NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THƯ NGUYÊN HỒNG GỬI NGUYỄN HUY TƯỞNG

( 01-12-2018 - 05:57 PM ) - Lượt xem: 1746

BBT gửi đến bạn đọc bức thư của nhà văn Nguyên Hồng gửi Nguyễn Huy Tường và Xuân Sanh ngày 10/8/1952

Bắc Giang ngày 10-8-1952

AA Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Sanh.

   Tôi đã nhận được thư đề ngày 27-7-52 của anh Tưởng do chú Diễm đưa về. Tôi  dã viết ngay thư giả nhời, nhưng đương viết giở thì phải đi họp, sau đó, chú Diễm có tạt qua chỗ chúng tôi để lấy thư thì lại chỉ nán lại có một lúc, nên tôi không thể gửi ngay thư cho hai anh được. Nay xin báo cáo cùng Tiểu ban và Chi bộ mấy điểm chính của sự sinh hoạt của tôi.

   Sinh hoạt tổ   Tôi vẫn sinh hoạt với đồng chí Tố và Kim Lân. Mỗi khi có những hội nghị hay những buổi hội họp văn nghệ ở địa phương, chúng tôi đều bàn định trước thái độ và chương trình mình tham gia. Trong những buổi họp Tổ này, chúng tôi đều kiểm điểm cả sự học tập, sự làm việc và kiểm thảo nhau nữa. Buổi sinh hoạt tổ ngày 20-7-52 vừa qua, chúng tôi có kiểm điểm sự học tập của nhau và ấn định công việc sẽ làm trong Hội nghị Văn nghệ tỉnh Bắc Giang. (Chi tiết thêm về các buổi học này đồng chí Kim Lân tổ trưởng có báo cáo)

   Học tập Tháng 7 vừa qua tôi nghiên cứu

a) - “Ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc” và

    - “Sửa chữa những khuyết điểm thi đua” của Hồ Chủ tịch.

b) - “Công việc nhà văn”của Fa-đa-ép

    - “Kiên quyết quán triệt đường lối Văn nghệ Mao Trạch Đông” của Chu Dương.

    - “Kinh nghiệm sáng tác” của Fađaép và Sêrafimôvích

Tinh thần học tập của tôi tháng này, nói chung kém. Tôi không làm được đều sự học có sổ hàng ngày ghi chép và liên hệ như tháng trước. Nguyên nhân: thiếu tích cực, giời nắng quá, tôi lại đi lỵ. Nhưng nói riêng, với những tài liệu văn nghệ, tôi đã được nhiều kết quả. Tư tưởng, đường lối và kinh nghiệm sáng tác của tôi được sáng tỏ, kiên trì và bồi đắp thêm nhiều. Tôi càng thấy phấn hứng, thận trọng hơn trong sự học tập và sáng tác. Tôi thấy cũng cần phải báo cáo thêm, tôi còn thu thập được nhiều kết quả bằng sự học tập trong Hội nghị Văn nghệ tỉnh Bắc Giang, trong buổi thành lập Tổ Văn nghệ Ty Công an Tỉnh và họp Văn hóa xã hội ở xã. Những cuộc hội họp tuy ngắn, vội, thiếu sót nhưng dẫn tôi đến nhiều vấn đề công tác phải cụ thể, và sự lãnh đạo phải nắm vững quan điểm nhân dân và đường lối quần chúng như thế nào.

Công tác

1/ - Hội nghị Văn nghệ tỉnh Bắc Giang.

Đến dự hội nghị này, tôi gom góp những ý kiến nhằm vào mấy điểm sau đây mà tôi thấy quan hệ:  (tôi cũng có thảo

luận trước với đồng chí tổ chức)

a) Quan niệm về công tác văn nghệ. Tính chất giáo dục và khả năng động viên của văn nghệ - Văn nghệ và tuyên truyền liên quan như thế nào trong công cuộc phục vụ kháng chiến.

b) Khả năng của quần chúng trong sự phát triển văn nghệ nhân dân.

c) Quần chúng phê bình văn nghệ; văn nghệ sĩ cùng công tác văn nghệ tiến bộ trong sự phê bình của quần chúng và sự tự phê bình như thế nào. (Tôi đề nghị, mỗi cuộc nhóm họp biểu diễn đều có sự sinh hoạt tập thể và do đ.c [đồng chí] chi ủy xã tham dự phê bình, và sau khi biểu diễn cũng phải lấy ngay ý kiến phê bình của nhân dân, của cán bộ và phải theo rõi sự phê bình của nhân dân một cách chăm chú, học hỏi.

