THƯ VÀ BÚT TÍCH CỦA NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG
( 12-11-2013 - 06:34 PM ) - Lượt xem: 1828
Nhà thơ Hà Phương tên thật là Đỗ Thị Thanh sinh năm 1950. thời trẻ nhà thơ học trường bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa 4 do nhà văn Nguyên Hồng là hiệu trưởng, được Nguyên Hồng rất quý coi như con nuôi. Năm 1971 nhà thơ vào chiến trường miền Nam công tác và nhà văn Nguyên Hồng thường viết thư thăm hỏi động viên. Dưới đây là một bức thư do Nguyên Hồng gửi cho nhà thơ.
Hà Bắc 18 – 07 – 1972
Con gái Đỗ Thanh thương yêu!
Dịp hè, bố ra Hội thì nhận được thư con gái. Bố ra để chữa hai bản đánh máy Thời kỳ đen tối và Một tuổi thơ văn. Thời kỳ đen tối sẽ tiếp theo Cơn bão đã đến, còn Một tuổi thơ văn sẽ giới thiệu thêm quãng đời trẻ dại ở nhà trường của bố cũng tiếp cho Bước đường viết văn.
Từ ngày chia tay các con, bố về Hà Bắc viết ngay. Cũng phải tranh thủ. Suýt nữa thì chậm trễ kế hoạch, vì cuối 1971 bố phải thường trực giải thưởng Văn học công nhân.
Gần nửa năm, xong được việc đánh giá một số tiểu thuyết, ký sự, truyện ngắn, viết về công nhân, bố rất mừng và càng tin tưởng, yêu thương các cây bút trẻ. Lê Điệp được tặng thưởng chính thức về thơ. Bố không muốn đề nghị cho nó cả về tặng thưởng về truyện ngắn và kịch, không phải vì giữ kẽ, mà để nó cố hơn nữa.
Toàn những đứa trẻ, rất chịu khó và khiêm tốn: Vũ Hữu Ái với truyện vừa Mở đường, Trần Hoàng Bách, Trần Lưu, Thanh Tùng, vân vân. Phần lớn là công nhân Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội...
Kể mấy chuyện này, bố càng thấy nhớ cái Chiến, cái Hồng bé, tất cả những cái gái quí của Khóa IV cũng như những thằng lấc cấc, nghịch ngợm, rất ranh và rất trong trắng của Trường đang chiến đấu trong đó.
Mấy bài nhận xét và những ý kiến về lực lượng viết trẻ của bố đăng rải trong Tác phẩm mới. Chắc khó khăn lắm mới đến tay các con. Cũng như bố muốn gửi cho các con những bài, những sáng tác của bố, nhưng phải chờ dịp.
Đỗ Thanh con gái, thế là đã hai mùa hè con không ngồi ghế nhà trường nữa; Ngòi bút trong tay con đã trở thành vũ khí cùng với bắp tay mềm yếu của con rắn chắc dần mà chiến đấu với quân thù.
Mùa hè này bố ở Hà Nội những ngày nóng ngột, càng viết, càng căng thẳng trong không khí đánh bại những trận giặc lái bắn phá thủ đô, bố lại càng thấy phải viết.
Hôm ở Nhà xuất bản Văn Học, ở trong hầm nhìn lên trời xanh, bỗng nghe tiếng reo ầm ầm và ngoài đường đương lạnh ngắt bỗng rùng rùng cả lên, mọi người nhảy hết cả lên mặt đường để xem máy bay giặc bị cháy và giặc phải nhảy dù thì lại thấy dân Hà Nội nói riêng và dân ta gan dạ, kỳ thú, bình tĩnh.
Nhất là nữ và trẻ em. Trên đường phố, những tốp bộ đội gái, công nhân quốc phòng và thanh niên xung phong gái đi gần như chỉ có tiếng cười nói chuyện trò của họ.
Sau mùa hè này, bố lại viết tiếp cho xong bản thảo thứ nhất kịch Dương hậu để chuẩn bị tiết mục chào mừng miền Nam. Sang cuối mùa thu, bố sẽ về Hải Phòng. Nếu khóa V mở được, thì bố sẽ giúp một phần, khi bước vào mục truyện và thực tập viết. Mùa gặt tháng mười tới, bố lại viết tiếp bộ Cửa biển, cố xong tập kết cục Khi đứa con ra đời năm 1973 để bắt tay vào tiểu thuyết Hoàng Hoa Thám.
Con gái có gặp chúng nó báo tin bố vẫn khỏe, vẫn đạp cái xe “cùn” từ Yên Thế, qua các cầu phao và đi chơi Hà Nội, đi chơi cả các tỉnh khác. Thằng Nguyễn Vũ Sơn khập khiễng làm kỹ sư địa chất của bố, đã lấy một cô cùng đoàn, sắp có con.
Nếu như có ảnh gửi cho bọn con, thì con sẽ thấy một ông nông dân râu rậm, bế một đứa cháu bé, nhìn về phía các con trong ấy. Thăm các con sức khỏe, viết tốt, bảo ban nhau làm việc thật nhiều kết quả.
Ôm hôn các con.
Nguyên Hồng
Tái bút: Các con bảo nhau ghi viết thật kỹ. Cố sao có được mấy tập ký sự, một tập truyện vừa, truyện ngắn và một kịch bản phim về địa phương nơi các con chiến đấu. Cố gắng phát hiện và giúp những bạn viết gần mình, nhất là những bạn trẻ.
Phải giữ gìn các bản ghi chép, nhật ký và các bản thảo, tìm cách gửi ra. Đọc cho nhau phải rất thẳng thắn trân trọng.
Trang 3 của bức thư