QUYỀN ĐƯỢC RÊN (phần 2)
( 04-08-2018 - 05:06 AM ) - Lượt xem: 1528
Sắp xuống lỗ rồi mà ông còn thơ ngây thế? Ông tưởng Rên là tội nhẹ lắm ư? Các ông ngày xưa ngợi ca – hát ông ổng còn bị kẻ độc miệng cho mang vạ. Giờ lại đòi Rên. Quyền được Rên! Ơ hơ…quyền được Rên! Ngớ ngẩn, ngớ ngẩn hết chỗ nói…
Ông từ từ mở mắt, nhấp nhẹ một hớp chè, tự thưởng cho cái trí nhớ của mình. Mấy chục năm ba chìm bảy nổi ngỡ tưởng tất cả đã trôi vào quên lãng, nào ngờ… Ông nhớ rõ từng chi tiết, từng từ ngữ, từng biến thái sắc mặt của văn sĩ Trần trong cuộc trò chuyện đó. Giờ đây bạn ông đã là người thiên cổ. Hết rồi, đời của một con người tài hoa bạc phận nhưng những gì bạn ông làm được lúc văn chui – rượu lậu vẫn còn cả đấy… Những trang văn, những bài thơ bạn âm thầm viết, giấu vợ, giấu con, giấu bè giấu bạn… mà sao thấm đẫm tình người, mà sao run rẩy cõi không gian. Giá mà ông Trần còn sống, cùng ông đi dự lễ phát giải thưởng văn chương cho ông Sâm (trong lũ chúng ta) thì ông Trần sẽ nói gì, khi thấy cảnh vợ con ông Sâm xốc nách, đặt ông lên ghế ngồi. Còn ông Sâm chỉ lặng lẽ ngồi, mặc cho mấy giọt cặn lệ khó nhọc rỉ ra nơi khóe mắt. Một vinh quang cay đắng. Một hạnh phúc muộn mằn. Ai đó nói nhỉ:
Hạnh phúc đến sao người thân nước mắt rưng rưng
Hạnh phúc muộn, mong manh hơn sợi khói
Hạnh phúc đến, anh lặng không cười nói
Anh biết mình, không còn được như xưa…
Thương những giọt nước mắt rơi
Nuối tiếc thời hoa đỏ
Lo sợ ngày mai…
Trên đỉnh cao vời vợi
Gió rít mịt mùng
Đỉnh chon von, chơi vơi…
Mà anh tóc bạc, da mồi…
Hạnh phúc muộn như trái cây chín ép
Chỉ nhợt nhờ, ưng ửng đến quái thai
Chỉ sợ xấu trai!
Không cần đẹp lão!
Phải lắm! Đẹp lão còn nhử được ai! Mà có nhử được cũng bất lực, phí cả cái đẹp đi. Nhưng nói thế liệu có thái quá không? Vì méo mó có vẫn hơn không. Hơn nữa, chí ít đó cũng là sự ghi nhận: lũ các ông đâu phải tồi. Suối giải oan cũng bớt đi được vài chục giọt… Ông tủm tỉm cười khi nghĩ tới cảnh ông hân hoan từ nhà văn sĩ Trần về báo cho vợ con biết tin: ông đã trúng tuyển và được bổ nhiệm làm thằng đẩy xe bò kiêm bốc vác trong tổ vận chuyển Toàn Thắng – không bại. Nghĩ vợ con cũng mừng rú như ông, nào ngờ… Họ ôm mặt khóc thút thít. Những tiếng nấc nức nở, xót thương làm ông hoảng sợ. Thời gian sau, khi công việc đi vào ổn định, cả nhà đã quen cảnh sáng sáng ông úp chiếc nón rách lên đầu, tay xách liễn cơm lầm lũi bước ra khỏi nhà, vợ ông mới nói: hôm đó họ khóc vì họ thương ông quá. Một nguời chữ nghĩa đầy mình, thông minh sáng láng, tiếng Tây tiếng Tầu vanh vách…, phải đi tù còn có thể hiểu được, chứ làm ông xe bò kéo thì họ chưa bao giờ tưởng tượng được. Cái bà, trông thế mà lạc hậu. Còn vương vít tư tưởng tiểu tư sản (Tạch – Tạch – Sè). Thời đại mới: lao động là vinh quang. Là nhà văn, là nghệ sĩ, là giáo viên hay anh hót cứt đều vinh quang tuốt. Ăn trộm ăn cướp của ai mà xấu hổ. Hơn nữa, lao động sinh niềm vui. Tự giác ngộ mình thế thôi, nhưng thực lòng những ngày đầu đi đẩy xe bò ông thấy ngượng ngùng, xấu hổ… Vẫn chỉ dám cắm mặt xuống đường và rất lo gặp người quen. Lòng tự nhủ phải dấu mình, để lòi đuôi ra thì rách việc lắm…
“… Li ti đi dưới gầm trời
Vẫn lo nhiều lúc mây rơi trúng đầu…”