Tôi có một cuộc nói chuyện “Giới thiệu một ít thơ ca kháng chiến” trong hội nghị này. Nội dung cuộc này, tôi có sự thảo luận đồng ý ở tổ trước khi đến Hội nghị.

2/ - Thành lập Tổ Văn nghệ Ty Công an.

   Trong hội nghị này tôi cũng nhấn mạnh và đưa ra những điểm trên trong những ý kiến và kinh nghiệm tham gia. Về phê bình, tôi đã góp ngay vào cuộc phê bình sau một trò vui nhộn của 1 tổ viên đem ra diễn vài điệu tuồng cổ và chèo. Sự sử dụng và phát triển hình thức cũ của dân tộc đã được nhận định một cách đứng đắn và cụ thể trước hội nghị mà dẫn chứng sinh động là cách biểu diễn và tư tưởng lạc hậu của vai vui nhộn kia.

   Trong hội nghị này tôi cũng có một giờ giới thiệu một ít thơ ca kháng chiến “Thơ ca kháng chiến của chúng [ta] vui, tươi, mát và tình tứ như thế nào?”

   Quần chúng cơ quan ở đây, và nói chung, ở các cơ quan (tôi muốn nhắc đến một tổ văn nghệ chẳng được hướng dẫn, liên lạc gì mà cũng cứ hoạt động (- tổ văn nghệ ở Trại giam -) đều lấy làm vui mừng vì chính quyền đã chú ý đến sự sinh hoạt tinh thần của nhân dân, tổ chức cho nhân dân có sự sinh hoạt đều đặn ấy, và họ đều phấn hứng tham dự vào sự sinh hoạt ấy, cụ thể trong Tổ văn nghệ.

   3/ - Họp ban Văn hóa xã hội ở xã.

   Trong cuộc họp này, tôi rất bỡ ngỡ. Hội nghị toàn những báo cáo công tác kiểm điểm lại mà tôi lần đầu tiên được biết: (Bình dân học vụ, Tuyên truyền văn nghệ, Y tế v.v.). Sự đóng góp của tôi không được mấy, trái lại, tôi được hội nghị mở cho nhìn thấy một số vấn đề sinh hoạt nhân dân và tinh thần làm việc của một số cán bộ công việc đòi hỏi thật nhiều cố gắng và hy sinh ở xã. Vai trò tuyên truyền văn nghệ trong công tác ở xã càng thấy thật là quan trọng và khẩn cấp. Nhất là vai trò của đội văn công để đáp ứng sự khát khao gay gắt về giải trí và giáo dục tinh thần nhân dân trước những quyết liệt mới của kháng chiến đề ra, và tôi cũng như một số lớn anh em văn nghệ phải tham gia trong các đội và phục vụ những cơ sở q.c. [quần chúng] này.

Sáng tác

Trong tháng này, tôi không viết được gì. Tôi muốn viết, nhưng chưa được sự giới thiệu của Tiểu ban với những nơi có những vấn đề đương diễn ra phải viết: chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu, phá âm mưu của địch v.v…, nên không dám viết. Một phần cũng tại khí hậu nóng quá, tôi trong người mệt, ốm nên tôi không viết được một cách cương quyết như trước.

Sau đây là mấy việc của tôi mà anh Tưởng có bảo tôi làm một cuộc kiểm thảo thành khẩn ở Tổ:      

1) Việc xích mích giữa tôi và anh Tạ Thúc Bình.

2) Việc tôi xin thuốc của bộ đội.

1o/ Việc xích mích giữa tôi và anh Tạ Thúc Bình đã được giải quyết bằng một cuộc kiểm thảo giữa tôi và anh Bình. Cuộc kiểm thảo này làm ở trước đồng chí Kim Lân, sau đó, có báo cáo ở Tổ thì đ.c. [Ngô Tất] Tố có bảo: “như thế thì đã êm thấm” cuộc kiểm thảo ấy vậy.

