MAO - CÂU CHUYỆN CÓ THẬT - Chương 3
( 27-07-2018 - 06:02 AM ) - Lượt xem: 875
Chọn con đường cách mạng, Mao cắt đuôi sam, cả trước khi có tin về cuộc nổi dậy Vũ Xương. Đây là một hành động phản loạn, vì mỗi thần dân Đế chế Thanh phải để đuôi tóc dài như là dấu hiệu thần phục người Mãn Châu.
3
“Tôi suy nghĩ, do vậy tôi tồn tại”
Sống ở Trường Sa hơn 7 năm, Mao choáng ngợp trước thành phố lớn đầu tiên mà ông nhìn thấy trong đời. Chưa bao giờ trước đó, ông nhìn thấy phố, nhà hai hay ba tầng, vô số những con thuyền bập bềnh trên mặt nước neo đậu ở các bến bằng đá. Vào đầu thế kỉ XX, Trường Sa với dân số trên 20 vạn được xem là một trong những thành phố đẹp nhất Trung Hoa (1). Nằm bên hữu ngạn sông Tương, nó được vây kín bởi một dãy tường thành đẹp bằng đá với các tháp cao nhìn xuống bảy lối ra vào trông như đường hầm được đóng vào ban đêm bằng các cổng khổng lồ. Mọi thứ trong thành phố đều thu hút Mao: những con đường lát đá rộng rãi, một bờ kè dài duy nhất bằng đá, ánh đèn điện tỏa sáng từ dinh tỉnh trưởng và các tòa nhà sang trọng khác và hai đền thờ Khổng Tử với mái ngói vàng. Nhưng ấn tượng hơn cả là con đường sắt được xây vừa đúng ba năm trước, chạy dọc theo dãy tường thành trong vùng ngoại ô phía đông Trường Sa. Lần đầu tiên Mao nhìn thấy điều kỳ diệu của công nghệ châu Âu: xe lửa. Các dãy hàng quán nối tiếp nhau, với các bảng hiệu được gắn thẳng đứng trông như những lá cờ được treo rũ xuống dọc theo thân cột chạy dài bên dãy tường thành cũng bắt mắt ông. Cửa hiệu chất đầy đủ các loại hàng nội và ngoại. Không lấy làm lạ tại sao Trường Sa được xem là một trong những trung tâm thương mại sôi động nhất Trung Quốc. Tiếng người, tiếng động, tiếng còi xe vang lên điếc cả tai. Bằng một giọng hồ hởi, Mao thuật lại với Edgar Snow: “Thành phố này lớn quá, chứa quá nhiều, nhiều người, nhiều trường, cả nha môn tỉnh trưởng. Thật là một chốn tuyệt đẹp!” (2).
Thành phố được xây 3000 năm trước. Trong thế kỉ III TCN, nó bị Tần Thủy Hoàng chinh phục. Chính ông là người ban cho nó danh xưng Trường Sa (Bãi cát vàng). Đối diện với dãy tường thành là cù lao Cam, một cù lao dài và hẹp, trồng dày đặc những cây cam, nằm trên sông Tương. Năm 1664, Trường Sa trở thành thủ phủ của tỉnh Hồ Nam mới được thành lập.
Bên kia cù lao, nằm bên bờ trái sừng sững núi Nhạc Lộc. Nó cao không tới 250m, nhưng cũng như Thiều Sơn, nó rất linh thiêng. Bên rìa đông của núi có học viện Nhạc Lộc nổi tiếng được thành lập dưới triều Tống, nơi Chu Hi (1130-1200) – nhà Khổng học hàng đầu – dạy học. Năm 1903, không lâu trước khi Mao đến Trường Sa, học viện được cải tổ thành Trường Cao đẳng Sư phạm Hồ Nam, một học viện tân tiến.
Một ít người nước ngoài đến sống ở Hồ Nam trên cù lao Cam. Đông nhất là những người Mỹ. Họ xây dựng một chi nhánh của Đại học Yale và một bệnh viện ở đây năm 1906. Trường Sa mở cửa cho thương nhân nước ngoài tương đối trễ, tháng 9.1904, do vậy cư dân địa phương vẫn chưa quen với sự hiện diện của người nước ngoài ngay sát cạnh họ. Cảm tính bài ngoại vẫn còn mạnh. Edward Hume, một bác sĩ của bệnh viện Yale, miêu tả phản ứng của người bản xứ khi thấy người nước ngoài trên đường. “Các bà mẹ kéo giật con ra phía sau khi thấy chúng tôi nhằm che chúng khuất “mắt quỷ”. Một số bịt mũi khi chúng tôi đi ngang qua. Amah có lần nói với chúng tôi rằng mùi của người phương Tây đặc trưng đến nỗi người Trung Quốc nhận ra sự hiện diện của chúng tôi mà không cần nhìn thấy chúng tôi. Một vài đứa trẻ vừa đuổi theo ghế cáng vừa la to “dương quỷ” (3).
Thành phố tạo cho Mao đủ loại cảm xúc. Chàng thanh niên lo rằng “ngôi trường lớn” của thành phố sẽ từ chối mình, nhưng hoá ra là được nhận. Lần này, Mao cũng chỉ lưu lại có vài tháng. Tháng 10.1911, một cuộc cách mạng chống chế độ bất ngờ bùng phát. Nhưng nó không làm đổ máu và hầu như chẳng tác động gì đến quảng đại nông dân (4). Nó khởi sự vào đêm 10.10 bằng cuộc nổi dậy của Tiểu đoàn Công binh số 10 thuộc Đạo quân mới đóng ở Vũ Xương trong tỉnh Hồ Bắc. Đa số binh sĩ của tiểu đoàn này là thành viên của Công Tiến Hội vốn có mối liên hệ gần gũi với Đồng Minh Hội. Đến sáng ngày 11.10, toàn thành phố nằm trong tay những người khởi nghĩa. Hôm sau, chính quyền mãn Châu bị lật đổ ở các thành phố Hán Khẩu và Hán Dương lân cận. Như vậy, bộ ba thành phố Hán Khẩu, Hán Dương và Vũ Xương gộp chung thành Vũ Hán là trung tâm của các diễn biến cách mạng. Biến cố tự phát này làm bùng ra phản ứng bài Mãn Châu ở nhiều thành phố trong cả nước, nhưng làm cho các nhà lãnh đạo Đồng Minh Hội bất ngờ. Tôn Dật Tiên biết tin về cuộc nổi dậy khi ông đang ngồi trên chuyến xe lửa từ Denver đến Kansas City. Ông đi thẳng đến Washington, rồi London với hy vọng sẽ nhờ bạn bè giúp huy động những nguồn tài chính mà Đồng Minh Hội rất cần. Ngược lại, những nhà cải cách lập hiến tại Vũ Hán mà đứng đầu là nhà chính trị 37 tuổi tên Đường Hóa Long mau chóng nắm bắt tình hình. Không chỉ đứng về phía cách mạng, họ còn nắm luôn quyền lãnh đạo. Ngày 11.10, một chính phủ quân sự được thành lập trong tỉnh Hồ Bắc, đứng đầu là Lý Nguyên Hồng, một viên tướng bảo thủ 47 tuổi, chỉ huy Lữ đoàn 21 của Đạo quân mới. Đường Hóa Long được bổ nhiệm làm tỉnh trường dân sự.
Đến cuối tháng 11, 15 trong tổng số 18 tỉnh Trung Quốc đã lật đổ chính quyền Mãn Thanh. Trong đa số các tỉnh này, quyền lực dân sự rơi vào tay những nhà cải cách lập hiến cũ. Họ loại bỏ một cách có hệ thống các nhà cách mạng thực sự khỏi vị trí lãnh đạo. Quyền lực quân sự nằm trong tay các chỉ huy những đơn vị đồn trú của Đạo quân mới. Chính quyền mới được thành lập ở các tỉnh lần lượt tuyên bố độc lập với chính quyền trung ương.