Rồi cũng dần dần quen… Những ngày đi đẩy xe bò, cắm mặt xuống đất ông thấy lòng thanh thản, đầu óc thư thái, ăn ngon ngủ say. Vĩnh biệt nhé danh hão! Vĩnh biệt nhé họp hành, kiểm điểm! Rồi ông cũng tự nhiễm những “thói quen nghề nghiệp”: nắng thì úp mê nón rách lên đầu, nóng thì quần đùi - cởi trần, khát thì chổng mông bên vòi nước công cộng, mưa thì phủ chiếc áo tơi… Những thói quen rất tốt cho cuộc sống đầy cảnh giác. Giờ thì ông đã an tâm sống. Trong con mắt của đồng nghiệp, cái anh Hoàng hiền đến mực cậy mồm mới nói vài câu, chỉ được cái hùng hục làm, đích thực là người của họ, cũng bố cu mẹ đĩ, cũng thành phần cốt cán, không có gì phải cảnh giác. Cuộc sống và sự nghiệp của ông sẽ êm ả trôi nếu không có một lần… Quái lạ, cái đất nước mình, ở đâu, môi trường nào cũng có gái đẹp mới chết chứ. Cái cô Thúy đã đi đẩy xe bò mà người ngợm cứ ròn tan, tươi tắn. Lại còn cái mắt, cái mồm mới diệt giới làm sao. Lại còn cứ tìm cớ trêu chọc, va chạm. Những va chạm, tình tứ làm ông nhớ về những ngày tháng huy hoàng… Những cô đào, nghệ sĩ lừng danh thiên hạ cũng va thế, cũng chạm thế, cũng liếc thế… Mình là thằng đẩy xe bò, ngơ ngơ, dôn dốt – ông luôn tự nhắc mình và cố lờ như không hiểu những lời trêu chọc:
Ai sinh ra cái xe bò
Để chàng quân tử kéo gò lưng tôm
Dựa lưng vào chiếc xe, ông lấy nón úp lên mặt, vờ như nằm khểnh mặc mẹ đời. Lại vút lên tình tứ:
Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ còn nài vét niêu
Rồi những cái lay, tiếng giục, tiếng cười rạo rực… Nó nhìn cậu, nó cười kìa… Không dằn nổi mình, ông buột miệng:
Gái này là gái cũng liều
Thắt lưng thật chặt giằng niêu với chồng
Tiếng vỗ tay, cười nói rầm rầm làm ông hứng khởi. Chợt nhận thấy ánh mắt nghi ngờ, cảnh giác của ông tổ trưởng. Ông giật mình ân hận. Rồi đến một trưa nắng. Nắng mềm đường nhựa. Nắng cháy gió. Có hai người Pháp đỏ như tôm luộc nói với nhau những lời lo lắng vì lạc đường. Ông bèn chỉ cho họ biết đường về khách sạn Metropol… Việc chỉ vậy thôi nào ngờ… Chỉ ít phút sau ông đã phát hiện thấy tay tổ trưởng bí mật vào đồn công an trình báo những điều nghi vấn. Ông ghìm tiếng thở dài, số kiếp ông sao khổ vậy, người ta làm người lao động sao dễ thế, mà ông… Ông nhớ tới ông Xuân ở bãi Phúc Tân, trốn cải cách ở quê lên bãi sinh sống. Cũng trắng trẻo thư sinh như ông, cũng tiếng Tây tiếng Tàu làu làu mà cũng xe bò ba gác như ông, tối tối còn xách cái đèn dầu đi học bình dân học vụ. Hai năm ròng học không xong cái vỡ lòng nên gia đình được xếp thành phần dân nghèo thành thị. Giờ đây ông ấy đã là người lao động thực thụ rồi, không còn ai eo xèo, xoi mói. Thế mà ông đoảng quá… Binh tình này phải nghỉ việc thôi. Gia đình đang đi vào thế ổn định. Các con đang thì lớn, ăn như tằm ăn rỗi. Da vợ, má con đã có chút sắc hồng. Chẳng ai còn phải khảnh ăn như trước…
