ANH CẢ LÊ QUANG HÒA QUẬN TRƯỞNG CÔNG AN QUẬN 6 HÀ NỘI LÀ AI?
( 17-04-2015 - 07:10 AM ) - Lượt xem: 1906
Khi kết thúc buổi lễ ông nói thêm: “Tổ quốc sẽ ghi công các em trong sổ vàng lịch sử. Chúc các em hoàn thành nhiệm vụ”.Và Ngày 18/2/2013 taị hội trường Công an Hà Nội Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt đã vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Đúng như lời nói của người quận trưởng công an quận 6 năm xưa.
Ngày 19/2/1947 tại sân đình Huỳnh Cung ( nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội ), gần 30 thiếu nhi tuổi từ 12-16 đã làm lễ xuất quân và tuyên thệ chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Tại buổi lễ anh cả Lê Quang Hòa, quận trưởng công an quận 6, Hà Nội, người sáng lập đội Thiếu niên tình báo bát sắt đã giao nhiệm vụ cho đội:
…“Các em thân mến! Việc quân ta rút khỏi Thủ đô là nhằm bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Thành phố Hà Nội từng thấm máu đồng bào và chiến sỹ ta, đang bị kẻ thù giày xéo. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm đường trở lại, nắm nhân dân, dựng cơ sở, chuẩn bị cho ngày về giải phóng mai sau. Trước mắt, phải có một con đường riêng biệt, chọc thẳng vào ngoại ô phía Nam, tạo ra một lối đi kín đáo, thuận tiện cho việc dẫn đưa cán bộ đi về hoạt động. Nó là mạch máu của trái tim kháng chiến truyền vào cơ thể Thủ đô đang tạm bị chiếm”
Khi kết thúc buổi lễ ông nói thêm: “Tổ quốc sẽ ghi công các em trong sổ vàng lịch sử. Chúc các em hoàn thành nhiệm vụ”.
Bắt đầu từ đây Đội thiếu niên tình báo bát sắt đã làm nên những chiến công vang dội như: Chuyển lệnh của ông Phùng Thế Tài- Tư lệnh quân sự Liên khu 2 cho Tiểu đoàn 202 rút khỏi vòng vây của địch ở khu học xá Việt Nam (nay là phố Bạch Mai- Hà Nội); đưa ông Trần Quang Cơ- quân báo viên quận 6 bị lạc trở về đơn vị (sau này ông Cơ trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); dẫn đường cho một tiểu đội quân Quyết tử vào nghiên cứu đánh địch trong lòng Hà Nội. Đặc biệt chuyển thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo đến các nhân sỹ, trí thức, vận động họ đi theo cách mạng. Các giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vợ, kỹ sư, Thứ trưởng Bộ Giao thông Đặng Phúc Thông, bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Phạm Khắc Quảng, Trần Văn Lai, các luật sư Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Bùi Tường Chiểu… đã đi theo cách mạng.
Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt cũng trực tiếp đưa ông Phan Khắc Hòe, nguyên đổng lý văn phòng của vua Bảo Đại và hai con trai cùng vợ chồng kỹ sư Đặng Phúc Thông vượt vòng vây địch lên chiến khu Việt Bắc, được Hồ Chủ tịch đánh giá là một thắng lợi lớn của cách mạng. Đội còn tổ chức xử tử hình tên việt gian Paquet (Lê Hữu Bá Kế) tại nhà riêng; nắm địa chỉ nhà riêng, quy luật hoạt động của tên việt gian Trương Đình Tri, Chủ tịch hội đồng an dân Bắc Kỳ, để đưa đường cho đội trừ gian của ta tiêu diệt…”
Ngày 18/2/2013 taị hội trường Công an Hà Nội Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt đã vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Đúng như lời nói của người quận trưởng công an quận 6 năm xưa.
Một điều rất buốn đối với các thành viên tham dự đón nhận danh hiệu Anh hùng hôm đó là không có mặt người anh cả đáng kính và thân thiết của họ, người đã rèn luyện lãnh đạo họ để họ có những thành tích mà hôm nay họ đươc Nhà nước ghi nhận. Vậy Anh cả Lê Quang Hòa là ai mà không tham dự và ghi nhận?
Điều đó luôn ám ảnh trong tôi, tôi đã hỏi tác giả Phạm Thắng trong lần gặp ông hồi tháng 11/2014 nhưng ông cũng tránh không trả lời.
Thật may mắn, trong một lần vui cùng bạn bè, anh Nguyễn Quốc Cường một thành viên tham gia CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng từ ngày đầu thành lập sống ở Ba Lan và Hà Nội đã giới thiệu với tôi làm quen với anh Lê Minh Quốc, anh nói rõ thêm anh Quốc là con trai của bà Lê Thi, người kéo cờ trong lễ Độc Lập 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình và ông Lê Hồng Hà nguyên Đại tá công an có thời kỳ là chánh văn phòng Nội Vụ nay là Bộ Công An.
Nghe đến cái tên Lê Hồng Hà tôi giật mình nhớ lại đã đọc ở đâu đó ông là Quận trưởng công an quận 6, Hà Nội thời 1946-1948. Không biết có phải là ông không?
9g sáng ngày 28/3/2015 tôi cùng anh Quốc Cường đến 62 Ngô Quyền, Hà Nội thăm ông bà Lê Hồng Hà. Vào cửa chúng tôi thấy bà Lê Thi đang ngồi viết trên bàn, khi nghe lời giới thiệu bà nói ngay
- Quốc mới gọi điện về có hai anh đến chơi.