Nằm cách 400km về phía nam, Trường Sa biết tin về các biến cố ở Vũ Hán vào ngày 13.10, khi các đại diện của Lý Nguyên Hồng đến báo. Viên hiệu trưởng trường Mao đang theo học đã cho phép một trong các đại diện đến đọc một bài diễn văn bốc lửa trước các sinh viên. Bài diễn văn của ông ta tạo một hiệu ứng như chớp giật đối với các sinh viên, trong đó có Mao. Đến thời điểm đó, Mao đã chuyển biến từ một người quân chủ yêu nước sang một người cách mạng vững vàng. Thế giới quan của ông chịu tác động của tờ báo đầu tiên ông từng đọc, tờ Dân Lập Báo, một trong những cơ quan của Đồng Minh Hội của Tôn Dật Tiên. Qua tờ báo này, Mao biết đến nhà lãnh đạo phong trào dân chủ Trung Quốc và Thuyết Tam Dân của ông. Mao trở thành người nhiệt tỉnh ủng hộ Tôn. Chịu sự thôi thúc bởi những gì đọc được, Mao quyết định viết một bài được ông dán lên tường trường học, nơi ai cũng có thể nhìn thấy. Sau này ông nhìn nhận: “Đây là lần đầu tiên tôi bày tỏ chính kiến, và nó có vẻ lộn xộn. Tôi vẫn chưa từ bỏ nỗi thán phục dành cho Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Tôi không hiểu rõ sự khác biệt giữa họ. Do vậy, trong bài báo của mình, tôi kêu gọi Tôn Dật Tiên phải được gọi về từ Nhật Bản để trở thành tổng thống chính phủ mới, Khang Hữu Vi là thủ tướng, còn Lương Khải Siêu là bộ trưởng ngoại giao” (5). Đến lúc này, Mao thực sự chẳng hiểu gì, cả chủ nghĩa cải lương của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, lẫn tư tưởng cách mạng của Tôn Dật Tiên. Ông mến mộ những người này chỉ bằng nỗi khao khát của mình về các hành động anh hùng.
Chọn con đường cách mạng, Mao cắt đuôi sam, cả trước khi có tin về cuộc nổi dậy Vũ Xương. Đây là một hành động phản loạn, vì mỗi thần dân Đế chế Thanh phải để đuôi tóc dài như là dấu hiệu thần phục người Mãn Châu. Một bạn học theo gương ông, nhưng những người khác thì rất sợ. Bị bài diễn văn hùng hồn của đại diện Lý Nguyên Hồng khuấy động, Mao và một số bạn học định bỏ đi tham gia vào lực lượng khởi nghĩa, nhưng họ không thể rời thành phố. Chủ nhật 22.10, binh lính của Trung đoàn 49 đóng trại cách Trường Sa không xa làm binh biến. Được sự giúp sức của binh lính Trung đoàn 15, những kẻ làm binh biến tiến vào thành phố và chiếm giữ tất cả các điểm chiến lược. Cùng ngày, một chính quyền quân sự được dựng lên ở Hồ Nam, do hai người quá khích còn trẻ cầm đầu: Jiao Dafeng và Chen Zuoxin. Cả hai có mối quan hệ gần gũi với hội kín Ca lão hội. Quyền lực của hai người này kéo dài không lâu. Đúng 9 ngày sau, ngày 31.10, một cuộc đảo chính diễn ra, cũng do binh lính Trung đoàn 15 tổ chức. Jiao và Chen bị giết, quyền lực rơi vào tay những người tự do ôn hòa, mà đứng đầu là cựu chủ tịch nghị hội tỉnh Hồ Nam, nhà triệu phú 32 tuổi, Đàm Diên Khải.
Trường học đóng cửa, Mao quyết định gia nhập quân đội cách mạng. Thắng lợi vẫn chưa được đảm bảo. Nhà Thanh tìm cách đàm phán với viên tướng Viên Thế Khải, tư lệnh Đạo quân Bắc dương hùng mạnh, cố thuyết phục ông này chịu trấn áp cuộc bạo loan. Tuy nhiên, Viên Thế Khải lần chần vì muốn thâu tóm toàn bộ quyền hành. Trong lúc đó, hàng ngàn gia đình người Mãn Châu lo sợ bị trả thù đã bỏ chạy về quê nhà ở Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 2.11, nhà Thanh bổ nhiệm Viên Thế Khải làm thủ tướng, còn thần tượng của Mao là nhà quân chủ lập hiến Lương Khải Siêu được bổ nhiệm làm bộ trưởng Tư pháp. Vị tân thủ tướng bắt liên lạc với những người cầm đầu các tỉnh nổi dậy và vài nhà lãnh đạo Đồng Minh Hội, nhưng cuộc thương lượng bất thành, vì các tư lệnh quân sự và những nhà cách mạng đòi lật đổ nhà Thanh, trong lúc Viên Thế Khải mưu tìm một cuộc thỏa hiệp với triều đình. Giữa lúc cao trào cách mạng, Tôn Dật Tiên cuối cùng quay về Trung Quốc ngày 25.12. Không muốn thương lượng với Viên Thế Khải, nhà lãnh đạo Đồng Minh Hội chọn giải pháp quân sự. Ngày 29.12, tại Nam Kinh, cố đô của nhà Minh, các đại biểu các tỉnh nổi dậy tự tuyên bố là Quốc hội và chọn Tôn Dật Tiên làm tổng thống lâm thời. Ngày 1.1.1912, Tôn nhậm chức và tuyên bố thành lập Trung Hoa Dân Quốc.
Đất nước bị chia cắt. Ở Bắc Kinh, quyền lực nằm trong tay hoàng đế và Viên Thế Khải. Ở Nam Kinh, Tôn Dật Tiên nắm quyền. Nội chiến xem ra khó tránh. Chàng trai 18 tuổi Mao Trạch Đông hành xử can đảm, gia nhập Đạo quân Hồ Nam khi nó chuẩn bị tiến ra Bắc.
Nhưng như thực tế cho thấy, chàng tân binh không có dịp lâm trận. Khi đất nước phân rã, quân đội mau chóng đóng vai trò quan trọng hơn, nhưng Tôn Dật Tiên không có một đạo quân nhà nghề và do vậy, mau chóng đánh mất quyền lực thực sự. Hầu hết đại biểu Quốc hội từng bỏ phiếu cho Tôn nay tìm cách thỏa hiệp với Viên Thế Khải. Họ chỉ đơn giản sử dụng Tôn Dật Tiên như một quân bài trong một canh bạc với tư lệnh Đạo quân Bắc Dương. Là những người chủ yếu ôn hòa, họ muốn một nhà hoạt động chính trị cẩn trọng làm tổng thống, hơn là một người có thể dẫm đạp lên truyền thống như Tôn Dật Tiên. Nhiều người trong số họ là kẻ quả đầu có thế lực sợ việc thực thi Thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên nhắm thiết lập quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Trong mắt họ, Viên Thế Khải là người lý tưởng. Họ cần Tôn Dật Tiên trong vị thế tổng thống lâm thời chỉ nhằm gây sức ép lên vị tướng còn lưỡng lự, và họ đã thành công. Khi cuối cùng nhận ra rằng đa số trong Quốc hội ở Nam Kinh xem Tôn Dật Tiên chỉ như một nhân vật quá độ, Viên Thế Khải chuyển đòi hỏi thoái vị đến vị hoàng đế bé con Mãn Châu. Ngày 12.12.1912, vị hoàng đế Phổ Nghi 6 tuổi chính thức thoái vị. Cách mạng toàn thắng! Ngày 14.2, Tôn Dật Tiên đệ đơn từ chức, và được Quốc hội nhất trí tán thành. Hôm sau, các đại biểu nhất trí chọn Viên Thế Khải làm tổng thống lâm thời.