Ông lại nhấp ngụm chè nhỏ và bất chợt lè lưỡi nhớ tới từng ngày đi đào hầm thuê sau đó. Các cụ nói cấm có sai: Nhất thổ nhì mộc. Ông không thể quên những lần vung chiếc búa chim xuống nền đá ong khô khốc. Hai cánh tay bật chùn lại. Một luồng điện giật nẩy toàn thân. Ông khạc mạnh vào lòng bàn tay một bãi đờm vấy máu. Lúc đó ông hoảng hồn, nhưng rồi lại có cách tự trấn an mình. Hồi ở nhà tù Sơn La, có lúc ông đã thổ ra từng bát máu, rồi cũng có sao đâu. Hơn nữa, bát cơm nào của người lao động chẳng đổi bằng mồ hôi, xương máu. Ông lại nghiến răng vung cuốc. Công việc đang thuận lợi, thu nhập cũng rảnh rang thì… Sư cha cái anh Giôn Xơn, nó lại tuyên bố: Ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nghĩa là, nó ngừng ném bom ở khoảng không gian mà ông sống và đào hầm để kiếm sống. Thế là… ông lại thất nghiệp. Nhưng ơn giời, phúc tổ, các cụ lại nói đúng: Trời sinh voi thì sinh cỏ. Trong lúc chưa biết nên buồn hay vui, khi mà anh Giôn Xơn giở chứng thì ông lại gặp vận may: ông được anh buôn chó tuyển luôn làm phụ tá. Thế là từ đấy, sáng sáng với chiếc xe đạp tòng tọc, với 2 chiếc sọt sắt buộc chắc chắn 2 bên gác ba ga, với cái thòng lọng cắm sau yên, ông thong thả đạp xe sau anh lái chó, đi khắp đường làng ngõ xóm. Đường xá ngoại thành và các vùng quê lân cận nhỏ lắm, xấu lắm. Nắng thì xóc nẩy người. Mưa thì lầy ngập ngụa. Nhưng gió. Nhưng nắng. Nhưng bát ngát cánh đồng. Bỗng thi hứng dạt dào trong ông. Ông dùng ý chí cố gạt nó ra khỏi đầu. Văn chương là thứ cực kỳ nguy hiểm. Vinh quang chẳng đáng là bao mà nhục nhã ê chề thì vô tận. Ngày ra tù ông đã ngầm tự hứa sẽ cai nó, sẽ cạch nó đến già. Nhưng gió, nhưng nắng, nhưng hương đồng gió nội, nhưng những thôn nữ dịu dàng, e ấp như lúa, như ngô… khiến thi hứng giờ đây cuồn cuộn trào dâng. Ông chặc lưỡi . Sao mình lại không viết? Chẳng lẽ những cái mình viết trước đây đều vớ vẩn sao? Cứ viết. Giờ chưa hiểu thì sau sẽ hiểu. Lưu Bang chẳng từng đã đái vào mũ Lục Sinh sao? Sau lại phải dắt cả hoàng tộc và bá quan đi tế trên dòng sông nước Lỗ để mua lòng sĩ phu trong thiên hạ? Lịch sử nhiều nước đã chứng minh chỉ có hôn quân, bạo chúa mới căm thù trí thức, căm thù sách vở. Phải viết. Phải viết. Ông lẩm nhẩm sắp xếp lại ý tứ trong đầu:
“Anh thích chồi thật xanh
Và hoàng hôn giáng đỏ
Con đường làng nho nhỏ
Hun hút vào chân mây…
(Ờ… ờ…) Cánh đồng quê bối rối
Con đường quê ngập ngừng
Hương quê thơm phập phồng
Em dịu dàng, e ấp…
Bỗng, từ một mái nhà lúp xúp ven đường vẳng ra tiếng đàn bà gọi giật giọng: Chó ơi, Chó ơi… ời! Ông ngớ người nhận ra họ gọi mình. Chút tủi thân, tủi phận chợt bật lên làm mắt ông nhòe đi…
… Ông bồi hồi nhớ về một ngày ở thời buôn chó… Ngày ấy, ú ớ gặp hên. Mới nửa buổi ông đã mua được một xe chó đầy. Về đến nhà thì vợ đi trả hàng, con đi học… Ông lôi giấy bút ra viết. Dòng cảm hứng dâng trào. Những con chữ thân quen bừng bừng rạo rực nở rộ trên mặt giấy. Ông cố ngoáy tay thật nhanh cho kịp, cho hết những ý nghĩ vùn vụt xuất hiện trong đầu. Ông cắm cúi viết, miệt mài viết cho đến khi chợt nhận ra vợ và đứa con gái đầu lòng đang ôm nhau thút thít khóc ở góc phòng. Ông thẫn thờ rời bút, hoang mang đến với họ. Mấy năm này gia đình ông đã ở thế ổn định. Khó khăn và nỗi buồn nào vào nhà mà ông không biết? Gạn hỏi ông mới biết, thì ra thấy ông đói viết, ngấu nghiến viết như thằng đói lâu năm vớ được bữa ăn ngon, bà thương bà khóc. Bà nói: Trong người có tơ thì phải nhả, nhưng chớ động tới ai. Viết xong không được mang in mà phải nộp để bà lưu giữ.
