BỨC THƯ TUYỆT MỆNH CỦA NHÀ VĂN A. FADEEV.
( 22-11-2016 - 02:22 PM ) - Lượt xem: 1141
Nhà văn Xô – viêt Aleksandr Fadeev, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng “Chiến bại” và “ Đội cận vệ thanh niên”, Trước khi rời khỏi thế giới này, nhà văn đã để lại một bức thư tuyệt mệnh gửi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô. Sau hơn 30 năm bị các cơ quan hữu trách bưng bít và dấu kín như một tài liệu tuyệt mật
VỀ BỨC THƯ TUYỆT MỆNH
VÀ CÁI CHẾT CỦA A.FADEEV
Nhà văn Xô – viêt Aleksandr Fadeev, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng “Chiến bại” và “ Đội cận vệ thanh niên”, vốn từ lâu đã trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam, từ trần ngày 13-5-1956 thọ 55 tuổi. Bản cáo phó chính thức đã thông báo: “Vào những năn gần đây A.A. Fadeev đã mắc một chứng bệnh mỗi ngày một nặng - bệnh nghiện rượu, vốn làm suy yếu hoạt động sáng tác của ông…Trong trạng thái sa sút tinh thần trầm trọng do căn bệnh thường kỳ gây ra, A.A. Fadeev đã kết thúc cuộc đời bằng tự sát ”.
Trước khi rời khỏi thế giới này, nhà văn đã để lại một bức thư tuyệt mệnh gửi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô.
Sau hơn 30 năm bị các cơ quan hữu trách bưng bít và dấu kín như một tài liệu tuyệt mật, ngày nay, trong không khí đổi mới và công khai của công cuộc cải tổ của Liên Xô, dưới sức ép của dư luận xã hội, bức thư của Fadeev vừa được công bố rộng rãi trên tờ Báo Văn học số 41 ra ngày 10/10/1990 cùng một loạt hồi ký và bài viết chung quanh bức thư đó. Để cung cấp thêm một ít tư liệu đáng chú ý về cuộc đời và hoạt động văn học của A.A. Fadeev, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn nội dung bức thư tuyệt mệnh của ông và một số ý kiến của nhà thơ Xô – viết nổi tiếng là Evgenij Evtushenko cũng như trích đoạn hồi ký của con trai Fadeev là Mikhail Aleksandrovich Fadeev về cái chết của nhà văn.
BỨC THƯ TUYỆT MỆNH
CỦA NHÀ VĂN A. FADEEV.
Gửi Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô.
Tôi không nhìn thấy khả năng để tiếp tục sống nữa, bởi lẽ nghệ thuật mà tôi dâng hiến cuộc đời mình, đã bị hủy hoại bởi những người lãnh đạo quá tự tin và dốt nát của Đảng và bây giờ họ không thể nào sửa chữa được nữa. Những cán bộ ưu tú nhất của văn học với số lượng mà bọn quan chức dưới chế độ Nga Hoàng thậm chí nằm mơ cũng không thấy, đã bị tiêu diệt về mặt thể xác hoặc đã bỏ mình do thái độ dung túng tội lỗi của các nhà cầm quyền, những người ưu tú nhất của văn học đã chết ở lứa tuổi quá sớm, tất cả những người khác, những người có đôi chút khả năng tạo ra những giá trị thật sự, đã chết khi chưa tới 40-50 tuổi.
Văn học, một sự nghiệp thiêng liêng, đã bị dày xéo bởi bọn quan liêu và những phần tử lạc hậu nhất của nhân dân, và từ trên các diễn đàn cao nhất như Hội nghị Đảng bộ Mạc Tư Khoa hoặc Đại hội Đảng lần thứ XX đã vang lên một khẩu hiệu mới “ Tóm lấy nó!” (1) Biện pháp mà người ta định dùng để “chấn chỉnh” tình hình, đã gây nên sự phẫn nộ: đã tụ tập lại được một nhóm toàn những kẻ ngu dốt, trừ một số người chính trực song cũng ở trạng thái bị săn đuổi bởi vậy họ không thể nói lên được sự thật, và những kết luận vốn mang tính chống Lênin sâu sắc bởi lẽ chúng xuất phát từ những thói quen quan liêu thường đi kèm theo với việc đe dọa vẫn bằng “cái dùi cui” ấy.