Sau sáu tháng trong quân đội Hồ Nam, Mao quyết định quay trở lại trường để hoàn tất việc học. Thư xin giải ngũ được phê duyệt. Ông rời quân đội với một ấn tượng tốt đẹp. Lần đầu tiên trong đời Mao có được mọi thứ cần thiết. Mao nhận một khoản lương rất khá: 7 đồng bạc trắng một tháng (cần nhớ lại ở trường Tiểu học Đông Sơn, Mao trả không đến một đồng bạc trắng cho 5 tháng học phí, phí lưu ngự và phí thư viện). Mao khác với khối đông binh lính, hầu hết trong số họ là người bần khổ thất học vào lính đơn giản chỉ vì không kiếm được gì để ăn. Biết giá trị của mình, chảng sinh viên hãnh diện không thể không có cái nhìn thương hại đối với những người như vậy. Mao sau này nhớ lại với Edgar Snow: “Tôi tiêu hai đồng một tháng vào chuyện ăn uống. Tôi cũng phải mua nước. Binh lính phải chở nước từ bên ngoài thành phố vào, còn tôi là một sinh viên, không việc gì phải hạ mình chở nước. Tôi mua của người gánh nước”.
Quả là một thổ lộ lí thú từ miệng nhà lãnh đạo dân lao động. Sao mà tất cả bọn họ giống nhau đến vậy – Lenin, Stalin, Mao. Dù đấu tranh cho công bằng xã hội, họ không nghĩ về chính họ như cùng một giuộc với những người khác, mà tự nâng mình lên trên đám đông.
Mao giờ thấy mình đang đứng ở ngã tư đường. Ông ham học, nhưng không biết mình muốn trở thành gì. Ông bắt đầu tìm đọc thông báo tuyển sinh. Đầu tiên ông chú ý đến trường đào tạo cảnh sát, nhưng rồi ông sớm đổi ý và ghi danh vào trường dạy pha chế xà phòng. Rồi, bị bạn bè lôi kéo, quyết định trở thành thẩm phán, và đăng ký vào trường luật, rồi vào một trường thương mại trung cấp, rồi một trường cao đẳng thương mại công lập. Mao còn trẻ, và cũng như nhiều người trẻ lứa 18 và 19, Mao muốn trở thành mọi thứ cùng lúc. Trường Cao đẳng Thương mại Công lập đòi hỏi trình độ tiếng Anh tốt, nhưng Mao chẳng có khiếu về ngôn ngữ. Sau khi học trường thương mại đúng một tháng, Mao rời trường mùa xuân 1912 và bước vào Trường Trung Cao tỉnh Hồ Nam vốn sẽ sớm đổi tên thành Trường Trung cấp Tỉnh số Một.
Rồi ông cũng chẳng học được lâu. Ông nhớ lại: “Tôi không thích Trường Trung số Một. Chương trình học của nó thì hạn chế, còn quy chế của nó thì khó chịu” (7). Thất vọng với trường và thầy, Mao quyết định tự học. Trong nửa năm trời, ngày nào Mao cũng đến thư viện tỉnh Hồ Nam, nơi ông dành phần lớn thời gian tìm đọc địa lý, lịch sử và triết học phương Tây. Chủ nghĩa tự do, mà giờ ông thấy hấp dẫn, đến Trung Quốc từ châu Âu và Mỹ cùng với chủ nghĩa tư bản. Ở tuổi 19, lần đầu Mao nhìn thấy tấm bản đồ thế giới và sững sờ với nó. Ông bắt đầu đọc các tác phẩm cơ bản của nền dân chủ đương đại phương Tây, bao gồm “Sự thịnh vượng của các quốc gia” của Adam Smith, “Về nguồn gốc các giống loài” của Charles Darwin, “Về tinh thần pháp luật” của Montesquieu, cũng như các sách của John Stuart Mill và Herbert Spencer. Ông tìm thấy trong thư viện các bộ tuyển thơ nước ngoài, thần thoại Hy Lạp cổ đại và các tác phẩm về lịch sử và địa lý Nga, Mỹ, Anh, Pháp và những nước khác.
Cha Mao ngưng gửi tiền cho con trai. Mao Di Xương không thích đứa con đã lớn lang thang khắp thành phố mà chẳng có việc gì, thay trường gần như mỗi tháng và đòi nhà gửi tiền. Mỗi lần ghi danh vào một trường mới, Mao viết thư cho cha, van nài đấng “tiên tổ” mà ông xem thường này gửi tiền cho ông, mà một bạc trắng trong số đó dùng cho phí ghi danh. Sinh hoạt ở Trường Sa không rẻ. Vậy sao Mao thích dựa vào người cha hơn là kiếm một việc làm? Ở một thành phố lớn như Trường Sa, có nhiều cơ hội tìm ra việc, dù đa số là việc vặt. Ở tỉnh lỵ, nhiều nhà mới được xây, đường sá được lát nhựa, thương mại thì sôi động. Có thể Mao không kiếm được công việc culi (phu xe hay phu khuân vác) do chúng đã bị các băng đảng kiểu mafia kiểm soát, nhưng ông có thể dạy tư hay viết quảng cáo. Nhưng Mao thậm chí không tính đến những khả năng này. Là một sinh viên, một nhân sĩ tiềm năng, một trí thức, Mao cảm thấy mình thuộc về một giai cấp cao hơn binh lính, nông dân và culi. Tất nhiên, Mao không phải là người duy nhất mắc phải những cảm nhận như vậy đối với lao động. Thái độ ngạo mạn này là phổ biến trong giới ông. Không chỉ Mao mà những trí thức trẻ khác có xuất thân giống nhau với học lực chỉ hết bậc tiểu học đều cảm thấy mình là thành phần đặc biệt trong một xã hội mà gần như tất cả đều mù chữ. Ba mươi năm sau, khi nhắc lại cuộc sống ở Trường Sa trong một bài phát biểu công khai trước các đồng chí trong Đảng Cộng sản, chính Mao thừa nhận: “Tôi bắt đầu cuộc đời như một sinh viên và ở trường tập nếp sống của một sinh viên; tôi quen dần với việc cảm thấy không phù hợp với tư thế khi phải làm cho dù một công việc chân tay nhỏ nhặt, chẳng hạn như khuân hành lý của mình trước mặt các bạn đồng môn. Họ cũng chẳng thể khuân vác thứ gì, hoặc trên vai hoặc trong tay. Lúc đó, tôi cảm thấy trí thức là người duy nhất sạch sẽ trên thế giới, còn nông dân và thợ thuyền thì bẩn thỉu. Tôi không ngại mặc đồ của những trí thức khác, vì tin rằng chúng sạch, nhưng tôi không bao giờ mặc đồ của nông dân và công nhân, vì tin rằng chúng bẩn” (8).