- Vâng! Tôi viết thì ai người ta in mà bà lo. Bà giữ cho tôi là tốt rồi.
Ông kéo đứa con gái vào lòng, xoa đầu an ủi nó. Nó ngước mắt nhìn ông nói trong nghẹn ngào:
- Bố ơi! Bố đừng viết nữa, con sợ lắm.
Lời nói trẻ thơ như cật nứa cắt lòng ông. Ông ứa nước mắt tự nói với lòng mình: “Bố hiểu rồi. Con đừng lo. Ngày ra tù là bố biết ngay: Một ngày ngoài ngàn thu ở thù. Khi ở trại làm y sinh, chưa được lên voi, chỉ ở mức lên chó thôi, đi tới đâu, gặp ai bố cũng được “đồng nghiệp” tay bắt mặt mừng, chuyện trò, động viên, chia sẻ… Ngày ra tù, về nhà con thấy đấy. Nhà mình vẫn hoang lạnh như nấm mồ hoang. Bạn bè thân thiết, hàng xóm láng giềng có ma nào đến sẻ chia với mình đâu. Thậm chí ra ngoài đường có người chẳng may gặp bố, họ còn kéo mũ che mặt lảng đi. Bố hiểu rồi, nỗi nhọc nhằn, cực khổ của bố trong những năm ở trại sẽ chẳng là gì so với nỗi nhọc nhằn, tủi hổ của mẹ và các con phải gánh chịu hàng ngày”. Một ngày ngoài ngàn thu ở tù. Bố ơi! Bố đừng viết nữa con sợ lắm. Thảo nào thi sĩ Phúc, văn sĩ Lam cứ phải viết chui, viết lủi. Mỗi lần viết cứ phải lén lút như tội phạm. Những câu thơ hay, những áng văn hay thẫm đẫm tình người – tình vật phải chịu chung số phận đớn đau nơi gầm giường, nóc bếp, đống rơm, chuồng lợn… Ông nghiêm túc nói với con:
- Bác Trần vừa tề gia nội trợ - nữ công gia chánh để bác gái bán hàng vừa viết truyện. Ông Trương vừa bới rác nhặt rau nuôi lợn vừa viết kịch. Bác Phùng vừa cắt tóc vừa làm thơ. Bác Loan vừa câu cá vừa vẽ… Chẳng lẽ bố lại không vừa làm lái chó vừa viết văn được sao? Không đọc không viết bố thấy tiếc thời gian lắm, tủi mình và chưa xứng với mẹ, với các con. Vả lại, không viết nữa tức là bố công nhận mình sai, phải đi tù là đúng.
Đứa con gái ngừng khóc, mặt nó đanh lại, biểu lộ sự sẻ chia nỗi đau với người cha. Nhìn mặt con, ông giật mình chợt nhận ra, trên gương mặt nó, có những nét gì phảng phất nét mặt Việt Vương – Câu Tiễn trong những năm nhẫn nhục. Lòng ông the thắt thương con và lo sợ cái gì lạ lắm đang ẩn giấu trong mắt nó. Ông thủ thỉ nói với con và cũng như nói với lòng mình:
- Con ơi! Oán hờn mà trả bằng oán hờn thì oán hờn ngày càng chồng chất. Con người hơn con vật ở chỗ đối xử với nhau có nghĩa có nhân. Lớn lên rồi con sẽ hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Thánh Găng Đi nói: “Tôi không bao giờ tự hạ thấp mình ngang tầm của bạo lực.” Cái gì đã qua bố con mình cùng cho qua con nhé! Chớ để bụng, đừng thù oán ai cả… Càng đớn đau mình phải sống càng nhân hậu, con có hiểu không?