Hồi Lênin còn sống, thế hệ chúng tôi đã đi vào văn học với cảm giá tự do và cởi mở về thế giới biết bao, những sức mạnh vô biên đã tràn ngập tâm hồn chúng tôi và chúng tôi đã và sẽ có thể sáng tạo ra những tác phẩm tuyệt vời biết bao.
Sau khi Lênin từ trần, chúng tôi đã bị hạ thấp xuống địa vị lũ con nít, đã bị tiêu diệt, bị hăm dọa về mặt tư tưởng và người ta đã gọi cái đó là “tính đảng” và giờ đây khi tất cả những điều đó có thể uốn nắn lại thì đã bộc lộ tính thô thiển, sự dốt nát, thái độ tự tin kệch cỡm của những người cần phải uốn nắn lại tất cả những cái đó. Văn học chịu sự điều hành của những kẻ bất tài, nhỏ nhen, hay gây thù oán. Một số ít người còn giữ được trong lòng ngọn lửa thiêng liêng thì lại ở trong tình cảnh của những kẻ cùng khổ và về mặt tuổi tác thì chẳng còn sống được bao lâu nữa và trong lòng không còn một sự kích thích nào để sáng tác.
Vốn sinh ra để sáng tác vì chủ nghĩa cộng sản, từ năm mười sáu tuổi đã gắn bó với Đảng, với những người công nhân và nông dân và được trời phú cho một tài năng khác thường, tôi mang đầy những tư tưởng và tình cảm cao cả mà chỉ có thể được sản sinh ra bởi cuộc sống của nhân dân gắn liền với lý tưởng đẹp đẽ của chủ nghĩa cộng sản.
Nhưng tôi đã bị biến thành con ngựa thồ, suốt đời lê bước, chở trên lưng vô vàn những công việc quan liêu, vô tích sự mà bất cứ người nào cũng có thể làm được. Và ngay cả giờ đây, vào lúc tổng kết cuộc đời mình, tôi thấy không chịu nổi khi nhớ lại tất cả khối lượng những lời quát mắng nạt nộ, những lời dạy bảo và những thói hư tật xấu về ý thức hệ được trút xuống đầu tôi, xuống người mà nhân dân tuyệt vời của chúng ta có quyền tự hào bởi chút tài năng cộng sản đích thực và khiêm nhường của tôi. Văn học – một thành quả cao nhất của chế độ mới – bị lăng nhục, bị hãm hại. Thói tự mãn của bọn mới phất lên nhờ học thuyết Lênin vĩ đại, thậm chí ngay khi họ đưa nó – cái học thuyết ấy – ra mà thề thốt, đã dẫn tôi đến chỗ hoàn toàn mất tin tưởng vào họ, bởi vì ở họ có thể chờ đợi những cái còn tồi tệ hơn, so với vị bạo chúa Stalin. Stalin ít ra còn có học, còn những kẻ này toàn là đồ ngu dốt.
Cuộc đời tôi với tư cách một nhà văn đã mất hết ý nghĩa và tôi rời khỏi cuộc đời này với niềm vui sướng rất lớn như được giải thoát khỏi sự tồn tại ô nhục, nơi mà sự đê tiện, thói giả dối và vu khống sẵn sàng trút xuống anh.
Niềm hy vọng cuối cùng của tôi là chí ít nói ra điều đó cho những người đang điều hành nhà nước biết, nhưng trong suốt ba năm, bất chấp những lời thỉnh cầu của tôi, người ta thậm chí không buồn tiếp tôi.
Xin hãy chôn tôi bên cạnh mẹ tôi.
13/5/1956
AL. FADEEV
LÊ SƠN DỊCH VÀ GIỚI THIỆU