Trong lúc đi lang thang khắp các phố, Mao thường đi ngang qua các culi, thợ xây dựng, phu khuân vác, bán hàng rong và những người không may khác. Hành khất van xin người đi đường bố thí. Cách mạng chẳng mang lại một đổi thay nào cho những người này. Thợ thuyền làm việc từ sáng sớm cho đến tối mịt, đến kiệt sức. Từ sáng đến khuya, đường phố lúc nhúc những phu khuân vác ăn mặc lôi thôi trông đến thảm – quần lửng dài đến quá gối và những chiếc áo rộng thùng thình. Một số gánh lương thực trên những tay đòn dài; số khác đẩy xe đòn với các tấm vàn nhỏ ghép hai bên. Đây là phương tiện vận chuyển chính trong thành phố. Một culi tự ghịt lưng vào xe, thòng một sợi dây dầy quanh gáy rồi nắm chặt hai đòn tay dài bằng tre. Khách ngồi hai bên bánh trên những tấm ván trong lúc culi gồng mình kéo xe về phía trước. Gương mặt của những phu khuân vác và phu xe hốc hác vì lao động cực nhọc. Thỉnh thoảng họ nghỉ ngơi một lát, uống tách trà xanh, ăn một dĩa nhỏ gạo rang, hay hút điếu thuốc.
Mao Trạch Đông vẫn chưa cảm nhận được nỗi khổ nhọc của giai cấp cần lao. Ông quan tâm hơn đến các vấn đề sâu sắc liên quan đến sự phục hưng của đất nước. Tuy nhiên, sống mà không tiền thì chẳng thể suy tư triết lí được. Chỉ khi nào đứa con chịu lập nghiệp thì ông bố khó chịu mới hứa sẽ chu cấp tiền. Cuối cùng, Mao quyết định trở thành thầy giáo. Vào mùa xuân năm 1913, ông vào học trường Sư phạm số Bốn tỉnh Hồ Nam.
Xiao San, người bạn hồi học ở Đông Sơn, đang học ở đó và thuyết phục Mao vào học cùng (9). Đó là một trường miễn học phí với khoảng 200 sinh viên. Một năm sau, năm 1913, chính quyền tỉnh quyết định sáp nhập trường này vào trường Sư phạm số Một lớn hơn và có cơ sở vật chất tốt hơn với hơn một ngàn sinh viên. Mao cũng như những sinh viên khác được tự động chuyển sang trường mới. Trường Sư phạm số Một nổi tiếng ở Trường Sa và được xây dựng vào cuối triều Thanh, năm 1903. Tòa nhà của nó hiện đại nhất thành phố. Dân thành phố gọi là “Dinh Tây” vì nó được xây theo kiến trúc châu Âu. Đường sắt chạy ngay sát sân trường, còn bên kia sân là dòng sông Tương tuyệt vời. Vào những ngày nắng nóng, sinh viên ra nghỉ trên bãi cát ven sông.
Mao nhanh chóng làm bạn với Xiao Zisheng (Tiêu Vũ), anh của người bạn Xiao San. Được xem là người học giỏi nhất trường, sinh viên năm ba Tiêu Vũ tỏ ra quý mến người sinh viên mới ngay từ đầu. Mao và Tiêu Vũ thân thiết với nhau trong một thời gian dài, cho đến năm 1921 thì họ rẽ theo hai hướng khác nhau, khi Tiêu Vũ phản đối việc thành lập ĐCSTQ. Sau này, vào năm 1958, Tiêu Vũ đang sống lưu vong ở Uruguay đã in quyển hồi ức về thời thơ ấu và tuổi trẻ của Mao có nhan đề Mao Trạch Đông và tôi là những kẻ ăn mày (10).
Tiêu Vũ miêu tả ấn tượng ban đầu của ông về chàng sinh viên mới:
“Một bạn đồng môn Thiều Sơn ‘cao lớn, vụng về, ăn mặc bẩn’, với đôi giày cần được chữa ngay. Bề ngoài của Mao không có gì là không bình thường, như một số người vẫn cho như vậy, với mái tóc phủ dài xuống trán, giống những kẻ xấu trong tranh vẽ của các họa sĩ thời xưa, cũng chẳng có nét gì nổi bật... Đối với tôi, anh ta luôn là một người có vẻ ngoài bình thường. Khuôn mặt tương đối rộng, nhưng cặp mắt chẳng to, cũng chẳng linh lợi , cũng chẳng có ánh nhìn tinh quái, láu lỉnh như đôi lúc người ta vẫn gán ghép, Mũi Mao dẹt, đúng kiểu của người Trung Quốc. Đôi tai cân đối, miệng nhỏ, hàm răng trắng và đều. Hàm răng trắng tốt giúp cho nụ cười của Mao thêm duyên dáng, đến mức không ai có thể nghĩ rằng Mao không thực sự thành thật. Mao bước đi khá chậm, đôi chân hơi bè, tạo thành dáng của một con vịt đang sải bước. Động tác ngồi xuống hay đứng lên của Mao diễn ra rất chậm. Mao cũng nói chậm rãi và hoàn toàn không phải là người biết cách diễn thuyết”(11).
Hầu hết các sinh viên trường Sư phạm số Một biết cách đánh giá người khác không qua vẻ bề ngoài, mà bằng chiều sâu, đều lập tức thích Mao. Đúng ra Mao là một sinh viên không chuyên cần lắm. Mao nghĩ mình có quyền chỉ học những môn nào mà Mao xem là lý thú và dễ học, chẳng hạn các khoa học xã hội và văn học. Mao thờ ơ với các môn khoa học tự nhiên, tiếng Anh, số học và vẽ. Viết được xem là môn quan trọng nhất và Mao luôn đạt điểm cao nhất với những bài luận của mình. Do vậy, bất chấp mọi thứ, Mao vẫn đạt thứ hạng tốt. Thói ham đọc không rời bỏ Mao. Xiao San nhớ lại: “Mao Trạch Đông nghiện đọc các triết gia Trung Quốc và châu Âu, tóm kết và mở rộng các ý tưởng của họ trong quyển sổ tay của mình. Mao viết nhanh như thể hoa lửa đang bay ra từ ngòi bút của mình. Các bài luận trên lớp của Mao được dán lên bảng thông báo của trường để làm mẫu. Mao có thể đọc nhanh gấp hai ba lần người khác. Trong thư viện, Mao luôn ngồi với một chồng sách bên cạnh” (12).
Mao kết thân với một sinh viên khác có tên là Cailin Bin. Anh ta tên thật là Cailin Hexian, nhưng chọn cho mình biệt danh Bin khi vào trường, như muốn chứng tỏ cho thấy nó mới thật phù hợp với tính cách của mình. Cailin Bin có một trí thông minh tuyệt vời bẩm sinh. Cũng cao như Mao, với mái tóc dầy, cặp mắt buồn và suy tư, Cailin nổi bật so với những người khác. Sách là niềm đam mê của anh. Cailin có thể trải qua nhiều ngày mà không rửa mặt, cả tháng mà không cạo râu hay thay đồ. Sau này, dưới cái tên Thái Hòa Sâm, anh trở thành một trong những người tổ chức chính phong trào cộng sản ở Trung Quốc. Chắc chắn rằng mối quan hệ với những con người mới và lý thú như Thái Hòa Sâm đã làm phong phú cuộc sống của Mao. Chính Thái sau quãng thời gian hai hay ba năm đã thuyết phục được Mao về tầm quan trọng của “vấn đề công nhân” và giải thích nhu cầu tổ chức một đảng cộng sản.