Lẽ ra ông có thể yên tâm sống trên cõi đời này với vị thế của ông lái chó kiêm văn sĩ, nếu không có một ngày…Ông khẽ lắc đầu… Ngày đó, ông mang chó về giao cho cửa hàng thịt chó Quang Vinh. Người ta rọ mõm con chó lại rồi treo ngược lên cành cây. Hai hàng dãi chó nhễu ra. Trong ánh mắt hoảng loạn của nó, ông nhìn thấy những tia oán hờn, trách móc, nhẫn nhục, xót xa… Người đồ tể xía một đường dao sắc lẹm. Một tia máu phọt ra đỏ hồng ấm như máu người. Con chó oằn mình giẫy giụa trong không gian. Càng giẫy máu càng phọt mạnh. Thế là xong! Một số kiếp nhỏ nhoi, yếm thế trước sức mạnh dửng dưng đến lạnh lùng của bạo tàn. Ông rùng mình, ân hận, xót xa… Thương cho một kiếp chó vốn rất tận tụy, trung thành với con người. Và từ đó ông bỏ việc…
Cứ thế, ông ngồi chết lặng rồi lại mỉm cười mơ hồ nhớ tới chuỗi năm tháng đổi nghề như thay áo. Những ngày ra ngoại thành để đóng gạch thuê. Nhớ một trưa hè nắng như đổ lửa. Đang nhào đất thì bỗng ngứa ran khắp lưng. Chân tay dính đầy bùn đất không làm sao mà gãi được. Chợt nhìn thấy con trâu đang cọ mình dưới gốc đa, thế là ông chạy ngay vào chiếm một chỗ. Bắt chước trâu, ông cọ mạnh tấm lưng trần vào gốc cây sần sùi. Cọ đến đâu sướng run đến đấy. Đang sướng, bỗng ông giật mình nghe thấy tiếng khóc nức nở như từ trên trời rơi xuống. Ngửa mặt lên nhìn thì… Ối giời ơi! Đó là cô đào Bích – nghệ sĩ Bích Đào lừng danh. Bích Đào nói trong tiếng nấc:
- Ngứa mà cũng không biết đường gãi gọn được như trâu… Em không thể ngờ đời anh lại có đận khốn nạn thế này… Về! Về ngay! Em sẽ kiếm cho anh nghề khác.
Ông lại lắc đầu cười, nhớ về những ngày sau đó nặn từng con lợn đất đem bán. Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Người ta có nhiều mối giao hàng. Làm đến đâu có người đến tận nơi lấy hết tới đó. Hơn nữa, họ lại có vốn. Lợn đất của họ, phơi khô xong được đưa vào lò nung qua cho rắn, rồi lại còn được phết một lớp sơn đỏ rực màu. Đằng này lợn đất ông làm tiền đâu mà thuê nung. Đành chỉ phơi khô rồi quét qua một lớp vôi hồng trông cứ nhờn nhợt dài dại. Làm xong không có mối giao. Đành gánh hàng ra chợ bán lẻ. Mua vé vào chợ thì lãi có ngày chẳng đủ tiền vé. Bán ngoài cổng chợ thì công an, quản lý chợ bắt hàng. Gánh rao dọc phố thì tiếng rao đuối hơi, lạc chìm giữa dòng đời ồn ã… Gánh ra ngoại thành thì bán được nhúc nhắc nhưng nhiều lúc gặp mưa giữa đường, giữa đồng thấy cũng nản lòng. Có lần ông đã chịu ướt, dành tấm ni lông che lên miệng thúng mà những cơn gió cứ tớn lên, giật mạnh tấm ni lông để xối những hạt mưa vào những con lợn đất… Mươi phút sau, cả vốn lẫn lãi của ông đã trở thành bùn đất… Ông lắc đầu mủm mỉm cười: rõ đúng, tình thương vô ý gây nên tội. Ông lại bắt đầu những tháng ngày đi tìm việc. Ông nhẩm tính trên ngón tay. Phải mượn thêm cả những ngón chân. Mác-xim Gooc-ky thời lưu lạc trải qua bao nhiêu nghề nhỉ? Ơn giời, cuối cùng ông cũng neo đậu được cuộc đời bằng nghề mộc. Tai ông lại vang lên tiếng gọi: Ê… mộc! Ê… mộc! Tiếng gọi tuy xấc xược nhưng sau nó vẫn là cơm ăn, áo mặc, là tiền bạc, là cuộc sống của