2o/ Việc tôi xin thuốc của bộ đội thì tôi xin phép trình bày để Tiểu ban và Chi bộ nhận xét như sau:

Tháng 6 vừa qua, tôi sốt liên tiếp mấy trận. Có một trận tôi đã nôn và đi ỉa suốt một ngày, uống vào một ngụm nước cũng không được, tôi đã nhờ anh Ruẩn con đồng chí Tố tiêm cho. Sau đó thì mệt quá, tôi sang Bố Hạ nghỉ ở nhà một người bạn. Những ngày đó, vợ tôi cũng ốm, sốt và ho nhiều (gần đây vợ tôi cũng ho ra máu và khi tôi đương viết đây thì đương ho và rên ở giường bên). Sang nhà người bạn này, tình cờ tôi gặp hai anh Tạ Thúc Bình và Hoàng Tích Linh rủ nhau đi khám bệnh và tình cờ tôi được biết có một người bạn tôi làm quân y sĩ trưởng ở nơi hai anh Bình và Linh đến. Tôi có viết một bức thư không dán bì, đưa anh Linh nhờ chuyển cho anh quân y sĩ nọ. Trao thư anh Linh, tôi có căn dặn, nếu anh bạn nọ có thuốc riêng thì cho tôi, bằng không, nếu phải cho tôi thuốc của chính phủ thì phải xem cho đúng nguyên tắc hãy cho, không thì thôi. Còn nội dung bức thư thì là mấy câu hỏi thăm nhau và mấy dòng kê khai bệnh trạng của vợ chồng tôi. Anh Hoàng Tích Linh đã trở về, gửi lại thư tôi, bảo anh bạn nọ mắc bận họp; Tôi đã hỏi gặng lại anh nọ bận thì anh Linh không nhắc đến chuyện phiền của tôi chứ, và tôi đã rất mừng thấy anh Linh không đưa thư tôi trong lúc đó.

Việc xảy ra như thế, nếu Tiểu ban và Chi bộ xét thấy, theo cả sự trình bày của tôi và báo cáo của đồng chí Tố, cần phải rõ thêm điểm gì và tôi lầm lỗi trong tư tưởng, thái độ, hành vi như thế nào, xin để tôi kiểm thảo trước Tiểu ban và Chi bộ, sau khi Tiểu ban và Chi bộ hỏi lại anh Hoàng Tích Linh, người cầm bức thư riêng của tôi và đã nhận việc giúp tôi.

Việc cuối cùng là việc tôi được nghỉ, tôi thấy cần được trình bày cùng Tiểu ban và Chi bộ về điểm này: ăn lương của Sở.

Trước đây, trong giấy viết lên Tiểu ban và trong phiên họp Ban Văn của Sở dạo tháng 5 có những đ.c. Thi, Tố, Sanh, Hoài v.v và những anh em văn nghệ sĩ khác như bác Phan Khôi, tôi đều xin nghỉ với điều kiện không ăn lương của Sở. Đồng chí Thi có nói, trong thời hạn đó tôi vẫn nhận làm đủ những việc cho Sở như soạn sách huấn luyện, viết truyện ngắn, viết bài báo vận động văn nghệ v.v. thì tôi có thể vẫn được lương ăn để mà làm những công việc ấy. Ngày ấy cũng như hiện đây, tôi rất mong Tiểu ban và Sở nếu xét thấy như thế là hợp lý, thì cho tôi được nghỉ dài hạn và không lĩnh lương. Tôi vui lòng được chấp nhận đề nghị này, vì tôi sẵn sàng và cả gia đình tôi cũng sẵn sàng được cố gắng thêm, làm thêm việc, thêm tăng gia hay bảo học ở một trường gần nhà, để giảm bớt sự chi tiêu của Sở, và tránh cho tôi những dư luận không tốt.

Trong thư trước của tôi, tôi có nhắc đến việc xin Tiểu ban và Chi bộ chú ý gửi đều tài liệu học tập cho tôi. Nay tôi lại nhắc lại yêu cầu trên và nhấn thêm gửi cho tôi một số sách đọc dài về sáng tác, văn nghệ. (Những tiểu thuyết cũ, mới của Liên Xô và của các nước dân chủ nhân dân), những số Littérature Soviétique và sách báo của Đảng Pháp. Tôi hết cả sách đọc và mong đợi lắm.

Kính chào xây dựng Tiểu ban và Chi bộ mạnh.

     Nguyên Hồng

Các Bài viết khác