Ảnh hưởng lớn nhất lên Mao ở Trường Sư phạm số Một là bốn thầy giáo của Mao. Trường Sư phạm số Một nổi tiếng nhờ đội ngũ giáo viên. Nhiều người trong số họ đã đi học nước ngoài và thông thạo tiếng Anh, Pháp và Nhật. Một vài người sau này được mời thỉnh giảng ở các đại học danh tiếng nhất Trung Hoa, gồm cả Đại học Tổng hợp Bắc Kinh và Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Một người trong số họ là Yuan Jiliu (hay Yuan Zhongqian), mà mọi người đều gọi là Yuan Rậm Râu, dạy Mao cách viết những bài luận hay. Những người khác, chẳng hạn như Từ Đặc Lập và Fang Weixia, hội viên Đồng Minh Hội tham gia Cách mạng 1911, khắc sâu vào đầu Mao niềm tin trung thành với những nguyên lý cộng hòa và củng cố tấm lòng yêu nước của ông. Mao hồ hởi đến mức ông đúng là gập đầu trước Từ Đặc Lập. Trong cuộc đấu tranh đòi hiến pháp, thầy giáo Từ đã chặt đứt ngón tay như một sự biểu lộ tấm lòng trung kiên. Dùng máu chảy ra từ vết thương, ông viết một thư thỉnh nguyện gửi các đại biểu Quốc hội Thanh triều khẩn cầu họ thuyết phục nhà Thanh tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp. Cả Từ và Fang về sau đều trở thành những nhân vật quan trọng của ĐCSTQ (13).
Nhưng người có ảnh hưởng chính trong đời sinh viên của Mao là giáo sư Dương Xương Tế, một quý ông lịch thiệp vừa qua tuổi 40. Ông cuốn hút sinh viên bằng sự hiểu biết sâu rộng về triết học và luân lý học Trung Quốc và phương Tây. Năm 1898, ông tham gia phong trào cải cách và làm quen với nhiều nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc. Năm 1903, ông rời Trung Quốc và sống nhiều năm ở nước ngoài, học ở Nhật, Scotland và Đức. Ông đến Trường Sa năm 1913 và ngay lập tức tỉnh trưởng Đàm Diên Khải mời đảm trách Sở Giáo dục (14). Ông lịch sự từ chối, vì thích vị thế bình thường của một giảng viên ở Trường Sư phạm số Một hơn là một chức vụ cao trong bộ máy công quyền. Ông cũng dạy ở Trường số Bốn, nơi Mao lần đầu gặp ông mùa thu 1913, trước khi nó được sáp nhập vào Trường số Một. Vậy là khởi sự tình bạn kéo dài bảy năm giữa thầy và trò cho đến khi Dương Xương Tế qua đời vào giữa tháng 1.1920.
Họ chia sẻ một niềm kính mến lẫn nhau. Mao nói với Edgar Snow về Dương Xương Tế như sau: “Thầy giáo tạo cho tôi ấn tượng nhất là Dương Xương Tế, một sinh viên trở về từ Anh... Ông dạy luân lý học, một người duy tâm, một người có tính đạo đức cao. Ông vững tin vào các quan điểm đạo đức của mình và cố hun đúc ở sinh viên niềm mong ước trở nên người công chính, đạo đức, có ích cho xã hội” (15). Còn đây là đánh giá của Dương Xương Tế đối với người học trò yêu của mình: “ Sinh viên Mao Trạch Đông nói rằng cậu ta đến từ một địa phương nằm ở nơi giáp ranh giữa Tương Đàm và Tương Hương... Quê nhà Mao nằm trong vùng núi cao, nơi người ta sống quần tụ theo dòng tộc. Hầu hết họ là nông dân... Cha Mao trước cũng là nông dân, nhưng giờ trở thành lái buôn. Người con trai cũng là nông dân. Gia đình bên ngoại ở Tương Hương, họ cũng là nông dân. Tuy nhiên, khó mà tìm ra một ai đó thông minh và đẹp người như Mao... Nhiều tài năng khác lạ đã xuất hiện từ gia đình nông dân”(16).
Giáo sư Dương Xương Tế nổi danh trong trường là “Khổng Tử” nhờ phương pháp giáo dục và kiến thức uyên bác của ông. Ngoài môn luân lý học, ông dạy logic học, triết học và giáo dục học (17). Ông là người tin theo chủ nghĩa tự do phương Tây, được ông xem là gần cận với tư tưởng của nhà triết học Khổng giáo Vương Dương Minh (1472-1529) và một nhà Khổng học lớn khác, Wang Chuanshan (1619-1692), hai trong số ít ỏi nhà tư tưởng Trung Quốc xem cá nhân có tầm quan trọng toàn diện (18).
Học trò của Dương Xương Tế hào hứng lắng nghe và trò chuyện với ông nhiều ngày liền. Họ thậm chí còn tụ họp ở nhà ông vào các ngày Chủ nhật. Những tư tưởng như là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân sẽ mở ra trước mắt học trò của Dương Xương Tế con đường dẫn đến công cuộc xây dựng lại xã hội Trung Quốc theo hướng tự do-dân chủ. Tuy nhiên, trong lúc thảo luận tư tưởng của Vương Dương Minh và các triết gia phương Tây, điều khiến giáo sư Dương Xương Tế chú ý không phải là ý tưởng trừu tượng về tự do chung chung, mà là chủ nghĩa cá nhân theo hướng hoàn toàn vụ lợi bên trong khuôn khổ của “anh hùng và đám đông”. Điều Trung Quốc cần, ông nhấn mạnh, là những cá tính mạnh mẽ, và ông kêu gọi học trò phải cố tìm cách tự tu dưỡng mỗi ngày. Ông nói với họ: “Các cậu tốn quá nhiều thời gian vào việc tự chối bỏ mình, và quá ít vào việc rèn luyện tinh thần” (19). Dương Xương Tế tin rằng cá nhân mạnh mẽ có quyền tự nâng mình lên trên nền tảng đạo đức chung của đám đông. Từ góc độ của người thầy của Mao Trạch Đông, luân lý học nên được hướng vào một mục tiêu: tự hoàn thiện cá nhân.
Dưới tác động của người thầy, Mao bắt đầu đọc bản dịch bằng tiếng Hoa tác phẩm Hệ thống luân lý của nhà triết học Đức thế kỉ XIX Friedrich Paulsen. Ông này khẳng định hoạt động của một người khi được tập trung toàn bộ vào việc đạt cho được một mục tiêu đã được xác định, thì hoạt động này được xem là giá trị cao nhất và gần như tuyệt đối. Lời rao giảng này thuyết phục Mao rằng ý chí kiên định của một con người vĩ đại có giá trị vượt lên trên mọi nguyên tắc luân lý khác. Một ý thức hệ như vậy, vốn được diễn đạt bằng khẩu hiệu quen thuộc “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, phản ánh chính xác thiên hướng của Mao, một người cao ngạo xuất thân từ tỉnh lẻ đang thèm khát vinh quang. Mao để lại cả một khối lượng lớn ghi chú bên lề quyển Hệ thống luân lý. Chúng gồm tất cả hơn 12 ngàn chữ. Dưới dây là một số trích đoạn tiêu biểu:
“Mục đích không liên quan đến tri thức mà chỉ liên quan đến cảm tính và ý chí... Các quy định đạo đức không mang tính ràng buộc, chúng mang tính miêu tả... Hiểu theo nghĩa rộng không có đạo đức chung cho toàn thể loài người... Đạo đức thay đổi theo thời gian, nhưng nó vẫn cứ là đạo đức... Đạo đức không giống nhau trong những xã hội khác nhau, với những con người khác nhau... Do con người có bản thể riêng, và vì nó mà chính mình là trung tâm của mọi thứ và mọi tư tưởng, quyền lợi tự thân là ưu tiên cao nhất cho tất cả mọi người... Điểm xuất phát của tính vị tha là chính mình, tính vị tha liên quan đến chính mình. Không thể nói rằng có một thứ tinh thần thuần vị tha nào đó mà lại không có chút ý niệm nào về quyền lợi tự thân. Trên đời này không có bất cứ thứ gì lấy cái khác làm điểm xuất phát và chính mình không tìm cách ban tặng vật gì đó trên đời mà lại hoàn toàn không liên quan đến chính mình... Paulsen cũng lấy chủ nghĩa cá nhân làm nền tảng cho mình. Đó là một chủ nghĩa cá nhân của tinh thần, và có thể được gọi là chủ nghĩa cá nhân tinh thần... Đạo đức mù quáng chẳng có chút giá trị nào... Trong địa hạt luân lý học, tôi ủng hộ hai nguyên lý. Thứ nhất là chủ nghĩa cá nhân. Mọi hành động trên đời đều có mục đích là làm thỏa mãn cá nhân, và toàn bộ đạo lý phục vụ cho hoàn thiện cá nhân... Bày tỏ thiện cảm đối với người khác và mưu tìm hạnh phúc cho người khác đều không phải là vì người khác, mà là cho chính mình... Tôi hồ nghi rằng bản năng tự nhiên không nhất thiết là giả tạo, và ý thức về bổn phận không nhất thiết là chân thực... Chúng ta chỉ có bổn phận với chính chúng ta, chứ không có bổn phận với những người khác”. (20)
Từ tất cả những trích dẫn trên chỉ có một kết luận, và Mao đã viết ra như sau: “Ai đó nói rằng chúng ta phải tin luật luân lý có nguồn gốc từ điều răn của Thượng đế, và chỉ có tin như vậy luật luân lý mới được thực thi và không bị xem thường. Đó là một đầu óc nô lệ. Tại sao ta phải nghe theo Thượng đế thay vì nghe theo chính mình? Chính ta là Thượng đế. Còn có Thượng đế nào khác ngoài chính mình?”(21). Một cá nhân mạnh mẽ không bị bó buộc bởi các nguyên lí đạo đức và ra sức đạt đến một mục tiêu vĩ đại. Nền chuyên chính của ý chí và quyền lực vô biên. Đúng là cả một cách diễn dịch mới về chủ nghĩa tự do. Không phải là tự do cho mọi người, mà mỗi người tự làm luật cho chính mình.