gia đình. Ông vẫn hồi hợp chờ mong tiếng gọi như trước đây từng mong thiên hạ gọi chó ơi! Chó ơi! Mấy chục năm gắn bó với nghề mộc cũng mang đến cho ông nhiều buồn vui đáng nhớ. Đoạn đời này nếu viết ra cũng được tập sách dầy cỡ dăm trăm trang chứ ít ỏi gì! Mà nhất định sẽ không tầm tầm, nhàn nhạt. Viết sách về cuộc đời mình ư? Tướng tá, chính khách gì mà hồi ký. Jiu-cốp đâu mà “nhớ lại và suy nghĩ”. Phải, mình sẽ viết lại những kỷ niệm buồn vui của một đời oan trái phải học tập, phải rèn luyện thế nào để giữ được tính người trong một hoàn cảnh trớ trêu, hoang dại. Hơn 40 năm sống trong oan sai mà giúp vợ nuôi 4 con ăn học nên người, viết được dăm chục tác phẩm các loại. Đời người thế kể cũng chẳng đến nỗi nào. Thân phận cỏ cây như thế phải đâu là bèo bọt. Có cây còn nuôi được trâu bò, chó đẻ còn chữa được ỉa chảy, nhọ nồi còn cầm máu hay hạ được cơn sốt… Cỏ cây như thế còn trăm lần hơn, vạn lần gấp những tên tuổi lẫy lừng mà độc hại. Phải, mình sẽ viết lại cuộc đời mình để sẻ chia với bè bạn, người thân. Biết đâu sau này, ai đó ngồi thăm thẳm trên ghế cao quyền lực, đọc cuốn truyện này sẽ phải ngập ngừng nghĩ suy trước khi thò tay ký một quyết định liên quan đến thân phận một con người, dù đó là thân phận con sâu cái kiến.
Cõi trời chỉ có cỏ hoa
Cõi người – nếu có, chỉ là chữ NHÂN.
Nghĩ tới đây, dòng cảm xúc trong ông dâng lên dào dạt. Ông lập cập đeo kính rồi lập cập ngồi ngay ngắn trước màn hình, tay bật máy, tay rê rê con chuột. Rồi như có sức mạnh của quyền năng, các ngón tay ông bắt đầu múa nhanh trên bàn phím. Những con chữ hối hả chen nhau xuất hiện trên màn hình. Ông cứ gõ, gõ, tay như múa… Bỗng ông giật mình ngừng tay khi chợt nghe thấy tiếng nấc rất quen thân của vợ. Tiếng nấc của một thời tưởng đã là ngày xửa ngày xưa, không bao giờ trở lại.
- Ông!... Ông viết cái gì thế này? Sao lại bắt đầu bằng ngày ông bị đi tù, hở giời!
- Tôi viết lại những kỷ niệm buồn vui của đời mình ấy mà.
- Ông dừng ngay, dừng ngay không được viết nữa! Tôi lạy ông, xin ông đấy. Bới lại những cái đó làm gì. Phế thải hạt nhân đã chôn rồi thì không được bới, nguy hiểm lắm, ông a...à…ạ!...
- Bà yên tâm. Bây giờ đổi mới rồi. Con người đối xử với nhau nhân văn hơn trước nhiều rồi. Mà bà còn lạ gì tôi, nào có biết hận thù, căm uất ai đâu mà bà phải lo, phải sợ. Họ đánh mình đau quá thì mình rên. Rên cho nó đỡ đau, bà ạ! Con người ai chẳng có quyền được Rên.
- Sắp xuống lỗ rồi mà ông còn thơ ngây thế? Ông tưởng Rên là tội nhẹ lắm ư? Các ông ngày xưa ngợi ca – hát ông ổng còn bị kẻ độc miệng cho mang vạ. Giờ lại đòi Rên. Quyền được Rên! Ơ hơ…quyền được Rên! Ngớ ngẩn, ngớ ngẩn hết chỗ nói…
Nghe vợ mắng, ông buông tay sững sờ… ờ… ờ… Bà ấy nói… Bà ấy nói… Ông đưa mắt nhìn ra ngoài trời… Mưa! Mưa! Mưa vẫn xối xả. Trong làn mưa mù mịt ông lại thấy quản giáo Quang lừ lừ đi vào, tay vẫy vẫy, miệng làu bàu mà như ra lệnh cho ông: Hồ hởi, phấn khởi nhé! Hồ hởi, phấn khởi nhé!.
Một làn gió lạnh thổi thốc vào nhà. Ông rùng mình, tê buốt.
Cao ốc N5A, Trung Hòa- Nhân Chính, 5/2007
Lê Mai