẹ cùng đi với ông ra tỉnh lỵ chữa trị. Nhưng bà từ chối, có lẽ vì không muốn trở thành gánh nặng cho đứa con trai yêu dấu. Trở lại Trường Sa, Mao viết thư cho các cậu, bày tỏ lần nữa niềm hy vọng mẹ sẽ đến thành phố. Mao tính mẹ sẽ đến vào cuối mùa thu, cùng đi với em trai là Trạch Dân. Cũng trong bức thư Mao báo với người thân ý định đi Bắc Kinh. Mao chẳng nói gì về chuyến đi Pháp, chỉ báo rằng “tham quan là mục đích chính của chuyến đi, chẳng có gì khác” (37). Trong thực tế, Mao không muốn làm mọi người lo lắng. Mao không có gì phải ngần ngừ về chuyến đi Pháp với các bạn và đang phấn khởi trước viễn cảnh của chuyến đi xa sắp tới (48).
Ngày 15.8, Mao rời Trường Sa đi Bắc Kinh cùng với 25 người bạn. Họ đến Vũ Hán trên một con thuyền nhỏ, rồi tiếp tục cuộc hành trình bằng xe lửa. Đó là lần đầu Mao đi xe lửa, và đi một chuyến dài, khoảng 1300 km.
Họ phải đợi hai ngày ở thành phố nhỏ Xuchang trong tỉnh Hà Nam do sông Hòang Hà đang dâng. Mao thực sự rất hài lòng. Xuchang là kinh đô của Vương quốc Ngụy, do Hoàng đế Tào Phi xây dựng, một trong những nhân vật trong quyển tiều thuyết được Mao ưa thích: Tam Quốc Chí (49). Mao rủ các bạn đi khám phá thành phố. Họ được biết phế tích của đền đài cổ nằm ở bên kia dãy tường thành. Thật dễ hình dung Mao háo hức ra sao. Mao đang trên bước đường chinh phục thế giới, một dịp tham quan một di tích lịch sử đang nằm yên trong vinh quang của những thế kỉ qua tất nhiên trở thành một biểu trưng đầy ý nghĩa. Chẳng khác gì các anh hùng của thời cổ đang khích lệ Mao giành những kỳ tích vĩ đại vì vinh quang và sự giàu mạnh của đất nước.