Theo như câu đúc kết của Descartes: “Tôi suy nghĩ, do vậy tôi tồn tại”, Mao nhấn mạnh vào đại nhân xưng “Tôi”. Mao vừa bước một bước rời xa khỏi “đạo lý giai cấp” và “đấu tranh giai cấp”. Ông đã cảm nhận được sự vĩ đại của chính mình. Do vậy, ông viết:
“Nhân vật thực sự vĩ đại phát triển bản chất nguyên thủy được Tự nhiên ban cho... Chính điều này làm cho anh ta vĩ đại... Những hành động vĩ đại của người hùng là của chính anh ta, là biểu hiện cho động lực của anh ta, cao thượng và trong sạch, không dựa vào tiền lệ nào. Sức mạnh của anh ta giống như một ngọn cuồng phong bốc lên từ vực sâu, giống như một mong muốn dục tính không thể cưỡng lại của người tình, một sức mạnh không thể bị chặn ngang. Mọi rào cản bung ra trước anh ta” (22).
Mao không hồ nghi việc quần chúng phải nhắm mắt đi theo những chỉ thị của vĩ nhân. Mao cho rằng con người nói chung, người Trung Hoa nói riêng, đều ngu dốt. Tháng 6.1912, Mao viết một tiểu luận ngắn đề cập một cách rẻ rúng đến “sự dốt nát” của dân Trung Hoa vốn không biết xem trọng thành tựu được Mao gán cho những hành động tiến bộ của Thương Ưởng, một đại thần của nhà nước Tần cổ đại trong thế kỉ IV TCN, người sáng lập trường phái Pháp gia. “Luật pháp của Thương Ưởng là thứ luật tốt... Vậy làm sao người ta lại sợ và không tin ông... Qua đó chúng ta có thể thấy dân ta ngu ngốc ra sao” (23). Mao chẳng chút băn khoăn trước sự việc Thương Ưởng là một trong những đại quan khát máu nhất Trung Quốc thời cổ và đã thiết lập một nền chuyên chính hung bạo. Điều đáng kể đối với Mao là Thương Ưởng tự nâng mình lên trên đám đông, có khả năng nắm giữ quyền lực và những cải cách của ông đã làm nhà Tần mạnh lên.
Ý tưởng tự tu dưỡng, tự rèn luyện về thể chất và khí chất đã chiếm lĩnh tâm trí Mao trong những năm tháng này. Ông và bạn đồng học là những người dân tộc nhiệt thành đang mưu tìm cách cứu nước và đang khao khát đấu tranh và không ngại hy sinh quên mình. Chịu sự chi phối của tính tự phụ bất thường, họ tin vào thế ưu việt tuyệt đối của ý chí và lí trí. Họ chối bỏ sự tồn tại của Thượng đế và tin rằng họ có quyền làm bất kỳ thứ gì họ thích. Ông và bạn ông tự rèn luyện cho những trận chiến trong tương lai. Mao nói với Edgar Snow: “Chúng tôi cũng trở thành những người nhiệt tình rèn luyện thân thể. Vào những ngày nghỉ đông, chúng tôi đi bộ xuyên qua những cánh đồng, trèo lên núi, chạy dọc theo các tường thành, lội qua sông suối. Khi trời có nắng nóng, chúng tôi cởi áo và gọi đó là tắm nắng. Đứng trong làn gió xuân, chúng tôi hô to rằng đó là môn thể thao mới gọi là “tắm gió”. Chúng tôi ngủ ngoài trời khi sương giá đã rơi và tắm ngoài sông lạnh giá ngay trong tháng 11. Tất cả diễn ra theo đúng chủ đề ‘rèn luyện thân thể’” (14).
Không phải ngẫu nhiên khi bài báo đầu tiên được in của Mao có tựa là “Về rèn luyện thể chất”. Nó được in trong tạp chí hàng đầu ở Thượng Hải là Tân Thanh Niên trong tháng 4.1917 dưới bút danh “Nhị Thập Bát Hóa Sinh” bắt nguồn từ số nét viết tên của Mao gồm 3 từ: Mao Trạch Đông. Dương Xương Tế giới thiệu bài viết với tạp chí. Mao khẳng định: “Đất nước chúng ta đang cần sức lực; tinh thần thượng võ đã không được cổ vũ. Điều kiện thể chất của dân ta xấu đi mỗi ngày. Đó là những hiện tượng cực kỳ bất an... Nếu thân thể chúng ta không mạnh, chúng ta sẽ run sợ khi thấy bóng dáng quân thù. Vậy, làm sao chúng ta có thể đạt được những mục tiêu của chúng ta, hay tạo ra những ảnh hưởng vươn xa?” (26). Mao đề nghị với độc giả một kế hoạch rèn luyện thể chất tự ông nghĩ ra. Mao tin rằng thể thao không chỉ làm quốc dân mạnh khỏe, mà còn trui rèn ý chí nhân dân. Mao nhấn mạnh: “Ý chí là tiền đề cho sự nghiệp của một người” (27). Sau khi đọc xong quyển sách của Paulsen đầu năm 1918, Mao viết một tiểu luận khác có nhan đề “Năng lượng của tinh thần”. Đáng tiếc là tác phẩm đã không còn, chúng ta chỉ biết là giáo sư Dương thích nó (28).
Ước muốn của Mao trở thành một anh hùng có sức lực, có ý chí, có mục tiêu, không bị trói buộc bởi bất kỳ xiềng xích đạo đức nào là điều có thể hiểu được. Tấm gương của những nhân vật vĩ đại làm đầu óc Mao quay cuồng. Nhưng như thể vẫn chưa đủ để giải thích niềm tin của ông. Trí thức thế hệ ông nếm trải hoàn cảnh suy bại của đất nước như một tấn bi kịch. Không chỉ Mao, mà cả nhiều người cùng trang lứa cũng mơ ước trở thành những người khổng lồ đập nát các cường quốc ngoại bang tham tàn và bọn cường hào địa phương đang bóc lột Trung Hoa. Khó mà tả được họ khao khát đến mức nào đánh bại những người Anh và Mỹ cao ngạo, chấm dứt chế độ cai trị tùy tiện của các quan chức, quân phiệt, trùm sỏ biến chất nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt hơn.