Tôi nhìn kỹ bà, tuy ở tuổi 90 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, tinh anh. Bà kéo ghế mời chúng tôi ngồi ngay cạnh giường của một cụ ông nằm nghỉ và nói với ông:
- Bạn của thằng Quốc đến thăm, sáng nó đã điện về báo.
Biết đây là ông Lê Hồng Hà, tôi ngồi xuống bên cạnh cầm tay ông trong lúc anh Cường đã nhiều lần đến thăm hai ông bà lên tiếng giới thiệu về tôi với ông.
Nghe nói tôi là một người đọc nhiều sách và yêu thích tìm hiểu về lịch sử nước nhà, muốn có dịp gặp, nói chuyện với nhân chứng lịch sử và hiện đang mở thư viện phục vụ cộng đồng, ông Hồng Hà cười hiền hậu, khen.
- Đáng quý lắm, bây giờ người ta lo kiếm tiền, những người như anh hiếm lắm.
Ông lại nói: Hôm nay anh đến có việc gì hỏi tôi không?
Đã chuẩn bị sẵn, tôi mạnh dạn hỏi:
- Bác là Quận trưởng công an quận 6, thời kỳ 1946-1948 phải không ạ?
Tác giả với ông bà Lê Hồng Hà-Lê Thi tại nhà của ông bà
Ông nở nụ cười hiền hậu và tự hào nói:
Đúng tôi đấy! và cũng là chỉ huy điệp báo Hà Nội.
Tôi hỏi thẳng vấn đề:
- Bác là người thành lập Đội thiếu niên tình báo bát sắt đúng không ạ?.
Ông vỗ vào ngực mình nói:
- Là tôi đấy!
Tôi thấy thế hỏi luôn:
- Bác là Lê Quang Hòa?
Vẫn nụ cười ấy ông trả lời dí dỏm:
- Lê Quang Hòa là tôi cũng chính là Lê Hồng Hà đang nằm đây..
Và ông tiếp tục câu chuyện :
- Anh đã gặp Phạm Thắng chưa ?
- Dạ ! Cháu gặp hai lần rồi ạ ! Tôi lễ phép trả lời ông.
Ông Quang Hòa :
- Phạm Thắng nói gì về tôi ?
- Dạ ! chú Phạm Thắng luôn trân trọng bác, trân trọng anh cả Lê Quang Hòa.
Ông tươi cười và nhận xét :
- Phạm Thắng được lắm, một con người có tư cách !
Ông hỏi tiếp :
- Anh gặp Trần Vân (1) chưa ?
- Dạ ! cháu chưa gặp.
- Trần Vân là một con người có tư cách…
Nói đến đây ông rút bàn tay phải của ông ra khỏi tay tôi làm động tác sấp ngửa 2 lần và nói tiếp :
- Hồi đó Trần Vân là một người nhanh nhẹn, sắc sảo nên tôi rút về làm thư ký cho tôi sau vài tháng hoạt động ở dưới đội tình báo.
Trong một bài báo viết về Đại tá Trần Vân có tên Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt: Người giữ tấm bản đồ bí mật thì ông Trần Vân ở đội « Đến khoảng giữa năm 1948 do công an Hà Nội cơ cấu lại tổ chức đội Quân báo thiếu niên Bát Sắt được giải thể. Ông được chuyển sang làm ở nhiệm vụ mới, nhưng dù ở vị trí nào ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và quan niệm một lòng, một dạ với cách mạng.” (2)
Ngồi hơn 30 phút thấy sức khỏe ông Hồng Hà không được tốt, tôi và người bạn bắt tay ông xin phép ra về. Ông cầm chặt tay tôi nói thêm.
- Tôi và anh còn phải gặp nhau lần nữa để nói cho rõ hơn về một thời oanh liệt. Còn bây giờ thì tôi hết thời rồi.
Nắm lấy tay ông đứng dậy tôi nói:
- Nhưng hai bác là nhân vật lịch sử mà thế hệ sau phải ghi nhớ công lao.
Tôi mạn phép sửa chữa câu nói của ông với Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt hôm làm lễ xuất quân ngày 19/2/1947, và nói
- Tổ quốc sẽ ghi công hai bác trong sổ vàng lịch sử
Buổi chiều tôi cùng cô con nuôi đến thăm ông Phạm Thắng, tôi muốn nhờ cháu viết một bài về chân dung đời thường hiện nay của tác giả Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt. Nhân đây tôi cũng muốn xác minh thêm thông tin mới nghe được sáng nay. Thật tuyệt, lần này ông Phạm Thắng đã thẳng thắn công nhận Lê Quang Hòa chính là anh cả Lê Hồng Hà và cung cấp thông tin về Đại tá Trần Vân. Ngoài ra, ông còn kể cho cha con tôi nhiều chuyện chưa nói đến, những mẩu chuyện này sẽ được tôi viết trong thời gian thích hợp.
---------------------------------------
Chú thích
(1)Trần Vân tên thật là Hoàng Văn Quyến, nguyên Đại tá Phó cục trưởng cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh I, bộ Công an là nhân vật Hoàng Quyến trong truyện Đội thiếu niên tình báo bát sắt
(2) Đoạn trích nguyên văn trong bài Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt: Người giữ tấm bản đồ bí mậtcủa tác giả Thành Huế
PHẠM THẾ CƯỜNG