Chịu sự thôi thúc của nhiệt tình yêu nước và niềm mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của dân, mùa hè năm 1917, Mao và người bạn Tiêu Vũ thực hiện một chuyến đi khắp tỉnh Hồ Nam. Họ rảo bước hơn 500km trên những nẻo đường quê bụi bặm, gặp gỡ nông dân, viên chức địa phương, thân sĩ và thương buôn. Mao mặc một áo dài đã cũ, màu sáng, mang theo cây dù và túi sách nhỏ đựng đồ lót, khăn, sổ tay, bút lông và mực. Những vật sau cùng là rất cần thiết, vì là sinh viên họ có thể kiếm tiền bằng cách viết thông báo, chép thơ theo yêu cầu của dân địa phương. Lúc này, thái độ của Mao đối với việc kiếm ăn đã thay đổi. Nông dân cho Mao và Tiêu Vũ cái ăn và chỗ ngủ. Tận mắt nhìn thấy cuộc sống u buồn ở làng quê, Mao có lẽ nhớ lại thời thơ ấu khốn khó. Trong số các anh hùng vĩ đại của quá khứ, có một người mà Mao giờ muốn học theo: đó là Lưu Bang, con nhà nông dân đã cùng dân nghèo nổi dậy và sáng lập nhà Hán. Nhiều năm sau, Tiêu Vũ nhớ lại trong lúc đi lại trên các nẻo đường Hồ Nam, ông và Mao đã trò chuyện về Lưu Bang.
“Lưu Bang là dân thường đầu tiên trong lịch sử trở thành hoàng đế”, Mao nói tiếp với vẻ suy tư: “Tôi cho rằng ông nên được xem như một người hùng vĩ đại!”.
“Ồ, không!, tôi phản bác. “Lưu Bang là một người xấu... Ông ta quá ích kỷ, quá tự mãn để trở thành một hoàng đế!”. Tôi giải thích: “Ông đúng ra chả là gì ngoài một kẻ đầy tham vọng chính trị, nhưng thành công. Ông thay một kẻ chuyên quyền để rồi chính mình cũng vậy... Hãy nhớ lại các chiến hữu và tướng lãnh đã liều thân chiến đấu cho ông? Khi quân ông thắng, họ trở thành những người lãnh đạo tiếng tăm, thế là ông sợ sẽ có ai đó soán đoạt ngai vàng của ông; vậy là ông giết tất cả họ...”.
Mao đáp: “Nhưng nếu ông không giết họ, ngai vàng của ông sẽ không đứng vững và có thể ông sẽ không làm hoàng đế được lâu”.
“Vậy để thành công trong chính trị, phải giết bạn sao?”, Tiêu Vũ kinh ngạc thốt lên. Nhưng Mao không muốn kéo dài cuộc trò chuyện. Tiêu Vũ kết luận: “Cả hai chúng tôi đều biết Mao tự coi mình như Lưu Bang với các tham vọng của ông” (29).
Trở về trường, Mao một lần nữa đắm mình trong các môn khoa học xã hội. Ông tiếp tục đọc rất kỹ các báo và tạp chí, đặc biệt là Tân Thanh Niên và Nhân Dân, tờ báo của Tôn Dật Tiên.
Tình hình ở Trung Hoa ngày thêm căng thẳng. Ngày 6.6.1916, Viên Thế Khải chết. Viên tướng đổi nghề sang chính trị gia này cố cai trị Trung Quốc theo cách cũ, bằng cách cậy vào Đạo quân Bắc dương trung thành. Ông xa lạ với các ý tưởng mới và dân chủ. Không lâu sau khi được chọn làm tổng thống lâm thời THDQ, ông bắt đầu thiết lập một chế độ độc tài công khai trong nước. Ông vấp phải sự chống đối không chỉ từ những nhà hoạt động cách mạng theo Tôn Dật Tiên, mà từ cả đám đầu sỏ quân sự địa phương không muốn giải tán đạo quân dưới quyền và phục tùng ông. Mùa đông năm 1912-1913, Đồng Minh Hội của Tôn Dật Tiên giờ được đổi thành Quốc Dân Đảng (QDĐ) giành một thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử nghị viện. Viên Thế Khải cảm thấy bị đe dọa. Sau khi trnah thủ được sự ủng hộ của các đại cường phương Tây cấp cho ông một khoản vay khổng lồ là 25 triệu bảng (tương đương 100 triệu USD), Viên Thế Khải bắt tay chuẩn bị nội chiến. Tháng Ba, ông ra lệnh ám sát Tống Giáo Nhân, nhà lãnh đạo QDĐ trong nghị viện. Đạo quân Bắc Dương khởi sự dàn quân ở các trung tâm chiến lược trong miền Hoa Trung. Một cuộc nổi dậy chống Viên Thế Khải, được gọi là cuộc cách mạng thứ hai, bùng ra trong tỉnh Giang Tây phía đông, với sự tham gia tích cực của các đảng viên QDĐ. Một số tỉnh khác ủng hộ cuộc nổi dậy, nhưng bị binh lính trung thành với Viên Thế Khải trấn áp. Tháng 11.1913, Viên Thế Khải đặt QDĐ ra ngoài vòng pháp luật, giải tán nghị viện, đình chỉ hiến pháp. Tôn Dật Tiên một lần nữa phải bỏ chạy sang Nhật Bản. Một hiến pháp mới thực sự đặt toàn bộ quyền lực vào tay tổng thống, còn nghị viện được triệu tập lại trong tháng 12.1914 khuất phục trước ý chí của Viên Thế Khải và tuyên bố ông là tổng thống trọn đời.
Tuy nhiên, đến năm 1915, uy quyền của Viên Thế Khải bị phá hủy đáng kể do ông đầu hàng trước chính sách ngày càng hung hăng của Nhật Bản đối với Trung Quốc. Không lâu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng phát, Nhật Bản lấy tư cách là thành viên khối Entente chiếm đoạt thuộc địa của Đức ở Trung Quốc: cảng Thanh Đảo và huyện Vịnh Cửu Châu trên bờ biển phía nam bán đảo Sơn Đông. Nhật Bản đồng thời đoạt luôn tuyến đường sắt do người Đức xây nối Thanh Đảo với Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, cũng như các mỏ của người Đức. Ngày 28.1.1915, Nhật Bản trao cho Viên Thế Khải một tối hậu thư được gọi là Yêu sách 21 điểm, mà nếu được tiếp nhận thì sẽ biến Trung Quốc thành thuộc địa của Nhật. Tin tức về yêu sách láo xược này đã làm giới trí thức phẫn nộ. Ngày 7.5, sợ Nhật Bản điều quân, Viên Thế Khải tiếp nhận hầu hết yêu sách, nhưng ngay cả nghị viện vốn ngoan ngoãn đã từ chối phê chuẩn thỏa thuận. Bất chấp, ngày 25.5.1915, Viên Thế Khải cứ đóng dấu vào thỏa thuận. Một phong trào bài Nhật bùng ra ở Trung Quốc. Những người trẻ đặc biệt phẫn nộ. Mao Trạch Đông bày tỏ cảm xúc bằng các câu sau: “Ngày 7.5 làm ô danh Tổ quốc. Sinh viên chúng ta rửa hận bằng cách nào? Bằng chính mạng sống của chúng ta!” (30).
Cuối tháng 12.1915, nghe theo lời khuyên của Cố vấn Mỹ Frank Goodnow, Viên Thế Khải loan báo phục hồi chế độ quân chủ và tự tuyên xưng là tân hoàng đế. Động thái này càng làm dư luận bùng phát hơn nữa. Ba tỉnh tây nam là Vân Nam, Quảng Tây và Quý Châu tuyên bố độc lập. Đang giữa lúc nội chiến bùng ra, Viên Thế Khải đột ngột qua đời vì bệnh urê huyết ở tuổi 56. Kế vị ông ta là tướng Lý Nguyên Hồng, người tham gia cuộc nổi dậy ở Vũ Xương năm 1911.
Tất cả những biến cố trên tác động đến tình hình xã hội và chính trị của tỉnh Hồ Nam quê nhà Mao. Tỉnh trưởng Đàm Diên Khải gia nhập QDĐ năm 1912 với mưu toan củng cố vị thế riêng trong tư cách là đảng viên chính đảng được lòng dân nhất trong nước. Năm 1913, Đàm ủng hộ “cuộc cách mạng thứ hai” bằng lời tuyên bố Hồ Nam độc lập, nhưng ông ta tính lầm. Viên Thế Khải phái quân chiếm Hồ Nam, tước mọi chức vụ của Đàm Diên Khải. Ông ta chỉ kịp thoát thân cùng với vợ. Người được Viên bảo trợ là tướng Tang Xiangminh bảo thủ được đưa lên nắm quyền ở Trường Sa. Ông này thiết lập chế độ khủng bố và cố diệt sạch nền dân chủ vừa bén rễ. Ông ta cấm mọi loại hoạt động chính trị, kể cả các cuộc mít ting của sinh viên ở các trường trung học và cao đẳng. Trong ba năm cầm quyền của Tang có hỗn danh là Tang Đồ Tể, từ năm đến mười ngàn người bị hành quyết vì lý do chính trị. Khủng bố chỉ tạm dừng sau khi Lý Nguyên Hồng nắm quyền ở Bắc Kinh. Tháng 6.1916, Tang Đồ Tể bỏ trốn đến Thượng Hải trong lớp cải trang là nông dân (32). Đàm Diên Khải quay lại với quyền lực, nhưng chỉ một năm sau bị tướng Fu Liangzuo thay. Không lâu sau, một chế độ khủng bố mới được thiết lập ở Trường Sa bởi tướng Zang Jingyao, người bị dân Hồ Nam gọi là “Zhang Hiểm độc”.
Sau khi Viên Thế Khải chết, quyền lực trung ương vỡ vụn, Hồ Nam sa vào cảnh hỗn loạn, giống như mọi tỉnh khác. Các đạo quân của bọn quân phiệt gồm toàn nông dân mất gốc và những kẻ thất nghiệp, châm ngòi cuộc nội chiến tương tàn. Các cường quốc phương Tây cỗ vũ cho tình hình này, vì muốn bán vũ khí cho Trung Quốc và tranh thủ thêm các ưu đãi kinh tế.
Nhìn chung, Mao có quá đủ lý do để lo lắng cho tiền đồ đất nước. Ông tìm hiểu kỹ các hoàng đế vĩ đại và bất khả chiến bại thời xưa, nhờ năng lực và ý chí của họ mà tổ quốc Mao khiến các láng giềng run sợ và tạo được tiếng tăm đáng tự hào là Trung Quốc tức Vương quốc Trung tâm. Mao bắt đầu tin rằng chỉ sức mạnh mới đáng được nể trọng và chỉ một kẻ chuyên quyền mới đủ sức thống nhất và phục hưng Trung Quốc. Đáng chú ý là Mao kính trọng không chỉ Lưu Bang, mà cả kẻ bạo quyền đáng ghét Tang Xiangming, người Hồ Nam. Sau khi Tang ngã ngựa, Mao viết cho người bạn Tiêu Vũ một bức thư cay đắng:
“ Tôi vẫn cho rằng Tang tỉnh trưởng quân sự không nên bị điều đi xa... Tang có mặt ở đây ba năm, ông ta lại cai trị bằng đường lối thực thi nghiêm ngặt các đạo luật hà khắc... Trật tự được vãn hồi, thời kì yên tĩnh của quá khứ quay lại... Sự việc ông ta giết trên một vạn người là hệ quả khó tránh khỏi... Không làm như vậy, mục tiêu bảo vệ dân tộc khó lòng đạt được. Bất kỳ ai xem những việc này là tội ác thì đều không hiểu đại cục” (34).
Sau này, Mao có chú thêm: “Điều này... không có nghĩa là mọi hành động giết người đều sai... Điều mà chúng ta gọi là xấu xa chỉ là hình ảnh, không phải bản chất” (35). Kiểu lập luận này như vậy khiến người ta lạnh cả sống lưng.
Bây giờ là mùa thu năm 1917. Mao Trạch Đông đã ở tuổi 24 và cho đến lúc này vẫn chưa làm được việc gì đáng kể. Mao nghiến ngấu sách vở, tìm kiếm chân lý trong các trang sách, nhưng giờ đã đến lúc hành động. Cuối cùng, ông đã nắm bắt được cái cần làm. Tâm hồn Mao khao khát chiến đấu, chiến tranh, cách mạng. Ông viết :
« Một quãng thời gian dài hòa bình, hòa bình hoàn toàn, không có bất kỳ xáo động nào là điều không thể chịu nổi đối với cuộc sống con người. Và không tránh được chuyện hòa bình sẽ sinh ra sóng gió... Nhân loại luôn ghét hỗn loạn và hy vọng vào trật tự, mà không hiểu rằng hỗn loạn cũng là một phần của tiến trình sinh hoạt lịch sử, rằng nó cũng có giá trị trong đời thực... Khi con người trải qua thời kỳ hòa bình, con người sẽ buồn chán và gạt sách vở sang bên. Đó không phải vì chúng ta thích hỗn loạn, mà đơn giản là vì thời bình không thể ngự trị lâu dài, là không thể trường tồn đối với con người và rằng bản chất con người là đón nhận sự thay đổi đột ngột. Việc hủy diệt vũ trụ không phải là sự hủy diệt tối hậu... bởi vì từ sự phế bỏ vũ trụ cũ sẽ xuất hiện một vũ trụ mới, và không hẳn là không tốt hơn vũ trụ cũ!” (36).
Chính lúc đó, Mao thổ lộ ý muốn đốt sạch mọi kho tàng thơ văn Trung Quốc được sáng tác từ các thời Đường và Tống. Rõ ràng ông nghĩ chúng không đủ tiến bộ. Ông cuồng nhiệt báo tin cho bạn bè niềm mong muốn đập tan các mối liên hệ gia đình và dấy động một cuộc cách mạng trong mối quan hệ thầy trò (37).
Nhiều năm sau Mao chuyển tải những xúc cảm thời trẻ thành câu đúc kết được toàn thế giới xem là cương lĩnh chính trị của ông: “Tạo loạn là hữu lý”. Còn vào lúc này, Mao tiếp tục mơ ước cùng bạn bè, chỉ có điều là những mơ ước của Mao có hình dáng ngày càng rõ hơn. Vào một ngày ấm áp tháng 9.1917, khi các bạn trong lúc đang vui chơi ngoài trời trên mô đất cao sau trường bắt đầu tranh luận về việc cần làm gì để cứu nước, Mao nói chắc nịch: “Bắt chước các anh hùng Lương Sơn Bạc!” (38). Đó là những nông dân nổi loạn trong Thủy Hử quyển tiểu thuyết ưa thích của Mao.
LÊ PHỤNG HOÀNG